Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 21 July 2019

SƠN TRUNG * TỤC ĐA THÊ TẠI VIỆT NAM

TỤC ĐA THÊ TẠI VIỆT NAM
SƠN TRUNG

Qua ca dao ta thấy cảnh đa thê là một gia đình hạnh phúc. Người đàn ông, chủ gia đình đươc các bà vợ chiều chuộng. Nằm chung một giường, hai bà đều hết lòng chiều chuộng lang quan:

-Anh ơi quay mặt ra ngoài,
Để mai đi chợ em mua khoai mài anh ăn.
Anh ơi ngành mặt vào trong,
Để mai đi chợ em mua lòng anh xơi!
-Đêm khuya năm vợ ngồi hầu,
Vợ cả pha nước, têm trầu chàng xơi.
Vợ hai trải chiếu chàng ngồi,
Vợ ba coi sóc nhà ngoài, nhà trong.
Vợ tư sửa soạn giăng mùng,
Vợ năm dưới bếp trong lòng xót xa.
Chè thưng, cháo đậu bưng ra,
Chàng xơi một bát kẻo mà công  em...

Dị bản

Đêm năm canh năm vợ ngồi hầu
Vợ cả quạt nước têm trầu chàng xơi
Vợ hai trải chiếu chia bài
Vợ ba coi sóc nhà ngoài nhà trong
Vợ tư sửa gối chăn mùng
Vợ năm đứng đó trong lòng xót xa
Chè thang cháo đậu bưng ra
Chàng xơi một bát kẻo mà công lênh


Tại sao Chúa cho phép tục đa thê/một chồng nhiều vợ trong Kinh Thánh?


Câu hỏi: Tại sao Chúa cho phép tục đa thê/một chồng nhiều vợ trong Kinh Thánh? Trả lời: Câu hỏi về tục đa thê là một câu hỏi thú vị vì nhiều người ngày hôm nay nhìn nhận tục đa thê là vô đạo đức trong khi Kinh Thánh lại không có chỗ nào lên án tục lệ đó một cách dứt khoát. trường hợp đầu tiên điển hình về tục đa thê/một chồng nhiều vợ trong Kinh Thánh là của Lê-méc trong Sáng Thế Ký 4:19: “Lê-méc cưới hai vợ”. Một vài người nam nổi bật trong Kinh Thánh cũng là người có nhiều vợ. Áp-ra-ham, Gia-cốp, Đa-vít, Sa-lô-môn, và một vài người khác cũng có nhiều vợ. Trong Sa-mu-ên 12:8, Đức Chúa Trời, phán qua tiên tri Na-than rằng nếu như Đa-vít chưa có đủ vợ, và thê thiếp (về căn bản giống như vợ nhưng có vị thế thấp hơn), theo như 1 Các Vua 11:3. Chúng ta phải nhìn nhận như thế nào với những trường hợp đa thê trong Kinh Thánh Cựu Ước? Có ba câu hỏi cần phải được trả lời: 1) Tại sao Chúa lại cho phép tục đa thê trong Kinh Cựu Ước? 2) Chúa nhìn nhận về tục đa thê ngày hôm nay như thế nào? 3) Tại sao tục đó lại thay đổi?

1) Tại sao Chúa lại cho phép tục đa thê trong Kinh Cựu Ước? Kinh Thánh không trả lời một cách cụ thể tại sao Chúa cho phép tục đa thê. Khi chúng ta suy xét về sự im lặng của Chúa, có một vài yếu tố mấu chốt cần phải xem xét. Đầu tiên, từ xưa đến nay số lượng nữ giới luôn đông hơn nam giới trên khắp thế giới. Theo số liệu thống kê hiện nay chỉ ra rằng khoảng 50,5 % dân số thế giới là nữ giới, và nam giới là 49,5%. Giả sử thời cổ đại đó có cùng tỉ lệ như vậy, và nhân lên với con số hàng triệu người, thì sẽ số người nữ nhiều hơn người nam hàng chục nghìn người. Thứ hai, chiến trận ở thời kỳ cổ đại đặc biệt tàn bạo, và tỉ lệ thương vong cao. Điều đó dẫn đến hậu quả là tỉ lệ nữ giới càng cao hơn tỉ lệ nam giới. Thứ ba, bởi vì thời đó là một xã hội gia trưởng, nên việc một người nữ chưa kết hôn có thể nuôi sống bản thân mình là điều dường như không thể. Người nữ thời đó thường không có giáo dục và kĩ năng. Người nữ phụ thuộc vào cha, anh trai, và chồng mình để nhận sự bảo vệ và chu cấp. Người nữ chưa kết hôn thường bị ép làm nô lệ hoặc mại dâm. Nên sự chênh lệch đáng kể giữa dân số nam giới và nữ giới đã khiến rất rất nhiều người nữ phải đối mặt với hoàn cảnh không mong muốn.

Vì vậy, dường như là Chúa cho phép tục đa thê để bảo vệ và chu cấp cho những người nữ mà ngoài cách đó ra họ không thể kiếm được chồng. Một người nam có thể cưới nhiều vợ và đóng vai trò là người chu cấp và bảo vệ hết thảy. Mặc dù chắc chắn không phải là một kiểu mẫu lý tưởng, sống trong một gia đình đa thê thì là sự lựa chọn tốt hơn những cái khác: mại dâm, nô lệ, hay chết đói. Ngoài yếu tô bảo vệ, chu cấp ra, tục đa thê cho phép dân số nhân loại mở rộng nhanh hơn, làm trọn mạng lệnh của Chúa “hãy sanh sản, thêm nhiều, và làm cho đầu dẫy trên mặt đất.” (Sáng Thế 9:7). Người nam có khả năng có con với nhiều phụ nữ cùng một khoảng thời gian khiến dân số nhân loại phát triển nhanh chóng hơn nếu như họ chỉ có thể có một con mỗi năm.

