Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 31 December 2013

THI VĂN CHIẾN ĐẤU



  Diên Hồng quyết chiến

 THI VĂN TRANH ĐẤU

Tưởng niệm các chiến sĩ và văn nhân thi sĩ 
đã tranh đấu cho độc lập, tự do và nhân quyền Việt Nam. 


LÝ THƯỜNG KIỆT
. 定分
  
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Nước Nam là của vua Nam Việt,
Rõ ràng sách trời đã phân biệt.
Cớ sao lũ mọi dám xâm lăng?
Chúng bay sẽ thấy bị tiêu diệt!

                                    (Bảo Dân dịch)


TRẦN QUANG KHẢI

   從 駕 還 京
奪 矟 章 陽 渡
檎 胡 鹹 子 關
太 平 須 努 力
  古 此 江 山


TÒNG GIÁ HOÀN KINH SƯ

Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình  tu nỗ lực,
Vạn cổ thử giang sơn.
THEO VUA VỀ KINH SƯ
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
 Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu!
 ( Trần Trọng Kim. VNSL) 



NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC

Hỡi ơi !
Súng giặc đất rền,
Lòng dân trời tỏ.
Mười năm công vỡ ruộng, xưa ắt còn danh nổi như phao,
Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ.

Nhớ linh xưa
Côi cút làm ăn,
Riêng lo nghèo khổ,
Chưa quen cung ngựa đưa tới trường nhung
Chỉ biết ruộng trâu ở theo làng hộ;
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen;
Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ, mắt chưa từng ngó.

Tiếng phong hạc phập phồng hơn mười tháng, trông tin quan như nắng hạn trông mưa.
Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
Đêm thấy bòng bong che trắng lớp, những muốn ăn gan;
Ngày xem ống khói chạy đen xì, toan ra cắn cổ.

Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hưu;
Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó.
Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình.
Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.

Khá thương thay
Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo giòng ở lính diễn binh;
Chẳng qua là dân ấp, dân làng, mến nghĩa làm quân chiêu mộ
Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn;
Chín chục trận binh thư, không chờ bài bố.

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bao ngòi,
Trong tay dùng một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gỗ.
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ

Chi nhọc quan Quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không.
Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mả tà, mả ái hồn kinh.
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ.

Những lăm lòng nghĩa sau dùng, đâu biết xác phàm vội bỏ.
Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây;
Trăm năm âm phủ ấy chữ quy, xá đợi gươm hùm treo mộ
Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng;

Chẳng phải án cướp, án gian đày tới, mà vi binh đánh giặc cho cam tâm.
Vốn không giữ thành, giữ lũy bỏ đi, mà hiệu lực theo quân cho đáng số.

Nhưng nghĩ rằng
Tấc đấc ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta
Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó?
Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương?
Vì ai xui hào lũy tan hoang, xiêu mưa ngà gió?

Sống làm chi theo quân tả đạo, quẳng vùa hương, xô bàn độc nghĩ lại thêm buồn;
Sống làm chi ở lính mả tà, chia rượu ngọt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
Thà thác mà đặng câu dịch khái, về sau tổ phụ cũng vinh,
Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.

Ôi thôi thôi
Chùa Lão Ngộ năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm;
Đồn Tây Dương một khắc đặng rửa hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
Đau đớn mấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều,
Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, con bóng xế vật vờ trước ngõ.

Ôi!
Một trận khói tan,
Nghìn năm tiết rỡ.
Binh tướng nó hày đóng sông Bến Nghé, còn làm cho bốn phía mây đen.
Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu đặng một phường con đỏ.

Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh cũng đều khen;
Thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ
Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh muôn kiếp nguyện được trả thù kia
Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành một chữ ấm đủ đền công đó.

Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo,thương vì hai chữ thiên dân.
Cây nhang nghĩa khí thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ.

Hỡi ơi!
Có linh xin hưởng.




 PHAN BỘI CHÂU


 CHUC TẾT THANH NIÊN
Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi lẻ đã từng bao chua với xót
Trời đất may còn thân sống sót
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh
Thưa các cô, các cậu lại các anh
Trời đã mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé tay vào xốc vác cựu giang san
Ði cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây đoàn thể quyết phen thành nghiệp lại
Ái hữu chí từ nay xin gắng gỏi
Gởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Ðúc gan sắt để dời non lấp bể
Xôi máu nóng để rửa vết dơ nô lệ
Mới thế này mới là mới hỡi chư quân
Chữ rằng: nhật nhật tân, hựu nhật tân.



