Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 27 February 2014

NGUYỄN THIÊN THỤ + THI CA HẢI NGOẠI

Các Chủ Đề Chính Trong Thi Ca Hải Ngoại

 Nguyễn Thiên Thụ

 
          Hầu hết người vượt biên và gia đình đều là những người tị nạn, bỏ quê hương đi tìm tự do. Chỉ một số ít có mục đích kinh tế .Tại quốc gia của họ, họ bị cấm viết, nay ra ngoại quốc, họ liền thực hiện quyền tự do thiêng liêng này. Họ phải viết vì viết là sở thích, là nguồn sống, là lý tưởng của họ. Họ cần viết vì viết đã trở thành một bản năng. Nếu Pascal nói ‘Tôi suy nghĩ vậy tôi hiện hữu’’ thì các văn nghệ sĩ cũng có thể nói: Tôi viết, vậy tôi hiện hữu’’ hay  « tôi sáng tác, vậy tôi hiện hữu’’. Văn nghệ sĩ chỉ hiện hữu, chỉ thực sự là mình khi sáng tác. Còn mọi sự khác chỉ là tạm bợ. Muốn thực hiện điều này, văn nghệ sĩ phải vượt qua bao khó khăn về vật chất và tinh thần để đứng vững, và ngồi vững trong cuộc đời mà cầm bút.  Họ cần viết để ghi nhớ lại cuộc đời họ và đất nước họ . Họ cần viết để tố cáo tội ác cộng sản trước dư luận thế giới. Họ lên tiếng để tranh đấu cho tự do, dân chủ và quyền làm người đang bị chà đạp tại quê nhà.  Đồng bào quốc nội đang bị đàn áp, khủng bố, họ mong muốn những người đã đến bến bờ tự do, phải tranh đấu cho tự do, dân chủ ở quê nhà. Họ cũng mong muốn các văn nghệ sĩ khi ở trong nuớc không được viết, không được phát biểu tư tưởng và tình cảm của mình, nay ra nước ngoài, phải hoạt động trở lại, phải làm một cái gì cho dân tộc và văn học.
          Nói tóm lại, với các văn nghệ sĩ lưu vong, sáng tác là :
          -phản kháng chính sách nô dịch văn hóa của cộng sản
          -phản kháng sự ngăn chận tự do ngôn luận, tự do sáng tác của cộng sản.
          -trình bày sự thật của lịch sử, chống lại chủ trương bóp méo và xuyên tạc sự thật của cộng sản.
          -tranh đãu cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại quê hương.

          Ở lời nói đầu trong tập truyện Miền Thương Uyển Xưa,  Đặng Phùng Quân viết:
Hành trạng của viết phác lên tiếng thương đau cho những người cầm bút giờ đây còn đang bị đầy đọa trong cái thế giới ‘cơm,áo, gạo, tiền’ rất hiện thực, cũng rất phi nhân, giờ đây không thể biết đến viết là gì.

          Nhân vật nữ trong Ngày Tháng Bồng Bềnh của Nguyễn Văn Sâm đã nói:
Ở đây có quá nhiều chuyện bất công, quá nhiều điều xấu. Qua được bên đó, anh hãy viết thế nào cho mọi người nhận chân được lẽ chính tà, khơi dậy được suy nghĩ về số phận bi thảm của dân tộc mình (11).

          Nhiều thi sĩ đã xuất hiện, có khoảng 100 thi sĩ. Rất nhiều thi phẩm ra đời tại hải ngoại trong khoảng 1975-2003.  Một số nhà thơ cũng là nhà văn. Những nhà thơ nổi tiếng trước 1975 nay sang Hoa Kỳ đã ngưng sáng tác hay ít sáng tác, hoặc chưa xuất bản. Kết quả chúng ta có khoảng một trăm nhà thơ với khoảng 150 tập thơ, trung bình mỗi nhà thơ có hơn một tập thơ. Một số thi sĩ có sức sáng tác rất mạnh. Luân Hoán có lẽ là người có nhiều thi phẩm nhất. Từ thập niên 80 cho đến nay ông đã có 8 thi phẩm:
          - Hơi Thở Việt Nam. Sông Thu, USA, 1986.
          - Đưa Nhau Về Đến Đâu, Sông Thu, USA, 1989.
          - Ngơ Ngác Cõi Người. Nhân Văn, USA. 1989.
          - Cảm Ơn Đất Đã Trổ Thơ. Lòng Ta Hạt Bụi Vu Bám Hoài. Kinh Đô.USA. 1991.
          - Mời Em Lên Ngựa. Sông Thu. USA.1994.
          - Nuôi Thơm Chùm Kỷ Niệm Xanh. Thơ.Canada.1995.
          - Cỏ Hoa Gối Đầu. Sóng Văn. USA, 1997.
- SôngNúi Cùng Người Thơm Ngát Thợ  Thơ. Canada, 2002.

Dư thị Diễm Buồn có 6 thi phẩm:
          - Nỗi lòng  Người Em Nhỏ, 1991
          - Một Thoáng Hương Xưa, 1996.
          - Những Ngày Xưa Thân Ái ,1997.
          - Quê hương Ngày Em Lớn 2000.
          - Một Thoáng Hương Xưă Cassette ngâm thơ)
          - Nỗi Lòng NgườI Đi , 2001.

Hà BìnhTrung có 6 thi phẩm:
          - Khói Lửa, USA, 1987
          - Yêu Mãi Ngàn Năm, USA, 1990
          - Dấu Chân Viễn Khách, USA,1995.
          - Cánh Thời Gian,USA, 1997.
          - Ngàn Dặm Thương Yêu. USA, 1999.
          - Vẫn Mãi Yêu Em, USA,2000.

Vân Nương đã đóng góp 4 thi phẩm :
          - Con Đường Lý Tưởng , 1990
          - Nhớ Một Người Đi, 1996.
          - Mây Viễn Phố, 1996
-         Trăng Viễn Phố, 2001.

          Thời kỳ này các nhà thơ viết về nhiều  chủ đề:

I. TÌNH YÊU

          Trong thi ca hải ngoại, tình yêu vẫn là một đề tài quan trọng và chiếm nhiều giấy mực và thời giờ của thi sĩ.Phần đông các thi sĩ lúc này đã lớn tuổi nhưng trong tim của họ vẫn có những tình yêu, có thể là những hoài niệm quá khứ, mà cũng có thể là những thực tại đau khổ và dở dang.
Những người ra đi đã để lại đằng sau những mối tình, phần lớn là những mối tình dang dở, vỡ tan:
          Tình đã theo em về dĩ vãng
          Buồn tôi như lá thẩn thờ bay
          Ví dù lá rụng đày thu ướt
          Lá cũng xin đừng bận gót aị
                   ( Nguyễn Tất Nhiên- Đông khúc)
          Thỉnh thoảng thi nhân để hồn tưởng đến người yêu cũ. Tất cả đều héo úa.  Quê hương tan nát và thân phận người phụ nữ miền nam cũng tối tăm như người tình ngày xưa của Cao Đông Khánh:
          Từ Suối Máu anh trở về xanh như lá cây
          Những kẻ sống chết cho độc lập tự do
          trở thành phản quốc.

