Gia đình và hôn nhân ở Việt Nam thay đổi như thế nào?
Trong nhiều năm
qua, hệ thống giá trị trong hôn nhân, gia đình Việt Nam có nhiều thay
đổi. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều yếu tố mới được nhiều người
quan tâm như hôn nhân đồng tính, quan hệ tình dục trước hôn nhân, giáo
dục sức khỏe sinh sản... Để tìm hiểu rõ hơn về những thay đổi này và
những quan niệm mới về hệ giá trị hôn nhân và gia đình, VHNA đã có buổi
trao đổi với TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển
Xã hội (ISDS), một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về hôn nhân, gia
đình, tình dục và sức khỏe sinh sản.
Phóng viên (PV):Trong nhiều năm qua, hệ
giá trị trong gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Từ các gia đình ba
bốn thế hệ cùng sinh sống tách ra thành gia đình hạt nhân là chủ yếu.
Cùng với nó sự thay đổi vị thế của các thành viên và nhiều giá trị cốt
lõi trong gia đình. Bên cạnh các giá trị truyền thống của gia đình Việt
Nam thì có thêm sự xuất hiện nhiều giá trị gia đình phương Tây. Là một
chuyên gia trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, bà nghĩ thế nào về vấn
đề này?
TS Khuất Thu Hồng (KTH):Mấy thập kỷ gần đây đã chứng
kiến nhiều thay đổi của gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng những
thay đổi đó không phải là do ảnh hưởng của văn hoá phương Tây mà chủ
yếu xuất phát từ những thay đổi kinh tế-xã hội và điều kiện sống ở Việt
Nam. Ví dụ, việc phần lớn các gia đình lựa chọn mô hình hạt nhân với một
hoặc hai thế hệ hoàn toàn không phải là ảnh hưởng của phương Tây. Mô
hình tam, tứ đại đồng đường vốn luôn luôn chỉ chiếm một phần nhỏ trong
lịch sử. Trong nhiều thế kỷ qua, gia đình hạt nhân vẫn luôn luôn là mô
hình phổ biến nhất, thường chiếm trên dưới 70% tổng số hộ trong cả nước[1].
Đại đa số các gia đình Việt Nam lựa chọn sống trong gia đình hạt nhân
và sống gần cha mẹ già. Sở dĩ mô hình này luôn chiếm ưu thế vì nó phù
hợp với điều kiện sống và lối sống của người Việt Nam. Thế hệ các cha mẹ
già thay vì sống chung cùng nhà với các con cũng ngày càng ưa thích
sống độc lập và duy trì mối quan hệ gần gũi với con cái. Vì vậy, việc
cho rằng vì ảnh hưởng của phương Tây mà mô hình gia đình nhiều thế hệ
như một nét văn hoá truyền thống đang bị mất đi là không có cơ sở.
Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng bình đẳng hơn,
nhất là giữa vợ và chồng. Sự thay đổi này cũng không phải do phương Tây
mang lại mà là do cuộc sống thực tế và nỗ lực của phụ nữ trong việc
tham gia lao động có thu nhập và nâng cao trình độ học vấn. Tỉ lệ biết
chữ cũng như tỉ lệ có bằng cấp cao của phụ nữ không hề thua kém nam
giới. Những thay đổi này cải thiện vị trí của phụ nữ trong gia đình,
khiến cho tiếng nói của họ cũng ngày càng được tôn trọng hơn. Quan hệ
cha mẹ-con cái cũng ngày càng dân chủ hơn vì các thế hệ càng về sau càng
hiểu biết hơn do có điều kiện học hành và tiếp cận tri thức nhiều hơn.
Vì thế con cái ngày càng chủ động hơn trong những quyết định hệ trọng
liên quan đến bản thân mình như nghề nghiệp, việc làm và hôn nhân hay
cách sống.
