Nỗi Buồn Chiến Tranh
Chương 6
MỘT
THỜI GIAN DÀI SAU KHI PHƯƠNG ĐÃ dứt tình và ra đi hẳn, tối tối song
song với ánh điện bên buồng Kiên, ngọn đèn bị bỏ quên trong phòng nàng
vẫn thầm lặng sáng lên, sáng thâu đêm, âu sầu rọi qua khe cửa như là một
niềm lãng quên không ngừng canh cánh. Nhiều bận đi từ ngoài phố về,
nhác thấy làn ánh sáng của Phương còn vương lại ấy, Kiên giật mình. Nhất
là những tối đã ngà ngà. Loạng choạng, anh dừng bước ở hanh lang trước
cửa phòng nàng, gõ cửa. Gõ mãi, riết róng điên rồ. Vì say. Vì dở hơi. Vì
đau buồn nặng như gang. Nỗi đau; còn hơn là một nỗi đau, át cả rượu,
ngấm vào lòng, mãnh liệt và choáng ngợp, sâu thẳm như thể mọi sự xuất
thần, như là một niềm cảm hứng. Từ nay thiếu vắng Phương. Hiện thực hàng
ngày sẽ thừa ra. Anh sẽ mất hết mọi rung cảm với nhịp sống đời thường
hiện nay. Chỉ còn có hồi tưởng là cơ sở của nhận thức. Và nỗi đau buồn,
và niềm nhớ thương sẽ biến thành ngọn nguồn của mơ mộng, đưa anh đạt tới
những trải nghiệm tối tăm sâu thẳm nhất của trí tưởng tượng. Kể từ ngày
Phương từ bỏ anh, hằng đêm Kiên mất ngủ vì những chuỗi dài giấc mơ kể
lại chính cuộc đời anh nhưng bằng những lời kể kỳ lạ. Vô tận những đoạn
đời khác biệt, so le nhau hàng năm trời đã đột nhiên hiện ra cùng một
lúc, đan xen, lồng vào nhau trên cùng một thời điểm của hồi tưởng, tạo
nên trong ký ức của Kiên những vùng không gian mới, những vùng quá khứ
chưa từng có.
Tâm hồn anh trong đau khổ, dường
như đã biến hình. Có vẻ như giờ đây anh lại một lần nữa bắt đầu yêu, một
tình yêu mới, một tình yêu khác nữa với Phương nhưng lẫn trong những
trang chưa từng được giở ra của dĩ vãng. Và một cuộc chiến tranh khác.
Một thời buổi bão táp khác. Dưới một bầu trời khác của quá khứ. Hồi đó
đã lâu lắm rồi… Một kỷ niệm thân yêu nhưng sao mà xa xôi và buồn.
Bấy
giờ Kiên và Phương mới mười sáu tuổi, vừa học xong lớp chín. Năm một
chín sáu tư. Kiên nhớ là tháng Tám, đầu tháng Tám… Đoàn trường Chu Văn
An tổ chức cắm trại ở Đồ Sơn. Cả những học sinh chưa phải đoàn viên như
Phương và Kiên cũng được tham gia.
Mấy hôm đầu
thời tiết xấu. Biển động, và mưa suốt ngày. Nhưng rồi một chiều mây
quang ra, trời bừng nắng. Cả bọn sung sướng rút khỏi khách sạn để ra
dựng lều ngoài bãi biển. Những lều vải sặc sỡ như những cái nấm màu mọc
dọc hàng phi lao. Tối đến đốt lửa trại liên hoan văn nghệ. Cảnh tượng
thật vui. Đống lửa cất cao ngọn, soi rực một vùng bãi cát. Bia hơi, rượu
mùi, tiếng phong cầm, tiếng ghi ta, đơn ca, rồi đồng ca “Biển cả mênh
mông, sóng vỗ nhịp thân tàu…” Mọi người say sưa hát. Tiếng trò chuyện và
tiếng ca tạo thành hòa âm ồn ào mềm mại bên cạnh bóng đen siêu phàm cô
độc của biển. Đêm tới khi nào không hay. Mọi người lăn ra ngủ, chui vào
lều hoặc là ngả mình ngủ ngay trên bãi. Bên đống lửa đã thu nhỏ và thấp
ngọn xuống chỉ còn Kiên với Phương thức, ngồi cạnh nhau. Suốt tối,
Phương không hát chỉ đệm đàn cho các bạn. Cũng rất ít trò chuyện, nom có
vẻ bồn chồn.
- Sao mà buồn thế? - Kiên hỏi - có chuyện gì phải không?
- Biển làm sao ấy, sờ sợ thế nào. Kiên có nhận thấy không?
Biển
phả vào bờ hơi thở mát lạnh và tinh khiết. Khơi xa ầm ì. Những vệt sóng
bạc. Biển đêm khuya, tím đen và óng ánh, như một cơ thể hùng vĩ mang
trên vai khối nặng huy hoàng của cả một trời sao cuối hè. Kiên ném thêm
nắm cành khô vào lửa. Phương bật nhẹ dây đàn ghi ta, chậm rãi phác một
giai điệu, song không hát. Có những bước chân thong thả, chắc nịch đang
tiến tới. Một ngọn đèn pin rê rê. Mấy bóng đen dừng lại ở bờ phi lao.
Một người tách ra, bước vào trong vòng sáng dập dờn màu đỏ nhạt của ngọn
lửa.
- Tại sao không dập lửa đi hả? - Người đó dằn giọng.
-
Dập à? Tại sao hả anh? - Kiên ngạc nhiên ngước nhìn khuôn mặt thô rắn,
nghiêm nghị của người lính thủy cao lớn vai đeo súng trường - Bọn chúng
em đốt lửa trại mà anh!
- Ném cát vào, dập đi!
- Nhưng sao ạ?
-
Sao giăng gì? Đã có lệnh truyền từ đầu tối, không nghe gì cả à? Bao
nhiêu thứ đèn lửa dọc bãi biển phải dập tắt hết. Lệnh thế đấy? Thi hành
đi, đừng vặn vẹo. Cấm là cấm, lệnh quân sự.
- Thế có cấm hát không, anh ơi? - Phương hỏi xen vào.
Người lính nhìn Phương, nét mặt dịu đi. Anh hạ súng và ngồi xuống bên đống lửa.
- Không, hát thì ai cấm. Dù thế nào thì tiếng hát vẫn phải còn. Em sẽ hát kỷ niệm bọn anh một bài chứ?
Hai người nữa trong tổ tuần tra bước tới, ngồi xuống trong vòng ánh sáng, lặng lẽ nhìn Phương.
- Ôi em hỏi thế thôi chứ, có định hát đâu ạ - Phương nguẩy vai, cười, lắc đầu.
-
Hát đi em! - Một anh lính thủy nói, giọng buồn buồn khang khác - hát để
giã từ mà. Từ giã bọn anh. Từ giã biển. Ngày mai… Chẳng giấu các bạn
làm gì: Chiến tranh rồi! Chiến tranh với Mỹ.
- Ơ đã chắc chắn đâu? Còn xa, còn trừu tượng lắm mà. Đừng hãi, em. Hát cho vui thôi mà.
- Vâng… Phương thì thào run rẩy, mặt tái đi.
Ngồi
thẳng lên, áp nhẹ cây đàn vào lòng, Phương đưa những ngón tay thon thả
lần lần chầm chậm lên phím. Sau một lát lặng im như để tự trấn tĩnh và
để lựa những cảm xúc của lòng mình, Phương thở một hơi dài, ngẩng đầu
lên, hất bỏ tấm khăn van choàng trên vai rồi cất tiếng hát. Bài ca ngay
lập tức như xuyên một mũi tên vào tâm hồn người nghe. Kiên cảm thấy máu
cuộn lên trong tim và lệ trào lên mắt. Bài ca dường như sầu muộn nhưng
dần dần dâng lên, lớn lên mãi tràn rộng ra như làn gió lộng thổi. “Trên
thế giới này từ nay, ngọn gió phũ phàng nào sẽ thổi…”, Phương hát. Trong
lời và nhất là trong giai điệu bài ca nghe chứa chất cả niềm say mê lẫn
nỗi đau buồn trước thời cuộc. Những ước mơ nồng cháy và những tiên cảm
đau xót. Trong giọng hát của Phương như đều đều hơi thở tâm hồn của một
lớp thanh niên được sinh ra ở đời chỉ cốt dành cho cuộc chiến tranh bắt
đầu từ ngày hôm ấy. Trên khuôn mặt nghiêm nghị của một trong ba người
lính, nước mắt nặng nề ứa ra dưới cặp lông mày nhíu lại. Chiến tranh!
