Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 20 July 2014

TIN THẾ GIỚI VÀ BIỂN ĐÔNG

 

 Báo chí quốc tế nói về vụ dời giàn khoan
Cập nhật: 14:59 GMT - thứ năm, 17 tháng 7, 2014
Trung Quốc nói việc di chuyển giàn khoan là quyết định 'mang tính thương mại'
Tin về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển tranh chấp với Việt Nam đã đăng tải rộng rãi trên truyền thông quốc tế và thu hút nhiều ý kiến bình luận từ giới quan sát.
Tạp chí The Diplomat ngày 17/7 đăng bài của cây bút Shannon Tiezzi trong đó cho rằng nguyên nhân chính của quyết định này là do Bắc Kinh nhận thấy "không có nhiều lợi ích trong việc giữ giàn khoan ở vị trí hiện tại".
"Từ một góc nhìn chiến lược, giàn khoan đã đạt được mục đích của mình," theo tác giả.
"Trung Quốc đã chứng minh rằng nước này có khả năng đưa giàn khoan vào hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa dưới sự yểm trợ của lực lượng hải quân để bảo vệ giàn khoan trước các tàu Việt Nam."
"Bắc Kinh cũng đã chứng minh rằng mình có khả năng kháng cự lại sự chỉ trích từ bên ngoài, đồng thời phớt lờ và phản công khi Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước trong khu vực cáo buộc Trung Quốc gây hấn".

'Đặt tiền lệ mới'

"Chính quyền Bắc Kinh sẽ coi như là họ đã thành công trong việc đặt một tiền lệ mới, trong đó nước này có thể áp đặt cách diễn giải của mình về những ranh giới trong khu vực mà không gặp phải bất lợi đáng kể nào"
Tạp chí The Diplomat
Bài viết cho rằng việc Bắc Kinh tuyên bố đã tìm thấy dầu khí trong khu vực sẽ tạo điều kiện cho họ đưa giàn khoan trở lại vào bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, việc dịch chuyển giàn khoan, theo tác giả, cũng là cơ hội để Bắc Kinh cải thiện quan hệ với Hà Nội và "bắt đầu thảo luận về việc hợp tác trên những lĩnh vực khác".
Một bài khác của tác giả Clint Richards, cũng trên The Diplomat, thì cho rằng "mặc dù Trung Quốc đã tạm rút lui vào lúc này, nhiều khả năng nước này đang có một cuộc chơi dài hạn".
Trung Quốc đã "chứng minh rằng nước này có thể hoàn thành mục tiêu của mình, bất chấp sự phản đối từ khu vực và những cuộc đụng độ xảy ra gần như mỗi ngày", bài viết có đoạn.
Tác giả cho rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ coi như là họ đã thành công trong việc "đặt một tiền lệ mới, trong đó nước này có thể áp đặt cách diễn giải của mình về những ranh giới trong khu vực mà không gặp phải bất lợi đáng kể nào".
Cũng theo ông Richards, "lãnh đạo Trung Quốc giờ đây cảm thấy họ có thể lặp lại những vấn đề này vào bất cứ thời gian và địa điểm nào họ muốn trong tương lai, và cán cân an ninh khu vực sẽ không bị mất thăng bằng quá nghiêm trọng hoặc chuyển hẳn sang hướng bất lợi cho họ".

'Mối tình sóng gió'


Quốc hội Việt Nam đã không ra nghị quyết riêng về Biển Đông trong kỳ họp kết thúc hồi cuối tháng 6
The Economist trong khi đó so sánh mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc như một "mối tình sóng gió".
Tạp chí này dẫn lời của tiến sỹ Jonathan London, một nhà nghiên cứu về Việt Nam, cho rằng quyết định di chuyển giàn khoan của Trung Quốc có thể là do muốn "làm giảm đi phần nào sự khó xử của Hà Nội" trong cách ứng xử với Bắc Kinh.
"Hai quốc gia cộng sản này có một lịch sử phức tạp, hình thành từ thù hằn, nghi ngờ và cả những sự hợp tác miễn cưỡng," bài viết có đoạn.
"Cả hai không thể nào không tranh cãi và rồi lại làm lành".
"Trung Quốc là một đồng minh ý thức hệ, một đối tác thương mại quan trọng, và là một cường quốc quân sự đang trỗi dậy".
"Ngay cả bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có một bộ phận đông đảo thân Trung Quốc" và "đề cao mối quan hệ với Bắc Kinh hơn việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ".
Tuy nhiên, bài viết cũng cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước áp lực ngày càng lớn trong việc bảo vệ chủ quyền và xem xét lại sự lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế.
"Họ nghĩ rằng nếu thất bại trong việc đáp ứng những yêu cầu này, tính chính danh của Đảng sẽ bị làm cho sứt mẻ", theo tác giả.
"Dù sao đi nữa, đó cũng là một đảng được hình thành từ công cuộc chống ngoại xâm".

