Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday 15 February 2014

VĂN HÓA XÃ HỘI VIỆT NAM


 Phiên chợ “âm phủ”
Vì sao những phiên chợ chiếu ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình được gọi là Phiên chợ “âm phủ”?
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-11-20
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
chieudem-305.jpg
Phiên chợ chiếu ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình còn được gọi là Phiên chợ “âm phủ”., ảnh chụp trước đây.
Photo courtesy of ld.com.vn

Tạp chí “Câu chuyện hàng tuần” kỳ này Quỳnh Chi mời quý vị theo dõi câu chuyện về phiên chợ rất đặc biệt: chợ âm phủ. Vì sao những phiên chợ chiếu ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình được đặt với cái tên đầy đặc biệt và bí ẩn đó? Mời quý vị cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Đi chợ lúc nửa đêm

Chiếu cói Quỳnh Phụ (Thái Bình) từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Thế nhưng không phải ai cũng quen thuộc với phiên chợ chiếu đêm tại đây mà người dân vẫn quen gọi là chợ ma hay chợ âm phủ.
Hơn 12 giờ đêm trời tối đen như mực, ngửa lòng bàn tay còn không thấy. Không gian tĩnh lặng cộng với cái giá buốt trong đêm khiến cho người ta dễ có cảm giác rằng xã An Lễ (huyện Quỳnh Phụ) quê mùa này đang chìm sâu vào giấc ngủ.
Vậy mà chỉ cần nửa giờ đồng hồ sau, phía quốc lộ 10 bắt đầu nhộp nhịp với hàng trăm xe đạp lò dò trong bóng tối dày đặc, khó trông rõ nhân dạng. Mỗi chiếc xe chở vài đôi chiếu cói mộc hay còn gọi là chiếu trắng. Một lát sau, các lái buôn cũng xuất hiện với các ngọn đèn pin trong tay. Đó là thứ ánh sáng duy nhất từ chợ chiếu. Đúng 1 giờ sáng, cổng chợ Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) mở toang và phiên chợ bắt đầu.

Đi đã quen rồi thì chắc là không bao giờ sợ mà đã sợ thì đã không bao giờ đi. Một giờ đêm là đi chợ, đến khoảng 2-3 giờ sáng là xong.
Ô. Phan Văn Lớn
“Đi đã quen rồi thì chắc là không bao giờ sợ mà đã sợ thì đã không bao giờ đi. Một giờ đêm là đi chợ, đến khoảng 2-3 giờ sáng là xong. Mang được chiếu về đến nhà cũng khoảng 4-5 giờ sáng. Lúc đó thì người dân mới bắt đầu nhóm chợ để mua bán thức ăn”, ông Phan Văn Lớn, một lái buôn chiếu lâu năm tại địa phương cho biết.
Một giờ sáng, tiếng í ới, hỏi han, chèo kéo làm khu chợ ồn ào hẳn. Duy chỉ ánh điện là không có, khiến khu chợ Đồng Bằng như một đốm sáng nhạt chập choạng trong đêm. Không ai bảo ai, phiên chợ bắt đầu là hàng trăm, hàng ngàn đôi chiếu trắng được dựng đứng lên, che mất cả người bán. Nếu không tinh mắt, người ta dễ có cảm giác những đôi chiếu này dường như “có ma” khi tự đứng được. Lúc này, các lái buôn bắt đầu len lỏi qua các cột chiếu, cầm đèn đi soi chiếu, sờ soạng và chọn mua.
“Đó là chợ nhộn nhịp nhất. Trước đây có ba chợ là chợ Đồng Bằng, chợ Sổ, chợ An Tràng. Nhưng bây giờ chợ An Tràng làm chiếu máy nhiều quá nên người ta không đi nữa. Bây giờ chỉ còn mỗi chợ Đồng Bằng với chợ Sổ. Nhưng chợ Sổ ở tận vùng sâu nên người ta đi ít hơn. Mỗi người có một cái nghề. Mình chọn nghề buôn chiếu nên đi chợ đêm riết rồi thành thói quen.”
banchieu2-200b.jpgChị Đinh Thị Diệp, một người địa phương từng là dân dệt chiếu và bây giờ là dân buôn chiếu trắng – nói với vẻ sành sỏi. Chợ Đồng Bằng thuộc xã An Lễ nhưng dân dệt chiếu đổ về các phiên chợ đêm này từ các xã An Dục, An Tràng, An Vũ, An Quý… Còn cái lái buôn thì ngoài dân Thái Bình còn có cả thương lái chiếu từ Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng…
“Chiếu cói của quê tôi đặc biệt hơn, không như chiếu ở những  nơi khác. Lúc nào chiếu ở đây cũng có mức tiêu thụ cao nhất từ cổ chí kim. Chiếu cói không thể bị thay thế được vì chất của cói khi nằm lên cũng khác”, ông Lớn nhận xét.
Chợ chiếu âm phủ Đồng Bằng nhóm 6 phiên mỗi tháng rơi vào các ngày mùng 4 và mùng 9 âm lịch (tức ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29). Giữa các phiên chợ, người thợ tranh thủ dệt cho được vài ba đôi chiếu mới. Chính vì thế, mỗi khi phiên chợ bắt đầu, khi các lá chiếu mới được mở ra là mùi cói, đay đặc trưng Quỳnh Phụ cứ lan tỏa cả một khoảng không.

