Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday 2 February 2014

VIÊN LINH * LÀM BÁO TRƯỚC 1975

Wednesday, June 9, 2010

Viên Linh 

– Làm báo văn nghệ ở miền Nam trước tháng Tư 1975


Viên Linh: Liên hệ giữa báo chí văn nghệ và chính quyền tôi thấy rất tốt đẹp. Chính quyền không hề có biện pháp đặc biệt nào đối với báo văn nghệ, còn báo chí loại khác như nhật báo thì có thể khác.








Viên Linh – Làm báo văn nghệ ở miền Nam trước tháng Tư 1975

Posted on 22.08.2009 by litviet
 Phan Nhiên Hạo phỏng vấn

http://litviet.com/2009/08/22/vien-linh-bao-van-ngh%E1%BB%87-mi%E1%BB%81n-nam-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-1975/

Viên Linh là một tên tuổi lớn của văn chương miền Nam trước 1975. Ông đã in cả chục tác phẩm truyện, thơ. Nhưng Viên Linh cũng là một người làm báo kỳ cựu, có lẽ kỳ cựu nhất trong giới nhà văn từ trước đến nay. Ông theo đuổi nghề báo đã hơn năm mươi năm, từ trong nước ra đến hải ngoại, làm chủ bút nhiều tờ báo văn chương quan trọng, có được sự cộng tác của hầu hết các cây bút nổi tiếng trong văn giới miền Nam.

Trong bài phỏng vấn dưới đây, nhà thơ Viên Linh hồi tưởng lại công việc với một số tờ báo ông đã làm qua, giúp người đọc hôm nay có một ý niệm về sinh hoạt báo chí và văn chương Sài Gòn trước 1975.

Phan Nhiên Hạo: Anh là người làm nhiều báo văn nghệ ở Sài Gòn trước 1975, xin anh cho biết một số thông tin về các tờ báo anh từng làm thư ký toà soạn hoặc chủ trương? Tôi nghĩ điều này có thể có ích cho những người nghiên cứu lịch sử văn chương miền Nam sau này.
Viên Linh: Tờ báo tôi làm thư ký tòa soạn đầu tiên là tờ Màn Ảnh, và ngay sau đó vài tháng chuyển qua làm tờ Kịch Ảnh (1961-1967). Bốn năm sau tôi làm thư ký tòa soạn Tuần báo Nghệ Thuật (1966-1968, chủ nhiệm chủ bút Mai Thảo, trong khi vẫn giữ việc làm bên Kịch Ảnh; mấy năm sau nữa thì được mời làm thư ký tòa soạn tuần báo Khởi Hành (1969-1973, cơ quan ngôn luận của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội). Có một thời gian ngắn tôi được mời làm chủ bút tuần báo Diễn Đàn của Liên Minh Á Châu Chống Cộng, trong khi vẫn làm bên Khởi Hành. Nói chung không bao giờ tôi chỉ làm một tờ báo, trừ khi tôi ra báo riêng của mình, là tờ bán nguyệt san Thời Tập (1973-1975) lúc tôi đã trên ba mươi tuổi, và có nhà in riêng ở đường Nguyễn Trãi.

