Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 2 June 2014

HỘI NGHỊ SHANGRI- LA


  Thứ hai, 02/06/2014


Chuyên mục / Tranh chấp Biển Đông

Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc gây bất ổn ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, 31/5/2014.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, 31/5/2014.
CỠ CHỮ
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel tố cáo Trung Quốc có “những hành động gây bất ổn” ở Biển Đông.
Trong bài diễn thuyết ngày hôm nay ở Singapore, ông Hagel nói với những người tham dự Cuộc đối thoại Shangri-la hàng năm rằng Washington nhất định “không ngoảnh mặt làm ngơ” nếu trật tự quốc tế bị đe dọa.

Ông Hagel nói rằng Hoa Kỳ cũng phản đối bất kỳ mưu toan nào nhằm hạn chế quyền bay ngang hoặc quyền tự do hàng hải, bất kể là sự hạn chế đó phát xuất từ tàu bè dân sự hay quân sự của nước lớn hay nước nhỏ.
Ông cũng tố cáo Trung Quốc hạn chế quyền tiếp cận của Philippines đối với Bãi cạn Scarborough, bắt đầu lấp biển để lấy đất tại những địa điểm ở Biển Đông và hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển có tranh chấp với Việt Nam.

Ông Hagel nói rằng Trung Quốc đã thực hiện những hành động đơn phương, gây bất ổn để tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Ông kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những vụ tranh chấp quốc tế.
Người đứng đầu Ngũ Giác Đài cho biết tuy Washington không ngã về bên nào trong các bên đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ mạnh mẽ chống đối việc hăm dọa, cưỡng ép hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định những đòi hỏi đó.
Ông Hagel cũng cam kết hỗ trợ cho các kế hoạch của Nhật Bản nhằm nắm giữ một vai trò lớn hơn trong việc duy trì sự ổn định của khu vực này.
  http://www.voatiengviet.com/content/my-to-cao-trung-quoc-gay-bat-on-bien-dong/1926718.html

 

Shangri-La: Nhật phản đối mạnh mẽ phát biểu của Trung Quốc

Tướng Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Vương Quán Trung của Trung Quốc (trái) và Thủ Tưởng Shinzo Abe của Nhật Bản tại Shangri-La ngày 1,tháng 6, 2014
Tướng Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Vương Quán Trung của Trung Quốc (trái) và Thủ Tưởng Shinzo Abe của Nhật Bản tại Shangri-La ngày 1,tháng 6, 2014
AFP 
Chính phủ Nhật Bản phản đối những lời chỉ trích mà đại diện Trung Quốc đưa ra ở Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á, tức Đối Thoại Shangri-La mới kết thúc tại Singapore chiều hôm qua.
Sáng nay khi tiếp xúc với báo chí ở Tokyo, Chánh Văn Phòng Nội các Nhật Bản là ông Yoshihide Suga gọi tuyên bố đại diện của Trung Quốc đưa ra ở hội nghị đã dựa trên những điều sai trái và bôi nhọ nước Nhật.
Ông Suga cũng cho hay Nhật Bản đã mạnh mẽ phản đối phát biểu của Trung Quốc ngay tại hội nghị.
Tranh cãi chính trị giữa Bắc Kinh và Tokyo xảy ra liên quan đến bài diễn văn Thủ Tưởng Shinzo Abe của Nhật Bản đọc tối thứ Sáu tuần trước ở hội nghị, trong đó ông Abe kêu gọi mọi nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời ám chỉ Trung Quốc đang có những hành động tạo bất ổn ở biển Hoa Đông và Biển Đông, là những nơi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Nhật và một số nước Đông Nam Á.

Cũng trong bài diễn văn, Thủ Tướng Nhật còn cam kết hết lòng hỗ trợ cho Philippines và Việt Nam, là 2 quốc gia đang bị Trung Quốc gây hấn.
Một ngày sau đó, Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel của Hoa Kỳ cũng lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang gây bất ổn trên biển Đông, nói rõ Hoa Kỳ sẽ không bao giờ làm ngơ trước những hành động cố tình vi phạm luật pháp quốc tế của những nước khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, (trái), chụp chung với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trước cuộc họp của họ tại Singapore vào ngày 31 Tháng Năm năm 2014.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, (trái), chụp chung với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trước cuộc họp của họ tại Singapore vào ngày 31 Tháng Năm năm 2014. AFP

Bài phát biểu đọc hôm thứ Bảy vừa rồi của ông Hagel còn nói rằng trong những tháng gần đây Bắc Kinh đã có những hành động đơn phương, gây bất ổn để tự khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.

Trước thái độ này, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ cho hay Washington kiên quyết chống lại bất cừ hành động khiêu khích, gây hấn hoặc đe dọa sử dụng võ lực để tự khẳng định chủ quyền, vì những hành động đó sẽ gây nguy hại cho ổn định và hòa bình.

