Nỗi Buồn Chiến Tranh
Chương 4
BÂY
GIỜ KIÊN CHỈ THUẦN VIẾT VỀ ĐÊM, bởi vì bây giờ chỉ có trong đêm thôi,
anh mới hy vọng có thể viết được một cái gì đấy thực sự là viết và thực
sự là của mình mình. Trong đêm mặc dù phải rượu vào triền miên thì bản
thân anh mới đủ sức để tỉnh táo nhưng chính trong đêm, nhờ bóng tối mà
trí nhớ của anh sáng lên và tỉnh ra hơn bao giờ hết. Và cùng với trí nhớ
là trí tưởng tượng, là vốn sống, là hồn thơ, là cốt truyện…
Bà
con dân phố dần dần rồi cũng quen với cái lối chong đèn của Kiên. Vừa
điên điên vừa dị hợm vừa buồn thảm như là đèn đuốc của tà ma. Những tay
chuyên nghiệp ăn sương và những “tiên cô” đầu đường xó chợ ở ven hồ
Thuyền Quang thân ái đặt cho cái ô cửa sổ kỳ quặc, tứ mùa sáng thâu canh
của Kiên một biệt danh rất hay là: Ngọn hải đăng Ha le? Còn anh thì dĩ
nhiên là “thằng cha gác đèn”. - Ê! Ông anh gác đèn khỏe chứ! Đêm rồi
lách được nhiều chữ không? - Họ chào anh thế và anh cười tủm chào đáp.
Những hôm làm việc trọn đêm, lúc mở cửa sổ ra đón ngọn gió lành buổi
tinh mơ anh thấy vui vui trong lòng khi từ đâu đó dưới đường một “mỹ
nhân” vỉa hè ỡm ờ huýt vọng lên một tiếng sáo để chào hỏi và để chòng
anh.
Trong bóng đêm khi vạn vật xung quanh chỉ
còn là những cái bóng, Kiên thấy mình gần gũi hơn với cuộc đời. Dường
như bóng tối của giời đất khẳng định bóng tối trong tâm hồn anh. Bây giờ
thức trắng là sự thường còn nói chung trừ phi say mèm, chẳng hôm nào
Kiên vào giường trước hai giờ sáng. Đêm tối càng ngày càng quý giá và
càng ngày càng cần kíp hơn đối với anh. Ban ngày giấc ngủ trái tự nhiên
khô khốc, khó chịu như thể chứa đầy sạn. Còn ban đêm khi mệt lả mà thiếp
đi thì thời gian hóa thành ngọn lửa âm ỉ đau nhói ruột anh, đuổi anh ra
khỏi giấc ngủ. Đôi khi anh nghĩ chỉ có cái chết mới tạo được cảm giác
yên nghỉ thực sự. Hồi bé nghe có câu hát thế này: đời người chỉ có gang
tay, đứa nào hay ngủ chỉ còn nửa gang… Kiên biết rằng thời gian của cuộc
đời anh đang ruổi nước mã hồi. Anh chẳng sợ gì cái chết. Cái chết không
đáng sợ, chỉ buồn thôi và nó trĩu nặng những dang dở cùng những nuối
tiếc.
Cách đây không lâu, vào lúc rạng đông của
một đêm gần như thức trắng, cảm giác minh mẫn và sinh động nhất về sự
chết đã đến với Kiên. Ấn tượng của lúc thoắt lìa đời ấy rõ rệt và đậm
nét đến nỗi không hiểu rồi đây khi chính thức chầu giời anh có còn có
lại ấn tượng đó nữa hay không. Có thể nói rằng thực ra thì anh đã chết
rồi dù chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng mà đã chết! Kiên vẫn nhớ như
in. Đúng vào cái thời điểm một phần ngàn tích tắc ấy, có một cái gì đó
tự trong anh, không rõ là cái gì, bình sinh vốn hư ảo, phi vật chất,
không thể nhận thức được đã thình lình ngưng sững lại, kết rắn trở nên
sắc nhọn và lạnh ngắt. Dường như đấy chính là lý trí, một lý trí đã hóa
đá. Nó chọc rất nhanh vào anh một nhát vô hình. Sau một thoáng lưỡng lự,
toàn bộ sự sống chạy dồn cả về đó để thoát ra khỏi anh một cách chầm
chậm, im lìm và khôn cưỡng.
Sinh lực sụt xuống
như mực nước trong một cái bình bị rò ở đáy êm như nhung. Kiên lịm đi,
gục mặt xuống bàn viết, cây bút rời khỏi tay lăn trên sàn. Thế nhưng
tuyệt nhiên không phải là sự ngất lịm thô rắn, nặng nề như khi trúng đạn
bị thương hoặc khi mê man bất tỉnh vì sốt cao. Và có lẽ nó cũng không
giống với trạng thái khi người ta xuất thần. Nó vượt lên trên, nó là
chưa từng có, là trạng thái của mọi trạng thái, nó là quy luật của mọi
quy luật, nó là điểm hội tụ chót cùng của cuộc sống. Nó là cái chết.
Kiên biết. Một dòng sông. Chưa từng bao giờ Kiên được thấy - thấy, chứ
không chỉ là mường tượng - cuộc đời mình hiện thân thành một triền sông
như thế. Còn bản thân mình, thì anh thấy, đang đứng chon von trên mỏm bờ
cao dốc đứng lặng ngắm toàn cảnh đời mình đang mất đi, đang trôi xa,
đang vĩnh biệt chính mình. Trên dòng ra đi về một hướng ấy của sự sống
hiện lên một cách tổng hòa, vừa xa mờ vừa mồn một rõ, sâu sắc và trọn
vẹn thế giới đời anh: từng khoảnh khắc, từng con người - những con người
mà gương mặt và số phận của họ giờ đây ngoài anh chắc chẳng còn ai nhớ
tới - từng sự kiện, từng kỷ niệm, từng giọt nước đã hợp thành con sông
không tên tuổi của anh.
Kiên nhìn thấy sân trường
Bưởi buổi chiều cuối xuân đầu hạ năm nào, những hàng cây râm mát bị đốn
hạ, mặt đất bị xẻ dọc ngang, bị đào hoắm xuống, thầy hiệu trưởng chụp
trên đầu cái mũ đồng của lính cứu hỏa hào sảng khoa trương nói lớn lên
rằng chính là nước Mỹ sẽ bị hủy diệt trong cuộc chiến tranh này chứ
không phải chúng ta. Đế quốc Mỹ là con hổ giấy, thầy hét lên: “Chính các
em sẽ là những thiên thần trẻ tuổi của cách mạng, các em sẽ cứu nhân
loại” - Thầy chỉ mặt ai đó trong đám học trò lớp 10 đang tay gậy tay
gộc, súng gỗ, xẻng cuốc, hừng hực vẻ hùng dũng trẻ con. Sống là đây mà
chết cũng là đây, mọi người ầm ĩ hát. Sát thát? Ai đó gào tướng lên… Thế
nhưng, anh và Phương, lại không có mặt trong cuộc mít tinh ba sẵn sàng
ấy.
Hai đứa lẩn ra phía sau nhà bát giác ẩn vào
lùm cây sát mép Hồ Tây. Đằng xa, đường Cổ Ngư đỏ ánh chiều và rực rỡ màu
phượng vĩ. Ve sầu râm ran.
- Kệ! - Phương nói,
quỳ xuống sau lùm cây và cởi nhanh áo ngoài. Bộ đồ tắm màu đen kiểu xưa
không thấy các cô ngày nay bận nữa nhưng thực sự là đẹp tuyệt và nhất là
thật liều lĩnh. Màu vải đen nhánh. Màu da trắng lóa. Kiên sững người,
muốn nhắm mắt lại trước thân hình mềm mại của người bạn gái. “Kệ”,
Phương nói cười tươi, thích trí vì đã có gan trốn lao động, trốn mít
tinh và mặc áo tắm ở ngay trong trường. “Kệ chiến tranh, kệ các anh hùng
trẻ tuổi và các anh hùng lớn tuổi, ta bơi nhé, bơi thật xa tới thủy
cung, tới chết đuối cả hai thì thôi”. Kệ. Ôi, cái ngày tháng Tư nóng
hổi, nồng nàn. Những lần ôm xiết ngắn ngủi chếnh choáng trong làn nước
màu lục nhạt. Những sợi rong lập lờ. Tiếng cá quẫy đuôi. Và khuôn mặt
trắng mịn của Phương nhòa trong nước, những chùm bong bóng hơi thở, mái
tóc ướt nặng, bờ vai, đôi chân dài, thân thiết, tuyệt mỹ đến đau nhói
trong lòng… Tiếng đồng ca từ sân trường vang ra hồ. Kệ? - Phương la lên,
cười lanh lảnh. Ánh tà buông, màu hồng đậm. Hai đứa bơi sóng đôi mỗi
lúc một xa bờ… khúc sông đời thanh lặng, êm ả cuối cùng nhanh chóng trôi
xa. Bắt đầu dằng dặc chặng sông dài rực lửa. Bao nhiêu năm trời. Một
cuộc chiến tranh.
Ngay lập tức hiện lên trước mắt
Kiên nhà ga Thanh Hóa ngày ấy sau trận mưa bom, đang cuồn cuộn cháy.
Tất cả những gì cháy được và không cháy được đều ngụt cháy. Từ đoàn tàu
khách bị vật nghiêng, đàn ông, đàn bà, trẻ con ùa lên sân nhào chạy.
Quần áo bùng bùng lửa. Những cái bóng cụt đầu vừa chạy vừa vấp. Tiếng
máy bay, sầm sầm sập tới, sầm sầm đi qua. Bom rơi chênh chếch trong
nắng. Lần đầu tiên Kiên thấy người bị giết, thấy sự dã man, thấy máu
trào lênh láng. Trời ơi, và từ đấy… cả thế hệ anh đã lao vào trận chiến
một cách hăng say, một cách hung dữ, đã làm đổ máu mình, đổ máu người.