CHẾT
 Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết buổi Đông Chu, hồn thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân.



SỐNG 
Sống tủi làm chi đứng chật trời!
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến,
Sống chịu ngu si để chúng cười.
Sống tưởng công danh, không tưởng nước,
Sống lo phú quý, chẳng lo đời.
Sống mà như thế, đừng nên sống!
Sống tủi làm chi, đứng chật trời.

 
 
PHAN KHÔI
ÔNG BÌNH VÔI

Khắp nước Việt Nam có tục ăn trầu, cho nên ở đâu cũng có bình vôi .

Theo như tôi biết, ở vùng quê chúng tôi, có hai thứ bình vôi . Ðều bằng đất nung cả, mà một thứ giống như cái hũ nhỏ, duy cổ eo, miệng loa, cho nhà trung thường dùng ; một thứ bình tròn mà đít bằng trên có quai xách, miệng ở về một bên, toàn thân tô màu lục hoặc màu vàng, cho nhà sang dùng. Cả hai đều để đựng vôi trong lòng nó. Nhưng mỗi khi cho vôi vào, người ta lại cũng dùng vôi đắp cái miệng nó cho cao lên .

Nhà tôi, hồi bà nội tôi còn sống; có cái bình vôi hạng sang ấy . Mỗi khi mua vôi ở chợ về, bà tôi ngồi tỉ mỉ lấy cái chìa quệt vôi nhét vào miệng nó, gọi là "cho Ông Bin`h ăn". Và lâu lâu lại tắp thêm cái miệng nó một lần, hóa nên cái miệng càng ngày càng chêu vêu ra .

Thứ bình vôi thường, dùng chìa bằng tre, những thứ bình vôi sang, bao giờ cũng dùng chìa bằng sắt, ở thân cái chìa đôi khi lại có đeo một lưỡi dao để rọc trầu.

Nhà khác thế nào tôi không biết, còn nhà tôi, tối lại, bà tôi cứ rút cái chìa ra để ra một nơi khác. Làm như thế, bà tôi cắt nghĩa rằng "Ông Bình" linh lắm, đêm hôm có kẻ trộm, kẻ đạo, "Ông" sẽ mách cho mình, mà nếu để cái chìa lấp cái miệng thì không mách được.

Tôi nói "nhà tôi có một cái bình vôi", không đúng. Nói đúng là từ hồi nhỏ cho đến năm tôi 25 tuổi, bà tôi chết, nhà tôi có ba bình vôi kế vị nhau . Bởi vì dùng lâu ngày, trong lòng nó đầy vôi khô cứng, miệng nó vì cứ đắp lên tum húm lại, không dùng được nữa, phải mua cái khác .

Lúc đó nhà tôi có một cái trang thờ Tam vị : ở giữa là Phúc Ðức chính thần, hai bên là Thổ công và Táo công . Hễ cái bình vôi nào bị thải ra thì bà tôi bảo đem đặt trên cái trang ấy, thờ nhân thể.

Sự thờ phượng như thế, không phải chỉ riêng một nhà tôi đâu . Cả làng, nhà nào có bình vôi thải ra, cũng đều đem đặt trên các tường thành đình hoặc chùa ; như thế, người ta cho rằng thờ "Ông Bình" đó.

Cái bình vôi, tại sao lại gọi bằng "Ông" ? Ðọc từ đầu đến đây, bạn đọc đã biết. ở vùng quê chúng tôi, mà có lẽ cả nước Việt Nam cũng vậy, vật gì nó có thể làm hại mình được thì gọi bằng "ông", vật gì nó to hay sống lâu năm thì cũng được gọi bằng "ông".

Con cọp ăn thịt mình được, gọi bằng "Ông cọp", con khỉ phá hoa màu mình, được gọi bằng
"Ông Trưởng", con chuột, cắn quần áo của mình, được gọi bằng "Ông Tí". Cái đầu rau, dùng năm mười năm mới thay cái khác, gọi bằng "Ông Núc", cái che, to, đường kính của nó có khi gần đến 1 mét, gọi bằng "Ông Che" (*). Người Việt Nam, về sau thế nào chưa biết, chứ về trước, hễ vật gì làm hại được hoặc lớn hơn hoặc nhỏ, vật gì sống lâu và to xác thì gọi bằng "Ông" để tỏ lòng tôn kính, sùng bái .