Dân mạng Trung Quốc giận dữ

"Ngay cả bên trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có một bộ phận đông đảo thân Trung Quốc "
Tạp chí The Economist
Quyết định di chuyển giàn khoan của Bắc Kinh đã khiến cư dân mạng Trung Quốc phản ứng giận dữ và cho rằng điều này là do áp lực từ Hoa Kỳ, tờ Washington Post trong bài ngày 16/7 cho biết.
Một người được Washington Post dẫn lời nói quyết định này là "đáng xấu hổ", trong khi một người khác nói Bộ Ngoại giao Trung Quốc yếu ớt như loài 'sứa biển'.
"Hay là chuyển văn phòng của Obama sang Trung Quốc?", một người khác đặt câu hỏi.
"Có khi như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc chấp nhận đề nghị của ông ta".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng quyết định di chuyển giàn khoan hoàn toàn là "mang tính thương mại" chứ không phải do áp lực từ bên ngoài.
Tân Hoa Xã hôm 16/7 dẫn thông cáo từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết nguyên nhân di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 là do mùa bão sắp bắt đầu.
Quyết định này được Bắc Kinh đưa ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Bắc Kinh dự Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (S&ED), nơi mà căng thẳng trên Biển Đông được cho là đã nằm cao trong nghị trình.
Tuy nhiên, trong bài viết trên The Diplotmat, tác giả Shannon Tiezzi cho rằng "sau hàng tháng trời bị chỉ trích, bao gồm cả những bài phát biểu nóng bỏng ở Đối thoại Shangri-La, Bắc Kinh vẫn không có chút dao động nào trong sự tính toán của mình, vì vậy khó có khả năng S&ED đã trở thành nơi quay đầu của họ".
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/07/140717_oil_rig_reaction.shtml

 Giải mã việc TQ di dời giàn khoan
Cập nhật: 15:07 GMT - thứ tư, 16 tháng 7, 2014

Việt Nam và Trung Quốc đã được gì và mất gì sau hơn hai tháng đối đầu trên Biển Đông?
Các học giả trong và ngoài nước có những nhận định khác nhau về động thái của Trung Quốc di dời giàn khoan ra khỏi vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa sau hơn hai tháng giàn khoan này được triển khai tại đây.
Vào tối hôm 15/7, phía Trung Quốc thông báo họ đã rút giàn khoan Hải Dương 981 về vị trí gần đảo Hải Nam vì lý do ‘mùa mưa bão đã đến’, theo Tân Hoa Xã.
Một nhà nghiên cứu từ trong nước cho rằng đây có thể được xem là ‘thắng lợi ngoại giao’ của Việt Nam trong khi một học giả nước ngoài nhận định Trung Quốc có ‘mưu tính chính trị’ đằng sau hành động này.
Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan sớm hơn một tháng so với kế hoạch là ‘nhờ tiếng nói của Việt Nam cũng như dư luận thế giới’.
“Dù trực tiếp hay gián tiếp thì rõ ràng hành động này của Trung Quốc không thể không tính đến phản ứng từ phía Việt Nam và thế giới,” bà giải thích.
“Việt Nam đã làm tất cả mọi việc cần thiết về ngoại giao và dư luận thế giới cũng có những phản ứng thể hiện quan điểm về việc Trung Quốc đặt giàn khoan,” Tiến sỹ Lan Anh nói thêm.
Theo bà thì Việt Nam đã ‘thắng lợi về mặt ngoại giao’ bằng ‘sự kiên trì, tuân thủ luật pháp quốc tế và thiện chí hòa bình’.
"Nếu mục tiêu lớn hơn là áp đặt đường lưỡi bò thì có thể nói là thất bại. Trung Quốc đã nhận được phản ánh rất mạnh mẽ từ các quốc gia ven biển. Trung Quốc đã mất đi hình ảnh thân thiện và trỗi dậy hòa bình mà họ gầy dựng bấy lâu nay và thế giới đã biết rõ hơn về tham vọng của Trung Quốc."
Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao Việt Nam
Về việc Trung Quốc tuyên bố họ rút giàn khoan ‘vì mưa bão’, bà cho rằng chính quyền Trung Quốc ‘muốn giải thích với dư luận trong nước’ và ‘giữ thể diện một nước lớn’.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Lan Anh đánh giá cao động thái này của Trung Quốc.
“Quan trọng là kết quả và tác động với tình hình hiện nay,” bà nói và cho rằng việc rút giàn khoan đã làm ‘giảm bớt căng thẳng và giữ thể diện cho tất cả các bên’.
“Cả hai bên được coi là đã thắng lợi,” bà nói.

Trung Quốc mất hình ảnh?

Về lâu dài, bà Lan Anh phân tích rằng thông báo của phía Trung Quốc có nói là ‘chưa có ý định khai thác thương mại’ nên có thể trong tương lai gần Trung Quốc ‘sẽ không có động thái leo thang’.
Điều này, theo bà, sẽ ‘mở đường cho thỏa thuận ổn định hơn cho Biển Đông’.

