Vì sao gọi là rượu “quốc lủi”?
10:05 | Thứ bảy, 15/10/2016 0
Ảnh: TL
Có lẽ không chỉ riêng Nam Định mà ở rất nhiều vùng nông thôn ta (nhất
là miền Bắc), mâm cao cỗ đầy đến mấy mà lại thiếu chai “quốc lủi” đùng
đục, nút lá chuối thì chưa được gọi là cỗ quê chính hiệu. Trong lúc vui
vẻ, nhiều người đã hỏi tôi về ngữ nghĩa của từ “quốc lủi” có xuất xứ có
từ bao giờ. Quả là một vấn đề thú vị cũng đáng phải bàn.
Quốc lủi, một từ ghép “cọc cạch” với hai yếu tố Hán - Việt (quốc) và
thuần Việt (lủi). Trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung
tâm Từ điển học - NXB Đà Nẵng, 2014) đã thống kê tới 58 từ bắt đầu bằng
chữ “quốc” này. Và khi lần tìm các cuốn từ điển tiếng Việt từ cổ chí
kim, tôi cũng chỉ mới thấy có cuốn này chấp nhận đưa quốc lủi thành một
từ riêng biệt, với định nghĩa: “rượu gạo nấu bằng phương pháp thủ công,
có màu trong suốt, nồng độ cao”.
Cứ theo cách hiểu này thì mọi thứ rượu tự nấu ở nông thôn, từ loại vô
danh tới loại có thương hiệu (như Làng Vân (Bắc Giang), Mẫu Đơn (Lạng
Sơn), Bàu Đá (Bình Định),…) đều thuộc dòng “quốc lủi” kia cả. Quốc lủi
còn theo chân du khách đi khắp thế giới nữa. Rất nhiều sinh viên nước
ngoài học tiếng Việt, đều biết và biết rất rõ từ quốc lủi (giống như họ
hiểu rõ các từ cơm bụi, quán cóc mộc tồn,…).
Đây là một từ do dân gian tự tạo hoàn toàn mang tính khẩu ngữ, không
tuân thủ theo nguyên tắc cấu tạo từ Hán - Việt thông thường, có nghĩa là
các yếu tố ghép với nhau phải đều là Hán - Việt (như quốc ca, quốc huy,
quốc ngữ, quốc phòng, quốc sách,…). Lủi là từ thuần Việt, thường dùng
để chỉ hành động của loài vật nào đó “chui luồn vào chỗ rậm, chỗ khuất
để trốn”. Đến đây thì ta có thể nhận ra bóng dáng của nhân tố lịch sử
trong việc xuất hiện tổ hợp từ này.
Bởi cũng theo Từ điển tiếng Việt (vừa dẫn), thì từ quốc lủi được chua
thêm một đoạn với nghĩa xuất xứ: “thời Pháp thuộc thường phải nấu lậu”.
Như vậy, việc tự tiện nấu rượu ngày xưa được coi là “quốc cấm”. Ai nấu
hoặc buôn bán rượu này đều coi là phạm pháp. Trong Tắt đèn của Ngô Tất
Tố, ta từng gặp cảnh quan ta và quan Tây đi bắt rượu lậu. Nhưng người ta
vẫn bí mật “nấu chui nấu lủi” để qua mặt nhà chức trách. Tôi không rõ
là từ quốc lủi này có đúng là đã xuất hiện từ thời Pháp thuộc hay không
nhưng rõ ràng, nó được sử dụng khá phổ biến vào những năm thuộc thập
niên 60-70 của thế kỉ trước (và bây giờ thì lan ra khắp cả nước).
Lúc đó, trong thời chiến tranh “thóc cao gạo kém”, Nhà nước cũng cấm
việc nấu rượu tràn lan, để tiết kiệm lương thực và giữ gìn an toàn thực
phẩm. Nhưng rồi, rượu ngang nấu chui vẫn ngang nhiên tồn tại và lưu hành
không chính thức ngoài luồng. Có lẽ đây là căn cứ để dân gian đặt ra
định ngữ “quốc lủi”. Đầu tiên cũng chỉ là một lối nói mang tính đàm
tiếu, vui vẻ. Thế rồi, quen miệng và cũng vì từ này nghe lạ tai, ngồ ngộ
nên nó mau chóng đi vào giao tiếp cộng đồng và xuất hiện khá nhiều trên
báo chí.
Về chính tả, hiện tại có hai cách viết: “quốc lủi” và “cuốc lủi”. Đây
lại là một sự “chuyển di” kế tiếp. Bởi quốc và cuốc đọc đồng âm song
lại có nghĩa khác nhau. Một bên là thành tố chỉ “nước” (quốc gia), bên
kia là một loại “chim nhỏ, hơi giống gà, sống ở bờ bụi gần nước” (lủi
như cuốc). Điều thú vị là, do hành vi “lủi” đi với “(con) cuốc” lại phù
hợp về ngữ nghĩa hơn nên khi phát âm, người ta dễ liên tưởng và cũng cảm
thấy hay hơn. Và chẳng bao lâu, anh “quốc” chỉ giang sơn bờ cõi phải
nhường chỗ cho anh “cuốc” chỉ chuyên chui lủi nơi bờ tre gốc dứa..
Ngày nay, lương thực dồi dào, kinh tế phát triển theo cơ chế thị
trường và sự quản lí pháp luật tốt hơn, việc nấu rượu theo cách tự phát,
thủ công không còn bị cấm đoán ngặt nghèo, nên món rượu quê có cơ hội
phát triển, mở rộng. Về quê đi đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp “đặc
sản” cao gạo này. Không còn cảnh nấu vụng uống trộm, nhưng việc định
danh quốc lủi kia đã thành thói quen khó bỏ. Âu cũng là một “di chứng”
của một thuở để lại trong lịch sử từ vựng tiếng Việt.
PGS-TS Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)
No comments:
Post a Comment