Tôi không coi gia đình là một thực thể thụ động bị áp đặt bởi các giá
trị bên ngoài và phải tiếp nhận một cách ép buộc. Ngược lại, tôi thấy
rằng gia đình Việt Nam chủ động thay đổi để phù hợp với những biến đổi
kinh tế xã hội và văn hoá trong quá trình phát triển của đất nước. Tôi
không gọi đó là các giá trị của phương Tây vì chúng không phải là độc
quyền của gia đình phương Tây mà là những thay đổi tiến bộ, tất yếu, và
không thể cưỡng lại của nhân loại trong quá trình phát triển. Hoặc cho
dù chúng ta có tiếp nhận những giá trị đó từ phương Tây chăng nữa thì đó
cũng là sự tiếp nhận tích cực và sáng suốt trong quá trình hội nhập với
thế giới. Điều tôi muốn nói thêm là quan hệ bình đẳng và dân chủ trong
gia đình Việt Nam nếu được coi là ảnh hưởng của phương Tây thì còn xa
mới giống như phương Tây nhưng sự cải thiện là có thật.
PV:Theo bà, gia đình Việt Nam sẽ đi theo
những mô hình nào? Nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi trong hệ giá trị
của gia đình Việt Nam? Có cần phải bảo tồn các giá trị gia đình truyền
thống hay cần có một sự thay đổi về hệ giá trị văn hóa trong gia đình
Việt Nam?
KTH:Tôi cho rằng gia đình hạt nhân sẽ vẫn tiếp tục là
mô hình chủ đạo và sẽ ngày càng phổ biến hơn nữa, nhất là khi dịch vụ xã
hội chăm sóc người cao tuổi được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, khác với
gia đình phương Tây, các thế hệ con cái ở Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục duy
trì cách sống gần cha mẹ già để có thể thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ.
Tôi cho rằng đó là lựa chọn tối ưu và mang bản sắc Việt Nam. Quy mô gia
đình phần lớn sẽ dao động xung quanh hai đến bốn người với một cặp vợ
chồng và một đến hai đứa con. Tuy nhiên, số gia đình độc thân và gia
đình chỉ có cha hoặc mẹ sống với con, sẽ tăng lên vì số người không kết
hôn và số người ly hôn sẽ tăng, dù chậm hơn nhiều so với các nước khác.
Quan hệ trong gia đình sẽ ngày càng dân chủ và bình đẳng hơn. Phụ nữ sẽ
ngày càng có cơ hội nâng cao thu nhập, thành công trong sự nghiệp và
tham gia các hoạt động xã hội vì nam giới sẽ ngày càng chia sẻ công việc
gia đình nhiều hơn. Con cái ngày càng tự lập và chủ động trong cuộc
sống vì cha mẹ ngày càng tôn trọng quyền tự quyết của con hơn.
Sẽ không phải là tôi hay bất kỳ ai có thể nói rằng gia đình Việt Nam
cần thay đổi hay giữ nguyên. Những thay đổi trong các giá trị gia đình,
như đã nói ở trên, sẽ chủ yếu là xuất phát từ những thay đổi kinh tế xã
hội và văn hoá vĩ mô. Sự tiếp cận với các nền văn hoá khác trong quá
trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ với thế giới có thể sẽ thúc đẩy sự thay
đổi đó diễn ra nhanh hơn.
Nếu ai đó coi các giá trị gia đình truyền thống là tam tứ đại đồng
đường, là tôn ti trật tự theo kiểu “phu xướng, phụ tuỳ” và “quyền huynh
thế phụ” thì họ sẽ thất vọng trước những thay đổi nói trên. Họ có thể
nuối tiếc các giá trị cũ và hoang mang trước sự xuất hiện của các giá
trị mới. Họ sẽ cho rằng quan hệ gia đình mới là lỏng lẻo. Trước sự cải
thiện vị thế của phụ nữ và thế hệ trẻ họ sẽ cảm thấy quyền lực gia
trưởng bị thách thức. Mong muốn duy trì một gia đình truyền thống như
vậy là lỗi thời và không khả thi.
Nhưng các giá trị truyền thống khác của gia đình Việt Nam như con cháu
nhớ đến cội nguồn, biết ơn tổ tiên, gắn bó với gia tộc, con cái hiếu
thảo với cha mẹ, cha mẹ có trách nhiệm với con cái, anh chị em có trách
nhiệm với nhau … là những giá trị quý báu cần được gìn giữ và phát huy.