Sang đến ngày Chủ Nhật, đại diện của Trung Quốc là Tướng Vương Quán Trung nói là những điều ông Abe và ông Hagel đưa ra trước hội nghị là những điều không thể chấp nhận được.

Vị tướng Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc cũng nói là không thể ngờ Thủ Tướng Abe và ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với nhau, ủng hộ nhau, khuyến khích nhau để cùng có những hành động mà vị Tướng này gọi là các hành động khiêu khích và thách thức Bắc Kinh, trong khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu xây dựng một Châu Á hài hòa, một thế giới hòa bình và thịnh vượng.

Tướng Vương Quán Trung cũng cho hay Bắc Kinh phản đối tất cả mọi ý đồ muốn thống trị an ninh ở khu vực cũng như can dự vào chuyện nội bộ của nước khác.


Một điểm cũng đáng nói tới là ngay sau khi Thủ Tướng Nhật Bản vừa kết thúc bài diễn văn đọc tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á, Tướng Vương Quán Trung tìm gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản là ông Iysonori Onodera, để lên tiếng phản đối, nói rằng bài diễn văn của Thủ tướng Abe chỉ nhắm vào mục đích chỉ trích Bắc Kinh, đi ngược lại những quy định căn bản về ngoại giao.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/jap-hit-bck-at-cn-remk-06022014092532.html 

  Úc ủng hộ phát biểu của Mỹ tại Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á

Tổng Trưởng Quốc Phòng Australia, ông David Johnson phát biểu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á, tức Đối Thoại Shangri-La ở Singapore.
Tổng Trưởng Quốc Phòng Australia, ông David Johnson phát biểu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á, tức Đối Thoại Shangri-La ở Singapore.
AFP 
Tổng Trưởng Quốc Phòng Australia mới lên tiếng ủng hộ việc người đồng nhiệm phía Mỹ là ông Chuck Hagel chỉ trích Trung Quốc đang gây bất ổn ở Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo The Sydney Morning Herald, ông Tổng Trưởng David Johnson cho hay cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản, chính phủ Australia rất quan tâm đến những hành động đơn phương mà Trung Quốc đang làm, tạo bất ổn ở Biển Đông cũng như ở biển Hoa Đông.

Ông Johnson còn nói là ông chia sẻ những điểm được ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ trình bày ở Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á, vì hành động của Trung Quốc đe dọa tiến trình phát triển dài hạn của khu vực.

Ông cũng nói rằng chính phủ Australia không nghiêng về bất kỳ phía bên nào trong những cuộc tranh chấp chủ quyền, bảo thêm là Canberra sẽ giải thích cho Trung Quốc biết là có cách khác để giải quyết cuộc tranh chấp, chứ không nhất thiết phải làm những điều Bắc Kinh đang làm.

 Nhật và Hoa Kỳ muốn dựng thế liên minh mới với ASEAN

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tokyo vào ngày 15 tháng 5 năm 2014 về việc đề nghị tăng cường một số quy tắc của Nhật Bản cam kết trong thời bình hầu cho phép lực lượng vũ trang tham chiến để bảo vệ các đồng minh
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tokyo vào ngày 15 tháng 5 năm 2014 về việc đề nghị tăng cường một số quy tắc của Nhật Bản cam kết trong thời bình hầu cho phép lực lượng vũ trang tham chiến để tự vệ và bảo vệ các đồng minh
AFP 
Thế giới đang trông chờ bài diễn văn quan trọng mà Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đọc tối mai tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á tức Đối Thoại Shangri-La ở Singapore.

Tin tức chúng tôi ghi nhận được cho biết trong bài diễn văn nói về chính sách của Nhật Bản đối với an ninh khu vực và toàn cầu, Thủ Tướng Abe sẽ loan báo Tokyo cùng với Washington sẵn sàng mở rộng hợp tác an ninh với ASEAN để đối phó với những trở ngại đến từ bất kỳ đâu.

Giới ngoại giao Châu Á cũng nói với Đài chúng tôi rằng trong bài diễn văn này, Thủ Tướng Nhật Bản không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng sẽ được được ngầm hiểu rằng hai chính phủ Nhật và Hoa Kỳ muốn dựng thế liên minh mới với ASEAN, để đương đầu với những hành động mang tính gây hấn mà Bắc Kinh đang làm đối với Nhật ở Hoa Đông và với một số quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông.

Theo hãng thông tấn Kyodo, Thủ Tướng Abe cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhắc lại điều ông đã nhiều lần nói là Nhật Bản theo đuổi chủ trương đối thoại để giải quyết mọi tranh chấp, kể cả những tranh chấp về chủ quyền giữa Nhật với Trung Quốc và giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á.

Đầu tuần này khi trả lời phỏng vấn dành cho nhật báo The Wall Street Journal, Thủ Tướng Abe có nói rằng việc Trung Quốc đơn phương đưa dàn khoan vào hoạt động trong vùng biển đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam đã khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Vẫn theo lời Thủ Tướng Nhật bản, Tokyo không tha thứ cho những hành động sử dụng võ lực hoặc ép buộc để thay đổi hiện trạng.

