Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 22 July 2019

Tản mạn những mẫu chuyện về trường Đồng Khánh xưa
15:46 | 03/05/2013
Một nam sinh như tôi lại học trường nữ trung học Đồng Khánh (trường THPT Hai Bà Trưng hiện nay), có thể một số người cho đó là chuyện lạ đời. Nhưng đấy lại là sự thật 100%! Tuy tôi chỉ học ở trường Đồng Khánh một năm lớp năm bậc tiểu học (bây giờ là lớp 1) vào khoảng những năm cuối thập kỷ 40 đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Nhưng không hiểu tại sao tôi lại còn nhớ nhiều những kỷ niệm về năm học đầu đời ấy mãi tới tận bây giờ.
Tản mạn những mẫu chuyện về trường Đồng Khánh xưa
NGUYỄN CƯƠNG

Vào khoảng thời gian trên, trường Khải Định (nay là trường THPT chuyên Quốc Học) bị Tây (Thực dân Pháp) ngang nhiên lấy đóng đồn. Do đó trường Khải Định dồn qua dạy và học ở trường Đồng Khánh. Trường Khải Định ở dãy bên phải, trường Đồng Khánh dãy trái, ở giữa có sân chơi chung trong nhà. Phía sau nhà chơi có một số lớp tiểu học nam nữ học chung, còn các lớp trung học chỉ có nữ sinh, cũng như trường Khải Định chỉ có nam sinh và không có bậc tiểu học.

Lúc đó, tôi ở với ông chú ruột hành nghề y ở đường Phan Chu Trinh, gần ga Huế. Trong gia đình có 3 người o là nữ sinh Đồng Khánh, cho nên ông chú xin cho tôi vào học lớp nhất ở đó để cùng đi học với 3 người o cho thuận tiện. Tôi vẫn nhớ rõ 3 người o hàng ngày đi học đều mặc áo quần dài trắng đi bộ thướt tha, còn tôi xách cặp sách lẽo đẽo theo sau đến trường.

Lớp nhất của tôi có khoảng 40 học sinh nam nữ lứa tuổi từ 7 - 8 tuổi. Hiệu trưởng nhà trường tôi không còn nhớ tên, nhưng giám thị thời kỳ đó là bà Nguyễn Đình Chi (Đào Thị Xuân Yến), thỉnh thoảng mới gặp bà đi qua lớp để kiểm tra. Thời gian bà làm hiệu trưởng thì tôi đã chuyển về học trường tiểu học Nam Giao. Giáo viên thì nhiều, nhưng tôi chỉ còn nhớ hai bà giáo: Bà Tôn Thất Lương (lấy tên chồng) nói giọng Quảng, chồng là ông Tôn Thất Lương tham gia cách mạng từ năm 1946. Sau này ra Bắc tình cờ tôi được biết ông công tác ở Bộ Tài chính. Lại một sự tình cờ khác, vào năm 1973 ông vào công tác ở vùng chiến trường A Lưới, tôi được tháp tùng theo ông và đoàn về làm việc nắm tình hình một số huyện trong tỉnh. Một già một trẻ kể lại chuyện xưa với nhiều suy tư, tình cảm. Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông Tôn Thất Lương vào công tác tại Đà Lạt, sau đó nghỉ hưu và mất tại Huế năm 1985. Hiện nay nhà thờ và gia đình ông ở kiệt đường Nguyễn Công Trứ gần nhà anh Nguyễn Đắc Xuân và họa sĩ Đặng Mậu Tựu. Sau giải phóng, ông có gặp lại bà Lương và 3 người con. Sau đó cùng với gia đình người chồng khác, bà đã định cư và qua đời tại Mỹ.

Người thứ hai trực tiếp dạy lớp tôi là bà Bửu Tiếp (tên chồng). Sau này tôi được biết bà tên là Huỳnh Thị Liệu, gia đình Công giáo. G.S Bửu Tiếp trước Cách mạng tháng 8/1945 dạy học ở trường Khải Định. Ông tham gia hoạt động kháng chiến sau Cách mạng tháng 8 thành công. Ông bị giặc sát hại năm 1946 do cơ sở bị lộ. Bà giáo Bửu Tiếp đã có thời gian tham gia các hoạt động chống Pháp cùng thời với bà Phan Thị Nga (vợ nhà văn Hoài Thanh), Lâm Thị Tuyến (vợ đồng chí Hải Triều), Nguyễn Thị Quang Thái (em ruột đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai)... Tôi biết ông bà Bửu Tiếp có một người con là BS Vĩnh Toàn làm việc tại bệnh viện Đà Nẵng, hiện đã qua đời.

