Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday 2 June 2014

PHÙNG QUANG THANH

 

  Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tại Shangri-La

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu quân sự mà chỉ dùng tàu dân sự để bảo vệ chủ quyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và đàm phán để gìn giữ quan hệ hữu nghị giữa hai nước.


pqt-6189-1401602322.jpg
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 ở Singapore hôm qua. Ảnh: Reuters.

Bài phát biểu với chủ đề “Quản lý những căng thẳng chiến lược” được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đưa ra hôm qua tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, lần thứ 13 ở Singapore. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu:

Thưa Ngài Chủ tịch, Tiến sĩ John Chipman

Thưa toàn thể các quý vị!

Thay mặt Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn chính phủ và Bộ Quốc phòng Singapore cùng Ban Tổ chức Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 đã dành cho tôi cơ hội tham dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể này!


Thưa các quý vị!

Trước hết, chúng tôi bày tỏ sự đánh giá cao thông điệp về "chính sách hòa bình tích cực" của Nhật Bản được Thủ tướng Shinzo Abe trình bày tối hôm qua.


Cũng tại Diễn đàn này năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển tới cộng đồng quốc tế một thông điệp về “lòng tin chiến lược”, trong đó đã nhấn mạnh rằng “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra những nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”.


Sau một năm nhìn lại, chúng ta thấy thế giới và khu vực vẫn còn nhiều căng thẳng và tiềm ẩn các nguy cơ xung đột, hoặc chiến tranh như chúng ta đang chứng kiến hằng ngày, hằng giờ qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính vì vậy, xây dựng lòng tin vẫn đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tình hình thế giới và khu vực hiện nay.


Quản lý căng thẳng chiến lược là vấn đề hệ trọng, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của các nước, khu vực và thế giới, phù hợp với nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích của các quốc gia, là chủ đề tôi chia sẻ cùng các bạn.


Thưa các quý vị!

Nhìn chung, tình tình thế giới và khu vực hiện nay, hoà bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học, môi trường... còn tiếp tục gia tăng.


Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự phát triển năng động, tăng trưởng cao và là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư thế giới, tuy nhiên, vẫn tồn tại những căng thẳng trên bán Đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông... Đây là các nhân tố ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.

Nguyên nhân của các vấn đề trên, xuất phát từ mâu thuẫn và xung đột lợi ích, dẫn đến sự hoài nghi về thiện chí và lòng tin trong quan hệ, hợp tác, sự cọ xát về lợi ích trong cạnh tranh chiến lược và hành động kiềm chế lẫn nhau. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn, khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, ý thức hệ... vẫn tồn tại, trong khi các bên liên quan vẫn chưa có được các giải pháp xử lý hữu hiệu.


Nguyện vọng chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là luôn mong muốn khu vực duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, cùng hợp tác phát triển và ngăn chặn không để xảy ra xung đột, chiến tranh.


Tôi cho rằng, để quản lý các nguy cơ có thể dẫn đến xung đột, trước hết chúng ta cần có một nhận thức chung trong việc đề cao trách nhiệm quốc tế, mà đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cường quốc. 

Các nước cùng phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp, tăng cường các mặt hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi, không phân biệt quốc gia lớn hay quốc gia nhỏ.



Khi có được nhận thức chung, chúng ta sẽ có nền tảng vững chắc để xây dựng lòng tin. Lòng tin không chỉ được thể hiện bằng lời nói, mà phải bằng hành động cụ thể, bằng những việc làm thiết thực để thúc đẩy sự minh bạch, đối thoại bình đẳng, cởi mở, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế. Các nước lớn có vai trò trách nhiệm và đóng góp quan trọng trong việc tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược này.


Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là ở chỗ, lãnh đạo cấp cao của các nước nên hết sức bình tĩnh, kiềm chế, đặt lợi ích của quốc gia trong lợi ích của khu vực và quốc tế; lựa chọn giải pháp hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao để giữ gìn quan hệ hữu nghị giữa các nước.


Trong giải quyết bất cứ một mâu thuẫn hay tranh chấp nào, các bên liên quan cần phải tự kiềm chế, bình tĩnh, nhận rõ bản chất vấn đề thật khách quan và rất thận trọng đưa ra các quyết định. 

Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể làm cho căng thẳng trở thành xung đột. Xử lý căng thẳng trong quan hệ giữa các nước, vai trò của quân đội hết sức quan trọng, quân đội phải kiềm chế, kiểm soát và quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của từng người chỉ huy, người chiến sĩ trong chỉ huy, điều khiển vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu như tàu chiến, máy bay....