Chiến tranh! Ấy chính là tiếng gầm của biển trong suốt đêm bốn rạng mồng
năm tháng tám. Bãi cát dài hình vòng cung ầm ầm sóng xô. Đột ngột hai
đốm lửa bay chéo ra từ cùng một điểm trên trời tách thành hai làn chớp
biếc vụt sa xuống. Những người ngủ trong bãi cát và ngủ trong lều vải đã
thức cả dậy tới quây quần bên đống lửa đã lụi. Tất cả đều im lặng,
dường như cùng nín thở. Khi tiếng hát ngừng rồi mọi người vẫn như bất
động. Phương buông đàn, đứng đậy, bước đi, khuất vào trong đêm. Kiên
lặng lẽ đi theo sau, men theo hàng phi lao. Dưới chân cát ẩm và lạnh,
lập lòe những ngọn đèn xanh đom đóm. Phương dừng lại, tựa lưng vào thân
cây, hai tay đưa về phía Kiên. Tối đen không thể trông thấy nhưng Kiên
cảm nhận được cử chỉ đắm đuối lần đầu tiên ấy của một mối tình…
- Mãi mãi chúng mình sẽ không rời xa nhau chứ Kiên? Và khi chết cũng chết ở bên nhau nhé - Thầm thì Phương rủ rê.
Đêm
ấy, tuồng như cứ chốc chốc lại có sao đổi ngôi. Màn sao như rơi rụng
dần. Và về gần sáng một cơn dông kéo tới đen trời. Biển nặng nề sóng.
- Nhưng sao lại chết? Chiến tranh: Từ nay mới thật là sống?
- Thật là sống à… Có lẽ thế. Nhưng chỉ sợ chúng mình sẽ không kịp sống và yêu… Không kịp, đã mất hết!
Hai
đứa dắt tay nhau, chạy theo hàng phi lao, trở về nơi cắm trại. Lều trại
tan tác. Cát bay mù mịt. Những tấm chăn bị gió cuốn vơ đi. Dây căng lều
bị giằng đứt. Các cọc néo bị nhổ bật cả lên. Mưa trút xuống bờ biển
xám. Bắt đầu từ đêm ấy, dông tố đen ngòm một thời. Từ đêm ấy bắt đầu
những sự kiện ghê gớm.
Mùa hè năm sau Kiên vào bộ
đội. Mùa thu lên đường. Gọi là đi B dài, nhưng anh không ra đi một
mình, mà với Phương. Đi nốt với nhau những cây số cuối cùng của mối tình
đầu.
Từ bấy đến giờ, hai mươi mấy năm trời. Hồi
ấy đất nước vẫn còn ở mé bờ bên kia của thời đại này. Bây giờ thì có thể
nói là một đất nước khác rồi. Và Kiên, Kiên cũng đã trở thành một con
người khác. Chỉ riêng Phương cô gái mắt nâu, long lanh bất tử, kiều mị
và điên rồ của anh, thì dẫu bao nhiêu phong trần, dâu bể vẫn chẳng làm
thay đổi được nàng. Bất chấp những núi non tội lỗi, bất chấp những tai
tiếng xấu xa, những điều kinh khủng, mà từ nhiều năm nay đời đã gắn vào
cho tên tuổi của nàng, với Kiên, Phương vĩnh viễn ở ngoài thời gian,
vĩnh viễn trong trắng, vĩnh viễn tuổi thanh xuân.
Đêm
ấy hơn hai mươi năm về trước, tàu qua Phủ Lý không dừng lại, thúc lên
một hồi còi não nùng. Đường ray cong ngả về hướng biển. Như lạc trên
đường trường vô định, đoàn tàu sầm sầm lao đi. Và chẳng những Phủ Lý mà
hình như cả Nam Định cả Ninh Bình đều đã lùi lại phía sau.
-
Càng thích? Có vẻ như lấy làm mừng vì đã lỡ bước, Phương ôm lấy vai
Kiên thì thầm - Càng lạc xa càng tốt. Xem thử bom rơi đạn nổ nó thế nào
nào.
- Nhưng… làm thế nào quay ra? - Kiên ấp úng.
- Thì, Phương có định ra đâu. Cùng nhau và bên nhau. Ai cấm chúng mình!
Giờ
đây khi mường tượng lại, Kiên vẫn có cảm giác rằng, cuộc hành trình
liều mạng ấy là một câu chuyện được tưởng tượng ra bên lề ký ức chiến
tranh của anh chứ không phải là một sự thật được nhớ lại. Dường như
trước khi mở ra những trang nặng nề hiện thực đời lính, trí nhớ được
phép hão huyền một lần chót.
Đêm ấy, tàu không
dừng ở một ga lớn ga nhỏ nào, chỉ đôi lần đỗ nhanh vài phút trong bóng
đêm giữa đồng trống, vậy mà người từ đâu chẳng biết cứ lèn lên toa. Bộ
đội, thanh niên xung phong tụt tạt, lạc ngũ và cả dân thường, dân buôn,
cả bọn trộm cướp đường trường. Như là tàu chợ. Đèn pin quét, diêm thuốc
bừa phứa. Mùi khói. Hơi người. Cái góc êm ái của Kiên và Phương cứ hẹp
dần.
- Đồng Giao-ao-ao… rồi chưa đới-ới-ới - Một
giọng rất thảm hú lên. Gió đêm lùa qua thành toa trống hoác. Nhịp tàu
xóc, dồi lắc dập dềnh.
- Đi đến chỗ chết mà phải đi đến là xa nhỉ, - Phương khẽ cười thì thầm.
- Không ngủ nổi à, Phương?
- Buồn ngủ nhưng mà khó ngủ ghê cơ.
- Cố ngủ đi, ngày mai…
- Nhỡ không có ngày mai?
- Đừng nói thế… nhắm mắt lại, đếm từ một…
Một
ngày mai chói chang tai họa đang kề tới, có lẽ thế. Song đêm tối còn
trùng điệp, tàu vẫn chạy mải miết. Tiếng bánh xe rũa đều đều trên đường
ray.
- Ừ! Thì cùng đếm nhé. Hay là thôi… ta cùng mơ một giấc mơ, Kiên ạ.
- Mơ gì bây giờ?
- Mơ gì, Kiên thì thầm.
- Thế mà cũng hỏi… Nằm dịch vào. Kìa, chẳng ai thấy đâu…
Có
lẽ là giấc ngủ êm ái nhất đời cũng là bình yên cuối cùng nên rất nhiều
năm sau giấc ngủ đó vẫn còn thức trong tiềm thức Kiên. Sau chiến tranh,
từ mặt trận trở về trên chuyến tàu Thống Nhất đông chật lính giải ngũ,
đêm cuối cùng của hành trình Kiên hầu như không ngủ. Bên cạnh, nằm cùng
võng với anh là Hiền, cô gái phế binh người Nam Định có đôi mắt to hiền
hậu, u buồn cũng cả đêm không ngủ, thì thầm trò chuyện, về gần sáng mới
thiếp đi. Tàu qua Thanh Hóa trong ánh bình minh. Gỡ mình khỏi vòng tay
của Hiền, Kiên hơi nhổm lên trên võng, đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Cảnh
đường trường lươn lướt trôi qua như những cái chớp mắt, lặng lẽ điểm
nhanh lại một điều gì hằng in trong ký ức. Đồng ruộng, gò đống, sương
mù, các lũy tre làng những vườn dừa, ao chuôm, các triền đồi, những bãi
sông… thưa thớt, mông lung, lành mạnh dưới bầu trời ban mai nhàn nhạt
thâm thấp, mùa thu. Bất giác, Kiên nghe thấy trong câu chuyện sầu tẻ đơn
điệu của các bánh xe hòa giọng nói thì thào của giấc ngủ xưa. Gương mặt
Hiền mờ đi. Hướng hành trình như ngược lại. Cái tuổi mười bảy hiện lên
trong tiếng gió và tiếng bánh xe. Cái tuổi mười bảy, cái đêm hôm ấy…
Trong
đêm ấy, trên đoàn tàu ấy, bên bờ tai họa và giữa cảnh rối ren, Kiên và
Phương chắc chắn là hai kẻ quá giang liều chết nhất. Say sưa, mù quáng,
phóng túng và cả tin, buông mình hoàn toàn theo ngẫu hứng, quấn chặt lấy
nhau, cả hai đều mê mẩn mịt mù trong mông mị êm đềm ngây dại. Trong
vòng tay Kiên, Phương mềm mại cựa quậy, ngoan ngoãn duỗi mình ra hay
cuộn mình lại, thoải mái, buông lơi, dại dột. Sung sướng, dễ chịu như
đang ở trên cu-pê một toa khách hạng nhất, hai đứa lúc thì nằm áp má vào
nhau, lúc nằm úp thìa, thanh thản, hài hòa và kỳ quặc, tách biệt khỏi
trái đất. Sự ôm ấp động chạm gần gũi có thể đã có lúc kích lên trong
Kiên một cảm giác bất chợt nào đó, nhưng cơn rạo rực như thể một lưỡi
dao chỉ tuốt khỏi vỏ được nửa chừng đã bị chững lại, bối rối, dịu xuống,
nhòa đi, lửng lơ.