2) Chúa nhìn nhận tục đa thê ngày hôm nay như thế nào? Thậm chí ngay cả khi Chúa cho phép tục đa thê, Kinh Thánh cho thấy chế độ một vợ một chồng là hình mẫu phù hợp nhất với lý tưởng của Chúa về hôn nhân. Kinh Thánh cho thấy ý đinh ban đầu của Chúa là một người nam sẽ kết hôn với một người nữ: “bởi vậy người nam sẽ lìa cha mẹ mình và dính díu cùng vợ [không phải những người vợ], và cả hai sẽ trở nên một thịt [không phải nhiều xác thịt].

Trong Tân Ước, 1 Ti-mô-thê 3:2, 12 và Tít 1:6 nói “chồng của một vợ” trong danh sách những phẩm chất của một lãnh đạo thuộc linh. Vẫn có sự tranh luận về ý nghĩa của phẫm chất cụ thể này. Cụm từ này có thể dịch ra theo nghĩa đen là “người nam có một người nữ”. Cho dù cụm từ này có đề cập dành riêng cho tục đa thê hay không, thì một người đa thê không thể được xem là “người nam có một người nữ” dưới bất kỳ ý nghĩa nào. Trong khi những phẩm chất là dành cho vị trí lãnh đạo thuộc linh, nhưng những điều đó nên được áp dụng tương tự cho tất cả các Cơ Đốc nhân. Chẵng lẽ một Cơ Đốc nhân không nên “chẳng chỗ trách được, …tiết độ, sáng suốt, khả kính, hiếu khách, có tài dạy dỗ, không nghiện rượu, không thô bạo nhưng hòa nhã, không gây gỗ, và không tham tiền” (1 Ti-mô-thê 3:2-4) hay sao? Nếu chúng ta được kêu gọi để nên thánh (1 Phi-e-rơ 1:16), và những phẩm chất trên là thánh khiết đối với các trưởng lão và chấp sự, thì nó cũng là thánh khiết đối với tất cả mọi người.

Ê-phê-sô 5:22-23 nói về mối quan hệ giữa những người chồng và người vợ. Và khi đề cập tới người chồng (số ít), thì nó luôn luôn đi với người vợ (số ít). “Vì chồng là đầu của vợ [số ít] … ai yêu vợ [số ít] là yêu chính mình. Chính vì lý do này, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình [số ít], và cả hai trở nên một thịt…Mỗi người trong anh em phải yêu vợ [số ít] như chính mình, còn vợ [số ít] phải kính trọng chồng [số ít].” “Mặc dù Cô-lô-se 3:18-19, một phân đoạn Kinh Thánh tương tự, đề cập tới vợ và chồng ở số nhiều, chúng ta có thể thây rõ ràng là Phao-lô đang trình bày với tất cả người chồng và người vợ trong vòng những tín hữu Cô-lô-se, không đang nói về người chồng nào đó có nhiều vợ. Nhưng đối lập với điều đó, Ê-phê-sô 5:22-23 mô tả cụ thể về mối quan hệ hôn nhân. Nếu như tục đa thê được cho phép, thì toàn bộ minh họa về mối quan hệ của Đấng Christ với thân thể của Ngài (Hội Thánh) và mối quan hệ vợ chồng sụp đổ.

3) Tại sao tục đó lại thay đổi ? vấn đề ở đây không thật sự là Chúa không cho phép những điều mà trước đây Ngài cho phép nhưng đó là Chúa phục hồi lại kế hoạch ban đầu của Ngài dành cho hôn nhân. Quay trở về thời của A-đam và Ê-va thì tục đa thê không phải là ý định ban đầu của Chúa. Dường như Chúa cho phép tục đa thê để giải quyết vấn đề, nhưng đó không phải là lý tưởng. Trong xã hội hiện đại ngày hôm nay, thì tục đa thê hoàn toàn không cần thiết. Trong hầu hết các nền văn hóa hiện đại, nữ giới đã có thể tự chu cấp và bảo vệ mình, xóa bỏ lý do “tích cực” duy nhất của tục đa thê. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia hiện đại đã cấm tục đa thê. Theo Rô-ma 13:1-7, chúng ta nên tuân theo luật pháp mà chính quyền thiết lập. Trường hợp duy nhất mà cho phép bất tuân luật pháp là khi nó mâu thuẫn với mạng lệnh của Chúa (Công Vụ 5:29). Khi mà Chúa chỉ cho phép tục đa thê, và không ra mạng lệnh cho nó, nên chúng ta nên giữ luật cấm đa thê.

Có trường hợp nào mà tục đa thế vẫn có thể áp dụng vào thời đại hôm nay? Có thể có, nhưng đó là điều vô lý nếu như không có cách giải quyết khả dĩ nào khác. Bởi vì khía cạnh “một thịt” của hôn nhân, sự cần thiết cho tính duy nhất và hòa hợp của hôn nhân, và thật sự không có nhu cầu nào cần tới tục đa thê, nến đó là niềm tin vững chắc của chúng ta là tục đa thê không tôn vinh Chúa và đó không phải là thiết kế trong hôn nhân của Chúa.

https://www.gotquestions.org/Viet/da-the-mot-chong-nhieu-vo.html

Người Việt Nam thich tam đa, ngũ phúc . Đa tử, đa tôn, đa phú quý
Nhiều vợ thì có nhiều con. Trong xã hội nông nghiệp, nhiều con dù trai hay gái đều là những người canh tác cho những đồng ruộng,

Nhà giàu tiền của, nhà cửa rộng nên chủ trương đa thê. Nói như vậy, không phài người nghèo  khiông đa thê.