Ngay sau khi cuộc phỏng vấn này được đăng tải, Bắc Kinh tức khắc chỉ trích Nhật Bản, cho rằng Tokyo có ý đồ, muốn đóng vai ngư ông đắc lợi khi lên tiếng bênh vực Philippines và Việt Nam, là những nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Không chỉ lên tiếng chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc, Nhật Bản còn nói sẽ thực hiện nhanh đề nghị bán tầu tuần tra cho Việt Nam, tương tự như việc bán tầu tuần tra cho Philippines hồi tháng 12 năm ngoái.

Theo hãng thông tấn AP, ông Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng Tokyo hiểu là lực lượng tuần duyên của Việt Nam cần có những tầu tuần tra này càng sớm càng tốt, và chính phủ Nhật Bản sẽ cố gắng để giúp Việt Nam đạt được ước muốn.

Cũng cần nói thêm là theo những nhà quan sát ở Châu Á, Thủ Tướng Abe phải thật khéo léo khi thông báo tin Nhật Bản sẵn sàng mở rộng cánh cửa hợp tác chiến lược với ASEAN, đừng để các nước Đông Nam Á nghĩ rằng sẽ phải ở trong thế cờ buộc họ phải chọn lựa giữa Nhật bản và Trung Quốc.

Mặc dù bài diễn văn của ông Abe chưa được đọc, nhưng đã có dự đoán nói rằng chắc chắn phát biểu của ông sẽ được Philippines và Việt Nam đón nhận nồng nhiệt, trong khi những nước láng giềng với Trung Quốc như Lào, Campuchia và Myanmar sẽ tỏ thái độ dửng dưng, và các nước có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc như Malaysia sẽ có thái độ chần chừ.

 

 Shangri-La: TQ chỉ trích nặng nề Mỹ và Nhật Bản


RFA-01-06-2014
Chia sẻ
    Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel của Hoa Kỳ và Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam là Tướng Phùng Quang Thanh tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á. 31 tháng 5, 2014
Trong bài phát biểu mới đọc sáng nay tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á, tức Đối Thoại Shangri-La, ở Singapore, đại diện của Trung Quốc đã đưa ra những lời chỉ trích thật nặng nề, nhắm thẳng vào Thủ Tưởng Shinzo Abe của Nhật bản và ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel của Hoa Kỳ.

Trước diễn đàn, Trưởng đoàn đại diện của Trung Quốc là Tướng Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Vương Quán Trung nói rằng cả 2 bài phát biểu của Thủ tướng Nhật lẫn của người đang điều hành Lầu Năm Góc là hành động khiêu khích Bắc Kinh.

Tướng Vương Quán Trung cũng nói là không thể ngờ Thủ Tướng Abe và ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với nhau, ủng hộ nhau, khuyến khích nhau để cùng có những hành động mà vị Tướng này gọi là các hành động khiêu khích và thách thức Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu xây dựng một Châu Á hài hòa, một thế giới hòa bình và thịnh vượng.
Tướng Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Trung Quốc cũng cho hay Bắc Kinh phản đối tất cả mọi ý đồ muốn thống trị an ninh ở khu vực cũng như can dự vào chuyện nội bộ của nước khác.
Những lời chỉ trích nặng nề này được Bắc Kinh đưa ra sau khi ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang gây bất ổn trên biển Đông, gọi đó là hành động đe dọa tiến trình phát triển dài hạn của khu vực, đồng thời nói rõ là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ làm ngơ trước những hành động mà ông Hagel gọi là cố tình vi phạm luật pháp quốc tế của những quốc gia khác.


Bài phát biểu đọc hôm thứ Bảy vừa rồi của ông Hagel nói rõ rằng trong những tháng gần đây Bắc Kinh đã có những hành động đơn phương, gây bất ổn để tự khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Trước thái độ này, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ cho hay Washington kiên quyết chống lại bất cừ hành động khiêu khích, gây hấn hoặc đe dọa sử dụng võ lực để tự khẳng định chủ quyền, vì những hành động đó sẽ gây nguy hại cho ổn định và hòa bình.