- Kìa anh… Sợ gì… hãy…
Tiếng
thì thầm của Phương như những hạt bụi lấp lánh trong khoảng không tối
đen và thỉnh thoảng lọt được vào trong ký ức của Kiên.
- Hai đứa mình, Kiên ơi… Có thể đến khi chết đi vẫn còn trong trắng… Vậy mà chúng mình yêu nhau biết là ngần nào…
Áp
mặt vào mình Phương, Kiên trôi qua nhiều giấc mơ. Những giấc mơ nối
chuỗi, mịt mờ, triền miên vô định như là bản thân cuộc hành trình của
hai đứa…
“Chiến tranh tình yêu của tôi!” - Kiên nghĩ.
- Máy bay?
- Bỏ mẹ rồi anh em ơi?
Rú
lên. Hét. Ầm lên. Thất thanh. Đoàn tàu như hụt bước. Tấm màn nhung của
giấc ngủ bị xé toang. Trời còn tối. Tàu còn đang chạy. Cả toa nháo nhào.
- A a a a?… - Cả toa nấc lên.
Một
cái gì đó kinh khủng, rùng rợn rống lên làm cho không gian méo lệch, đổ
giạt xuống. Kiên choáng váng, lật đật chồm xốc dậy, thần kinh toạc ra
trong cảm giác đã đầu lìa khỏi cổ.
- Báo động - Một giọng nam cao gào lên tuyệt vọng, vô nghĩa - Dừng tàu lại-ại…
Máy
bay lượn vòng, Tiếng động cơ phản lực khoan thủng thinh không. Kiên bị
ép dí vào góc rồi lại bị xô bật ra, bị đẩy dúi tới cửa toa. Một người va
vào anh. Rồi một người nữa. Nỗi khiếp sợ lan đi rùng rùng. Bấn loạn,
rối bời, hung dữ. Cửa toa rầm rầm mở rộng ra. Các guốc hãm rít lên nhưng
tàu vẫn chưa dừng. Phát điên lên, người ta xô nhau: tuồn tuồn lao vào
vực thẳm tối om ngoài tàu, gieo những tiếng hừ hự, huỳnh huỵch rất nặng
xuống nền đường.
“Phương!” - “Kiên!” Bây giờ anh
mới sực nhớ tới Phương. Anh bám tay vào tấm ván bên mép cửa cố ghì mình
lại. “Phương?” Anh lại gào, giọng lạc đi, bị át đi trong tiếng máy bay
sà sát sàn sạt. Các tăng-bông va rầm rầm. Đoàn tàu nghiến răng cố dừng
lại. Kinh hoàng vì để lạc mất Phương, thất đảm vì động cơ phản lực quá
rùng rợn. Kiên như bị xẻ đôi người.
“Kiên…!” -
Tiếng thét bật lên từ mộc góc toa không phải từ góc ban nãy. Tiếng thét
đứt nghẹn như thể bị vặn chéo đi. Không chắc đã là Phương. Không chắc là
gọi tên anh. Kiên ngoắt đầu nhìn lui vào bóng tối phía sau. Đúng khoảnh
khắc ấy, ở lưng trời bỗng bục ra những tiếng như tiếng mở nút chai. Một
luồng thác trắng rợn người ào qua Kiên lùa vào cửa toa. Máy bay hú chói
óc. Dưới ánh pháo sáng lòng toa như một cái nhà kho bị đảo tung. Mọi
vật hiện lên rõ mồn một nhưng tái nhợt, ma quỷ như hình thù trong phim
âm bản. Phương nằm sấp trên sàn, Kiên nhìn thấy thế, hai tay nàng chống
xuống như đang cố nhổm dậy, mặt ngước lên, đôi mắt mở to dại đi trước
làn ánh sáng vừa òa vào. Tóc nàng đổ xõa ra. Nhưng, Kiên ngây cứng toàn
thân. Anh không hiểu. Anh không tin vào mắt mình. Bởi vì… miệng Phương,
anh thấy đang bị một bàn tay to xù bịt chặt. Trong tiếng rú của máy bay
bổ nhào, trong cảm giác một cái chết tan xương đang trực diện lao thẳng
xuống, mất trí đi vì khiếp sợ, Kiên thậm chí không hiểu tại làm sao lại
có một thân hình đen trũi kềnh càng nào đó đang nằm đổ ập lên người
Phương như vậy, lại đang dùng tay bóp lấy mặt nàng như vậy, ý nghĩa của
cảnh tượng thô bạo đó, anh chỉ kịp thấy là nó bất thường. Ngu xuẩn và
đớn nhát, Kiên há hốc miệng ra định kêu mà chẳng biết là định kêu cái
gì. Thình lình, một ánh chớp lóe lên làm cho các bóng người trước mắt
Kiên vụt đen sì đi. Kinh hoàng, Kiên buông tay khỏi mép cửa sổ và có một
cử chỉ như định ngồi thụp xuống.
Và chới với ngã
ngửa, anh văng khỏi cửa toa. Lưng bị đập mạnh, người nảy lên, Kiên lăn
lông lốc. Ngực đập phải một vật gì rất cứng, đau lịm, anh ngất đi. Nhưng
còn Phương, còn Phương! - Ý nghĩ gào lên một cách muộn màng, lay anh,
thúc anh, buộc anh phải tỉnh lại. Ngực đau, miệng ứ đầy một cái gì âm ấm
mằn mặn, Kiên nhổ và gắng hết sức bình sinh nhổm dậy. Ta-luy nền đường
sắt cao và dốc. Kiên trượt ngã. Buồn nôn. Mắt hoa tít. Máu lại ứa ra ở
mép. Trên nền đường sắt đoàn tàu như đã chết trong ánh rạng đông không
một bóng người bỗng huýt vang một hồi còi. Kiên lảo đảo đứng dậy, mím
môi, chật chà chật chưỡng, leo lên dốc. Phanh hơi nhả phì phì. Chật vật,
Kiên đẩy hé cửa toa ra, định leo lên. Nhưng không phải toa này. Toa sau
cũng không phải. Bối rối, ngó trước ngó sau, Kiên không nhận biết nổi
toa nào là toa của mình và Phương.
