Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 5 July 2019

Nga giữ 'bí mật' về tàu ngầm gặp nạn làm chết 14 sĩ quan

  • 43 phút trước
  • Bản quyền hình ảnh KSENIYA GAPONKO
    Image caption Tàu ngầm Nga không xác định được số hiệu ở cảng Severomorsk hôm 02/07/2019
    Còn nhiều điều chưa rõ về chiếc tàu ngầm gặp hỏa hoạn trên khoang nạn làm chết 14 sĩ quan Hải quân Nga.
    Sự việc xảy ra ở biển Barents hôm thứ Hai 01/07.
    Danh tính con tàu đến nay vẫn không được Nga công bố, cũng như nguyên nhân hỏa hoạn.
    Người ta chỉ nêu chức vụ của 14 sỹ quan Nga bị tử nạn trên tàu nhưng có câu hỏi là vì sao trên một tàu nghiên cứu biển sâu loại nhỏ có cùng một lúc bảy thuyền trưởng cấp một, ba thuyền trưởng cấp hai, hai thuyền trưởng cấp ba, một đại úy hải quân và một trung tá.
    Các báo châu Âu những ngày qua đã tìm hiểu câu chuyện và đăng tải nhiều đánh giá, phỏng đoán khác nhau, và các thông tin này chưa được Moscow xác nhận.
    1-Tàu nhỏ đi cùng một tàu mẹ trong chuyến đi biển bí mật
    Các báo Anh, châu Âu và nhất là Na Uy, nước theo dõi kỹ vụ việc, gợi ý rằng công tác bí mật của chiếc tàu bị nạn gắn liền với một tàu khác.
    Theo các nguồn tin này, chiếc tàu bị nạn là tàu ngầm 'Losharik' (AS-31).
    Có nguồn tin khác cho rằng đây có thể là chiếc tàu ngầm AS-12.
    Nó được tàu mẹ 'Podmoskovie' (lớp Delta-IV) chở đến nơi có hoạt động dưới đáy biển.
    'Podmoskovie' cũng là tàu ngầm, và đã phải nổi hẳn lên mặt nước khi tàu 'Losharik' gặp nạn.
    Cả hai chiếc tàu bình thường đóng ở căn cứ tại Vịnh Oleniya Bay, nơi có Trung tâm Nghiên cứu Độ sâu Hải dương (GUGI) do Bộ Tổng tham mưu Nga trực tiếp phụ trách.
    Đây là vụ tai nạn tàu ngầm nghiêm trọng nhất ở Nga sau vụ tàu Kursk chìm ở Biển Barents năm 2000.
    2-Nơi xảy ra tai nạn là Vịnh Ura
    Đây là địa điểm gần bán đảo Kola, theo xác nhận của một số dân đánh cá trộm ở địa phương. Họ thấy tàu 'Podmoskovie' nổi lên lúc 09:30 tối ngày 1/07.
    Sau khi xảy ra vụ cháy trong tàu 'Losharik', có thêm một tàu thủy và hai tàu kéo của Hải quân Nga đến nơi. Khoảng 11 giờ tối, tất cả đã được đưa đi.
    Sau khi bị nạn 'trong vùng biển Nga' chiếc tàu nổi lên cách bờ biển Na Uy 100 km, theo tờ Moscow Times.
    Bản quyền hình ảnh Lev Fedoseyev
    Image caption Mới hôm 8/06/2019, Nga có cuộc diễn tập cứu tàu ngầm ở Biển Barents với chiếc tàu cứu hộ Georgy Titov đóng vai chính
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Tàu ngầm Nga từng bị cáo buộc là nghiên cứu cách gián đoạn Internet bằng việc cắt cáp viễn thông dưới đáy biển - theo Chris Baraniuk, BBC News. Hình không phải của tàu Losharik
    3-Chuyến hải hành biển sâu có liên quan đến cáp truyền thông