 Tạp chí Thời Tập

Về tuần báo Màn Ảnh và Kịch Ảnh (1960-1967). Trước khi vào làm thường trực cho hai tuần báo chuyên về nghệ thuật trình diễn này (ca nhạc, xi nê, kịch nghệ), tôi sống trong môi trường nhật báo, nên lúc bước vào làm một tờ tuần báo tôi quan tâm tới sự khác biệt phải có. Màn Ảnh hay Kịch Ảnh là báo xi-nê, giải trí, bài vở cần tươi vui, trình bày phải tân tiến, bởi báo xi-nê có nghĩa rằng người đọc là giới trẻ, học sinh sinh viên; thẩm mỹ quan của họ là thẩm mỹ quan ảnh hưởng Tây phương. Biết như thế, tôi tự nghiên cứu cách trình bày một tờ tạp chí cho thích hợp qua các tờ tuần báo ngoại quốc tôi được biết lúc đó, như Ciné Monde, Ciné Revue, L’Express chẳng hạn.
Tuần báo Nghệ Thuật . Nghệ Thuật xuất hiện rất tưng bừng: trong thập niên 60, đó là tờ tạp chí văn học nghệ thuật duy nhất của miền Nam ra hàng tuần, bìa in offset nhiều màu. Cho tới lúc đó miền Nam chỉ có các bán nguyệt san, hai tuần mới ra một lần: Bách Khoa, Văn, Tân Văn, Văn Học. Năm làm thư ký tòa soạn Nghệ Thuật (1966) tôi chưa đến ba mươi, chưa lập gia đình, và còn làm bên tờ Kịch Ảnh, cũng ra hàng tuần, nhưng như cái tên, chuyên về nghệ thuật trình diễn, mạnh nhất về tân nhạc, và xi-nê, cũng có kịch nói và cải lương. Tờ Kịch Ảnh chỉ có ba người làm biên tập thường trực, ông chủ nhiệm kiêm chủ bút Quốc Phong, ông tổng thư ký Mai Thảo, và tôi. Ngoài việc viết bài, kể chuyện phim, phỏng vấn ca sĩ, tôi còn kiêm trình bày offset tờ báo, vì đã có vài năm kinh nghiệm qua tờ Kịch Ảnh. Trình bày bằng phim, bài vở hình ảnh chụp ra phim, trình bày bằng negatives trên bàn kính (light table), kể cả bài viết cũng chụp ra phim, sau đó thợ in đốt ra bản kẽm. Như thế là tân kỳ nhất Việt Nam thời đó. Khi Mai Thảo và nhóm các anh Vũ Khắc Khoan, Thanh Nam, Pham Đình Chương, Anh Ngọc được ông thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ tài trợ cho khoảng một triệu bạc thì tôi được mời làm thư ký tòa soạn Nghệ Thuật, vì các anh muốn có một tờ báo vừa văn học nghệ thuật, lại vừa in offset nhiều màu.
Khởi Hành. Tới tháng 5 năm 1969 tôi được Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội mời làm thư ký tòa soạn tờ báo của hội, có hơn 700 hội viên. Chủ nhiệm kiêm chủ bút là đại tá Trần Văn Trọng, chủ tịch hội. Ông chính là nhạc sĩ Anh Việt, tác giả bản nhạc bất hủ Bến Cũ. Chúng tôi đã biến Khởi Hành thành tuần báo văn học nghệ thuật cho tất cả mọi người, quân nhân hay không. Và nó đã trở thành báo bán, như một tờ báo dân sự, của tư nhân, bán cho độc giả từ Đông Hà tới Cà Mâu, in từ năm tới bảy ngàn số, có lúc lên đến mười ngàn (có ghi rõ số lượng phát hành trên Khởi Hành số 13)  mỗi kỳ. Khởi Hành sống tới số 156.
Thời Tập. Vài tháng sau, trong năm 1973 tôi ra tờ báo riêng của mình, bán nguyệt san Thời Tập, và số chót phát hành ngày 15.4.1975, hai tuần trước khi cộng sản hoàn toàn kiểm soát Việt Nam. Số báo chót này năm vừa qua được anh em trong nhóm Thư Ấn Quán in lại ở Hoa Kỳ (có hình bìa gửi kèm đây).
Phan Nhiên Hạo: Khởi Hành là tờ báo gắn bó lâu dài với anh, ra hải ngoại anh cũng tục bản tờ báo này, và duy trì nó cho đến nay. Xin anh cho biết anh bắt đầu làm tờ Khởi Hành như thế nào? Có những ai cộng tác với tờ báo này lúc đó?
Viên Linh: Khi làm tờ Khởi Hành tôi đã đặt nền tảng cho chính mình về việc làm một tạp chí văn chương, và sau tờ đó, tôi làm tờ Thời Tập cũng theo cách đó. Đó là hai tờ báo gắn liền với tôi. Một cách vắn tắt, nếu chỉ kể hai mươi người đã cộng tác, đã viết thường xuyên cho hai tờ đó, tôi xin kể: Bình Nguyên Lộc, Cung Trầm Tưởng, CHÓE, Dương Nghiễm Mậu, Đỗ Khánh Hoan, Huỳnh Phan Anh, Lê Xuyên, Lê Huy Oanh, Mai Thảo, Mặc Đỗ, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hữu Hiệu, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Sơn Nam, Tam Ích, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Tuệ Sỹ, Võ Phiến, Vũ Bằng, Văn Quang, …

 Nguyễn Mạnh Côn (1920 - 1979)

Năm 1966 trong khi đang làm thư ký tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, tờ nhật báo duy nhất của quân đội, tôi được Đại tá Trần Văn Trọng liên lạc, mời về làm báo cho Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội. Lúc ấy tôi mới biết tờ Khởi Hành từng hiện diện, nhưng ra được tám số thì đình bản, và chỉ lưu hành trong giới nhà binh. Anh em trong Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội từng biết tôi qua tờ Tuần báo Nghệ Thuật (1966-1968), nên mới có quyết định mời tôi về để phục hồi tờ Khởi Hành, với chủ trương mới: báo phải bán ngoài thị trường.