Trước tình trạng này, một số phụ nữ chấp nhận, nhất là khi họ nghèo.
Một số vì hiếm muộn, phài lấy vợ bé cho chồng:
Thưa anh anh giận em chi,
Muốn lấy vợ lẽ em thì lấy cho... 

Trong trường hợp này, vợ bé chỉ là công cụ, là kẻ đẻ thuê cho bà vợ cả. Bà vợ cả xem đứa con của bà vợ bé là con của mình.


Một số không chấp nhận. Hồ Xuân Hương viết:
 Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm chừng mười họa hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng
Cầm bằng làm mướn mướn không công
Nỗi này ví biết dường này nhỉ
Thời trước thôi đành ở vậy xong. 



TỤC ĐA THÊ

Bài gửi  dinhtoan on Tue Apr 10, 2012 10:59 am
Mar 15, 2004
TRẦN CHÍNH.

Đến thăm Tây Tạng nhiều lần, tôi từng nghe nói khá nhiều về tục đa-phu ở đất nước này, nhưng chỉ tận mắt nhìn thấy một lần, do may mắn. Đó là vào tháng 3 năm 2003 vừa qua, khi tôi đưa đoàn du-lịch “Tây Tạng mùa Xuân” đi thăm tỉnh tự trị Tây Tạng ở Trung Quốc.
Hôm ấy, trên đường từ Gyantse đi Shigatze, thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng, và là “kinh phủ” của các vị Ban-thiền Lạt-ma (Panchen Lama), chúng tôi ghé thăm một ngôi làng nhỏ. Nói là “một ngôi làng nhỏ” bởi vì nó là một tập hợp của khoảng một chục ngôi nhà xây dựng rời rạc hai bên con đường tráng nhựa chạy giữa một dải thung lũng rộng và khô cằn. Ngôi làng này trông có vẻ khá giả hơn nhiều so với những ngôi làng mà chúng tôi nhìn thấy trên con đường đi lên hướng đông-bắc của thủ phủ Lhasa. Chamba, anh hướng dẫn viên trẻ tuổi của chúng tôi, đề nghị chúng tôi vào thăm căn nhà nằm ngay bên kia đường, đối diện với nơi chúng tôi vừa bước ra khỏi xe. Trời tuy có nắng vào buổi trưa nhưng gió thángba thổi rất lạnh nên chúng tôi ai nấy vội vàng băng qua đường và lách mình qua chiếc cổng nhỏ chỉ mở hé một cánh để bước vào bên trong.
Ngôi nhà khá lớn, xây theo kiểu truyền thống nửa nhà nửa trang trại của vùng Tsang (phía tây Tây Tạng). Nhà có tầng lầu và tầng trệt, nhưng nhìn từ bên ngoài thì không biết là có hai tầng, bởi vì tầng trệt không có cửa sổ mà chỉ có một vài lỗ thông gió, và mặt tường bằng đá sơn trắng xây liền từ dưới lên trên. Chạy ra đón chúng tôi là một cô gái nhỏ trạc độ 14, 15 tuổi. Ngay trước cửa chính dẫn vào nhà, chúng tôi nhìn thấy một con trâu yack lớn và hai chú trâu nhỏ, chắc vừa mới sinh được vài tuần. Chamba trao đổi vài ba câu với cô gái, sau đó quay sang mời chúng tôi đi vào bên trong nhà. Bước qua ngưỡng cửa, mọi người ngạc nhiên một cách thích thú về cấu trúc của ngôi nhà. Tầng trệt được thiết kế như một gian phòng lớn và sử dụng làm chuồng cho trâu yack, dê và trừu, đồng thời cũng là nơi chứa rơm vào mùa đông. Tầng này do không có cửa sổ – ánh sáng duy nhất là từ chiếc cầu thang bằng gỗ ọp ẹp dẫn lên tầng trên – nên vào mùa đông chắc là ấm hơn nhiều so với bên ngoài. Mùi phân súc vật khiến vài người trong đoàn hơi khó chịu.