Hàng đọi máu, sông máu. Ập tới, trực diện trận giáp lá cà kinh khủng
dưới chân Ngọc Bơ Rẫy. Quân lính hai bên xông vào nhau, thọc lưỡi lê,
phang báng súng. Những hình người toán loạn chạy dích dắc trên đầu ruồi
súng máy rồi nhảy dựng lên. Kiên thấy chính anh cầm súng lục bắn vào đầu
ai đó, phát đạn ru lô mạnh như bom nện trúng miệng người ấy, nổ toác ra
làm văng đi một phần khuôn mặt, con mắt trái, gò má, quai hàm. A, a,
a…! - Trời đất à à tiếng kêu không rõ cười hay khóc. Chao ôi, đau đớn và
cuồng say, cái thời của anh, những con người trong thời của anh. Những
tháng năm kịch liệt và kinh khủng Mậu Thân, sau Mậu Thân, mùa khô 72,
thời sau hiệp định…
Những vùng đất cằn cỗi, chói
chang, đau quặn. Mênh mông một Tây Nguyên hung tàn, cuồn cuộn một mùa
bụi đỏ lấp trời. Yamơ, Đắc Đam, Sa Thầy, Ngọc Rỉnh Rua, Ngọc Bờ Biêng,
Chư Eô Tông… Tàn bạo, yêu thương hòa lẫn đau khổ, hạnh phúc đồng nhất.
Tình yêu thù hận. Nói nhiều, cười nhiều, hò hét, chửi rủa, uống nhiều,
khóc cũng nhiều. Và những ban mai, những chiều tà, những đêm trường,
chiến tranh chứa chan đau khổ sống dậy trong lòng anh. Công Hơ Rinh làng
xưa, hoang tàn, đổ nát, vương vãi khắp nơi súng ống với xương người. Và
Diên Bình ngôi làng giải phóng chơ vơ giữa thảo nguyên - sau một tuần
bị pháo kích chỉ còn tro than lẫn với thây người, và những linh hồn còn
tươi mới bay lên như sương mù dọc bờ Đắc Pơ Xi khi tiểu đoàn Kiên hành
quân qua làng. Lay động màn sương khói của ký ức, Kiên đột nhiên trông
thấy lại rõ ràng kỳ lạ cái cảnh mình và Tạo “voi”, hai thằng quỳ bên
khẩu Mã lai bắn xả vào dòng thác tàn binh của trung đoàn 45 đang tháo
chạy khỏi vùng đất trống Phước An rìa ngoài Buôn Ma Thuộc.
Khẩu
đại liên hóa điên, điên rồ ngốn vào bụng những băng đạn đồng sáng
loáng, khạc lửa tơi bời vào khối người mất trí đang đổ xô tới như hàng
ngàn cái bia thịt, rú lên rũ rượi: ggòa, ggòa…? Run bần bật, lồng lộn
trên cái giá ba chân, hơi nước ngùn ngụt bốc lên từ hộp tản nhiệt sôi
réo. Kiên muốn ngừng bắn nhưng bàn tay thần chết giữ rịt lấy tay anh.
Dòng lính áo xám bị xe tăng rượt dồn tới, dồn tới để chết chồng chất vì
tay Kiên. Không phải là bắn nữa mà là tàn sát. Chưa bao giờ có nhiều xác
người đến thế bày ra trước mắt Kiên.
- Thôi? Tạo buông thõng băng đạn nhổm cả người lên, lay vai Kiên, rối rít như van - Thôi, đừng bắn nữa. Ối giời ôi? Thôi đi mà…
Khẩu
đại liên không được tiếp đạn, nhả loạt đạn cuối cùng rồi im miệng. Cái
chết đang điên cuồng ngấu nghiến vụt chuyển sang như thể trò đùa: đám
lính ngụy người thì nằm rạp xuống người thì quỳ, hai tay đưa cao lên
giời, vừa vặn hai chiếc T54 xộc tới kịp quặt ngang không đè chết ai nữa.
Còn Tạo thì lại từ từ gập người xuống, hai bàn tay ôm ngực như muốn đỡ
lấy quả tim, mắt dại đi tuồng như tràn đầy ngạc nhiên, ở nửa lưng bên
trái nở bùng rất nhanh một bông hoa máu.
Tất cả,
tất cả, chẳng sót một chi tiết nào của toàn bộ cuộc đời chiến đấu đã
sống dậy lần cuối trước mắt Kiên, vừa lần lượt vừa đồng hiện, vừa thoáng
lướt vừa chậm rãi trôi qua, đau đớn như một cuộc diễu hành tang lễ.
Và,
bây giờ trên dòng trôi không ngừng uơn lượn và gấp khúc của cuộc đời,
Kiên thấy lan tới chỗ mỏm bờ sông anh đang đứng làn nước mang rõ rệt
hình bóng của cái thời hiện tại, cái ngày hôm nay. Anh như nghe thấy hồn
mình buông một tiếng thở dài. Âu là đã tới lúc rồi, anh tự nhủ và nhắm
mắt lại, từ từ ngả người để ngã, để thả rơi mình xuống. Thốt nhiên khi
cảm giác hụt hẫng cuối cùng sắp sửa hứng trọn lấy anh thì từ phía bờ bên
kia chợt cất lên một tiếng kêu dài, gọi tên anh. “Kiên!” - Giọng buồn
và du dương, vang vọng: “… Kiên… Kiên…”
Kiên
choàng mở mắt, và trước khi bừng tỉnh anh đã kịp ngước nhìn sang bờ bên
kia. Nhưng cũng chỉ kịp thấy: Một đồng cỏ tím vô biên cuồn cuộn sóng lá
và sương mù, tịnh không một bóng người. Kiên cố níu mình lại song không
thể được nữa bởi anh đã hoàn toàn tỉnh dậy. Ai gọi nhỉ? - Một giọng
dường như vô cùng thân thuộc nhưng lại không hề có trong dòng ký ức của
thính giác. Có lẽ nhờ tiếng gọi ấy mà Kiên không chết, đã dứt ra khỏi
dòng trôi của sự chết. Song bản thân tiếng gọi ấy và cái bờ bên kia mênh
mang mờ ảo như một thiên đường vắng ngắt ấy là hiện thân cho cái gì, có
ý nghĩa gì thì có lẽ phải đến lần chết sau Kiên mới hiểu nổi. Phải
chăng đó là vang vọng của niềm nuối tiếc cuộc sống, là hiện thân của
những gì cuộc sống không thể đạt tới những cái gì còn dang dở trong cuộc
đời? Cuộc đời là thế đấy, thật là rộng lớn, thật là dài lâu, phong phú
và sôi động đến vậy nhưng mà rồi rốt cuộc vẫn thiếu đi, vẫn cứ hụt đi
một cái gì đấy làm cho ai nấy bước vào cõi chết đều thấy trong lòng canh
cánh một cái gì, vương vấp một cái gì như thể một món nợ hay là như một
nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành. Với Kiên, món nợ đó chính là thế giới hàm
chứa trong cuộc sống của anh. Cả một thế giới, một thời đại, một lịch
sử bị vùi xuống lòng sâu đất ẩm cùng với thân xác anh chẳng phải là oan
uổng và đáng nuối tiếc lắm sao?
Giá như có thể
không cần phải ngủ, giá như có thể không cần phải sống lấy lệ cuộc sống
hàng ngày, giá như toàn bộ lượng thời gian còn lại có thể chỉ để dành
cho duy nhất sự nghiệp bút nghiên, một sự nghiệp không có mục đích nào
khác ngoài định hình trên giấy những giấc mơ quá khứ, những ám ảnh và
những vang âm sắp mai một của thời đã qua, thì tới ngày đã định của số
phận trở lại với mỏm bờ sông dốc đứng kia anh sẽ nhẹ lòng hơn và thanh
thản hơn biết bao khi xuống với dòng nước đưa anh về cõi chết, nơi vô
vàn linh hồn thân thuộc đang đón chờ anh.
Nghĩa
là… giờ đây ở chặng cuối này đời Kiên hầu như đã thu hết về đêm. Ngọn
đèn trên bàn viết chong từ đầu tối tới hừng đông. So với cái bóng của
anh trên tường, anh cũng bất động và lầm lì như thế, anh cũng chỉ là một
cái bóng. Một cái bóng đã mất hết năng lực tồn tại thực tế nhưng chai
rắn và ương ngạnh vẫn sống, dựa vào sức lì dữ dội, dai dẳng của năng
lượng ký ức. Không phải ai cũng chịu đựng nổi một quá trình tự cầm cố,
tự giam mình vào đêm tối nặng nề và dai dẳng như vậy. Ở Kiên, ngoài sự
thúc bách của những linh cảm về cái chết đang kề tới, tài thức khuya còn
là một thiên hướng. Cái lối văn chương mất ngủ, văn chương như thể tự
thiêu của anh có nét bẩm sinh, dường như nó là một thứ di căn, một thể
biến tướng của chứng mộng du và bệnh hão huyền di truyền theo đằng nội
đã nhập vào anh từ trước lúc lọt lòng. Như là cha của Kiên chẳng hạn thì
ông đã suốt đời hão huyền và mộng du.
Không phải
là liên miên nhưng cũng chẳng phải họa hoằn những đêm cha của Kiên trở
thành không trọng lượng, nhẹ bỗng như thể chỉ còn lại có linh hồn, lẳng
lặng rời khỏi giường, hiền lành và êm ả, chậm chậm tịnh tiến, mắt nhắm
nghiền, tay thả xuôi, du hành khắp trong buồng, trong nhà, dọc hành
lang, lên cầu thang, xuống cầu thang, rồi nếu phải hôm cổng chính chưa
kịp đóng thì từ từ ông lướt mình trôi ra phố. Hà Nội thủa đó tử tế và
tốt bụng, người ta sẽ sàng nhường lối cho ông già lạc nẻo, không ai xen
ngang vào cõi phiêu diêu bát ngát của ông, ngay cả bọn trẻ con cũng
không chọc phá ông, chúng chỉ trông chừng để giấc ngủ không đưa ông
xuống hồ Thuyền Quang. Nhưng hình như mẹ anh thì không chịu đựng nổi
những cơn xuất thần hiền lành và thờ thẫn của cha anh. Hình như bà coi
đấy là nỗi nhục, là bằng chứng và về sự suy đồi và về sự thất bại vô
phương cứu vãn của cuộc đời cha anh.