Nhật báo Tiền Tuyến

Vì không phải là nhân viên cơ hữu của Cục Quân Cụ mà Đại tá chủ nhiệm Trần Văn Trọng là Cục trưởng, nên tôi vào làm tờ Khởi Hành với tư cách người ngoài được mời, có hợp đồng riêng, theo đó tôi có toàn quyền về việc mời người cộng tác, chọn đăng bài, và toàn quyền trong việc trả nhuận bút cho các tác giả cộng tác. Tức là điều hành tờ báo một cách chuyên nghiệp, như một tờ báo dân sự, cạnh tranh với các báo khác ngoài thương trường. Tôi biết rõ sinh hoạt báo chí của Sài Gòn từ 1955 khi bước chân vào làng báo: các tác giả tên tuổi thường chỉ viết bài, trao bài sau khi đã nhận tiền nhuận bút, (nói đúng ra, anh em thường tiêu hết tiền nhuận bút rồi mới nghĩ đến chuyện viết bài trả nợ; vì thế mới có danh từ “nộp bài”). Và nơi gặp nhau làm việc không phải là bàn giấy tòa báo, mà là trong quán xá hay trong các cuộc hội thảo văn học.
Mới đầu thực ra là tôi từ chối, vì rất không thích không khí quan cách. (Tôi tưởng như thế khi còn là một thiếu niên, nên chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi làm công chức chẳng hạn.) Chính nhà văn Nguyễn Mạnh Côn khuyến khích tôi nhận lời mời làm Khởi Hành. Trong ba bốn năm ở trung học, học cùng lớp với cháu ruột của anh Côn, tác giả Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử, nên được gặp anh luôn. Anh nói: Trong giới văn nghệ bây giờ đầy hủi, cậu nên nhận lời mời làm tờ Khởi Hành, vấn đề là phải có toàn quyền quyết định, nếu cậu có quyền thành lập bộ biên tập một tờ báo, khi tham khảo, chọn người, tôi tin là cậu sẽ biết ai là hủi, ai không hủi. Khi mình biết nó là hủi, mình dẹp nó đi, như thế văn nghệ sẽ bớt hủi đi. Cho nên nói cách khác, cậu phải chơi với hủi. Không chơi với hủi thì hủi sẽ tràn lan; chơi với hủi mới dẹp được hủi, không chơi với hủi là lầm. Những lời ấy là kim chỉ đường cho tôi trong nhiều chục năm sau.
Tờ Khởi Hành trước 1975 sống đến số 156, qui tụ các nhà văn tên tuổi nhất Miền Nam mà tôi biết được: viết truyện dài có những nhà văn vừa kể ở trên; viết trang-mục có Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Ký giả Lô Răng, Tú Kếu, Võ Phiến; viết truyện ngắn và đăng thơ, hình như không thiếu một ai, từ Nguyễn Thị Hoàng đến Túy Hồng, từ Lý Hoàng Phong đến Phạm Công Thiện, từ Hoàng Trúc Ly đến Phạm Thiên Thư, từ Nguyễn Đức Sơn đến Thảo Trường, viết phê bình có Lê Huy Oanh, Nguyễn Nhật Duật, Huỳnh Phan Anh, Cao Huy Khanh, về tham luận văn triết sử giáo dục và văn hóa có Tam Ích, Nguyễn Hiến Lê, Thạch Trung Giả, Nguyễn Sỹ Tế, vẽ có Tạ Tỵ, Nguyễn Trung, CHÓE, dịch thuật có Mặc Đỗ, Trần Trọng San, Nguyễn Hữu Hiệu.

Bình Nguyên Lộc

Phan Nhiên Hạo: Bây giờ như anh biết, báo văn chương hải ngoại và internet không có nhuận bút, người chủ báo cũng phải làm việc không công. Tôi nghĩ đây là điểm đáng buồn. Nhưng hình như vấn đề nhuận bút của các nhà văn cộng tác với báo chí ở miền Nam thời trước rất khá?
Viên Linh: Khi bắt đầu làm Khởi Hành, tôi trình bày với Đại tá chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội: Không ai có thể làm một tờ báo thành công nếu làm với một bộ biên tập có sẵn. Vì thế, ngay trong phiên họp của ban chấp hành hội, tôi được cam kết là có toàn quyền về biên tập. Tôi cũng đưa ra ý kiến là tôi cần lựa chọn nhà in thích hợp, và sẽ quyết định việc trả nhuận bút cho các tác giả cộng tác theo mức độ tên tuổi và tài năng của họ, trong khuôn khổ tài chánh mà Hội đã đồng ý. Tôi đưa ra ví dụ: người ta không thể trả nhuận bút cho học trò của nhà văn Vũ Khắc Khoan ngang hàng với nhà văn Vũ Khắc Khoan, chẳng hạn tôi, từng là học trò giáo sư Vũ Khắc Khoan hồi học ở Chu Văn An, Hà Nội. Làm sao cứ đúng ngày thứ Năm quí vị có báo thì thôi. Tất cả đồng ý. Do đó trong những năm làm Khởi Hành, trong số hai mươi ngàn đồng nhuận bút dành cho một số báo, kể cả lương tôi, tôi sử dụng theo tiêu chuẩn trên. Điều này đã khiến nhà văn Thanh Tâm Tuyền được trả 1.500 đồng một bài và những người khác từ Cung Tích Biền (nhà văn viết hay nhưng mới xuất hiện) tới Trùng Dương, Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo (bốn nhà văn sau viết thường xuyên cho Khởi Hành) được trả theo giá từ 700, 1000, và tới 1.500 một bài. Bốn người viết truyện dài cho Khởi Hành, lần lượt Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Trùng Dương, Cung Tích Biền, mỗi kỳ một trang, được trả theo tiêu chuẩn 1.500, 1.000 và 700. Tôi trực tiếp xin bài và đưa nhuận bút tận tay các tác giả mà không qua quản lý.

 Viên Linh (bên trái) và Mai Thảo (bên phải), 1982
Việc trả nhuận bút tùy tác giả còn vì lý do khác, chẳng hạn Thanh Tâm Tuyền viết rất khó khăn, nếu không thúc giục và trả giá cao, ông không viết được. Ông Tuyền là người cố viết ngắn trong khi nhiều nhà văn cố viết dài, cà kê dê ngỗng. Còn những người khác có khi có sẵn hai ba cái truyện ngắn chẳng hạn, thì chỉ cần trả giá vừa phải, có khi trả rẻ nữa, cũng vẫn có bài như thường. Chuyện trả nhuận bút chênh lệch cũng đôi lần gây ra kỳ kèo, nhưng không có gì đáng phiền hà, vì trong khi xây một ngôi nhà, có chỗ thì lát gạch Lái Thiêu, có chỗ thì lát cẩm thạch Ý, có chỗ để một tí cỏ mọc tự do, hay một khối đá sần sùi, đó là quan điểm của kiến trúc sư; ông chủ nhà và người trong nhà hài lòng thì thôi. Tôi biết rõ những người kỳ kèo, vì chủ nhiệm Trần Văn Trọng đều cho tôi biết họ là ai. Ông là vị chủ nhiệm chủ bút tư cách nhất mà tôi được cộng tác. Vì thế khi tục bản tờ Khởi Hành ở Hải ngoại năm 1996, tôi tự ý đề tên ông ra bìa là chủ nhiệm sáng lập trong khi ông không hề dính gì tới tờ Khởi Hành ở Hải ngoại.