Trong quản lý căng thẳng chiến lược, thì vấn đề truyền thông có vai trò và trách nhiệm rất quan trọng, đó là đưa tin phải trung thực khách quan, kịp thời với tinh thần xây dựng vì lợi ích quốc gia, dân tộc. 

Truyền thông nên tạo ra môi trường thuận lợi để góp phần giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp một cách hòa bình, không nên dùng những lời lẽ kích động, càng không nên kích động hận thù dân tộc, càng không nên làm cho tình hình căng thẳng thêm, hoặc gây áp lực cho lãnh đạo trong quá trình xem xét đưa ra quyết định giải quyết các vấn đề tranh chấp.



Để kiểm soát và giảm thiểu các nguy cơ xung đột, chúng ta nên phát huy có hiệu quả các cơ chế hợp tác cả song phương và đa phương. Những vấn đề có liên quan đến hai nước thì cần giải quyết song phương, còn vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên thì giải quyết theo cơ chế đa phương. Trong quá trình giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bất đồng cần phải được công khai, minh bạch trước cộng đồng quốc tế, tránh sự hiểu lầm, hoặc gây hoài nghi cho dư luận.



Hiện nay, chúng ta đang có những cơ chế hợp tác khu vực như Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á-TBD (CSCAP) Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN (AMF), cũng như Đối thoại Shangri-La hôm nay, là những khuôn khổ hợp tác quan trọng về xây dựng lòng tin, thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa và tìm kiếm các biện pháp quản lý có hiệu quả xung đột.



Thưa các quý vị!

Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 01/05/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
 

Chúng tôi nhận thức rõ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng. Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt -Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giữ ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, thông qua con đường đối thoại ở nhiều cấp, nhiều ngành với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng hiện nay.



Với chủ trương trên, Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo... mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho cả khu vực và thế giới.

Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát. Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề một cách bình tĩnh, kiên trì, để không xảy ra xung đột, càng không để xảy ra chiến tranh.



Việt Nam rất chủ động, tích cực trong hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN như tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, thiết lập đường dây nóng chia sẻ thông tin giữa các nước ASEAN. Ngày 8/6/2014 tới đây, Việt Nam và Philippines sẽ tổ chức giao lưu giữa các lực lượng đóng quân trên các đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, để tăng cường hữu nghị và xây dựng lòng tin cũng như giảm căng thẳng ở khu vực.



Chúng tôi hy vọng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, các mâu thuẫn, bất đồng sẽ từng bước được giải quyết, duy trì được sự ổn định và phát triển ở khu vực, đóng góp chung cho môi trường hòa bình của thế giới.



Cuối cùng, để kết thúc phần trình bày của mình, một lần nữa, tôi muốn chuyển đến quý vị một thông điệp từ Chính phủ và Nhân dân Việt Nam rằng, với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quý vị!


 Thấy gì qua phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La 13


Sáng 31/5 - ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Quản lý những căng thẳng chiến lược.”. Bài phát biểu quan trọng này được dư luận trong nước, quốc tế có các nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Cũng không ít người đã thất vọng về phát biểu này.

Phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 được cho rằng khá nhũn nhặn và phù hợp với tinh thần giải quyết tranh chấp trong hòa bình đang được dư luận thế giới đồng tình và ủng hộ. Đặc biệt trong bối cảnh Việt nam vừa bị tai tiếng trong các vụ biểu tình mang tính bạo động đập phá các cơ sở sản xuất, văn phòng của các công ty nước ngoài đầu tư ở Việt nam thì đây là điều cần thiết.


Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng:  phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của Trung quốc trong vụ giàn khoan HD-981 và chính điều ấy đã đẩy Hoa kỳ và Nhật bản là hai quốc gia đã công kích Trung quốc rất mạnh mẽ trong việc này vào thế việt vị. 

Điều này đã làm một bộ phận không nhỏ người dân Việt nam đã tỏ ra thất vọng, và ngay sau đó trên các mạng xã hội nhiều người đã biểu lộ thái độ giận dữ trước sự mà họ cho rằng đớn hèn không thể chấp nhận được của một ông Đại tướng đứng đầu quân đội Việt nam trước kẻ thù Trung quốc xâm lược vào thời điểm quan hệ Việt-Trung đang ở mức xấu nhất chưa từng có từ sau Hội nghị Thành đô (9.1990).