Mua bán trực tiếp


Nếu người bán chiếu cố tình lừa thì người mua cũng không thể phát hiện được bởi có soi thì cũng chỉ biết phần nào thôi. Chủ yếu là thật thà với nhau.
Ô. Phan Văn Lớn
Điểm đặc biệt của chợ chiếu Đồng Bằng là chỉ mua bán trực tiếp giữa người dệt và người mua. Và chợ chiếu cũng chỉ bán duy nhất mặt hàng là cói và chiếu mộc dệt tay bằng cói và đay. Đay được trồng lấy vỏ, cói được cắt lên từ ruộng nước ngọt. Tất cả các giai đoạn phơi, làm cói, dệt, kết, ghim, làm trắng… đều được người thợ chọn lựa và làm kỹ càng, tỉ mỉ. Chiếu đẹp là chiếu bóng, trắng, cứng, dày và đều tay. Chiếu trắng được mua về phải qua thêm công đoạn phơi hấp và in ấn.
Chiếu cói Quỳnh Phụ khi nằm cho cảm giát mát, êm mà không lạnh. Chính vì thế, khi lái buôn đi mua chiếu cói, họ thường phải săm soi và sờ để cảm nhận độ êm của chiếu. Tuy nhiên, theo ông Lớn, người dân nơi đây chủ yếu dao dịch dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.
“Nếu người bán chiếu cố tình lừa thì người mua cũng không thể phát hiện được bởi có soi thì cũng chỉ biết phần nào thôi. Chủ yếu là thật thà với nhau. Tức người bán cũng thật mà người mua cũng thật”.
Người Quỳnh Phụ ăn nói nhiệt tình, quý khách và thật thà. Họ gọi khách bằng “mình”, xưng “tôi” đầy thân thiện, tử tế và mộc mạc như những lá chiếu trắng. Tại những phiên chợ chiếu, âm thanh buôn bán náo nhiệt có thể ồn ào, có thể lộn xộn, có thể chèo kéo nhưng luôn niềm nở và tràn ngập tiếng cười.
“Đi chợ chiếu thì có buồn ngủ cũng không được vì lúc ấy thì rất vui và say mê buôn bán. Thêm nửa, lúc ấy đèn pin soi chói lọi thì làm sao mà ngủ được”, ông Lớn vừa cười vừa chia sẻ.
banchieu1-2-250.jpg
Người mua dùng đèn pin để lựa chiếu tại phiên chợ chiếu ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, ảnh chụp trước đây. Photo courtesy of VITA.
Như bất cứ một phiên chợ nào, chợ chiếu Đồng Bằng chủ yếu ồn ào vì người mua ngã giá. Trung bình, một người thợ giỏi dệt được hai lá chiếu mỗi ngày, có giá dao động ở khoảng 200 ngàn đồng, tùy vào sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ. Người dệt khéo còn có thể dệt cả hoa văn trên lá chiếu trắng. Trừ tiền đay, cói, người thợ có thể mang về phân nửa số tiền bán chiếu. Phiên chợ là lúc người bán có thể tiêu thụ sản phẩm của mình để kiếm chút vốn liếng mua vật liệu cho lần dệt tới. Đó cũng là lúc người dệt có thể chọn mua cho mình những bó cói đẹp. Và đó cũng là lúc những người đi chợ có thể trao duyên gởi tình. Đã có không ít cặp đôi bén duyên với nhau nhờ phiên chợ chiếu về đêm đặc biệt này. Dệt chiếu, bán chiếu là nghề truyền thống của nhiều xã trong huyện Quỳnh Phụ. Cho nên bất kể vào mùa nào, chợ chiếu Đồng Bằng cứ đúng hẹn lại lên.