 Thanh Tâm Tuyền

Nhà văn miền Nam như tôi biết viết nhiều thứ cho báo chí, nhiều loại. Nếu chỉ viết cho một tờ báo thì chỉ lãnh được 20.000 đồng một truyện cho một tháng. Thường phải viết thêm nhiều thứ khác như kể truyện cổ tích (Hoàng Trúc Ly), nghiên cứu khoa học, “giải đáp tâm tình” (Bà Tùng Long), bình luận từ tướng số tới tâm linh, từ giai thoại thi cử tới tình sử của các giai nhân, danh sĩ, v.v. Một kỳ viết hàng ngày (không kể truyện dài) thường là 200, một truyện ngắn thường là 500 hay 700 đồng. Một số nhà văn viết truyện từng kỳ vượt hẳn lên, viết ba báo một ngày, tức là ba truyện một ngày, thì lãnh được 60.000 một tháng. Có bốn năm người viết năm truyện một ngày, như Lê Xuyên, Văn Quang, Ngọc Linh, Sĩ Trung, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long. Những người này kiếm xấp xỉ một trăm ngàn một tháng. Bà Tùng Long, Bình Nguyên Lộc hay Sơn Nam, Thanh Nam, Nhã Ca, Túy Hồng thì thường viết hai truyện cộng thêm một hai mục gì đó, và viết cho báo tuần, báo tháng cũng nhiều.

Nguyễn Thụy Long

Phan Nhiên Hạo: Ngoài báo chuyên về văn chương, hình như anh cũng làm một vài tờ báo tin tức, giải trí khác?
Viên Linh: Tôi từng làm thư ký tòa soạn các nhật báo Dân Ta (chủ nhiệm Nguyễn Vỹ), Dân Tiến, Đất Tổ (Thượng tọa Thiện Minh chủ trương), chủ bút tuần báo Hồng. Như đã nói, tôi làm hai ba tờ báo một lúc, vì sau khi nhận lời làm thư ký tòa soạn một tờ báo, tôi tổ chức một bộ biên tập riêng, giao việc cho anh em, mỗi người một hay hai mục, nên việc chính của tôi là điều hành, nên thêm gì bỏ gì, khi nào phải thay đổi, vì thế mà làm được nhiều báo, trừ tờ Thời Tập của tôi, từ 1973 tôi không làm báo cho ai nữa.
Phan Nhiên Hạo: Anh thấy vai trò của báo chí trong văn chương miền Nam như thế nào?
Viên Linh: Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Tại nhiều nước Âu Mỹ, ngành xuất bản sách ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt văn chương, trong khi tại miền Nam, chính các tạp chí mới đóng vai trò thúc đẩy, mạnh hơn sách, hơn nhà trường, trong sinh hoạt văn chương.
Nhiều nhà văn tôi biết viết feuilleton (truyện dài viết từng kỳ trên nhật báo và tuần báo), sau đó mới xuất bản thành sách. Báo chí Âu Mỹ không đăng truyện trên báo ngày hay báo tuần. Có lẽ cũng vì thế mà nhà văn Âu Mỹ có cơ hội viết kỹ, viết xong từ đầu tới cuối truyện, đọc và sửa lại xong xuôi, rồi mới đi tìm người xuất bản cái truyện đó thành sách. Ở miền Nam thì không, ngày nào chúng tôi cũng viết. Viết năm sáu tháng xong một cuốn truyện, mỗi ngày viết một đoạn. Nhưng có người mỗi ngày viết năm truyện dài cho năm tờ báo khác nhau. Năm 1969 tôi có năm cuốn tiểu thuyết được xuất bản, tức là năm trước đó và năm đó, có thời gian tôi viết bốn hay năm truyện một ngày. Cũng không khó khăn gì vì thật ra, tôi chỉ sáng tác một hoặc hai truyện, ba truyện còn lại là phóng tác và đọc vào máy thu băng, khi mang đến tòa soạn thì đưa cô thư ký, cô nghe băng đánh máy ra và đem trao cho các báo. Thời kỳ viết năm truyện một ngày, tôi đã phóng tác các truyện rất hay của Georges Simenon, như Vòng Dây Treo Cổ (Tante Jane), Những Kẻ Đồng Lõa (Les Complices), Cuộc Chạy Trốn của Ông Hoàn Vũ (La Fuite de Monsieur Monde). Nhà văn Lê Xuyên khi làm thư ký tòa soạn báo Quật Cường rất tinh, ảnh cười bảo tôi: Bạn thích Simenon chứ tôi, tôi thích James Hadley Chase. Chúng tôi cười vang với nhau trên hè đường Gia Long.
Thứ hai, nước ta liên tiếp có chiến tranh, cứ khoảng chín năm có một biến cố chính trị hay quân sự làm thay đổi tình hình sinh hoạt thượng tầng của xã hội, mà thời kỳ này, hay giai đoạn này, khuynh hướng sau chống lại khuynh hướng trước, hay ngược lại. Ví dụ từ 1954 tới 1963, chính quyền do ông Ngô Đình Diệm lãnh đạo, Thiên chúa giáo La Mã ở thế chính quyền, Đại học Huế do một linh mục thành lập rầm rộ; rồi một đại học tư, Minh Đức, cũng do một linh mục đỡ đầu. Trong khi ấy thì Đại học Văn khoa Sài Gòn và Đại học Đà Lạt cũng đã do hai linh mục khác làm Viện trưởng. Các năm sau, từ 1964 đến 1973, sau khi chính quyền ấy bị lật đổ bởi các vận động của Quân đội, Phật giáo, đại học tư Vạn Hạnh mới ra đời, nhiều tạp chí Phật học xuất hiện như Vạn Hạnh, Tư Tưởng. Văn học Miền Nam giai đọan này chuyển hướng mạnh về Thiền học, nhất là thơ văn Thiền, báo chí tràn ngập bài vở về Thiền, và nhiều báo có ảnh hưởng Phật giáo được xuất bản. Khi có báo hỗ trợ, ngành xuất bản phát triển, do đó báo chí đóng vai trò quan trọng là chuyện đương nhiên.