Chợt, rầm một
tiếng, tàu giật mạnh các nối toa, và rùng rùng chuyển bánh. Với hai đầu
máy nó dấn tốc độ lên khá mau. Các toa lần lượt diễu qua. Tiếng bánh sắt
rít xèo xèo như những vết bỏng. Cuối cùng Kiên đành nhảy lên bậc cửa
của đầu máy hộ tống. Mấy người thợ máy quần áo dính đầy dầu mỡ, đen
bóng, nhìn Kiên, không nói gì. Mặt họ cũng lấm lem, những cặp mắt trắng
dã, lông mi bị tô viền rất đậm. Anh thợ trẻ sục mạnh xẻng vào đống than
đá rồi gạt tấm che miệng lò, hất than vào bụng lửa rừng rực. Bác thợ cả
giật còi, tiếng còi xé tai. Hơi nước trắng xóa nóng hổi tỏa ra… Một cái
gì đó trong Kiên như thể chính linh hồn anh, rùng mình. Mọi thứ trước
mắt run lên, quay tít và nảy chồm. Ngoài cảm giác bất lực, cảm giác kém
cỏi, non yếu đến run người, trong lòng Kiên còn tấy lên một tình cảm
chưa từng có trong cuộc đời bấy lâu hầu như vẫn hoàn toàn thơ dại, đó là
nỗi đau!
Tái đi, nét mặt anh như thể bị phá ra,
và tê dại, toàn thân anh cơ hồ muốn sụp xuống. Anh thợ trẻ buông vội
xẻng, đỡ lấy Kiên và dìu anh ngồi xuống sàn. Anh ta quay ngược bao tay
lại lau nhẹ dưới cằm Kiên. Trên cái bao tay cứng quèo đen nhẻm than,
Kiên nhìn thấy máu mình.
- Can đảm lên cháu! - Người thợ già bảo Kiên - Đã ăn thua gì. Vừa rồi, mới chỉ là một tiếng huýt gió của chiến tranh thôi mà.
Trong
sương mù, trời đã sáng. Điếng người, Kiên sực nhớ tới cái điều có lẽ
đang xảy ra ở toa tàu phía trên kia. Chiến tranh trong phút chốc đã
không còn là như anh vẫn tưởng. Nỗi đau đầu tiên trong đời lính, hầu như
mơ hồ, hầu như không có thật, bám riết lấy Kiên. Chính là từ đấy, từ
lúc bị giằng bật ra khỏi Phương, đời Kiên bắt đầu thực sự đẫm trong máu,
trong thương đau, trong thất bại. Dẫu rằng, trong suốt mười năm sau đấy
với khẩu tiểu liên trong tay, anh đã luôn luôn ở hàng đầu quân xung
kích, cùng đồng đội từng bước kiên trì vượt qua ngàn dặm của cuộc kháng
chiến lớn lao đầy những thăng trầm để đạt tới đỉnh cao thắng lợi, dẫu
rằng đã từng được tắm mình trong hạnh phúc của thời thanh xuân giữa gió
bão chiến trường với bao niềm đam mê choáng ngợp lòng người, tâm hồn
Kiên ngay sau cảm nhận đầu tiên về tính chất hung tàn của đời sống thời
chiến đã là một tâm hồn chết lặng đi, không thể ngóc đầu lên được nữa.
Thực
ra thì trong chiến tranh Kiên được hưởng nhiều may mắn hơn là trong
thời bình, bởi vì trong chiến tranh anh đã được sống, chiến đấu, trưởng
thành lên bên những người đồng chí thật tốt. Tuy nhiên, giá của sự may
mắn ấy là anh đã lần lượt mất hết những người bạn, người anh em, người
đồng đội chí thiết nhất.
Họ bị giết ngay trước
mắt Kiên hoặc là đã chết ngay trong vòng tay anh. Nhiều người đã chết để
gỡ cho tính mạng Kiên. Nhiều người hy sinh bởi lỗi lầm của anh. Trong
đêm đen của hồi tưởng, Kiên nhìn đăm đăm vào bóng tối như nhìn vào cõi
âm và lần lượt thấy lại họ, những con người tuyệt vời, những con người
xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi dương này nhưng đã lẳng
lặng chấp nhận quy luật đơn giản của chiến tranh: mình chết thì bạn mình
sống? Vào buổi sáng của ngày 30-4, tức là vào những thời khắc cuối cùng
của cuộc chiến, khi cùng phân đội thọc sâu của trung đoàn tấn công dãy
lầu Lăng Cha Cả, đã có một giây Kiên chần chừ. Và một giây ấy của Kiên
đã lấp bằng tính mệnh của Từ, người đội viên trinh sát cuối cùng còn
cùng Kiên đánh được tới Sài Gòn. Kiên đã chần chừ khi từ khung cửa sổ
hình vòm của tầng trệt tòa lầu vang lên những tràng súng máy mà lẽ ra
phải câm bặt rồi sau nhiều trái M79 dọt vào phòng. Khựng lại và hơi né
ngang, Kiên chậm bước trong một phần tích tắc không cảm thấy được.
Nhưng, thế là Từ đã thoắt lên trước, áp tới khung cửa dành cho Kiên.
Loạt đạn của tên lính không thể trúng Kiên được nữa, dù anh chỉ sau Từ
có nửa bước chân. Dòng máu đặc sệt của Từ vọt tóe vào mặt Kiên thay cho
một tiếng thét, thay cho một lời giục giã… Cũng gần giống như thế, trên
tầng ba của Nha cảnh sát Buôn Ma Thuột, Oanh đã che chắn cho Kiên khỏi
hứng phải loạt đạn của kẻ bắn lén mặc váy mà hai người đã sơ ý để cho
sống.
Cũng giống như Cừ đã nổ súng bắn chặn cả
một trung đội địch cho nhóm trinh sát của Kiên thoát thân sau cú đột
nhập không thành vào sở chỉ huy lữ dù 3 trên đèo Phượng Hoàng. Cũng
chính trong lần trinh sát không may ấy, sau khi đã mất Cừ, Kiên còn mất
thêm Thịnh “nhớn” và Tâm.
Kiên nhớ, hôm ấy do bị
truy đuổi ráo riết, phải chạy vòng vo nên sáng ra rồi ba người mới xuống
được chân đèo phía bên Khánh Dương. Kiệt sức, ba đứa nghỉ lấy hơi dưới
lòng một con mương xói giữa rừng le. Tâm xé áo ra băng vết thương trên
đầu Thịnh.
Kiên ngồi tựa vào vách đất, gục mặt
xuống đầu gối. Rã rời anh kéo khẩu tiểu liên ra khỏi vai để nằm lên sỏi.
Địch ở trên đèo và quân ta ở Khánh Dương đang đấu pháo. Không khí rung
lên những tiếng nổ, rộ lên những tràng súng máy và cuồn cuộn những cột
lửa, nhưng ở rừng le nằm giữa hai chiến tuyến này có vẻ khá yên.
- Trung đội, thế là còn không đầy một mâm? - Kiên rên rỉ.
- Buồn làm đếch gì, Kiên! - Tâm nói - Hẵng cứ biết là cánh mình gặp may… Thoát được thế này nghĩ thật khó tin…
- Thì cũng nhờ Cừ… may cái nỗi gì…
Đất bỗng lở xuống rào rào, một bóng đen hắt xuống lòng khe. Kiên ngạc nhiên ngó lên. Giật bắn mình: một thằng dù?
- Đứng dậy!
Ba
phát đạn nảy tung đất ngay sát bàn tay Kiên khi anh định chộp lấy khẩu
AK. Tên dù đứng choãi chân trên bờ, cười nụ, nhìn họ. Cầm cập run lên,
Kiên đứng dậy. Mắt anh không thể rời khỏi cái họng đen ngòm của khẩu
AR15 đang chĩa thẳng vào ngực mình. Tâm và Thịnh cũng từ từ nhấc người
dậy, tay đưa lên. Ba khẩu AK nằm lỏng chỏng dưới chân. Tên dù cao lớn,
trẻ trung, tóc dài cợp, mũ nồi đỏ dắt ở cầu vai, hai tay áo xắn cao, bộ
quân phục loang lổ bám bụi đất đỏ quạch. Hắn mỉm cười, đưa đưa mũi súng,
ngón tay trỏ khuýp trong vòng cò. Kiên đứng ngây người, chết lặng, chờ
những viên đạn sắp phá tan lồng ngực chẻ nát xương cốt và khoan thủng
lưng cho máu anh phụt ra. Trống ngực nện thùm thùm: cổ nghẹn ngào co
giật làm đầu anh lắc lư một cách thảm hại.
- Đừng bắn, ông…! Tôi… chúng tôi xin hàng! - Tâm rên rỉ. Tên ngụy thích chí bật cười. Hắn đưa ngón tay ngoặc ngoặc:
- Lên đây! Lẹ lên! Đù cha tụi bây… hề hề… Ba thằng lận.
