Hãy đi về nơi ấy
Trần Quốc Việt (Danlambao) - Mấy
ngày hôm nay bất kể ngày và đêm mỗi khi tỉnh thức và cả trong giấc ngủ
dòng suối lịch sử ấy sao cứ vỗ hoài vào lòng người điệp khúc: đừng làm
tủi lòng lịch sử, đừng phụ công lao lịch sử. Hồn lịch sử phảng phất
trong tâm tưởng ta như thúc giục ta phải hành động, phải có trách nhiệm
trước sự sinh tồn của quê hương...
Bạn ơi, bạn hãy chọn đi về nơi ấy -
nơi của những người Việt Nam yêu nước. Hãy chọn cánh cửa của đời mình
làm sao để cho cánh cửa Việt Nam mở ra tươi sáng cho muôn ngàn đời
sau...
*
- Trong tác phẩm Hai Bà Trưng, nhà ái quốc Nguyễn An Ninh viết như sau: "Đời
người giống như canh bạc. Canh bạc chỉ có hai cửa: thắng và thua. Đời
người cũng chỉ có hai cửa: sống và chết; thiện và ác. Nếu ta không chọn,
nếu ta không quyết chí theo con đường của mình, kết cục ta sẽ vẫn phải
đi qua một trong hai cánh cửa ấy để đến danh dự và ô nhục, cao cả hay
hèn nhát. Tuy nhiên có sự khác biệt. Đối với kẻ đánh bài, cứ giữ nguyên
những quân bài làm "nhà" có nghĩa là thua. Còn với ta, con đường đưa đến
chiến thắng là hãy quyết tâm sống và làm theo lẽ phải." (1)
Hai Bà Trưng đã bước qua cửa danh dự và cao cả này để mở đầu lịch sử
cuộc trường chinh bất tận chống giặc ngoại xâm Trung Quốc. Noi gương Hai
Bà, những bậc anh hùng và anh thư của bao thế hệ sau đã đi qua cánh cửa
đời người ấy để đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
Chúng ta không phải là người thừa hưởng di sản của họ. Chúng ta chỉ gìn
giữ và bồi đắp thêm vào di sản ấy để trao lại cho những thế hệ sau chúng
ta. Chúng ta không có quyền làm hao hụt hay hoen ố di sản lịch sử vô
giá của rất nhiều thế hệ tổ tiên đã hy sinh xương máu để gìn giữ và bồi
đắp nên.
Di sản nước Việt Nam chung ấy hôm nay đã bị xâm phạm thô bạo. Mũi khoan
Trung Quốc đâm vào lòng biển chúng ta cũng là mũi khoan đâm vào từng
mạch máu và từng thớ thần kinh trong lương tâm của mỗi người Việt Nam
trong và ngoài nước.
Cho nên dù muốn hay không chúng ta phải xuống đường vì chúng ta phải có
trách nhiệm với những thế hệ sau. Chúng ta hãy rời cửa nhà riêng của
mình để bước vào cửa chung lịch sử đã vinh danh: danh dự và cao cả. Việt
Nam đã và đang tồn tại hơn bốn ngàn năm chính vì rất nhiều người anh
hùng hữu danh và vô danh đã đi qua cánh cửa lịch sử này.
Dòng suối chảy xa đến đâu cũng nhớ đến cội nguồn của nó (2). Mấy ngày
hôm nay bất kể ngày và đêm mỗi khi tỉnh thức và cả trong giấc ngủ dòng
suối lịch sử ấy sao cứ vỗ hoài vào lòng người điệp khúc: đừng làm tủi
lòng lịch sử, đừng phụ công lao lịch sử. Hồn lịch sử phảng phất trong
tâm tưởng ta như thúc giục ta phải hành động, phải có trách nhiệm trước
sự sinh tồn của quê hương.
Câu trả lời là hãy đi về nơi tất cả các dòng suối khởi đi từ cội nguồn
chung ấy tụ về. Nơi ấy chúng ta sẽ sát cánh bên nhau, bước chung bên
nhau, hô vang bên nhau và cùng nhau thực hiện trách nhiệm tối thiểu của
những người gìn giữ di sản được truyền lại từ ngàn đời. Nơi ấy chúng ta
thắp lên nén hương lòng cho những người đã nằm xuống để Việt Nam không
phải quỳ xuống trước giặc ngoại xâm và hiệp thông tinh thần với biết bao
nhiêu người yêu nước đương thời đã khuất hay đang bị giam cầm.
Bạn ơi, bạn hãy chọn đi về nơi ấy - nơi của những người Việt Nam yêu nước.
Bạn ơi, bạn hãy chọn cánh cửa của đời mình làm sao để cho cánh cửa Việt Nam mở ra tươi sáng cho muôn ngàn đời sau.
_____________________________
Chú thích:
(1) Tác phẩm Hai Bà Trưng của Nguyễn An Ninh, Saigon, 1928, trang 45. Đoạn trích dẫn được người viết bài này dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt.
(2) Ngạn ngữ Châu Phi.
No comments:
Post a Comment