          Anh bỏ đi rồi em ở với ai
          .   .      .      .      .        .    .
          Em rớt thăm thẳm xuống vực sâu thời cuộc
          Sương Sài gòn thấm lạnh áo mồ hôi
          Mưa lất phất ngoài ngả  năm, ngả bẩy
          Gió lọt vào em từ ngả bảy, ngả ba. .   .
                                                                     ( Uẩn tình kẻ xa xứ)

Kiêm Đạt hoài niệm người yêu nhưng đó chỉ là dĩ vãng rất xa xôi  với tờ thư ngày trước:
          Em nhé hẹn về chốn ấy
          Hoa hồng hé nụ tình tạ
          Buồn chết! Röi vào dĩ vãng
          Tờ thư mực đọng chưa nhòạ
                               ( Tám hướng )

Lê Huy Oanh buồn rầu nhớ đến mối tình sau ngày thất quốc:
         
Trái tim tái mét
          Đã học được gì
          -Những nỗi ê chề
          Cuộc tình oan khuất
          Trái tim khóc ngất
          Đã học được gì
          -Hai đứa chia ly
          Vũ trụ sụp đổ
                              (Bài học trái tim )

          Những người đàn ông thương nhớ những người đàn bà, tất nhiên những người đàn bà cũng thương nhớ những người đàn ông nơi xa xôi.
          Có những mối tình bỏ lại sau lưng nhưng cũng có những mối tình nở thắm trên bước đường ly hương.  Một số thi nhân ra đi mang một nỗi buồn trong tình yêu, nhưng một số rất hạnh phúc khi ở xứ người. Trong tập Dấu Ngọc Ngà, Vương Ngọc Long có nhiều bài thơ ca tụng tình yêu:
         
Xích lại gần nhau, lại gần nhau
          Chuyền nhau hơi ấm thuở ban đầu
          Nụ hôn thầm gửi tình yêu dấu
          Tháng hai này - riêng kẻ yêu nhau
                                                    ( Bài thơ Valentine)

          Trong thơ Trần Hồng Châu, ta thấy Trần Hồng Châu mơ làm hiệp sĩ phóng ngựa từ biên cương trở về kinh thành để gặp giai nhân của chốn đế đô:
         
Từ biên cương ruổi ngựa về bắc khuyết
          Ta tìm em đâu phải mộng vương hầu
          .  .  .    .   .      .       .    .       .   .
          Em vẫn ngồi đây vừng trăng cũ
          Nửa mùa ly loạn nét đan thanh.
                   (Nhớ Đất Thương Trời- Em vẫn ngồi đâyvầng trăng khuyết)

Cũng có khi Trần Hồng Châu mơ làm một hoàng tử đa tình như trong các truyện thần thoại:
         
Anh muốn là Hoàng tử đam mê
          Từ muôn trùng biển khơi
          Về vớI em bên cửa động tiền thân
          Của những người tình héo hon niềm mắt biếc.
                   (Nửa Khuya Giấy Trắng  - Áo mộng đào hoa)      

II- QUÊ HƯƠNG

          Đa số thi nhân hướng đến chủ đề này bởi vì các thi nhân phần lớn là thuyền nhân đã bỏ quê hương mà đi,. Dù xa cách quê hương, tình quê hương bao giờ cũng sáng trong lòng thi nhân.  Nhớ quê hương là một chủ đề chính trong thi ca người tị nạn lưu vong.
Trong Viên Sỏi của Quê Hương, Hàn Song Tường đã cầu khẩn:
         
Tặng cho tôi viên sỏi  quê nhà

          Viên sỏi buồn, viên sỏi biết phong ba

          Tôi kiêu hãnh dùng làm bia tưởng niệm.

Cao Tiêu viết:
         
Ta thả nhớ về trời
          Quê hương xưa cách trở
          Thơ có vần thơ lơi
          Tình vẫn tình trăng tỏ
                                                   (Thả)

Hồ Trường An nhớ muà hè quê mẹ:
         
Quê mẹ bên kia hè đến sớm
          Rực hoa phưộng thắm, rực soan hồng
          Ở đây xuân muộn bao la gió
          Đợi mãi gặp ngày đẹp nắng trong
                                            ( Một ngày thong thả)

Mỗi thi sĩ đều có một vùng trời để nhớ. Nguyễn Mạnh Trinh nhớ Thành Nội Huế, nhớ áo vàng tôn nữ:
         
Nghe thoang thoảng từng bài thơ anh viết
          Hương một người nồng nặc thân quen.
          Nhớ man mác rong rêu Thành Nội
          Mùi hoa quỳnh trong nỗi nhớ lênh đênh.
                                  ( Thấp thoáng bóng một người )

Nguyễn Bá Trạc cũng quay cuồng vì nỗi nhớ thương Huế:
         
Năm mười tám tuổi pha ngây ngất
          Yêu một dòng sông những chuyến đò
          Trưa trên Văn Thánh thơm mùi gỗ
          Anh chẳng cho lòng phút đắn đo

          Em, xóm Bao Vinh đường lót gạch
          Hương chiều thoang thoảng mấy hàng cau
          Anh theo gió thẳng lên An Cựu
          Anh chẳng cho lòng phút đắn đo
                                                           (Quê Mẹ)

          Hoàng Ngọc Ẩn nhớ Sài gòn :
          Chiều Sài gòn người có đi qua
          Nhớ chiều xưa dáng nhỏ mong chờ
          Những con đường chừ đây cúi mặt
          Mắt nai buồn hồn bỗng vợ
                                       ( Sài gòn vĩnh biệt)

Bà Sương Mai thương nhớ Cần Thơ:
         
Mai về đến bến Cần Thơ
          Làm chim Phụng Hiệp đău bờ Cái Răng
          Chiều Phan Thanh Giản mưa giăng
          Sáng Đoàn Thị Điểm băn khoan nhớ người
          Đàn chim dang cánh tung trời
          Sao ta mỏi cánh về xuôi nỗi buồn
              (Võ ĐứcTrung, Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca VIệt Nam Hải Ngoại I, Cần thơ ngày về ,  203)

Những hình ảnh Vàm Cống, Tiền Giang luôn hiện trong tim Nguyễn Mạnh Trinh:
         
Cảm ơn hoa đã nở vì ta
          Mười ba năm thoảng đã vô cùng
          Đời theo triều nước Tiền giang vỗ
          Lòng ta Vàm Cống cũng mịt mùng
                                                             ( Tâm hoa)

Ở bên này đại dương nhìn sang bên kia đại dương, Lê Văn Phúc than thở:
         
Nước ngăn tình đôi ngả
          Nước khơi mối thảm sầụ
          Cố hương vời vợi quá
          Nhớ nhưng gửi về đâủ
                                            ( Sương khuya)

          Xuân về tết đến là lúc mọi người nhớ quê. Như Lý Bạch ngày xưa, bây giờ Trần Ngân Tiêu nhìn trăng nhớ quê:
          Ngước mắt nhìn trăng chợt nhớ quê
          Nỗi buồn lay động cả sao khuya
          Tình quê cứ mãi còn trong nhớ
          Rượu uống mừng xuân vẫn não nề.
                                           ( Vọng nguyệt tư cố hương)
                                     
