Từ Nguyễn Bắc Việt đến Nguyễn Khoa Điềm, bàn về con người và cơ chế CS
Trần Trung Đạo (Danlambao) - Nhận bài thơ Đất nước những năm thật buồn dưới đây khá lâu. Đọc xong và tính viết một bài nhận xét nhưng bận quá quên đi. Mãi cho đến mới đây, nhờ Nguyễn Bắc Việt, Thường vụ Tỉnh ủy, Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận với câu nói để đời về vụ giàn khoan HD981 “phải biết đau lòng với tình hình hiện nay của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”, tôi mới sực nhớ đến bài thơ đó.
Nhắc lại hôm đọc xong bài phát biểu của Nguyễn Bắc Việt trước Quốc hội
CSVN, tôi phải google cho ra tấm hình để xem y dáng dấp ra sao. Tôi sẽ
thông cảm nếu đương sự là cụ già còn sót lại từ thế hệ Tân Trào hay Pác
bó. Không. Nguyễn Bắc Việt còn khá trẻ, sinh năm 1961, trình độ học vấn
thạc sĩ nhưng khi phát biểu lại giống như sinh năm 1930, trình độ học
vấn mù chữ.
Hôm nay trên quần đảo Hoàng Sa của tổ tiên để lại, Trung Cộng đã xây
dựng sân bay, khách sạn, thư viện, đường phố, bưu điện và mới đây còn
tiến hành xây trường học để phục vụ việc học hành cho gần hai ngàn dân
cư trên đảo mà Nguyễn Bắc Việt không biết nhục, không biết lo lại lo “Hai nước xã hội chủ nghĩa lình xình với nhau như thế này, ai có lợi?”.
Nếu không sống trong thời đại google, youtube, không chính tai nghe
Nguyễn Bắc Việt nói thật khó mà tin. Với một não trạng bị cơ chế hóa
trầm trọng như thế, không dễ làm cho anh ta thức tỉnh. Áp dụng kinh
nghiệm Liên Xô như Yuri Alexandrovich Bezmenov phát biểu trước đây, dù
có mang anh Nguyễn Bắc Việt này “tới tận Liên Xô và chỉ cho anh ta
thấy trại tập trung, anh ta cũng không tin... cho đến lúc anh ta bị đá
ngay vào đít, khi giày đinh đạp lên anh, rồi anh ta mới hiểu. Nhưng
không phải trước đó. Đó là thảm kịch của trình trạng bị băng hoại về đạo
đức trong con người.”
Trở lại với bài thơ Đất nước những năm thật buồn. Bài thơ chuyên
chở một nội dung rất bi quan về tương lai đất nước. Rất buồn. Từng câu,
từng chữ đều nói lên tâm trạng gần như chán chường của tác giả trong
một không gian cũng vô cùng quạnh hiu “yên vắng”.
Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay…
Nửa đêm thức dậy thắp điếu thuốc, đọc tin tức mong sao có một tin vui.
Nhưng không. Chung quanh tác giả chỉ là những tin buồn, tin xấu. Đất
nước cũng như tác giả chẳng khác gì một “kẻ khát nước qua sa mạc”,
đang lê bước giữa gió cát mênh mông, cô đơn, trống trải và hơn bao giờ
hết đang quá cần một giọt nước để hồi sinh. Dường như không ai, dù kẻ
nghèo hay người giàu, mang nặng lo âu và khát vọng sâu thẳm về đât nước
như tác giả. Nhà thơ viết như thét lên với bóng đêm “Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta. Trong không gian đầy sợ hãi?". Chữ “Ai” trong bài thơ chứa đầy phẫn uất của những oan hồn vọng lại giữa đêm khuya. Và “sợ hãi”,
một danh từ đồng nghĩa với bóng đen, xiềng xích, ngục tù, một loại vi
khuẩn mà ai sống dưới chế độ CS cũng bị cấy trong người.
Tác giả của bài thơ chứa đựng niềm u uất đó là ai?
Một trí sĩ ẩn cư như “cây thông trên núi Ngự Bình” âm thầm dùng
ngòi bút để diễn tả tâm trạng mình trước vận nước ngả nghiêng? Một nhà
cách mạng đang can đảm vượt qua nỗi sợ để đi về phía sự thật? Một nhà
thơ có trái tim nhân bản đang đau cùng nỗi đau đất nước?