Tôi có phạm một cái tội hồi 18 tuổi, bây giờ tôi xin kiểm thảo và thú nhận.

Năm tôi 18 tuổi, tôi không tin nữa. Một đêm mùa hè, gió Nam như bão, sáng trăng mờ mờ (*), tôi rủ mấy thằng bạn lứa tuổi với tôi đi chơi dọc đường cái làng, đi qua đìnhva` chùa, bao nhiêu "Ông Bình vôi" trên tường thành chúng tôi đều hất một loạt xuống đất cả. Sao lại làm như thế ? Chúng tôi cứ làm như thế , không cần có lý luận . Nhưng vài hôm sau, trở lại xem, không biết là do tay ai, thấy đều đặt tề chỉnh trên tường thành.

Tuy vậy, đó không phải cái tội riêng một mình tôi . Bấy giờ bọn thiếu niên chúng tôi hầu như đứa nào cũng có thể làm như thế được cả. Nếu ngày nay tôi phải tự kiểm thảo, thì lũ thiếu niên ấy, bạc đầu rồi, cũng phải tự kiểm thảo như tôi .

Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cú rũ trên trang hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng "Ông".

Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ này cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Ðạt :

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại

(Trích Giai Phẩm mùa Thu tập I )
 PHAN KHÔI
 

 HOÀNG CẦM

EM BÉ LÊN SÁU

Mỗi chính sách của Đảng
Là một tia nắng hồng
Nắng vương mây sám lạnh
Cỏ hoa còn ngóng trông
Ước có nhiều trận gió
Thổi sạch quang vòm trời
Cho tia nắng nhảy múa
Vui hát thực trên đời

I
Em bé lên sáu tuổi
Lủi thủi tìm miếng ăn
Bố: cường hào nợ máu
Mẹ bỏ con lay lắt
Đi tuột vào trong Nam

Từ khi lọt lòng mẹ
Ăn sữa, ngủ giường êm
Áo hoa lót áo mềm
Nào biết mình sung sướng

Ngọn sóng đang trào lên
Ai nghĩ thân bèo bọt
Nhưng người với con người
Vẫn sẵn lòng thương xót

Có cụ già đói khổ
Lập cập đi mò cua;
Bố mẹ nó không còn
Đứa trẻ nay gầy còm
Bỗng thương tình côi cút
Cụ nhường cho miếng cơm

Chân tay như cái que
Bụng phình lại ngẳng cổ
Mắt tròn đỏ hoe hoe
Đo nhìn đời bỡ ngỡ:
"Lạy bà xin bát cháo
Cháu miếng cơm, thầy ơi!"

II
Có một chị cán bộ
Đang phát động thôn ngoài
Chợt nhìn ra phía ngõ
Nghe tiếng kêu lạc loài.

Chị rùng mình nhớ lại
Năm đói kém từ lâu
Chị mới năm tuổi đầu
Liếm lá khoai giữa chợ

Chạy vùng ra phía ngõ
Dắt em bé vào nhà
Nắm cơm dành chiều qua
Bẻ cho em một nửa.

Chị bần cố nông cốt cán
Ứa nước mắt quay đi:
-- "Nó là con địa chủ
Bé bỏng đã biết gì
Hôm em cho bát cháo
Chịu ba ngày hỏi truy"

Chị đội bỗng lùi lại
Nhìn đưá bé mồ côi
Cố tìm vết thù địch
Chỉ thấy một con người

Em bé đã ăn no
Nằm lăn ra đất ngủ
Chị nghĩ: "sau lấy chồng
Sinh con hồng bụ sữa".