Những hành động đơn phương của Trung Quốc, điển hình là việc đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam, cũng bị Thủ Tướng Nhật Bản lên án trong bài diễn văn khai mạc Đồi Thoại Shingri-La vào tối thứ Sáu vừa rồi, đi kèm với tuyên bố ủng hộ tối đa cho những nước Đông Nam Á đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

 Tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Trung Quốc tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á, tức Đối Thoại Shangri-La, ở Singapore
Tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Trung Quốc tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á, tức Đối Thoại Shangri-La, ở Singapore
Trong bài phát biểu, Thủ Tướng Nhật Bản có nói đến việc giúp 10 chiếc tầu cho lực lượng tuần duyên của Philippines, và hứa sẽ nhanh chóng làm điều này với Việt Nam.
Về điều này, Thứ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam là Tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết ông hy vọng đầu năm tới sẽ đón nhận chiếc tầu đầu tiên do Nhật trợ giúp.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Reuters, Tướng Vịnh cũng tiết lộ rằng không chỉ trợ giúp tuần tra cho Việt Nam, chính phủ Nhật còn giúp huấn luyện các đơn vị tuần duyên và chia sẻ tin tức liên quan đến an ninh với Việt Nam

Cũng xin được nhắc lại rằng hôm qua trong bài diễn văn đọc tại Singapore, Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam nhấn mạnh đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là trách nhiệm thiêng liêng, nhưng chính phủ Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng tầu quân sự mà chỉ sử dụng tầu dân sự và tầu của lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền, cũng như không có một hành động gây hấn nào với Trung Quốc.

Tướng Phùng Quang Thanh cũng kêu gọi Bắc Kinh rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam, và cùng với Việt Nam đàm phán để giữ hòa bình, ổn định, và quan hệ giữa 2 nước.
Ông cũng nói là quân đội 2 bên phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác, để không xảy ra những hành động được ông gọi là ngoài tầm kiểm soát.
Về điểm này, phát biểu của ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ có nói rằng tất cả các quốc gia trong khu vực, kể cả Trung Quốc, có thể lựa chọn hoặc đoàn kết, tái nỗ lực để lập lại trật tự, hoặc làm điều ngược lại, gây nguy hại cho nền hòa bình và ổn định.




Tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-la

000_Hkg9876088.jpg
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-la hôm nay 31/5/2014.
AFP

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, tướng Phùng Quang Thanh hôm nay cũng có bài phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-la.
Chủ đề bài phát biểu của người đứng đầu ngành quốc phòng Việt Nam là ‘Quản lý những căng thẳng chiến lược’.

Theo đó Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới đều có nguyện vọng duy trì môi trường hòa bình, ổn định, cùng hợp tác phát triển và ngăn chặn không để xảy ra xung đột, chiến tranh. Tuy nhiên theo ông Phùng Quang Thanh thì để quản lý các nguy cơ có thể dẫn đến xung đột, các quốc gia cần có một nhận thức chung trong việc đề cao trách nhiệm quốc tế, mà đặc biệt là vai trò trách nhiệm của các cường quốc.

Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh của Việt Nam cũng đề cập đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoa Hải Dương 981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông đề nghị Trung Quốc lập tức rút giàn khoan đó đi.
Sáng hôm nay, ông Phùng Quang Thanh có cuộc gặp song phương với người tương nhiệm Hoa Kỳ, bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel. Trong ngày, ông Phùng Quang Thanh cũng gặp bộ trưởng quốc phòng hai nước Pháp và Anh.

Xin được nhắc lại, tại Đối thoại Shangri-la năm ngoái, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Việt Nam tham gia phát biểu và đưa ra khái niệm ‘lòng tin chiến lược’. Năm nay, người ta được nghe thêm khái niệm ‘căng thẳng chiến lược’.
 http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-defence-minister-speech-shangri-la-dialgoue-05312014084009.html
 

 Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tại Shangri-La



Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu quân sự mà chỉ dùng tàu dân sự để bảo vệ chủ quyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và đàm phán để gìn giữ quan hệ hữu nghị giữa hai nước.


pqt-6189-1401602322.jpg
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 ở Singapore hôm qua. Ảnh: Reuters.

Bài phát biểu với chủ đề “Quản lý những căng thẳng chiến lược” được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đưa ra hôm qua tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, lần thứ 13 ở Singapore. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu:

Thưa Ngài Chủ tịch, Tiến sĩ John Chipman

Thưa toàn thể các quý vị!

Thay mặt Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn chính phủ và Bộ Quốc phòng Singapore cùng Ban Tổ chức Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 đã dành cho tôi cơ hội tham dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể này!


Thưa các quý vị!

Trước hết, chúng tôi bày tỏ sự đánh giá cao thông điệp về "chính sách hòa bình tích cực" của Nhật Bản được Thủ tướng Shinzo Abe trình bày tối hôm qua.


Cũng tại Diễn đàn này năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển tới cộng đồng quốc tế một thông điệp về “lòng tin chiến lược”, trong đó đã nhấn mạnh rằng “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra những nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”.


Sau một năm nhìn lại, chúng ta thấy thế giới và khu vực vẫn còn nhiều căng thẳng và tiềm ẩn các nguy cơ xung đột, hoặc chiến tranh như chúng ta đang chứng kiến hằng ngày, hằng giờ qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính vì vậy, xây dựng lòng tin vẫn đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tình hình thế giới và khu vực hiện nay.