III- LƯU ĐÀY

          Nỗi đau khổ vì mất nước phải đem thân lưu vong là một ám ảnh lớn trong hồn người Việt. Dù ở đâu và đi đâu, chúng ta vẫn thấy cô đơn, lạc lỏng ở nơi quê ngườị
         
Thẩn thờ trên phố lạ
          Về đâu chiều tha hương
          Dừng đây buồn muốn khóc
          Cho phần đời ly hương.
                   ( Tưởng Năng Tiến,  Chiều Vọng Các)

Phan Lạc Giang Đông cũng mang sầu lữ thứ như Tưởng Năng Tiến:
         
Tôi vẫn người xứ lạ
          Đếm từng bước lưu dân
          Quê tôi giờ xa lắm
          Trong trái đời lặng câm
                   ( Chiều xuân ở Queen Anne)

Trần Mộng Tú nhắc đến nguồn gốc lưu đày của chúng ta là ngày 30-4-1975:
         
Ta ngồi một mình
          Ly cà phê cạn
          Lòng như tháng tư
          Dứt ra từng đoạn
          Quán trưa không người
          Phố trưa không gió
          Ta với nỗi không
          Chảy thành lệ nhỏ
          Bốn năm quê người
          Đời, con nước cạn
          Hồn như lá khô
          Vướng giòng mục nát.  .  .
                   ( Lòng như tháng tư )

Cái ý tưởng mình là người khách lạ đã xâm chiếm tâm hồn người xa xứ. Thật vậy, chúng ta là kẻ bị lưu đày, chúng ta là người khách lạ lúc ở trong nước và khi ra ngoài nước.
         
Sao ta mãi làm loài cây không rể
          Thân xanh xao hoa trái chết trong hồn.
          Tim vẫn đập nhưng dấu từng hơi thở
          Nhịp đời lên là những tiếng cô đơn
                   ( Phùng Minh Liên -  Khách lạ)

Thi nhân cảm thấy mình là một kẻ bị lưu đày, sống trong uất hận đau đớn như tâm sự Kiêm Thêm:
         
roi đời quất mạnh tay
          thịt xương tôi mưng mủ
          cơn thịnh nộ của trời
          lưu đày tôi bảy kiếp

          tôi và chiếc cùm gông
          trái tim ôm vác nặng
          lưu đày chốn đất người
          ngàn năm nghe lệ mặn
                   (Lượng cả dương gian)

Cùng chia xẻ nỗi niềm này, Lê Phú Hải viết:
         
Đời một thuở đem thân làm lưu lạc
          Để từng đêm gió gọi ở trên đầụ
          Ta cúi mặt nghe trăm chiều tủi hổ
          Quê hương ơi ngàn sóng vẫn kêu gàọ
                   ( Sóng vẫn vỗ vào eo biển quê hương tôi)

Hoàng Minh Hương cũng nói đến sầu viễn xứ:
         
Cất bước lang thang trời viễn xứ
          Lãy mưa làm bạn, nắng thay nhà
          Biết đến bao giờ nguôi hận cũ
          Ta khóc người hay khóc cho tả
                                                    ( Kiếp sống thừa)

Nhất Tuấn không những mang sầu biệt xứ mà còn mang tủi nhục người thất trận. Hai nỗi buồn hòa nhập làm một day đứt đời ông:
         
Làm thân cây bật gốc
          Trong kiếp đời lưu vong
          Tan hàng trong tủi nhục
          Sống đây mà như không
                            (Mò kim đáy biển )

Cuộc sống lưu đày nơi xứ lạ quê người đã làm cho thi nhân băng giá. Phặm Tăng kêu lên:
         
Lạnh đâu thấm nhập vào phòng
          -Không đâu ! Lạnh ở trong lòng lạnh ra!
          Bên ngoài chỉ có sương sa
          Bên trong giá buốt hơn là tuyết băng!
                                                ( Nửa đêm)

Thi nhân đã dùng rượu để quên sầu nhưng lúc nào nỗi cô đơn vẫn bám chặt tâm hồn thi nhân:
         
Rượu mời ta rót cho ta,
          bạn gần không tới, bạn xa chưa về
          rót nghiêng năm tháng vào ly
          mắt nheo bóng xế tay che nỗi buồn
          rót đầy băng giá cô đơn
          rót thao thức nhớ rót hờn giận quên
                   (Thanh Nam  -  Đêm cuối năm uống rượu một mình)

Cuộc sống xứ người  đôi khi rất khó khăn. Một số dân Việt Nam cảm thấy không thoải mái vì không qua được cơn chấn động văn hóa (cultural shock) . Cao Tần viết bằng một giọng khôi hài như sau:
         
Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
          Mày qua bên Mỹ học đuợc củ gì?
          Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
          Nói mày hay ông thượng đẳng cu lỵ
                                                   ( Thơ Cao Tần)

Trần Hoàng Anh vượt biên khi còn trẻ, thân gái  một mình lưu lạc nơi xứ người. Có lần cô đã cảm thấy cô đơn, mình tự thương mình:
         
Thương mình lưu lạc phương trời
          Không ngày hạnh phúc không người tri âm.
          Một mình một bóng âm thầm
          Cười cười nói nói trong lòng đớn đau. . .
                   ( Mộng đời tan hoang )

IV. GIA ĐÌNH

          Có một số người ra đi mang theo gia đình, nhưng một số ra đi bỏ lại mẹ già em dại, vợ yếu con thơ. Nỗi thương nhớ dó được các thi nhân giẵi bày trong thơ. Hình ảnh mẹ già được thi nhân đề cập nhiều nhất.
Sống hạnh phúc ở xứ người, Hữu Phương nhớ mẹ già đói khổ ở quê hương:
         
Khi con thừa cơm gạo
          Có nghĩ mẹ đói nghèo
          Sáng rau khoai, chiều cháo
          Ngày qua ngày chắt chiu
          .  .   .   .      .      .      .   .
          Khi con thừa lãng khuây
          Con nghĩ mẹ ốm gầy
          Sớm hôm chiều lao động
          Đêm nào đươc giấc say. .  .
                   ( Tiếng thầm của mẹ)

Nơi quê người, Minh Viên lại thấy càng cần tình thương của mẹ:
         
Con vẫn âm thầm thương nhớ mẹ
          Hồn thơ không soi nắng thêu hoa
          Hồn thơ đã ngập tràn băng tuyết
          Và mất mùa đông làm gió mưa

          Thiếu mẹ đời con như lá úa
          Xuân về con ngỡ xuân chưa sang
          Xuân về xuân của riêng thiên hạ
          Con mất xuân rồi đâu biết xuân
                   ( Thư xuân gửi mẹ)
Ngày xuân là lúc người ta nhớ đến quê hương, đến mẹ già nhiều nhất. Minh Viên gửi  về mẹ những vần thơ tha thiết:
         
Muời mấy xuân rồi xa cách mẹ,
          Nhớ thương trĩu nặng những vần thơ
          Mùa đông rét mướt hồn con trẻ
          Thôi hết rồi hoa bướm, mộng mợ
                   ( Thơ xuân gửi mẹ)

Trong ngày Tết, Nguyễn Thế Hà đã khóc hết nước mắt:
         