“Đó là truyền thống đã như thế”, chị Lê Thị Trinh chia sẻ.
Mặc dù là dân địa phương nhưng chị Trinh có lẽ còn quá trẻ để giải thích vì sao các chợ chiếu ở Quỳnh Phụ chỉ nhóm vào lúc giữa đêm. Nhưng ông Phan Văn Lớn giải thích bằng một lý do khác:
“Dân làm chiếu phải đi bán ban đêm để sáng về họ nấu nướng và làm việc tiếp. Việc này nhằm tiết kiệm thời gian mặc dù có vất vả một chút”.
Thợ dệt chiếu tay ở Quỳnh Phụ khá vất vả. Họ thường bắt đầu công việc vào lúc 4 giờ sáng. Sau khi lo tươm tất công việc gia đình, bắt đầu 6 giờ sáng là họ đã ngồi vào khung dệt. Nếu dệt nhanh tay, họ có thể hoàn thành một đôi chiếu vào buổi tối cùng ngày và sau đó thực hiện giai đoạn ghim, kết và nhặt cói. Đôi lúc đến 10 giờ đêm thì đôi chiếc trắng mới được dệt xong. Có hôm đúng phiên chợ thì người thợ chỉ chợp mắt được một chút.
“Ở Đồng Bằng thì bán chợ Đồng Bằng thôi. Lúc trước chưa có điện thoại thì để chuông đồng hồ, cứ 1 giờ là reng để đi bán. Đến 3 giờ lại đi về”.
Đó là chia sẻ của chị Lưu Quỳnh Hoa, một thợ dệt chiếu lâu năm tại xã An Lễ. Giọng người phụ nữ trung niên này đã pha chút cách phát âm của người miền nam. Chị nói, mấy năm trước chị phải vào Sài Gòn sinh sống vì nghề dệt chiếu tay quá vất vả. Chị Hoa không phải là người duy nhất từ bỏ nghề dệt chiếu tay để đến với chiếc máy dệt hoặc các công việc khác:
“Nếu mà so với trước đây thì bây giờ chợ chiếu không thể nhộn nhịp được vì có đến một nửa số người đã chuyển sang làm chiếu máy. Nếu như trước đây mỗi phiên chợ tôi mua được từ 150 đến 300 đôi chiếu thì bây giờ giỏi lắm chỉ mua được 100 đôi. Không có nhiều để mua mà cũng không tiêu thụ nhanh được”, ông Phan Văn Lớn vừa nói vừa kịp liếc chiếc đồng hồ để thấy cây kim dài qua khỏi số 3.
Chiếu dệt tay bền và đẹp hơn chiếu dệt máy cho nên giá cũng đắt hơn. Tuy nhiên công suất của một chiếc máy hơn người thợ dệt thủ công gấp nhiều lần. Ông Lớn đưa tay vỗ mạnh vào mớ chiếu ông vừa mua được trong phiên chợ, ra vẻ hài lòng với mớ chiếu vừa trắng, vừa êm. Đứng gần ông, những người bạn hàng khác cũng đã mua được xong phần của mình và chuẩn bị chất lên xe. Còn những thợ dệt chiếu cũng thu gom những bó chiếu chưa bán hết và những bó cói mua được chất lên xe đạp. Tiếng cười nói, chia tay nhau lại khua lên. Lúc này người ta biết phiên chợ chiếu đã tan – cũng là lúc người thợ dệt Quỳnh Phụ bắt đầu một ngày mới.
Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org
Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OneStoryaWeek/hell-flea-market-qc-11202012114436.html

