'Đồ tể Bắc Kinh’ Lý Bằng qua đời ở tuổi 90
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, lãnh đạo khét tiếng bị giới đấu
tranh nguyền rủa và nhiều người ở thủ đô của Trung Quốc đặt tên là “Đồ
tể Bắc Kinh” vì vai trò của ông trong vụ thảm sát ở Thiên An Môn năm
1989, đã qua đời, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 23/7.
Ông Lý Bằng, 90 tuổi, qua đời vào tối thứ Hai 22/7 ở Bắc Kinh, hơn ba
thập kỷ sau khi chính phủ do ông lãnh đạo ra lệnh tiến hành cuộc đàn áp
đẫm máu để dẹp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do giới sinh viên lãnh
đạo vào sáng sớm ngày 4/6/1989.
Tân Hoa Xã cho biết ông Lý chết sau khi các bác sĩ điều trị bó tay, không chữa được một căn bệnh không được tiết lộ.
Cái chết của ông xảy ra giữa lúc Trung Quốc đang đối phó với một cuộc
khủng hoảng chính trị đang lan rộng ở Hồng Kông, nơi các cuộc biểu tình
bạo lực chống dự luật dẫn độ đặt ra thách thức nghiêm trọng nhất đối
với chính quyền Bắc Kinh kể từ sau các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn.
Cùng với lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình, ông Lý Bằng được coi là một
nhân vật có lập trường cứng rắn, không hề bày tỏ hối tiếc về quyết định
của mình ra lệnh tấn công vào các đám đông biểu tình tại Thiên An Môn,
dẹp tan các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần lễ ở trung tâm Bắc Kinh.
Lệnh thiết quân luật do ông Lý ban hành trên truyền hình quốc gia tại
nhiều khu vực ở Bắc Kinh vài tuần trước khi xe tăng và quân đội càn
quét quảng trường Thiên An môn, đã khiến ông Lý Bằng trở thành một trong
những nhân vật chủ chốt trong cuộc đàn áp đẫm máu mà mãi cho tới bây
giờ vẫn ảnh hưởng tới nhận thức toàn cầu về sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Trung Quốc.
Sau vụ đàn áp ở Thiên An Môn, có khác biệt lớn trong số tử vong chính
thức “trên dưới 300 người, hầu hết là lính, chỉ có 23 sinh viên được
xác nhận đã thiệt mạng” do các quan chức đưa ra vài ngày sau vụ thảm
sát, với các số liệu do các tổ chức quyền và các nhân chứng đưa ra, nói
rằng số tử vong có thể lên tới hàng ngàn người. Trung Quốc chưa từng
minh bạch hóa những gì xảy ra trong ngày định mệnh đó, và vụ thảm sát
Thiên An Môn trở thành một đề tài cấm kỵ ở Trung Quốc.
Hôm thứ ba, Tân Hoa Xã hết lời ca tụng ông Lý là một chiến sĩ cộng
sản dày dạn và trung thành với chủ nghĩa cộng sản, một nhà cách mạng và
chính khách kiệt xuất, một lãnh đạo xuất sắc của đảng và đất nước.
Những bình luận về cái chết của Lý trên truyền thông xã hội Trung
Quốc hình như bị kiểm duyệt nặng nề, mặc dù cũng có người có ý nhắc tới
các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn.
No comments:
Post a Comment