Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 15 July 2019

Sửa Luật Công đoàn nhưng có xóa bỏ ‘phí ăn cướp 3%’?


Hình minh họa.
Mãi đến tháng Bảy năm 2019, rốt cuộc một trong những mơ ước và cũng là mục tiêu đấu tranh gian khổ trong rất nhiều năm qua của người lao động cùng xã hội dân sự đã tạm đơm hoa kết trái: chính thể độc tài và chưa bao giờ chịu ‘nhả’ quyền lực can thiệp lẫn thao túng vào tổ chức công đoàn của công nhân đã phải chấp nhận sửa Luật Công đoàn.
Vẫn câm nín ‘phí ăn cướp 3%’!
Nhưng sự kiện mang tính quá đỗi hiếm muộn trên đã chỉ được công bố chính thức sau khi Liên minh châu Âu (EU), trong tư thế đành tạm hài lòng với một chút ‘cải thiện nhân quyền’ cho có và hết sức trí trá của chính thể Việt Nam, đã đành phải ‘nhả’ cho chính thể này bằng việc tổ chức ký kết hai hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên Minh châu Âu) vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội.
Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam - một trong số 6 ‘cánh tay nối dài của đảng’ đã dự kiến phạm vi Luật Công đoàn sửa đổi sẽ tập trung điều chỉnh với 6 nhóm quy định chủ yếu: Vai trò, quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn; Nguyên tắc tổ chức và chỉ đạo hoạt động công đoàn; Quyền gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Quyền gia nhập hệ thống công đoàn Việt Nam của tổ chức đại diện người lao động; Các hành vi phân biệt đối xử và can thiệp, thao túng chống công đoàn; Tài chính công đoàn.
Theo kế hoạch, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020).
Thế nhưng cáo chết không chừa nết. Một trong những nội dung cốt lõi trong Luật Công đoàn cần phải xóa bỏ là ‘phí ăn cướp 3%’ vẫn không được Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam nêu ra, trong khi trước đó chính chủ thể này đã là tác nhân muốn giấu biến Luật Công đoàn để khỏi phải sửa đổi.
Âm mưu!
Cho đến nay, không phải thông tin từ các cơ quan chính quyền mà là từ giới xã hội dân sự đã cho người lao động biết một yêu sách bắt buộc: Luật Công đoàn năm 2012 có khá nhiều mối liên hệ hữu cơ qua lại với Bộ luật Lao động, và một cách đương nhiên theo đòi hỏi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia, và cả hai hiệp định EVFTA và EVIPA mà Việt Nam có thể sẽ được tham gia, khi sửa luật này thì đồng thời phải sửa luật kia và ngược lại.
Nhưng cái cách sửa luật song trùng như thế rất có thễ vẫn sẽ mãi là kỳ vọng mà không thể biến thành một thứ thực tế nào dù chỉ là thực tế thật khiêm tốn, bởi trong thực tế vào năm 2018 và cho đến tận gần đây đã tồn tại âm mưu ‘không sửa Luật Công đoàn’.
Bằng chứng của âm mưu trên, trớ trêu thay, lại bị lộ ra bởi… Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh. Tại kỳ họp quốc hội tháng 10 - 11 năm 2018, mặc dù đã phải thừa nhận sẽ cạnh tranh với công đoàn độc lập được lập ra bởi công nhân trong tương lai, Phạm Bình Minh vẫn thản nhiên nói trước quốc hội: ‘cho đến hiện nay thì Chính phủ không đề xuất sửa Luật Công đoàn’.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa và bệ rạc để Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam trong suốt một thời gian dài đã không hề trình một dự thảo nào về sửa Luật Công đoàn.
Nhưng vì sao Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam lại tha thiết với Luật Công đoàn cũ đến thế?
“Không ăn cướp thì là cái gì!”
Cùng với Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam nằm trong số 6 ‘cánh tay nối dài của đảng’ bị xem là bám chặt đời sống ký sinh, mỗi năm tiêu xài đến 14.000 tỷ đồng tiền ngân sách - tức tiền mà người dân phải è cổ đóng thuế.
Nhưng ngoài tiền cấp từ ngân sách, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn một nguồn thu rất màu mỡ khác.
Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam - tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ - đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động).
Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ: ‘không ăn cướp thì là cái gì!’.