Lễ tình yêu ở Sài Gòn

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-02-14
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg9471487-600.jpg
Một người đàn ông mua chocolate cho ngày Valentine tại Hà Nội. Ảnh chụp hôm 13/2/2014
AFP photo


Có lẽ, thành phố Sài Gòn là thành phố có khái niệm về lễ tình yêu sớm nhất tại Việt Nam, nếu như những năm 2000 trở đi, lễ Valentine có ảnh hưởng và trở thành hoạt động nhộn nhịp ở các thành phố phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, thì từ những năm 1990, thành phố Sài Gòn đã nhộn nhịp với lễ Valentine. Không những dừng ở các đôi nam nữ yêu nhau, những cặp đôi đồng tính ở Sài Gòn cũng rất nhiệt tình với lễ Valentine.

Valentine của người đồng tính

Một bạn trẻ đồng tính, yêu cầu giấu tên, chia sẻ cảm xúc về ngày lễ này của mình: “Ví dụ như ngày trước nghe mấy đứa kể cũng vui lắm, tập trung mấy anh em, bạn bè đi với nhau, rồi đi chung, đi riêng, thằng này mua cái này, thằng kia mua cái kia rồi so sánh với nhau nghe hấp dẫn lắm!”
Với bạn trẻ này, ngày lễ tình yêu là một ngày đẹp trời mà ở đó, những cặp đôi đang yêu, chưa kết hôn và đã kết hôn sẽ trao cho nhau những món quà, những lời ân cần mà thường nhật, cuộc sống cơm áo gạo tiền đã cuốn mất, làm cho họ bận bịu, quên nói với nhau lời này.
Bạn trẻ nói thêm rằng hiện tại, sự giả tạo trong tình yêu đã phủ đầy xã hội Việt Nam. Vì sao? Vì tình yêu thời duy vật biện chứng đã được định nghĩa bằng những thứ vật chất cụ thể. Ví dụ như một tay giàu có, có thể trong suốt một năm, chẳng đoái hoài gì đến người mình yêu, không biết cô vợ hoặc người yêu của họ vui buồn ra sao, không có sự chia sẻ. Nhưng đến lễ Valentine thì mua cho một biệt thự, hoặc một chiếc xe hơi, thậm chí có kẻ chơi ngông còn thuê cả một chiếc tàu du lịch đi rải hoa hồng tràn cả một đoạn sông, số tiền tốn đến bạc tỉ, điều đó vô nghĩa.
Nó vô nghĩa và vô duyên vì khi anh ta mua hết hoa hồng để thả sông, thị trường hoa khan hiếm và hoa lên giá. Chỉ vì cái gọi là thể hiện tình yêu của anh ta mà có rất nhiều người nghèo phải thắt eo buộc bụng để mua hoa giá đắt tặng người yêu của mình là một sự vô lương tâm. Tình yêu không cần đến những kẻ vô lương tâm cũng như tình yêu không gần với kẻ ích kỉ, thích làm nổi.