Quản lý căng thẳng chiến lược là vấn đề hệ trọng, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của các nước, khu vực và thế giới, phù hợp với nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích của các quốc gia, là chủ đề tôi chia sẻ cùng các bạn.


Thưa các quý vị!

Nhìn chung, tình tình thế giới và khu vực hiện nay, hoà bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học, môi trường... còn tiếp tục gia tăng.


Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự phát triển năng động, tăng trưởng cao và là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư thế giới, tuy nhiên, vẫn tồn tại những căng thẳng trên bán Đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông... Đây là các nhân tố ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.

Nguyên nhân của các vấn đề trên, xuất phát từ mâu thuẫn và xung đột lợi ích, dẫn đến sự hoài nghi về thiện chí và lòng tin trong quan hệ, hợp tác, sự cọ xát về lợi ích trong cạnh tranh chiến lược và hành động kiềm chế lẫn nhau. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn, khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, ý thức hệ... vẫn tồn tại, trong khi các bên liên quan vẫn chưa có được các giải pháp xử lý hữu hiệu.


Nguyện vọng chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là luôn mong muốn khu vực duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, cùng hợp tác phát triển và ngăn chặn không để xảy ra xung đột, chiến tranh.


Tôi cho rằng, để quản lý các nguy cơ có thể dẫn đến xung đột, trước hết chúng ta cần có một nhận thức chung trong việc đề cao trách nhiệm quốc tế, mà đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cường quốc. 

Các nước cùng phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp, tăng cường các mặt hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi, không phân biệt quốc gia lớn hay quốc gia nhỏ.



Khi có được nhận thức chung, chúng ta sẽ có nền tảng vững chắc để xây dựng lòng tin. Lòng tin không chỉ được thể hiện bằng lời nói, mà phải bằng hành động cụ thể, bằng những việc làm thiết thực để thúc đẩy sự minh bạch, đối thoại bình đẳng, cởi mở, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế. Các nước lớn có vai trò trách nhiệm và đóng góp quan trọng trong việc tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược này.


Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là ở chỗ, lãnh đạo cấp cao của các nước nên hết sức bình tĩnh, kiềm chế, đặt lợi ích của quốc gia trong lợi ích của khu vực và quốc tế; lựa chọn giải pháp hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao để giữ gìn quan hệ hữu nghị giữa các nước.


Trong giải quyết bất cứ một mâu thuẫn hay tranh chấp nào, các bên liên quan cần phải tự kiềm chế, bình tĩnh, nhận rõ bản chất vấn đề thật khách quan và rất thận trọng đưa ra các quyết định. 

Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể làm cho căng thẳng trở thành xung đột. Xử lý căng thẳng trong quan hệ giữa các nước, vai trò của quân đội hết sức quan trọng, quân đội phải kiềm chế, kiểm soát và quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của từng người chỉ huy, người chiến sĩ trong chỉ huy, điều khiển vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu như tàu chiến, máy bay....


Trong quản lý căng thẳng chiến lược, thì vấn đề truyền thông có vai trò và trách nhiệm rất quan trọng, đó là đưa tin phải trung thực khách quan, kịp thời với tinh thần xây dựng vì lợi ích quốc gia, dân tộc. 

Truyền thông nên tạo ra môi trường thuận lợi để góp phần giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp một cách hòa bình, không nên dùng những lời lẽ kích động, càng không nên kích động hận thù dân tộc, càng không nên làm cho tình hình căng thẳng thêm, hoặc gây áp lực cho lãnh đạo trong quá trình xem xét đưa ra quyết định giải quyết các vấn đề tranh chấp.



Để kiểm soát và giảm thiểu các nguy cơ xung đột, chúng ta nên phát huy có hiệu quả các cơ chế hợp tác cả song phương và đa phương. Những vấn đề có liên quan đến hai nước thì cần giải quyết song phương, còn vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên thì giải quyết theo cơ chế đa phương. Trong quá trình giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bất đồng cần phải được công khai, minh bạch trước cộng đồng quốc tế, tránh sự hiểu lầm, hoặc gây hoài nghi cho dư luận.



Hiện nay, chúng ta đang có những cơ chế hợp tác khu vực như Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á-TBD (CSCAP) Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN (AMF), cũng như Đối thoại Shangri-La hôm nay, là những khuôn khổ hợp tác quan trọng về xây dựng lòng tin, thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa và tìm kiếm các biện pháp quản lý có hiệu quả xung đột.



Thưa các quý vị!

Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 01/05/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
 

Chúng tôi nhận thức rõ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng. Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt -Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giữ ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, thông qua con đường đối thoại ở nhiều cấp, nhiều ngành với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng hiện nay.



Với chủ trương trên, Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo... mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho cả khu vực và thế giới.

Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát. Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề một cách bình tĩnh, kiên trì, để không xảy ra xung đột, càng không để xảy ra chiến tranh.