Ba người lập cập, líu ríu xô vào nhau, sợ hãi, ngoan ngoãn.
- Lẹ lên! - Tên ngụy gầm gừ.
- Ngay bây giờ. Ngay bây giờ đây! Đừng bắn…! - Tâm hớt hải nói và chen vượt lên trước Kiên.
Khi leo gần tới bờ khe, thình lình Tâm xoài người tới, túm lấy chân tên lính dù lực lưỡng, giật thật lực.
Một tràng “cực nhanh!” cướp cò bắn rét lên trời. Tâm và tên địch cùng lộn nhào xuống lòng con mương xói.
- Chạy… Thịnh, Kiên! Chạy đi…?
Lý
ra phải cưỡng lại tiếng thét thất thanh ấy của Tâm và nhảy xuống hợp
lực hạ thủ tên địch và cầm lấy vũ khí thì Kiên lại nhún người vọt lên bờ
khe. Nhác thấy một toán áo rằn đang rẽ rừng đổ xô tới, Kiên và sát sau
anh là Thịnh “nhớn” lập tức vùng chạy thục mạng dọc theo bờ mương xói.
Năm, sáu họng tiểu liên bắn rê theo. Kiên rạp lưng xuống, chạy dích dắc.
Đạn cày bên trái, bên phải, bấm sát gót, lia rát ràn rát mang tai, đỉnh
đầu.
- Ối - Thịnh hộc một tiếng, nhảy dựng lên
húc đầu vào không khí, vật sấp. Kiên lượn ngoằn ngoèo, mất hút sau các
lùm bụi ken dày. Bọn dù nã cối cá nhân truy theo nhưng chệch hẳn hướng
chạy của anh.
- Thoát chết! Thoát chết! Thoát
chết rồi-ồi-ồi…! - Mất trí đi vì sợ, vì đau đớn và bại hoại tinh thần,
Kiên đâm đầu chạy cho đến lúc quỵ liệt, ngã khuỵu gối. Nhưng từ đấy ý
thức của anh vẫn không ngừng thổn thức rền rĩ lên nỗi vui mừng xấu xa
gần như là một sự hài lòng hiểm độc vì rằng rốt cuộc mình vẫn là còn
sống, còn sống…
Tuy nhiên, kỷ niệm bi thảm,
thương tâm và hiểm nghèo nhất trong ký ức chiến tranh của Kiên dĩ nhiên
là kỷ niệm về Hòa. Bấy giờ là thời kỳ bất hạnh, vô cùng cay đắng trong
thoái trào của tấn công Mậu Thân. Những ngày ấy, trước mắt những người
lính thường như Kiên, ngay cả trời cao cũng đã thành ngõ cụt. Rút lui,
ôm đầu máu, khiêng cõng nhau, lê lết luồn rừng, chạy về phía Tây. Trong
không đầy nửa tháng mùa khô, hai lần bị bao vây, hai lần liều mạng mở
đường máu, đơn vị Kiên tan nát, vụn ra từng tốp, vừa đánh vừa chạy. Kiên
cùng ba chiến sĩ nữa trong đại đội hợp thành một nhóm vượt qua sông
Pô-cô, rồi lách ngang vùng Đồi Đen bị B52 chần ra bột, nhằm hướng mặt
trời lặn mà tháo thân. Ngang qua vùng rừng trũng dưới chân Ngọc Bơ Rây
bọn anh gặp một đoàn chừng hai chục cáng thương đang trên đường lánh
sang đất Miên, bên kia sông Sa Thầy. Đã gặp thì phải nhập vào với họ chứ
thực tình Kiên chẳng muốn chút nào. Lực lượng này đã quá tơi tả. Đạn
dược thiếu, lương thực gần nhẵn. Sức cùng lực kiệt. Và mặc dù họ có một
giao liên dẫn đường nhưng lại là nữ giao liên, mà gái Bắc chứ không phải
gái Thượng. Tứ bề toàn lính Mỹ, khắp các góc rừng họ đều có thể đụng
phải chúng hoặc gặp dấu vết chúng vừa đi ngang. Ở các nguồn nước còn sót
lại trong các vạt rừng trơ trụi và xác xơ của mùa khô đều có nguy cơ sa
vào phục kích. Bom pháo tơi bời, và trực thăng. Và thám báo hoành hành.
Sau những cuộc chạm súng bất ngờ, thương binh đông lên mà tải thương ít
dần. Bây giờ cứ phải ba người khiêng hai cáng. Thế mà trầy trật, rồng
rắn mãi vẫn chưa nghe thấy tiếng Sa Thầy reo, vẫn cứ quẩn quanh dưới
Ngọc Bơ Rây. Kiên tỏ ý ngờ là đã lạc lối song Hòa, cô giao liên một mực
quả quyết là không thể đi sai đường được. Không có bản đồ, không có địa
bàn nên Kiên cũng đành nhắm mắt phó mặc hướng hành trình cho cô gái.
Nhưng tới buổi sáng của ngày đường thứ ba thì tình hình trở nên tuyệt
vọng: đáng lẽ là bờ Đông Sa Thầy thì trước mặt họ trải rộng ra một đầm
lầy không thể có cách nào vượt qua.
- Chết rồi - Hòa buột thốt lên - Hồ Cá Sấu?
Kiên
đứng lặng trên bờ cỏ ở mép hồ nhìn làn hơi thối hoắc bốc lên, quánh
lại, dập dờn phủ lên các vạt lau lách. Đây đó mấy con cá sấu giương
những cặp mắt không mi thao láo trên váng nước xanh lè.
-
Hồ Cá Sấu à? Thì ra cái hố hôi thối này là nơi cô muốn đưa chúng tôi
đến để vãn cảnh phải không? - Kiên hất hàm hói: giọng khản đặc, hung dữ.
- Em có lỗi! - Hòa cúi mặt xuống, nói nhỏ.
- Không phải lỗi lầm mà là một tội ác! - Kiên tàn nhẫn dằn giọng - Cần phải xử bắn cô. Hiểu chưa! Nhưng vì đạn chẳng còn nhiều…
Hòa ngẩng lên, cặp mắt to rân rấn lệ, môi run run nói:
- Tôi sẽ chuộc tội, tôi xin chuộc tội này… Tôi sẽ tìm thấy đường…
- Cô sẽ cho anh em thương binh tắm bùn chứ?
-
Không. Hồ Cá Sấu, nghĩa là cũng rất gần bờ sông… Đồng chí cứ để tôi đi
lần lại đường. Sẽ tìm thấy ngay thôi… Giờ thì ta tạm lui về ẩn dưới cái
khe cạn vừa vượt qua khi nãy. Cho tôi thời gian xác định lại lối ra bờ
sông. Rồi đến tối sẽ hành quân tiếp.
L-19 lượn
vòng rất thấp trên mái rừng. Đạn pháo như tiếng nấc nghẹn chụp xuống một
loạt ở bên kia hồ. Rồi một loạt nữa. Một loạt nữa cấp tập. Mặt đất xóc
lên. Sóng nổi làm mặt hồ buồn thảm phù nề nhăn nhúm lại.
- Tôi sẽ chuộc lỗi các đồng chí ạ - Hòa nhắc lại, nôn nóng - Ngay bây giờ tôi sẽ… Nhưng ta cần đưa thương binh về náu dưới khe.
Không
tin tưởng Hòa, không muốn nghe theo cô nhưng Kiên thấy chẳng còn cách
nào khác. Mấy chục người, cả thương binh cả tải thương, đều đã kiệt quệ.
Tất cả đều là những thân hình rách rưới, sạm đen, đầy thương tích; rộc
rạc vì đói khát, lả đi vì cực nhọc sau bao nhiêu ngày liên miên xuyên
rừng. Họ rút khỏi bờ hồ, lùi về cái khe cạn lổng chổng đá hộc ở góc rừng
tre gai khô xác. Buổi xế trưa nắng chói chang, lòng rừng hầm hập hơi
nóng. Nhưng yên ắng lạ lùng, đáng sợ và khó hiểu. Không nghe thấy đại
bác nã. Không có tiếng rú rít của trực thăng. Chỉ còn vẳng lại tiếng
súng trường lẻ loi ở đâu đó và tiếng lép bép từ những đám cháy bên kia
khu rừng. Tiếng thương binh rên rỉ vì đau đớn và vì khát. Không khí nóng
hổi đè lên gáy. Một vòm trời dường như mặn chát. Nóng, ngột ngạt và
khát. Kiên cau có sẵng giọng bảo Hòa:
- Gần hay xa gì thì trước tối nay đồng chí phải tìm được đường tới bờ sông. Nếu không thì… Có hiểu không?