“Một dòng họ
quẫn trí”, Kiên nhớ mẹ thường than thế, một cách tổng quát như thế. Dĩ
nhiên hồi ấy Kiên còn quá bé nên trí nhớ của anh chỉ có giá một phần tư,
song vẫn có thể phỏng đoán rằng chính vẻ lững lờ lập dị kiểu ma làm của
cha đã góp phần buộc mẹ phải dứt bỏ cha con anh. Chuyện đó xảy ra thế
nào, vào năm nào Kiên chẳng nhớ. Ấn tượng ngày mẹ ra đi mờ nhạt một cách
thảm hại. Kiên hoàn toàn hờ hững. Mẹ đi, đơn giản thế thôi, vào một
ngày nào đó trong những ngày tháng lung linh tốt lành và buồn thảm của
thời thơ ấu. Bóng hình mẹ chỉ còn sơ sài ở vài tấm ảnh. Nhưng những bức
hình ấy chẳng giúp anh thấy lại được mẹ. Trong ảnh, từ đáy thời gian mòn
mỏi đã úa vàng, người phụ nữ trẻ có khuôn mặt ghi lại nét mặt của mẹ
dõi vào anh một cái nhìn chẳng nói lên một điều gì hết, mọi tình cảm như
thể bị nuốt đi đâu cả, chỉ làm cho lòng anh thêm mặc cảm về sự què quặt
hiển nhiên của tâm hồn mình. Còn hơn là một khuyết tật, trong Kiên rõ
ràng là có mầm bẩm sinh của độc ác, của thói nhẫn tâm, khô rắn, lạnh
lùng. Một sự trống rỗng bất hạnh và tệ mạt. Một lương tri không lành. Có
lẽ anh lớn lên chỉ với nhiều nhất là một phần hai nhân cách. Thậm chí
ngày mẹ ra đi mình có buồn không, có nhớ không, anh cũng chả nhớ nổi
nữa. Còn mẹ thì đã chia tay với mình ra sao, đã an ủi dỗ dành thế nào,
anh lại càng không nhớ.
- Tôi là một đảng viên, mình ạ. Và tôi là một người trí thức mới, tôi không đần, không đụt, điều đó mình cần phải nhớ hộ tôi!
Đấy!
Riêng cái câu như thể đánh đố ấy mà mẹ đã nói khi trả lời một câu hỏi
nào đó của cha anh trước lúc từ giã thì anh lại nhớ. Hay là cái câu này,
nghe là lạ ngường ngượng: “Bây giờ con đã là đội viên thiếu niên, ngày
mai là vào đoàn, trở thành người đàn ông thực thụ rồi còn gì. Nên phải
cứng rắn dần lên con ạ?” - Đó, câu nói như thế thì lại chẳng quên. Trong
khi bao nhiêu những điều căn dặn và cử chỉ âu yếm cuối cùng của tình
mẹ, trí nhớ của Kiên lại để cho mai một hết…
Mãi
đến năm mười bảy tuổi, sắp tới ngày nhập ngũ rồi, anh mới nghĩ rằng nên
đi tìm để biết thêm về mẹ. Khi ấy mẹ anh qua đời đã hơn năm năm.
Còn
cha thì hầu như chưa bao giờ ông kể gì cho anh nghe về mẹ. Hẳn là ông
tránh, ông tránh cho ông. Tránh nỗi đau khổ. Trong nhiều năm khả năng
cam chịu của ông đã giữ được cho hai cha con một đời sống bình quân. Chỉ
có điều hình như ông uống rượu và thả mình nhiều hơn vào những cơn mộng
du. Đột nhiên ông suy sụp hẳn. Khi ấy Kiên đã học cấp 3, tương đối lớn
và đã hiểu được nhiều. Tuy nhiên thật khó mà hiểu được nỗi lòng của cha.
Kiên thấy ông thôi không đến làm việc ở viện bảo tàng nữa. Ông không
lọc cọc đạp xe đèo giá vẽ đi thực cảnh nơi này nơi kia như mọi năm. Ông
sử dụng tầng áp mái của chung cư để làm xưởng họa và ông hầu như hoàn
toàn giam mình lên trên đó. Ở trên đó ông âm thầm độc thoại và âm thầm
vẽ. Trong khí ẩm. Bụi bặm. Những con dơi loạng choạng bay như trong hang
núi. Kiên nghe người ta xì xào rằng cha anh bị phê phán và bị đánh đổ,
rằng bây giờ ông là nhân vật bất mãn đáng ngờ, một tay khuynh hữu. Ông
đang trở thành lẩm cẩm và kỳ quặc.
Mỗi lần đặt
chân lên xưởng vẽ lòng Kiên lại ứ nghẹn nỗi xót xa, niềm ái ngại đầy
buồn bực. Những bức tranh ma quái nhìn anh trong bóng tối lờ mờ. Mùi
rượu mạnh. Khói thuốc lá xanh nhờn. Cha ngồi thu mình trên chiếc ghế tựa
trước một giá vẽ phủ vải đen che bức tranh đang vẽ dở. - Ai đấy? - Nghe
tiếng chân, ông ngẩng lên hỏi, giọng khàn khàn.
- Con, con đưa cơm lên, cha xơi cơm đi.
-
Ờ - ông nói, rồi nặng nề ông lại nhìn xuống. Họa hoằn ông mới được đôi
lời với Kiên, thường là chẳng đâu vào đâu. Kiên đặt mâm cơm lên chõng.
Ngày hai bận anh đem cơm lên cho cha. Cơm canh đạm bạc. Đời sống của hai
cha con túng bấn. Đồ đạc bán dần, ngay cả một số tư trang của mẹ để lại
Kiên cũng phải lần lượt cho đi ở nhà người. Từ lâu rồi không ai mua
tranh của cha. Từ lâu ông không tham gia trưng bày, triển lãm gì nữa,
giới hội họa đã quên ông.
- Rồi cha sẽ cho ra đời
một kiệt tác! - Trong những cơn say mèm ông thường bất lực dậm dọa như
thế. Song, do những hạn chế về lập trường quan điểm, do càng ngày càng
xa lạ với thẩm mỹ của quần chúng nhân dân lao động, ông đã biến hội họa
của ông thành những chân dung ma quỷ… Đại khái là người ta phê phán ông
như vậy. Kiên đọc thấy thế trong một tờ tạp chí mỹ thuật thời đó. Phải
hạ tính vĩnh cửu xuống mà thêm chất phàm tục vào? - Có lần Kiên bắt gặp
cha mình đang giận dữ quát vào mặt bức họa đang vẽ dở trên giá - Phải
xác định thành phần giai cấp cho sông núi? Họ dạy thế, vậy bảo phải làm
sao bây giờ, hả?
Càng về sau này, dưới ánh mắt
cha anh, toàn bộ cõi đời như càng chuyển nhanh sang một thế giới khác,
ngả sang màu khác. Con người trong tranh của ông rười rượi buồn, thân
thể, mặt mày dài thượt, cộng với vẻ câm lặng biến thành những cái bóng.
Đã thế, màu sắc của tranh lại dị thường. Trong tất cả những sáng tác
cuối đời của ông, dù sơn dầu hay bột màu hay là tranh lụa, dù là vẽ
người, hay vẽ ngựa vẽ bò, vẽ cảnh mưa hay cảnh nắng, ban mai hay ban
tối, thành phố, làng quê hay núi rừng, sông suối, và cả bầu trời, cả mặt
biển nữa, tất thảy đều được thể hiện, được phủ trong chung quy là những
sắc độ khác nhau của độc một màu vàng, chỉ một màu vàng thôi không thêm
màu nào khác.
Trong tranh của cha Kiên: đàn ông,
đàn bà, người già, trẻ con nối nhau thành một dòng những hình nhân héo
vàng sống vu vơ giữa những miền không có thật của cuộc đời, mỗi ngày một
thêm lạc bước rời ra khỏi cõi dương không ngoái nhìn lại, và chính cha
của Kiên là người sau cùng nhập vào dòng những hình nhân bi thảm ấy.
Đấy là một thời kỳ nặng nề, mặc dù là mùa xuân. Cha anh bảo là khác với mọi mùa xuân, mùa xuân này giục ông từ bỏ gấp cuộc đời:
-
Bằng tuổi con bây giờ, mỗi bận xuân sang, cha cứ nghĩ: Đời mình còn
được hưởng nhiều mùa xuân. Còn nhiều. Và hạnh phúc. Ánh sáng. Cảm hứng.
Còn nhiều, nhiều lắm…
Cha phải vào bệnh viện bằng
xe cấp cứu khi Kiên đang ở lớp. Từ bệnh viện người ta tin đến trường
cho Kiên. Khi anh đến, cha vừa tỉnh dậy. Người ta không ngăn ông nói
chuyện với con trai. Họ biết đây là những lời nói cuối cùng, những lời
trăn trối.
Tay cha hầu như không còn mạch nữa,
lạnh ngắt như đồng, thế mà thần thái của ông vẫn còn, giọng nói yếu ớt
nhưng không nhòa mịt, lú lẫn. Tâm hồn đầy lầm lạc, đau đớn buồn và giàu
nhạy cảm của ông mong manh là thế mà sống vượt lên cả sinh mệnh. Lời
trối của ông chẳng trối được gì ngoài nỗi buồn và niềm mơ mộng:
-
Thời của mẹ, của cha đã hết. Còn con… từ nay còn một mình… phải gắng
sống với thời của mình. Thời đại mới rồi sẽ tới. Huy hoàng. Tráng lệ…
không còn những bất hạnh lớn lao nữa… Nhưng nỗi buồn thì không nguôi…
vẫn sẽ còn lại nỗi buồn… nỗi buồn truyền kiếp. Cha chẳng để lại được gì
cho con ngoài nó, nỗi buồn ấy…
Ngay cả những bức
tranh cha cũng không để lại. Ông đã đốt hết toàn bộ kho tàng báu vật của
suốt cuộc đời không ngừng vẽ và vẽ. Đốt sạch không còn bức nào trong
cái đêm ông cảm thấy thần chết giục giã. Điều ấy phải lâu sau Kiên mới
biết. Còn lúc này, ngồi bên cha, nghe cha nói những lời cuối cùng, mắt
anh ướt ròng nhưng hoàn toàn không hiểu nổi cha mình. Điều đã giằn vặt
cha đến xương tủy là một cái gì vượt lên quá xa, đối với đầu óc toàn
những suy nghĩ đơn giản và non nớt của Kiên, một cái gì hầu như thần bí.
Và đã phải mất đi biết bao năm tháng quý giá của cuộc đời, dần dần anh
mới phần nào cảm được nỗi đau lẫn vị đắng cay trong những lời cuối cùng
của cha, mới hiểu được rằng dường như cha muốn trăn trối lại cho anh
điều gì.
Nhớ lại những ngày ấy, nhớ đến cha đau
lòng không chịu nổi. Tình yêu đối với cha trỗi dậy muộn màng khía vào
tim anh. Anh nhớ lại tâm lý ngấm ngầm bực bội, cái nhìn nặng trịch phê
phán của mình đối với cha. Nhất là, thậm chí anh đã từng hổ thẹn vì cha
mình. Và tất cả đã muộn: Tình yêu, sự tôn kính, lòng hiếu thảo, ước mong
được gần gũi, được hiểu biết về cha… Chỉ còn nấm mồ đã được đắp điếm
lên, những vòng hoa phủ kín xung quanh và hương khói, nhang nến… Và:
“Tội nghiệp.” - Người ta rì rầm vào tai anh. Cô độc nặng như gang. Và
nỗi buồn đau, choáng ngợp. Dưới vòm trời ảm đạm, buồn tênh, anh lặng lẽ
khóc. Ấy là mùa xuân năm 1965, một mùa xuân lạnh giá. Lá rụng tả tơi,
quấn lấy gió, đuổi nhau trên đường.
