70 năm báo hại - báo đời
Phạm Trần (Danlambao) - Báo chí đảng Cộng sản Việt Nam đang “có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, gây ra nhiều tác hại….”.
Đó là thú nhận của Ban Bí thư Trung ương đảng ghi trong Chỉ thị số
43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội
Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, ban hành ngày 14/04/2020.
Đáng chú ý là Chỉ thị này được công bố vào lúc Ban Tuyên giáo và Hội nhà
báo tập trung tuyên truyền về ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Hội
(21-4-1950 - 21-4-2020).
Ra đời với tên nguyên thủy "Hội Những người viết báo Việt Nam” diễn ra
tại Đại hội thứ nhất ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc,
huyện Định Hóa - Thái Nguyên. Tổ chức này sau đó đổi tên là Hội Nhà báo
Việt Nam (HNBVN) tại Đại hội lần III ngày 07-08/9/1962.
Nhưng trong suốt 70 năm qua, chưa bao giờ HNBVN được coi là một tổ chức
của dân và có quyền hoạt động độc lập để bảo vệ quyền lợi của người làm
báo. Ngược lại, HNBVN, cũng như hàng trăm Tổ chức chính trị, xã hội khác
đều do đảng thành lập, chi phối và lãnh đạo. Do đó, mục tiêu hàng đầu
của HNBVN là tuyên truyền cho chủ trương, chính sách của đảng và phục vụ
cho quyền lợi đảng là chính.
Bằng chứng: "Hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhận
được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng, sự
ủng hộ, tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến
địa phương.” (báo Gia đình Việt Nam, ngày 14/04/2020)
Tại sao bây giờ?
Nhưng tại sao Chỉ thị số 43-CT/TW đã được ban hành vào lúc đảng tập
trung chuẩn bị Đại hội đảng XIII cấp địa phương để tiến tới Đại hội toàn
quốc vào tháng 1 năm 2021?
Có bốn lý do, căn cứ theo nội tình sinh hoạt của báo chí thì: Thứ nhất,
tình trạng sinh hoạt của các đảng bộ rời rạc, có nơi buông lỏng thái độ
thờ ơ với đường lối đảng của các đoàn viên. Thứ hai, đã có hiện tượng
phai nhạt lý tưởng tiến tới tự diễn biến và tự chuyển hóa. Thứ ba, có
hiện tượng muốn phá rào để được thực hiện quyền tự do báo chí, tự do tư
tưởng. Thứ tư, nhiều cán bộ, đảng viên không thèm đọc báo, tạp chí đảng,
theo yêu cầu của đảng bộ.
Nên biết HNBVN hiện có trên 22,000 người làm báo thuộc 63 Hội nhà báo
tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 Chi hội trực thuộc.
Với đội ngũ “nhà báo đảng viên nón cối” này, đảng đã nắm trong tay toàn
bộ báo, đài nhà nước từ Trung ương xuống cơ sở để tự do lèo lái dư luận
theo nhu cầu và định hướng theo ý đảng.
Nhân dân nói chung và một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tiến bộ,
đã chán đảng và sổ toẹt vào Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin, không có
quyền tự do báo chí và tự do tư tưởng vì nhà nước cấm tư nhân không được
ra báo, và cấm luôn việc thành lập đảng đối lập với đảng Cộng sản duy
nhất cầm quyền.
Vì vậy, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng (khi chưa nhận thêm chức Chủ tịch Nước) đã khen: "Đội
ngũ hùng hậu hơn 22 nghìn nhà báo - hội viên trong cả nước đã thể hiện
bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu Tổ quốc, tin tưởng và trung thành với
Đảng… Đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Kịp thời phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, những thói hư
tật xấu trong xã hội; phê phán, bác bỏ những thông tin, quan điểm sai
trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch,
góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi
mới.”
(Trích bài phát biểu của ông Trọng tại Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam/ngày 9.8.2015)
Ông Trọng còn chỉ thị: "Anh chị em làm báo cần quán triệt đầy đủ, sâu
sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén là công cụ đắc lực của
Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách
mạng…kiên quyết loại bỏ những tin, bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình
cảm, đời sống xã hội; đừng làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin…phải
thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người
tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách
của Đảng và Nhà nước.”
Như vậy thì có phải là tay sai không mà Tuyên giáo đảng cứ oang oang nói rằng Việt Nam hoàn toàn có tư do báo chí?
Ngoài ra, người đứng đầu đảng còn kêu gọi người làm báo phải: "Kiên
quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực
thù địch, lợi dụng tự do, dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng, lợi dụng
chống tham nhũng, tiêu cực, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của
một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, bôi xấu chế độ, kích động, làm
giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ.”
Thành công hay thất bại?
Vậy Hội nhà báo và những người cán bộ báo chí có nghe và làm theo lời ông Trọng không?
