Những đại dịch tàn khốc và bài học thời Covid-19
Đại dịch virus corona chủng mới, được đặt tên là Covid-19, lẽ ra đã có thể đoán trước được.
Từ những bài tường thuật của chính mình, tôi đã trực tiếp nắm được những thông tin về đại dịch này.
Vào
tháng 10/2019, tôi tham dự một chương trình giả lập liên quan đến một
đại dịch giả tưởng, do một loại virus corona mới gây ra, giết chết 65
triệu người, và vào năm 2017 tôi từng viết một phóng sự cho Tạp chí TIME
về cùng chủ đề. Bài viết trên trang bìa tạp chí có tựa đề: "Cảnh báo:
Thế giới chưa sẵn sàng cho đại dịch mới".
Kiến thức của tôi không có gì đặc biệt lắm.
Trong
15 năm qua, không ít bài báo và các sách trắng từng đưa ra những cảnh
báo thảm khốc rằng đại dịch toàn cầu với một loại bệnh hô hấp mới chỉ
còn là vấn đề thời gian.
Trên tạp chí BBC Future vào năm 2018,
chúng tôi tường thuật các chuyên gia tin rằng đại dịch cúm chỉ còn là
vấn đề thời gian và rằng có thể có đến hàng triệu loại virus chưa được
biết đến trên thế giới, và có một chuyên gia nói với chúng tôi rằng,
"Tôi nghĩ có nhiều khả năng là đại dịch kế tiếp sẽ do một loại virus mới
gây ra."
Vào năm 2019, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh dưới quyền
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành một diễn tập đại dịch có tên "Bệnh
truyền nhiễm Đỏ", trong đó họ giả định là có một đại dịch cúm xuất phát
từ Trung Quốc và lan ra khắp thế giới.
Giả lập này dự đoán có thể sẽ có 586.000 người thiệt mạng chỉ riêng tại Mỹ.
Nếu ước tính bi quan nhất về Đại dịch Covid-19 trở thành hiện thực, thì thứ như "Bệnh truyền nhiễm Đỏ" sẽ còn là may mắn.
Chỉ
mới tính đến ngày 26/3 đã có hơn 470.000 ca bệnh Covid-19 được xác định
trên toàn cầu, với 20.000 người tử vong. Căn bệnh lan đến mọi châu lục
trừ Nam Cực.
Trong thực tế thì nó đã là đại dịch từ trước khi Tổ
chức Y tế Thế giới WHO chính thức tuyên bố đại dịch, vào ngày 11/3. Và
lẽ ra ta phải thấy trước đại dịch này đang đến.
Covid-19 đánh dấu sự trở lại của kẻ thù cực kỳ xưa
cũ và quen thuộc. Trong suốt lịch sử, không gì giết chết nhiều người
bằng virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh.
Không phải thảm họa tự nhiên như động đất hay núi lửa. Còn chiến tranh thì thậm chí không đáng để tính đến.
Kẻ giết người hàng loạt
Hãy
lấy ví dụ bệnh sốt rét do muỗi lây truyền. Căn bệnh này đã rình mò thế
giới loài người trong hàng ngàn năm, và dù số người chết giảm đáng kể
trong 20 năm qua thì nó vẫn làm chết gần nửa triệu người mỗi năm.
Qua
hàng ngàn năm, bệnh dịch đã là kẻ giết người hàng loạt ở quy mô mà ta
không thể nào tưởng tượng nổi ngày nay - dù là trong thời đại của virus
corona.
Bệnh dịch hạch Justinian xảy ra vào thế kỷ thứ Sáu và giết đến 50 triệu người, có lẽ là một nửa dân số toàn cầu thời đó.
Cái Chết Đen xảy ra vào thế kỷ 14 - có vẻ như do cùng loại mầm bệnh gây ra - giết đến 200 triệu người.
Bệnh
đậu mùa có thể đã làm chết đến 300 triệu người chỉ riêng trong thế kỷ
20, mặc dù đó là lúc chúng ta đã có vaccine ngừa hiệu quả - cũng là loại
vaccine đầu tiên trên thế giới - từ năm 1796.
Khoảng 50-100
triệu người chết vì đại dịch cúm năm 1918 - số người chết vượt xa số
thương vong trong Thế chiến Thứ Nhất, vốn xảy ra vào cùng thời kỳ. Cứ ba
người thì có một người bị nhiễm virus cúm năm 1918.
