Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 4 June 2014

800 BỘ XƯƠNG TRẺ CON TẠI MỘT TU VIỆN CŨ

Ailen : 800 bộ xương trẻ em trong bể chứa phân của một tu viện cũ

RFI
Một nhà sử học Ailen khẳng định rằng đống xương được phát hiện trong một bể chứa phân của một tu viện công giáo ở Tuam là xương của khoảng 800 trẻ nhỏ. Tu viện cũ này vốn là nơi đón tiếp các bà mẹ độc thân, trong thời gian từ 1925 đến 1961.

Vào năm 1975, người dân ở Tuam đã phát hiện ra bể chứa của tu viện cũ chất đầy xương, khi các tấm che bên trên bị nứt vỡ.
Cho đến nay, người dân ở đây vẫn nghĩ rằng đó là xương của những người chết trong nạn đói khủng khiếp ở Ailen, kể từ năm 1840.
Bà Catherine Corless, sử gia, cho biết : « Có người nói với tôi về sự tồn tại một nghĩa địa của trẻ sơ sinh, nhưng điều mà tôi phát hiện còn vượt xa hơn cả thế ».
Khi tiến hành nghiên cứu về những tư liệu của một tu viện cũ ở phía tây Ailen, giờ đây, được sửa sang thành nhà ở, sử gia này đã phát hiện ra sổ kê khai các trường hợp tử vong và điều này làm cho bà nghĩ đến khả năng 796 đứa trẻ đã được các bà sơ của tu viện Bon Secours chôn cất một cách bí mật, không có quan tài, không có mộ.

Theo sổ kê khai, những đứa trẻ này đã qua đời do suy dinh dưỡng và mắc các bệnh lây nhiễm, như ho lao.
Ông Wiliam Joseph Dolan, người thân của một đứa trẻ đã sống sót trong tu viện này, đệ đơn kiện để tìm hiểu xem những gì đã xẩy ra.
Giám mục Dublin Diarmuid Martin ủng hộ việc khai quật những gì còn có thể gọi là những ngôi mộ vô danh, và khẳng định là cần phải tìm hiểu lại lịch sử của các tu viện do không có một cuộc điều tra công khai.
Ciarn Cannon, Bộ trưởng Giáo dục, mong muốn chính phủ mở một cuộc điều tra toàn diện và ông khẳng định không thể không làm việc này.
Việc kêu gọi, vận động đóng góp tài chính đã được tiến hành, để xây một tượng đài tưởng niệm với tên của những đứa trẻ.

Đây là một chương mới cáo buộc trách nhiệm của giáo hội công giáo Ailen, sau nhiều phát hiện liên quan đến các vụ lạm dụng và khinh suất trong các trường học và những cơ sở do giáo hội công giáo quản lý, trong những thập niên gần đây.
Vào đầu thế kỷ 20, hàng ngàn phụ nữ độc thân mang thai, vào thời kỳ đó, bị coi là « những phụ nữ bị rút phép thông công », bị đưa đến những loại tu viện như vậy để sinh hạ một cách bí mật.
Bị xã hội công giáo bảo thủ ruồng bỏ, tẩy chay, những phụ nữ này buộc phải từ bỏ những đứa con mới sinh để chúng được nhận làm con nuôi.
Bộ phim « Philmena » của đạo diễn người Anh Stephen Frears đã phác họa lại cuộc đời của một trong những bà mẹ này, trong nhiều thập niên, đi tìm lại đứa con trai được người Mỹ nhận làm con nuôi.

Vụ tu viện Tuam làm mọi người nhớ lại một vụ bê bối khác liên quan đến các bà mẹ độc thân.
Trong giai đoạn từ 1922 đến 1996, hơn 10 ngàn thiếu nữ và phụ nữ đã làm việc không công trong các cơ sở giặt tẩy do các giáo hội công giáo kinh doanh tại Ailen.
Đó là những thiếu nữ sinh con ngoài giá thú hoặc có những hành vi bị đánh giá là vô đạo đức trong mộ xã hội có truyền thống công giáo lâu đời.

No comments:

Post a Comment