Nói đến đây, bạn trẻ đồng tính lắc đầu thở dài và cho biết thêm là hiện nay, các cặp đôi đồng tính ở Sài Gòn đã bắt đầu kết nối với nhau để chuẩn bị cho mùa lễ tình yêu. Bởi vì chỉ có những người cùng điều kiện, cùng đồng tính và cùng ước nguyện mới thấu hiểu tình yêu của nhau, che chở nhau bớt cô đơn.
Vợ chồng Đào, một cặp đôi đồng tính cưới nhau sớm nhất Việt Nam, vượt qua mọi trở ngại. Họ cưới nhau vào năm 1990. Đây là thời gian mà hôn nhân đồng tính còn rất xa lạ với xã hội Việt Nam. Khi cưới nhau, hai anh chị đã bị chính quyền địa phương làm khó dễ rất nhiều thứ và tuyệt nhiên không chấp nhận đăng ký kết hôn của họ.
Hai anh chị đã vượt qua mọi khó khăn để sống giữa đất Quảng Nam, xin một cháu bé để nuôi và việc xin con đối với họ cũng hết sức khó khăn. Hiện nay, cháu bé đã học sang cấp phổ thông trung học, đã thành một thiếu nữ. Hai anh chị lại dắt nhau vào Sài Gòn để tham gia buổi lễ Valentine cùng những người bạn đồng tính của thành phố này.
Anh Đào chia sẻ với chúng tôi rằng đã đến lúc xã hội nói trong chừng mực quốc gia và nhân loại xét trên chừng mực thế giới phải hiểu biết hơn để thông cảm sâu sắc hơn đối với người đồng tính nói riêng và phải biết tôn trọng tình yêu thương nói chung. Tình yêu thương cũng nên hiểu rộng theo nghĩa lòng bác ái, sự tôn trọng tính tự chủ của người khác và đề cao phẩm hạnh của đồng loại. Yếu tố dân chủ trong hành xử bao giờ cũng mang đến tình yêu đích thực. Nếu thiếu yếu tố dân chủ, quyền con người và phẩm hạnh bị đè nén, kiềm kẹp, mọi giá trị tình yêu bị đóng khung theo hình thức và vật chất.
Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là phải đợi đến ngày tình yêu người ta mới nói với nhau những lời ân cần, ấm áp mà thường ngày, chính sự chia sẻ, quan tâm nhau đã là ngày tình yêu. Nếu như chỉ đợi suốt ba trăm sáu mươi bốn ngày trong căng thẳng, mệt mỏi vì cơm áo gạo tiền, vì hơn thua xã hội, vì giấc mộng làm giàu hoặc tham vọng quyền lực để rồi đến ngày lễ tình yêu mới chúc nhau ân cần thì sự ân cần ấy chỉ là giả tạo.