Có phải Trung Quốc rút giàn khoan là vì bão?
“Động thái vừa rồi của Trung Quốc cho thấy phản ứng quyết liệt của Việt Nam nên tôi không nghĩ là họ sẽ manh động tiến hành khai thác trong tương lai gần.”
Về biện pháp pháp lý mà Việt Nam đang tính toán trước Trung Quốc, bà Lan Anh cho rằng động thái rút giàn khoan ‘có thể chưa tạo ra áp lực lớn hay mối nguy cơ lớn khiến Việt Nam phải cân nhắc áp dụng ngay lập tức’.
Tuy nhiên, bà cho rằng biện pháp này ‘đòi hỏi quá trình cân nhắc kỹ lưỡng’ và đây là ‘một trong những biện pháp Việt Nam đã cân nhắc lâu nay’.
Khi được hỏi Trung Quốc có đạt được mục tiêu hay không với việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981, Tiến sỹ Lan Anh nhận định:
“Nếu mục tiêu như Trung Quốc tuyên bố là thăm dò khảo sát thì coi như là đã đạt được.

Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã hành động quyết liệt trước giàn khoan Trung Quốc
Còn nếu mục tiêu lớn hơn là áp đặt đường lưỡi bò thì có thể nói là thất bại. Trung Quốc đã nhận được phản ánh rất mạnh mẽ từ các quốc gia ven biển. Trung Quốc đã mất đi hình ảnh thân thiện và trỗi dậy hòa bình mà họ gầy dựng bấy lâu nay và thế giới đã biết rõ hơn về tham vọng của Trung Quốc.”

‘Lý do chính trị’

Trong khi đó, Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia của Học viện Quốc phòng Úc chuyên theo dõi tình hình Việt Nam, nhận định rằng Trung Quốc ‘có lý do chính trị’ đằng sau việc rút giàn khoan và lý do thời tiết họ đưa ra ‘chỉ là cái cớ’.
“Lý do chính trị là đặc biệt quan trọng,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC.
Ông phân tích rằng Trung Quốc đưa ra quyết định này trong bối cảnh giàn khoan của họ ‘gây tác dụng ngược’ trong khu vực trong lúc Hoa Kỳ ‘tỏ dấu hiệu sẽ khởi động chiến dịch phản công chính trị’, Việt Nam đe dọa dùng biện pháp pháp lý và một số ‘thành phần ở Việt Nam đang kêu gọi phải tìm kiếm liên minh’ trong khi chuyến thăm Mỹ vào tháng Chín của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh vẫn còn treo lơ lửng.

Trung Quốc muốn 'dụ' Việt Nam đừng nhờ vả Mỹ với việc họ rút giàn khoan?
Với việc rút giàn khoan thì Trung Quốc đã hóa giải những thách thức này, theo Giáo sư Thayer.
Theo đó, Trung Quốc muốn gửi thông điệp là ‘chúng tôi không còn khủng hoảng hay đối đầu nữa, căng thẳng đã hạ nhiệt’.
“Trung Quốc muốn lôi kéo Việt Nam vào con đường đàm phán song phương, ngăn chặn những thành phần trong Bộ Chính trị Việt Nam muốn tìm kiếm sự trợ giúp, tránh khả năng Việt Nam có hành động pháp lý, tạo cơ hội và bầu không khí thuận lợi cho Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) sắp diễn ra,” ông phân tích.
Theo Giáo sư Thayer, nếu như Mỹ đến hội nghị ARF lần này với ý muốn gây sức ép để Trung Quốc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong hành động của mình thì Trung Quốc sẽ có thể nói rằng: “Đây không phải là chuyện của Mỹ. Vấn đề giờ đây đã được thảo luận song phương với Việt Nam và sự can thiệp của Mỹ chỉ làm mọi chuyện thêm phức tạp”.

‘Từ đối đầu sang chính trị’

“Cả nước Việt Nam với 90 triệu dân chỉ bằng một tỉnh cỡ trung của Trung Quốc,” ông nói, “Việt Nam có rất ít chọn lựa và khả năng xoay sở.”
“Nếu Trung Quốc muốn đặt giàn khoan ở đó vô thời hạn thì Việt Nam cũng không làm gì được.”
“Tuy nhiên, Trung Quốc muốn tránh hậu quả của việc đối đầu không có điểm dừng với việc cân nhắc bối cảnh quốc tế và các cuộc đàm phán cấp cao với Hoa Kỳ.”
“Việc Trung Quốc thả 13 ngư dân Việt Nam là một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc giờ đây đang chuyển từ đối đầu sang bàn cờ chính trị,” ông nói thêm.
Về phía các nước Asean, ông Thayer cho rằng họ đều ‘thở phào’ khi thấy căng thẳng hạ nhiệt vì họ ‘không muốn đi theo Mỹ để gây sức ép với Trung Quốc’.
Về việc Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường trong tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trên Biển Đông, ông cho rằng ‘đây là điều rất rõ ràng’.
Tuy nhiên, với việc Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền bằng cách triển khai giàn khoan thì ông Thayer cho rằng ‘họ đã không thành công’ bởi vì gặp phải ‘phản ứng hàng ngày của Việt Nam’.
“Cả hai đều có thể cho rằng mình đã thắng,” ông nói. “Trung Quốc thì nói họ đã hoàn tất việc thăm dò cho mục đích thương mại còn Việt Nam thì nói rằng sự phản đối của họ đã khiến Trung Quốc phải dời giàn khoan.”