Chúng tôi leo lên tầng trên của ngôi nhà. Thiết kế của tầng này cũng khá đặc biệt: các gian phòng để ở và sinh hoạt được xây liền nhau tạo thành một hình vuông lớn khép kín, bao quanh một chiếc sân lộ thiên cũng vuông vức nằm ở giữa. Một người đàn bà trạc 40 tuổi hơn (thật ra rất khó đoán tuổi của người Tây Tạng, vì khí hậu cùng với cuộc sống khắc nghiệt thường làm họ già đi trước tuổi, nhất là phụ nữ) đang đứng ngoài sân cùng cậu con trai nhỏ khoảng 4, 5 tuổi. Bà tươi cười chào chúng tôi, nhìn chúng tôi một cách hiền lành nhưng có vẻ xăm xoi, và quay sang nói gì đó với Chamba. Chắc là bà ta hỏi về xuất xứ và mức độ lương thiện của chúng tôi. Chúng tôi cũng mỉm cười với bà để bày tỏ thiện cảm. Phía bên kia sân, đối diện với nơi chúng tôi đứng, có một người đàn ông gương mặt lam lũ nhưng khá trẻ đang ngồi trên một chiếc ghế thấp, lưng dựa vào tường. Anh ta nhìn chúng tôi như quan sát, miệng cắn một cọng rơm dài mà anh cầm trên tay. Khi bắt gặp tôi nhìn lại anh và có ý muốn chụp ảnh, anh ngượng nghịu khoát tay như bảo “đừng chụp!” tuy không tỏ vẻ gì là khó chịu. Tôi hỏi Chamba người đàn ông trẻ tuổi ấy là ai, có phải là chủ nhà không, nhưng cũng ngụ ý hỏi rằng anh ta là gì đối với người đàn bà đang tiếp chuyện chúng tôi.
Và đây là câu chuyện trao đổi giữa tôi (TC) và người phụ nữ nông dân Tây Tạng ở vùng Tsang (PN), qua nghệ thuật phiên dịch của anh hướng dẫn viên trẻ tuổi và thật thà (Chamba):
(TC) – xin phép được hỏi tên của bà?
(PN) – (cười) Tsering.
(Chamba) – Tsering có nghĩa là “sống lâu”.
(TC) – cô bé kia là con gái của bà?
(PN) – vâng (cười).
Cô bé có vẻ e thẹn, không dám nhìn chúng tôi.
(TC) – ngôi nhà này là của bà?
(PN) – vâng, của tôi... không, đúng ra là của gia đình chồng tôi.
(TC) – người đàn ông ngồi đằng kia là chồng bà?
(PN) – (quay nhìn người đàn ông trẻ) vâng, anh ấy là chồng thứ ba của tôi.
Mọi người trong đoàn nhìn nhau, ngạc nhiên một cách thích thú.
(TC) – tại sao lại là “chồng thứ ba”?
(Chamba) – bởi vì bà ấy lấy cả ba anh em ruột, trong cùng một nhà.
Mọi người lại nhìn nhau.
(TC) – cả ba anh em đều là chồng của bà ấy?
(Chamba) – vâng.
Mọi người bắt đầu xì xào; Những câu hỏi đủ loại bắt đầu bật ra từ những cái đầu hiếu kỳ và hay nghĩ bậy của một vài người trong chúng tôi (trong đó có tôi!).
(TC) – bà lập gia đình đã lâu chưa?
(PN) – (suy nghĩ)... tôi lấy ông anh cả cách đây 17 năm, lúc tôi 20 tuổi; Sau đó một năm tôi lấy người thứ nhì, em trai của anh ấy.
(TC) – còn người thứ ba?
(PN) – (quay nhìn người đàn ông trẻ ngồi đang ngồi phía bên kia sân và cười) anh ấy là em út, tôi lấy anh ấy cách đây 10 năm.
Người đàn ông mỉm cười, có vẻ lúng túng và xấu hổ; Anh ta đứng dậy và bỏ đi vào nhà.
(TC) – ông ấy nhiều tuổi hay ít tuổi hơn bà?
(PN) – anh ấy nhỏ hơn tôi 5 tuổi.
(TC) – còn hai người kia?
(PN) – ông anh cả lớn hơn tôi 3 tuổi, người em kế hơn tôi 1 tuổi.
(TC) – họ đâu cả rồi?
(PN) – cả hai đều đang làm việc ngoài đồng.
(Chamba) – những người ở vùng này phần lớn làm nghề nông và sống định canh định cư.
(TC) – khi nào họ mới về nhà?
(PN) – họ thường về nhà vào lúc chiều tối.
(TC) – tại sao ông chồng trẻ nhất của bà lại ở nhà?
Có tiếng ai đó nói đùa “tại vì anh ta được bà ấy cưng nhất cho nên không bắt phải làm lụng”, và mọi người ồ lên cười.
(PN) – hôm nay đến lượt anh ấy ở nhà. Ba anh em thay phiên nhau, mỗi người ở nhà một ngày để trông nom vợ con.
(TC) – bà có phải ra đồng để làm lụng không?
(PN) – có chứ, khi nào công việc nhiều và họ cần đến tôi thì cả bốn vợ chồng đều phải đi ra đồng làm việc. Nhưng bình thường thì tôi ở nhà vì tôi phải trông 2 đứa con còn nhỏ; Tôi cũng có rất nhiều việc nhà phải làm.
(TC) – bà có tất cả mấy đứa con?
(PN) – ba đứa. Con bé này lớn nhất, 14 tuổi (chỉ vào đứa con gái). Thằng nhỏ là em út của nó, mới 5 tuổi.
(TC) – còn một đứa nữa ở đâu?
(PN) – nó là đứa thứ hai, con trai, 8 tuổi, đi học chưa về.
[Ở Trung Quốc hiện nay, chính sách “một con” chỉ áp dụng đối với người Hán; Những dân tộc thiểu số, trong đó có người Tây Tạng, được quyền có nhiều con hơn]
(TC) – cô con gái lớn không đi học sao?
(PN) – hôm nay tôi bắt nó nghỉ học vì em nó bị bệnh, nó phải ở nhà trông em để tôi làm việc nhà.
(TC) – việc nhà của bà là gì?
(PN) – (cười) nhiều lắm; Nấu ăn, xay bột lúa mạch để làm bánh tsampa, vắt sữa trâu yack, đánh sữa làm bơ, đôi khi làm cả pho-mát.
(TC) – pho-mát làm bằng sữa trâu yack?
(Chamba) – pho-mát làm bằng sữa trâu yack là một món ăn đắt tiền, thường để dành ăn với trà-bơ.
(TC) – ngon không?
(Chamba) – ngon hay không còn tùy người; Riêng tôi thì rất thích.
Người đàn bà nói gì đó với Chamba và đứa con gái; Cô gái nhỏ đi vào nhà bếp ở gần đấy.
(Chamba) – lát nữa đây bà ta muốn mời quý vị dùng thử món pho-mát Tây Tạng làm từ sữa trâu yack.
(TC) – trong ba người chồng của bà, bà yêu người nào nhất?
(PN) – (cười, có vẻ e thẹn)... người nào cũng tốt và cũng đều làm lụng giỏi.
(TC) – họ có bao giờ ghen với nhau không?
(PN) – không, ba anh em rất quý nhau; Đôi khi họ cũng có chuyện qua lại, xích mích giữa đàn ông ấy mà... nhưng ghen thì không.
(TC) – trong ba người, bà yêu ai nhất?
(PN) – (cười)...
(TC) – bà không muốn trả lời cũng được.
(PN) – người nào cũng thương vợ con. (Nhìn về phía căn phòng nơi người đàn ông trẻ vừa đi vào) ông chồng thứ ba của tôi rất tốt với tôi; Anh ấy thường ở nhà với tôi nhiều hơn.
(TC) – chúng tôi có thể vào thăm bên trong nhà không ạ?
(PN) – (vồn vã) vâng, được chứ, xin mời vào, mời vào...