HIV, đại dịch
vẫn còn theo ta và vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, đã giết chết khoảng
32 triệu người và lây nhiễm đến 75 triệu người, và mỗi ngày đều có thêm
người nhiễm mới.
Nếu những con số này gây sốc, đó là vì ngày nay các
đại dịch hiếm khi được thảo luận trong các tiết học lịch sử, dù rằng
trong quá khứ không xa lắm, chúng đơn giản là thực tế tồi tệ của đời
sống.
Có rất ít đài tưởng niệm nạn nhân bệnh dịch.
Nhà
sử học Alfred Crosby là tác giả của quyển sách "Đại dịch bị Lãng quên ở
Hoa Kỳ", một trong những cuốn sách vĩ đại nhất về dịch cúm năm 1918.
Nhưng
Crosby chỉ bị thôi thúc phải bắt tay nghiên cứu về đại dịch khi ông vô
tình chạm phải thông tin bị quên lãng là tuổi thọ của người Mỹ thình
lình giảm từ 51 tuổi vào năm 1917 xuống còn 39 tuổi vào năm 1918, rồi
lại tăng vào năm sau đó. Sự sụt giảm đó vào năm 1918 là vì một virus có
kích cỡ chỉ 120 nanomet.
Sức mạnh lây lan của mầm bệnh
Mầm bệnh giết người hàng loạt hiệu quả đến vậy vì chúng có khả năng tự phân đôi.
Đây
là điểm khiến chúng khác những hiểm họa khác mà loài người gặp phải.
Mỗi viên đạn giết người trong chiến tranh phải được bắn và bắn trúng mục
tiêu. Hầu hết thảm họa tự nhiên gói gọn theo từng khu vực: một trận
động đất xảy ra ở Trung Quốc không thể gây tổn thương bạn ở Anh Quốc.
Nhưng
khi một virus, như virus corona mới này, nhiễm vào vật chủ, thì vật chủ
trở thành nhà máy sản xuất tế bào để sản xuất thêm nhiều virus. Thế còn
vi khuẩn có khả năng tự nhân đôi trong môi trường thích hợp.
Triệu
chứng do một mầm bệnh truyền nhiễm gây ra - như hắt xì, ho hay chảy máu
- khiến triệu chứng có thể lây truyền qua cho vật chủ kế tiếp, và kế
tiếp, sự lây truyền xảy ra được ghi nhận dưới đơn vị là con số lây lan,
còn gọi là "R0" của mầm bệnh, tức là mức độ một người bệnh có thể lây
nhiễm cho bao nhiêu người dễ tổn thương. (Trường Đại học Imperial
College London ước tính chỉ số R0 của virus corona mới là từ 1,5 đến
3,5).
Và vì con người di chuyển qua lại - tương tác với những
người khác trong mọi hình thức từ bắt tay đến quan hệ tình dục - họ đem
theo những vi sinh vật này cùng họ.
Không có gì ngạc nhiên khi
các quân đội từ lâu đã thử tận dụng bệnh dịch làm công cụ chiến tranh.
Cũng không có gì ngạc nhiên là mãi đến gần đây, số lượng binh lính chết
vì bệnh tật nhiều hơn số chết trong chiến trận. Một mầm bệnh là vũ khí
hoàn hảo cực kỳ tiết kiệm, biến nạn nhân trở thành hệ thống lây truyền.
Sự đe dọa thường xuyên của dịch bệnh, cũng như những yếu tố khác, đã kìm chế sự phát triển và mở rộng của con người.
Vào
đầu thế kỷ 19, tuổi thọ cư dân toàn cầu chỉ là 29 năm - không phải vì
con người không sống lâu đến tuổi già vào thời đó, mà là vì quá nhiều
người chết từ thuở sơ sinh vì bệnh tật, hoặc bị nhiễm trùng khi sinh hay
sau khi bị vết thương gì đó.
Những thành phố thời tiền hiện đại
chỉ có thể duy trì dân số bằng làn sóng người nhập cư liên tục đổ đến để
bù cho số cư dân đã chết vì bệnh tật.