- Hiểu ạ Em xin đi ngay bây giờ đây.
Kiên kéo khẩu AK ra khỏi vai đặt vào lòng một lính tải thương đang ngồi co ro dưới đất, rồi nói với Hòa:
-
Khẩu AK của đồng chí cũng để lại cho anh em phòng khi bọn Mỹ ập đến.
Đạn gần hết cả rồi. Tôi, quả lựu đạn này là đủ. Còn đồng chí thì súng
ngắn đây cầm lấy! Còn bốn viên đạn đấy.
Kiên rút khẩu K59 cồm cộm trong túi quần ra đưa cho Hòa:
- Phải tránh giao chiến! Nhiệm vụ của tôi và đồng chí là tìm lối thoát chứ không phải là bắn nhau, hiểu chưa?
Hòa để tiểu liên lại, cầm lấy súng lục. Cô nhìn Kiên, ngập ngừng nói:
- Cứ để em đi một mình cũng được… Anh nên nghỉ cho lại sức.
- Không, tôi sẽ cùng đi với đồng chí.
- Em cam đoan sẽ tìm ra đường mà. Hay anh không tin em?
-
Tôi không tin - Kiên chau mày - Tôi không biết là có thể tin cậy đến
mức nào vào những lời nói, dù là lời cam đoan. Tôi chỉ tin vào những
điều tôi trông thấy. Với lại, đây là tính mạng của thương binh. Tôi và
đồng chí có nhiệm vụ phải thực hiện là: Bằng mọi giá phải tìm được đường
ra sông. Đấy, tôi biết như thế thôi.
- Em hiểu! - Hòa thở dài buồn bã và cụp mắt xuống.
Hai
người quay về dải rừng trũng ở ven hồ Cá Sấu để định lại hướng. Họ đi
qua một tảng đá hình đầu người nổi lên giữa một cái tràng mọc đầy những
cây bổi thấp lè tè.
- Đúng rồi, đi phía này! - Hòa nói và trỏ một bìa rừng thẫm đen bất động như một bức tường đá.
- Có đúng không? Kiên ngờ vực.
- Xin anh cứ tâm niệm cho em cái khối đá thằng người này - Hòa quả quyết - sắp tới đường giao liên rồi.
Họ
đi chệch lên hướng Tây-bắc và tìm thấy dấu một đường giao liên đã bỏ
hóa luồn dưới đáy những lạch suối đã tắt ngấm mạch nước. Vừa chạm vào
đường giao liên đã có thể cảm thấy hơi hướng của dòng sông. Rừng có vẻ
xanh tươi hơn. Không khí như có chút hơi mát. Từ đây Hòa có vẻ chắc chắn
là mình không lạc đường nữa. Cô dẫn Kiên di chuyển một cách tự tin qua
các vùng ánh sáng và bóng tối, vùng khô chát và ẩm ướt, vùng nồng nặc
hơi thở rữa nát của những hố lầy lớn nhỏ và vùng ngào ngạt hương thơm
của các trảng cỏ đỏ ối những hoa là hoa. Đường giao liên không rõ nét
dưới những thảm cỏ đã hóa mùn, đôi lúc lặn mất tăm. Nhưng dòng trôi trầm
trầm của Sa Thầy mỗi lúc một rõ. Hai người đi ngang qua một nương sắn
đã bỏ hoang lút cỏ dại và dừng lại trước một con đường dốc có xẻ bật dẫn
xuống một vực sâu màu lục.
- Dòng sông! - Hòa nói, tươi hẳn nét mặt lên nhìn Kiên.
Giữa
lòng thung sâu, Sa Thầy hiện lên thấp thoáng dưới mái rừng. Mặt nước
sáng bạc lấp lánh ánh nắng phản chiếu không ngừng uốn lượn và gấp khúc.
Dòng sông cất giọng thì thầm: trầm và sâu, thấp hơn tiếng cây cối thì
thào một âm bậc.
- Không cần phải xuống tận nơi
đâu, anh ạ. Đường thế là rõ rồi. Ta về đưa mọi người đi ngay thôi. Về
tới khe cạn chắc cũng vừa tối.
- Ừ. Nhưng ngồi nghỉ một lát đã.
- Vâng. Em cũng hết cả hơi rồi.
Họ
ngồi xuống cạnh nhau trên đỉnh dốc. Dưới xa dòng sông. Mãi tới lúc này
Kiên mới nhìn Hòa. Anh muốn khen ngợi cô, muốn xin lỗi vì đã nặng lời
nhưng không biết nên nói thế nào.
- Anh hút thuốc không?
- Đào đâu ra mà hút?
- Em có một điếu đây. Nhặt được khi nãy ở ngoài tràng ấy anh không để ý à? Một bao Salem nhưng còn được một điếu.
Cô moi trong túi ra một điếu thuốc, bật bật lửa và rít một vài hơi cho đầu điếu thuốc đỏ rực rồi đưa cho Kiên.
- Nghĩa là bọn Mỹ không xa đây - Kiên thở khói trầm ngâm.
- Cũng chưa chắc. Có khi lính mình hút. Nhưng đúng ra em và anh nên mang theo một AK.
-
Ừ nhưng tôi lo khi ta đi vắng bọn Mỹ sục tới. Anh em thương binh chỉ
còn cách bắn trả chứ chạy đi đâu được nữa. Mà đạn thì cạn cả rồi… Không
mang khí giới, tôi với Hòa càng phải thận trọng hơn để tránh chạm địch.
Nhiệm vụ của chúng mình là êm thấm đưa được cả đoàn sang bên kia sông.
Hiểu không?
Hòa gật đầu và đưa tay ra xin điếu thuốc. Kiên đưa điếu thuốc vào tận môi cô.
- Hòa hút thuốc à?
- Không, nhưng hút với anh cho vui. Với lại chẳng hiểu sao cứ bứt rứt hồi hộp thế nào ấy.
- Hòa chiến đấu lâu chưa?
-
Em vào B năm 66. Hai năm rồi, nhưng chủ yếu ở dưới cánh trung. Vùng này
em không thạo lắm. Mà cũng chưa bao giờ phải trải qua tình cảnh khó
khăn như lần này. Cảnh này có lẽ còn kéo dài anh nhỉ?
- Khó khăn chung của toàn chiến trường. Có thể chỉ mới bắt đầu.
Xa xa đại bác âm ỉ. Đâu đó phành phành tiếng trực thăng.
- Anh nhớ đường cho chắc nhé - Hòa bỗng nói.
- Ừ. Nhưng Hòa còn nhớ chắc hơn chứ.
- Vâng. Nhưng mà nhỡ ra em lại mắc lỗi gì, anh tử hình em thì sao?
- A, nhắc gì chuyện đó nữa, Hòa! Nóng giận lên ấy mà. Kể gì.
-
Không, em biết tội em chứ. Những lúc sợ lên em hay quên mất lối. Với
lại cảnh rừng thường làm em lú lẫn. Vì em quê miền biển, quê Hải Hậu.
Thế mà lại làm giao liên đường rừng thì anh bảo… Lúc nãy lúc cùng anh
rời khỏi khe em hãi lắm; không dám thú nhận là đã quên tiệt đường đi lối
lại. May sao mà chạm được cái khối đá hình thằng người là vật chuẩn để
nhớ, em mới lại hồn mà định hướng được.
- Hồi đi B Hòa bao nhiêu tuổi?
- Mười tám. Hai năm rồi, thế mà vẫn chưa sao quen được.
- Ai mà có thể quen nổi, - Kiên thở dài, dụi điếu thuốc xuống đất rồi bảo:
-
Bây giờ Hòa ở lại đây chờ. Mình mình quay lại đón mọi người thôi. Hòa
ngồi chờ ở đây, tranh thủ mà nghỉ đi. Đường còn xa, còn vất vả lắm.