Việt Nam rất chủ động, tích cực trong hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN như tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, thiết lập đường dây nóng chia sẻ thông tin giữa các nước ASEAN. Ngày 8/6/2014 tới đây, Việt Nam và Philippines sẽ tổ chức giao lưu giữa các lực lượng đóng quân trên các đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, để tăng cường hữu nghị và xây dựng lòng tin cũng như giảm căng thẳng ở khu vực.



Chúng tôi hy vọng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, các mâu thuẫn, bất đồng sẽ từng bước được giải quyết, duy trì được sự ổn định và phát triển ở khu vực, đóng góp chung cho môi trường hòa bình của thế giới.



Cuối cùng, để kết thúc phần trình bày của mình, một lần nữa, tôi muốn chuyển đến quý vị một thông điệp từ Chính phủ và Nhân dân Việt Nam rằng, với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quý vị!

Đại diện Trung Quốc lớn tiếng dằn mặt Mỹ tại Đối thoại Shangri-La

A- A A+ ‹Đọc›
Bà Phó Oánh hùng hổ tuyên bố tại một cuộc tranh luận bên lề Shangri-La rằng Việt Nam và Trung Quốc phải tự tìm giải pháp, không có chỗ cho Mỹ xen vào giữa tranh chấp lãnh hải này.

Đại diện đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore, bà Phó Oánh (ảnh)
Đại diện đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore, bà Phó Oánh (ảnh)
Thượng nghị sĩ Ben Cardin, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cũng tham dự buổi tranh luận trước khi Shangri-La chính thức diễn ra. Ông Cardin vừa có chuyến thăm Hà Nội ngày 28.5.
Tại bàn tròn, ông Cardin bày tỏ Mỹ lo ngại về mọi hành vi khiêu khích đơn phương của Trung Quốc, dù ông nhấn mạnh Mỹ không đứng về phe nào trong vấn đề tranh chấp.
Đáp lại, bà Phó Oánh nói rằng: “Tôi không nghĩ ông Ben có thể tới và đứng ra giải quyết cho chúng tôi. Trung Quốc và Việt Nam phải tự tìm ra giải pháp”.

Lời tuyên bố của bà Phó Oánh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, khi Trung Quốc ngang nhiên triển khai giàn khoan HD-981 tới vùng biển thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc còn hung hăng khiến tình hình càng xấu hơn trong tuần này, như chính báo Straits Times ghi nhận, khi một tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá Việt Nam khiến tàu Việt Nam bị chìm khi đang đánh bắt hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Khi Trung Quốc bị đối đầu, Trung Quốc buộc phải phản ứng và phản ứng một cách hiệu quả để bảo vệ các lợi ích của chúng tôi, đồng thời ngăn chặn những hành vi khiêu khích tái diễn” - bà Phó Oánh nói, đồng thời không quên nhấn mạnh chủ trương “điều quan trọng là cần ngồi lại đối thoại và đàm phán”.

Phát biểu của bà Phó Oánh khiến người nghe bức xúc vì không ai khác mà chính là Trung Quốc đã gây hấn, ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chưa kể tàu Trung Quốc hung hăng, vô nhân đạo khi đâm húc tàu Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt ngay trên ngư trường truyền thống của người Việt.

Về phần mình, Thượng nghị si Cardin tiếp tục bày tỏ lo ngại về căng thẳng trong quan hệ Trung - Việt: “Chúng tôi không muốn chứng kiến những hành động đơn phương được thực thi chỉ để giải quyết vấn đề chủ quyền, vốn có thể giải quyết thông qua những tiêu chuẩn quốc tế”.

Bà Phó Oánh cũng không quên tấn công Thủ tướng Nhật Bản rằng Nhật lợi dụng tình hình tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông để cố gắng chỉnh sửa chính sách an ninh được quy định theo hiến pháp. "Ông ấy cố tình làm vấn đề trở nên nghiêm trọng, rằng Trung Quốc là nước gây mối đe dọa với Nhật Bản. Với cớ này, ông ấy cố gắng chỉnh sửa chính sách an ninh của Nhật Bản. Đây mới là điều gây lo ngại cho khu vực và cho Trung Quốc".

Trong khi đó, một thành viên khác trong phiên thảo luận, Đại sứ Tommy Koh (Singapore) thúc giục Trung Quốc phải giải tỏa lo ngại của khu vực qua việc giàn xếp các tranh chấp bằng trọng tài quốc tế. "Trung Quốc phải tự quyết định, rằng với vị thế đang lên của mình thì các anh phải xây dựng niềm tin với thế giới".
Theo dõi sự kiện qua Videos Thời Sự quốc tế tiếng Anh
http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=888448
Trung Quốc lộ điểm yếu tại Shangri-La 
(Quan hệ quốc tế) - Phát biểu của quan chức Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2014 đã chỉ ra hội chứng sợ “công lý” của giới lãnh đạo quốc gia luôn kêu gọi “hòa bình” này.

