Người Thủ Thiêm mất đất: Kết luận thanh tra không ‘đếm xỉa’ đến chúng tôi
Thanh tra Chính phủ Việt Nam mới đây khẳng định rằng chính quyền
thành phố Hồ Chí Minh có “nhiều khuyết điểm, vi phạm” trong quá trình
đầu tư, xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Một người dân mất đất cho
rằng kết luận kể trên tuy là một động thái “tích cực” song vẫn chưa “đếm
xỉa” gì đến các nạn nhân.
Bản kết luận thanh tra được công bố hôm 26/6 xác định rằng vi phạm
đầu tiên của chính quyềnTP HCM là “không thực hiện việc lập các dự án
theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định, theo ý kiến chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ”.
Chính quyền thành phố mắc sai phạm thứ hai là đặt ra mức chi phí đầu
tư bình quân cho 1m2 đất thương mại, dịch vụ, nhà ở là 26 triệu đồng,
giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu.
Thanh tra Chính phủ cho rằng mức chi phí như vậy là “không đầy đủ” và
“không đúng quy định”.
Tiếp đến, chính quyền thành phố lấy chính mức tiền 26 triệu đồng/m2
làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất. Việc này cũng
bị đánh giá là “không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định”,
theo Thanh tra Chính phủ.
Nói chung đây cũng là một động thái tôi thấy là cũng tích cực. Nhưng đối với người dân, trong kết luận này, tôi thấy không đếm xỉa gì đến quyền lợi sát sườn của người dân.Ông Lê Văn Lung, người Thủ Thiêm mất đất
Trong bản kết luận của mình, Thanh tra Chính phủ phân tích rằng do
các sai phạm của chính quyền địa phương nên “các nhà đầu tư được hưởng
lợi do chênh lệch giá đất lớn [chênh lệch địa tô] từ việc được đầu tư hạ
tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT [xây dựng - chuyển
giao]". Ngược lại, nhà nước bị "thất thoát" lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ đề nghị một số biện pháp khắc phục, trong đó,
điều hàng đầu là Ủy ban Nhân dân TP HCM “phải thu hồi và hoàn trả ngay”
hơn 26.000 tỉ đồng khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách đầu tư cho khu đô
thị mới Thủ Thiêm không đúng quy định.
Bên cạnh đó, theo Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan sẽ “xác
định đúng chi phí đầu tư bình quân” đối với diện tích đất sạch mà nhà
nước đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ở khu đô thị mới Thủ
Thiêm. Trên cơ sở đó, các cơ quan “sẽ tính ra mức giá khởi điểm sát với
thực tế hơn để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án”.
"Trong quá trình xử lý, về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu
không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh
tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31-12-2019 thì chuyển hồ sơ
sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý", Thanh tra Chính phủ cảnh báo.
Ông Lê Văn Lung, 61 tuổi, một trong số những người dân Thủ Thiêm bị mất đất do dự án, nói với VOA về bản kết luận thanh tra:
“Nói chung đây cũng là một động thái tôi thấy là cũng tích cực. Nhưng
đối với người dân, trong kết luận này, tôi thấy không đếm xỉa gì đến
quyền lợi sát sườn của người dân theo những nội dung trong đơn khiếu
nại, tố cáo lâu nay của bà con”.
Hàng trăm hộ dân ở 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình
Khánh là “dân oan” khiếu kiện trong hơn 10 năm qua sau khi nhà cửa của
họ bị chính quyền giải tỏa để lấy đất cho khu đô thị.
Những người dân khẳng định đất của họ bị chính quyền TP HCM lấy đi
một cách sai trái vì theo bản đồ quy hoạch, vị trí đất của các hộ dân đó
không nằm trong dự án.
... người dân chờ đợi cũng mệt mỏi rồi. Người dân chỉ trông mong rằng chính quyền có chính sách đền bù để người ta có nơi ở mới tương đương giá trị theo luật mới.ông Lê Văn Lung
Hồi tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ phần nào xác nhận những khiếu
kiện của người dân là đúng với một bản kết luận nói rằng chính quyền TP
HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ “có nhiều sai phạm” trong quá
trình quy hoạch Thủ Thiêm, “phá vỡ quy hoạch”, thể hiện “sự buông lỏng
quản lý, sử dụng đất”.
Tuy nhiên, tin cho hay, từ đó đến nay, quyền lợi của các dân oan vẫn
chưa được giải quyết. Ông Lung nói với VOA rằng hai kết luận thanh tra
của hai cơ quan cấp trung ương kể trên “chưa đầy đủ”, vẫn “gây bức xúc
cho người dân”.
Ông nói thêm là người dân đang tiếp tục đòi thủ tướng Việt Nam lập
đoàn thanh tra mới tập trung giải quyết những khiếu nại về vấn đề đền
bù:
“Nói đúng ra, người dân chờ đợi cũng mệt mỏi rồi. Người dân chỉ trông
mong rằng chính quyền có chính sách đền bù để người ta có nơi ở mới
tương đương giá trị theo luật mới. Về vấn đề sai phạm, vi phạm pháp
luật, thì đương nhiên người dân cũng muốn luật pháp xử lý. Nhưng bức xúc
nhất, bức thiết nhất của người dân là cần vấn đề bồi thường”.
Những vụ tranh chấp và khiếu nại về chính quyền giải tỏa đất đai ở
Thủ Thiêm đã kéo dài trong suốt 20 năm qua trong bối cảnh hàng chục ngàn
người dân bị buộc phải di dời và mất nhà cửa. Có người “đã thắt cổ tự
tử” sau khi nhà bị cưỡng chế.
No comments:
Post a Comment