Chúng tôi và Chamba theo chân người đàn bà bước vào thăm các gian phòng trong ngôi nhà ở tầng trên. Cô gái nhỏ tay cầm một chiếc khay lớn bằng nhôm đang từ trong nhà bếp bước ra thì chúng tôi bước vào. Người mẹ đỡ lấy chiếc khay, chìa ra trước mặt từng người chúng tôi và ân cần mời mọc.
(Chamba) – bà ấy mời quý vị ăn thử món pho-mát Tây Tạng, làm từ sữa trâu yack, và làm tại nhà.
Chúng tôi nhìn vào chiếc khay rồi lại nhìn nhau. Trong khay chất đầy vun lên những khoanh pho-mát nhỏ quăn queo màu trắng ngà, có vẻ hơi cứng như loại pho-mát gruyère của Pháp, trông rất hấp dẫn. Nhưng do tôi đã đến thăm Tây Tạng nhiều lần và đã có khá nhiều kinh nghiệm về “hương vị” của những sản phẩm làm từ sữa và thịt của loài trâu yack, nên tôi đành lắc đầu từ chối khéo, lấy cớ là bụng yếu, ăn vào sợ có chuyện. Một số người trong đoàn đưa tay nhón một miếng pho-mát để ăn thử.
Nhà bếp chiếm cả một gian phòng khá rộng, tối mò mò và nồng nặc mùi mỡ trâu yack. Chúng tôi tìm hiểu cách nấu nướng hay chế biến một số món ăn chính của người Tây Tạng, xong kéo nhau đi qua “phòng ngủ chính”. Master bedroom đây rồi! Sở dĩ mọi người chú ý nhiều đến phòng ngủ là bởi vì chúng tôi đang đi thăm ngôi nhà của một người đàn bà lấy ba chồng!
Phòng ngủ chính là gian phòng lớn nhất trong ngôi nhà, hình chữ nhật. Bước vào, chúng tôi để ý ngay đến một chiếc tủ với hoa văn và màu sắc sặc sỡ dựng ở góc phòng dùng làm bàn thờ Phật. Ngay gần cửa ra vào đặt một máy phát điện loại gia-dụng, made in China. Phần lớn diện tích tường là cửa sổ kính, kể cả phần vách ngăn với những phòng bên cạnh. Hai chiếc giường với kích thước dài hơn là rộng được kê hai đầu đâu lại với nhau thành hình chữ L. Giường không có nệm mà được trải bằng những miếng thảm len rất dày. Trên giường có mấy tấm chăn bông kiểu Tàu cuộn tròn và nhiều chiếc gối vứt ngổn ngang. Dưới đất thì đồ đạc lỉnh kỉnh bày la liệt. Người ta đun trà ngay trong phòng ngủ để làm trà-bơ, đồng thời cũng để sưởi ấm.
(TC) – những ai ngủ trong phòng này?
(PN) – tôi và hai đứa con trai nhỏ.
(TC) – cô con gái của bà ngủ ở đâu?
(PN) – nó ngủ ở phòng bên cạnh.
(TC) – còn mấy ông chồng của bà?
(PN) – cũng vậy, họ ngủ ở phòng bên cạnh với con gái chúng tôi.
(TC) – cô bé ấy là con của ông nào?
(PN) – (cười)... tôi không biết nữa... nhưng chắc chắn nó không phải là con của người thứ ba.
(TC) – còn hai đứa con trai?
(PN) – (nói như phân trần) tôi cũng không biết... làm sao mà biết được?
Tôi quay sang Chamba: “hỏi những câu hỏi hơi tò mò vào đời tư của họ có sợ làm bà ấy phật lòng không?”, Chamba cười xuề xòa: “không sao đâu, quý vị cứ tự nhiên hỏi”.
(TC) – tôi nghĩ rằng bà ấy chắc phải biết đứa con nào là của ông chồng nào chứ?
Chamba và người đàn bà trao đổi qua lại với nhau, trong khi tôi nghe có một người trong đoàn cười khúc khích và bảo: “ăn chung ở lộn như vậy, nếu là tôi chắc tôi cũng chịu, làm thế nào mà biết đứa nào là con của ông nào!”
(Chamba) – bà ấy giải thích rằng bởi vì cả ba ông chồng đều sinh hoạt thân mật thường xuyên với bà nên khi có bầu bà không thể biết chắc người nào là cha của cái bầu ấy.
(TC) – ba đứa nhỏ xưng hô thế nào với ba ông chồng của bà?
(PN) – cả ba đứa con của tôi đều phải gọi ông thứ nhất là “cha”, bởi vì ông là anh cả trong ba anh em.
(TC) – thế hai ông em thì chúng gọi là gì?
(PN) – là “chú”, cho dù họ có là cha ruột của chúng đi nữa, bởi vì phong tục là như vậy; Nhưng thật ra chúng đều xem cả ba người là cha của chúng.
(Chamba) – và cả ba ông chồng đều xem chúng là con chung.