Sự phát triển của con
người, đầu tiên là sự cải thiện điều kiện vệ sinh, và sau đó là đến
những biện pháp đối phó như vaccine và kháng sinh, đã làm thay đổi toàn
bộ.
"Đánh bại sự lây nhiễm đã vượt qua những rào cản đó và cho
phép ta có những thành phố toàn cầu," Charles Kenny, nghiên cứu sinh cao
cấp tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một trung tâm nghiên cứu ở
Washington DC, và là tác giả của quyển sách sắp phát hành có tên 'Chiến
thắng trong Cuộc chiến chống lại Cái chết: Nhân loại, Truyền nhiễm và
Chiến đấu cho Thế giới Hiện đại'.
Đó là chiến thắng đã đem lại cho ta thế giới hiện đại như ta biết.
Thế giới tốt đẹp hơn
Người ta khó có thể hiểu đầy đủ họ đã thắng cuộc chiến đó nhanh tới mức nào.
Ông
bà cố của tôi có thể đã là nạn nhân của dịch cúm năm 1918. Ông bà nội
tôi sống suốt thời ấu thơ và tuổi trẻ trước khi người ta tìm ra
penicillin. Cha mẹ tôi được sinh ra trước thời vaccine bại liệt được
sáng chế vào năm 1954.
Thế nhưng đến năm 1962, nhà nghiên cứu
virus đạt giải Nobel, Huân tước Frank Macfarlane Burnet đã có thể ghi
nhận rằng "viết về bệnh truyền nhiễm gần như là viết về một thứ đã trôi
vào lịch sử."
Trong thế giới phát triển và thế giới đang phát
triển, giờ đây chúng ta chết vì những căn bệnh không thể lây truyền như
ung thư, bệnh tim hay bệnh Alzheimer nhiều hơn từ bệnh truyền nhiễm.
Sự sụt giảm bệnh truyền nhiễm là bằng chứng tốt nhất cho thấy cuộc sống trên hành tinh này đang trở nên tốt hơn.
Trong thời gian viết quyển sách của mình "Thời Diệt
vong", tôi đến thăm nhà dịch tễ học Marc Lipsitch tại văn phòng của ông ở
Trường Y tế Công Harvard T.H Chan, thuộc Đại học Harvard tại Boston
trong một chiều mưa mùa xuân năm 2018.
Lipsitch là một trong
những nhà dịch tễ học có sức ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ, và là một trong
những người rât nghiêm túc trong việc đánh giá nguy cơ một đại dịch mới
có thể gây ra rủi ro thảm họa toàn cầu thực sự - và đó cũng là lý do
khiến tôi đến đây gặp ông.
Nhưng buổi sáng hôm đó, Lipsitch cho
tôi xem một thứ mà tôi không ngờ: đó là biểu đồ mô tả tỷ lệ tử vong vì
bệnh truyền nhiễm tại Hoa Kỳ trong thế kỷ 20.
Biểu đồ mô tả là sự
sụt giảm đáng kể, từ khoảng 800 người chết vì bệnh truyền nhiễm trên
100.000 dân vào năm 1900 đến 60 người chết trên 100.000 dân vào những
năm cuối cùng của thế kỷ 20.
Có một đợt tăng đột ngột vào năm
1918, đó có thể là bệnh cúm, và có một đợt tăng nhẹ và tạm thời trong
suốt thời điểm tồi tệ nhất của Đại dịch AIDS vào thập niên 1980.
Tuy
nhiên, Lipsitch nói với tôi "tỷ lệ chết vì bệnh truyền nhiễm đã giảm
xuống gần 1% mỗi năm, khoảng 0,8% hàng năm, liên tục trong suốt cả thế
kỷ."
Thảm kịch của tương lai
Đây là tin tốt. Tin xấu là, dịch Covid-19 nhắc nhở ta rằng bệnh truyền nhiễm không biến mất.
Trong
thực tế, giờ đây có nhiều bệnh truyền nhiễm hơn bao giờ hết: số ca
nhiễm từ những bệnh truyền nhiễm mới như Sars, HIV và Covid-19 đã tăng
gần như gấp bốn lần so với thế kỷ trước.
Chỉ tính từ năm 1980, số vụ dịch bùng nổ mỗi năm gần như tăng gấp ba lần.
Có nhiều lý do dẫn đến sự tăng này.