    Phía Nga cho hay chiếc tàu ngầm gặp nạn ở nơi không xa Murmansk, và thuộc biển của Nga, khi đang "nghiên cứu đáy biển".
    Tuy nhiên, giới quân sự Hoa Kỳ tin rằng chiếc tàu đang đem các thiết bị nghe lén gắn vào hệ thống cáp viễn thông quốc tế để thu thập tin tức và cần thì phá hoại.
    Theo ông Dmitry Gorenburg, Trung tâm Davis chuyên về Nga ở ĐH Harvard thì chiếc tàu ngầm có khả năng làm gián đoạn hệ thống thám báo bằng âm thanh SOSUS [sound surveillance system] vốn được thả xuống Bắc Đại Tây Dương, đoạn từ Greenland tới Anh để theo dõi tàu ngầm Nga từ lãnh thổ Na Uy.
    4-Các sỹ quan vì tự đóng khoang tàu bị cháy để hy sinh
    Các nguồn tin nước ngoài nói 7 sỹ quan cao cấp và 8 sỹ quan trung cấp không sống trên tàu 'Losharik' mà chỉ lên boong trước khi tàu này xuất hành.
    Phía Nga coi họ là anh hùng vì tất cả đã quyết định khóa chặt khoang ở trong, nhằm ngăn lửa lan ra cả tàu, để cứu những người khác.
    Cho đến nay phía Nga nói vụ cháy ban đầu xảy ra ở khoang ắc-quy, nhưng các nguồn châu Âu tin là "có vụ nổ gas".
    Hôm 5/07, báo Nga nêu tên thuyền trưởng chiếc tàu bị nạn là Denis Dolonsky, người đã chết trên khoang.
    Na Uy không ghi nhận mức phóng xạ tăng lên ở khu vực tàu 'Losharik' bị nạn nhưng nhiều báo châu Âu sợ rằng việc một tàu có động cơ hạt nhân bị cháy bên trong là mối lo nhiễm xạ nghiêm trọng và Nga cần phải minh bạch hơn về vụ này.
    5-Tàu ngầm vỏ titanium nhẹ và nhanh nhưng có lỗi động cơ
    Theo các nhà quan sát tình hình quân sự Nga như Dmitry Gorenburg và Sebastien Roblin, Nga đã đóng được tàu ngầm vỏ hoàn toàn bằng titanium.
    Dự án 705 Lira từ thời Liên Xô đã chế tạo được tàu vỏ titanium lớp Alfa, nhẹ hơn nhiều so với tàu ngầm Mỹ, và có tốc độ nhanh tới 47 dặm một giờ.
    Tàu ngầm Liên Xô thế hệ này có thể tránh được thủy lôi đối phương nhờ độ cơ động cao.
    Tuy thế, thiết kế của tàu vỏ titanium lại khiến tàu thế hệ này có vấn đề nghiêm trọng về an toàn của động cơ hạt nhân.
    Đây là loại động cơ phải chạy liên tục, không dừng được kể cả khi vào cảng.
    Lớp bảo vệ cho các động cơ không an toàn bằng tàu vỏ thép.
    Dự án 705 đã dừng từ lâu nhưng Nga vẫn làm tàu vỏ titanium như chiếc 'Losharik', và rất có thể lỗi ở phần động cơ điện khiến xảy ra hỏa hoạn.
    Tuy nhiên, theo lời Bộ trưởng Nga, Sergei Shoigu báo cáo lên Tổng thống Vladimir Putin thì "bộ phận nguyên tử" đã được bảo vệ nguyên vẹn.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Hồi tháng 8 năm 2000, tàu ngầm Kursk bị nạn cũng ở biển Barents, làm chết tất cả 118 sĩ quan, thủy thủ trên khoang. Ảnh chụp bà Olga, vợ góa của trung tá Dmitry Kolesnikov trong lễ tang hôm 29/10 cùng năm ở Severomorsk. Bên trái là ảnh của thuyền trưởng tàu Kursk, Gennady Lyachin

    No comments:

    Post a Comment