Thư mẹ đến giữa chiều 30 tết
          Quê hương người con khóc trắng đêm thâụ
          Mẹ chỉ mong có một ngày sum họp
          Nhưng bây giò thì mãi mãi xa nhaụ
                   ( Bao nhiêu rồi mơ ước cũng pha phôi)

Thái Tú Hạp thương nhớ vợ con xa:
         
Biết thế nào được em
          Qua từng giấc mơ thật đẹp
          Thấy em cười và thấy đôi mắt con thơ
          Ngời sáng như sao
          Mà cũng lấp lánh buồn như sao!
                   (Hại bụi nào bay qua)

Du Tử Lê bỏ lại các con trên quê hương Việt Nam. Ông chưa bao giờ trở về để gặp lại gia đình. Ông chỉ mong mỏi gặp lại những đứa con yêu quý sau khi đã nhắm mắt:
         
Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển
          Cho tôi về gặp lại các con tôị
          Cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
          Từ những mắt đã buồn hơn bóng tốị
                   ( Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển)
                  
V- TỐ CÁO CỘNG SẢN

          Trước kia  một số người chưa thấy bộ mặt cộng sản nên chưa căm thù cộng sản. Sau 30-4-1975, nỗi căm thù, uất hận đã thành hình, thành khối. Vì cộng sản đã gây ra nhiều đau khổ, chết chóc cho dân chúng, nên dân chúng đã phải bỏ nước ra đi. Trần Hoàng Anh nói đến vấn đề  đi kinh tế mới:
         
Bé lên hai tuổi
          Tập nói bi bô
          Đôi mắt tròn vo
          Bàn tay mũm mĩm
          Mẹ bồng trên tay
          Mẹ cõng trên lưng
          Lội suối băng rừng
          Mang bé về nhà
          Ở vùng kinh tế
          Bé nhớ ông bà
          Nơi thành phố xa
          Bé khóc nức nở. .    .
                   ( Đi kinh tế mới)

Cộng sản đã bỏ tù binh sĩ, viên chức miền nam và bỏ tù những ai chúng muốn. Ngô Minh Hằng đã nói đến việc cộng sản giam giữ vô cớ  và bỏ đói tù nhân:
         
Nhìn con xiêu gầy da bủng xám
          Mắt mẹ sâu, hai giọt lệ lăn tròn.
          ‘Trong trại tù khổ lắm phải không con?’
          Con cúi mặt nghẹn ngào:’ Không mẹ ạ!’

          Con giấu mẹ những đêm dài đói lả
          Ngày nhục nhằn mà lao động vinh quang!
          Vì mẹ ơi , con thương mẹ vô vàn
          Nên chẳng muốn lệ đày thêm mắt mẹ!
                   (Gọi Đàn-  Cơn mộng dữ)

Linh mục Phan Văn Lợi tố cáo tội ác cộng sản bắn vào dân Quảng Trị trong Mùa hè đỏ lửa 1972:
         
Hôm ấy cũng một ngày nắng đẹp
          Nhưng từ bên kia Thạch Hãn đạn réo gầm.
          Đồng bào tôi nơi Quảng Trị, tất tả cuống cuồng
          Vứt hết cửa nhà liều thân chạy thục mạng
          Miệng thét thất thanh, mặt mày hoảng loạn
          . .  .    .     .      .     .      .       .       .      .   .
          Bỗng dưng pháo đạn chuyển sang thế chận đầu
          Đồng bào vô tội của tôi nơi cây cầu
          Cây cầu dài khét tiếng ‘ Kinh hoàng đại lộ’!
          Cối 61, B40 thản nhiên trực xạ
          Nam nữ, trẻ già, hết thảy trở thành bia!.  . .  .
                   (Tuyển Tập Thơ Văn Ái Quốc Mùa Xuân Khởi NghĩaĐDại lộ kinh hoàng )

Tô Thùy Yên kể lại kể lại chuyện xưa để nói chuyện nay:
         
Nhớ xưa thiên địa dấy binh lửa
          Xứ xứ rần lên người giết người
          Thú loạn rừng kêu rú nhật nguyệt
          Ruộng hoang, thành trống ai tìm aỉ
          Núi đổ lấp sông, sao chổi hiện
          Nhãn tiền sống chết, chuyện như chơi
          Đêm trước đại quân vừa hạ trại
          Chiều nay lều cháy xác thây phơị  . .
                   (Tuyển Tập Thơ Văn Ái Quốc -  Lão trượng )

Những cảnh tang thương chết chóc do cộng sản gây ra  luôn hiện đến trong giấc mơ của Xuân Hiến::
         
Thây co quắp theo anh trong giấc ngủ
          Xác ngổn ngang trên những lối anh đi
          Đại lộ kinh hoàng trên nẻo anh về
          Cuộc chiếm Mậu thân hiện hình nơi anh đến
                                                                        (Gửi Julie)
Vân Nương viết về ngày 30-4 và bức tượng người chiến sĩ tại nghĩa trang Biên Hòa:
         
Nói sao hết những bạo tàn reo rắc
          Dân miền Nam gánh chịu những ê chề
          Tôi căm hận bọn người như dã thú
          Anh ngồi tâm lắng đã từ lâụ   .   .
                                                          ( Pho tượng bên đồi)

          Thơ Nguyễn Chí Thiện là thơ chiến đãu,có một phong cách rất độc đáo  Ông là người  can đảm. Thơ của ông công kích thẳng vào cộng sản:
         
Nó đứng không yên, tất bật điên đầu
          Lúc rụt vào Tàu, lúc rúc vào Nga
          Nó gọi Tàu Nga là cha anh nó
          Và tình nguyện làm con chó nhỏ
          Xông xáo giữ nhà, gác ngõ cho cha anh
                   ( Tự do,  258)
          . . .  .  bọn cướp tự do
          Đạo mạo, thung dung trên trên tàn tro xương sọ
          Tôi không nhớ hết tên bọn nó
          Duẩn, Giáp, Hồ Hề, Chinh Xu gì đó!
                   (Đất nước tôi, 1971)
          Hang Pác Bó thành hang ác thú
          Bác Hồ già hóa dạng bác Hồ Ly
                                                           ( Đồng lầy, 30)

          Giai đoạn này là giai đoạn thơ chống cộng bộc phát mạnh mẽ. Người người lên tiếng, nhà nhà lên tiếng tố cáo tội ác cộng sản. Bây giờ kết thúc cuộc chiến tranh bằng vũ lực và tiếp tục cuộc chiến tranh ý thức hệ. Bây giờ là lúc ngưòi quốc gia chân chính tự mình điều hành cuộc chiến đãu chống cộng sản, không cần sự viện trợ của quốc gia nào, không cần vũ khí, không lệ thuộc vào chính sách ngoại giao và quân sự  của ai. Sau một thời gian, một số thi sĩ đã tìm cảm hứng ở nhiều đề tài khác, nhưng ở những thi sĩ chân chính với lập trường quốc gia chân chính, vấn đề cộng sản vẫn là một đề tài quan trọng trong việc mưu cầu tự do và hạnh phúc cho nhân dân VIệt Nam. Lúc này, nhiều tập thơ chống cộng ra đờị

