Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 29 April 2020

Nghỉ trưa tản mạn chuyện rượu

0
1659
Yêu thích những câu chuyện mà GS Xoay kể, chúng tôi chia sẻ lên đây câu chuyện nóng hổi về … rượu mà GS vừa viết trưa nay
Giáo sư Xoay tý toáy chia rượu
Nhân lúc phòng làm việc đang ngào ngạt hương rượu Ngô do mình chia rượu bị rớt một ít ra thảm. Mình đâm cao hứng giờ nghỉ trưa viết vài dòng cho vui…
Hồi mình mới ra trường đi làm, thi thoảng phải quà cáp chỗ này chỗ kia, bóp mồm bóp miệng mua 1 chai rượu Tây để đi biếu, những hơn 400K, gần bằng một tháng lương lúc đó. (sau này biết là rượu đó 100% là giả). Cầm chai rượu mình ngẫm, bố mình ở nhà vất vả nuôi mình bao năm mà còn chưa biết vị rượu Tây thế nào, giờ vì mưu sinh mà phải đem biếu, nên nhất quyết sau này có tiền sẽ mua biếu bố một chai. Về FPT làm được vài tháng, cuối năm cầm cục tiền thưởng to tướng lại chả phải quà cáp ai. Nên ngoài trả nợ vẫn còn ăn tiêu thoải mái, việc đầu tiên mình nghĩ đến là mua biếu bố một chai rượu Tây ăn Tết. Mua hẳn một chai Chivas 18, (mua chỗ quen nên chắc cũng tin tưởng được một chút). Cầm về biếu bố, bố quý lắm, Giao thừa đem ra uống, mấy bố con gật gù: “Rượu Tây có khác, vị khác …rượu Ta thật”.
Qua Tết, bố bảo: “Lần sau con đừng mua rượu Tây, đắt mà uống không bằng rượu Ta đâu, bố uống rượu Ta quen rồi, số tiền mua chai kia chắc bố đủ uống rượu Ta mấy tháng, có khi còn cắt thêm vài thang thuốc bổ để ngâm. Rượu Tây được mỗi cái là vỏ chai nó đẹp, nên con uống hết chai nào thì cầm chai về cho bố đựng …rượu thuốc”. Công việc của mình cũng hay phải sử dụng rượu Tây nên chai không thiếu, vài bữa là cái giá rượu của bố đủ các chủng loại chai, chả cần thêm. Thi thoảng về lại hỏi bố hết rượu chưa, hết thì lại biếu bố một can. Mỗi bữa làm vài ly cho dễ ngủ.
Mình cũng hay đi, các chủng loại rượu chưa được uống đủ nhưng cũng tương đối, kết luận lại vẫn chẳng đâu bằng rượu gạo nhà mình. Bố mình đúng là dân uống rượu có kinh nghiệm, kết luận cấm có sai. Hoặc là bố di truyền lại cho mình cái lưỡi, nên chí ít thì hai bố con cảm nhận giống nhau. Hồi là sinh viên đi công tác miền núi, uống rượu các loại rượu dân tộc thì thích rượu Ngô nhất. Trời lạnh lạnh, sương xuống ướt vai, ngồi bên đống lửa, rót ít rượu ngô ra cái bình nhỏ, ngâm vào cái nồi nước nóng để gần đống lửa, cạn một chén, ngửa mặt lên trời Khà một phát. Nhấm nháp miếng trâu gác bếp. Say mà như chẳng say. Thích thật. Mấy anh em trong ban nhạc Dao phay của mình cũng hâm mộ rượu Ngô quá nên rắp tâm dựng thương hiệu Rượu Ngô để đưa thương hiệu này ra cả nước và thế giới. Anh em lấy tạm 100 lít để kiểm định, lần nào họp cũng kiểm định, kiểm định xong thì quên béng mất việc phải phát triển thương hiệu thế nào. Hết 100 lít thì cũng chẳng họp hành gì nữa. Dự án đi tong.