Chúng tôi đi sang phòng bên cạnh, cũng là phòng ngủ. Thực ra người Tây Tạng không có khái niệm “phòng ngủ”, mà đúng ra nơi họ ngủ, dù lớn hay nhỏ, cũng đồng thời là nơi họ ăn uống và sinh hoạt. Cách bài trí trong gian phòng này cũng gần giống như “phòng ngủ chính” mà chúng tôi vừa thăm; Cũng có hai chiếc giường dài kê đâu đầu lại với nhau, với đồ đạc lỉnh kỉnh vứt la liệt khắp nơi, chỉ khác là không có cái bàn thờ tô vẽ lòe loẹt.
Chúng tôi đi sang phòng kế tiếp, phòng này có vẻ sáng sủa hơn vì tường sơn màu vàng. Cũng lại là phòng vừa làm chỗ ngủ vừa làm chỗ sinh hoạt. Bước vào, chúng tôi nhìn thấy người đàn ông trẻ – ông chồng thứ ba của bà Tsering, bà “sống lâu để... hưởng!” – đang ngồi ở một mép giường. Anh ta đứng bật dậy, gãi đầu và mỉm cười với chúng tôi, vẻ lúng túng. Chamba nói gì đó với anh, hình như là chào hỏi. Anh trả lời Chamba, xong quay sang nói chuyện với người đàn bà.
(Chamba) – ông ấy hỏi quý vị từ đâu đến, và ngạc nhiên là tại sao người Mỹ mà lại không phải là người da trắng.
(TC) – chắc ông ấy không biết là có cả người Mỹ gốc Tây Tạng!
Có lẽ cảm thấy không được thoải mái khi bị chúng tôi đổ dồn hết những cái nhìn hiếu kỳ vào mình, ông chồng trẻ của người đàn bà bỏ đi ra ngoài. Thằng bé con trai bà cũng chạy theo “chú” nó.
(TC) – tại sao bà lại lấy cả ba anh em? Ai quyết định điều ấy?
(PN) – anh em họ quyết định.
(TC) – bà có bị ép buộc không?
(PN) – (đỏ mặt, cười) tôi cũng bằng lòng.
(Chamba) – phong tục không cưỡng bức người phụ nữ phải lấy nhiều chồng. Luật pháp của Trung Quốc cấm tình trạng đa thê hay đa phu, nhưng trên thực tế ở Tây Tạng không ai ngăn cản cả bốn người họ chung sống với nhau.
(TC) – tại sao cả ba anh em lại muốn lấy một mình bà?
(PN) – họ muốn bảo vệ điền sản và cả tài sản do cha mẹ để lại.
(Chamba) – họ không muốn phải chia nhỏ những thứ ấy ra. Giữ chung đất đai và tài sản thì dễ sinh lợi hơn.
(TC) – và cưới chung một bà vợ thì thú hơn! Tôi nói đùa, anh làm ơn đừng dịch lại. Nhưng ai làm chủ tài sản ấy?
(PN) – ông anh cả là người đứng tên đất đai và mọi thứ tài sản. Nhưng tất cả mọi thứ đều thuộc về tất cả mọi người.
(TC) – đất đai có thật sự thuộc về quý vị không?
(Chamba) – ruộng đất thừa kế từ ông bà cha mẹ thì người ta có quyền đứng tên, dù rằng trên nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu của Nhà Nước. Ở Tây Tạng người thì ít đất đai thì quá nhiều, cho nên sở hữu ruộng đất không quan trọng bằng khả năng khai thác chúng.
(TC) – tài sản của gia đình bà gồm có những gì?
(PN) – ngôi nhà này, những máy móc và vật dụng trong nhà và đàn gia súc.
(TC) – có tiền mặt không?
(PN) – (cười) có chứ.
(TC) – ai là người giữ tiền?
(PN) – ông chồng thứ nhất của tôi.
(TC) – bà có giữ tiền không?
(PN) – (cười)... cũng có... nhưng không nhiều.
(TC) – có bao giờ xẩy ra xích mích giữa ba anh em vì tài sản hay tiền bạc không?
(PN) – thỉnh thoảng cũng có xích mích, tôi không rõ là chuyện gì... nhưng nói chung ba ông chồng của tôi rất quý nhau, họ là anh em ruột thịt mà!
(TC) – bà có dành ưu tiên cho người nào được vào ngủ trong phòng của bà không?
(PN) – (đỏ mặt, cười) ai muốn vào với tôi cũng được, nhà của chung mà.
(TC) – họ có bao giờ xích mích vì dành nhau chuyện ấy không?
(PN) – không, lúc nào hai ông em cũng nhường nhịn ông anh cả.
(TC) – xin lỗi bà, có bao giờ mấy ông chồng dùng vũ lực với bà không?
(PN) – không, không bao giờ.
(TC) – bà yêu người nào nhất?
(PN) – (cười) người nào cũng đối xử tốt với tôi... ông thứ ba quý mến tôi nhiều nhất.
Câu chuyện trao đổi giữa tôi và người đàn bà nông dân Tây Tạng ở vùng Tsang hình như kết thúc ở đấy... Wow! Tôi thật cũng không ngờ rằng nội dung câu chuyện lại cởi mở và có thể đi sâu vào những vấn đề riêng tư một cách thoải mái như vậy.
Đoàn chúng tôi từ giã người đàn bà đa phu, ông chồng thứ ba, hai đứa con và ngôi nhà khang trang của họ để tiếp tục hành trình đi Shigatze. Và đó là một trong những kỷ niệm lý thú và khó quên trong chuyến du lịch thăm Tây Tạng của chúng tôi vào mùa xuân năm ấy.