VI- CHIẾN TRANH

          Chiến tranh là một phần của cuộc đời người Việt Nam. Chiến tranh là một đề tài luôn hiện lên trong tâm hồn người Việt Nam, nhất là những chiến sĩ cộng hòa. Diên Nghị đã suy nghĩ về chiến tranh và ngày 30-4-1975. Đó là nỗi đau khổ luôn dày vò người  cựu chiến binh:
         
Nuối tiếc, buồn thương đâu dễ nguôỉ
          Chua cay lần khóc lẫn khi cười
          Tay ôm vững súng đành buông súng
          Đồng đội tang thương-  cuộc đổi đời
                                                          (Nửa đêm đọc thơ lệ)

Nhất Tuất không trách ai, ông trách ông là ‘tên đào binh’. Trong thư gửi cho con, ông viết:
         
Bỏ đơn vị, gia đình
          Thoát thân bố chạy trước
          Tên trung tá đào binh
          Cắm đầu giông khỏi nước
                   (Mò kim đáy biển )

Duy Năng cũng có những ý tưởng giống Diên Nghị:
         
Ôi những trầm luân, những nổi trôi
          Cánh chim tan tác bốn phương trờị
          Sa cơ đồng đội, ta chung chịu
          Nghé lạc , đàn tan, giữa nẻo đờị
                   (Đã từ chinh chiến điêu linh)

Tùy Anh viết về ngày 30-4:
         
Quê người chợt nhớ chợt mong
          Tháng tư lòng lại chạnh lòng nưóc non.
                   ( Mai rồi, tháng tư)

Theo Nhất Sơn Vũ Quang Hán, kết thúc cuộc chiến đã đem lại bao xáo trộn cho dân chúng miền nam vốn sống’ cuộc sống rất người và rất hồn nhiên’:
         
Trời êm ả như con thuyền xuôi nước
          Bỗng một phút cuồng phong làm đảo ngược
          Kẻ ra đi người sống cảnh lưu đày. .   .
                   (Mất gì?)                

VII- VƯỢT BIÊN

          Một số người Việt hải ngoại là thuyền nhân. Họ không bao giờ quên những ngày tháng hãi hùng đó. Hình ảnh con tàu vượt biển bao giờ cũng nằm sâu trong tiềm thức ngườI Việt. Hà Huyền Chi nhắc đến hải tặc và những xác người:
         
Vẫn còn đó những con thuyền mục nát
          Như con người bầm dập vỡ niềm tin
          Vẫn còn đó biển vô tình tàn ác
          Nhiều xác người tan tác, giữa trời quên

          Vẫn còn đó nụ cười điên hải tắc
          Những mũi da đâm lút thịt da tươi
          Những thô bạo ê chề trên thể xác
          Bao hồn trinh thảm thiết khóc thương đờị
                   (Vẫn còn đó)

Mai Thảo đã kể cho chúng nghe chi tiết cuộc hải trình của ông:
         
Suốt bảy ngày đêm theo sóng nước trôi đi
          Lúc báo động  xuống hầm tàu đóng kín
          Báo động qua, lại thảnh thơi hơi thuốc nhìn trời
          Trong đêm dài bó gối nhìn lên
          Biển sao sáng xuống lòng tối thẳm.  .  . .
                                                         ( Hỏi mình giữa biển)

Trong khi đó một số thuyền nhân lại bày tỏ lòng can đảm, và óc mạo hiểm trong nhữnmg ngày tháng lênh đênh trên sóng nước:
         
Một sớm thuyền ta ra giữa biển
          Ôi trời lồng lộng nắng thênh thang
          Những khi cười mỉm khinh nguy hiểm
          Là lúc trong ta vỗ cánh bằng.  .   .
                   ( Hoài Điệp tử- Hành 40)

 Dư thị Diễm Buồn viết về cuộc vượt biển của bà:
         
Đoàn tàu vẫn kiên trì không lùi bước
          Tiến âm thầm trong biển nổi cơn điên
          Thủu thủ vững tay ghìm tàu tới trước
          Nên sá gì biển vật vã triền miên.
                   (Tại sao tôi yêu biển)

VIII- TÙ ĐÀY

          Một số văn thi sĩ hải ngoại đã là tù nhân của chế độ cộng sản. Họ không bao giờ quên những ngày tháng hãi hùng đó. Song Nhị viết:

          Tôi đi dưới bóng thời nô lệ
          Ngọn núi đè lên cả kiếp người
          Đủ ngón đòn thù ân huệ lắm
          Quất len da thịt đã chai sần
          Lưỡi dao sỉ nhục xuyên tim óc
          Vết chém khoan hồng tươm xác thân
                   (Tôi đi giữa đoàn tù vác đá )

Thy Lan Thảo luôn nhớ lại những ngày tháng ngục tù:
         
Tám năm ta sống trong tù ngục
          Vẫn biết ngày về cuộc bể dâu
          Thực cảnh chỉ làm nuôi ý sống
          Miền Nam rồi sẽ phải về đâủ
                   (Ý của ngày về )
          Tháng chín giặc về, thân chiến bại
          Đời tù mưa gió lại buồn thêm.
                   (Đầu thu Houston)

Hoàng Anh Tuấn ghi lại những ngày tháng biệt giam:
         
Hẹp vuông khung cửa biệt giam
          Thờ ơ mấy ngón tay đàn chấn song
          Khúc này hờn tủi vuốt cong
          Xin dâng lên mắt lưng tròng ngọc trai
          Khúc này lộc nở nụ gai
          Xin môi thêu nét mỉa mai mấy cành.  .    .
                   (Những khúc biệt giam)

Hạ Quốc Uy không quên những ngày bị giam giữ trong rừng xanh. Rừng đem lại cho ông những hình ảnh buồn:
         
Rừng rất lạ với người tù còn trẻ
          Bởi cùng dường nên từng bước có hoang mang.
          Ta đứng lại xem đời sau thăm thẳm
          Tiếng lạ vỗ cành nghe cũng gian nan
                   ( Biến thành con vượn hú)

Nguyễn Bá Trạc ghi lại nỗi đau đớn của ông khi thấy tấm thân tàn của người tù từ trại tập trung của cộng sản trở về:
         
Xót quá anh ơi, người bạc mệnh
          Thân gầy ngâm nước độc rừng thiêng
          Những củ sắn trụi trơ chiếc rễ
          Trong bụng giun to tướng của thằng em
                   ( Tiếng biển khơi)

IX- CÁI CHẾT

          Những nhà thơ tị nạn phần lớn đã lớn tuổi cho nên trong một lúc nào đó của chuỗi ngày tàn, họ đã nghĩa về giây phút cuối cùng của họ. Với Du Tử Lê, chết là một phương tiện để trở về lại quê hương đã mất.  Du Tử Lê đã viết bản chúc thư trong đó có đoạn:
         
Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển
          Cho tôi về gặp lại các con tôi.. .

Mai Thảo là một nhà văn nhưng ông cũng làm thơ. Thơ của ông là giấc mơ về cuộc đời của ông sau khi ông chết. Ông đã nghĩ đến đền đài, danh vọng và hư không:.:
         
     Ta thấy tên ta những bảng đường
               Đời ta, sử chép cả ngàn chương
               Sao không, hỏi cát sông Hằng ấy
               Còn chứa trong lòng cả đại dương
               Ta thẵy hình ta những miếu đền
               Tượng thờ nghìn bệ những công viên
               Sao không, khói với hưong sùng kính
               Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên
Nói chung, các thi nhân không cho chết là hết mà linh hồn còn hiện hữu sau khi thân xác đã ngưng hoạt động và tan rữa. Sau khi chết đa số muốn về lại quê hương, và một số cho rằng cuộc đời là hư không trống rỗng.