Ngày Valentine của các bạn sinh viên, công nhân

valentine-250.jpg
Những hộp kẹo chocolate được bày bán tại một ký túc xá ở SG. RFA photo
Thành, công nhân một xưởng may trong khu công nghiệp tân Bình, chia sẻ:“Đến ngày đó thì mình tặng một bó hoa hay một món quà mà mình chuẩn bị trước, món quà mà mình nghĩ là người yêu mình thích. Trong thời gian mình quen mình đã định hướng người mình yêu thích món quà như thế nào rồi. Một bó hoa hay một cái khăn choàng cổ chẳng hạn. Còn nếu như một người bạn gái thích một người đàn ông thật sự thì chỉ một món quà đơn giản, tình cảm thôi, chứ không cần rườm rà. Đương nhiên lãng mạn thì ai cũng thích cả nhưng mà tùy theo đồng tiền, kinh tế của từng người. Còn mình kinh tế thế nào thì mình làm thế đó thôi. Tùy theo tình cảm cô gái dành cho mình, chưa chắc là anh làm chói lòa lên là được, nhiều khi đó chỉ là sự chói lòa trước mắt thôi, về lâu dài thì chưa chắc. Còn những cô gái yêu vật chất thì không cần, chỉ cần thấy mình giàu là nó tới rồi.”
Đương nhiên lãng mạn thì ai cũng thích cả nhưng mà tùy theo đồng tiền, kinh tế của từng người. Còn mình kinh tế thế nào thì mình làm thế đó thôi.
- Thành, công nhân
Cũng theo Thành, hiện tại, tình hình kinh tế quá ảm đạm, đồng lương người lao động èo ọp, hơn nữa, vừa xong dịp Tết Nguyên Đán nên chi phí về quê, chi phí lo ba ngày Tết đã ngốn hết hầu bao của các bạn trẻ, việc chuẩn bị cho một ngày lễ tình yêu thật chu đáo và tươm tất có lẽ quá khó cho những bạn trẻ làm công nhân. Chính vì khó khăn, các bạn trẻ nghĩ đến một món quà đơn sơ thôi nhưng đầy đủ ý nghĩa, có thể một bó hoa, một hộp hoặc một vài thanh chocolate, một chiếc khăn gió choàng cổ hoặc một cuốn truyện hay.
Tặng truyện hay, tặng sách thường diễn ra trong giới sinh viên nhiều hơn các bạn trẻ lao động. Thương, sinh viên năm cuối đại học luật Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi rằng có vẻ như ngày lễ Valentine trong giới sinh viên bây giờ cũng phân chia theo nhiều loại và nhiều đẳng cấp khác nhau, điều này đáng buồn hơn đáng vui.
Vì với những sinh viên nghèo, việc mua một tấm thiệp, một hộp chocolate, một bó hoa hay một cuốn sách tặng cho người yêu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến khoảng chi tiêu hằng tháng. Nhưng cũng không hiếm những sinh viên mua máy tính bảng loại xịn, thậm chí mua xe máy có giá vài chục triệu đồng để tặng bạn gái. Điều này tạo nên một cơn sốt dư luận trong giới sinh viên và hiệu ứng vật chất của nó cũng không nhỏ.
Nhưng sở dĩ có hiệu ứng vật chất và đẩy quan niệm của giới sinh viên đến chỗ thực dụng không phải là vì họ sống hời hợt hoặc họ quá coi trọng vật chất. Mà cần phải bàn sâu xa hơn về vấn đề đạo đức học đường, bởi một khi cả hệ thống giáo dục nói riêng và hệ thống xã hội nói chung đều bị cuốn trong cơn lốc vật chất thì chuyện giới trẻ đón ngày lễ tình yêu bằng tâm thế thực dụng không có gì là xa lạ nữa!
Tuy vậy, ngày lễ tình yêu vẫn có ý nghĩa thiêng liêng với rất nhiều cặp đôi đang trong xã hội đầy rẫy vật dục này!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Hát bội, bài chòi đầu Xuân ở Bình Định

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-02-11
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
baichoiquangnam-305.jpg
Một hội bài chòi ở Quảng Nam
AFP photo


Mãi miết theo ngọn gió Xuân, những điệu hát bài chòi, hò khoan, hát bội trầm bổng, đứt quãng, ỉ ôi và khẳng khái, ẩn chất mùa Xuân của miền Trung gió cát. Nếu như bài chòi mang cảm xúc lâng lâng ngày thu hoạch mùa thì hát bội lại mở ra không gian hoài niệm và mang mang phức cảm về cái chết mặc dù tuồng tích của nó không liên quan gì đến vấn đề sinh tử. Nếu như mùa Xuân ở những miền khác mang cảm thức vận hội mới thì mùa Xuân của bài chòi, hát bội miền Trung lại mang thêm cảm thức lưu vong giữa các tuồng tích, nhấn nhá của nghệ thuật hát bội.