Các đoạn bình luận cho rằng Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết "quan hệ Việt-Trung vẫn "phát triển tốt đẹp" và so sánh xung đột hiện nay trên Biển Đông với 'mâu thuẫn gia đình'"  

 "Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng" đã được rất nhiều người trích dẫn làm dẫn chứng để chỉ trích sự khiếp nhược của Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thể hiện qua bài phát biểu tại một Diễn đàn lớn và quan trọng trong khu vực. 


Thắc mắc quan trọng nhất vẫn là: Vì sao Đại tướng Phùng Quang Thanh vẫn coi kẻ xâm phạm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam là bạn? Hay đây là tín hiệu của nhà nước Việt nam chuyển tới nhà cầm quyền Trung quốc một thông điệp đầu hàng?

Bỏ qua các câu hỏi thắc mắc trên, để thấy các đoạn bình luận kể trên chứng tỏ những người đó chưa từng đọc, hay đọc chưa kỹ toàn văn bài phát biểu này của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13. Bài phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tạm chia làm 3 phần, bao gồm:
  1. Phần mở đầu
  2. Phần đánh giá tình tình thế giới và khu vực hiện nay
  3. Phần nhận định về Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc
Thực ra BT Phùng Quang Thanh không hề "so sánh xung đột hiện nay trên Biển Đông với 'mâu thuẫn gia đình''" như người ta đã dẫn, mà đoạn đó nằm trong phần đánh giá tình tình thế giới và khu vực hiện nay của bài phát biểu, với nội dung nguyên văn là: 

"Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là ở chỗ, lãnh đạo cấp cao của các nước nên hết sức bình tĩnh, kiềm chế, đặt lợi ích của quốc gia trong lợi ích của khu vực và quốc tế; lựa chọn giải pháp hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao để giữ gìn quan hệ hữu nghị giữa các nước.". 

 Đoạn này nằm ở phần 2 - Phần đánh giá tình tình thế giới và khu vực hiện nay, chứ hoàn toàn không đề cập tới vấn đề Biển Đông. Mà nêu lên những bất ổn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi đang có sự phát triển năng động, tăng trưởng cao và là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư thế giới. 

Thiết nghĩ đây là sự đánh giá và so sánh khách quan mang tính nhân văn cao của bài phát biểu, khi nói đến bối cảnh chung trong quan hệ của các quốc gia láng giềng, sự bất đồng xảy ra là điều đương nhiên phải có. Việc so sánh với trong gia đình anh em, cha mẹ ruột thịt mà còn không tránh khỏi bất đồng thì ở tầm các quốc gia các bất đồng đó là dễ hiểu và logic. 

Theo ý kiến cá nhân tôi một số người đã không khách quan, đã bình luận theo lối suy diễn theo chiều hướng bất lợi, nhằm kích động tư tưởng dân tộc theo kiểu đổ thêm dầu vào lửa. Đó là điều không trung thực và không nên.

Nhận xét một cách khách quan bài phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 là hết sức mềm mỏng và nhún nhường. Điều đó có lẽ là phù hợp với hoàn cảnh, khả năng và tiềm lực của Việt nam trong lúc này. Dù rằng trên thực tế điều đó đã trái với mong đợi của số đông người Việt nam, đó là họ mong muốn một được nghe phát biểu hết sức cứng rắn và mạnh mẽ để chứng tỏ rằng người Việt nam sẽ không sợ và không chịu khuất phục. 

Theo tôi đó là những suy nghĩ hoàn toàn mang tính cảm tính, kiểu "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt". Suy nghĩ này chỉ là suy nghĩ của những người bốc đồng. Chính trị gia đặt mình vào hoàn cảnh thực tế hiện nay thì không được phép suy nghĩ đơn giản như thế.

Nếu giờ đây các bạn thật tỉnh táo và đặt câu hỏi nếu chiến tranh xảy ra thì "Ta lấy gì để chống chọi với Trung quốc?" trong lúc tiềm lực kinh tế của Trung quốc hơn Việt nam hàng chục lần và ngân sách đầu tư cho quân sự của Trung quốc trong 10 năm trở lại đây mỗi năm chiếm vào khoảng 20% tổng thu ngân sách. Hơn nữa, "Nếu đánh (hay kiện) Trung quốc mà thua thì điều gì sẽ xảy ra?" là điều ít người nghĩ tới. 

Nếu không phải là Việt nam sẽ mất hàng loạt các đảo và bãi ngầm trong vùng quần đảo Trường sa do bị tập kích và vĩnh viễn quần đảo Hoàng sa nếu Tòa án quốc tế phán quyết có lợi cho Trung quốc? Đó là chưa kể tới việc ai sẽ giúp đỡ và ủng hộ Việt nam khi lâm chiến? Vũ khí khí tài quân sự lấy đâu ra? Đó là những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ và chưa có câu trả lời cho đến lúc này.