X- ƯỚC MƠ

          Con người ai cũng có ước mơ. Những thi sĩ Việt Nam ở hải ngoại cũng có những ước mơ. Họ không ước mơ hạnh phúc cho riêng họ. Họ ước mơ cho hạnh phúc cả dân tộc. Phan Lạc Giang Đông mơ một ngày Việt Nam trở thành một nước dân chủ thật sự:
         
Nỗi thôi thúc tóc em bay phơi phới
          Mùa vui tin dân chủ ấm lời nhaụ
                   ( Cánh bay của ngôn ngữ mới)

Trần Thúc Vũ cũng như đa số dân Việt hải ngoại luôn mơ một ngày giải phóng quê hương:
         
Núi vươn muôn đỉnh xa
          Âm vang lời Sát Thát
          Thấu chăng lời gió đưa
          .    .    .       .      .    .
          Mai này anh trở về
          Đó anh, trời dựng sáng
                   ( Muôn Trùng )

Mạc Trần Lan  nung nấu ý  chí khôi phục  quê hương:
         
Giữa phồn hoa, quê hương xứ lạ
          Xin được thề: cùng trở về
          xây dựng lại Việt Nam.
                   (Xin giữ trọn lời thề )

Nguyễn Đức Vinh đã dùng hình ảnh rất mạnh và rất đẹp khi viết về sông Đồng Nai và thác Trị An để bày tỏ chí hướng của mình:
         
Mai bốn phương về thác Trị An
          Ngàn thiêng mưa nước sông gầm
          Dẹp phăng gai góc cùng rơm rác
          Như chúng ta về quét loạn quân
                   (Tuyển Tập Thơ Văn 90 tác Giả, 96)

Một số mơ ngày trở lại quê hương . Linh Linh Ngọc ước đước cùng người yêu trở về quê hương thanh bình, nghĩa là sẽ trở về khi quê hương không còn màu cờ đỏ,  khi không còn cộng sản tham tàn, độc ác:
         
Tôi ước ao một lần
          Dù chỉ một lần thôi
          Được cùng anh trở về quê cũ
          Trong trái tim héo khô tàn rữa
          Ta sẽ tưởng như đời vừa được tưới mưa xuân
          Mình sẽ cùng đi từ Bắc Lạng, Cao Nguyên
          Dần xuống đồng bằng, về Thăng Long cũ.  . .   .
                                                                         ( Tôi ao ước một lần)




          Một số tác phẩm đã mang nhiều chủ để, có thể là hai, ba hay bốn chủ đề đã trình bày trên. Viết Cho Quê Hương của Hoàng Phong Linh Võ Đại Tôn ấn hành năm 1982. Võ Đại Tôn viết những bài thơ này sau ngày 30-4-1975.Ông luôn  cảm thấy thương nhớ quê hương, một quê hương đã xa vời trong trí tưởng:
         
Chim sầu ngưng đập cánh
          Mỏi mắt tìm quê hương
          Nơi đây chiều buông lạnh
          Mây che mọi nẻo đường.  .   .

          Xa chim, chiều đứng lặng
          Không nhà, chim tha phương
          Cánh đeo sầu trĩu nặng
          Bay hoài : đâu quê hương? (26)

Ông mang nổi sầu lữ thứ, mang nỗi cô đớn và đau khổ của người mất nước:
         
Xung quanh tôi chẳng có một người thân,
          Tên thành phố cũng là tên xa la..
          Nơi đây có trăm đường vạn ngả
          Nẻo nào đâu dẫn tới quê  tôỉ
          Gớc công viên thành tượng đá tôi ngồi
          Ai có hỏi, xin trả lời mất nước (66)!

Rất nhiều thi sĩ thương nhớ quê hương bằng tâm tư, riêng Võ Đại Tôn lại yêu quê hương bằng hành động. Ông đã mơ ước trở về và ông đã trở về giải phóng quê hương cho dù ông đã thất bại:
         
Chờ ngày mai ứ đọng dâng đầy                                  
          Thành thủy lưu theo về sông, về biển
          Theo đường trăng, theo ánh sao hiển hiện
          Chảy về quê- tìm lại tháng năm xưa (68)!

Ngô Minh Hằng nổi danh về những bài thơ chống cộng của bà. Bà đã xuất bản bốn thi phẩm và thơ của bà đã được đăng trên nhiều tạp chí Việt ngữ hải ngoại. Lời thơ của bà đanh thép  hùng mạnh và điêu luyện.
Đọc các tập thơ của bà, chúng ta nhận thấy có nhiều chủ đề. Chủ đề thông thường của Ngô Minh Hằng và của người Việt xa xứ là thương nhớ quê hương. Tâm hồn của luôn hướng về Sài gòn với những địa danh quen thuộc và mến thương:
         
Chao ôi nhớ quá Sài gòn!

           Nhớ đường Thống Nhất, Tháp chuôngĐức Bà

          Nhớ lòng Nguyễn Huệ đầy hoa,
          Bạch Đằng nhớ bóng con phà Thủ Thiêm
          Tam Đa xanh đỏ nhớ đèn,
          Bến Thành bốn cửa, nhớ chen chân người!.  .    .                              
                                                   ( Nhớ Sài gòn-  Gọi Đàn)
                                      
Phần lớn thơ của Ngô Minh Hằng mang tính cách tố cáo cộng sản. Bà đã viết về thân phận người quốc gia trong nhà tù cộng sản:
         
Đoàn người lặng lẽ cuốc đào, khiêng
          Lũ ngợm súng ghìm, đứng kế bên.
          Trăm ngọn roi thù vun vút xuống
          Ngàn lời nói độc chất chồng lên.
          Mồ hôi pha với niềm cay oán,
          Nước mắt hoà chung nỗi hận phiền.
          Chẳng mội ai mà không biết họ
          Ấy người buông súng nhận oan khiên!
                   (Người cải tạo- Gọi Đàn)
         
Ba gian mái rạ, vách bùn rơm,
          Tám chục tù nhân chẳng chiếu giường.
          Nền đất cỏn con, người một khoảng
          Màn trời lồng lộng, gió mười phương.
          No nê dạ tiệc bầy muỗi, rệp,
          Vui vẻ hòa ca, nhái ương.
          Chỉ có người tù là khốn khổ
          Đêm dài, bụng rỗng, lạnh da xưong !
                   ( Đêm tù của người cải tạo- Gọi Đàn)

Bài thơ Đám ma tù của Ngô Minh Hằng là một bức tranh đậm nét thê lương:
         