PV:Nếu phải thay đổi, thì theo bà, cần định hướng sự thay đổi đó như thế nào?
KTH:Như tôi đã nói ở trên, những thay đổi của gia đình
gắn liền với những thay đổi vĩ mô – theo kiểu con gà - quả trứng. Vì
vậy khó có thể dùng từ “định hướng”. Lịch sử đã chứng minh sự thất bại
của cách làm duy ý chí. Nhưng những chính sách phát triển kinh tế xã hội
và văn hoá sáng suốt có thể tạo điều kiện cho gia đình phát triển mà
tránh được những cú sốc hoặc tránh được khủng hoảng. Ví dụ các chính
sách về phúc lợi xã hội, an sinh xã hội trong việc chăm sóc người cao
tuổi và trẻ em sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ. Sự cải thiện chất
lượng các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, giao thông công cộng … sẽ
thực sự tác động tích cực đến mỗi gia đình, nâng cao chất lượng cuộc
sống của tất cả các thành viên và giảm bớt sự căng thẳng cho những lao
động chính của gia đình. Các chính sách văn hoá-xã hội khác về nhà ở, về
các dịch vụ văn hoá, vui chơi, giải trí, truyền thông đại chúng … cũng
có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hỗ trợ gia đình giáo dục nhân
cách và lối sống cho thế hệ trẻ. Thực ra, khó có thể “định hướng” cho
gia đình đình phát triển lành mạnh nếu xã hội không phát triển lành
mạnh. Mọi quan hệ xã hội đều phản chiếu trong quan hệ gia đình. Một
người cha tham nhũng, lạm quyền, cơ hội liệu có thể dạy con mình sống
trong sạch, trung thực, đàng hoàng? Liệu những đứa trẻ có học được cách
trân trọng những giá trị của lao động chăm chỉ nếu hàng ngày nhìn thấy
trên tivi hay báo chí tràn ngập các quảng cáo hàng hiệu và các bài báo
lăng xê các ngôi sao với các hình ảnh của lối sống xa hoa, phù phiếm?
Nếu xã hội không thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn thì mọi “định hướng”
cho gia đình hay cá nhân đều vô nghĩa.
PV:Quan hệ hôn nhân ở Việt Nam đang có nhiều thay đổi. Tại sao vậy, thưa bà?
KTH:Ở đây tôi muốn nói đến giá trị hay ý nghĩa của hôn
nhân ở Việt Nam. Với đại đa số người Việt Nam, hôn nhân và gia đình vẫn
là giá trị quan trọng nhưng sự gia tăng dù đang còn chậm của tỉ lệ ly
hôn, ly thân, cùng với sự gia tăng của con số những người sống lựa chọn
cuộc sống độc thân cho thấy với một bộ phận người Việt Nam, chúng đã
không còn là những giá trị hàng đầu. Sự nghiệp và tự do đang trở thành
những giá trị quan trọng nhất đối với một số người.
Theo tôi, tỉ lệ những người lựa chọn sống độc thân cũng như tỉ lệ ly
hôn sẽ gia tăng theo thời gian, tương tự những gì đã và đang diễn ra ở
các nước có nhiều điểm tương đồng về văn hoá trong khu vực như Đài Loan,
Hàn Quốc, Nhật Bản …
Nguyên nhân chính của hiện tượng này có lẽ là sự độc lập về kinh tế của
cá nhân và cùng với nó là quan hệ bình đẳng, dân chủ trong gia đình.