Mất mẹ từ tấm
bé, không cha từ ấu thơ, đứa trẻ chẳng mồ côi lớn lên cùng thành phố
trải qua thời chiến tranh… đứa trẻ chẳng mồ côi…
Bài
ca nghe thấy từ đời thủa nào, giờ đây vẫn thỉnh thoảng vẳng lên trong
mơ, hướng anh về lại với mùa xuân ấy. Đêm đó, lần đầu tiên, Hà Nội giữa
canh khuya nổi còi báo động. Còi trên đỉnh Nhà hát Lớn, còi từ hàng chục
đầu tàu trong ga Hàng Cỏ thất thanh cùng hú lên rợn người. Mặc dù đã
được báo trước đây là diễn tập, toàn thành phố vẫn rùng mình, lặng chết
con tim đi trong cả nỗi kinh hoàng lẫn cả niềm phấn kích trước vang âm
hùng tráng và hung gở của thời đại mới. Rồi tiếng xô cửa sầm sầm. Tiếng
chân rầm rầm lao đổ xuống cầu thang. Tiếng loa phóng thanh giục giã khẩn
thiết: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý! Máy bay địch…” Tiếng xe tuần
tra lao phóng đi dọc lòng thành phố vừa bất thần chết lịm ánh đèn. Ngược
hướng với mọi người, Kiên lần lên xưởng vẽ trên tầng áp mái. Tối om,
trống rỗng, ngàn ngạt bụi bặm và vẫn còn thoảng mùi rượu, mùi thuốc vẽ
hăng hắc. Những con dơi nhỏ bay loạng choạng.
- Cha ơi? - Kiên gọi sẽ.
Trong
đêm, ngôi nhà cùng cả thành phố lặng tờ tựa hồ đã ngừng thở. Bất chấp
lệnh cấm ánh sáng, Kiên lần mò thắp lên một ngọn nến. Anh đưa mắt nhìn
xưởng vẽ. Chợt, sững sờ, sửng sốt, anh cứng người lại. Lẽ nào… tất cả
các bức họa đâu cả rồi? Bức đang vẽ dở trên giá, những bức lồng khung
treo ở vách, và những bức cuộn lại xếp bừa bộn trong góc đều đã biến mất
như thể bị một phép ma nào thổi phù đi.
Thế là
hết. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Hết rồi. Một cái nhà mồ. Trước kia là
cha nhưng bây giờ trong căn áp mái này cuộc đời cha, bóng hình của cha
và tất thảy mọi dấu tích, mọi bằng chứng về sự tồn tại của ông đã bị xóa
sạch, bị thay thế bởi nó: cái chết, sự hư vô… Cha đã rời bỏ thế giới
này, ra đi lặng lẽ trong chuyến mộng du vĩnh viễn mang theo cả những bức
họa màu lá rụng… Ông chỉ để lại có anh thôi trong cuộc đời này.
Kiên
suy nghĩ một cách bình tĩnh, thâm trầm tuồng như anh lên đây là để tìm
thấy cho chính mình ý nghĩ ấy. Lặng lẽ đẩy hé cánh cửa ngách, anh bước
ra sân thượng.
Ở đằng đông, cùng với tiếng còi
báo yên, màn đêm trên thành phố như được nới ra, cuồn cuộn dâng cao.
Giữa biển mây mù trùng trùng thoáng mở ra một vùng sáng mờ. Ấy là nơi
đậu của vừng trăng trong cái đêm bên bờ vực thẳm này. Kiên cúi đầu
xuống. Nước mắt bất ngờ và nóng rực. Phía xa xăm kia còn bao nhiêu mùa
xuân và năm tháng nữa. Mùa xuân này mới chỉ bắt đầu thôi tuổi mười bảy
của đời anh. Một thời kỳ nặng nề. Mùa xuân 1965 lạnh giá. Chính Phương
là người biết rõ hơn ai hết về vụ hỏa táng những bức tranh: “Một nghi lễ
cuồng tín, man rợ, dấy loạn” - Sau này, khi kể lại, Phương đã diễn tả
như thế và cách diễn tả ấy đi sâu vào tâm trí Kiên. Một cuộc tự hành
xác, một hình thức sám hối, quyết liệt dưới ánh lửa nhưng rầu rĩ, im
lìm, nửa lén lút. Chỉ một mình Phương chứng kiến. Cả chung cư, kể cả
Kiên, chẳng ai biết gì. Không biết là từ bao giờ, có thể là ngay từ khi
còn bé, giữa cô và cha của Kiên đã thầm lặng hình thành một thứ tình cảm
khó hiểu, không hẳn ra tình cha con, bác cháu, cũng không phải là một
thứ tình bạn vong niên, nó mập mờ chạng vạng, như ánh chiều, vô hình mà
nặng trĩu như thể đồng ám thị. Tính cách lập dị, vẻ mờ mịt trên khuôn
mặt, những đêm dài mộng du, những lời lẽ thốt lên từ vô thức, nghĩa là
tất cả những nét quái nhân không người nào chịu nổi của ông họa sĩ, hình
như lại rất gần gũi với bản chất tâm hồn Phương từ thuở còn thơ. Ông
cũng rất thương cô bé, một tình thương trầm mặc, buồn bã và không lời.
Hai bác cháu thường ngồi cạnh nhau hàng giờ, chẳng nói một lời. Bình
thường là một cô bé tươi rói, vui vẻ và táo tợn, Phương có thể ngồi lặng
ngắm ông vẽ, nghe ông lầm bầm độc thoại. Cô như thể bị thu mất hồn. Khi
cô đã lớn và nhất là từ khi cha của Kiên quyết lòng ẩn cư trên tầng áp
mái thì cô thưa gặp ông hơn, tuy vậy cô vẫn là người duy nhất ngoài Kiên
lên thăm xưởng vẽ. Vẫn chẳng nói gì nhiều hơn với cô song rõ ràng là
mỗi lần Phương lên chơi, cha Kiên vui hẳn. Cô xem ông làm việc, xem đi
xem lại các bức tranh, rồi cô mua rượu, mua thuốc lá cho ông, những thứ
mà chẳng bao giờ ông khiến Kiên, và nghe ông thỉnh thoảng lẩm bẩm nói
vài lời.
- Cháu rất đẹp! - ông khen, làm cô kinh hãi và bứt rứt.
-
Sắc đẹp của cháu không bình thường, - ông nói thế khi Phương mới chỉ
mười sáu tuổi, như thể đe cô vậy - Vẻ đẹp lạc thời và lạc loài… sẽ đau
khổ đấy. Khổ lắm.
Ông hẹn khi nào cô tròn mười
bảy tuổi sẽ tặng cô một chân dung sơn dầu. Phương rất hãi. Cô sợ ông sẽ
để mặt cô dài thượt như mặt các nàng tiên thường thấy trong tranh ông và
sẽ cho cô một mái tóc như chùm rong biển với nước da màu vỏ chanh.
Nhưng, khi còn gần ba tháng nữa Phương tròn mười bảy tuổi thì cha Kiên
qua đời.
Buổi tối hôm ấy khi ông nhờ cô nhóm lửa ở
góc sân thượng và giúp ông khuân hết tranh trong phòng ra để đốt cho
bằng sạch, cô không nghĩ là ông say, ông mất trí mà lập tức hiểu ngay
rằng ông sắp chết. Như thể là ông tự vẫn trước đã rồi sau đấy mới lìa
đời vậy. Song Phương không gọi Kiên, không gọi ai hết - Có lẽ cô thầm
hiểu ý định của cha Kiên và dường như cô hoàn toàn đồng ý với ông rằng,
phải thế thôi, phải hủy, phải chết, không còn cách nào khác.
Khi
lửa táp, bén vào bức tranh đầu tiên, Phương run hết cả người. Sợ cuống,
hết hồn, cô không biết phải làm gì. Tuy nhiên chỉ chốc lát cô đã bị
cuốn hút vào không khí trang nghiêm ma quái dập dờn tỉnh mê của buổi lễ
tế thần. Kỳ ảo, huyền bí nhưng đích thực là một ác mộng. Một niềm đam mê
tà giáo. Choáng ngợp tâm hồn Phương là vẻ bừng sáng tuyệt vọng của cái
đẹp bùng cháy lên. Và trong ánh lửa là sắc diện của con người tử vì đạo:
đau đớn, say cuồng, tột cùng hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc lộn ngược.
Mãi mãi đời Phương còn bị ấn tượng của đêm đó ám ảnh. Dĩ nhiên không ai
ngoài bản thân nhà họa sĩ hiểu nổi ý chí tự hủy diệt ấy của ông. Cũng
không thể biết vì sao ông lại muốn chính Phương chứ không phải Kiên
chứng kiến và chiêm ngưỡng điều đó. Phương đã không hiểu ra. Song, về
sau này, nhìn vào cuộc đời mình, cuộc đời Kiên, nhìn lại tình yêu của
hai đứa, Phương thấy được tính chất tiên tri của cảnh tượng đêm ấy, một
sự linh ứng, một điềm báo trước, mặc dù không thực sự là báo trước một
cái gì.
Hôm đưa tang cha Kiên, cô đã định cho
Kiên hay chuyện xảy ra trong đêm trước khi cha anh qua đời nhưng cô cảm
thấy chưa đủ bình tâm, vả chăng cũng không muốn anh bị thêm ngay những
giằn vặt. Phải mấy tháng sau Phương mới kể. Ấy là vào đêm cuối cùng của
Kiên ở Hà Nội, trước hôm anh lên đường đi chiến đấu. Cũng có thể nói
được rằng đó là đêm cuối cùng của thời trước chiến tranh trong cuộc đời
hai đứa.
Trong cuộc đời Phương và Kiên, ấy là
những ngày tháng vĩnh hằng. Đấy là những tháng trời từ giã thời niên
thiếu dù sao cũng êm đềm, vô cùng trong sáng, bình yên, đầy chay tịnh để
rồi sau đó, khi giờ của số phận đã điểm - nói theo nghĩa đen - một bước
nhập thẳng lên đoàn tàu chiến tranh.
