Nỗi Buồn Chiến Tranh
Chương 8
KHI
NHÀ VĂN CỦA PHƯỜNG CHÚNG TÔI từ bỏ khu phố này, anh chẳng hề cho ai
hay, mà rồi thực ra cũng chẳng ai người ta để ý. Anh vẫn thường biến
mất, khi một tuần, khi hàng tháng. Lần này có thể là hàng năm chăng,
thậm chí mãi mãi. Chuyện đó chẳng có gì lạ, cũng chẳng khó gì, bởi nếu
biết làm cho mình tự do thì con người ta vẫn nhiều vận hội và vẫn có
muôn ngả để sống, như gió trời.
Hôm anh ta đi,
phòng để ngỏ. Vào lúc rạng mai gió bấc tràn về bung màn cửa sổ. Bụi xám
mưa phùn thổi vào buồng, phủ lên chút ít đồ đạc sơ sài, những tàn tích
của một lối sống đã quá thời. Tro than từ lò sưởi tỏa phù ra, và giấy má
từ mặt bàn, giá sách, từ đống bản thảo chất trong góc tung xỏa, vương
khắp trên sàn.
Người đàn bà hôm ấy đã ở lại qua
đêm trong phòng, tỉnh dậy, còn lại một mình, âm thầm chị thu dọn căn
buồng bừa bộn xơ xác. Tất cả giấy tờ tan tác chị nhặt hết lại, dồn vào
với chồng bản thảo, thành cả một tòa núi non. Sau đó người ta thấy chị
lễ mễ khuân toàn bộ núi giấy ấy lên tầng áp mái, nơi chị ở.
Tất
cả đều khó hiểu đối với chị. Vì sao anh bỏ đi và đi đâu, chị không
biết. Nhưng chị không thể nói, không thể hỏi gì ở ai về anh. Chỉ biết
bộc bạch tâm sự bằng sự buồn xỉu làm tăng lên sức nặng của sự câm lặng u
ám.
Và kệ rằng năm tháng trôi qua, và quên rằng,
trước khi ra đi anh đã định cho tuốt vào lò, chị vẫn cẩn thận giữ gìn
nguyên vẹn cái khối lượng ngốt người những trang bản thảo rối bời đầy
bụi ấy. Người ta đùa rằng chị đã phải bùa ngải nên đã
trở thành thần giữ của. Riêng tôi thì tôi lại cảm thấy trong sự chờ đợi
kín như bưng của người đàn bà câm đối với tay nhà văn của phường có cái
gì như lòng thủy chung của một độc giả giành cho tác phẩm gối đầu
giường. Và nếu đúng như vậy thì giá trị của tác phẩm không bao giờ ra
đời ấy, tôi nghĩ, chí ít cũng đã được khẳng định, hay nói cách khác,
được bảo đảm bởi tấm lòng người độc giả độc nhất của nó.
Về
sau, khi bằng một cách nào đó, có được trong tay toàn bộ bản thảo trữ
trên tầng áp mái trong phòng người đàn bà bị câm, không hiểu sao tôi
thấy khá yên tâm với sự đảm bảo thầm lặng của chị để có thể kiên nhẫn
lần đọc kỹ càng thậm chí từng trang. Tất nhiên, tôi cố gắng như thế còn
do sự cám dỗ bởi sự tò mò muốn tìm hiểu đôi chút về một nhân vật mà
bàn dân thiên hạ trong phố coi là hiện tượng dị biệt, khó cắt nghĩa. Một
kẻ bị ma ám, người ta bảo thế, một di chứng của thời đại trước. Một con
ma men, uống để sám hối, để chôn vùi những uẩn khúc, những tội lỗi hẳn
là vô khối trong đời. Một kẻ được đàn bà ưa thích và cưu mang song lại
là một tay ái nam ái nữ về phần hồn. Một tay tiểu tư sản thực thụ cuối
cùng của khu phố, phản loạn và cực đoan song cực kỳ bạc nhược và cực kỳ
do dự. Đại để là như thế, nói chung là chẳng rõ ràng gì. Tuy nhiên,
trong thời buổi mà hầu hết chúng ta đều chung một tuyến cảm xúc, tôi
thường bị hấp dẫn bởi những nhân cách lạc điệu và vì vậy đã gắng đọc của
anh ta, dù rằng thật là cực nhọc.
Thoạt tiên,
tôi cũng gắng sắp xếp để tìm lại một trình tự mong có thể đọc được như
tôi vẫn thường đọc. Song hoài công. Có vẻ như chẳng một trình tự nào
hết. Trang nào cũng hầu như là trang đầu, trang nào cũng có vẻ là trang
cuối. Tôi nghĩ, ngay dù có đánh số trang, ngay dù không có trường đoạn
bị đốt, bị mối xông, không có những trang mà tác giả đã loại nhưng vẫn
lẫn bản thảo thì đây vẫn là một sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của
sự rối bời. Tôi không muốn nói là điên rồ.