Trong xã hội hiện đại, hôn nhân sẽ không còn là lợi ích hay trách nhiệm
của đại gia đình mà cá nhân mới có quyền định đoạt có kết hôn hay không
và nếu có thì kết hôn khi nào. Hơn nữa cá nhân cũng ngày càng có ý thức
hơn về vai trò và trách nhiệm của mình với người khác. Khi mức sống
tăng lên, chất lượng cuộc sống được cải thiện thì yêu cầu của con người
về điều kiện sống như nhà ở, tiện nghi sinh hoạt, chất lượng nuôi dạy
trẻ em, … sẽ ngày càng cao. Không phải ai cũng có thể đáp ứng các nhu
cầu đó nên một số người tự thấy không có khả năng đảm bảo một cuộc sống
gia đình theo tiêu chuẩn họ mong muốn thì sẽ trì hoãn hôn nhân, thậm chí
từ chối hôn nhân. Sức ép từ cuộc sống hiện đại (công việc căng thẳng,
không ổn định, di chuyển nhiều …) cũng là một yếu tố khiến hôn nhân trở
nên khó khăn với một số người. Mặt khác, những cơ hội để khám phá và
phát huy năng lực cá nhân cũng ngày càng mở rộng dẫn đến việc một số
người mải mê theo đuổi sự nghiệp mà gác lại hoặc bỏ lỡ cơ hội kết hôn.
Ly hôn cũng sẽ gia tăng vì cá nhân chứ không còn là gia đình quyết định
việc một cặp vợ chồng có mâu thuẫn có nên tiếp tục chung sống hay
không. Sự độc lập về kinh tế cũng là một lý do khiến những người không
hài lòng với cuộc hôn nhân của mình đi đến quyết định ly hôn. Mặt khác,
sự cởi mở của xã hội trong cách nhìn nhận về ly hôn cũng giúp cho những
người đó mạnh dạn hơn trong việc ra quyết định.
PV:Theo bà, có những yếu tố mới xuất hiện trong hôn nhân. Đó những yếu tố nào vậy? Nguyên nhân nào tạo ra những yếu tố mới này?
KTH:Ngoài những yếu tố đã đề cập ở trên như là sự thay
đổi trong vị thế của các thành viên gia đình và mối quan hệ giữa họ
theo xu hướng bình đẳng và dân chủ hơn thì có hai hiện tượng mới thú vị:
Thứ nhất, hiện tượng làm mẹ đơn thân đã xuất hiện ở Việt Nam trong nhóm
những người không có điều kiện kết hôn và cả trong nhóm có điều kiện
nhưng không lựa chọn hôn nhân. Với cả hai nhóm này, hôn nhân chưa hẳn đã
giúp khẳng định nữ tính cũng như bảo đảm chỗ dựa cho tương lai, nhưng
đứa con thì có. Điều thú vị là xã hội dường như không sốc trước hiện
tượng này và trong một bộ phận nhất định còn thông cảm và ủng hộ những
phụ nữ đó.
Thứ hai, việc sống chung của những cặp đồng tính, dù chưa phổ biến
nhưng có xu hướng tăng, nhất là sau khi Luật Hôn nhân và Gia đình sửa
đổi 2104 xóa bỏ điều 10 cấm hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
PV:Những yếu tố mới này xuất hiện trong hôn nhân đã ảnh hưởng như thế nào đến văn hóa truyền thống của người Việt?
KTH:Lựa chọn làm mẹ đơn thân và việc sống chung của
các cặp đồng tính cũng gây ra quan ngại trong một số người. Có người thì
lo lắng cho tương lai của những đứa trẻ lớn lên trong gia đình thiếu
vắng người cha. Một số người khác thì băn khoăn rằng hôn nhân đồng tính
sẽ làm ảnh hưởn giống nòi … Tuy nhiên, những lo lắng của họ hoàn toàn
không thuyết phục. Trước hết, tỉ lệ những người lựa chọn làm mẹ đơn thân
cũng như hôn nhân đồng tính rất nhỏ, không thể ảnh hưởng đến sự phát
triển quy mô và chất lượng dân số Việt Nam. Nếu phải lựa chọn thì rõ
ràng việc những đứa trẻ lớn lên chỉ với những người mẹ quan tâm chăm sóc
đầy đủ còn hơn những đứa trẻ sống trong gia đình có cả cha mẹ nhưng
người cha lại là gương xấu.
Tôi cho rằng sự chấp nhận hai xu hướng này không làm phương hại gì đến
văn hoá truyền thống, trái lại, nó chỉ càng khẳng định tính cởi mở và dễ
thích nghi của văn hoá Việt nam mà thôi.