Triết lý hát bội sân khấu và ông công đám tang

Một người chuyên nghiên cứu về hát bội ở Quảng Nam, yêu cầu giấu tên, chia sẻ:“Theo cách nhìn đương đại thì du nhập của diễn xướng nghi lễ dân gian nó có thể phát triển lên thành hát bội. Ngược lại, cái nghi thức truyền thống lại là ảnh hưởng trở lại của hát bội với truyền thống dân gian. Như hò đưa linh chẳng hạn, đây là hò đưa tang người chết, nó là một loại hình diễn xướng nghi lễ dân gian trong việc đưa tang thôi. Nhưng sau này khi nghệ thuật hát bội lên đỉnh cao thì nó ảnh hưởng trở lại. Cho nên vai trò của ông công, chỉ huy trong đưa linh lại rất giống với hát bội, giống ông tướng dẫn đạo lộ, điều khiển âm binh, đưa người đi.Tức là tác động trở lại của hát bội với diễn xướng dân gian.”
Ông này nói thêm rằng không biết tự bao giờ, nhạc khí, điệu thức của hát bội và nhạc ông công đám tang có rất nhiều điểm tương đồng. Ngay cả trang phục của hát bội và trang phục của ông công đám tang đều có thể dùng chung, không phân biệt.
Điều này khiến ông đặt ra dấu hỏi liệu hát bội đi vào đám tang hay tuồng tích đám tang đi vào hát bội, cái nào có trước là cả một vấn đề chưa có lời giải đáp. Chỉ có một điều dễ nhận biết nhất là trong các đám tang, các làn điệu, khúc thức của hát bội được sử dụng toàn bộ và điệu bộ của ông công đám tang cũng biểu cảm, tượng hình chẳng khác gì nghệ sĩ hát bội.
Một nghệ nhân hát bội những năm 1980, lạy tổ giải nghệ những năm đầu thập niên 1990 và chuyển sang làm ông công đám tang cho chúng tôi biết rằng mọi tuồng tích, điệu bộ, khúc thức của hát bội được ông sử dụng triệt để trong lúc làm ông công đám tang. Có khác chăng là lúc hát bội, ông là một nghệ sĩ, một diễn viên đảm nhận một vai duy nhất dưới sự quán xuyến và chỉ đạo của đạo diễn, ông chỉ được phép diễn những gì đạo diễn yêu cầu. Còn khi làm ông công đám tang, ông vừa là một diễn viên, vừa làm một đạo diễn.
Nếu như lúc diễn trên sân khấu, mọi khóc cười của nghệ sĩ được chỉ định và người nghệ sĩ phải thác mình vào vai diễn để khóc, cười cùng nhân vật nhằm tạo hiệu ứng cảm xúc tốt nhất đến khán giả, thì làm ông công đám tang, mọi khóc cười đều thật, mỗi thành viên trong gia đình là một diễn viên thật, đảm nhận vai diễn xã hội đầy nước mắt và thâm tình của họ trước linh cửu người đã khuất.
Lúc này, ông công đóng vai trò một đạo diễn kiêm diễn viên, vừa diễn xuất mọi tuồng tích, điệu bộ phù hợp với bối cảnh người quá cố và gia quyến, lại vừa làm tổng chỉ huy chỉ đạo tập dân, dắt những người khiêng đi vòng rồng rắn đủ các địa hình, thay đổi đội hình liên tục để người khiêng quen với mọi cảm giác địa hình. Mục đích chính của việc chạy đội hình này là nhằm giúp cho họ quen với kĩ thuật lên vai, xuống dốc thật nhẹ nhàng, êm ái, nhằm tránh làm xóc quan tài.
Triết lý của hát bội trên sân khấu là càng động, càng cương càng tạo cảm xúc thì triết lý của ông công đám tang là càng tĩnh, càng nhu càng tốt bởi chính đời sống là một bể khổ, nó làm cho thân phận con người lắc lư quá nhiều rồi, đến phút giây tiễn biệt cuối cùng, ông công luôn hô to, nhắc cả đội hình: Hãy lên vai xuống dốc cho nhẹ nhàng nghe chưa!”. Lên vai xuống dốc nhẹ nhàng ở đây giống như một lời tiễn biệt, một tri ân cuối cùng trước người đã khuất.
Và, vở tuồng sân khấu là tuồng diễn cho nhiều người xem đi xem lại, còn vở diễn của ông công đám tang là vở diễn cuối cùng cho duy nhất một người, cho họ nhìn lại cái sân khấu cuộc đời mà họ đã đảm nhận một vai suốt bao nhiêu năm nay.