Phần Lan chặn lô vũ khí đi Ukraine

Cập nhật: 13:04 GMT - chủ nhật, 20 tháng 7, 2014
Hải quan Phần Lan nói lô vũ khí gửi tới Ukraine đã bị chặn hồi cuối tháng Sáu
Hải quan Phần Lan nói họ đã chặn một lô vũ khí đang trên đường tới Ukraine, theo hãng tin Reuters.
Lô hàng gồm "các vật liệu quân sự" đã bị chặn tại sân bay Helsinki hồi cuối tháng Sáu, hải quan Phần Lan nói hôm thứ Sáu 18/7.
Nhật báo Helsingin Sanomat, có đông thuê bao nhất tại Phần Lan và khối các nước Bắc Âu, nói rằng lô hàng vận chuyển qua đường hàng không này gồm số lượng lớn các thiết bị dùng để điều khiển tên lửa, tuy tin này không được hải quan Phần Lan xác nhận.
Hãng tin DPA của Đức trích lời ông Sami Rakshit, người đứng đầu lực lượng kiểm tra của hải quan Phần Lan nói: "Thông tin sơ bộ cho thấy đó là hàng quân sự."
"Thông tin sơ bộ cho thấy đó là hàng quân sự. Không phải là vũ khí, đạn dược mà hầu như chắc chắn là thuộc về những loại vũ khí nhất định nào đó."
Sami Rakshit, Trưởng Lực lượng Kiểm tra, Hải quan Phần Lan
"Không phải là vũ khí, đạn dược mà hầu như chắc chắn là thuộc về những loại vũ khí nhất định nào đó."
"Đó là các vật liệu quân sự đang trên đường tới Ukraine," ông Rakshit nói với Reuters. "Chúng không có các giấy phép cần thiết kèm theo."
Lô hàng xuất xứ từ vùng Viễn Đông, nhưng "không phải Nga, Trung Quốc hay Bắc Hàn", ông Rakshit xác nhận với DPA.
Ông Rakshit cho biết cơ quan hải quan Phần Lan đang điều tra xem ai là người sẽ nhận lô hàng tại Ukraine, mà theo Helsingin Sanomat là ở vùng viễn đông của Ukraine.
Miền đông Ukraine là khu vực đang trong cuộc khủng hoảng, với những người ly khai thân Nga đối đầu ác liệt với các lực lượng chính phủ.
Hôm thứ Năm 17/7, chiếc phi cơ dân sự MH17 của hãng hàng không Malaysia khi bay ngang qua vùng trời này đã bị bắn hạ, nhiều khả năng là do tên lửa, khiến toàn bộ 298 người trên khoang tử nạn.
Chính phủ Ukraine và phe phiến quân thân Nga ở nước này đổ lỗi cho nhau về thảm kịch, trong lúc chính phủ đưa ra điều mà họ cho là chứng cứ cho thấy phe phiến quân đã nhận trách nhiệm.

Phi cơ MH17 được cho là bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa tầm trung đất đối không Buk do Nga sản xuất

'Lô hàng lớn'

Quân đội Phần Lan đang hỗ trợ hải quan điều tra chính xác về chức năng sử dụng của các phụ tùng thiết bị thuộc hệ thống tên lửa, Reuters nói.
Theo Helsingin Sanomat, lô hàng này xuất phát từ Việt Nam, và cơ quan hải quan Phần Lan đang điều tra xem liệu có phải các phụ tùng đã được bảo dưỡng tại Việt Nam hay không, cũng như lý do khiến Phần Lan được chọn làm điểm trung chuyển trong vận đơn.
Tuy nhiên, BBC chưa có điều kiện kiểm chứng với phía Việt Nam về tin này.
Cơ quan hải quan cũng sẽ chú ý tới hãng hàng không đã vận chuyển lô hàng nhằm xác định vai trò của hãng trong toàn bộ vụ việc. Tuy nhiên, tới thời điểm này hãng hàng không chưa bị nghi vấn về việc vi phạm quy định xuất khẩu.
Hải quan Phần Lan nói lô hàng là một trong những lô vũ khí lớn nhất mà họ từng chặn được. Trong nhiều năm qua, họ đã chặn được khoảng mười vụ nghi là thiết bị quân sự, trong đó có một số vụ nhằm gửi tới các nước đang đối diện lệnh cấm vận vũ khí.
Năm ngoái, hải quan nước này tham gia vào một vụ điều tra xuyên biên giới liên quan tới nỗ lực đưa lậu các phụ tùng xe tăng vào Syria đang có chiến sự, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí quốc tế, thông qua ngả Phần Lan.
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/07/140720_ukraine_missile_cargo_vietnam_link.shtml