PV:Vừa rồi dư luận nói nhiều đến hôn nhân
đồng tính. Nhiều người đã đổ ra đường để kêu gọi người khác ủng hộ hôn
nhân đồng tính và đề nghị nhà nước công nhận hôn nhân đồng tính. Vậy, bà
quan niệm thế nào về hôn nhân đồng tính? Đó có phải là đi ngược với văn
hóa truyền thống hay không? Chúng ta có nên chấp nhận hôn nhân đồng
tính hay không? Tại sao?
KTH:Tôi ủng hộ hôn nhân đồng tính và là một trong
những người tham gia vào các diễn đàn gửi khuyến nghị lên quốc hội đề
nghị chấp nhận hôn nhân đồng tính. Tôi giành khá nhiều thời gian để tìm
hiểu về hôn nhân đồng tính, lịch sử, diễn biến cũng như các vấn đề liên
quan, tôi thấy hôn nhân đồng tính không hề gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự
phát triển của bất kỳ xã hội nào. Ngược lại, chấp nhận hôn nhân đồng
tính cũng có nghĩa là tôn trọng quyền bình đẳng của người đồng tính và
mang lại hạnh phúc cho họ. Một xã hội nhân đạo và văn minh phải đảm bảo
cho mọi công dân của mình được bình đẳng với nhau trong mọi khía cạnh.
PV:Quan hệ tình dục là một vấn đề quan
trọng trong đời sống hôn nhân và gia đình. Trước đây, vấn đề này được
đưa vào quy phạm đạo đức để đánh giá con người, đặc biệt là người phụ
nữ. Nó còn được xem là một chuyện tế nhị, nhạy cảm, không nên nói với
người khác. Và người ta tránh đi vấn đề tình dục khi nói đến hôn nhân,
gia đình. Theo bà, tình dục có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống hôn
nhân và gia đình? Và nhận thức về quan hệ tình dục trong đời sống gia
đình trong thời gian qua đã thay đổi như thế nào?
KTH:Tình dục là quan hệ trọng tâm của hôn nhân, không
chỉ vì nó liên quan đến chức năng tái sinh sản của gia đình mà nó là một
trong những lý do hàng đầu khiến cho một cặp đi đến cam kết chung sống
lâu dài với nhau. Vì hôn nhân ngày càng là vấn đề của cá nhân nên sự hoà
hợp về tình dục cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với sự khởi
đầu của hôn nhân và sự bền vững của nó. Các cá nhân ngày càng nhận thức
được ý nghĩa của nó nên kiến thức về tình dục ngày nay cũng được coi
trọng hơn trước. Thanh niên chuẩn bị bước vào hôn nhân cũng như các cặp
đang sống trong hôn nhân cũng chịu khó tìm hiểu thông tin về lĩnh vực
này hơn. Có thể nói đời sống tình dục của các cặp vợ chồng ngày nay
phong phú hơn và cũng phức tạp hơn trước đây. Cũng vì thế mà không hiếm
người tuyên bố lý do khiến cuộc hôn nhân của họ tan vỡ là không có sự
hoà hợp về tình dục trong đời sống vợ chồng.
PV:Quan hệ tình dục trước hôn nhân là một
chuyện trước đây rất phê phán, bị xem là vi phạm đạo đức. Người phụ nữ
nếu vi phạm vào điều này có thể bị cộng đồng cạo trọc, bôi vôi, đuổi
khỏi làng. Nói chung là đề cao trinh tiết của người phụ nữ. Bà quan niệm
thế nào về trinh tiết và quan hệ tình dục trước hôn nhân?
KTH:Mặc dù chưa có số liệu chính xác, hầu hết mọi
người đều thừa nhận rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân hiện nay phổ
biến hơn trước đây. Ngày nay, việc các cặp đang trong thời kỳ yêu đương
có quan hệ tình dục không bị đánh giá nặng nề như ngày xưa. Nếu họ đi
đến hôn nhân thì chuyện “ăn cơm trước kẻng” hoàn toàn được bỏ qua. Mọi
người cũng ít soi mói hơn, ít kiểm soát hơn đối với những cặp đang hẹn
hò. Rõ ràng là trong thực tế, thái độ xã hội đối với quan hệ tình dục
trước hôn nhân ngày càng cởi mở hơn. Cho dù trinh tiết vẫn được đề cao
như một giá trị, nhưng tôi cho rằng chủ yếu là trong hoài niệm mà thôi.