Về mặt dựng thương hiệu thì các bạn Nhật Bản là bậc thầy, cái gì dù lớn dù nhỏ các bạn ấy đều đặt tên, xây dựng câu chuyện đi kèm và đẩy nó lên thành đằng cấp Đạo, đẳng cấp Nghệ thuật. Ví dụ như tắm truồng tập thể thì gọi là Onsen, rượu gạo thì gọi là Sake… Hôm mình sang Nhật, may mắn thế nào ở đúng nhà một bác nghệ sỹ lớn, nhà đủ các loại rượu Nhật, mấy bác cháu khề khà hết Sake đến Sochu (Nhật Bản cũng có Sochu, nặng hơn Sochu Hàn, hình như nấu bằng khoai thì phải). Nhưng sake nhẹ quá, mấy ông Việt Nam nhà mình uống gần hết cả vò nhà ông bác mà mặt chưa biết sắc. Cuối cùng mình gạ gẫm ông bác uống Lúa mới (mình cầm theo làm quà), uống xong ông bác khè khè như rồng lửa rồi xuýt xoa mãi. (Người Nhật vốn khéo léo trong ứng xử nhưng mình cảm nhận là ông bác này thích thật).
Nhưng khi ông bác hỏi mình là rượu này chủng loại gì thì mình mới ớ người ra, chả lẽ lại bảo Vodka, không được, Vodka là của các bác Nga, chả lẽ bảo whisky, không được, cái đó là của mấy bạn Tây, chả lẽ lại bảo Sake Việt Nam, không được, Sake là của các bác Nhật, cuối cùng chọn tên chủng loại rượu nhà mình là Quốc lủi. Ông bác hỏi nghĩa là gì, mình với tất cả vốn liếng tiếng Anh có thể đã giải thích cho ông bác đại loại là: “Rượu này ở quê cháu quý lắm, mà cái gì quý thì đều dễ bị lấy mất, do vậy là phải giấu nó đi, có khách quý mới đem ra mời. Uống xong thì đều say, mà khi say thì hay chui rúc lung tung lắm, nên gọi là lủi”. Ông bác ngạc nhiên lắm, mấy bác cháu cưa hết chai Quốc lủi thì ông bác nằm thẳng cẳng không kịp lủi… Hôm sau về mình biếu nốt ông bác chai Lúa mới còn lại, ông bác xúc động lắm, bảo tối nay tao lủi tiếp.
Dân mình hay sính ngoại, chứ chủ quan mà nói thì giữa uống 1 chai Ballantine 21 và uống một chai rượu Ngô Hà Giang “hạ thổ” 100 ngày thì chưa biết cái nào ăn cái nào. Mình mà chọn thì sẽ chọn rượu Ngô, hoặc cứ chọn Ballantine 21 trước sau đó bán chai đó đi lấy tiền mua rượu Ngô. Uống sướng hơn, sáng sau dậy tỉnh táo, đi làm vô tư, không bị thở mùi hồng xiêm… Đây không phải là cái tâm lý tự hào dân tộc cực đoan hay cổ súy người Việt dùng hàng Việt, mà đây đơn giản chỉ là lắng nghe cái lưỡi của mình, về khoản ăn uống thì dân mình so với thế giới cũng chẳng gà mờ lắm đâu… Rượu nhà mình ngon, nhưng công tác làm thương hiệu còn manh mún quá, nhất là khi có chút thương hiệu thì chất lượng lại bắt đầu có vấn đề. Do vậy mãi chưa phát triển mạnh được.
Uống rượu nhiều hay say rượu nhìn chung là không tốt. Nhưng không phải khi không mà rượu đã song hành cùng lịch sử phát triển của loài người bao năm qua, đến Thần thoại Hy Lạp còn có hẳn một ông Thần Rượu vang chủ trì việc nhậu cơ mà. Đừng uống nhiều đến mức nghiện hoặc nát rượu, nhưng mà cũng nên biết uống, và nếu uống thì nên uống rượu Ta.
Giờ đến nhà ai mà thấy chủ nhà khoe có chai rượu Tây mới được thằng nhân viên nào đó biếu thì chắc chắn mình sẽ tìm cách từ chối. Mình đã từng mua rượu Tây để biếu rồi mà. Nên đoán phải đến 90% là giả, mà nếu có thật thì uống cũng chẳng quen mồm. He he…
Nguồn: http://www.facebook.com/notes/gi%C3%A1o-s%C6%B0-xoay/ngh%E1%BB%89-tr%C6%B0a-t%E1%BA%A3n-m%E1%BA%A1n-chuy%E1%BB%87n-r%C6%B0%E1%BB%A3u/529256733769585

Bình luận bằng Facebook

comments
Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

No comments:

Post a Comment