 Nguyên Sa

Nếu chịu khó đi ngược lại lịch sử, qua mốc chín năm, ta sẽ thấy chiến tranh Pháp-Việt 1946-1954, một bên Việt minh cộng sản, một bên Quốc gia với Pháp, bên nào cũng có những báo chí riêng, chống lại nhau. Có thể nói trong khi ở các nước Tây phương, cứ hai mươi năm mới có một thế hệ, hay ý thức hệ, thì ở Việt Nam chúng ta chỉ cần chín năm. Thời gian ấy quá ngắn để xây dựng một công trình lớn lao, hay một nền học thuật căn bản. Cho nên chúng ta có nhiều tạp chí văn chương, (mỗi nhóm có một tạp chí), và nhiều truyện ngắn hơn truyện dài. Báo chí miền Nam như thế phản ảnh xã hội miền Nam một cách trực tiếp, tức thời, và trên phương diện văn học sử, cung cấp nhiều tài liệu sinh hoạt phong phú, giúp các nhà nghiên cứu nhiều hơn và cụ thể hơn là sách vở.
Phan Nhiên Hạo: Ngoài sáng tác văn thơ, vấn đề tranh luận và phê bình văn chương trên báo chí thời đó ra sao?
Viên Linh: Tranh luận văn chương tương đối là nghiêm chỉnh, nhưng không phải chỉ có phê bình, tranh luận văn chương. Không khí báo chí miền Nam nung nấu chuyện chính trị bên trong, và đương nhiên, sự ung thối đến từ những ngòi bút có cộng sản chỉ đạo, ví dụ Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Lương, Lữ Phương, một hai tờ báo thiên tả ra mặt như Trình bày, Đất Nước, Tin Văn. Điều bi thảm là một số cây bút Bắc di cư, theo đạo Thiên chúa giáo, lại vô tình hay cố ý làm lợi cho cộng sản, như một số cây bút trong nhóm Trình bày (chữ “bày” không viết hoa) như Thế Nguyên, Trần Tuấn Nhậm. Ông này còn ra ứng cử dân biểu, in poster “chống Mỹ cứu nước” dán đầy đường phố gốc cây Sài Gòn. Giáo sư Nguyễn Văn Trung, các linh mục Thanh Lãng, Nguyễn Ngọc Lan được biết như những gương mẫu cho mấy cây bút này. Phê bình văn chương đáng tiếc là thái độ của vài người trong nhóm Sáng Tạo đối với Tự Lực Văn Đoàn. Có thể vì coi thường mấy nhân sự nối dài của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà họ đã thiếu sự kính trọng đáng lẽ phải có với nhà văn Nhất Linh. Nhưng ngược lại, cũng có chuyện kỳ cục xảy ra, chẳng hạn một hai nhà văn gửi tác phẩm dự thi Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc, đến khi bị trượt, hay chỉ được trao giải khuyến khích, thì viết báo chửi rủa ban giám khảo. Nhưng nói chung văn chương báo chí miền Nam Việt Nam cho tới 1975 đã diễn ra trong không khí tự do, cởi mở chưa từng có. Ưu điểm nhiều nhưng khuyết điểm không phải là ít: một số thi văn tài đích thực không nổi tiếng bằng những kẻ khác, chỉ vì họ không thân với những người có báo trong tay, và ngược lại.