Cho dù một số nam giới vẫn bị ám ảnh về trinh tiết nhưng họ cũng thừa
hiểu rằng vì việc ăn cơm trước kẻng là phổ biến và bản thân họ cũng ăn
cơm trước kẻng nên việc đòi hỏi người vợ còn trinh là một điều bất hợp
lý và không công bằng. Những phẩm chất khác của người vợ người chồng
tương lai mới là những điều họ quan tâm khi đi đến hôn nhân. Tôi cho
rằng sự nghiêm túc và chân thành trong tình yêu và tình dục mới là điều
quan trọng nhất trong mối quan hệ.
PV:Tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân ở
Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Và đối với một bộ phận không nhỏ ở
giới trẻ, vấn đề này không còn là vi phạm đạo đức. Vậy nguyên nhân nào
dẫn đến vấn đề này? Đây là một biểu hiện bình thường trong sự thay đổi
quan niệm về tình dục hay là sự đi xuống về đạo đức?
KTH:Thực ra chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được tỉ lệ
QHTD trước hôn nhân tăng lên bao nhiêu phần trăm vì trước đây chưa có
nghiên cứu nào về vấn đề này để có thể so sánh. Tuy nhiên, ai cũng biết
là tỉ lệ QHTD trước hôn nhân tăng lên. Giới trẻ ngày nay coi tình dục
là một phần không thể thiếu của tình yêu. Tôi cho rằng đó là điều bình
thường không thể tránh khỏi trong bối cảnh xã hội ngày nay. Tự do cá
nhân, sự cởi mở trong thái độ xã hội, sự độc lập về kinh tế của phụ nữ …
chính là những lý do dẫn đến sự thay đổi này. Tôi không coi đó là biểu
hiện đi xuống của đạo đức nếu đó là tình dục đồng thuận, có trách nhiệm
và an toàn. Hầu hết những thanh niên nam nữ có quan hệ tình dục trước
hôn nhân nhưng vẫn là các công dân tốt, sau này họ vẫn trở thành những
ông bố bà mẹ tốt, biết nuôi dạy con cái khoẻ mạnh, giỏi giang, thậm chí
còn tốt hơn những thế hệ trước. Còn bất kỳ tình dục nào, trong hay trước
hôn nhân nhưng không đồng thuận, ép buộc và bạo lực mới thì đó chính là
thiếu đạo đức. Nói như vậy không phải là khuyến khích tình dục trước
hôn nhân mà để tránh sự khiên cưỡng, giáo điều và lỗi thời trong cách
nhìn nhận những thay đổi xã hội.
PV:Một vấn đề khá nhức nhối và cũng liên
quan đến đời sống hôn nhân, gia đình, sức khỏe tình dục là vấn đề mại
dâm. Nhiều nước phát triển cao cũng phải chấp nhận các lao động tình dục
và quản lý qua các “phố đèn đỏ”. Ở Việt Nam chưa công nhận các “phố đèn
đỏ” nhưng nạn mại dâm thì vẫn phổ biến ở nhiều nơi, nhất là các đô thị
lớn. Vậy theo bà, chúng ta có nên công nhận “phố đèn đỏ” hay không? Và
nếu công nhận thì lợi và hại của nó như thế nào?
KTH:Mại dâm tồn tại song song cùng lịch sử nhân loại.
Kể từ khi gia đình xuất hiện thì khi đó mại dâm cũng ra đời. Mại dâm chủ
yếu là để phục vụ những người đàn ông có nhu cầu tình dục nhưng không
có điều kiện để thoả mãn vì họ chưa có vợ hoặc không có bạn tình, hoặc
goá vợ … Tuy nhiên, không ít những người đàn ông không thuộc các nhóm
trên cũng tìm đến mại dâm. Đó cũng là một trong những lý do khiến mại
dâm phát triển mạnh ở nhiều nơi khiến việc kiểm soát mại dâm trở nên khó
khăn. Theo quan điểm của tôi nên thừa nhận mại dâm để quản lý nó tốt
hơn. Tuy nhiên, với tình hình thực thi luật pháp rất kém ở Việt Nam,
việc quy hoạch dịch vụ này vào những khu “đèn đỏ” chưa hẳn đã có thể
giúp kiểm soát mại dâm như mong muốn. Tham nhũng và hối lộ là hai yếu tố
khiến việc này khó thành công.