Mar 15, 2004
TRẦN CHÍNH.


Bản đa thê và chuyện "3 vợ, một giường"



                            Ông Lầu Chú Di cùng 3 bà vợ  và các cháu (từ trái sang bà cả Chá Thị Dua, bà hai Chá Thị Mỵ và bà ba Sồng Thị Mỵ)
Ông Lầu Chú Di cùng 3 bà vợ  và các cháu (từ trái sang bà cả Chá Thị Dua, bà hai Chá Thị Mỵ và bà ba Sồng Thị Mỵ)
Ông Lầu A Xá, cán bộ tư pháp xã Xa Dung (Điện Biên Đông, Điện Biên), cho biết: Xã tôi cũng có nhiều người lấy hai vợ đấy. Biết rằng lấy hai vợ là vi phạm pháp luật nhưng xã bất lực ngăn chặn.

"Mình đẹp trai kéo vợ hai dễ lắm!"

Xã Xa Dung nằm cách trung tâm huyện Điện Biên Đông khoảng 30km. Chuẩn bị cuộc hành trình, chúng tôi vào trạm xăng nạp nhiên liệu cho con “ngựa sắt” Wave Alpha thì được một người bản địa thốt lên: “Các anh có bị điên không? Lên Xa Dung mà đi xe này chỉ có khóc dọc đường. Nắng lên thì may chạy được mấy đoạn xuống dốc, còn mưa xuống đừng nói đi mà đẩy cũng chẳng xong". Rồi anh ta khuyên nên thuê chiếc xe Win may ra bò lên được. Nghe vậy, đành đổi "ngựa".

Rời trung tâm huyện chừng được 3km, y rằng lời nói người bản địa đúng thật. Trước mặt chúng tôi là con đường cấp phối rộng chừng 3m, đất đá lổm chổm hết lên dốc rồi đổ đèo. Ông Vừa Xô Dày, Chủ tịch UBND xã Xa Dung, vui vẻ: “Các chú khá đấy chứ. Người dân bản địa mỗi lần xuôi xuống huyện đã ngán nhưng các chú lên được tận đây”.

Gặp ông hỏi về đời sống kinh tế bà con xã thế nào, ông liền than: “Ở xã có 20 bản, trong đó người Mông (chiếm 80%) và người Thái (20%) sinh sống. Nhưng tình trạng đẻ nhiều khiến cuộc sống các hộ gia đình thiếu ăn thường xuyên. Đặc biệt, phong tục đa thê xẩy ra. Bởi người Mông có quan niệm “mười gái chẳng bằng một trai”. Do đó, kéo tụt mọi thành quả, nỗ lực thoát nghèo của chính quyền xã”.

Cầm tờ giấy, ông Lầu A Xá, cán bộ tư pháp xã thống kê, Xa Dung có 8 người đàn ông lấy hai vợ, ba vợ. Ông Xá phân trần: “Biết lấy hai vợ là vi phạm pháp luật nhưng xã bất lực ngăn chặn. Từ bao đời này người Mông có phong tục vợ cả không có con trai thì lén lút cưới vợ hai về “thi đẻ” với vợ cả kiếm con trai nối dõi”.

Để mục sở thị những người đàn ông đa thê, chúng tôi tìm đến ông Chá Già Lử (48 tuổi, bản Xa Dung B). Gặp ông, chúng tôi đùa: “Bọn em đến gặp bác học hỏi kinh nghiệm về dưới xuôi lấy hai vợ”. Nghe xong ông đáp: “Mình ưng thì lấy thôi, ở đây mình lấy vợ công khai mà. Hai vợ ngủ chung, ăn chung, làm chung một nương hết nhưng cơm lành canh ngọt”.

Ông Lử kể, khi mới 18 tuổi ông theo đám thanh niên trong bản đi chơi và kéo bà Mùa Thị Tùng (bản Chua Ta, Mường Lạn, Tuần Giáo, Điện Biên) về. Ở với nhau 5 năm, bà Tùng sinh cho ông 3 đứa con gái thì “tịt đẻ” luôn. “Người Mông không sợ đói, chỉ sợ không có con trai thôi. Mình đang khoẻ mạnh, đẹp trai thì kéo vợ hai dễ lắm”, ông Lử tâm sự.