Vài tên cầm súng bước đi đầu,
          Tên nửa ẠK tiếp phía sau
          Một xác bó tròn đôi manh chiếu
          Hai đầu buộc tréo bốn dây lau
          Không kèn, không trống, không đưa tiễn
          Chẳng khói, chẳng nhang, chẳng nguyện cầu
          Chỉ có bạn tù khiêng lặng lẽ
          Vùi nông một khối hận thù sâu!
                   ( Gọi Đàn)
          Cũng như đa số người tị nạn, Ngô Minh Hằng mang cái sầu vong quốc. Trong những bài thơ Tết, Ngô Minh Hằng thường bày tỏ cái cô đơn của người biệt xứ:
         
Riêng ta xuân đến có gì vui
          Chỉ thấy lòng đau ,dạ ngậm ngùị
          Hăm mấy năm dài từ mất nước,
          Quê người, hồn khách, cố hương ôi!
                   ( Chúc Xuân- Gọi Đàn)

Ngô Minh Hằng đã nói lên hai nỗi đau trong lòng người quốc gia Viêt Nam: một cái dau thất trận và một cái đau lưu đày nơi miền đất lạ:
         
Rách nát chinh y, cung kiếm gãy
          Đau  buồn tủi nhục kiếp hàng binh.
          Mẹ ơi, con đó, thằng con mẹ         
          MườI mấy năm trôi chống ngục hình!

          Nay sống vơ miền đất lạ,
          Nửa là Mán dại, nửa người kinh.
          Ôi thằng đã dở, ông càng dở
          Cúi mặt, con hay tự rủa mình!

Ngoài những bài thơ tranh đãu, Ngô Minh Hằng còn sáng tác nhiều bản tình ca êm ái. Dư Âm Tiếng Lòng đều viết về chủ đề tình yêu, trong đó có tình quê hương, tình gia đình, và tình nam nữ.

Ngô Minh Hằng đã yêu và đã hưởng hương vị ngọt ngào của tình yêu:
         
Hôm xưa người ấy đến thăm,
          Đường xa chẳng ngại mưa dầm ứơt vaị
          Bao nhiêu cây số đường dài,
          Là bao nhiêu tiếng lòng ai đợi chờ . . .
                   ( Nhớ ai nhớ quá thế này. . . Tiếng Lòng)
  cũng đã đau khổ vì yêu:
         
Tôi mất anh rồi có phải không?
          Đường đi không tới, với không cùng!                           
          Chao ơi, cay đắng lời chia biệt,
          Không giận, không hờn sao bỗng dưng..  .
                   ( Đường đi không tới  - Dư Âm)

Luân Hoán là một người viết nhiều thơ. Chủ yếu là thơ tình. Ông cũng đã một thời say mê bóng săc giai nhân:
         
một đời mê những mỹ danh :
          Thanh Thảo,Kiều Phúc, Kim Anh, Bích Đào
          Phương Anh, Mộng Thúy, Lạc Giao,
          Bích Hường, Phước Khánh, Hồng Đào, Thái Thu
          Huỳnh Thi, Phước Khánh, Quỳnh Cư
          Duyệt Lai, Châu Yến Loan, Từ Thoại Chi....
                                                         ( Tình thơ một thuở)
Ông yêu đương và nhớ nhung:
         
nhớ em
          đại khái ra sao
          là nghe
          tim
          ruột
          cồn cào xốn xang
          cái đầu
          cái óc
          hoang mang
          lỗ tai
          con mắt
          lang thang ngoài đường
          tay thừa
          miệng thiếu
          mùi hương
          tâm
          thân
          trống rỗng
          bốn phương gió vào  .  .  .
                                              ( Nhớ em )

Thơ Luân Hoán cũng là thơ chiến tranh.  Có những bài thơ ông dã viết trong những ngày chinh chiến mà ông là một chiến sĩ đã xông pha trận mạc và hy sinh một phần thân thể:
         
em hỡi em
          anh bây giờ là tên lính mù
          trong trận chiến tối
          phải dùng lệ mình và máu thân yêu
          để nhìn mặt người
          phân chia thù bạn
          để bắn thật tình
          để giết tự nhiên
          .  .   .   .     .    .    .     .   .
          anh bây giờ là tên lính mù
          chỉ huy một trung đội điếc
          với chiếc còi trên môi
          và hàng trăm câu chửI tục.  .   .  .
                                         (trái tim hành quân)

Và ông quan niệm cuộc chiến tại Việt Nam là một cuộc chiến phi lý:
         
một con gà trống đỏ
          một con gà trống đen
          cùng nhìn về phương đó
          khát vọng và bản năng
          cả hai cùng hăm hở
          đá nhau không nói năng
                   ( chiến tranh)

Thơ Luân Hoán cũng có tính chất hoài hương. Ông đã về thăm cố hương trong một đêm mơ:
         
đêm qua tôi mơ về Quảng Ngãi
          Hái trái mù u ở Nghĩa Hành
          gió từ Mộ Đức vây tôi lại
          rờ rẫm thăm từng gốc tóc xanh

          tôi gặp bàn tay ai rất mềm
          xâu từng chùm nắng xách hai bên
          thân thương vói níu tôi dừng lại
          xối rửa đôi lòng mắt trót quên
          ...                  
          tôi gặp tôi qua núi với rừng
          Trà Bồng, Thạch Bích cõng trên lưng
          đêm qua tôi mới về Quảng Ngãi
          một đoạn chân lìa xưa đến thăm!
                                      ( về lại những địa danh nằm lòng)

Thơ Diên Nghị là tiếng thơ vong quốc, và tù đày. Ông đã tả rất sống động quang cảnh những ngày cuối tháng 4  năm  1975:
         
Tháng tư chợt thức, bừng tin dữ
          Địch khép vòng vây -  ép Sài gòn.
          Hải hạm vội vàng rời căn cứ
          Đường bay tên lửa xé thinh không

          Tháng tư, vợ ngóng chồng đầu ngõ
          Nón sắt, giày sô, vất dọc đường
          Mưa sớm khai mùa tuôn xối xả
          Đất trời  cũng xót động tai ương!

          Thương binh lê lết ra y viện
          Tà quyệt nào tha phận tật nguyền.  .    .
          Đơn vị rã hàng, tàn chinh chiến
          Hỡi người nhân đạo với nhân danh? .  .   .  .
                                                                ( Tháng tư)
Ông cũng thuật rất kỹ cảnh tết trong tù:
         
Ba tết lướt qua tù cải tạo
          Khổ sai lao động rã mòn hơi
          Manh áo pjong phanh, khoai sắn độn
          Chiếu sạp gập gồ, lưng mỏi rời
          Bụng đói chờ xuân quanh đống lửa
          Nụ cườI đồng độI chứng hiếm hoi
          Bát nước chè xanh chia từng ngụm
          Bi thuốc cuối cùng rứt làm mồi. . . .
          Sốt rét vàng da, phù thủng,lỵ
          Ba tấc đất nông ,vúi phận người  . . .
                   ( Chờ xuân bên đống lửa)

Thơ Diên Nghị là thơ hoài hương. Ông không quên được quê hương khốn khổ trong chế độ cộng sản, mà chính ông và gia đình ông là nạn nhân:
         
Thao thức đêm xuân nhớ Sài gòn
          Mẹ già, hẻm tối, cảnh neo đơn
          Lửa tàn, bếp lạnh, nồi cơm độn
          Giấu mặt đêm đêm ngậm tủi hờn.

