Việt Nam chính thức nêu tên Trung Quốc ‘vi phạm vùng đặc quyền kinh tế’
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 19/7 chỉ đích danh nhóm tàu khảo sát Hải
Dương 8 của Trung Quốc “đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa Việt Nam” trong khu vực Biển Đông, một động thái hiếm hoi
trong những phản ứng chính thức của Việt Nam đối với những hành động
được cho là “khiêu khích” của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo ngày 19/7, người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng nói: “Trong những ngày qua, nhóm
tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây
là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy
định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và
Trung Quốc đều là thành viên”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam còn cho biết phía Việt Nam “đã tiếp
xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau” như trao công
hàm phản đối yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu
ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán
của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Thông tin về vụ “đối đầu” căng thẳng giữa các lực lượng hải cảnh của
Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên truyền thông quốc tế và
mạng xã hội từ ngày 12/7, sau khi tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn
nguồn tin từ nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Mỹ, Ryan
Martinson, dựa trên các dữ liệu theo dõi hàng hải.
Theo nguồn tin này, 6 tàu hải cảnh, gồm 2 tàu của Trung Quốc và 4 tàu
của Việt Nam, được trang bị kỹ càng đã “vờn nhau” trong suốt một tuần
qua khi Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào khảo sát địa chất gần
Bãi Tư Chính, thuộc đặc quyền kinh tế và do Việt Nam kiểm soát ở BIển
Đông.
Đây là lần thứ 2 Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng chính thức về vụ
này, sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, tại cuộc
họp báo ngày hôm 17/7, yêu cầu Việt Nam “nghiêm túc tôn trọng chủ
quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng
lãnh hải liên quan và không có bất kỳ hành động nào làm phức tạp tình
hình”.
Trước đó, bà Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo ngày 16/7 rằng “Mọi
hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được
phép của Việt Nam đều vô giá trị”.
Theo bà Hằng, hiện các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam vẫn
đang “tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp” để bảo vệ chủ quyền,
quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong khu vực này.
No comments:
Post a Comment