Một
lý do là trong 50 năm vừa qua, dân số thế giới trên hành tinh này đã
tăng hơn gấp đôi. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều người bị nhiễm bệnh
hơn, và đến lượt họ sẽ gây lây nhiễm cho nhiều người khác, đặc biệt là
trong các đô thị có mật độ dân số cao.
Cũng trong thời gian này,
chúng ta cũng nuôi nhiều gia súc hơn so với tổng số tất tật gia súc mà
con người đã nuôi trong suốt thời gian kể từ khi bắt đầu thuần hoá
chúng, từ hơn 10.000 năm trước, cho đến năm 1960, và virus có thể truyền
từ những động vật trên cho con người.
Đúng như những gì mà dịch Covid-19 đang thể hiện,
nền kinh tế liên kết toàn cầu vừa khiến bệnh dịch mới lan nhanh hơn, và
cùng với chuỗi cung ứng dài, vừa trở nên cực kỳ dễ bị gãy đổ vì dịch
bệnh gây ra.
Khả năng đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới trong
thời gian 20 giờ hoặc ngắn hơn, và mang theo virus cùng với hành lý xách
tay, đã cho phép bệnh dịch lan tràn và phát triển khi chúng lẽ ra đã có
thể bị tiêu diệt trong quá khứ.
Với tất cả những tiến bộ ta có
được trong việc chống lại bệnh truyền nhiễm, thì sự phát triển đã khiến
ta trở nên dễ bị tổn thương hơn trước những vi sinh vật đã tiến hóa với
tốc độ nhanh hơn con người gấp 40 triệu lần.
Thuốc kháng sinh đã
cứu mạng hàng trăm triệu người từ khi người ta vô tình khám phá ra
penicillin vào năm 1928, nhưng khả năng kháng kháng sinh của các vi
khuẩn đang ngày càng tăng lên theo từng năm.
Đây là diễn tiến mà các bác sĩ tin rằng là một trong những đe dọa nghiêm trọng nhất với sức khỏe cộng đồng toàn thế giới.
Trong thực tế, mỗi năm có đến 33.000 người thiệt mạng vì nhiễm trùng kháng kháng sinh ở Châu u, theo một nghiên cứu năm 2018.
"Thảm
họa kháng sinh", như cựu trưởng cố vấn y tế Anh Quốc Sally Davies gọi
tên, đã đặt chúng ta vào tình trạng nguy hiểm, như trở lại thời mà những
nhiễm trùng bình thường nhất có thể giết người.
Quay trở lại
thời năm 2013, Ngân hàng Thế giới - khi làm ước tính xem đại dịch cúm
1918 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu hiện đang giàu có và liên kết
chặt chẽ hơn bao giờ hết của ta tốn bao nhiêu tiền - đã đưa ra con số là
hơn 4 nghìn tỷ đô la Mỹ, gần tương đương toàn bộ GDP của Nhật Bản.
Ước tính ban đầu về thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra đã vượt qua con số một nghìn tỷ đô.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO vốn vận hành rất tốt dưới
thời đại dịch Sars, đã trở nên cực kỳ vụng về trước những đợt bùng phát
dịch bệnh mới, khiến các chuyên gia kêu gọi toàn bộ tổ chức này phải tái
cấu trúc.
Biến đổi khí hậu làm tăng số lượng những động vật
truyền bệnh và côn trùng như muỗi Aedes aegypti, loài vật làm lây truyền
virus Zika.
Thậm chí chính tâm lý con người cũng gặp vấn đề. Đi
cùng với sự nghi ngờ tác dụng của vaccine ngày càng lan rộng là sự tái
xuất hiện của những căn bệnh từ lâu đã bị diệt trừ như bệnh sởi, khiến
cho WHO trong năm 2019 đã gọi phong trào chống vaccine là một trong
những 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng hàng đầu thế giới.
Bệnh Covid-19 rất có thể là căn bệnh của thời đại
này, khởi phát từ một thành phố đông đúc trong đất nước Trung Quốc vừa
thịnh vượng và thông thương, trước khi lan rộng ra khắp thế giới chỉ
trong vài tháng.
Nhưng phản ứng của chúng ta trước căn bệnh vừa cực kỳ hiện đại lại rất cổ hủ về thực tế.