Vũ Hạnh


Phan Nhiên Hạo: Xin anh nói qua về quan hệ của báo chí văn nghệ với chính quyền thời đó? Thủ tục và mức độ kiểm duyệt ra sao?
Viên Linh: Liên hệ giữa báo chí văn nghệ và chính quyền tôi thấy rất tốt đẹp. Chính quyền không hề có biện pháp đặc biệt nào đối với báo văn nghệ, còn báo chí loại khác như nhật báo thì có thể khác. Chủ trương thì không có hạn chế, tuy nhiên, một số cán bộ thông tin thuộc Nha Báo chí bộ Thông tin khá xa lạ với văn nghệ trong cung cách, nhưng đó là chuyện con người nói chung. Về vấn đề kiểm duyệt, tác giả không cần đưa bản thảo xin kiểm duyệt sách báo trước khi in, nhưng cứ cho sắp chữ, chỉ cần nạp bản vỗ (tức bản chụp khuôn chữ chì bằng mực in, trên tờ giấy có thấm nước). Đối với sách, trong vòng mười lăm ngày, sở kiểm duyệt thuộc bộ Thông tin Văn hóa phải trả lời cho in hay không, hay đề nghị bỏ vài đoạn, bớt vài đoạn, ra sao. Bạn nên nhớ, Việt Nam Cộng Hòa là một thể chế được đâu tám mươi quốc gia trong Liên Hiệp Quốc công nhận như một nước, và nước ấy đang trong tình trạng chiến tranh, nhất là từ khi cộng sản lập ra Mặt trận Giải phóng miền Nam vào tháng 12 năm 1960, thế thì việc phòng ngự quốc gia là chuyện sinh tử. Việc kiểm duyệt sách vở báo chí bị chế riễu, thổi phồng, chỉ là do sự phá hoại của cộng sản rồi bị tay sai và một số người mang ra làm chuyện đùa, chuyện diễu. Bản chất chính quyền miền Nam 1954-1975 theo tôi là tốt nhất trong lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX và XXI đến thời điểm này. Thời nhà Nguyễn thế kỷ XIX, tới năm 1915, sĩ tử đi thi còn bị xổ toẹt vì phạm húy, trong khi tại miền Nam sau thời ông Diệm, báo chí mang tổng thống bộ trưởng ra chế diễu là chuyện xảy ra hàng ngày.
Chuyện xảy ra sau đây cho thấy một khía cạnh của kiểm duyệt thơ văn: Nhà thơ Tô Thùy Yên đưa cho tạp chí Văn bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang”, báo Văn không dám đăng, vì sợ bị kiểm duyệt, hay nghĩ rằng có sắp chữ đưa kiểm duyệt rồi cũng bị kiểm duyệt bỏ mà thôi, vừa tốn thì giờ vừa tốn công sắp chữ. Lúc ấy Mai Thảo là thư ký tòa soạn báo Văn bảo tôi nếu dám đăng thì hỏi Tô Thùy Yên rồi đến lấy về mà đăng trên Thời Tập, vì chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng của Văn “rét”. Thấy bài thơ hay, tôi đưa họa sĩ Nguyễn Trung minh họa, rồi đăng hết ba hay bốn trang Thời Tập, hình như trên số 4, cuối năm 73 hay đầu 74. Khoảng năm sáu năm trước đây, từ Houston, Tô Thùy Yên gọi điện thoại nói chuyện với tôi, cảm ơn tôi, “không có bạn thì bài Chiều trên phá Tam Giang” đã chung số phận với những bản thảo chưa đăng báo của tôi”. Nhà thơ Tô Thùy Yên ở tù cộng sản mười ba năm, tác phẩm bị cộng sản hỏa thiêu không còn một tờ giấy. Việc kiểm duyệt thơ văn của nhà cầm quyền miền Nam có chuyện như thế: có kiểm duyệt, nhưng kiểm duyệt là để diệt cộng sản hay ngăn ngừa tay sai cộng sản lợi dụng và lạm dụng, còn những người làm báo văn nghệ chân chính thì không có gì phải sợ cho dù trong một bài sáng tác, người nghệ sĩ có thể có lúc đã phát biểu không kiêng nể. (Nói về mặt chính trị, còn khi các ông kiểm duyệt viên trở thành nhà đạo đức kiểm duyện truyện tình lại là chuyện khác).

 Tô Thùy Yên

Trong bài thơ của Tô Thùy Yên có đoạn tác giả tự hỏi và tự trả lời, coi chính nghĩa mà chế độ dương danh không ra cái gì, như cuộc đối thoại với một cán binh Việt Cộng, có đoạn như sau:
Ta tự hỏi vì sao,
(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)
Và ta tự trả lời.
(Có bao giờ ngươi tự trả lời?)
Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt.
Ta thương ta yếu hèn.
Ta thương ngươi khờ khạo.
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng.
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử
Cùng mê sa một con đĩ thập thành.
Một đoạn thơ như thế viết ra, và in lên báo một cách trịnh trọng, tờ báo và tác giả không hề bị làm khó dễ gì, thì không thể bảo ở miền Nam không có tự do báo chí, tự do sáng tác. Có những kẻ nghe hơi nồi chõ, ngửi phải bùa thiên tả, cho việc phê phán miền Nam là tiến bộ, nói về kiểm duyệt như nhà tranh đấu nhân quyền rởm, chỉ làm họ hiện ra ngây ngô chứ không cao cấp gì. Chỉ những kẻ ngây thơ và những kẻ có dị tật mới có thể thấy thích thú hay thấy thỏa mãn mỗi khi được bôi xấu miền Nam bằng những khuôn mẫu quen thuộc như tham nhũng, sa đọa, kiểm duyệt thô bạo hay buôn lậu, đĩ điếm. Nhưng có khi họ không ngây thơ đâu, họ viết internet kiểu đó để khi về Việt Nam du ngoạn không bị cán bộ văn hóa làm khó dễ, họ bôi trơn bằng ngòi bút mà thôi. Bọn này không chỉ là người Việt Nam; Mỹ thiên tả hay Mỹ có vợ Việt khôn ngoan không thiếu gì.