Dù chưa có phát biểu chính thức, song những trao đổi bên lề của đoàn đại biểu Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La 2014 đang diễn ra tại Singapore cho thấy Trung Quốc thực sự nghĩ gì và họ sợ điều gì. Sự lo sợ của Trung Quốc không gì khác là “công lý”, là công luận, là những diễn đàn đa phương, là sự can thiệp của Mỹ trong khu vực…
Phái đoàn Trung Quốc đến Shangri-La năm nay có một đại biểu đáng chú ý, được dư luận gọi là “tay đấm thép bọc nhung” của Trung Quốc – bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc. Chính trị gia này được đánh giá là nhân vật cứng rắn, song lại có cách nói năng mềm mỏng. Tuy nhiên, những phát biểu mang đậm tính ngoại giao của bà này cũng không thể che giấu ý đồ thực sự của Trung Quốc.
Ít giờ trước khi khai mạc Đối thoại Shangri-La vào chiều ngày 30/5, bà Phó Oánh đã tham gia chương trình trực tiếp do đài truyền hình Phượng Hoàng tổ chức. Ngoài bà Phó Oánh, tham gia chương trình còn có Đại sứ lưu động Singapore Tommy Koh với tư cách người dẫn chương trình, Thượng nghị sĩ Mỹ Ben Cardin và nghị sĩ Ấn Độ Tarun Vijay.
Trong chương trình, ông Koh có đưa ra một đề xuất là Nhật Bản cần phải chấp nhận có tranh chấp với Trung Quốc xung quanh chủ quyền quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Đáng chú ý là ông Koh đã quay sang bà Phó Oánh và nói rằng: “Đề xuất của tôi với bà Phó Oánh và thông qua bà gửi đề xuất tới (lãnh đạo) Trung Quốc là tại sao các vị không giữ vững lập trường và nói với Nhật Bản “hãy thừa nhận có tranh chấp và sau đó chúng ta sẽ giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án Công lý quốc tế”.
Ông Koh cũng giải thích thêm rằng đó là đề xuất Trung Quốc xem xét lại chính sách lâu nay của họ vốn không muốn liên quan tới bên thứ ba trong các tranh chấp lãnh thổ.
Khi nhận được câu hỏi từ người dẫn chương trình Koh, bà Phó Oánh bề ngoài có vẻ rất bình tĩnh và thể hiện một phong cách ngoại giao khi trả lời rằng: “Tranh chấp có thể sẽ kéo dài…không nên cường điệu vấn đề”.
Câu trả lời chung chung này thực tế đã né tránh thực tế là tại sao Trung Quốc lại sợ đưa vấn đề ra Tòa án Công lý quốc tế. Chỉ có kẻ yếu thế, đuối lý, thậm chí nói một cách dân dã là sai “lè lè” mới sợ điều này.
Đề cập tới quan hệ với Việt Nam, Bà Phó Oánh nhấn mạnh rằng hai nước cần phải tự mình giải quyết các tranh cãi. Bà này thậm chí còn quay sang phía nghị sĩ Mỹ Ben Cardin và nói rằng: “Tôi không nghĩ, ông Ben có thể giải quyết được vấn đề cho chúng tôi”.
Đáp lại, ông Cardin chỉ lưu ý rằng Mỹ không đứng về phía nào và quan điểm của Mỹ là phản đối các hành động khiêu khích đơn phương và ủng hộ các cơ chế giải quyết tranh chấp một cách công bằng.
Bảo Minh
 http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-quoc-lo-diem-yeu-tai-shangri-la-3040229/

Tổng kết Đối thoại Shangri-La

000_Hkg8649782-305.jpg
Trung Tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào ngày 02 tháng 6 năm 2013.
AFP photo
Sau 3 ngày thảo luận, Hội Nghị An Ninh Châu Á thường được gọi là đối thoại Shangri-La, đã kết thúc chiều hôm qua tại Singapore. Đề tài được bàn tán đến nhiều nhất ở ngày cuối của hội nghị là việc Bắc Kinh nói rằng tầu chiến của họ sẽ tiếp tục tuần tra ở các vùng biển mà họ từng tuyên bố chủ quyền thuộc về mình.
Điều này được Trung Tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc đưa ra trong bài phát biểu đọc ở Hội Nghị An Ninh Châu Á tại Singapore.
Tướng Thích Kiến Quốc nói rằng ai cũng hiểu tại sao tàu chiến trung Quốc lại tuần tra ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nhắc lại Trung Quốc có chủ quyền ở 2 vùng biển này, nhấn mạnh đó là lập trường rất rõ ràng, và những hoạt động của hải quân Trung Quốc ở các vùng biển này là hợp pháp, không phải tranh cãi.
Phát biểu này được đưa ra để khẳng định lập trường của Bắc Kinh với cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông đang diễn ra giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, và tranh chấp ở quần đảo Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản.
Về trường hợp quần đảo Ryukyu của Nhật Bản trong đó có cả Okinawa và bài viết của một vài học giả Trung Quốc cho rằng chủ quyền quần đảo này thuộc về Trung Quốc, Tướng Thích Kiến Quốc nói đây chỉ thuần túy là một bài nghiên cứu, không phản ánh quan điểm của chính phủ Bắc Kinh.
Vị tướng Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc nhìn nhận quả có căng thẳng đang xảy ra ở một số khu vực nhưng chính sách của Bắc Kinh là giải quyết vấn đề bằng đối thoại, đàm phán hòa bình, nhưng không từ bỏ điều mà ông gọi là những lợi ích cốt lõi cho quốc gia.
Ông còn nói rằng Trung Quốc không bao giờ có chính sách bành trướng ra nước ngoài và dùng quân sự để xâm lược nước khác.