- Không. Sao lại thế. Em là giao liên cơ mà. Với lại ngồi một mình thế này em kinh lắm. Và, em muốn đi với anh, Kiên ạ!
-
Thế thì ta đi đi - Kiên nói khẽ và quàng tay ôm lấy vai Hòa. Trìu mến
dịu hiền Hòa từ từ ngả đầu vào vai anh. Họ ngồi tựa vào nhau như thế một
lúc nữa, một lúc lâu. Tiếng ù ù của chiếc AD6 bay tuần tra triền sông
kéo họ ra khỏi thoáng êm đềm. Miễn cưỡng Kiên đỡ Hòa đứng dậy. Trên
đường về cả hai đều rảo bước. Bóng của họ ngả dài. Trên rặng Ngọc Bơ Rây
ánh tà nhuộm đỏ các đỉnh núi. Cảnh rừng trong bóng chiều im lặng nặng
nề. Một nỗi căng thẳng khó chịu cứa vào tâm trạng hai người. Họ đi mau,
không trò chuyện.
Tiếng gió lào xào và tiếng cành
khô gãy. Một con rắn hổ mang lướt nhanh qua lối mòn. Gió từ mạn hồ Cá
Sấu thổi tới mùi bùn nồng nặc. Chỉ còn một đoạn mười phút nữa là về tới
khe cạn chỗ anh em thương binh đang đợi. Họ đã vượt qua tảng đá hình đầu
người và bắt đầu đi vào rừng tre gai. Chim chóc từ rừng bay ra gặp hơi
nóng ngoài trảng liền bay lộn vào kêu inh ỏi. Mới đi qua mấy lùm tre
chằng chịt ở bìa rừng Kiên sững lại. Nghẽn trong cổ họng một tiếng kêu.
Kiên tái mặt kéo Hòa ngồi thụp xuống. Bọn Mỹ!
Chẳng
hiểu sao chỉ cách vài bước chân, vướng một lùm cây mà bọn địch không
kịp phát hiện ra Kiên và Hòa. Chúng cũng vừa tiến vào khu rừng này nhưng
theo một hướng khác, cắt một góc hẹp với hướng đi của hai người. Chỉ
chậm một loáng nữa thôi thì họ đã chạm phải tên Mỹ đi đầu. Thực ra Kiên
trông thấy trước tiên là con chó. Con vật nhô ra khỏi lùm tre ken dày
như bức tường phía tay trái anh cách qua một bãi cỏ hẹp. Con vật to tày
con bê, lông xám với những đốm vá bên sườn. Cái mũi rất thính lia trên
mặt đất, con béc-giê thong thả chạy chếch lên phía lùm cây trước mặt
Kiên. Tên Mỹ đi đầu xuất hiện ngay sau con chó là một tên lính da đen
mặc áo giáp, đầu đội sắt bọc lưới, chân dận bốt đờ xô, tay nắm đầu sợi
dây da dài bị con chó săn kéo căng ra. Theo sau hắn, cũng một tên da
đen, cởi trần, những băng đạn vắt kín đôi vai lực lưỡng. Rồi tên thứ ba,
tóc vàng hoe, cũng gần như trần truồng, to cao, khỏe như vâm, tiểu liên
lăm lăm trong tay. Tên thứ tư… Kiên thấy loáng thoáng bóng những tên
khác sau lùm tre, không rõ có bao nhiêu tên. Chúng tiến hàng dọc, giãn
cách thưa, cao lớn âm thầm, bước mau nhưng rất nhẹ chân, gần như không
có tiếng động, dáng dấp tàn ác và gian manh của những con sói.
Con
chó béc-giê to lớn dừng lại ở bụi cây phía trước Kiên hít hít một vật
gì đó. Tên quản chó bước tới đưa mũi súng khều vật ấy lên. Co rúm người
lại, mắt mở trừng trừng, Kiên nhận ra ở mũi khẩu M 16 một dải băng
trắng. Kiên xiết chặt quả lựu đạn, lòng tê bại, thấp thỏm. Miễn sao con
chó không bắt được hơi của anh và Hòa, miễn sao những thằng Mỹ không nảy
ra ý định lục soát xung quanh đây, Kiên run rẩy nghĩ, nhưng anh không
hề thoáng nghĩ rằng bọn lính đang lần theo dấu vết của đoàn tải thương
để lại trên đường di chuyển từ hồ Cá Sấu về khe cạn. Thậm chí anh không
để ý rằng, Hòa đã lẳng lặng trườn xa chỗ anh nấp. Những tên Mỹ còn khuất
trong lùm tre phía bên trái cất tiếng làu nhàu. Chắc là chúng chửi rủa.
Tên quản chó giật giật sợi dây da. Con chó lại dí mũi xuống sát đất
ngoắt ngoắt đuôi, nhanh nhẹn chạy chếch lên phía trước theo hướng mục
tiêu mà nó bắt được trong thính giác. Kiên kín đáo thở phào. Đúng giây
lát đó, thình lình vang lên một phát súng lục. Tiếng súng ngắn nhưng làm
bầu không khí lặng phắc của rừng chiều giật nảy lên. Con chó săn hộc
một tiếng kêu đau đớn. Bọn Mỹ phản ứng cực nhanh, nằm rạp xuống và lăn
tản ra. Tên quản chó buông sợi dây da. Phát K59 thứ hai vang lên. Bây
giờ Kiên mới kịp hiểu là Hòa đã bắn, anh choáng hồn. Con chó có lẽ đã
trúng đạn nhưng nó hăng lên, hung dữ như cọp, hú lên, rẽ ngang lao dạt
tới nơi phát ra tiếng súng. Sau một ụ mối chếch bên tay mặt Kiên chừng
chục bước chân, Hòa nhô hẳn người lên. Mặt trời xuống thấp lùa ánh sáng
qua cửa rừng. Những làn ánh sáng cuối cùng trong ngày, đỏ thẫm như máu.
Hòa đứng hơi nghiêng trước nắng tà nên thân hình mảnh mai nổi lên đậm
nét với những đường cong sẫm tối và những vệt da bắt sáng. Mái tóc xõa
trên vai. Cái cổ cao yếu ớt, áo cộc, quần đùi, đôi chân trần dầy vết gai
cào. Con chó lao xộc tới, tung mình chồm lên, hứng gọn hai phát đạn,
bật lộn ra sau như bị đá thốc vào ngực. Tất cả diễn ra trong chớp mắt.
Hòa quăng khẩu súng hết đạn về phía bọn Mỹ đang chồm dậy, và xoay người
chạy lao ra khỏi rừng băng vào trong trảng. Bọn Mỹ không bắn, rầm rập
đuổi theo. Tên xông qua gần chỗ Kiên nhất đế giày như suýt đạp vào tay
anh. Chừng hơn chục tên, phần đa là Mỹ da đen, nhanh nhẹn và cực khỏe.
Chúng lao như gió. Có lẽ ngay lập tức đã đuổi kịp Hòa. Chúng reo ồ lên.
Tuy nhiên hướng chạy của Hòa kéo chúng ra xa Kiên, đồng thời cũng hút
chúng lệch khỏi vệt đường có thể dẫn tới khe cạn.
Trườn
theo các lùm cây, Kiên men tới cửa rừng và len lén anh nhổm lên, quỳ
một chân, nhìn ra trảng. Quả lựu đạn đã rút chốt như chỉ chực rớt ngay
xuống chân Kiên. Tay anh lạnh ngắt, các ngón run và toàn thân anh tròng
trành, đầu óc chao đưa hầu như không còn tự chủ được nữa. Ngợp trước mắt
anh. Ở ngoài trảng, trên đám những cây bổi bị giẫm nát ngay sát tảng đá
rêu mốc chơ vơ hình đầu người, kín nghịt một đống kinh khủng đen ngòm,
lấp loáng mồ hôi và phì phò hơi thở rốc. Không nghe thấy tiếng Hòa kêu,
nhưng mà có thể cảm thấy tiếng kêu ấy.
