Đại hội 13 và Chính phủ kiến tạo
Chính phủ trong nhiệm kỳ Đại hội 12,
bắt đầu từ năm 2016, với vai trò kiến tạo, theo tôi, là phù hợp sau thời
kỳ bất ổn và dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Điều này cần được đánh giá đúng và đủ trong Dự thảo Văn kiện trình Đại
hội 13 dự kiến tổ chức vào năm sau 2021 để thúc đẩy cải cách thể chế
theo hướng chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Bối cảnh
Ngày 26/7/2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
cam kết trước Quốc hội khoá 14 về một Chính phủ kiến tạo, phục vụ người
dân và doanh nghiệp.
Chính phủ do ông đứng đầu được thành lập
sau khi kết thúc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 với đầy khó
khăn để đạt được đồng thuận về nhân sự cấp cao của đảng trong bối cảnh
‘bất ổn’ kinh tế và thể chế do những sai lầm chính sách và quản lý yếu
kém.
Chính sách kinh tế dựa vào các tập đoàn,
tổng công ty nhà nước, gây dựng ‘các quả đấm thép’ trụ cột của nền kinh
tế, được nhận định là sự vận dụng sai kinh nghiệm của Cheabol của Hàn
Quốc - các tập đoàn tư nhân, đã gây ra bất ổn vĩ mô, tăng trưởng sụt
giảm, ‘bong bóng’ thị trường tài chính và bất động sản, đã để lại những
tổn thất nặng nề cho đến nay chưa khắc phục xong.
Sự bất ổn thể chế vừa là nguyên nhân vừa
là hậu quả của quá trình điều hành của chính phủ tiền nhiệm. Một trong
những ví dụ điển hình, đặc trưng cho sự bất ổn này là sự ‘bất tuân’ của
đa số thành viên của Ban chấp hành trung ương khoá 11 trước đề xuất xem
xét kỷ luật nguời đứng đầu chính phủ nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, cuối
cùng, không có cá nhân nào chịu trách nhiệm về sự yếu kém trong quản lý
nền kinh tế.
Sự thống nhất quyền lực giữa các nhà lãnh
đạo của chính phủ điều hành với đảng lãnh đạo toàn diện theo nguyên tắc
lãnh đạo tập thể của đảng đã được quan sát có sự rạn nứt.
Kiên định ý thức hệ
Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 12, tại Hội
nghị trung ương 4, đã nhận định một trong những nguyên nhân cơ bản của
tình hình trên là ‘sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống’ của bộ
phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.
Hai nhóm giải pháp chủ yếu được đảng chú
trọng thực hiện. Một mặt, để củng cố tổ chức đảng và các nguyên tắc lãnh
đạo của đảng nhiều quy định, chỉ thị được ban hành để ngăn chặn các
hiện tượng ‘tự diễn biến’ ‘tự chuyển hoá’, như các tiêu chuẩn bầu chọn
cán bộ lãnh đạo các cấp, về kỷ luật và nêu gương của lãnh đạo đảng cấp
cao… Mặt khác, phát động chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt ‘không
vùng cấm’.
Đảng CS VN luôn nhấn mạnh sự kiên định ý
thức hệ. Để thực hiện các giải pháp trên việc tập trung quyền lực là
điều kiện cần thiết, và quyền lực chỉ có thể tập trung hoá cao độ phải
dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy
nhiên, đảng vẫn nhấn mạnh sự lãnh đạo tập thể để ‘phòng ngừa’ sự độc
đoán và ‘sự sùng bái cá nhân’, vốn được coi là hậu quả của việc tập
trung quyền lực tuyệt đối.
Chính phủ kiến tạo
Trong bối cảnh trên, sự ra đời và hoạt
động của Chính phủ kiến tạo với trách nhiệm nặng nề là giữ ổn định vĩ
mô, khắc phục khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng, đã được quan sát và giám
sát từ nhiều giác độ của dân chúng, các nhà phân tích và các chính
khách trong hệ thống chính trị.
‘Chính phủ kiến tạo’ – một khái niệm đã
và vẫn gây tranh luận về học thuật. Tuy nhiên, theo tôi, Chính phủ kiến
tạo có đặc trưng cơ bản là bộ máy chính quyền các cấp được hình thành
bởi kết quả thoả hiệp về nhân sự trong Đại hội 12, vẫn được sử dụng để
hoạch định và thực thi chính sách mà không gây nên hoặc giảm thiểu những
hiệu ứng không mong muốn.
Bản thân người đứng đầu chỉnh phủ và nhân
sự của chính quyền các cấp được bầu chọn bởi Đại hội 12 và trước đó là
đại hội đảng các cấp, trong đó, không loại trừ, bao gồm cả một số cán bộ
lãnh đạo ‘suy thoái’ từ nhiệm kỳ 11. Nếu quan sát một số vụ kỷ luật
đảng và vụ án đối với cán bộ cấp cao của đảng bị xét xử trong những năm
từ đầu nhiệm kỳ 12 đến nay, thì có thể ‘cảm nhận’ rõ ràng.
Chính sách thực dụng
Sự khác biệt của chính phủ hiện hành là
tính chất kiến tạo thể hiện trong chính sách thực dụng: ‘cái gì có lợi
cho dân, cho doanh nghiệp được dân chúng ủng hộ thì cần quyết tâm làm’.
Chính sách này bao gồm hai hướng hoạt động chính, một là, cam kết khuyến
khích khởi nghiệp và tự do kinh doanh cho người dân, mặt khác từng bước
gỡ bỏ những rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính rườm rà, hữu hình và
vô hình, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Điều đó có nghĩa là quyền kinh tế của
người dân, doanh nghiệp tư nhân được mở rộng, được tăng cường và có sự
đảm bảo cam kết từ chính quyền, và đồng thời quyền lực, đặc lợi của bộ
máy, quan chức hiện thời cũng bị hạn chế, ràng buộc và giảm đi.