Nhưng cho tới nay, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vẫn chưa hề minh bạch tài chính, hay nói thẳng là chưa hề công bố con số thu hàng năm từ ‘phí ăn cướp 3%’ là bao nhiêu, chi cho những mục gì và số tiền mà cơ quan này lợi dụng để ‘ăn chơi nhảy múa’ thâm lạm đến mức nào.
Cho đến năm 2019 và khi chính thể Việt Nam đã phủ phục sát thềm CPTPP và EVFTA, thái độ của ‘kẻ cướp’ vẫn chẳng có gì đáng gọi là phục thiện. Mối quan hệ giữa Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam với những đơn vị do cơ quan này làm ‘chủ quản’ thậm chí còn tồi tệ đến mức vào tháng 6 năm 2019, Đại học Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn đã trở thành địa chỉ đầu tiên tố cáo cơ quan chủ quản của đại học này là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về chế độ ‘nộp tô’ đến 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế (có thể hiểu là phải nộp đến 30% của phần lợi nhuận ròng sau khi đã nộp thuế).
Trả thù đê tiện!
Đáng chú ý, thư tố cáo trên mà được gửi đến các cơ quan của đảng và chính quyền, nhưng không phải ‘lưu hành nội bộ’ mà được Đại học Tôn Đức Thắng công bố cho báo chí nhà nước - như một thông điệp sẵn sàng đối mặt với cơ chế đầy bất công và tham lam của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam bị một vố đau điếng từ thư tố cáo của một đơn vị do cơ quan này làm chủ quản. Và cũng là lần đầu tiên một đơn vị cấp dưới như Đại học Tôn Đức Thắng thấm thía về thói hư tật xấu và nạn thù vặt bẩn thỉu đê tiện của giới quan chức chủ quản luôn tụng niệm ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ và ‘luôn chăm lo và bảo vệ quyền lợi người lao động’ là đến mức nào.
Nhưng chỉ đến lúc này, các đơn vị bị ‘chủ quản’ mới nhận chân ra được việc cấp trên của họ sẵn sàng trả thù đê tiện ra sao. Ngay sau phản ứng công khai trên của Đại học Tôn Đức Thắng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã trả đũa bằng cách đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo xem xét tính hợp pháp việc phong giáo sư của ông Lê Vinh Danh - hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - và tự phong giáo sư cho giảng viên của trường đại học này, mà có thể hiểu là muốn cách chức ông Danh.
Trùng với thời gian đòi Đại học Tôn Đức Thắng phải ‘nộp tô’, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam lần đầu tiên phải đối mặt với nguy cơ ‘đa công đoàn’, hoặc tương lai hình thành công đoàn độc lập do người lao động tự thành lập mà không còn nằm trong guồng máy chi phối của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, và sẽ cạnh tranh sòng phẳng với Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam khi chính thể độc tài Việt Nam triển khai Hiệp định thương mại quốc tế CPTPP và có thể được ‘ăn’ Hiệp định thương mại EVFTA với châu Âu. Điều đó cũng có nghĩa rằng mức thu ‘3% ăn cướp’ nhiều khả năng không còn nữa.
Hẳn nguy cơ hụt thu trên đã khiến Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, vốn quen ‘tham ăn’, không còn cách nào khác là tróc nã các đơn vị thuộc quyền chủ quẩn của mình như Đại học Tôn Đức Thắng, với mức thu như thể giết người.
Phải xóa bỏ!
Thực ra, sẽ chẳng cần ngạc nhiên về thói quen ‘ăn tạp’ của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, nếu biết tường tận về một thực tế không thể chối cãi: cơ quan này chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Nhiều nguồn tin từ giới công nhân đã khẳng định rằng nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.
Còn giờ đây, cái thời chuyên quyền độc đoán và ‘ăn cướp’ của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã đến hồi kết.
Đã tới lúc số thu ‘3% ăn cướp’ trong nhiều năm qua mà ‘thủ phạm’ là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam phải được kiểm toán hoặc thanh tra cấp chính phủ, đồng thời phải bị xóa bỏ hoàn toàn trong Luật Công đoàn sửa đổi.
  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn Facebook

 https://www.voatiengviet.com/a/sua-luat-cong-doan-phi-3-co-bo-hay-khong/4998349.html

No comments:

Post a Comment