Bọn Mỹ dồn
cục lại, nhưng chỉ có vài tên còn đang đứng và đều xây lưng lại phía
Kiên. Chúng không hò hét, không rống cười, không quát tháo. Sự thể ghê
rợn bày ra: quằn quại trong yên tĩnh man rợ. Chỉ trong tầm ba chục thước
không hơn, Kiên đủ sức “cả cái” trái cầu thép này vào giữa đám, quét đi
ít nhất là non nửa số Mỹ đang chất đống. Nhưng nín lặng, gần như nín cả
thở nữa, Kiên cứ như thế quỳ mãi, náu kín mình sau lùm cây ở bìa rừng.
Đã đến lúc phải cắt ngang cận cảnh dã man này, phải đánh dấu chấm hết
lên đầu bọn khỉ đột, song cái dấu chấm hết ấy vẫn bị giữ lại khư khư
trong lòng bàn tay Kiên. Hoàng hôn trùm lấp anh. Sương mù dâng cuồn cuộn
và muỗi đàn đàn bu tới. Trong những tia hồi quang mờ lụi của phút tận
chiều nhá nhem, Kiên như càng thấy rõ hơn cảnh tượng rùng rợn. Vậy mà
lẳng lặng anh tra lại chốt cho quả u ét rồi từ từ bò lui. Và cùng với
bóng tối đang buông xuống rừng từng đợt anh êm thấm trở về chỗ khe cạn.
Đoàn
tải thương lập tức dắt díu, khiêng cáng nhau di chuyển. Và mặc dù đêm
tối trời đen đặc, lại phải đi tránh khỏi cái trảng có tảng đá hình đầu
người dùng làm vật chuẩn, Kiên vẫn định được hướng. Trong đêm theo lối
mòn Hòa đã tìm thấy khi chiều, anh dẫn cả đoàn tiếp cận bờ sông và vượt
sang ngang trót lọt. Do không chạm địch nên Kiên không phải dùng tới
trái lựu đạn. Cả đêm anh giữ nó lăm lăm trong tay, làm nóng lớp vỏ thép.
Sau đấy chẳng thấy ai hỏi gì anh về Hòa cả. Anh cũng chẳng kể, rồi cũng
bẵng quên. Có lẽ, đức hy sinh sự quên mình là cái gì quá giản dị, dễ
hiểu, dễ nhớ dễ quên. Một người ngã xuống để người khác có thể sống,
chuyện đó quá thông thường. Phải rất nhiều năm sau, nhờ tham gia vào đội
thu nhặt hài cốt tử sĩ của sư đoàn, Kiên mới có dịp trở lại vùng hồ Cá
Sấu. Tất nhiên anh nhớ ngay tới Hòa và muốn đi tìm lại đoạn đường rừng
ngày trước. Nhưng cái trảng trống ấy không hiểu sao chẳng còn dấu vết.
Tảng đá hình đầu người, chứng tích duy nhất như thể đã bị nhòa trong
thời gian. Chỉ còn lại đó ngàn cây âm u, những thảm lá mục nát lấp lên
đáy rừng, các khe cạn, tiếng chim chóc, tiếng gió, tiếng những nguồn
nước thì thầm xa xôi và hương thơm hoa chạc chậu hoa vòi voi, hòa quện
vào nhau gợi nhớ và lưu giữ một điều gì đấy thầm lặng, mơ hồ, phảng phất
đâu đây.
Ngồi xuống ở một bìa rừng trong bóng
hoàng hôn, nhắm mắt lại dõi nhìn vào cõi xa khuất, lặng lẽ Kiên trông
thấy toàn cảnh của những gì mà trí nhớ đã lảng tránh suốt bao năm từ bấy
đến giờ. Anh cảm thấy lại cả trái lựu đạn đã rút chốt mà không dám phát
nổ của mình buổi chiều hôm đó đang nằm nằng nặng trong lòng bàn tay.
Tuy nhiên, bao nhiêu sợ hãi và đau đớn, uất giận và căm hờn, những trạng
thái tinh thần bạo liệt đã co giật và giằng xé trong lòng anh khi ấy
trước tình cảnh kinh khủng quá sức chịu đựng ấy, không còn có thể trỗi
dậy cùng với hồi tưởng. Bây giờ đây chỉ có nỗi buồn, mênh mang nỗi buồn -
nỗi buồn được sống sót, nỗi buồn chiến tranh - tràn phủ tâm hồn anh.
Nếu
không nhờ có Hòa cùng biết bao đồng đội thân yêu ruột thịt, vô số và vô
danh, những người lính thường, những liệt sĩ của lòng nhân, đã làm sáng
danh đất nước này và đã làm nên vẻ đẹp tinh thần cho cuộc kháng chiến,
thì đối với Kiên, chiến tranh với bộ mặt gớm guốc của nó, với những móng
vuốt của nó, với những sự thật trần trụi bất nhân nhất của nó sẽ chỉ
đơn thuần có nghĩa là một thời buổi và một quãng đời mà bất kỳ ai đã
phải trải qua, đều mãi mãi bị ám ảnh, mãi mãi mất khả năng sống bình
thường, mãi mãi không thể tha thứ cho mình. Bản thân anh nếu không nhờ
được sự che chở đùm bọc, được cưu mang và được cứu rỗi trong tình đồng
đội bác ái thì ắt rằng đã chết từ lâu, không vì bị giết chết cũng sẽ tự
giết mình bằng cách nào đó để thoát khỏi gánh nặng chém giết, gánh nặng
bạo lực mà thân phận con sâu cái kiến của người lính phải cõng trên lưng
đời đời kiếp kiếp.
Bây giờ thì đã qua cả rồi.
Tiếng ồn ào của những cuộc xung sát đã im bặt. Gió lặng cây dừng. Và vì
chúng ta đã chiến thắng nên đương nhiên có nghĩa là chính nghĩa đã
thắng, điều này có một ý nghĩa an ủi lớn lao, thật thế. Tuy nhiên, cứ
nghĩ mà xem, cứ nhìn vào sự sống sót của bản thân mình; cứ nhìn kỹ vào
nền hòa bình thản nhiên kia và nhìn cái đất nước đã chiến thắng này mà
xem: đau xót, chua chát và nhất là buồn xiết bao.
Một
người ngã xuống để những người khác sống, điều đó chẳng có gì mới, thật
thế. Nhưng khi anh và tôi thì sống còn những người ưu tú nhất, tốt đẹp
nhất, những người xứng đáng hơn ai hết quyền sống trên cõi dương này đều
gục ngã, bị nghiền nát, bị cỗ máy đẫm máu của chiến trận chà đạp, đày
đọa, bị bạo lực tăm tối hành hạ, làm nhục rồi giết chết, bị chôn vùi, bị
quét sạch, bị tuyệt diệt, thì sự bình yên này, cuộc sống này, cảnh trời
êm biển lặng này là cả một nghịch lý quái gở.
Chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng.
Cứ
nhìn mà xem, cứ ngẫm nghĩ mà xem sự thực là như thế đấy. Những tổn
thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành, đau khổ sẽ
hóa thạch nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ càng ngày càng thấm
thía hơn, sẽ không bao giờ nguôi.
Chính là từ
chuyến đi tảo mộ năm ấy, trên con đường hành hương xuyên giữa rừng rậm
chằng chịt những sự tích bị lãng quên, qua hồ Cá Sấu với Hòa, qua Truông
Gọi Hồn với anh em trong trung đội trinh sát mà Kiên đã bắt đầu quá
trình lâu dài cảm nhận lại chiến tranh dưới làn ánh sáng chậm rãi của
nỗi buồn.
Từng bước một, từng bước một, từng
ngày, từng sự kiện được tái hiện trong lòng anh một cách trầm tĩnh và u
buồn. Ánh sáng của nỗi buồn soi về quá khứ, ấy cũng là ánh sáng thức
tỉnh, ánh sáng cứu rỗi của đời anh. Bằng sự trầm mình sâu xa trong hồi
tưởng, trong nỗi đau buồn chiến tranh không bao giờ nguôi mà anh sẽ tồn
tại đến trót đời với thiên chức là một cây bút của những người đã hy
sinh, là nhà tiên tri những năm tháng đã qua đi, người báo trước thời
quá khứ.
Bình luận
No comments:
Post a Comment