Từ ngày cha
mất đi, Kiên lầm lì lớn lên, cao lớn và cô độc. Còn Phương - bạn từ
thuở nhỏ của anh - mà ở nhà thì phòng sát vách, ở lớp thì cùng một bàn,
ngày ngày đèo nhau đi học - bước sang tuổi mười bảy đã vút lên trở thành
một sắc đẹp bừng cháy sân trường Bưởi.
Cả hai
đứa đều hầu như không có bạn, bởi vì bạn bè hầu như bị giạt ra hết. Một
thứ tình cảm quá kinh khủng ở tuổi đó, một tình yêu non trẻ mà như là đã
trải qua máu lửa cùng tội lỗi, mà như đã ngậm hờn. Từ lo lắng các thầy
cũng phải nổi giận, mặc dù là các thầy giáo của trường Chu Văn An. Chi
đoàn phẫn nộ. Dĩ nhiên là ở trường Bưởi muôn thuở hào hoa và bao giờ
cũng lãng mạn, chuyện yêu đương ở lớp 9, 10 chẳng bị coi là sự kinh
khủng như ở nhiều trường phổ thông khác song đến như Kiên và Phương thì
quá đáng. Nhất là khi đang dấy lên bao nhiêu là phong trào, là đợt vận
động sôi réo nhiệt tình yêu nước. Ba sẵn sàng. Ba đảm đang. Ba khoan:
Khoan yêu, khoan… Kể ra, giá khôn ngoan hơn, biết điều hơn, phục thiện
hơn thì đỡ, đằng này… mà Phương thì đẹp lồ lộ, hừng hực, đẹp một cách
liều lĩnh, nổi trội, đã chẳng lẫn đi đâu được lại chẳng có ý thức nép
mình. Còn Kiên thì lầm lì, bướng bỉnh, đầy ương ngạnh.
-
Nhưng chúng em có làm gì xấu đâu, có làm gì ảnh hưởng đến người khác
đâu? Tình bạn của chúng em là việc riêng của chúng em, thưa thầy? - Vào
thời buổi đó cái lý như vậy thật là cùn.
Như hình
bóng, hai đứa quấn nhau, như thể ở cạnh nhau bao nhiêu cũng chẳng đã,
như thể chỉ tấc gang thời gian nữa thôi là mất nhau. Thậm chí đến đêm
vẫn còn dùng tín hiệu móc gõ vào tường để rỉ rả trò chuyện với nhau. Rồi
đương nhiên, kết cục phải tới đã tới.
Cái buổi
chiều tháng tư ấy, ve sầu, hoa phượng… thật đúng là chẳng sao mà cầm
lòng được, rồi thì ra sao thì ra. Mặc dù chiều hôm ấy lao động đào hầm
nhưng Phương đã chủ ý nên cô mặc bộ áo tắm bên trong. Xong hầm, đến mục
phát động thi đua, cô máy Kiên lẩn ra hồ.
- Kệ! - Cô cười - Kệ các anh hùng rơm hò hét. Tớ vừa may một bộ áo tắm cực đẹp. Phải bơi!
Hai
đứa nhoai ra rất xa bờ. Quay về thì đã tối. Phương kiệt sức, hoàn toàn
rã rời, phải bám vào Kiên mới khỏi chìm. Mùa hè mà chẳng hiểu sao đêm ập
xuống thật nhanh. Sao sáng thả đầy trời, lấp lánh. Kiên bế Phương trên
tay bước lên bờ. Nước trên mình nàng rỏ xuống ấm ấm. Cỏ mát rượi. Còn
anh, khỏe mạnh và cường tráng biết bao, cái tuổi mười bảy ấy. Phương mệt
rũ, nằm lả trên cỏ, bàn tay nhỏ nhắn lọt trong lòng bàn tay Kiên.
-
Em mệt quá - Phương nói thì thầm, khẽ cựa mình. Lần đầu tiên cô xưng em
với Kiên. Sau lùm cây, trong bóng tối thẫm xanh hơi mát mặt hồ, thay
quần áo khô rồi, vẫn chưa muốn về, Kiên và Phương tay nắm tay nằm bên
nhau trên lớp cỏ êm. Ở xế trời Tây ánh tà kỳ thực vẫn chưa tắt hẳn, đọng
lại một dải đỏ vệt thành vệt dài thẳng như kẻ chỉ. Cái vạch ấy dường
như không sà thấp xuống mà cứ dâng cao mãi. “Mặt trời mọc ở đằng Tây à?”
- “Có lẽ pháo sáng” - “Nếu thế thì phải có báo động” – “Có khi chúng
mình không nghe thấy còi. Không thấy sao, tối đen, yên ắng”.
Hơn
hai mươi năm đã qua. Quanh hồ đủ thứ đã đổi thay, song thần thái của hồ
là muôn thủa. Vẫn mênh mang thế, vẫn bình yên, thong dong, lãng đãng
thế và đắm say thế. Với sương mờ ban mai. Với vừng ráng chiều tà. Với
rặng núi xa. Kiên chưa lần nào vào lại sân trường xưa để vòng ra sau nhà
bát giác tới lùm cây ấy, bãi cỏ ấy. Anh chỉ từ rất xa, mé đường Thanh
Niên mà hướng nhìn về góc trường đó. Mặt hồ dường như ngước nhìn anh
bằng đôi mắt lấp lánh màu nâu của Phương, với vẻ kỳ diệu và nỗi ngậm
ngùi của tuổi thơ ấu, của tình yêu đã qua đi, đã xa vời vợi. Và những
chiều ngồi bên hồ bao giờ anh cũng ngồi nán lại cho đến khi vừng ráng
chỉ còn đọng lại một dải nhỏ chạy ngang trời. Ấy là ánh hồi quang của
cái đêm hai mươi năm trước, bên bờ hồ, sau lùm cây, trên bãi cỏ, phía
góc trường…
Tối đen, yên ắng. Bóng tối trở nên
lạnh. Đã đến lúc phải về rồi, Kiên thầm nghĩ và phóng tay ngồi dậy.
Chẳng hiểu sao cậu cảm thấy một nỗi tiếc nuối cay đắng, cảm thấy cái
việc phải rời đây ra về là nặng nề quá sức mình. Như thấu cảm được lòng
Kiên, Phương khẽ nói:
- Chẳng sợ đâu. Đằng nào cổng trường cũng đóng rồi. Đợi tối khuya cụ lao công gà gật, ta trèo tường biến.
- Nhưng Phương không mệt à? - Kiên thấy giọng mình như lạc đi - Không lạnh à?
-
Có - Phương đáp và hơi nhổm người lên, vòng tay ôm lấy cổ Kiên kéo
xuống. Thoạt tiên, một cảm giác nhức nhối làm Kiên gai hết người, run
lên, gân cốt chùng xuống nhưng rồi sự chấp nhận biến thành sức cuốn mãnh
liệt lập tức ghì riết anh, nuốt chặt anh vào thân hình mềm mại, thơm
mát và nóng hổi, chân thành và mù quáng, đầy cuồng bách của Phương. Đó
là một cái gì không thể ngờ được, như thể tiếng sét, và hơn cả đau đớn,
như thể đột ngột cất lên một tiếng kêu tự đáy lòng. Và không phải là cái
hôn đầu tiên nhưng là nỗi da diết đầu tiên được khám phá ra bên bờ hồ…
Song, tất cả diễn ra chỉ trong khoảnh khắc. Đột nhiên một ý chí sầm tối
và cứng rắn đánh thức nhói lên nói rằng anh không được, anh không thể,
rằng… ráng hết sức bình sinh Kiên tự giằng mình ra, thả buông vòng tay
đang dằn xiết Phương, ngồi chồm dậy. Sự buông hẫng ấy làm Phương lặng
đi. Mọi cảm giác choáng loạn tản bay nhường chỗ cho sợ hãi và xấu hổ. Cô
lăn tránh sang bên, gài nhanh hàng cúc áo sơ mi che kín ngực rồi nhè
nhẹ ngồi lên. Sóng hồ dập dềnh, ì oạp vỗ vào bờ cỏ. Xa xa, từ chỗ pháo
đội cao xạ chất nổi trên đám bè neo sâu trong hồ, một hồi kẻng khuya
chậm rãi gióng lên. Vị thần bảo hộ cứu tinh cho sự trong trắng và trong
sạch của đôi bạn, chẳng là ai khác ngoài chính họ.
Gió
thở dài. Im lặng lan xa. Hai người như thể vừa từ đáy nước nổi bồng lên
để rồi mỗi người bị cuốn dạt ra mỗi ngả. Kiên đưa tay ra, run run nắm
lấy cổ tay Phương như muốn níu giữ cô.
- Kiên sợ phải không? - Phương dịch lại gần - Sợ phải không? Phương cũng sợ… Nhưng vì sợ mà chẳng sợ gì nữa…
-
Mình… - Kiên thì thầm ấp úng - Mình chẳng sợ ai. Chỉ nghĩ là không nên…
Mình đi. Mình có cuộc chiến tranh của mình, còn Phương… Chúng mình mãi
mãi có trong nhau là hơn, phải không?
- Ừ, thôi… - Phương thở dài - có điều Phương sợ nhất là sẽ không bao giờ còn một tối nào như tối nay.
- Mình sẽ trở về! - Kiên nhấn mạnh.
-
Nhưng bao lâu? Nghìn năm sau? Và anh không nghĩ khi đó, anh khác và em
cũng khác đi rồi. Hà Nội cũng sẽ khác đi. Hồ Tây cũng khác.
- Thì sao? Mình không nghĩ như thế. Tất nhiên là cảnh vật có thể đổi khác, lòng không khác là được.
Cả hai cùng im lặng.
- Em nhìn thấy tương lai, - Phương nói - Đấy là sự đổ nát. Sự thiêu hủy.
- Có thể. Nhưng chúng ta sẽ xây dựng lại.
- Anh ngốc lắm? Cha khác anh nhiều. Cha anh ấy.
- Đúng thế. Mình khác cha mình, nhưng…
- Phương hỏi câu này đừng giận nhé. Anh không yêu cha phải không?
Kiên nhìn cô.
- Anh có nói chuyện với cha bao giờ không?
- Có chứ. Hỏi gì lạ thế? Sao lại không? Nói nhiều chuyện.
- Thế cha có nói vì sao cha chẳng muốn sống nữa không? Vì sao cha lại hủy tranh của cha không?
- Không. Ông chỉ nói với mình những chuyện khác. Nhưng sao lại hủy? Mình không hiểu?
