Tình trạng thiếu điện bị lũng đoạn để trục lợi (Bài 1)
BÀI 1: VIỆT NAM… “THIẾU ĐIỆN”?
Bộ Công Thương vừa công bố dự tính giao
cho EVN đàm phán với Công ty Lưới điện Phong Nam của Trung Quốc (CSG)
tăng nhập khẩu điện qua đường dây 220 KV hiện hữu và phối hợp với CSG
đầu tư hệ thống Back-to-Back để tăng mua điện từ Trung Quốc vào năm
2022. EVN và CSG cũng sẽ bàn tính phối hợp mua điện qua cáp điện áp 500
KV kể từ 2025. Đây là lý do nên xem lại vài khía cạnh...
Việt Nam có thiếu điện không?
Trong một báo cáo gửi cho Bộ Công Thương và chính phủ Việt Nam, EVN
dự báo năm nay, Việt Nam có thể “thiếu điện” vì các lý do: Các nhà máy
nhiệt điện phát điện bằng than tại Quảng Ninh, Hải Phòng thiếu than. Các
nhà máy thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên thì thiếu nước.
Qua báo điện tử Zing, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
(TKV) cho biết, năm 2018, TKV đã cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng
Ninh 2,6 triệu tấn than, đến cuối năm, EVN hỏi TKV mua thêm 200.000
tấn. Nhiều người dựa vào đó khẳng định, than không thiếu mà vì EVN hoặc
dự báo không chính xác về nhu cầu hoặc cố ý mua nhẩn nha.
Bàn về cảnh báo “thiếu điện”, trong một bài viết gửi cho báo Đấu
Thầu, ông Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực của Bộ Công
Thương, khẳng định: Năm nay không thiếu điện! Cơ quan của ông và EVN đã
phối hợp xây dựng kế hoạch cung cấp điện cho năm 2019, bảo đảm đủ điện
để phục vụ sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
EVN kể trong Báo cáo hoạt động 5 tháng đầu 2019 rằng, các nguồn cung
cấp điện đã khởi công để đưa vào vận hành trong năm năm tới rất thấp so
với yêu cầu tại Quy hoạch điện VII đã điều chỉnh cho giai đoạn 2018 -
2022.
Quy hoạch điện VII đã điều chỉnh xác định, đến năm 2020 cần có 60.000 MW, năm 2025 cần có 96.500 MW, đến 2030 là 129.500 MW.
Quy hoạch điện VII đã điều chỉnh xác định, đến năm 2020 cần có
60.000 MW, năm 2025 cần có 96.500 MW, đến 2030 là 129.500 MW. Song EVN
than rằng, ngoài 47.000 MW hiện có, mới chỉ có bảy dự án nhiệt điện dùng
than cung cấp thêm 7.860MW được triển khai, còn thiếu 18.000MW từ các
dự án nhiệt điện dùng than khác không hoặc chưa thể khởi công.
Cứ đem Quy hoạch điện VII đã điều chỉnh do EVN khởi thảo rồi bổ sung,
chính phủ chỉ kiểm tra và phê duyệt so với những khó khăn mà EVN kể lể,
cảnh báo thì “thiếu điện” không phải chuyện đùa, không ai dám đùa nên
EVN dắt đi đâu cũng phải ngoan ngoãn đi theo.
“Thiếu điện” do tính sót, cộng thiếu
Dù hết sức chật vật nhưng điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,
điện địa nhiệt, điện từ nhiên liệu sinh hoạt – gọi chung là năng lượng
tái tạo cũng đang từ từ trỗi dậy tại Việt Nam. Chẳng hạn biến quang năng
thành điện năng (điện mặt trời) giờ không chỉ là chuyện của các nhà máy
sản xuất điện mà bắt đầu phổ biến trên mái nhiều căn nhà tại các khu
dân cư.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia năng lượng, Việt Nam là một quốc
gia có tiềm năng lớn về năng lựợng tái tạo. Nếu quan tâm đầu tư vào năng
lượng tái tạo, đến năm 2030, điện mặt trời có thể cung cấp cho Việt Nam
35.000MW, điện gió có thể cung cấp cho Việt Nam 20.000MW, điện sinh
khối có thể cung cấp cho Việt Nam 3.000 MW...
Năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn cung
ứng điện thường thấy, phát điện bằng đốt các nhiên liệu hóa thạch, vừa
tốn kém, vừa nguy hại cho môi trường sống ở cả phương diện quốc gia lẫn
bình diện quốc tế nên năm 2015, chính phủ Việt Nam đã thông qua “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Vào thời điểm này, không kể nguồn điện từ các nhà máy thủy điện quy
mô lớn và vừa, nguồn điện khai thác từ năng lượng tái tạo chiếm 2,1%
tổng công suất toàn hệ thống. Trong khi nhiều giới, đặc biệt là các
chuyên gia năng lượng, môi trường hết sức hoan hỉ khi các nhà máy tận
dụng quang năng (ánh sáng mặt trời) thành điện năng ở Tây Ninh, Phú Yên,
Bình Thuận,… bắt đầu phát điện thì hồi tháng 4, EVN càm ràm với chính
phủ về chuyện phát triển năng lượng tái tạo đang gây khó khăn vì tạo ra
gặp một số thách thức cho hệ thống vận hành.
Trò chuyện với RFA về những vấn đề xoay quanh EVN, phát triển nguồn
điện, “thiếu điện”, Tiến sĩ Dương Văn Ni - Giám đốc Trung tâm Nghiên
cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An, Đại học Cần Thơ - cho rằng: Cả Việt Nam thì tôi không rõ nhưng riêng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tôi không tin là thiếu điện…
Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi
trường – cũng tin là vào lúc này, Việt Nam không “thiếu điện”: EVN đang phấn đấu để đảm bảo đủ điện và tôi tin rằng sẽ đảm bảo được, không phải nhờ vào việc mua điện của Lào và Trung Quốc.
EVN đang phấn đấu để đảm bảo đủ điện và tôi tin rằng sẽ đảm bảo được, không phải nhờ vào việc mua điện của Lào và Trung Quốc. - Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ
Song ông Võ lưu ý: EVN cần có kế hoạch phát triển điện sản xuất từ năng lượng tái tạo để đảm bảo môi trường và nhấn mạnh băn khoăn: Dường như kế hoạch trong một vài năm tới của EVN vẫn là xây dựng thủy điện và nhiệt điện và câu chuyện môi trường sẽ vẫn là câu chuyện đáng được suy ngẫm.
Có thể dự báo ngay từ năm nay, Việt Nam có thể “thiếu điện” không có
lợi cho EVN nên gần đây, qua báo Tiền Phong, ông Đinh Quang Tri - Phó
Tổng giám đốc EVN – nói lại cho rõ là năm nay, tuy thủy điện thiếu nước
nhưng EVN sẽ huy động thêm nguồn điện từ các nhà máy đốt than và khí.
Sau năm 2020, nếu “không giải quyết các vấn đề nước” thì mới “chắc chắn
thiếu điện”.
Vậy là năm nay chưa… “thiếu điện”, sau năm 2020 mới… thiếu! Tuy nhiên
sẵn dịp EVN cảnh báo “thiếu điện”, phải xem lại các cảnh báo “thiếu
điện” của EVN và những đề nghị để tránh tai họa do “thiếu điện” của EVN
ảnh hưởng thế nào đến môi trường mà ông Đặng Hùng Võ cũng như nhiều
chuyên gia liên tục khuyến cáo “suy ngẫm”…
Ở bài kế tiếp, RFA sẽ trình bày tại sao “Thiếu điện” lại giống như cơ hội của một nhóm và đại họa cho cả cộng đồng.
No comments:
Post a Comment