III
Chị phải đình công tác
Vì câu chuyện trên kia
Buồng tối lạnh đêm khuya
Thắp đèn lên kiểm thảo

Do cái lưỡi không xương
Nên nhiều đường lắt léo
Do con mắt bé tẻo
Chẳng nhìn xa chân trời
Do bộ óc chây lười
Chỉ một màu sắt rỉ,
Đã lâu năm ngủ kỹ
Trên trang sách im lìm
Do mấy con người máy
Đầy gân thiếu trái tim

Nào "liên quan phản động"
"Mất cảnh giác lập trường"
Mấy đêm khóc ròng rã
Ngọn đèn soi tù mù
Lòng vặn lòng câu hỏi:
"Sao thương con kẻ thù ?
Giá ghét được đứa bé
Lòng thảnh thơi bao nhiêu!
Nhưng bụng nó lúc đói
Giống bụng ta khi nghèo"
Em bé đến ngoài cửa
Thành quen xin miếng cơm
Nhịn cho em một nửa
Chị đưa qua khe tường

Ngồi viết lên từng chữ
Sáng tình yêu con người
Ngoài kia sông núi mở
Thao thao đến chân trời

IV
Có đồng chí cấp trên
Lật từng trang kiểm thảo
Nước mắt mấy giọt liền
Rơi trên tờ báo cáo :
- "Có bầu trời nhân đạo
Còn vương vất bóng đêm
Đồng chí đã thắp đèn
Dòng mực vắt như sữa
Nhức căng hai đầu vú
Nuôi ngày mai lớn lên"
Em bé lên sáu tuổi
Được chăm nuôi lớn dần
Đã tung tăng cặp sách
Cùng trẻ em nông dân
Bướm bay quanh mắt sáng
Cỏ xanh rờn chân em
Cỏ đang lấp bùn đen
Của nghìn năm tội ác

Chị đội thăm trường học
Cờ lên, em đứng chào
Mắt sáng như hôm nào
Được miếng cơm của chị.
(6/1995)
Tập thơ Những bài thơ lẻ


 

 LÁ DIÊU BÔNG

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ

Chị bảo
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày Em tìm thấy Lá
Chị chau mày
Đâu phải Lá Diêu bông

Mùa đông sau Em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới Chị
Em tìm thấy Lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con
Em tìm thấy Lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn


o0o

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
...ới Diêu bông...!

-- Rét 1959







LÊ ĐẠT

Vợ Nhân Văn  

Lịch sử quýt làm cam chịu
Xin lỗi em / những đêm Nguyễn Bỉnh Khiêm (1) trằn trọc
Anh Thái Hà (2) chưa về / và em khóc
Xin lỗi em / những lời khuyên "cắt đứt"
Vạ gì đeo hai tiếng "liên quan"
Những buổi sớm / muốn chui đầu xuống đất
Mặt trời soi ngày kiểm thảo bắt đầu
Xin lỗi em / tiếng oan vợ thằng phản động
Lý lịch ba đời mấy đứa con thơ
Xin lỗi em / tuổi ước mơ không được sống
Những giấc ngủ / chưa một lần tròn mộng
Chung thân tâm thần / trọng tội đa mang
Đời sau ơi! / May còn đoái đến tôi
Hãy trả dùm tôi món nợ
Người vợ nhỏ / vừa thoát tuổi khăn quàng đỏ
Đã chụp mũ chồng / lưng thập tự Sói ăn
Và Đức Phật / duyệt xuất biên vào Tĩnh thổ
Xin độ trì / những Thị Kính-vợ- Nhân Văn.  

Chú thích (của tác giả):
1- Vợ tác giả là diễn viên Kịch nói ở nhà tập thể đoàn Kịch phố Nguyễn Bỉnh Khiêm
2- Thái Hà ấp: nơi tổ chức cuộc đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm




Thư không người nhận

Đôi chim cu anh nuôi
Con trống mèo đen ăn thịt
Con mái vào ra một mình
Ấp lạnh bóng trăng rồi chết
Vàng hồ bay
thư không người nhận
gió trả về




 


GỐC KHẾ

 Khi gió mùa anh đi
Sang sông tìm nắng khác

Để mẹ già tóc bạc
Lưng còng trên gậy tre
Để người yêu ngơ ngác
Gốc khế xanh đầu hè

Ba năm anh không về

Mẹ già anh ngơ ngác
Lưng còng đau gậy tre
Người yêu anh đốm bạc
Tóc khế xanh đầu hè

Ba năm anh không về
Ba năm rồi ba năm

Mẹ anh thành nấm đất
Người yêu anh cũng đi
Gốc nửa ngày khế chát
Sót bóng hoa mơ chờ 

 