Từng
trang, từng trường đoạn một thì có thể theo dõi được, đôi khi khá cuốn
hút. Những địa danh không còn ai nhớ tới của một mặt trận thân thuộc
khiến tôi xúc động. Những cận cảnh chiến đấu, những tiểu tiết của cuộc
sống binh sĩ, những gương mặt đồng đội hiện lên ngắn ngủi, thoáng lướt
nhưng đậm nét trên từng trang. Tuy nhiên mạch chuyện không ngừng đứt
gãy. Tác phẩm từ đầu đến cuối không hề có nổi một tuyến chung, một bề
mặt đại khái nào mà hoàn toàn là những khối thù hình. Tất cả đang diễn
ra đột nhiên đứt gãy và bị quét sạch khỏi giữa chừng trang giấy như thể
rơi vào một kẽ nứt nào đó của thời gian tác phẩm. Ta vẫn gọi đó là sự
mất bố cục, sự thiếu mạch lạc, thiếu bao quát nhiều khi chứng tỏ sự hụt
hẫng của tư duy người viết Chứng tỏ cái vẻ lực bất tòng tâm của y. Cũng
là một trung đội trinh sát đó thôi nhưng bạn thử tưởng tượng xem, ở
trang này họ là người lính thiện chiến nhất, gây chết chóc đáng sợ nhất
cho đối phương, ở trang sau hỡi ôi, không thể tin được, họ lại biến
thành những nhân vật rã rời u ám, ngợp ngọng nhất, yếu đuối và lờ phờ
nhất, thậm chí tác giả còn biến họ thành những hồn ma, những âm binh ảo
não trôi dạt trong bụi bờ, trong các góc tối cầu thang, đến với nhau
trong những cơn ác mộng. Tất cả bọn họ đã bị giết, mỗi người mỗi cách,
vậy mà rồi lại thấy họ kéo lê bước chân trên hè phố, nhếch nhác sống
cuộc đời mạt vận của những gã tiểu thị dân thời hậu chiến. Và rốt cuộc,
đến chính họ cùng với tác giả cũng phải ngỡ ngàng, bởi không đâu họ lại
trở về với cõi cực lạc của những ngày tháng xa xưa, với tuổi thơ, với cô
bạn gái nhỏ, với niềm tin ngây thơ trong trắng thuở trước chiến tranh?
Buồn thay, họ là những người tình tuyệt vời lại là những con người cô
độc vĩnh viễn, chẳng những đã mất lứa đôi mà còn mất đi khả năng yêu
đương, và bởi những ám ảnh mà trở nên suy đồi theo cái cách của họ. Còn
bản thân tác giả, mặc dù xưng “tôi” nhưng đích thực y là ai trong những
lính trinh sát ấy, những hồn ma, những bộ hài cốt moi từ đáy rừng lên
ấy, những cậu bé con nhà bị đẩy lạc ra khỏi nguồn văn hóa, những đứa con
của tự do nhưng trong đầu lại đầy những định kiến ấy? Tôi không biết.
Tôi không hiểu gì cả. Tôi chỉ hiểu nguyên do vì sao mà tác giả đã không
tìm cách xuất bản sáng tác của mình, vì sao y viết để mà viết, suy nghĩ
để mà suy nghĩ rồi lại giao phó tất cả cho một người câm tuyệt đối kín
đáo để gửi gắm và chôn vùi những ý tưởng rối loạn của mình.
Dần
dà chính tôi đã đi đến chỗ cho phép mình đọc theo một phương thức rất
tùy nghi. Tôi đọc cả núi giấy ấy theo một cách giản đơn là tờ trước rồi
đến tờ sau bất kể trình tự đó là ngẫu nhiên, bất kể đó là một trang bản
thảo hay là một lá thư, một trang ghi chép rời ra từ sổ tay, một trang
nhật ký, một bản nháp của bài báo. Tôi đọc gộp cả lại, giở lần lượt từng
tờ ra mà đọc. Tôi thấy lẫn trong đó những bức ảnh, những bài thơ, những
bản nhạc chép tay, những tờ khai lý lịch, giấy chứng nhận huân chương,
chứng nhận thương tật, và cả những quân bài quăn nát, lem nhem từ con 2
đến con át…
Cái lối tùy tiện ấy có hiệu quả đối
với nhận thức của tôi. Trước mắt tôi lúc này tác phẩm bị dẹp bỏ của nhà
văn phường chúng tôi hiện lên trong một cấu trúc khác, trong sự hòa đồng
với cuộc đời thực không hề hư cấu của anh. Tôi đã chép lại hầu như toàn
bộ theo đúng cái trình tự tình cờ tôi có được ấy, chỉ lược đi những
trang không thể đọc nổi vì mực bị phai, vì viết quá tháu, những trang rõ
ràng là trùng lặp, những mẩu thư từ nói những chuyện người thứ ba không
thể hiểu nổi hoặc những mẩu ghi chép linh tinh tối nghĩa. Không hề có
một chữ nào là của tôi trong bản thảo mới, tôi chỉ xoay xoay vặn vặn như
một người chơi ru-bic vậy thôi. Nhưng sau khi chép xong, đọc lại, tôi
ngỡ ngàng nhận thấy những ý tưởng của mình, những cảm giác của mình,
thậm chí cả những cảnh ngộ của mình nữa. Dường như do sự tình cờ của câu
chữ và của bố cục, tôi và tác giả đã ngẫu nhiên trở nên hòa đồng tư
tưởng, trở nên rất gần nhau. Thậm chí tôi ngờ rằng có quen anh trong
chiến tranh.