          Xơ xác chung cư, khổ khóm phường
          Vợ nghèo hôm sớm gánh hàng rong
          Chắt chiu từng mảnh đời con dại
          Ác mộng tàn canh, giấc hãi hùng.

          Lứa tuổi thơ ngây bỏ lớp trường
          Lất lây hè chợ kiếm tình thương
          Chán chường cảnh ngộ chồng ly vợ
          Cha bán thân con dở độ đường .

          Hệ lụy nân gian hóa bần cùng
          Xe thồ, ba gác, đạp còng lưng
          Không nhà, kẻ sống bên người chết
          Dầu gối lên mồ chịu ngủ chung. .   . .
                   ( Xuân chỉ dành riêng)
Và thơ Diên Nghị cũng là thơ lưu đày. Sang Mỹ, ông rất sung sướng hưởng cảnh thanh bình, tự do:
         
Ta đến Ca li, tiết mạnh đông
          Gió mang hơi tuyết, nắng hơi đồng
          Xôn xao viễn khách, sân ga lạ
          Tay nắm bàn tay, nghẹn tủi mừng
          .     .     .    .     .     .      .     .      .
          Ánh điện năm màu tỏa phố đêm,
          Lan man giấc ngủ,mộng bình yên. . .
                                             ( Ta lại gặp ta)

Dẫu sao, người ra đi khỏi quê hương như cá ra khỏi nước,  buồn nhiều hơn vui, tuổi già lại đến, ông cảm thấy lòng trĩu buồn:
         
Nắng sương hai tiết, phương trời lạ
          Một chiếc phù sinh , đón tuổi già
          .  .  .  .      .    .     .    .     .      .   .
          Rửa sạch bàn tay bụi bám đầy
          Buông rời hiện tại, thả tương lai
          Ta tìm số kiếp, vùng tâm thức
          Gượng gạo lời vui nhạt tiếng cườị  .   . . 
                                                ( Từ một góc nhìn xuân)

Thơ Trần Hoài Thư là thơ của người lính. Một phần thơ ông mang hình ảnh những cuộc hành quân gian khổ:
         
Mang Giang rừng tiếp rừng
          Sương mù không thấy đỉnh
          Áo nhà binh chưa khô
          Mong dài thêm cái nắng

          Tháng ba đường ra trận
          Qua bìa rừng khai quang
          Mang giang này Mang Giang
          Quạnh hiu hồn cây cỏ. .  . .
                   ( Tháng ba đi hành quân)
         
Nửa đêm kẻng giục, quân ra trận
          Kinh động cả lòng đêm tối bưng
          Nhận lấy ba ngày cơm gạo sấy
          Không buồn chỉ một chút bâng khuâng

          Đới ta là con số không vô tận
          May trên đầu có chiếcx mũ rừng    
          Mũ nhẹ nên coi đờI cũng nhẹ
          Chiến tranh. Thì cũng tựa phù vân.  .   .
                   ( Trước giờ tiếp viện)

Ông đã nói lên tâm trạng người lính sống nay chết mai:
         
Xin cô hàng thêm một két bia
          Hôm nay lãnh lương tôi dành đãi hết
          Cô hàng ơi, một mai tôi chết
          Ai tiêu dùm ba tháng tiền lương

          Hôm qua tôi đứng chợ Bồng Sơn
          Mẹ thằng bạn ôm tôi mà khóc
          Tôi nói làm sao qua dòng nước mắt
          Thị trấn này vừa mất thằng con.  .   .   .
                   (Một Ngày Không Hành Quân)

 

Cũng như bao quân nhân cộng hòa, Trần Hoài Thư đã phải ngồi tù trong những trại tập trung của cộng sản. Bốn năm trôi qua trong đau đớn, khi ông trở về mái tóc đã bạc mặc dầu ông còn trẻ:

         
Ngày tôi vào tù con tôi một tuổi
          Ngày tôi ra tù con tôi lên năm
          Khi tôi trở về, đứng ngoài cửa ngõ
          Mừng tôi trở về cây mận trổ bông
          Tôi bước vào sân, bông rơi trên tóc
          Con tôi nhìn tôi, ngơ ngác, kêu ông
          Cả nhà sụt sùi, má tôi bảo cháu
          Ba cháu đây mà, cháu nhớ ba không?
          Thì tôi đã về, bốn năm phù du
          Thì tôi đã về, má ôm tôi khóc
          Cây mớn trước nhà đầy bông nở trắng
          Như trắng mái đầu tóc má tóc con. .   .
          (Cây mớn trước nhà)

Thơ Trần Hoài Thư cũng là thơ hoài hương. Ở Mỹ, ông luôn nhớ xứ Thần Kinh ngày xưa:
         
Sông vẫn mênh mông và mênh mông
          Đây là đâu hay giòng sông Hương
          Thèm ơi, một chuyến phà năm cũ
          Một chuyến phà chở hết quê hương

          Thèm ơi, một chuyến phà Thừa Phủ
          Chở những người áo trắng qua sông
          Có bao cô gái qua Đồng Khánh
          Để tôi còn đốt thuốc chờ mong.  .   .   .
                   ( Cuối năm bên dòng Hudson)
Thơ của Trần Hoài Thư là thơ lưu đày, vì ông luôn cảm thấy cô đơn ở nơi quê người:
          Ta sẽ đứng yên như người Từ Thức
          Và cô đơn như cùng tận cô đơn
          Như một người không có quê hương
                   ( Cuối năm bên dòng Hudson)

          Thơ thời kỳ này là thơ trung thực, chất liệu của thơ là máu, nước mắt, và nỗi đau thương của bản thân, gia đình , bạn bè và đất nước. Thơ phát xuất từ thực tế, từ trái tim, nó hoàn toàn khác lối thơ tưởng tượng hoặc thương vay khóc mướn. Thơ lúc này phản ánh lịch sử, mang những sắc thái đặc biệt của lịch sử và cuộc đời. Thời kỳ này thi nhân xuất hiện rất nhiều . Những người xưa nay chuyên viết tiểu thuyết, làm báo và nghiên cứu nay cũng làm thơ  bởi vì những nỗi đau của bản thân, những tang thương của đất nước khiến họ xúc cảm mà thành thơ. Những chủ đề lớn của thời đại là tình yêu,  gia đình, quê hương, chiến tranh, tù đày và cuộc tranh đãu cho tự do, dân chủ cho người ở lại, và cho dân tộc.
          Thời kỳ này thơ mới, thơ tự do phát triển mạnh. Thơ phần nhiều ý tưởng rõ ràng, bình dị. Loại thơ siêu thực và tượng trưng ít thấy. Nội dung thơ mang cảm xúc mạnh, hàm chứa nỗi buồn về quá khứ và hiện tại nhưng không phải là tư tưởng hiện sinh như thòi kỳ trước. Đôi khi  bi đát và châm biếm. Phần lớn thơ hải ngoại đều nung nấu mối căm hờn chủ nghĩa cộng sản phi nhân và mong ước một ngày không xa hòa bình thực sự, và tự do dân chủ thực sự sẽ về trên quê hương Việt Nam.
                                     
( Lịch sử Văn Học Việt Nam)

Nguyễn Thiên Thụ

nguồn : Gió Văn 4

No comments:

Post a Comment