Hầu như không vì 4 năm sau, Trưởng Ban Tuyên giáo đảng, ông Võ Văn
Thưởng đã cho biết vẫn còn tồn tại nhiều khuyết tật rất lớn của các nhà
báo.
Trong bài viết “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí”, phổ biến ngày 05/12/2019, ông Thưởng nói: "Không
ít cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa thực hiện đúng tôn
chỉ mục đích và chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, thậm chí còn
có sản phẩm báo chí sai định hướng chính trị, tư tưởng, gây tác hại cho
đời sống xã hội, vi phạm chỉ đạo, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà
nước, làm suy giảm uy tín, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối
với báo chí.”
Như vậy là cán bộ làm báo đã quay lưng lại với đảng rồi còn gì nữa? Nhưng số “không ít” là bao nhiêu, trong tổng số “868
cơ quan báo chí in, 66 đài phát thanh, truyền hình, một hãng thông tấn
quốc gia và hơn 20 nghìn nhà báo được cấp Thẻ Nhà báo”, theo số thống kê chính thức?
Ông Thưởng còn chỉ trích: "Một số cơ quan báo chí đưa thông tin theo
lối “giật gân, câu khách”, phiến diện, thiếu chân thực, khách quan, làm
dư luận hiểu chưa đúng, thậm chí có cái nhìn phiến diện, sai lệch vấn
đề. Một số cơ quan báo chí chưa quan tâm đến việc đấu tranh phản bác các
quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước. Có cơ quan
báo chí chỉ quan tâm khai thác các vụ việc tiêu cực, chưa quan tâm đến
tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, cổ vũ các phong trào
thi đua yêu nước, thiếu hài hòa giữa “xây” và “chống”. Khuynh hướng
“thương mại hóa” hoặc để tư nhân đứng sau thao túng có xu hướng gia tăng
cần phải được nhận diện, cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn.”
Ô hay, như thế là loạn rồi. Trên bảo dưới không nghe rồi. Báo chí đã được quy định là “tiếng
nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn
của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của
Nhà nước” mà dám cả gan “chưa quan tâm đến việc đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước” thì nguy
to rồi. Rõ ràng họ muốn nói: chống thù địch là chuyện của nhà nước lo.
Vì vậy, ông Võ Văn Thưởng mới bực tức nói trắng ra: "Cá biệt còn có
cơ quan báo chí, nhà báo thiếu trách nhiệm chính trị, vi phạm đạo đức
nghề nghiệp. Người đứng đầu một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý
nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác
viên, chỉ coi trọng chức năng giải trí, thị hiếu tầm thường mà xem nhẹ
chức năng chính trị - tư tưởng, định hướng văn hóa, thẩm mỹ, thậm chí
lợi dụng báo chí để mưu lợi cá nhân.”
Chuyện năm 2018
Cũng nên biết tại Hội nghị báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm
2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, tổ chức chiều 28-12-2018, ông Thưởng
cũng đã mỉa mai: "Thực tế không ít cơ quan báo chí lại câu view đăng
thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp thay thế. Cùng với
đó là việc hù dọa, tống tiền gây sức ép với doanh nghiệp làm quảng cáo,
hỗ trợ, hợp tác truyền thông.
"Nhiều phóng viên bị đồng nghiệp ta thán, bị xã hội vừa sợ vừa khinh
miệt bằng những từ như "phóng viên đếm tầng", "phóng viên IS", ảnh hưởng
tiêu cực đến danh dự những người làm báo chân chính.
Tư duy, cách làm đó không giải quyết căn cơ đến kinh tế báo chí và
trái tôn chỉ mục đích ảnh hưởng tiêu cực đến nội dung, uy tín, sứ mệnh
thiêng liêng của báo chí cách mạng, là nguyên nhân cơ bản xuất hiện tình
trạng đưa ra các sản phẩm báo chí thiếu tầm văn hóa trong thời gian
qua…công chúng và dư luận bức xúc trước tình trạng ngày càng có nhiều
hơn những sai phạm nghiệp vụ có chủ ý. Thậm chí có những vụ theo đặt
hàng của nhà báo và cơ quan báo chí.”
Ông Thưởng còn nói thẳng: "Đây là những hành vi trục lợi, lợi ích
nhóm, tham nhũng trong một bộ phận những người làm báo. Vì vậy, Hội Nhà
báo Việt Nam phải đấu tranh chống những nhà báo cào bàn phím, xào nấu
tin bài, áp đặt suy nghĩ chủ quan, dựng các nhân vật hư cấu.
Công nghệ thông tin phát triển, một số nhà báo không đến hiện trường,
không đi thực tế mà ngồi chat xào nấu tin bài, viết bài thông qua đặt
hàng, sai sót về nghiệp vụ không thể chấp nhận được.”
Chỉ thị 43 - CT/TW nói gì?
Như vậy thì báo chí Việt Nam là “báo chí cách miệng” chứ “cách mạng” cái
nỗi gì” mà cứ to mồm hô hào tuyên truyền cho kỷ niệm 70 năm để chuẩn bị
cho ngày giỗ 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam(21/6/1925 -
21/6/2020?