Một lô thiết bị tên lửa từ Việt Nam gởi qua Ukraina bị chặn tại Phần Lan

Linh kiện dùng trong hệ thống hướng dẫn tên lửa xuất đi từ Việt Nam bị chạn tại phi trường Helsinki
Linh kiện dùng trong hệ thống hướng dẫn tên lửa xuất đi từ Việt Nam bị chạn tại phi trường Helsinki
Helsingin Sanomat

Trọng Nghĩa
Vào lúc mọi con mắt đang dồn vào vụ chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia tình nghi bị tên lửa bắn rơi tại miền Đông Ukraina, nhật báo Helsingin Sanomat tại Phần Lan vào hôm qua, 18/07/2014 tiết lộ : Một lô hàng gồm các bộ phận tên lửa từ Việt Nam gởi qua Ukraina đã bị hải quan Phần Lan chặn giữ vào tháng Sáu. Lý do chặn giữ là vì lô hàng lớn này không có giấy phép cần thiết để quá cảnh Phần Lan.

Theo bài báo trên tờ Helsingin Sanomat – một nhật báo có uy tín tại thủ đô Phần Lan Helsinki – được trang mạng Yle.fi trích đăng, thì lô hàng bị tịch thu bao gồm các linh kiện trong một hệ thống hướng dẫn tên lửa, xuất đi từ Việt Nam và có nơi đến là Ukraina. Lô hàng được chuyển vận bằng đường hàng không, và bị chặn giữ tại phi trường quốc tế Helsinki-Vantaa. 
Giới chức hải quan Phần Lan hiện đang chờ xác nhận từ quân đội nước này để xác định rõ ràng các linh kiện đó thuộc về bộ phận nào của tên lửa, đồng thời cố gắng để điều tra xem ai phía nhận lô hàng này tại Ukraina là ai. Họ cũng đang tìm hiểu xem đây là những linh kiện đã kinh qua sử dụng ở Việt Nam hay chưa, cũng như lý do vì sao Phần Lan lại được chọn làm một điểm trung chuyển trên vận đơn. 
Các quan chức hải quan cũng sẽ điều tra xem hãng hàng không đã vận chuyển lô hàng này đóng vai trò gì trong thương vụ mua bán vũ khí đó. Tuy nhiên, cho đến lúc này, hãng hàng không đó không bị tình nghi là vi phạm quy định xuất khẩu. 
Đối với Hải quan Phần Lan, đây là lô vũ khí lớn nhất mà họ đã chặn giữ được từ trước đến nay. Trong những năm qua hải quan Phần Lan đã thực hiện hơn một chục vụ chặn giữ các lô hàng bị tình nghi là thiết bị quân sự, với một số lô được gởi đến các nước đang phải bị lệnh cấm vận vũ khí. 
Cụ thể là vào năm ngoái, hải quan Phần Lan đã tham gia một cuộc điều tra xuyên biên giới về một mưu toan buôn lậu các bộ phận xe tăng qua Syria, thông qua ngã Phần Lan, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí của quốc tế.
tags: Việt Nam - Phần Lan - Quốc tế - Vũ khí - Tên lửa
 http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140719-mot-lo-thiet-bi-ten-lua-tu-viet-nam-goi-qua-ukraina-bi-chan-tai-phan-lan
 
 
   Mỹ, EU tăng cường trừng phạt Nga
Cập nhật: 03:50 GMT - thứ năm, 17 tháng 7, 2014
Phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ cho phe ly khai trong cuộc chiến ở Ukraine
Mỹ và Liên minh châu Âu đã tăng cường các biện pháp cấm vận Nga do nước này bị cáo buộc ủng hộ các tay súng ly khai ở miền đông Ukraine.
Mỹ đã nhằm vào các ngân hàng lớn như Gazprombank, các công ty quốc phòng và năng lượng như Roseft.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được dẫn lời nói rằng các lệnh cấm vận sẽ đưa quan hệ Mỹ-Nga ‘vào ngõ cụt’.
EU cho biết sẽ thông báo các chi tiết của lệnh cấm vận vào cuối tháng Bảy và tiết lộ rằng các ngân hàng đầu tư của họ sẽ không cấp vốn cho các dự án của Nga nữa.

‘Rất nặng’

Vòng cấm vận mới của Mỹ do Bộ Tài chính nước này loan báo đã mở rộng các biện pháp trừng phạt trước đây vốn chỉ giới hạn ở một số nhân vật ở Nga và Ukraine và một số công ty.
Bên cạnh các ngân hàng và các công ty năng lượng, nhà sản xuất vũ khí Kalashikov Concern cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Hai thực thể nhà nước tự phong ở miền đông Ukraine – Cộng hòa Nhân dân Donetsk and Cộng hòa Nhân dân Luhansk – cũng bị trừng phạt.
Phát biểu ở Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói các biện pháp cấm vận này được đưa ra bởi vì Nga đã không làm tròn lời hứa giảm căng thẳng ở Ukraine.
“Những biện pháp trừng phạt này rất nặng,” ông nói trước báo giới, “Nhưng đây là những biện pháp có mục tiêu với mục đích là có tác động mạnh nhất đối với Nga trong khi hạn chế liên lụy đến các công ty của Mỹ và của các nước đồng minh của chúng ta.”
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho Ukraine. Ông nói rằng ‘người dân Ukraine xứng đáng được quyết định vận mệnh của mình’.
Lệnh trừng phạt của Mỹ không bao gồm biện pháp cắt đứt hoàn toàn với một số khu vực của kinh tế Nga – một bước đi mà các quan chức Mỹ nói nước này sẽ để dành phòng khi Moscow đưa quân vào Ukraine.