Đã có với bà cả 3 đứa con, nhưng ông Lử phải lòng bà Vừa Thị Khua (SN 1964) ở cùng bản. Bà Khua đã có hai đứa con, chồng chết sớm. Từ đó, cứ ba năm hai đứa, trong vòng 15 năm bà Khua sinh cho ông 5 đứa con (2 trai 3 gái).

Lấy hai vợ, có được con trai nhưng gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè lên đầu ông Lử. Trước đây, ông là người giàu có nhất bản nhưng nay ông “tụt hạng” do đàn con đông đúc, chưa hết mùa đã chạy ăn từng bữa. “Trước đây nhà mình nuôi nhiều trâu lắm, lúa ngô không lúc nào thiếu. Từ khi cưới vợ hai về đàn con thi nhau ra đời, chúng không có gì ăn khóc cả ngày. Để có cái bỏ miệng mình bán dần mọi thứ nay đã hết. Nhà nghèo, thiếu ăn và 10 người con đẻ và hai đứa con của vợ hai đang tuổi ăn học nhưng phải nghỉ để lên nương”, ông Lử buồn bã.

Ba vợ một giường

Với người Mông ở bản Xa Dung A, tiêu biểu trong chuyện “đa thê” phải kể đến ông Lầu Chứ Di đã lập nên “chiến tích” có 3 vợ và 8 đứa con. Đặc biệt, bao nhiêu năm chung sống nhưng chưa bao giờ ba bà có một cuộc “chiến tranh lạnh” hay tranh giành “gần gũi” với chồng.

Tìm đến nhà ông Di, từ già tới trẻ, ai cũng chỉ đường vanh vách. Và bất cứ ai sau khi nhiệt tình chỉ dẫn đều tủm tỉm hỏi lại: “Cán bộ dưới xuôi lên ạ! Đến khuyên con cháu ông Di và dòng họ Lầu đừng lấy nhiều vợ như ông đúng không?”.

Năm nay, ông Di đã bước sang tuổi 60. Vào năm 18 tuổi, ông Di kéo bà Chá Thị Dua (SN 1956) về làm vợ. Lấy nhau về được 3 năm thì bà Dua sinh cho ông hai đứa con gái và “tịt đẻ”. Không có con trai, họ hàng lên tiếng phải kéo thêm vợ hai về đẻ để kiếm con trai nối dõi. Ông Di là trưởng họ Lầu nên dứt khoát phải có con trai vì thế ông Di tiếp tục đi kéo thêm vợ nữa. Vào năm 1972, sau nhiều ngày tán tỉnh, cô Chá Thị Mỵ (SN 1965) ở cùng bản đã ưng cái bụng. Nhưng sau đó, cái miệng “dẻo” của ông Di khiến bà Sồng Thị Mỵ (SN 1963) dính vào lưới tình. Rồi họ đẻ cho ông 8 người con (3 trai 5 gái).

Tự hào về “chiến tích” có 3 vợ, ông Di tâm sự: “Để có nhiều vợ điều quan trọng là cái miệng. Mình có nhiều lúa, lắm trâu gì đâu, trong lúc có hai vợ nhưng mình nói chuyện hay các cô gái nghe lọt tai, cứ thế theo mình về làm vợ hết”. Tôi buột miệng hỏi: “Việc ông cưới ba vợ chính quyền xã họ có ý kiến gì không?". Ông Di nhanh nhảu đáp: “Biết làm sao được, ngày trước vợ mình có bao giờ ra ngoài đâu”.

Trong số ba bà thì chỉ có bà vợ cả do bố mẹ ông Di cưới có thủ tục đăng ký kết hôn đàng hoàng. Hai bà còn lại ông đều cưới “chui” hoặc cứ đến sinh sống với nhau như vợ chồng. Điều ấy dân bản biết hết và sau này chính quyền biết. Thế nhưng xã không có biện pháp ngăn chặn.

Khi hỏi ông làm sao mà để các bà không cãi nhau, tranh chồng thì ông cười: “Quan trọng là ở mình biết giáo dục chứ. Nếu biết cách thì mấy vợ cũng được hết". Rồi ông vui cười: “Ngày trước còn ở một nhà, đêm nào ba bà cũng nằm chung một giường nhưng chẳng bà nào ghen tị bà nào cả. Ba bà cùng các con ăn một mâm, ngủ cùng chồng và đi làm một nương. Lịch “gần gũi” ba bà cũng được tôi phân công rõ ràng. Theo phương thức xoay vòng, mỗi bà một ngày đêm, tuyệt đối không ai vi phạm”.

Chào ông Di ra về, ông còn đùa rằng: “Tôi xem trên phim thấy người dưới xuôi muốn lấy vợ hai kiếm con trai mà lén lút “cặp bồ” rồi mua nhà to cho bồ ở. Và cảnh người vợ cả đi tìm bồ của chồng đánh đập, có nhiều người còn giết nhau nữa. Ở đây, người Mông chúng tôi không thế đâu, ba vợ mà vẫn sống hạnh phúc, hoà thuận”.

Đắc Thành - NNVN

Tại Trung Quốc, dường như tục đa thê còn nặng hơn ở Việt Nam. Ai có thể bào đảm đời sống vật chất cho họ thì phụ nữ Trung quốc sẵn sàng chấp thuận sống chung.

Dù sao đi nữa, trong xã hội xưa, đa thê là chuyện bình thường, được luân lý và pháp luật chấp thuận.

 SONTRUNG
sưutầm
OTTAWA ngày 22-VII-2019

 

No comments:

Post a Comment