Mãi miết bài chòi, hát bội đầu Xuân

thebaichoi-250.jpg
Thẻ bài chòi dành cho người chơi. RFA photo
Đầu năm, du Xuân dọc theo trục quốc lộ 1 A, hướng từ Sài Gòn ra Hà Nội, nếu đi vào ban đêm, ngang qua các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, điệu tùng chát, rịch tang của hát bội Bình Định, điệu thúc giục trống trận ở các võ đài Quảng Ngãi và điệu xập xình, lắc cắc rung lắc của bài chòi Quảng Nam cũng như ỉ ôi, ai oán của hát bội xứ Quảng tạo nên một phức hợp âm thanh không thể nào nhầm lẫn với bất cứ vùng miền nào.
Nếu như những năm trước 1975, mọi tuồng tích của hát bội đều dựa trên những vở cổ như Lâm Sanh Xuân Nương, Thoại Khanh Châu Tuấn, Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ, Nàng Út Rúc Ống Tre, Tấm Cám… Thì sau 1975, những vở diễn này vẫn được công diễn nhưng tầng suất xuất hiện của nó rất thấp, thay vào đó là những vở mới có nội dung ca ngợi Đảng, ca ngợi bác Hồ, ca ngợi Mác, Lê Nin, ca ngợi ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, chủ tịch xã gương mẫu… Và đây cũng là giai đoạn mà các nghệ sĩ hát bội giải nghệ, chuyển sang làm ông công đám tang nhiều nhất.
Thời gian gần đây, những nghệ sĩ hát bội đã trở lại sân khấu, thay vì công diễn như trước đây nhằm bán vé, thu lợi nhuận, các  nghệ sĩ hát cúng tổ là chính. Thường thì dùng mái hiên của một gia đình nào đó trong hội đoàn hát bội để đặt bàn thờ tổ, cúng kính và hát với nhau những tuồng cổ hoặc những vở mang thận phận lưu vong, mang ý nghĩa sinh tử, nỗi thống khổ của con người trong bóng tối nô lệ… Đó cũng là điểm khá đặc biệt trong nghệ thuật hát bội thời hiện đại.
Song song với hát bội, bài chòi cũng nở rộ vào những ngày đầu Xuân, một nghệ sĩ hát bài chòi chia sẻ: “Thì mình cứ nói càn càn thế thôi, lấy câu cũ câu mới đắp vô, một sự gán ghép vần điệu. Để con cờ nó nói ra thôi, thường thì con cờ có chút dung tục trong đó! Ví dụ mình lấy lời bài hát lý cây bông như bông xanh, bông trắng, bông vàng, bông lê, bông lựu, đố nàng mấy bông… Thì họ cứ nghĩ bình thường là bông xanh, bông vàng… để đá sang con bạch huê… ví dụ thế thôi, nói chung là có chút dung tục!”
Nếu như mười năm trước đây, bài bản hát bài chòi thường ca ngợi Đảng, các ngợi công lao bác Hồ, ca ngợi mùa Xuân xã hội chủ nghĩa… Thì bây giờ, những bản tân nhạc và những bài hát hô bài chòi có tính giễu nhại chiếm đa phần cuộc chơi. Ví dụ như bài hát trước khi hô con Thái Tử sẽ là: Ăn gì mà da trắng mặt trơn, dáng đi núc ních, chỉ muốn hơn mọi người. Ăn gì mà nuốt sống ăn tươi, dân đen khiếp sợ người người buồn lo. Là con của kẻ rất to, to đến nỗi nghe giọng là biết ngay điềm dữ, ấy là con Thái Tử!
Đầu Xuân, mãi miết trong gió chiều, giọng nỉ non, thổn thức và chất ngất thân phận cũng như ngao ngán một tiếng cười giễu nhại của bài chòi, giọng dứt khoát, uất nghẹn và trầm bổng của hát bội đã tạo nên một phức hợp âm thanh kì diệu của riêng miền Trung, miền gió cát, mưa chang và nắng cháy!
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/opera-card-binh-dinh-qnam-ttvn-02112014103908.html

No comments:

Post a Comment