-
À, ừ nhỉ. Kiên đâu có biết chuyện ấy. Thế mà em lại biết. Thế mà cha
lại kể với em. Em gần với cha anh chứ không phải với anh. Ngọn lửa thiêu
đốt các bức tranh, thiêu đốt cha và luôn cả đời em. Qua ánh lửa em nhìn
thấy tương lai…
- Cái gì? Phương bảo sao? Nói gì như điên vậy. Thử nói rõ xem nào, Phương!
Kiên
không hiểu. Nỗi xúc động của Phương là trạng thái xa lạ đối với anh,
với câu chuyện của hai đứa đêm nay, với mặt hồ này. Cũng chẳng liên quan
đến việc anh sắp lên đường chiến đấu, anh và Phương sắp phải xa nhau.
Phương nghĩ tới một cái gì ở ngoài tầm của anh.
-
Từ ngày cha anh mất đi, em mới thực sự yêu anh và mới hiểu vì sao yêu
anh thế này - Phương nói trong hơi thở như là tự nói với mình, hay đúng
hơn như một người nào khác đang nói với mình - em là đứa con gái lạc
thời và lạc loài… Anh lại là người con trai đúng thời… Vậy mà tại sao
chúng mình yêu nhau, yêu bất chấp tất cả, bất chấp cả sự khác nhau quá
lớn giữa hai đứa? Anh có biết không?
- Thôi chúng mình về đi. Chúng mình… - Kiên sợ - Chúng mình nói những chuyện gì ấy. Sao lại lạc thời? Sao lại khác nhau?
-
Bây giờ thì em hiểu rằng - Phương vẫn thì thầm xa vắng - Nếu cha anh là
người cùng thời, là anh thì em sẽ yêu cha anh chứ không phải là yêu
anh. Kiên rùng mình. Nhưng Phương không để anh nói, cô đặt dọc ngón tay
trỏ lên môi anh, nói tiếp:
- Anh ít giống cha và
càng ngày càng ít giống. Anh say mê cuộc chiến tranh đến đứng ngồi không
yên. Anh không yêu mẹ, không yêu cha, không yêu tình yêu của em. Anh
khăng khăng: tôi đi chiến đấu, tôi là con người trung thực, tôi trong
sạch và tôi không muốn em bị nhơ nhuốc. Không có gì mới cả?
Kiên buồn bực. Anh chẳng hiểu ra làm sao nữa cả. Phương như thể đang lên đồng, như thể ăn phải nấm độc mà nói nhảm.
-
Phương hay nói chuyện với cha mình lắm phải không? Cần nhớ rằng, cha
mình có những ý nghĩ khó hiểu và sai. Nhiều khi cha mình không thấy được
những giá trị cao đẹp của cuộc đấu tranh hiện nay. Ông ôm trong lòng
toàn những câu chuyện đời nảo đời nào để đánh giá ngày hôm nay. Mà tại
sao chúng mình lại nhằm đúng lúc này để nói những chuyện lạ lùng vậy?
-
Bởi vì chẳng còn đêm nào như đêm nay. Chẳng còn bao giờ nói được với
nhau nữa. Bởi vì anh đi đường anh thì em cũng đi đường em.
- Nhưng mà Phương đi đâu? Còn ba tuần nữa là thi, Phương phải vào đại học. Còn mình đi rồi sẽ trở về.
-
Anh thật lạ, - Phương thở dài - Chiến tranh, hòa bình, vào đại học, đi
bộ đội khác nhau lắm hay sao? Và thế nào là cuộc đời tốt cuộc đời xấu?
Tình nguyện đi bộ đội ở tuổi mười bảy thì cao thượng hơn vào đại học ở
tuổi mười bảy hay sao? Đã thế Phương sẽ không thèm vào đại học nữa.
- Thế Phương đi đâu?
- Đi vào chiến tranh xem nó ra sao?
- Có thể chỉ là sự khủng khiếp.
-
Có thể là sẽ chết nữa - Phương nói như mơ màng - Khi đó sẽ ngủ, ngủ một
giấc dài. Nhưng nếu chỉ có chết không thôi thì có gì đáng để anh háo
hức vậy. Em nghĩ nó là hấp dẫn lắm. Em sẽ đi? Và anh thì thật ngốc.
- Sao em? - Kiên ngạc nhiên.
Phương
bật cười và bất chợt cô nghiêng mình ôm lấy cổ Kiên vít đầu anh xuống
áp vào ngực. Vuốt tóc anh, cô bé mười bảy tuổi thì thầm, giọng mềm mại
ấm áp:
- Chẳng còn đêm nào như đêm nay nữa đâu.
Anh muốn hiến đời mình cho sự nghiệp gì đó, còn em thì quyết định sẽ
phung phí đời mình, sẽ hủy diệt nó trong cuộc loạn ly này. Xem thử sau
này em và anh có gặp lại nhau ở một điểm không? Năm nay hai đứa cùng
mười bảy tuổi, liệu sẽ gặp nhau, sống hoặc chết ở tuổi nào và còn yêu,
còn nhớ nhau không? Cô nâng mặt Kiên lên, hôn phớt đôi mắt, đôi môi rồi
lại áp mặt anh đã rực nóng vào ngực.
- Em yêu
anh! Như yêu cha anh. Như em là chị là mẹ của anh. Như em vẫn yêu anh từ
xưa đến giờ. Từ nay, từ tối nay, em là vợ anh. Em sẽ đi cùng với anh.
Em sẽ đưa anh tới cửa chiến tranh, xem nó ra sao. Cho tới khi buộc phải
chia lìa không cưỡng được thì thôi. Nhưng khi đó hẵng hay. Còn tối nay
chúng mình bên nhau để bắt đầu đi vào cuộc chiến tranh oai hùng của anh.
Cho nên đừng cần cái gì khác ngoài em, đừng sợ cái gì hết. Và nhất là
đừng có sợ thay cho em. Hãy nhớ là từ nay tới lúc đó, em là vợ của anh.
Đừng sợ, Phương của anh không điên, chưa điên. Kiên run rẩy. Đêm hè mát
rượi, mà trán và lưng anh ướt mồ hôi. Tràn ngập nỗi sợ hãi và lòng
thương mến, anh xiết chặt eo Phương. Anh cảm thấy yếu đuối, mờ mịt. Tình
yêu. Sự tôn thờ quy phục. Anh không sợ. Nhưng anh không thể. Anh không
dám.
Phương khẽ nằm xuống kéo Kiên ngả xuống
theo. Cỏ mát rượi, hơi sương, nhưng nền đất vẫn còn đọng hơi ấm buổi
chiều. Kiên gối đầu lên tay Phương, áp chặt vào mình cô. Như một cậu bé.
Đúng là Phương không điên mà cô như là một người chị, một người mẹ trẻ,
cô lùa tay vào tóc anh vuốt nhè nhẹ và thì thầm kể chuyện về người cha
của anh. Mái tóc hồi đó Phương để rất dài, xõa rộng phủ lên mình Kiên,
ấm và thơm lạ lùng. Hé mắt nhìn qua làn tóc, Kiên nhận thấy trăng hạ
tuần đã lộ. Vừng trăng mỏng và cong hiện ra rất nhanh ở rìa một khối mây
đùn cao trên đỉnh hồ. Rồi lập tức bị che khuất. Anh nhìn thấy ánh lửa
dập dờn như lửa ma trơi trên sân thượng. Cha và Phương. Những bức tranh
màu lá úa và màu vàng như rơm. Những linh hồn được phóng thích ra khỏi
mặt vải. Giọng Phương đều đều, ngái ngủ hệt như giọng một người mẹ kể
chuyện cổ tích trong màn. Kiên không nhận thấy là mình đã bật mở hết cúc
áo của Phương cho tới khi hai bầu vú trắng phau bật ra. Vành trăng lướt
thoáng một dải sáng lên mặt hồ và bãi cỏ. Phương nằm yên, không trở
mình, có lẽ đã ngủ say. Kiên không nhận thấy là miệng mình đã ngậm chặt
lấy đầu vú của Phương còn thành thạo hơn một chú bé con. Anh mút nhè
nhẹ, thoạt tiên là như thế, như thuở mới ra đời người ta bú. Nhưng rồi
kế đó là một nỗi khát khao kỳ quái thôi thúc, anh dùng cả sức mạnh của
hai bàn tay, cho đến lúc cảm nhận trong miệng cái vị ươn ướt ngòn ngọt
thoáng cả nỗi đau đớn mơ hồ như thể vị ngọt từ giấc mơ của Phương thấm
truyền sang…
Sáng hôm sau là buổi học cuối cùng.
Khối lớp mười nghỉ ôn thi. Còn Kiên nhận được giấy trưng binh khẩn cấp,
lên đường vào đầu tháng năm. Cái đêm xa xăm ấy còn sống mãi. Chỉ cần
giúp sức một chút cho trí tưởng tượng là có thể thấy ngay lại trong lòng
cheo leo một vừng trăng neo ở rìa mây và một mặt hồ đêm tối như cái hố
mênh mông đen ngòm.
Và nhiều đêm trong giấc ngủ,
giữa những cái chết, giữa những đoạn ký ức đầy tai họa và đau khổ, anh
thường mơ thấy và cảm thấy lại vị ngọt của giọt sữa trinh nữ đã cho anh
sinh lực để trở thành người mạnh nhất, nhiều hồng phúc nhất trong chiến
tranh - Trở thành kẻ sống sót.
Nhưng chính trong
những năm chiến tranh, những năm ở biệt trong Tây Nguyên, Kiên ít nghĩ
ngợi, ít nhớ nhung tới Phương như bây giờ. Cơ chế tự bảo vệ rất mạnh của
tuổi trẻ đời lính giữ cho người ta tránh được những giằng xé triền miên
của hồi ức. Đã ngủ là ngủ, đã nghĩ là nghĩ đến hiện tình, đến cái trước
mắt, cái đang chờ ta ngay sau khúc ngoặt ở cửa rừng, ở bên kia đèo, sau
triền đồi… Khi hồi ức nổi cộm lên và trở nên dai dẳng, không rũ bỏ được
có nghĩa là ta đã suy sụp, cảm thấy hết sức chịu đựng, cảm thấy tuyệt
vọng vô phương, thường là khi bị thương, hoặc rơi vào hoàn cảnh bệnh
hoạn đói khổ triền miên hoặc là một tình thế bi thảm tương tự nào đó.