‘Tác dụng ngược’

Chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt ở Ukraine
Đang dự một hội nghị thượng đỉnh ở Brazil, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Cấm vận có tác dụng ngược và chắc chắn là chúng sẽ đưa quan hệ Nga-Mỹ vào ngõ cụt và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.”
Còn ở Brussels, các nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý tăng cường cấm vận Nga.
Họ cho biết danh sách các ‘thực thể và cá nhân’ bị cấm vận sẽ được thông báo vào cuối tháng Bảy.
EU nói họ sẽ tạm ngưng đầu tư của các Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu vào Nga.
Trong lúc này, chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt ở miền đông Ukraine.
Các quan chức Ukraine cho biết 11 binh sỹ của họ thiệt mạng trong vòng 24 giờ. Con số thương vong của phe ly khai thân Nga hiện vẫn chưa biết được.
Hơn 1.000 dân thường và lực lượng chiến đấu đã chết kể từ giữa tháng Tư khi quân Ukraine tiến về miền đông để giành lại quyền kiểm soát khu vực này trong khi hàng chục ngàn người đã rời bỏ nhà cửa.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã dẫn đến cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/07/140717_sanctions_russia_bolstered.shtml 
 

Áp lực lên Mátxcơva sau tai nạn máy bay

Quân ly khai thân Nga ngay tại hiện trường máy bay MH17 bị nạn hôm 17/07/2014.
Quân ly khai thân Nga ngay tại hiện trường máy bay MH17 bị nạn hôm 17/07/2014.
REUTERS/Maxim Zmeyev

Lê Vy
Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraina vào hôm qua (17/7/2014) là đề tài chiếm trang nhất hầu hết các nhật báo Pháp. « Máy bay Boeing rơi khơi lại khủng hoảng tại Ukraina » là tựa trên Le Figaro. Libération chạy tít : « Chiến tranh trên bầu trời ».