PHÙNG CUNG

XUỐNG ĐƯỜNG 

Lãnh thổ mến yêu ơi!
Nai lưng trần dưới vòm trời nhiệt đới
Xứ sở của thi ca
Của lòng cả tin - nhẹ dạ
Của đời nghèo nhẫn nhục
Úp mặt - rủi may - đắp đổi
Khóc mếu tối ngày ...
Vầng dương kia
Lăn trôi trên dòng hoàng đạo
Sứ giả thời gian
Có thiên tư không?
Học thuyết King-cô-bra
Đội lốt công nông - rình rập
Từ trời tây ập tới
Lúc thoát thai
Nó vờ xin rửa tội
Trộm cắp ánh tà dương
Trước mọi người
Nó khoanh tay - quỳ gối - cúi đầu
Tình nguyện đời đời
Làm kiếp ngựa trâu
Khi gấp khúc nó ngoan ngoãn
Giành hoàn thiện chức năng gia cẩu
Hầu hạ phấn son
Len lỏi trong lẵng hoa
Trong đồ chơi em bé ...
Mong hiện nguyên hình
Như dưới vòm trời bất hạnh ... hôm đây
Bản chất nó là cuồng bạo
Huênh hoang lấp biển vá trời
"Kiến tạo địa đàng - hạnh phúc"
Khốn nạn thay!
Chân đất đầu trần trót chìa tay
Đã lỡ!
Thảm họa triền miên
Ôi! Tay chúng cầm lê
Đâm người – dấu mặt
Lại vội lau tay – vu cáo – gây thù
Cha con nghi ngờ
Vợ chồng cảnh giác
Già trẻ xóm giềng
Nhìn nhau len lén
Di họa đứng rình
Trong tối lửa tắt đèn
Ngột ngạt – tối tăm – quằn quại
Vô phương khả đảo …
Nhịp bước thiên triều
Giày xéo thuần phong mỹ tục
Lăng nhục miếu đền
Sừng sững dựng khải hoàn môn máu
Quay quắt đổi đầu
Thò lò muôn mặt Lê-mác-mác-lê
Lầm than buộc bụng vác cờ
Tung hô bỏng họng
Thiên triều tiếp sức
Õng ẹo điệu ương ca
Mạ màu mao-ít
Ma thuật ngoan tay
Tạt độc dược vào tâm – vào não
Ngộ độc rồi
Cười hát vô hồi
Lắp bắp luôn mồm
Đội ơn sâu nặng
Để rồi lại chuốc độc lẫn nhau …
Cờ máu ngợp trời
Lợm gió!
Tiếng quốc thiều
Tăng âm cực đại thét gào
… “thề phanh thây uống máu!...”
Ta lùng trong kho nhớ
Nhẩm biên niên sử
Xin hỏi loài người
Có quốc thiều nào man rợ thế không
Trước mặt sau lưng
Ngàn trùng khóc lóc
Ôi! Mỗi tiếng chim kêu
Đếm từng đọi máu
Sóng máu ào ào
Tràn bờ thế kỷ
Phút lâm chung – gội lửa
Hỡi những hồn oan!
Cất bước từ đau thương
Quên nhớ những gì
Ta một con người
Nạn nhân đang vòng tù ngục
Đêm ngày chân rỉ máu cùm lim
Linh hồn bất khuất
Trên đầu là Thượng Đế
Dưới chân là mặt đất hiếu sinh
Bức xúc lương tri
Ta phải xuống đường
Phải xuống đường
Tìm sinh trong tử
Nước mắt mài gươm
Gươm bén dân lành
Ta chắp tay ngửa mặt
Cầu xin các đấng linh thần
Cho ta sức mạnh phi trần
Đủ tung hoành; xông xáo
Tận cùng hang ổ
Bắn xả vào đầu con rắn đỏ
Cây cỏ vươn reo
Mượn gió nhắn bốn phương
Con rắn đỏ tử thương – giãy giụa
Nó lí nhí van xin chôn cất
Hỡi lòng đất!
Ta lệnh cho ngươi
Đương cai việc chôn cất
Theo đúng lễ nghi bò sát
Để hợp lẽ tử sinh
Lau máu bẩn
Vai đeo gươm
Quì gối trước thượng đế nhân từ
Để người tiện xét
Hành vi ta xung sát
Lòng đất giùm ta
Gửi gươm kho vạn hóa
Hiếu sinh kim cổ
Ôi! Bóng xế ngả dài
Dài hơn sầu muộn
Nẻo hoàng hôn chưa gột rửa
Vương máu xa xăm
Dấu xưa ơi! Ta dừng cương
Chùm chuông nhỏ
Trên tháp thiêng làng cũ
Mảng nghe tiếng chiều sầu đổ
Dư âm siêu hóa
Cõi bụi – hồn ta vươn cánh xanh lâng lâng

(Biệt giam Lào Cai 1971)




Đất nước

Đất nước ơi
Tôi mến người
Như khi nhìn em bé ngủ
Tôi thương người
Như thương mẹ ốm
Vì đâu
Người khoác manh áo đỏ
Thừa sai- cũn cỡn
Tủi nhục tháng ngày
Long đong chiều sớm
Ôi ! có bao giờ
Người đau đớn như thế nầy không ?