000_Hkg8650031-250.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào ngày 02 Tháng Sáu năm 2013. AFP photo
Sau phát biểu của đại diện Trung Quốc, Bộ Trưởng Quốc Phòng Voltaire Gazmin của Philippines nói rằng ông mong mỏi những lời nói mang ý nghĩa xây dựng và hòa bình mà Tướng Thích Kiến Quốc đưa ra trước Hội Nghị sẽ được chứng tỏ bằng hành động.
Ông Gazmin đưa thí dụ chuyện Trung Quốc nói không hề có ý tưởng làm bá chủ khu vực Châu Á và những gì đang xảy ra ở biển Đông hoàn toàn khác biệt nhau.
Ông Ng Eng Hen, Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore nói rằng tranh chấp chủ quyền biển đảo và những nguy cơ có thể xảy ra vì cuộc tranh chấp này sẽ gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Cũng tại Hội Nghị An Ninh Châu Á, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng ám chỉ Trung Quốc khi nói rằng chuyện tự nhận có phần lớn chủ quyền lãnh hãi là điều không hợp lý, đồng thời kêu gọi tất cả các nước can dự vào cuộc tranh chấp phải bình tĩnh, không tạo thêm những căng thẳng gây bất lợi cho ổn định của toàn khu vực.
Sáng hôm qua, Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam cũng nói tại Hội Nghị rằng đến giờ Đông Nam Á vẫn chưa có ổn định, đồng thời kêu gọi mọi quốc gia phải bảo vệ ngư dân của nhau, và tránh sử dụng võ lực dưới bất kỳ hình thức nào với ngư dân nước khác, ý muốn nói đến chuyện tàu Trung Quốc đâm vao tàu các của Việt Nam và chuyện chính quyền Bắc Kinh ra lệnh cấm ngư dân nước ngoài không được đánh cá ở phần lớn vùng biển tại Hoàng Sa và Trường Sa, tự nhận đó là vùng biển đảo chủ quyền thuộc về Trung Quốc.
Trong phát biểu đọc trước Hội Nghị, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nhắc lại lời cam kết sẽ xem Châu Á-Thái Bình Dương là trọng điểm chiến lược như Tổng Thống Barack Obama đã cam kết sau ngày vào Nhà Trắng.
Ông Hagel cũng nhắc lại rằng mặc dù ngân sách quốc phòng có bị cắt giảm, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến chính sách cũng như kế hoạch mà Washington sẽ thể hiện trong khu vực.
Một trong những điều cũng được ông nói tới là Hoa Kỳ sẽ bỏ thêm 100 triệu dollars cho những chương trình thao diễn chung sẽ được thực hiện với nhiều nước Châu Á.
Ông Hagel cũng mời các vị bộ trưởng quốc phòng ASEAN dự hội nghị được Hoa Kỳ tổ chức ở Hawaii vào năm tới và nhận lời mời sang thăm Việt Nam.
Ngay giờ của chuyến đi chưa được quyết định.
Riêng với Trung Quốc, ông Hagel nói rõ sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở vùng Châu Á không nhằm mục đích ngăn chận sự phát triển của Hoa Lục, mà chỉ để giúp xây dựng ổn định và hòa bình toàn vùng.
Ông cũng cho rằng cách tốt nhất để giải tỏa nhưng nghi kỵ mà Bắc Kinh đang có là 2 bên phải tiếp tục xây dựng quan hệ về quốc phòng. Ông cho rằng mối quan hệ này đang tiến triển tốt và trách nhiệm của cả đôi bên là phải làm tốt hơn nữa.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ mối quan ngại liên quan đến tệ trạng tin tặc tấn công các trang mạng của chính phủ và những công ty tư nhân của Mỹ, nói là có những dấu hiệu cho thấy bọn tin tặc có quan hệ trực tiếp với chính phủ và quân đội Trung Quốc, đánh cắp được nhiều tài liệu quốc phòng của Mỹ.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/shangri-la-2013-wrap-up-06022013102949.html



No comments:

Post a Comment