Ba từ « bị bắn rơi » được lặp đi lặp lại trên các tờ báo để chỉ về chiếc máy bay xấu số đang trên đường bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur với 295 sinh mạng. Dù cho nguyên nhân từ đâu đi nữa thì 295 hành khách và phi hành đoàn cũng đã mất mạng.
Cả ba nhật báo đều có chung nhận định là hiện cả hai phe là phe ly khai thân Nga và phía Kiev đều đang đổ lỗi cho nhau trong vụ bắn hạ chiếc Boeing nhưng nghi ngờ vẫn nghiêng nhiều về khả năng phe ly khai. Một số tờ báo khác thận trọng hơn và gọi đây là « một sự ngờ vực kinh hoàng » như tờ La Provence.
Vì sao lại có sự ngờ vực này ? Chỉ ít lâu sau khi máy bay rơi, lãnh đạo phe thân Nga Ukraina đăng tải một thông tin trên Facebook cho biết phe ly khai đã bắn hạ một chiếc máy bay do họ tưởng là chiếc máy quân sự. Khi được biết đó là chiếc máy bay dân sự, thông tin này đã bị xóa khỏi Facebook.
Chiếc máy bay Boeing không hề có tín hiệu trục trặc gì trước khi bị rơi, đang bay trên độ cao 10 000 mét thì bỗng dưng bị rơi trên bầu trời Donetsk, đang nổ ra chiến tranh. Tờ Parisien đặt câu hỏi, liệu phe ly khai thân Nga có vũ khí tối tân như vậy hay sao để có thể bắn rơi được chiếc máy bay ở độ cao như vậy. Bởi vì, theo giải thích của chuyên gia an ninh hàng không, Xavier Tytelman, để chạm được đến độ cao mà mắt thường không nhìn thấy được chiếc máy bay thì phải có một hệ thống tên lửa phức tạp hoặc có máy bay chiến đấu.
Các nhật báo đồng loạt quan ngại về khả năng leo thang quân sự tại khu vực. Theo bài xã luận trên tờ Le Figaro, nếu như giả thuyết máy bay bị tên lửa bắn hạ được khẳng định thì đây quả là một « tội ác không thể tha thứ được và một lỗi lầm trầm trọng».
Le Figaro cũng quan ngại đến số phận đang đè nặng lên hãng không Malaysia Airlines. Cách đây 4 tháng, chiếc MH 370 của hãng này đã mất tích khi trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh với 239 người. Le Figaro nhận định, vụ máy bay MH17 rơi gây sốc cho cả thế giới. Theo ngôn từ của Tổng thống Obama thì đây là một « bi kịch khủng khiếp».
Libération nhận định, đây không phải là lần đầu tiên một chiếc máy bay dân sự bị bắn rơi. Ngày 01/09/1983 trong lúc đang diễn ra chiến tranh lạnh, một máy bay của hãng Korean Airlines chở 269 hành khách bị trúng tên lửa của một máy bay chiến đấu Liên Xô tại miền Tây đảo Sakhaline. Năm năm sau, ngày 3/07/1988, khi đang diễn ra chiến tranh Iran-Irak, một máy bay của hãng Iran Air bị trúng đạn của Hải quân Mỹ. Tuần dương hạm Mỹ USS Vincennes đã bắn hai tên lửa làm thiệt mạng 290 thường dân, trong đó có 66 trẻ em. Ít lâu sau, Hoa Kỳ đã thừa nhận lỗi lầm.
Khẩu chiến
Báo chí quốc tế dĩ nhiên cũng lên tiếng về thảm kịch này. Tờ The New York Times nhận định : «Chỉ có Putin mới dừng được chiến tranh tại Ukraina ». Xung khắc tại Ukraina đã kéo dài từ lâu và bắt đầu gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện tại, Putin vẫn cứ thích tỏ ra mình là nạn nhân của mưu đồ gian xảo từ Hoa Kỳ. Tờ nhật báo lớn của Mỹ đặt câu hỏi : « Liệu các nạn nhân của thảm kịch này có làm động lòng Putin để ông chấm dứt trò chơi vô ích này tại Ukraina hay không ? ».
Trên trang mạng truyền thông Nga bằng tiếng Pháp La Voix de la Russie, Tổng thống Putin quy trách nhiệm cho Ukraina về vụ rơi máy bay này. Ông cũng đã đề nghị họp muộn vào ban đêm tại Mátxcơva và dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân của tai nạn này. Theo trang mạng La Voix de la Russie, Tổng thống Nga đã ra lệnh cho các quân nhân Nga hợp tác điều tra về thảm kịch này. Nhật báo Anh The Guardian cho biết, Thủ tướng Malaysia Najip Razak lo ngại các chứng cứ biến mất, bởi vì các mảnh vỡ của chiếc máy bay hiện đang bị các chiến binh thân Nga nắm giữ.
Nhật báo Nga Kommersant dẫn nguồn từ hàng không Nga để cáo buộc Ukraina chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn này. Nguồn tin này trách Kiev lẽ ra nên cấm tất cả các chuyến bay đi qua không phận đang xảy ra chiến tranh.
Qua bài viết khác trên nhật báo Les Echos đề tựa : « Ukraina : máy bay Malaysia bị tấn công gây áp lực lên Mátxcơva ». Tờ báo kinh tế quan tâm đến tác động của thảm kịch này lên thị trường tài chính trên thế giới. Chứng khoán Mátxcơva giảm 2,3% còn Paris hạ 1,21%.
Khủng hoảng của chính phủ Cam Bốt
Liên quan đến thời sự tại Châu Á, Libération hôm nay quan tâm đến tình hình chính trị tại Cam Bốt qua bài viết : « Chính quyền Cam Bốt trở nên độc đoán ». Theo tờ báo, Thủ tướng Hun Sen đã tấn công vào giới biểu tình và bắt giữ 8 dân biểu đối lập.
Libération cho biết, khủng hoảng bắt đầu từ thứ 3, khi hàng trăm người biểu tình xuống đường đòi chính phủ mở cửa lại công viên Tự do, nơi trước đây dành cho người biểu tình. Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen đã đóng cửa công viên này hồi tháng Giêng sau cuộc biểu tình rầm rộ của phe đối lập và sau đó bao bọc công viên bằng một hàng rào thép gai vào tháng Năm.