Thực thi chính sách này như ‘tự lấy đá
ghè chân mình’, thì hiệu ứng không mong muốn là khó tránh khỏi. Những
hiện tượng ‘trên nóng, dưới lạnh’, đôi khi ‘bất tuân công vụ’ do những
bất cập thể chế, tính quan liêu hành chính và suy thoái đạo đức của cán
bộ đảng viên … được chính phủ chỉ ra nhiều lần trong quá trình điều
hành.
Thúc đẩy tăng trưởng
Trách nhiệm nặng nề của chính phủ kiến
tạo không chỉ khôi phục sự ổn định mà còn phải thúc đẩy tăng trưởng sau
khi giảm sút đáng kể trong nhiệm kỳ trước.
Nếu nhìn vào chính sách, cách điều hành
năng động, vai trò của người đứng đầu chính phủ và các kết quả thực tế
đạt được của nền kinh tế trong 4 năm qua, thì không thể không ghi nhận
vai trò quan trọng của nó tạo ra khác biệt tích cực, phù hợp với bối
cảnh thực tế và thúc đẩy cải cách thể chế theo hướng thị trường.
Các chỉ tiêu pháp lệnh được Quốc hội
thông qua từng năm đều đạt và vượt, trong đó tỷ lệ GDP tăng năm sau cao
hơn năm trước, từ năm 2016 đến 2019 lần lượt là 6,21%; 6,81%; 7,08% và
7,02%. Ngoài ra, chất lượng tăng trưởng cũng được chú ý cải thiện, khu
vực tư nhân được mở rộng, trợ giúp cho doanh nghiệp nhà nước được kiểm
soát, thị trường sôi động hơn.
Một chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo toàn
diện, nhưng không do người dân trực tiếp bầu lên, cho nên tính chính
danh của nó ‘đặt cược’ vào mức tăng trưởng kinh tế, bởi vậy những kết
quả nêu trên là thành tích ấn tượng.
Tình huống khẩn cấp
Một số nhận định rằng chế độ toàn trị có
ưu thế trong chiến tranh hay tình huống cấp bách. Từ phương diện thể
chế, điều này có thể đúng, tuy nhiên không thể không nói đến năng lực
điều hành và vai trò người đứng đầu của ‘chính phủ kiến tạo’. Tình huống
phòng chống dịch COVID-19 là một thử thách.
Phòng chống loại virus corona chủng mới
lây lan nhanh, nguy cơ tử vong cao được coi là tình huống khẩn cấp.
Chính phủ có thái độ tiếp cận nghiêm túc với đại dịch này. Những biện
pháp ‘thời chiến’ đã được sử dụng để phòng chống đại dịch, như giãn cách
xã hội, cách ly tập trung, phát hiện và phong toả ổ dịch với phương
châm ‘kêu gọi trách nhiệm’ trước tập thể, cộng đồng, ‘thúc đẩy hành
động’ và ‘yêu cầu tuân thủ’... Người Việt Nam nhiều thế hệ từng trải qua
các cuộc chiến tranh và những tình huống bất ổn của thể chế trong quá
trình chuyển đổi cơ chế nên không khó khăn lắm để chấp nhận và ủng hộ
chính phủ với những chính sách ứng phó quyết liệt, kịp thời với sự vào
cuộc của toàn hệ thống chính trị.
Dư luận và một số tổ chức quốc tế đánh
giá tích cực cách phòng chống dịch của Việt Nam, ‘một chiến lược chống
COVID-19 đơn sơ nhưng hiệu quả’ với ‘chi phí thấp’, coi đây là bài học
kinh nghiệm phù hợp áp dụng cho những quốc đang phát triển và mới nổi.
Tính đến hết ngày 17/4/2020 Việt Nam có 268 ca nhiễm, chưa có ca tử vong
nào và 198 người đã được chữa khỏi và phục hồi.
‘Cuộc chiến’ với COVID-19 này vẫn còn ở
phía trước, chính phủ và người dân chia sẻ đặt lợi ích cộng đồng lên
trên tự do cá nhân và họ cùng có niềm tin đại dịch sẽ được khống chế với
tổn thất tối thiểu. Hậu COVID-19 là quá trình chuyển từ ‘thời chiến’
sang thời bình, sẽ là vấn đề nếu không thận trọng với cảnh báo về các
biện pháp ‘thời chiến’ luôn có quán tính cản trở những cải cách theo
hướng thị trường.
Kết luận
Đảng CS và nhà nước Việt Nam đang tìm
kiếm mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững trong quá trình chuyển đổi
sang thị trường. Chính phủ hiện hành với chính sách dựa trên chủ nghĩa
thực dụng, nhấn mạnh chủ thể đạo đức với các chuẩn mực như kiến tạo,
liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp để lựa chọn các hành động
hướng tới mục đích mang lại lợi ích cho số đông. Một chính phủ như vậy
phù hợp với ràng buộc về thể chế và ý thức hệ hiện hành đã mang lại kết
quả thực tế.
Chưa thể khẳng định đây là mô hình mà
Đảng Cộng sản mong muốn, nhưng chính phủ kiến tạo có thể coi là giải
pháp chính sách, một gợi ý thúc đẩy cải cách thể chế. Tuy nhiên, nếu một
cách nhìn thiên lệch về ý thức hệ giáo điều thì Chính phủ kiến tạo sẽ
không thể phát huy vai trò tích cực của nó và liệu hình hài chính phủ
của nhiệm kỳ tới sẽ khó đoán định.
Phạm Quý thọ gửi từ Hà Nội
Ý kiến
(0)
No comments:
Post a Comment