Các
nhà khoa học khắp thế giới đã sử dụng những công cụ tiên tiến nhất
nhanh chóng xác lập bộ gene của virus corona, truyền thông tin về sự
nguy hiểm của virus này đi, và phối hợp các biện pháp khả thi và tìm
kiếm vaccine, tất cả đều nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Nhưng khi
virus có mặt giữa cộng đồng, phản ứng hiệu quả duy nhất của chúng ta là
đóng cửa toàn bộ xã hội và ngừng toàn bộ hệ thống sản xuất của chủ nghĩa
tư bản toàn cầu.
Ngoại trừ tin nhắn cảnh báo, họp hành bằng
video và xem phim Netflix, những gì ta đã làm không khác bao nhiêu so
với tổ tiên ta từng cố gắng để ngăn chặn bệnh dịch bùng phát. Kết quả
thu được đã là cuộc hóa trị cho nền kinh tế toàn cầu.
Sự xuất
hiện của một loại virus như Covid-19 là điều cực kỳ dễ đoán; hành động
mà ta có thể làm để ngăn chặn căn bệnh này đến cũng dễ đoán.
Ta
cần tăng cường sức mạnh của hệ thống phát hiện y tế toàn cầu, để đảm bảo
rằng khi loại virus kế tiếp xuất hiện - mà chắc chắn là nó rồi sẽ xuất
hiện - ta sẽ nhanh chóng tóm được nó, và thậm chí tiêu diệt nó.
Ngân
sách của WHO, tổ chức về mặt hình thức là chịu trách nhiêm về sức khỏe
của 7,8 tỷ cư dân toàn cầu, có vẻ như chẳng hơn gì một bệnh viện đô thị
lớn ở Mỹ.
Ta cần cam kết mạnh mẽ hơn trong việc phát triển
vaccine, điều này bao gồm việc trấn an những công ty dược phẩm lớn rằng
đầu tư của họ sẽ không bị phí hoài khi một cơn bùng phát dịch bệnh bị
tiêu diệt trước khi nó kịp bắt đầu.
Chúng ta cần thiết lập thêm những dự phòng trong bộ
máy sức khỏe cộng đồng. Cũng như quân đội Hoa Kỳ được thiết kế và cấp
kinh phí hoạt động để chiến đấu với chiến tranh trên hai mặt trận cùng
lúc, vậy thì hệ thống chăm sóc sức khỏe của ta cũng nên có khả năng tăng
cường để đối phó với đại dịch kế tiếp.
Một thách thức đang tồn tại trong việc chuẩn bị đối phó đại dịch chính là điều mà các chuyên gia gọi là cơn sốc và lãng quên.
Các
chính trị gia rất thường xuyên hứa hẹn cung cấp kinh phí ngay sau khi
gặp khủng hoảng như đại dịch Sars hay Ebola, chỉ để rồi những lời hứa
khác chồng lấp lên nhau khi ký ức về bệnh dịch phai mờ.
Bằng cách nào đó, tôi cho rằng đây sẽ không phải tình huống xảy ra với Covid-19.
Chúng
ta cần làm tất cả những gì có thể không chỉ để sống sót qua đại dịch
này, mà cần đảm bảo rằng nó là lời nhắc nhở từ quá khứ, không phải là
dấu hiệu cho những điều sắp xảy ra.
Bryan Walsh là phóng viên
chuyên mục Future của trang tin Axios và là tác giả của quyển sách:
"Thời Diệt vong: Ghi chú ngắn gọn về sự Diệt vong của Thế giới, là tác
phẩm mà bài báo dựa vào. Cuốn "Thời Diệt vong" do Hachette Books xuất
bản.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Tin liên quan
- 'Giãn cách xã hội' bao lâu thì chống được Covid-19?
- Covid-19: Virus có thể lây khắp toà nhà chỉ sau vài giờ
- Sai lầm chết người khi tưởng uống nước chống được virus corona
- Nên gọi là 'virus Vũ Hán', 'virus corona' hay tên khác?
- Virus corona: Làm việc ở nhà trong thời chống dịch thế nào
- Virus corona và những bài học từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha
- Virus corona: Cả Trung Quốc làm việc từ nhà
- Ai là bệnh nhân đầu tiên của dịch cúm Covid-19
- Loại thuốc biến con người thành kẻ sát nhân
No comments:
Post a Comment