Chủ tịch trung tâm nhân quyền Cam Bốt nhận định, không hề có một bằng chứng nào quy trách nhiệm người biểu tình sau vụ đụng độ chết chóc. Cần phải xem lại các đoạn video hôm thứ ba vừa rồi để xem sự việc này có bị chính phủ sắp đặt trước không.
Bên cạnh khủng hoảng chính trị đang ngự trị tại Cam Bốt là tình trạng phẫn nộ trong dân chúng, đặc biệt là giới công nhân ngành may mặc, lực lượng trụ cột góp phần vào tăng trưởng Cam Bốt. Trước một chính quyền độc đoán và hung bạo đã bắn vào đám đông biểu tình hồi tháng Giêng vừa rồi, làm thiệt mạng 4 người, người dân công kích mạnh hơn. Ông François Ponchaud, một quan sát viên tại Cam Bốt e ngại bùng nổ bạo lực tại đất nước này. Ông nhận định, « Thủ tướng Hun Sen muốn thể hiện cho dân thấy là ông ta có quyền lực, nhưng khi người Cam Bốt nổi giận, thì họ sẵn sàng làm mọi thứ ». Lạ kỳ thay là từ lúc xảy ra đụng độ chết chóc, lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy vẫn im lặng. Ông Sam Rainsy hiện đang ở Pháp và cho biết sẽ quay trở về Cam Bốt.
Đóng đinh trên thập giá vẫn tồn tại tại Syria
Ngày nay, hình phạt man rợ là đóng đinh trên thập giá vẫn tồn tại tại Syria. Đó là nội dung một bài viết trên tờ báo Công giáo La Croix. Nhiều hình ảnh và các đoạn phim được đăng trên mạng cho thấy các hành động man rợ vẫn còn hoành hành ở thế kỷ này, trong đó có hình phạt đóng đinh trên thập tự.
Tuy nhiên, người ta vẫn hoài nghi, liệu đó là sự thật hay được dàn dựng ? Các thi thể đẫm máu bị đóng trên thập giá trước sự chứng kiến của công chúng. Liệu có một biện pháp nào để kiểm chứng sự thật ? Tờ báo thận trọng cho rằng, cuộc nội chiến đã xé nát đất nước Syria và mọi dàn dựng trên mạng internet đều có thể xảy ra.
Thế nhưng, nhà nghiên cứu người Pháp-Liban Antoine Fleyfel, giáo sư đại học công giáo Lille, khẳng định, hình phạt đóng đinh trên thập tự vẫn còn tồn tại ngày nay tại vùng Cận Đông. Các hành động này thường do thành phần djihad nhóm Hồi giáo cực đoan tiến hành và thường nhắm đến người Hồi giáo.
Trường hợp thứ nhất là dựa vào một số tấm ảnh về cảnh đóng đinh, tờ báo cho rằng, hình phạt này không làm cho nạn nhân bị chết mà chỉ nhằm làm nhục trước công chúng, để trừng phạt hành vi sai lầm của họ. Giáo sư Antoine Fleyfel giải thích, hành động đóng đinh này không giống như trường hợp Chúa Giê-Su bị đóng vào thập giá đến chết.
Trong trường hợp thứ hai là qua các video, La Croix giải thích, các nạn nhân đã bị hành hạ và bị bắn chết trước khi bị đóng đinh vào thập giá. Theo một tổ chức phi chính phủ Syria, có 8 quân phiến loạn Syria bị giết trước khi bị đóng vào thập giá.
Thế còn người Thiên Chúa giáo có bị đóng đinh như vậy không ? Theo nữ tu Raghida Al Khoury, cựu hiệu trưởng một trường học tại Damas, làm chứng hồi tháng Tư vừa rồi, có 2 người Công giáo bị nhóm djihad đóng đinh, do họ không chịu theo Hồi giáo. Ngày 02/05/2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khóc khi báo chí loan tin 2 người Công giáo bị đóng đinh tại những quốc gia không theo Thiên Chúa giáo, mà không nói thẳng đó là Syria.
Rồng Việt Nam được triển lãm tại bảo tàng Guimet (Pháp)
Mục điểm báo được khép lại bằng bài viết trong mục văn hóa trên Le Figaro nói về triển lãm mang tên : « Rồng bay. Nghệ thuật hoàng gia Việt Nam » được trưng bày tại bảo tàng Guimet (Paris) nhân sự kiện năm văn hóa Pháp-Việt. Đây là lần đầu tiên, bảo tàng nghệ thuật Á châu Guimet được vinh dự giới thiệu ở nước ngoài bộ sưu tập vàng và kho báu của triều Nguyễn, triều đại vua chúa cuối cùng của Việt Nam. Sau khi vương triều Bảo Đại sụp đổ vào 25/08/1945, những vật dụng của hoàng cung vẫn còn sót lại qua bao thăng trầm lịch sử. Chỉ đến năm 2007, chính quyền Việt Nam mới chấp nhận đem ra trưng bày một số bảo vật tại bảo tàng lịch sử quốc gia Hà Nội.
Trong số được trưng bày tại bảo tàng Guimet có các kỷ vật được làm bằng vàng, các bình trà, chén dĩa cho các buổi tiệc tùng bằng vàng, bạc, được chạm trỗ công phu với hình rồng phượng. Buổi triển lãm nêu bật vai trò của hình tượng con rồng như con vật biểu tượng cho triều đại vua chúa. Ông Pierre Baptiste, thuộc bảo tàng Guimet nhận định : « Tại Châu Á, hình ảnh rồng không giống như ở phương Tây thời Trung Cổ. Rồng không phải là con quái vật, nó cũng không liên quan đến địa ngục, mà gắn liền với nước. Con vật này có sức mạnh thần kỳ, nó có thể mang lại thịnh vượng, nhưng ngược lại cũng có thể gây nên bão tố. Ngoài ra, trang phục của triều đại nhà Nguyễn cũng được trưng bày với các họa tiết rồng phượng. Ngay cả cái tên Bảo Đại cũng có nghĩa là « con rồng An Nam ».
 http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140718-ap-luc-len-matxcova-sau-tai-nan-may-bay



No comments:

Post a Comment