Phải, anh đã thay đổi ghê gớm, nhưng
tôi đã nhận ra. Anh ta cao lớn mảnh dẻ, vẻ mặt không đẹp, lầm lì, có
ánh nhìn man rợ. Da dẻ anh khô và sạm, thủng lỗ chỗ, đét lại như thuộc,
lốm đốm vệt thuốc súng, môi mím chặt. Bên má một vết đạn bắn thẳng cầy
một rãnh sát sạt vào xương.
Chúng tôi đã gặp nhau
trên đường chiến tranh, vào một ngày nào đó. Cùng lê bước trong bụi đỏ
và trong bùn lầy, vai đeo tiểu liên, lưng đeo gùi. Chân đi đất. Và tôi
cũng như anh, cũng như mọi người lính thường khác của cuộc chiến tranh
Việt-Mỹ, đã cùng chung một số phận, chia nhau đủ mọi cảnh ngộ thăng
trầm, thắng bại, hạnh phúc đau khổ, mất và còn. Nhưng mỗi người trong
chúng tôi bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng, mỗi người ngay từ
ngày đó đã mang trong lòng một cuộc chiến tranh của riêng mình nhiều khi
hoàn toàn khác với cuộc chiến đấu chung, những nhìn nhận mà sâu trong
lòng cực kỳ khác nhau về con người, về thời đại chiến trận, và đương
nhiên mỗi người một số phận hậu chiến. Có thể nói chúng tôi giống nhau ở
chỗ là hoàn toàn khác nhau trong cái vẻ hoàn toàn giống nhau trong quá
trình nặng nề đeo đuổi cuộc chiến.
Nhưng chúng
tôi còn có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn
cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà
chúng tôi đã thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi bị chôn vùi trong cảnh
chém giết triền miên, trong cảnh khốn khổ của những tay súng, những đầu
lê, những ám ảnh bạo lực và bạo hành, để bước trở lại con đường riêng
của mỗi cuộc đời có lẽ chẳng sung sướng gì và cũng đầy tội lỗi, nhưng
vẫn là cuộc đời đẹp đẽ nhất mà chúng tôi có thể hy vọng, bởi vì đấy là
đời sống hòa bình. Đấy chắc chắn là điều mà tác giả thực sự của tác phẩm
này muốn nói.
Tuy nhiên riêng anh thì nỗi buồn
chiến tranh do nhiều lý do nặng nề hơn nhiều so với tôi. Nỗi buồn ngăn
không cho anh cảm thấy một chút nhẹ lòng trong đời sống hiện tại. Ngày
tháng của đời anh cứ lùi lại mãi. Có lẽ ấy là một cảnh ngộ trái khoáy,
một sự bi quan bế tắc như ta thường nói, một đời sống tinh thần vô vọng.
Nhưng mặc dù thế, tôi tin rằng anh vô cùng hạnh phúc trên con đường
hướng mãi về quá khứ. Không bị sự quên lãng xói mòn, tâm hồn anh mãi mãi
được sống trong mùa xuân của những tình cảm mà ngày nay đã mai một hoặc
đã già cỗi và biến tướng. Anh sẽ được trở lại với tình yêu, tình bạn,
tình đồng chí, những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn đau
khổ của chiến tranh. Tôi cảm thấy ghen tị với niềm cảm hứng, niềm lạc
quan quay ngược về quá khứ của anh. Bởi vì nhờ thế mà anh vĩnh viễn được
sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất
hạnh nhưng chan chứa tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao
chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng tất
cả và hy sinh tất cả. Ngày mà tất cả đều còn rất son trẻ, trong trắng và
chân thành.
Hết
Bình luận
No comments:
Post a Comment