 Phạm Công Thiện

Phan Nhiên Hạo: Ra hải ngoại đến nay, anh vẫn là người làm báo văn nghệ. Bên này dĩ nhiên không còn lượng bạn đọc đông đảo như Việt Nam. Những năm gần đây lại thêm hiện tượng internet khiến các báo in hải ngoại, nhất là báo văn nghệ, rơi vào tình trạng bế tắc. Nhiều tạp chí đã đình bản. Tuy vậy, tờ Khởi Hành anh làm từ nhiều năm nay vẫn tiếp tục ra báo đều đặn. Đọc giả chính của Khởi Hành là ai, và làm thế nào anh giữ được sự tồn tại của tờ báo trong hoàn cảnh hiện nay?
Viên Linh: Tôi luôn luôn tin vào điều này: Thấy cái gì phải thì cứ làm; thấy hủi thì báo cho mọi người biết, vì hủi là bệnh hay lây, loan báo ra là giúp cho môi trường mình sống được quang đãng sạch sẽ. Làm báo, nhất là báo văn nghệ, là thực hiện những gì đẹp, thật, và lành. Một tờ báo thấy thơ văn không hay, nhưng vẫn đăng vì quen biết, nể nang: tờ báo ấy không chân. Một nhà phê bình văn nghệ, thấy sách dở sách sai vẫn ca ngợi, thấy ca sĩ hát khó nghe, vẫn viết bài nồng nhiệt về cái khó nghe, mà tưởng người đọc không biết sao? Tờ báo ấy không đẹp, nếu không nói là có bụng dạ xấu, không lành. Làm báo là cảnh giác và trao đổi tương quan mà tờ báo lại không tìm hiểu đối tượng là mất cảnh giác, là đi trong đui mù, hay giả đui. Như anh nói: Khởi Hành vẫn xuất bản đều đặn (mỗi tháng một kỳ, hai tháng nữa bước sang năm thứ 14), và anh hỏi “độc giả Khởi Hành là ai”. Câu hỏi ấy, tôi tự hỏi mình trước khi làm tờ báo số ra mắt.
Có một câu thơ của Thế Lữ từ vài chục năm qua tôi dùng làm châm ngôn cho mình: “Ta là ai giữa mùa thay đổi ấy?” Nếu anh không biết con đường anh đang đi dẫn đến đâu, nếu anh không nhận ra trời sắp mưa hay mùa đang chuyển, anh sẽ ướt như chuột lột và đứng lại bên sông không một chuyến đò ngang, và đêm đang xuống, xung quanh không một ánh đèn.
 
 
 Võ Phiến

Khởi Hành còn đi, đi không ngừng nghỉ, vì chúng tôi có lương thực đủ ăn, con đường trước mặt thanh quang, bạn đồng hành thân ái, những bàn tay chờ đợi bên đường. Vì tạp chí Khởi Hành viết cho người ở đây, hôm nay, không viết cho người vọng tưởng, không viết cho người ngày mai. Nhiều tạp chí văn nghệ đã đình bản, như anh cho biết; vâng, nhiều quá không thể nhớ nổi, tôi không rõ vì sao, nhưng tôi biết rõ là tôi biết họ là ai. Họ ở hải ngoại nhưng viết cho người trong nước hài lòng. Một vị chủ bút một tờ nguyệt san đã đóng cửa từng viết: “Khi đạp xe lòng vòng trong Chợ Lớn, thấy những gia đình chen chúc sống trên lề đường, con cái đói xanh mặt, tôi quyệt định vượt biển, dù đang mùa lũ!” Ông ấy tả cảnh đói khổ của Việt Nam thời cộng sản chăng? Không phải đâu, ông ấy chỉ muốn nhắn với Hà Nội: Tôi ra đi không phải vì lý do chính trị đâu, chỉ vì các cháu đói quá, tôi là di dân kinh tế thôi mà. Tờ báo ấy không làm vì độc giả hải ngoại, nó nhắm vào độc giả trong nước, và chỉ vài mươi người biết đến là được rồi. Khi mục đích đã đạt, ông chủ bút đi về Việt Nam thoải mái, tờ báo sống hay chết không quan trọng nữa. Mà không phải chỉ có một tờ như vậy. Họ đình bản là chuyện tự nhiên mà thôi.
Đương nhiên cũng có những tờ phải đình bản vì lý do khác. Các vị chủ báo ấy chưa từng làm báo bao giờ, tuy có viết văn xuôi, làm văn vần, và mặc dầu các vị ấy ra hải ngoại viết rất nhiều, nhưng viết gì thì viết cũng không phải là làm báo. Viết không phải là làm, nhất là làm báo. Nhà văn Trần Phong Giao, khoảng hơn mười năm làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn, nói: Một tờ báo không phải là một tuyển tập thơ văn. Hải ngoại có hằng hà sa số những tuyển tập thơ văn, nhưng lác đác có dăm ba tờ tạp chí. Và câu nữa của anh: làm thế nào tôi giữ được sự tồn tại của tờ báo trong hoàn cảnh hiện nay? Câu trả lời của tôi là: Tôi có giữ đâu, độc giả giữ Khởi Hành tồn tại đấy chứ.
 Tú Kếu, sau 1975