VAY NÓNG

Ðất nước tôi
Triền miên bất hạnh
Tụi mặt dày - tay bẩn
Tim rắn - lời cừu
Văn hóa lớp hai
Ðiều hành cuộc sống
Tránh làm sao
Khỏi nát ngọc nhân quyền
Nhân danh một nạn nhân
Ðứng giữa mênh mông
Cùm lim - rào kẽm
Khản cổ - chìa tay
Khấn xin những quốc gia
Văn minh - từ thiện
Cho dân Việt Nam tôi
Vay nóng chút dân quyền




 PHÙNG QUÁN

Tôi Chỉ Viết Trên Giấy Có Kẻ Giòng


Từ ngày mới tập viết
Nay gần trọn đời văn
Số chữ tôi đã viết
Có thể phủ kín cồn Giã Viên...
Một niềm yêu tôi không đổi thay
Một niềm tin tôi không thay đổi
Viết trên giấy có kẻ giòng.
Là nhà văn
Tôi đã viết suốt ba mươi năm
Là chiến sĩ
Tôi là xạ thủ cấp kiện tướng trung đoàn
Tôi có thể viết như bắn
Trên giấy không kẻ giòng
Nhưng tôi vẫn viết trên giấy có kẻ giòng
Như cái thuở vỡ lòng tập viết
Với nhiều người
Giấy không kẻ giòng dễ viết đẹp
Nhưng với tôi
Không có gì đẹp hơn
Viết ngay và viết thẳng.
Là nhà văn
Tôi yêu tha thiết
Sự ngay thẳng tột cùng
Ngay thẳng thủy chung
Của mỗi giòng chữ viết.
Nhưng là nhà văn và xạ thủ
Tôi biết
Khó vô cùng bắn trăm phát trúng cả trăm
Và càng khó hơn
Viết trọn một đời văn
Giòng đầu thẳng ngay như giòng cuối
Khi bàn tay đã đuối
Khi tấm lòng đã mỏi
Khi con mắt bớt trong
Khi dũng khí đã nguội
Trang giấy có kẻ giòng
Giúp các bé vỡ lòng
Và nâng đỡ các nhà văn
Viết ngay và viết thẳng
Ngay thẳng thủy chung
Từ giòng đầu đến giòng cuối! 
 


Trăng Hoàng Cung

- Em nán ngồi lại với tôi
Một phút nữa thôi…
- Ừ, hay xin em hai phút…
Ôi, trăng Hoàng Cung đêm nay đẹp đến não lòng!
Tôi sắp phải từ giã ngai vàng
Từ giã Hoàng Cung
Giã từ mộng tưởng
Giã từ em…
Phảng phất hương hoàng lan
Từ Tử Cấm Thành hoang tàn đổ nát
Tôi sắp phải trở lại cuộc đời cay cực
Qua cửa chính Ngọ Môn…
Ôi, có lẽ nào
Tất cả những gì đêm nay là có thật?…
Em với mái tóc đen dày che nửa mặt
Hồ sen như gấm trải quanh Hoàng Cung
Điện Thái Hoà
Cung Trường Sanh
Tàng Thư Lâu… Hiển Lâm Các
Sân Đại Triều mênh mông trăng…
Ôi, có lẽ nào
Tất cả những gì đêm nay là có thật?…
Không…
Tôi không tin…
Tất cả là do trăng bày đặt
Trăng thương tôi
Một đời lao lực
Một đời cay cực
Một đời thơ…
Vỗ về tôi
Như trẻ nhỏ
Trăng ru…
Như bà ngoại
Trăng dắt tôi vào cổ tích
Cô Tấm với nàng Bạch Tuyết
Hằng Nga ngủ trong rừng
Con yêu râu xanh…
Tôi biết
Trăng là một nhà bày đặt thiên tài
Lều tranh bày đặt thành cung điện
Vườn hoang thành vườn Thượng Uyển
Vũng nước tù bày đặt thành hồ sen…
Nhưng tôi không biết
Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt ra em?…
…Một vùng tóc như một vùng biển tối
Vừng mắt em thăm thẳm tia nhìn
Những ngón tay ngón chân có mùi hoa dại
Cái cổ trần như rong dưới đáy sông Hương…
Giọng em nói
Tiếng em cười
Và nỗi buồn phảng phất trên làn môi…
Từ chất liệu gì mà Trăng bày đặt?…
Trăng hoàng cung đêm nay ơi!
Trăng nhân hậu
Trăng thiên tài…
Cảm ơn Trăng thương tôi mà bày đặt
Nhưng cái tuổi tin vào cổ tích
Tôi đã qua rồi…
(Trích Trăng Hoàng Cung)