Vậy nội dung Chỉ thị 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới đã nói gì?
Chỉ thị nhận xét: ”Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của
Hội Nhà báo Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Chất lượng, hiệu quả hoạt
động của một số tổ chức hội còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ vai trò và
vị thế của Hội. Công tác tập hợp những người làm báo còn gặp nhiều khó
khăn. Một số tổ chức hội, cơ quan báo chí chưa chú trọng công tác giáo
dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Một
bộ phận hội viên chưa tích cực học tập nâng cao trình độ tác nghiệp báo
chí trong tình hĩnh mới. Vẫn còn tình trạng hoạt động báo chí xa rời tôn
chỉ, mục đích, thiếu tính định hướng; một số người làm báo thiếu tu
dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.”
Ban Bí thư giải thích: ”Nguyên nhân của những khuyết điểm trên là do:
Công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị,
đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ ở một số cấp hội chưa được
quan tâm đúng mức. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội chậm đổi mới.
Nhận thức về nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân
và ý thức xây dựng Hội của một bộ phận hội viên còn hạn chế. Sự phối hợp
hoạt động giữa một số cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ
quản báo chí, cơ quan báo chí với các cấp hội chưa chặt chẽ, kịp thời,
hiệu quả.”
Do đó, Ban Bí thư đảng đã ra lệnh phải: ”Tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí
phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do,
dân chủ của nhân dân.”
Ô hay, tuyệt đại đa số người dân ở Việt Nam làm gì có “tự do”, hay “dân
chủ” mà bảo phải tăng cường lãnh đạo của đảng với báo chí cho dân được
hưởng các quyền này?
Ban Bí thư còn ra lệnh cho Hội phải: ”Tăng cường công tác giáo dục tư
tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà
báo Việt Nam. Thường xuyên tổ chức cho các nhà báo, hội viên nghiên cứu,
quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh;
quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn
với thực hiện Luật Báo chí, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn
quốc đến năm 2025, các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm
báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam….”
Như thế là có vấn đề vì đây là chuyện đã xưa như trái đất, đảng nói hoài và làm mãi mà có kết quả đâu !
Nhiều báo cáo của Ban Xây dựng đảng các cấp đã chứng minh không ít cán
bộ, đảng viên đã chán học Bác, chán học Mác-Lênin và ngại học Nghị quyết
đến tận mang tai rồi, không biết nhét vào đâu được nữa.
Đã có lần ông Võ Văn Thưởng phê phán nhiều nhà báo khi viết trên bảo
đảng thì đắn đo, dè dặt, theo đúng tiêu chuẩn của báo nhưng khi việt
trên Facebook hay mạng xã hội thì lại viết ngược lại, đôi khi đi ngược
lối đường lối đảng.
Chán đọc báo đảng
Cũng liên quan đến chuyện báo đảng, hiện ở Việt Nam báo nhà nước đã
không theo kịp thông tin của mạng xã hội và facbook khiến đảng mất ăn
mất ngủ. Thêm vào đó là đang có hiện tượng cán bộ, đảng viên chán đọc
báo, tạp chí đảng.
Bằng chứng này đã được viết trong Thông báo của kết luận của Ban Bí thư ngày 24/03/2020, trong đó có vài đoạn đàng chú ý:
- Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa sâu sắc về ý nghĩa,
tác dụng của báo, tạp chí của Đảng trong sinh hoạt đảng và cuộc sống.
Việc mua, đọc báo, tạp chí của Đảng tại một số chi bộ, đảng bộ chưa đi
vào nền nếp và hiệu quả chưa cao. Báo, tạp chí của Đảng chưa đáp ứng kịp
thời nhu cầu thông tin ngày càng cao của người đọc…”
- Nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của báo, tạp chí của Đảng,
coi đây là tài liệu sinh hoạt đảng và công tác tuyên truyền quan trọng
giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao trình độ lý luận chính trị,
vận dụng kiến thức vào sản xuất, đời sống; động viên và cổ vũ các phong
trào thi đua yêu nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cán bộ,
đảng viên, nhất là người lãnh đạo các cấp phải gương mẫu đọc, nghiên cứu
báo, tạp chí của Đảng.
- “Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xác định trách nhiệm của cán bộ,
đảng viên và các cấp ủy về việc mua, đọc và làm theo báo Đảng. Có hình
thức phù hợp để sử dụng hiệu quả các loại tài liệu, báo chí của Đảng
được cung cấp, đặt mua. Đẩy mạnh phong trào đọc và làm theo báo, tạp chí
của Đảng.”
Như vậy thì có phải là báo hại, báo đời không hay khi ông Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải hét khan cổ ”tránh tình trạng nhạt
Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" đã có khối người “làm ngơ như người
Hà Nội” ?
(04/020)
No comments:
Post a Comment