Phan Nhiên Hạo: Được biết gần đây báo Khởi Hành có giải thưởng Văn Chương Toàn Sự Nghiệp, xin anh cho biết thêm về giải thưởng này?
Viên Linh: Giải văn chương Khởi Hành hay giải Toàn Sự Nghiệp của Khởi Hành hai năm tổ chức một lần, trị giá 5.000 mỹ kim, trong có 3.000 hiện kim, còn 2.000 dùng để mua vé máy bay, di chuyển, cho tác giả được giải tới lãnh. Giải không nhất thiết, tuy chủ yếu, nhằm trao cho một nhà văn nhà thơ có sự nghiệp hoạt động lâu dài, và hiện còn ở Việt Nam nhưng không được phép xuất bản sách. Năm 2005, chúng tôi đã tổ chức trao giải cho nhà văn Nguyễn Thụy Long, tác giả Loan Mắt Nhung, và nhất là năm truyện ngắn xuất sắc đăng trên Khởi Hành năm đó. Năm 2007, chúng tôi đã tổ chức trao giải cho nhà thơ Hữu Loan, tác giả Màu Tím Hoa Sim. Cả hai tác giả đều đã có thư gửi qua cảm tạ văn nghệ sĩ và đồng bào hải ngoại. Năm nay 2009, Khởi Hành đang thăm dò bạn đọc về giải này, mời bạn đọc đề cử, góp ý với chúng tôi qua địa chỉ sau đây:
Email: vienlinh@khoihanh.com ; hay phamcongkh@yahoo.com
Thư gửi về : P.O. Box 670, Midway City, CA, 92655, U.S.A.
http://khoihanh.com
Phan Nhiên Hạo: Anh có thể cho biết nguồn tài chính khá lớn cho giải thưởng này đến từ đâu được không?
Viên Linh: Tất cả đều do độc giả đóng góp, với danh sách công khai trên báo Khởi Hành.
Phan Nhiên Hạo: Tôi nghĩ công việc làm báo có thể đem lại những phần thưởng tinh thần cho người viết văn như cảm giác hữu ích, tạo quan hệ rộng, dấn thân vào sinh hoạt văn chương. Nhưng mặt khác, làm báo cũng là một công việc phiền phức, mệt mỏi, nhất là nó lấy đi rất nhiều thời gian sáng tác vốn đã eo hẹp của mình. Là một nhà thơ, nhà văn, nhưng cũng là người làm báo văn nghệ kỳ cựu hơn năm mươi năm, anh thấy công việc làm báo đã đem lại gì cho đời sống tinh thần và sáng tác văn chương của anh? Nếu được làm lại từ đầu, anh có đi theo nghề báo văn chương không?
Viên Linh: Người có nghiệp sáng tác, như nhà thơ, nhà văn, rất thiệt thòi khi bước vào nghề làm báo. Đó là lời nhà thơ Nguyễn Vỹ – tác giả Hoang Vu và Tuấn, Chàng Trai Nước Việt, chủ nhiệm tạp chí Phổ Thông – cảnh giác tôi năm 1964 khi tôi làm thư ký tòa soạn tờ Dân Ta của ông. Tôi nghiệm thấy rất đúng. Thơ văn Nguyễn Vỹ hay, phong phú, ông vào tù vì bãi khóa xuống đường chống Pháp, song các nhà phê bình tránh nói tới ông. Họ không muốn khen, vì sợ hiểu lầm là khen ông để xin viết báo cho ông, và họ cũng ít chê ông, vì sợ ông có báo trong tay sẽ trả đũa trở lại. Cuối cùng đa số coi như không có ông. Anh Đặng Hiền, chủ trương tạp chí Hợp Lưu nói với tôi: Tôi không hiểu vì sao người ta ít nhắc đến anh trong các bài viết hay sinh hoạt văn nghệ. Cô Bích Ty, ra nhiều băng ngâm thơ, khi mới dọn từ miền Trung Tây tới Quận Cam, gặp tôi nói: Bích Ty muốn có thơ anh để ngâm cho một băng thơ, mà không tìm thấy ở đâu cả. Cô nói đúng, về phần tôi, có thể nói, tôi không gửi thơ cho báo nào đăng cả. Cách đây mười năm có thể có một lần. Cách đây nửa năm tôi từng liên lạc với một website bảo cô nhà văn chủ trương bỏ thơ tôi xuống. Nói thế không có nghĩa tôi hoàn toàn biệt lập. Có khi vì tôi rất bận và rất lười chuyện giao tế. Có khi tôi thấy mấy bài đó không đủ để gọi là điển hình, v.v.
Nhà văn nhà thơ đi làm báo có thể có hại cho tiếng tăm của mình, vì người đương thời chỉ thấy con người làm báo của mình, mà không thấy hai con người kia. Nhưng về lâu về dài, nó tốt. Nếu được làm lại từ đầu, tôi chắc cũng lại làm như hiện nay mà thôi.

Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn nhà thơ Viên Linh đã trả lời phỏng vấn.
(Phỏng vấn thực hiện qua email, tháng 7 và 8, 2009)
 http://minhduc7.blogspot.ca/2010/06/vien-linh-lam-bao-van-nghe-o-mien-nam.html

No comments:

Post a Comment