Kiên
nhớ rằng trong suốt mười năm đời lính B3 chỉ có đôi ba lần nỗi nhớ
Phương thật sự hóa thành ám ảnh. Hình như lần đầu tiên là trên dọc đường
hành quân qua Lào, lần đầu bị thần trùng sốt rét vật. Rồi một lần khác
năm 69 bị thương, nằm ở Điều trị 8, vết thương bốc mùi thối hoắc, cảm
giác chờ chết, và sự chập chờn nửa thực nửa hư gương mặt của cô y tá bị
câm có những nét giống Phương. Sự nhớ nhung khi bùng lên thì thường là
vô độ song cũng nặng trĩu những cố gắng kìm nén và tự ức chế. Nó giống
như một cơn sốt. Như là hồi trung đội trinh sát “Nông trường 3” nằm khàn
ở thung lũng Gọi Hồn đánh bài tiến lên và thưởng thức hồng ma, khi phát
hiện ra cuộc tình bi thảm đầy sàm báng và tuyệt vọng của đồng đội với
ba cô gái bị bỏ quên giữa rừng sâu bên kia núi, Kiên đêm nào cũng mơ
thấy Phương. Vì nhớ Phương, nhớ đến tình yêu của mình mà Kiên đã không
ngăn cấm những mối hoang tình ấy, đồng thời tự cản mình lại để không
nhập cuộc. Hằng đêm, khi cánh trinh sát giấu anh rời khỏi lán, bí mật
băng rừng xuyên núi để đến với người tình, Kiên như thể dõi theo, như
thể tham gia vào hạnh phúc bất hạnh của họ bằng những giấc mộng yêu
đương mờ ảo bóng hình Phương, thấm thía ân ái nhưng nhói buốt lên những
tiên cảm đau đớn báo trước tai họa. Khi bắt sống được những thám báo đã
giết hại ba cô gái của trại tăng gia, Kiên quyết định cho chúng nhận cái
chết theo kiểu chết tận mắt, chết tận tay, chết nhìn thấy đáy huyệt.
Vậy mà tới giây chót, móc tay vào vòng cò rồi, lên súng rồi, anh lại tha
tử hình chúng. Chẳng phải vì những lời van xin, chẳng vì nỗi hoang mang
của đồng đội, mà bởi tự nhiên lúc đó anh chợt nhớ tới Phương… “Anh sẽ
giết nhiều người chứ?” “Sẽ trở thành người hùng chứ?”… Hoàn toàn khó tin
hoàn toàn không đúng lúc, không ăn nhập gì với cảnh huống lúc ấy, thế
mà anh lại nghĩ đến nàng, nhớ lại lời nàng, và thế là thôi, anh đã để
cho lũ người đó được sống.
Nhưng tuyệt nhiên
chẳng phải là lượng khoan hồng nào cả. Sự thể vô lý đến nỗi Kiên không
dám kể, không dám thú thực với ai, về sau này với Phương anh lại càng
không muốn nhắc tới chuyện đó. Nhưng, lần anh bị thương nằm ở Điều trị
8, thì Phương đến với anh không phải trong mơ, trong nhớ nhung suy tưởng
mà thực sự là bằng xương bằng thịt. Dĩ nhiên là rơi vào tình cảnh rất
khốn đốn, nên mới có sự lú lẫn đến cao độ như vậy. Ấy là vào đầu mùa mưa
năm 69: tiểu đoàn 27 của anh bị bao vây và bị tiêu diệt ở truông Gọi
Hồn. Kiên bò gần một ngày đêm trong rừng, lết trên bùn, người thủng lỗ
chỗ, trần truồng. Những đồng đội thoát khỏi cuộc tàn sát đã gặp anh ở
góc rừng, họ khiêng anh cùng rút về hướng mặt trời sẽ lặn. Anh tỉnh dậy ở
Điều trị 8, tỉnh dậy vì đau đớn, vì cảm giác tuyệt vọng thống khổ.
Điều
trị 8 là một đội quân y tiều tụy, tả tơi đã bị băm nát ra sau nhiều
tháng trời không ngừng rút lui, không ngừng bị vây hãm, bị dội bom, nã
pháo; bác sĩ, y tá, thương binh lê lết khiêng cõng nhau về ẩn tạm trong
một rừng lồ ô tăm tối gần sát đất Miên. Thực ra cảnh tượng và tình cảm
chung của đội điều trị thế nào, Kiên chẳng hay biết, bởi vì suốt gần hai
tháng trời trước khi được đưa lên chữa chạy ở Viện 211, anh bị nằm chôn
trong một cái hầm mái bằng tối mờ mờ, ướt át ri rỉ nước. Từ mạng sườn,
từ bả vai, từ một vết thương rất tởm giữa hai đùi mùi thịt thối nhức óc ở
người Kiên xông lên làm cho ngay cả muỗi cũng dạt bớt ra khỏi hầm. Kiên
triền miên hôn mê, chỉ thỉnh thoảng mới tỉnh ra được một chút như để
biết chắc hơn là mình sắp chết, như để lấy thêm chút sức lực mà tiếp tục
mê man. Những lúc tỉnh dậy mở được mắt ra như thế, bao giờ anh cũng mờ
mờ thấy Phương đang ở trong hầm với mình. Anh thều thào gọi tên nàng
nhưng Phương không đáp, chỉ mỉm cười và cúi sát xuống đặt môi lên trán
anh nhờn nhụa mồ hôi. Không hề nghĩ gì cả, không băn khoăn tự hỏi, Kiên
cảm nhận sự hiện diện của Phương như là một hạnh phúc tất nhiên và hầu
như bình thản, cùng với tiếng mưa rơi, tiếng rừng rền rĩ, tiếng đạn đại
bác dội truyền trong lòng đất. Gầy yếu võ vàng, da bọc xương, nàng vuốt
ve anh với đôi bàn tay đã trở nên thô thám. Và mặc dù trong hầm mờ tối
và mặc dù uế khí quánh đặc, anh vẫn nom thấy ánh nâu trong mắt nàng.
Phương? Anh thều thào, vật vã, đầu ngoẹo sang một bên, răng nghiến lại,
hơi thở như cào trong phổi. Cô gái nhẹ nhàng thay băng, lau rửa vết
thương, dùng panh gắp hết những con giòi ở những khoanh thịt đã rữa trên
người anh, quấn anh vào một cái chăn rách bươm và buông màn xuống. Mặt
Kiên rúm ró hơi giãn ra, tuồng như anh cố mỉm cười với cô trước khi lại
lịm đi…
Một thời gian sau Kiên tỉnh lại nhiều hơn
và lâu hơn trong gian nhà lán sáng sủa, khô ráo của Viện 211. Chỉ có
điều không thấy Phương đến với anh nữa. Khi anh hồi phục, được chuyển về
lán thu dung để chờ xuất viện, Kiên hỏi dò tin tức Phương ở đám thương
binh đã có nằm ở Điều trị 8, nhưng không ai biết ở đó có nữ y tá nào tên
Phương, người Hà Nội.
- Cậu lẫn đấy, - Một chiến
thương cụt cả hai chân bảo Kiên - Tớ với cậu cùng ở đó một thời gian
với nhau nhưng tớ không bị mê man như cậu nên tớ biết. Ngoài bác sĩ chủ
nhiệm và ba y tá nam, ở đội chỉ có một y tá nữ thôi. Cậu lẫn với cô ta
đấy. Nhưng cô bé không cải chính được, cô bị câm mà. Hình như quê ở Đà
Nẵng. Bị dập thương nên câm. Phải rồi một cô gái mảnh dẻ, xinh xắn hiền
thảo. Phải rồi: mắt nâu? Cậu mê lú mà vẫn nhìn ra, giỏi thật. Nhưng cơ
mà… cô bé chắc hy sinh rồi. Thế cậu không biết à? Đợt thương binh nặng
gồm cả tớ với cậu vừa được tải thương chuyển đi được chừng một hai giờ
đồng hồ thì khu vực ấy bị B52 chần. Nghe nói bị xóa sổ hoàn toàn. Bởi vì
sau khi đổ bom chúng nó tổ chức càn luôn.
- Tên cô y tá ấy anh có biết không?
-
Hình như là Liên. Liên hay Liễu gì đấy. Có khi nào gọi tên đâu. Chỉ
đồng chí ơi mấy lại em ơi thôi. Tội nghiệp? Một cô gái xinh như thế mà
lại bị câm.
Chuyện đấy Kiên cũng không kể với
Phương. Nói chung cả hai đều tránh hàn huyên về mười năm chiến tranh của
nhau. Tuy nhiên, nhiều khi trông thấy Phương tự dưng anh lại thấy trước
mắt hiện ra những kỷ niệm thời chiến của bản thân anh. Những nỗi đau.
Các trận đánh. Những hành động tử tế hay tồi tệ của mình trong thời tuổi
trẻ quân ngũ. Những sự kiện, những hình ảnh chẳng liên quan gì tới
Phương thế mà nhờ nàng mà anh liên tưởng đến. Và thậm chí nếu có đôi lúc
bất chợt anh biết là mình vừa nhìn thấy, nghe thấy một dư âm hay là một
vang bóng rất rõ ràng của quá khứ mà lại không thể nào hiểu nổi, không
tài nào nhớ ra thì điều đó nhất định là giọng nói, tiếng cười của
Phương, là tiếng hát, gương mặt, khóe nhìn của nàng, là cái cách nàng
đưa tay lên sửa tóc, là cái điệu nàng quay đầu khi nhìn lại, là dáng đi
mềm mại đung đưa toàn thân của nàng.
Năm nay đã
tứ tuần rồi, thế đấy, vậy mà ngọn lửa của tình yêu, của niềm đam mê
không mực thước từ những ngày xa xưa vẫn rờn rợn cháy trong lòng anh.
Mộng ảo vẫn không ngừng đơm hoa tỏa hương hy vọng và tỏa hương lú lẫn,
tung bay những hạt phấn hoang đường. Phương thì đã quyết tuyệt tình. Sau
lần gặp gỡ sau cùng với Kiên vào buổi tối đầu mùa đông vừa rồi, nàng bỏ
ra đi, không kịp tắt hết đèn trong phòng.
Mấy
hôm ấy, tự nhiên Phương quyết định chấm dứt những ngày vui triền miên
kéo dài suốt mùa thu. Bầu không khí âm ỉ hội hè như thể bị gió lạnh đầu
mùa cuốn vơ đi hết. Căn phòng của nàng mới đó còn tràn hoan lạc giờ im
lìm trống vắng. Khách khứa bao lâu dập dìu, lặng biến đi cả như bị phù
phép. Kiên không ngạc nhiên. Hầu như năm nào chả thế, đang tung trời
chơi và phá, nàng lại thình lình như thể định đi tu. Nói chung không có
gì đáng để vui, để hả lòng, trái lại những khi nàng lâm vào tình cảnh
như thế, anh cảm thấy tâm trạng mình nặng nề hơn cả khi tối tối phải
chịu đựng những gã bạn tình của nàng làm ầm ĩ đủ thứ chuyện bên phòng
nàng. Lạy Chúa, cuộc đời thị dân xám xịt, chán ngắt sao mà cạn đến thế
niềm vui. Lạc thú nhớp nhơ, tả tơi, như giẻ rách và nghèo nàn không khác
gì bát cơm manh áo. Và cái cảnh buổi tối mùa đông mưa, cảnh những người
đàn ông rầu rĩ đứng trước cánh cửa nàng đóng chặt, cài chốt bên trong,
gõ mãi, gõ mãi thi gan rồi lủi thủi lui, sa sầm buồn bã, còn nàng thì
một mình một bóng tự giam giữa bốn bức tường, tuyệt vọng, chán chường, ê
chề sầu thảm, làm anh thắt cả ruột.
