Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 17 June 2014

NGUYỄN TƯỜNG THỤY ++ ĐI MỸ

Ghi chép về chuyến đi Mỹ: 6. Xuất cảnh

Sau khi về nước, mình viết 5 kỳ “Từ xứ sở tự do trở về mất tự do”. Đây cũng là loạt bài về chuyến đi Mỹ đáng nhớ. Vì vậy, kỳ này gọi là kỳ thứ 6
Con gái và con rể mình đi học cao học ở Hàn Quốc. Chúng nó sinh con, "mời" mẹ nó sang "chơi" 3 tháng. Mình phải đặt hai từ “mời” và “chơi” trong ngoặc kép vì thực ra sang đấy để trông con cho chúng nó chứ chơi gì. Bà ấy đi rồi, mình ở nhà đi biểu tình. Một hôm bà ấy lên mạng đọc được tin mình bị an ninh Bộ Công an thẩm vấn vì “can tội” viết đơn xin trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ, rồi tin mình đi biểu tình bị bắt, liền nhắn lên yahoo Messenger: “Em không còn biết nói với anh thế nào nữa”, cứ làm như mình là đứa trẻ hư không dạy được. Mình lờ đi không thèm trả lời. Năm ấy là 2011, bà xã mình chưa thành “phản động”.
Hết visa 3 tháng, bà ấy về. Chúng nó lại rủ rê bố sang chơi. Mình không sang, lại bảo hay chúng con lo tiền để bố đi du lịch Đông Nam Á. Mình bảo, tao có đi thì đi Mỹ, không thì thôi. Con gái trề môi: Bố mà đòi đi Mỹ... Rồi nó lại hỏi sao bố nói thế, mình bảo đi Mỹ là biết cả thế giới chứ cần phải đi đâu.
Nói thế là nói đến vị thế của Mỹ trên quốc tế, chứ sao mà biết hết được mọi ngóc ngách của thế giới cơ chứ. Mà mình cũng nói đại chứ có âm mưu đi Mỹ gì đâu.
Mình có thằng em không phải huyết thống, cũng chẳng phải là người dưng nhưng lại là người gần gũi chỉ sau em trai :) Nó làm cán bộ, cũng đã đi Nhật, đi Thái. Một hôm về quê, mình với mấy ông anh ngồi nói chuyện cảnh sát giao thông làm sai biên bản hiện trường trong vụ tai nạn mới xảy ra gần làng. Nó tức lắm, nói gay gắt:
- Anh không đi nước ngoài anh không biết chứ, Thái Lan nó cũng đầy nhà ổ chuột ra đấy.
Hẳn là nó cho mình thuộc loại “ếch ngồi đáy giếng”. Mà câu chuyện tụi mình đang nói có dính đến chuyện ca ngợi bọn tư bản hay nói xấu chế độ của nó đâu. Nó nói xong bỏ đi, còn mình thì cũng không có nhu cầu tranh luận thắng thua với nó. 
Dù vậy, mình vẫn yên trí với thân phận “ếch ngồi đáy giếng”. Thực ra, thời buổi thông tin Internet, cần gì phải sờ vào cái gì mới biết nó ra sao. Ví dụ mình được đẻ ra sau nhưng vẫn biết thế chiến thứ 2 diễn biến như thế nào, học thuyết Mác - Lê nin được áp dụng ra sao, thậm chí còn biết cả trái đất hình thành cách đây 5 tỉ năm nữa… Đương nhiên, khi đi đến đâu trực tiếp mắt nhìn, tai nghe thì nó vẫn sinh động hơn.
Khi bên Mỹ đặt vấn đề mời mình sang kể cũng hơi bất ngờ. Lilly bảo nếu chú không ngại Việt Tân thì đây là một chuyến đi bổ ích. Mình biết Ban tổ chức có 5 thành viên mà Việt Tân là một. Việt Tân thì đã sao. Mình thì chẳng ngại ai, kể cả gặp trùm đế quốc Obama. Mà mấy ông nguyên thủ quốc gia chả đều gặp ông ấy rồi đó thôi. Chẳng lẽ mình nhát hơn mấy ông ấy.