PV:Tôi không đồng tình với việc bêu riếu
phụ nữ bán dâm trên truyền thông trong khi người mua dâm thì gần như vô
can. Quan điểm của bà thì sao?
KTH:Tôi cũng không đồng tính với việc làm đó. Sẽ không
có ai bán được “dâm” nếu không có những người muốn mua nó. Nếu coi mại
dâm là sai trái thì cả người bán kẻ mua đều phải bị xử lý như nhau. Việc
công khai tên tuổi hình ảnh của người bán dâm và giấu nhẹm nhân thân
của người mua dâm chỉ thể hiện thái độ đạo đức giả mà thôi. Và thái độ
đối với mại dâm như vậy chỉ là nửa vời và thể hiện sự phân biệt đối xử
đối với phụ nữ.
PV:Trước nhiều sự thay đổi về đời sống
hôn nhân, gia đình và quan niệm về đời sống tình dục, người ta nói nhiều
về việc giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản. Nhiều người còn kiến
nghị về việc đưa giáo dục giới tính và sức khẻo sinh sản vào trướng học
phổ thông. Vậy bà suy nghĩ thế nào về vấn đề này? Và biện pháp để thực
hiện nó thế nào cho hợp lý?
KTH:Đã từ nhiều năm nay tôi kêu gọi đưa giáo dục giới
tính và sức khoẻ tình dục/sinh sản vào nhà trường vì những kiến thức đó
giúp cho con em của chúng ta hành trang để bước vào cuộc sống của người
lớn một cách an toàn và lành mạnh. Những gì đã làm hiện nay rất hời hợt
và nửa vời, chỉ khiến cho trẻ càng thấy tù mù và tò mò hơn mà thôi. Biện
pháp ư: nói thẳng, nói thật với thái độ cởi mở và nghiêm túc, đến nơi
đến chốn. Chẳng thiếu gì tài liệu và kinh nghiệm để chúng ta tham khảo.
Cũng không thiếu người tâm huyết. Các bậc phụ huynh cũng rất thiết tha.
Chỉ cần cánh cửa Bộ Giáo dục mở ra mà thôi.
PV:Là một nhà nghiên cứu về vấn đề hôn
nhân, gia đình và sức khỏe tình dục, bà có những ý kiến gì đóng góp vào
hệ thống quản lý trong việc xây dựng, phát triển văn hóa gia đình cũng
như tạo nên sự lành mạnh về hôn nhân, tình dục trong cuộc sống hiện nay?
KTH:Có lẽ điều đầu tiên cần làm là đừng duy ý chí,
đừng hô khẩu hiệu suông. Các nhà chính sách và quản lý hãy sử dụng các
kết quả nghiên cứu thực tế khi xây dựng chính sách. Khi hô hào giữ gìn
và phát huy truyền thống, hãy thận trọng để không vô tình củng cố và
nuôi dưỡng hệ thống gia trưởng trong phát động phong trào gìn giữ nề nếp
gia phong. Khi giáo dục con cháu thảo hiền phải lưu ý để đừng cổ vũ tư
tưởng quyền huynh thế phụ làm thui chột năng lực cá nhân. Không nên nhấn
mạnh đến “thiên chức” của người phụ nữ để trói chặt họ vào gia đình,
cản trở sự tiến bộ của một nửa nhân loại. Nói tóm lại, đừng đối lập giá
trị phương Tây hay phương Đông mà phải chủ động tiếp nhận những giá trị
tiến bộ của nhân loại.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bùi Hào & Phan Thắng thực hiện
[1] Vào năm 2014, gia đình hạt nhân chiếm tới 65% trong tổng số 24.265 nghìn hộ gia đình trong cả nước.
No comments:
Post a Comment