Đó là chưa kể với một chính quyền bạc nhược, tham nhũng và mất lòng dân như hiện nay, cùng với một chính sách ngoại giao thần phục và quỳ gối của chính quyền Việt nam từ xưa đến nay, trong lúc hai đảng CS Việt nam và Trung quốc luôn có vận mệnh tương liên. Nhất là từ các động thái từ trong nước, đặc biệt các phản ứng thiếu dứt khoát từ phía Đảng và Quốc hội cho thấy ở thời điểm này cho thấy đảng CSVN khó có đủ can đảm để tuyệt giao mọi quan hệ chính trị với Trung Quốc như mong mỏi đa số người dân, thì làm sao có thể đòi hỏi sự cứng rắn từ họ?

Trong một bài viết của tôi gần đây về Biển Đông đã nêu rõ là: "... theo nguyên tắc bất di bất dịch trong quan hệ Việt nam - Trung quốc từ năm 1991 đến nay thì mọi vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ một khi có tranh chấp hay bất đồng thì một điều quan trọng nhất là phải "kiên định phương châm không làm ầm ĩ". Điều đó có nghĩa là trong bất cứ tình huống nào thì lãnh đạo đảng CSVN và chính quyền sẽ không bao giờ để tình huống chiến tranh quân sự giữa Việt nam và Trung quốc có thể xảy ra. Đó là điều chắc chắn và dứt khoát. 

Và riêng lãnh đạo Đảng CSVN thì họ sẽ bằng mọi giá không cho phép điều đó có thể xảy ra, họ sẽ sẵn sàng kể cả chấp nhận mất một phần lãnh thổ nhưng không thể để có chiến tranh với mục đích để đảng của họ vẫn toàn vẹn. Đây chính là nguyên nhân vì sao quan hệ Việt nam - Trung quốc trong vấn đề Biển Đông luôn là vấn đề cực kỳ nhạy cảm." 

Nếu coi đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong vấn đề Biển Đông thì không thể đòi hỏi một phát biểu cứng rắn từ Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Đó là điều hoàn toàn không thể có, và hơn nữa về điều này bản thân Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã "bật mí" khi cho biết rằng "Việt nam sẽ không xích gần lại Hoa kỳ".

Do vậy bài phát biểu của BT Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 được đánh giá cho rằng "đưa Hoa Kỳ và Nhật Bản vào thế việt vị tại Biển Đông" là hoàn toàn chính xác. Đó là quan điểm của Hà nội cho đến lúc này, họ luôn luôn không muốn làm phật lòng Trung quốc.

Gần đây có một nhà báo, nguyên Đại tá QĐND Việt nam nhận định rằng: ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nắm chắc lực lượng quân đội và công an. Vì thế có người đặt câu hỏi rằng "Tại sao các phát biểu của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì hết sức cứng rắn, trong lúc phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng lại tỏ ra nhũn nhặn nếu không nói là yếu ớt?". Câu trả lời có lẽ là: chúng ta cần tỉnh táo và cảnh giác, đừng dễ tin vào những gì báo chí và truyền thông nhà nước đang tuyên truyền. 

Nếu không chúng ta sẽ rơi vào cái ma trận kẻ tung người hứng trong một kịch bản nhằm trấn an và đánh lạc hướng dân chúng của ông Thủ tướng, một con người lọc lõi và quá nhiều kinh nghiệm và của cả Ban Tuyên giáo. Nhất là trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội... trong nước đang đứng trước các biểu hiện hết sức lo ngại như hiện nay, họ sẽ dắt chúng ta "vào rừng mơ để bắt con tưởng bở" mà quên đi cái thực tại.

Nói tóm lại là, hòa bình trên cơ sở đối thoại, thương lượng là cái quý nhất và chiến tranh là điều bất đắc dĩ phải chấp nhận khi không còn lối thoát nào khác. Đừng quá ỷ lại và bám vào cái tinh thần bất khuất chống quân xâm lược của dân tộc Việt nam để hô hào mà không nghĩ tới hậu quả. Nên đặt địa vị mình vào những người phải cầm súng ra trận để suy xét, đừng cảm tính.

Không phải các bạn vẫn nói rằng "Đừng tin những gì Cộng sản nói" hay sao? Vậy có gì mà phải ầm ĩ?
Ngày 01 tháng 6 năm 2014
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

No comments:

Post a Comment