Rồi anh sực
nhớ hôm nay là sinh nhật của nàng. Và cũng nhớ là đã lâu anh không sang
thăm nàng, không gặp gỡ, không trò chuyện gì, gần như là ơ hờ, lãnh đạm,
mặc nàng với những thú vui mà anh biết là nàng chán ngấy. Kiên đi ra
phố và trở về với một bó hoa hồng trên tay. Dự định là sẽ rủ nàng đi ăn
tiệm, anh mừng vì thấy phố mình bị cúp điện. Như thế Phương càng không
muốn ru rú trong nhà. Anh gõ cửa theo mật hiệu dành riêng cho anh để
nàng biết mà mở. Song cũng phải chờ kha khá mới nghe chìa khóa xoay
trong ổ. Cửa mở hé ra. Mùi thuốc lá mùi nước hoa, và mùi cô nhắc. Anh
bước vào. Tù mù trên bàn một ngọn đèn dầu. Hóa ra là Phương đang có
khách. Một ông không còn trẻ. “Chào bác” - Kiên chào, bắt tay ông ta.
Một bàn tay rất thanh như là được chau chuốt, da mỏng và khô, ấm ran,
ngón dài, rất mảnh, hết sức tao nhã như là bàn tay của ai khác chứ không
phải là của ông này, một người vô danh, dáng dấp tầm thường, khuôn mặt
héo, đầy vết nhăn, cặp mắt nhỏ nheo nheo đùng đục, môi nhẽo, tóc hoa
râm, râu cằm nham nhở, vẻ nhu nhược và ủ dột. Có vẻ hơi mếch lòng, ông
ta ừ hữ trong họng, khẽ nghiêng đầu và như vội vàng rụt tay về.
-
Xin cảm ơn anh, anh Kiên? - Phương nhận bó hoa, nghiêng mình và đáp từ -
Thế mà em lại quên mất ngày của mình. Chỉ có anh, bao giờ cũng tốt với
em. À xin giới thiệu: Anh Phú - Họa sĩ. Và: Anh Kiên.
Kiên
đứng. Im lặng. Phương đã ngồi xuống, lút sâu trong ghế bành, hơi khuất
ra khỏi vòng sáng dập dờn yếu ớt của ngọn đèn. Cây đàn ghi ta của nàng
để trên mặt bàn.
- À, anh Kiên này. Tiếc là em
không theo chương trình của mọi lần sinh nhật trước được. Thực tình thì
em cũng chẳng nghĩ tới cái ngày hôm nay nữa. Thứ lỗi cho em nhé! Anh
Kiên?
- Sao lại thế? Em - ông khách cất tiếng, giọng ngực rất trầm : Nếu đã thành lệ, nếu đã hẹn hò rồi thì chẳng…
- Không, không mà anh. Anh đừng bận tâm, anh Phú!
Kiên
nhìn nhưng không gặp được mắt Phương. Anh gật đầu một cái chào cả hai
rồi quay ra, khép cửa lại sau lưng. Về phòng, lụi cụi anh thắp đèn lên.
-
Thế nào? - Anh thầm hỏi, băng qua với chính mình, và nhìn chồng bản
thảo. Chữ nghĩa nhảy nhót. Cổ anh nghèn nghẹn. Buồn thật, lại cái cảm
giác ủy mị quen thuộc ấy. Sự bất lực nhức nhối. Nỗi buồn tiều tụy mà
thấu xương. Tuy vậy biết làm thế nào. Có ai lảng tránh được chính mình.
Đứng bên bàn, anh tướt mắt nhìn ra đêm mưa ở cửa sổ. Những hạt mưa như
ngậm chì, rơi xiêu xiêu tả tơi lấm chấm lấm chấm đậu xuống, chảy trượt
đi run rẩy vẽ mãi, vẽ mãi những bức vẽ trong suốt lên mặt kính lạnh
ngắt. Lật đật, Kiên rót rượu tràn ly, hấp tấp uống cạn. Anh ngồi xuống
ghế, gạt chồng bản thảo sang bên và đưa hai bàn tay ôm đầu.
Chợt sau lưng, cửa buồng kẹt mở. Phương. Nàng bước vào rất nhẹ. Tới bên anh.
- Kiên? - Nàng thì thào, đứng sát vào anh và nhè nhẹ vuốt tóc anh.
- Tội nghiệp anh - Phương nói, cúi xuống hôn một cái hôn mát rượi lên trán anh.
- Đừng buồn? - Kiên ngửng lên và nói ngớ ngẩn một câu vớ vẩn nhất đời - Chúng mình không nên buồn nên vui.
-
Anh, em phải sang gặp anh. Anh không biết được tất cả mọi điều đâu.
Những điều mà một người đàn bà như em phải trải qua. Em đang phải trả
giá cho những việc em đã làm. Em đã hư hỏng. Đôi khi em thấy mình như
con vật.
- Nhưng…
- Nhưng
em không kìm lại được. Em không cầm lòng lại được trước một cái gì hết.
Em tự kết liễu đời mình, có phải không? Kết liễu trong lạc thú và trong
sự độc ác đối với anh.
- Có dịp thì ai cũng độc
ác được hết. Nhưng anh nghĩ là chúng mình không bao giờ như thế với
nhau. Còn cuộc đời anh cũng thế, hết rồi. Nhưng cuộc sống thì vẫn còn,
vẫn phải sống. Cũng như em. Và Phương ạ! - Anh sôi nổi kêu lên, cầm lấy
tay nàng:
- Tại sao chúng mình không gạt bỏ hết đi để sống. Sống bên nhau. Chỉ sống bên nhau, chỉ thế thôi!
- Thôi. Anh đừng nói như thế. Làm sao anh chịu nổi cơ chứ?
- Chịu nổi. Anh khác nhiều rồi, em cũng biết đấy.
-
Ôi Kiên! Lý ra thì mình đã có cuộc đời hạnh phúc bên nhau. Nhưng nông
nỗi vì đâu mà thế này, em cũng chẳng biết nữa. Em không thể sống với anh
như thế được. Chúng mình nên xa nhau, anh hiểu cho em.
- Không thể làm gì được nữa hay sao?
- Không. Chỉ có cách xa nhau. Mãi mãi là cách duy nhất. Mà anh đừng nhìn em như thế.
Kiên nhìn xuống.
- Em gặp anh ấy tình cờ thôi, một tuần trước. Dĩ nhiên không phải chỉ vì thế mà em quyết định. Bởi cũng chưa thể quyết định gì.
- Thế vì gì? - Giọng Kiên như sẵng lên.
- Vì đấy là cách mà em có thể xa anh. Vì không thể thế này được.
-
Chúng mình đâu có gần nhau. Em ở phòng em với công việc và sinh hoạt
của em. Anh có là gì đâu. Đấy không phải là lý do để em chạy theo một
ông bố già! Nếu cần đi thì anh sẽ đi. Chứ em đừng điên như thế. Tất
nhiên trừ phi em yêu ông ta.
- Già ư? Anh nghĩ xem em bao nhiêu tuổi, mười bảy như hồi đó chăng?
- Bao giờ em đi? - Kiên nói như muốn gạt lời Phương định nói.
- Tối nay. Lát nữa? Và em muốn nói: chúng mình sẽ không gặp lại nhau nữa đâu?
- Thật là đơn giản, dễ chịu. Như gập một cuốn sách lại. Một cuốn sách tồi. Phải không?
- Ôi xin đừng nói thế. Xin đừng thế! Ôi em khổ sở quá Kiên ơi!
Họ cùng đứng dậy. Kiên bất ngờ ôm lấy Phương. Người nàng run lên. Họ hôn nhau hồi lâu. Phương đẩy anh ra. Họ lại hôn nhau.
- Thôi. Đừng! - Phương rên lên.
Nàng bước đến cửa. Kiên lặng lẽ theo sau. Chợt Phương xoay người lại, áp lưng vào cửa, nhìn thẳng vào Kiên nói:
-
Kiên ơi! Rồi đây em sẽ sống ra sao, xử sự thế nào cũng không tự biết
được. Nhưng chắc rằng sẽ khó lòng gặp lại nhau nữa, anh ạ… Hãy tha thứ
cho em.
- Em yêu phải không?
- Kiên ơi! Em… em không yêu ai ngoài anh cả… còn anh, anh còn yêu, còn yêu nổi em không?
-
Còn! - Kiên đáp. Còn và mãi mãi còn. Đời anh chỉ có hai tình yêu thôi.
Một là mối tình của anh và Phương hồi trước chiến tranh. Và sau chiến
tranh là mối tình khác, cũng giữa anh với nàng. Nửa đêm Phương ra đi
cùng ông ta. Kiên vẫn đang đứng bên cửa sổ. Anh nghe rõ tiếng chân hai
người. Tiếng khóa cửa lạch xạch. Tiếng dịch chuyển va-li. Rồi Phương tới
trước cửa phòng anh. Hình như đút một cái gì qua khe cửa. Sau cùng anh
nghe thấy giọng nói nho nhỏ của Phương vang lên vẻn vẹn:
- Ta đi đi, anh?
Và
họ đi. Đôi giày cao gót của Phương gõ khe khẽ. Chân người đàn ông hơi
kéo lết, đế giày mài trên hành lang. Cầu thang nghiến răng ken két.
Trong chiếc phong bì nằm dưới khe cửa, có lá thư với những dòng ngắn, vô
cảm như một bức điện: “Kiên ơi. Em đi. Vĩnh biệt. Và điều đó tốt cho
anh. Tốt cho em. Chỉ xin anh một điều là hãy quên. Còn không xin gì nữa
cả. Chúc thành công.”
Kiên bước ra ngoài hành lang. Anh xốc cổ áo lên bước xuống cầu thang và đi ra phố. Còn và mãi mãi còn. Anh nghĩ.
Bình luận
No comments:
Post a Comment