Không phải. Tất cả đều sai. Tác giả bài thơ đó là Nguyễn Khoa Điềm.
Không xa lạ gì. Không chỉ người dân Huế mà cả nước đều biết tên tuổi ông
ta. Chỉ vài năm trước đó tác giả là ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung
ương đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, rồi Trưởng ban Ban Tuyên
giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt mười năm, tác giả
kiểm soát mạch sống tinh thần của toàn xã hội Việt Nam.
Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN trong nội quy của đảng CS là “Cơ
quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực
tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng
Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của
Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ,
khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội;
đồng thời là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác này
của Đảng.”
Tuyên truyền cùng với khủng bố tạo thành xương sống của mọi chế độ độc
tài. Nếu Hitler không có bộ máy tuyên truyền của Joseph Goebbels chế độ
Đệ Tam Quốc Xã Đức không thể giết 6 triệu dân Do Thái và 50 triệu người
châu Âu trong thế chiến thứ hai. Trước Goebbels, trong cách mạng CS Nga
1917, công việc đầu tiên Lenin phải làm ngay là thành lập cơ quan tuyên
truyền và trong giai đoạn đầu còn do chính y đích thân lãnh đạo. Tại
Trung Cộng cũng vậy, trong đại hội đảng CS Trung Quốc lần đầu vào năm
1921 chỉ bầu ra vỏn vẹn ba ủy viên trung ương nhưng một trong ba ủy viên
đó chịu trách nhiệm tuyên truyền.
Hệ thống tuyên truyền CS tại Việt Nam kế thừa hai hệ thống tuyên truyền
Trung Cộng và Liên Xô tinh vi và độc hại. Chức vụ của Nguyễn Khoa Điềm
tương đương với chức vụ Bộ trưởng Tuyên truyền của Joseph Goebbels trong
thời Đức Quốc Xã, chức Giám đốc cơ quan Agitatsiya của R. Katanian do
Lenin thành lập vào tháng Tám năm 1920 hay chức Trưởng ban Tuyên truyền
thuộc trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc của Lý Đạt vào tháng Bảy năm
1921. Về tài năng Nguyễn Khoa Điềm, dĩ nhiên, không thể so sánh với
“Thiên tài đen” Joseph Goebbels hay R. Katanian người tin cẩn của Lenin
nhưng chức năng của Bộ Tuyên truyền Đức Quốc Xã và nhiệm vụ của Ban
Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN không khác gì nhau lắm.
Làm thế nào một người trước đó không lâu lãnh đạo một ban ngành có chức
năng đầu độc, tẩy não cả một thế hệ Việt Nam, ngăn chận mọi tự do sáng
tạo, cố giữ đất nước trong tận cùng lạc hậu và cô lập từ thế giới văn
minh bên ngoài lại nhanh chóng trở thành một người mang ước vọng vươn
lên cao, vượt ra biển rộng như diễn tả trong bài thơ Đất nước những năm
thật buồn?
Làm thế nào một người trước đó không lâu áp đặt một tư tưởng chính trị
lạc hậu lên cả nước, một nền giáo dục ngu dân chỉ đào tạo ra những con
vẹt như Nguyễn Bắc Việt lại nhanh chóng trở thành một kẻ có tâm hồn khắc
khoải trước thời thế, khóc thương cho vận nước nổi trôi trong bài thơ
Đất nước những năm thật buồn?
Có hai Nguyễn Khoa Điềm? Có hai nhân cách Nguyễn Khoa Điềm trong cùng
một con người theo kiểu bịnh tâm lý đa nhân cách (Multi Personality
Disorder)? Một Nguyễn Khoa Điềm nhưng đã lột xác, phản tỉnh? Một Nguyễn
Khoa Điềm sống thật và một Nguyễn Khoa Điềm sống giả?
Không. Chỉ một Nguyễn Khoa Điềm, không lột xác, không phản tỉnh, không
đa nhân cách, không giả hay thật nhưng chỉ sống trong hai thời điểm khác
nhau, khi còn trong bộ máy toàn trị và khi ở ngoài bộ máy cai trị. Đó
chính là sự khác nhau giữa con người và cơ chế CS.
Nguyễn Khoa Điềm thừa nhận điều này: “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái
mặt tôi ra trong thơ. Thơ thì phải nói thật lòng mình, không thể giấu
mình, không thể nói dối... Việt Nam chúng ta lại quan niệm văn học là
đạo lý, trách nhiệm... nên gò bó sự sáng tạo cũng như hạn chế sự thổ lộ.
Trong khi văn chương phải thể hiện cái đẹp nội tâm của con người. Gần
đây ý thức như vậy đã có, nhưng chưa đủ. Vì vậy tôi đã nghỉ hưu, nhưng
nhiều người lãnh đạo mong tôi phải thế này thế kia, phải làm thơ ngợi
ca, phải hô hào tiến lên... Vừa rồi khi tôi công bố một số bài thơ trên
báo sau khi về Huế, có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có người chê
trách tôi “đổi giọng”, nhưng tôi không quan tâm.”
Trong năm 2011, Nguyễn Khoa Điềm còn đi xa hơn khi phê bình Quốc Hội
CSVN về chủ trương chống nhân dân biểu tình trong bài thơ Nhân Dân:
“…Nhưng trên diễn đàn cao nhất nước
Có người nói nhân dân chưa đủ trí tuệ
Để hưởng luật biểu tình!
Tôi nghĩ mãi
Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?
Sao lại sợ nhân dân biểu tình?
Không!
Sự sợ hãi không cứu được chúng ta
Mà chính là sự can đảm
Đi tới dân chủ…”
Thế nhưng, khi còn là Trưởng Ban Văn Hóa Tư tưởng Trung ương Đảng Nguyễn
Khoa Điềm lại là người chủ trương trấn áp những tiếng nói biện hộ cho
quyền tự do, dân chủ. Nhà thơ Đỗ Hoàng viết trong blog của ông, Nguyễn
Khoa Điềm đã “trù úm Hoàng Minh Chính, bắt nhà văn Dương Thu Hương,
bôi nhọ Trần Độ, loại bỏ nhiều nhà bất đồng chính kiến, đàn áp những
người đòi tự do dân chủ, cấm mạng , cấm internet, đốt thành tro bụi
nhưng tập sách như Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục, Chuyện kể
năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Chúa trời ngù gật của Nguyễn Dậu, Tâm sự
người lính của Đỗ Hoàng...”
Ngoài ra, nhà báo Trần Dũng Tiến trong bài “Chất Vấn Các Ông Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Hồng Vinh” viết nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Nhà Báo Việt Nam: “Thật
là đáng nghi ngờ và đáng hổ thẹn cho những người cầm đầu Văn hóa Tư
tưởng của Đảng ta ! Đảng ta luôn nói vì nước vì dân và tôn trọng tự do
báo chí nhưng các ông Điềm, Vinh lại làm ngược lại. Từ ngày 2 ông lên
chức cầm đầu Ban VHTT/TƯ các ông đã gây bao nhiêu cảnh rối loạn trong xã
hội từ việc bắt giam cựu chiến binh Vũ Cao Quận đến việc quản chế nhà
văn Bùi Minh Quốc chỉ vì nhà văn đi thực tế ở mấy tỉnh biên giới mà họ
sợ anh sẽ viết về nỗi nhục nhượng đất đai tổ quốc của những người lãnh
đạo vừa qua. Từ vụ quản chế Hà Sĩ Phu, Trần Khuê, bỏ tù các trí thức trẻ
như Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn... đến việc cắt điện
thoại vừa trái luật pháp vừa trái đạo lý đến nỗi cắt mà không dám công
khai tuyên bố điên thoại của Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Trần Dũng
Tiến, Hoàng Tiến, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Vũ Bình...”
Không chỉ nhận xét của nhà thơ Đỗ Hoàng và nhà báo Trần Dũng Tiến mà
chính Nguyễn Khoa Điềm qua vô số bài phát biểu trong các hội nghị văn
hóa tư tưởng, các buổi học tập v.v. đều không khác tham luận của Nguyễn
Việt Bắc đọc trước Quốc Hội bao nhiêu. Một đoạn tường thuật từ Hội nghị
công tác tư tưởng văn hoá toàn quốc 2005, trong đó Nguyễn Khoa Điềm phát
biểu: “Xuất phát từ tình hình trên, công tác tư tưởng văn hoá năm
2005 có trách nhiệm rất quan trọng và nặng nề đòi hỏi sự thống nhất cao
về nhận thức tư tưởng trong toàn Đảng, phát huy tính năng động, cổ vũ
những điển hình tiên tiến, những nhân tố tích cực của toàn xã hội, phát
huy sức mạnh đại đoàn kết trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc. Công
tác tư tưởng văn hoá phải đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống lại các biểu
hiện tiêu cực, trong xã hội, đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hoà
bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch”.
Một cô gái vì hoàn cảnh phải bán thân nuôi miệng nhưng không làm hại
nhiều người. Nguyễn Khoa Điềm bán lương tâm, nhân cách, sĩ khí để nuôi
miệng nhưng di hại đến nhiều thế hệ. Khác với hoàn cảnh của cô gái bán
thân, hành vi của Nguyễn Khoa Điềm không chỉ có tính cách cá nhân mà còn
mang trách nhiệm xã hội.
Trách nhiệm xã hội là gì?
Trách nhiệm xã hội là nguyên tắc mà một người hay một tổ chức phải
hành xử lợi ích riêng tư trong sự tôn trọng phúc lợi, an nguy chung của
cộng đồng xã hội. Nhà kinh tế Richard Whately phát biểu “Một kẻ
bị xem như là ích kỷ không phải vì y chỉ biết lo cho quyền lợi của cá
nhân mình nhưng bởi vì y bỏ qua quyền lợi của những người chung quanh”.
Nhân loại đang chạy đua phát minh khoa học kỹ thuật trong một thế giới
mỗi ngày càng nhỏ hẹp dần. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được xem là cách mạng
hai, ba chục năm trước nay đã lỗi thời. Kỹ thuật hóa được phát triển
song song với toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, các đổi mới kinh tế chính trị
cũng diễn ra nhanh không kém. Nhìn về hướng Đông Âu, các dân tộc đã hồi
sinh sau 70 năm dài nô lệ trong ý thức hệ CS.
Ba Lan là một bằng chứng hùng hồn về phát triển kinh tế. Cộng Hòa Ba
Lan, quốc gia bị cắt từng mảnh nhỏ trong mật ước Molotov-Ribbentrop Pact
giữa Đức và Liên Xô, quốc gia đầu tiên chịu đựng gót giày xâm lược của
Đức Quốc Xã trong thế chiến thứ hai, tuy nhiên, Ba Lan cũng là một nước
có nền kinh tế mạnh nhờ liên kết chặt chẽ với Đức hiện nay. Các lãnh đạo
Ba Lan học quá khứ nhưng không ai sống trong quá khứ như các lãnh đạo
CSVN.
Trong lúc “bóng ma chủ nghĩa cộng sản” mà Karl Marx dùng để thách thức
quyền lực của các nhà nước tư sản giữa thế kỷ 19 trong Tuyên Ngôn Đảng
Cộng Sản, đã chìm vào quá khứ và đại đa số nhân loại đang hăng say tiến
bước trên con đường dân chủ hóa, tại Việt Nam bịnh sùng bái cá nhân, tôn
thờ lãnh tụ vẫn còn đang chế ngự trong hầu hết các lãnh vực của đời
sống văn hóa và tinh thần đất nước. Không một giáo án, giáo trình, diễn
văn, tham luận, tuyên ngôn, tuyên cáo nào mà không trích dẫn vài câu
nói của các lãnh tụ CS. Sự nô lệ tri thức như là một loại vi trùng sinh
sôi và lan rộng trong từng con người, qua nhiều thế hệ, xói mòn và tàn
phá tính khai phóng, làm thui chột tính sáng tạo trong con người.
Trong lúc ở một phần lớn thế giới, những tác phẩm của Marx, Engels chỉ
còn trong thư viện nghiên cứu, hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam
vẫn phải học thuộc một cách từ chương mỗi ngày những khái niệm, những
định nghĩa sai lầm và lỗi thời. Phương tiện internet đã giúp cho một số
người Việt có điều kiện đọc các nguồn tin mới nhưng con số những người
may mắn đó vẫn còn quá nhỏ so với 90 triệu dân Việt Nam. Đất nước tuy
không còn những đại lộ kinh hoàng, những cánh đồng nhuộm máu nhưng đã
mọc lên thêm rất nhiều nhà tù, nơi đó, hàng trăm, hàng ngàn người Việt
Nam yêu nước vẫn còn bị giam cầm chỉ vì nói lên khát vọng tự do dân chủ,
chỉ vì tranh đấu cho chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Suốt 10 năm từ 1996 đến 2006, Nguyễn Khoa Điềm là người trực tiếp chịu
trách nhiệm cho sự băng hoại tri thức của cả một thế hệ trẻ Việt Nam,
biến nhiều trong số họ thành những kẻ bị tàn tật tâm thần, sống trong
hoang tưởng, mê muội như trường hợp Nguyễn Bắc Việt.
Trước một chủ nghĩa bành trướng Đại Hán quá mạnh, quá đông, quá giàu,
quá hung bạo, quá lưu manh không những có khả năng đánh Việt Nam từ trên
đầu, từ ngoài biển, từ trên không, lẽ ra Việt Nam phải mở tung mọi cánh
cửa, chạy đua với thời gian để học hỏi, thu thập mọi cái hay cái đẹp
của nhân loại làm vốn liếng cho mình. Nhưng không, suốt 10 năm, thời
gian nguy kịch của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm lại tìm cách che đậy, đóng
kín mọi nguồn thông tin, giết chết những cố gắng vươn xa của thế hệ
trẻ, nhồi nhét vào nhận thức của các em một thứ ý thức hệ CS mà phần lớn
nhân loại đã ném vào sọt rác.
Trong lúc phần đông những người thuộc thế hệ “nhảy núi” ở Huế bị lãng
quên và ngay cả có người bị bạc đãi như trường hợp Trần Vàng Sao, Nguyễn
Khoa Điềm may mắn được thăng quan tiến chức. Nhiều nguồn tin cho rằng
sau khi bị loại ra khỏi bộ máy quyền lực và danh lợi sớm hơn tuổi về
hưu, ông ta phẩn uất làm thơ “dân chủ” như một cách khiêu khích, châm
chọc vào điểm khó chịu của giới cầm quyền. Có lẽ ngoại trừ ông Trần Xuân
Bách, hầu hết các lãnh đạo CS chỉ nói đến dân chủ tự do sau khi bị cho
về vườn.
Những lời tố cáo, mỉa mai, châm biếm ông có thể đúng hay sai. Tuy nhiên,
nếu ông Nguyễn Khoa Điềm nếu bình tâm suy nghĩ, sẽ biết những bài thơ
ông mới viết dù ca ngợi tự do dân chủ thật sự cũng chẳng làm cho giới
lãnh đạo CS quan tâm, chẳng đánh tan được sự nghi ngờ, oán trách từ
những người vốn là nạn nhân của ông, chẳng nối lại tình bạn từ những
người ông tránh né họ trước đây và nhất là không thể xóa hết tội lỗi vì
đã góp phần hủy diệt, tàn phá đời sống tinh thần bao nhiêu triệu thanh
niên trong suốt 10 năm ông lãnh đạo ngành tẩy não.
Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng “Cầu nguyện không thay đổi được nghiệp mà chỉ hành động mới làm thay đổi nghiệp”.
Dĩ nhiên hành động trong ý ngài không phải là bỏ tù, trấn áp, bịt
miệng, khóa tay người khác nhưng là làm việc thiện, gieo mầm nhân lên
một đất nước đã quá nhiều chịu đựng. Trong tinh thần đó, mong rằng, ít
nhất một lần trong đời thay vì chỉ làm thơ , ông Nguyễn Khoa Điềm hãy
chứng minh bằng hành động lời ông nói “Sự sợ hãi không cứu được chúng ta. Mà chính là sự can đảm. Đi tới dân chủ…”. Can đảm lên để đi tới dân chủ. Mong lắm thay.
No comments:
Post a Comment