GS. Bửu Tiếp có một người em ruột là GS.BS Bửu Triều, giảng viên trường Đại học Y khoa Hà Nội là một chủ nhiệm khoa và phẫu thuật viên giỏi về các bệnh tiết niệu của Bệnh viện Việt - Đức. Tôi vinh dự được là đồng hương và ông là người thầy mẫu mực kính mến từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi tôi học ở trường Đại hoc Y Hà Nội. Trong số các GS.BS người Huế như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Tôn Đức Lang... hiện chỉ còn GS.BS Bửu Triều còn sống tại Hà Nội với độ tuổi 90. Các thế hệ học trò vẫn thường đến thăm ông.


Trở lại chuyện học tập ở trường, hình ảnh còn lưu giữ trong tôi là bà giáo Lương có tóc búi chải theo kiểu “bánh bèo” (một kiểu tóc của phụ nữ Huế thường thấy thời đó), trang sức và ăn mặc khá “diện”, dùng nhiều mỹ phẩm, dạy lớp bên cạnh lớp tôi. Còn bà giáo Tiếp thường mặc áo dài nâu, giản dị hơn. Hai bà giáo hồi đó chỉ chừng ngoài 30 tuổi.

Bạn học cùng lớp, tôi còn nhớ được một đôi người. Trong đó có người bạn ngồi cạnh, học giỏi là Nguyễn Đình Thọ (con cụ Nguyễn Đình Hàm giáo sư trường Khải Định cũ). Hiện nay Nguyễn Đình Thọ là GS.TS hóa học có vợ người Ba Lan, gia đình định cư ở Pháp. Lâu lâu Thọ có về Huế, chúng tôi lại gặp nhau tâm tình chuyện xưa... Còn một người bạn thân nữa là Kim Liên thì bây giờ không biết đang ở phương trời nào? Ngay từ thời đó mà Kim Liên đã có đầu tóc xoăn (Fillet) rồi đấy.

Nhớ lại toàn trường có một hôm được xem đoàn xiếc từ Sài Gòn ra biểu diễn tại nhà chơi có mái. Tiết mục ấn tượng nhất là có người phóng dao vào một nữ diễn viên đứng tựa vào tấm bảng gỗ. Dao găm quanh mình rất chính xác, chúng tôi thấy sợ và hồi hộp lắm. Nhỡ một cái thì... Có những buổi ra chơi được bà giáo cho ra bãi cỏ vườn hoa bờ sông Hương ngay trước mặt trường thật thơ mộng để vui đùa. Không phân biệt trò nam hay trò nữ, chúng tôi đều đi nhặt hoa phượng để chơi trò “đá nhụy phượng”, ai đã từng chơi đều nhớ rõ.

Những ngày được ở nhà buổi chiều, tôi thường nghe 3 người o hát và đàn măng-đô-lin, trước mắt là những bản nhạc có hình vẻ minh họa mà bây giờ tôi mới hiểu được nội dung. Sau này lớn lên có dịp xem lại những bản nhạc đó có tên rất lãng mạn, man mác buồn như: Đêm tàn Bến Ngự, Trăng mờ bên suối, Con thuyền không bến, Buồn tàn thu, Bóng chiều xưa, Giọt mưa thu... thường gọi là tân nhạc hoặc nhạc tiền chiến. Những nhạc phẩm tên tuổi này hiện nay vẫn xuất hiện trong các chương trình Ký ức thời gian, Những bài ca đi cùng năm tháng,... gợi lại cho mỗi người đã từng sống ở thời kỳ ấy nhưng hoài niệm thật khó quên bởi giai điệu và lời ca bài hát.

Sau này khi trưởng thành, sống và làm việc ở Hà Nội, tôi được gặp khá nhiều cựu nữ sinh Đồng Khánh qua các thế hệ quê ở Huế, ở Hà Nội... trong đó có bà Ngô Thị Chính (đã có thời gian là Hiệu trưởng nhà trường sau giải phóng (1975 - 1976), bà Nguyệt Tú (vợ ông Lê Quang Đạo), bà Bùi Bội Anh, bà Phan Thanh Ty Ty (là hoa khôi của trường thời đó), bà Phan Thị Thái Hà (Hiệu trưởng nhà trường giai đoạn 1976 - 1977),... Họ đều có dịp gặp nhau ôn lại bao nhiêu chuyện dưới mái trường xưa trong những lần kỷ niệm thành lập trường. Tuy xa Huế đã lâu, nhưng phong cách ứng xử, ăn mặc của các bà rất “mệ”.

Những dịp kỷ niệm 80, 85, 90 và gần đây là 95 năm thành lập trường, tôi đều đọc các quyển kỷ yếu, tìm lại dấu xưa thuở thiếu thời, thích nhất là các bài viết của cựu giáo viên, nữ sinh giai đoạn những năm 40, 50 thế kỷ trước. Hồi còn tại chức, tôi thường được mời dự các sinh hoạt có tính chất sự kiện của trường. Không ai có thể biết rằng tôi là một cựu nam sinh của một trường nữ có bề dày truyền thống nổi tiếng cả nước. Điều đó làm cho tôi thấy vui vui, tự hào.

N.C
(SDB8/3-13)


No comments:

Post a Comment