Mình bảo Lilly để chú trả lời sau một ngày. Thực ra, mình chẳng đắn đo cân nhắc gì, có điều để bàn với vợ cho phải “phép”. Vợ mình xui đi đã đành, lại còn bảo, em nghiệm qua nhiều chuyện rồi, anh nói cái gì cứ y như rằng. Ba năm trước anh bảo đi Mỹ thì bây giờ đi Mỹ. Rõ là chồng tung vợ hứng.
Như đã nói, mình yên trí trong phạm vi cái biên giới này nên khi nhận được giấy mời sang Mỹ thì mình chưa có hộ chiếu. Lúc này vào khoảng 24 hay 25/3 rồi. Chưa có thì làm. Thế là đi làm. Đúng hẹn, 7/4/2014 mình đến lấy. 
Mọi người bàn hay là mình sang Thái Lan (xuất cảnh thử) rồi từ Thái Lan xin visa đi Mỹ. Nhưng ý định đó nhanh chóng cho qua. Mình thích đi thẳng từ Hà Nội, không đi được thì thôi, mặt khác cũng đã muộn rồi.
Ở VN, có một điều rất khó chịu là cấm ai xuất cảnh không bao giờ báo cho người ta biết. Đến khi mua vé, qua cửa an ninh mới biết là bị cấm xuất cảnh làm mất bao nhiêu công sức chuẩn bị, kể cả hao tổn về tiền nữa. Đó là việc làm không đàng hoàng.
Ngày 21/4 mình đi phỏng vấn. Ông Tây hỏi mình: Ông định sang Mỹ bao lâu, mình bảo tôi đi khoảng 10/5 thì về. Nói chưa hết câu, ông ta đã “Ok, xong rồi”. Nhớ lời Hồng Thuận dặn, mình nán lại bảo, đừng gửi qua đường bưu điện, cứ gọi điện để tôi đến lấy. Ông ấy nói hộ chiếu chúng tôi vẫn gửi qua bưu điện, đều tới tay cả. Mình trình bày rằng, tôi đề phòng trường hợp như bác Tô Oanh. Bác ấy biết, lên bưu điện hỏi thì họ bảo tại nó “lạc” sang tận … Hải Dương. Nhỡ hộ chiếu của tôi cũng bị “lạc” sang tỉnh nào đó, có tìm được cũng lỡ hết việc. Cuối cùng, ông ta cũng “ok”. 
Làm thủ tục thì cứ làm, chuẩn bị thì cứ chuẩn bị nhưng mình nghĩ sẽ bị chặn ở sân bay là cái chắc. Nguyễn Lân Thắng bị chặn ở sân bay ngày 5/4, Huyền Trang bị chặn ngày 13/4. Còn Phạm Chí Dũng bị chặn và bị thu hộ chiếu hôm 1/2/2014 khi chàng tiến sĩ này lò dò ra sân bay Tân Sơn Nhất với “mưu đồ” tham dự một cuộc hội thảo về dân chủ và nhân quyền, bên cạnh cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về nhân quyền tại Việt Nam diễn ra tại Genève ngày 05/02/2014.
Hai hôm sau, tức ngày 23/4, sứ quán gọi đến lấy visa. Lúc ấy đã hơn 3 giờ chiều nên mình bảo thôi để mai. Xong báo tin cho Hồng Thuận cứ mua vé cho chú vào chuyến gần nhất. Vài phút sau thì Hồng Thuận gửi vé cho mình. Sáng hôm sau mình đến lấy visa rồi tối ra sân bay để đi chuyến 22h50 đêm. Mình bảo đi đến 10/5 mà cấp visa cho mình với thời hạn 1 năm lận. 
Lúc này 5 người đã sang tới nơi. Chị Kim Chi, Ngô Nhật Đăng, Nguyễn Đình Hà sang ngày 18/4, bác Tô Oanh ngày 19/4 còn Lê Thanh Tùng ngày 21/4. Thành viên của đoàn 5 người lúc này coi như chốt.
Bà xã lo hành lý cho mình ngay từ khi có giấy mời: va ly, ba lô, túi nhỏ. Lại lo mua quà Việt Nam sang bên ấy. Sát lúc đi mình bảo thôi, cho anh mấy bộ quần áo vào ba lô là được. Rồi nó đuổi về ngay ý mà.
Mình vứt cái va ly lại, khoác ba lô ra sân bay sớm. Theo tiễn chỉ có vợ con, còn bạn bè chẳng ai biết, trừ thằng cu Trung (con cô Bùi Thị Minh Hằng và Lê Quốc Quyết). Cả hai không biết lấy thông tin từ đâu ra.
NGUYỄN TƯỜNG THỤY
(Còn tiếp)


No comments:

Post a Comment