 


NGUYỄN CHÍ THIỆN

 KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO

Không có gì quý hơn độc lập tự do."
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó đầu tiên đem râu nó bện vào
Hình xác lão Mao lông lá
Bàn tay Nga đầy băng tuyết giá
Cũng nhoài qua lục địa Trung Hoa
Không phải xoa đầu mà túm tóc nó từ xa
Nó đứng không yên, tất bật, điên đầu
Lúc rụi vào Tàu, lúc rúc vào Nga
Nó gọi Tàu Nga là cha anh nó Và tình nguyện làm con chó nhỏ
Xông xáo giữ nhà gác ngõ cho cha anh


Nó tận thu từ quả trứng, quả chanh
Học lối hung tàn của cha anh nó
Cuộc chiến tranh chết vợi hết thanh niên
Đương diễn ra triền miên ghê gớm đó
Cũng là do Nga giật Tàu co
Tiếp nhiên liệu gây mồi cho nó
Súng, Tăng, Tên lửa, Tàu bay
Nếu không, nó đánh bằng tay?

Ôi đó, thứ độc lập không có gì quý hơn của nó!
Tôi biết rõ, đồng bào miền Bắc này biết rõ
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó là tên trùm đao phủ năm nào
Hồi cải cách đã đem tù, đem bắn
Ðộ nửa triệu nông dân, rồi bảo là nhầm lẫn!
Ðường nó đi trùng điệp bất nhân
Hầm hập trời đêm nguyên thủy
Ðói khổ dựng cờ đại súy
Con cá lá rau nát nhầu quản lý
Tiếng thớt, tiếng dao vọng từ hồi ký
Tiếng thở, lời than đan họa ụp vào thân
Nó tập trung hàng chục vạn ngụy quân
Nạn nhân của đường lối "khoan hồng chí nhân" của nó.
Mọi tầng lớp nhân dân bị cầm chân trên đất nó
Tự do, không thời hạn đi tù!
Mắt nó nhìn ai cũng hóa kẻ thù
Vì ai cũng đói món nhục nhằn cắn răng tạm nuốt
Hiếm có gia đình không có người bị nó cho đi suốt.

Ðất nó thầm câm cũng chẳng được tha
Tất cả phải thành loa
Sa sả đêm ngày ngợi ca nó và Ðảng nó
Ðó là thứ tự do không có gì quý hơn của nó !
Ôi, Ðộc lập, Tự do !
Xưa cũng chỉ vì quý hai thứ đó
Ðất Bắc mắc lừa mất vào tay nó
Nhưng nay mà vẫn có người mơ hồ nghe nó
Nó mới vạn lần cần nguyền rủa thực to:
Hồ Chí Minh, chính mi loài quỷ dữ !
Nguyễn Chí Thiện






SẼ CÓ MỘT NGÀY

Sẽ có một ngày
Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng,
vất cùm,
vất cờ,
vất Đảng

Đội lại khăn tang,
đêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa,
kẻ bạo lực xô chân

Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Đứng bên nhau trên mất mát quây quần.
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng!

Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng “Tiến quân ca”
Và “Quốc tế ca”
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la! 

 Nguyễn Chí Thiện ( 1971)


 TRẦN ĐỘ

Tự thán

Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ác xóa đi, thay bằng cực thiện
Tháng ngày biến hoá, ác luân hồi.
  

 
 

1 comment: