Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 30 July 2020

Thụy Khuê
Nói Chuyện Với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp







Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu Kiều
Thụy Khuê: Thưa bác, xin bác nói về công việc nghiên cứu Kiều của bác từ 50 năm nay. Hoàng Xuân Hãn: Công việc nghiên cứu Kiều của tôi là từ lúc đầu. Tôi về bên nhà năm 1936, thì độ 37, 38, tôi đã nghĩ đến tìm kiếm tài liệu. Nhưng đến năm 1945, tôi mới thực sự bắt đầu làm việc. Tôi đương còn nhớ, hôm đầu tiên đánh nhau ở Hà Nội, người ta bắt tôi vào Hỏa Lò. Tôi có nói với họ: Tôi có thể mang bản Kiều vào để làm việc được không? Họ để tôi mang vào. Tức là khi ấy tôi đã có bản Kiều rồi. Rồi từ lúc ấy đến bây giờ, tôi vẫn tiếp tục công việc. Mà công việc của tôi không phải để chú thích Kiều như phần lớn họ làm từ trước đến giờ, nghĩa là người ta nghĩ đến chuyện giảng Kiều hơn là nghiên cứu Kiều.
Nghiên cứu của mình trước đây là giảng nghĩa, tức là công việc của một thầy giáo tiểu học, trung học, cũng như đại học. Ở trình độ nào thì cũng thầy giảng, giảng một ngày một sâu lên, nhưng cũng là giảng học cả. Vậy nghiên cứu Kiều là nghĩa thế nào? Mình ở thế kỷ này, cách lúc cụ Nguyễn Du viết đã gần 200 năm, thì vấn đề nghiên cứu cốt thiết nhất là bản Kiều hiện bây giờ mình đọc, có phải là lời của cụ Nguyễn Du viết ra như thế cả không? Hay là đã bị sửa chữa nhiều bởi vì tục của người Việt Nam ta, cũng như người Tầu, là không có nguyên bản khi nào cả. Một bản ra thì rồi ai đọc, thích thế nào, chữa thế ấy, đến lúc viết lại hay đưa ra khắc, thì khắc lời của người đã chữa rồi chứ không phải là của nguyên bản.
Nước mình là một nước hủy hoại văn bản hết sức, vì khí hậu, vì chiến tranh, vì lòng người không biết trọng cái xưa. Chỉ còn cách là tìm được bản nào xưa nhất, đó là việc đầu tiên.
Cái thứ hai là so sánh với bản gốc, nguyên truyện của Trung Quốc; nếu cái bản xưa gần bản chính của Trung Quốc chừng nào thì là xưa chừng ấy.
Cái thứ ba là những tục truyền gì ở xung quanh con người Nguyễn Du, về làng nước, bạn bè: Tôi để ý về những chuyện ấy.
Cái thứ tư nữa là có bản Nôm mà không biết đọc bản Nôm, nhiều khi đọc sai, mất nghĩa hoặc không có nghĩa gì. Vì chữ Nôm, tôi nghiên cứu nhiều, tôi cũng quen lắm, thành ra tôi đoán được nhiều cái hồi trước không đọc được hoặc đọc sai.
Cuối cùng tôi thấy trong những bản còn lại, có một bản hội đủ điều kiện để mình tái lập phần lớn văn Kiều đời xưa, có thể nói là nguyên lời Nguyễn Du, chứ không phải là nguyên bản bởi vì nguyên bản không tìm ra được nữa.
Tôi so sánh văn bên trong, những lời, những chữ bên trong, những tiểu từ, có một vài chỗ, chứ không nhiều đâu, gần với bản chính -truyện Tàu-, thì mình thấy rõ ràng là người viết bản ấy, có bản chữ nho bên cạnh để họ dịch thẳng ra tiếng Việt. Sau này, họ thấy như thế thì không ổn, hay bởi vì trái với thời thượng, hay là vì gì đấy, thì họ chữa lại cho êm tai hơn.
Sau nữa, cụ Nguyễn Du tuy ở Bắc nhiều -mẹ người Bắc- nhưng cái gốc Nghệ cũng không khỏi được. Cho nên tiếng Nghệ instinctivement tự nhiên cụ viết ra; nhiều khi cụ viết ra những tiếng dùng ở Nghệ chứ ở Bắc người ta ít dùng lắm. Tuy phần lớn văn Kiều là tiếng Bắc đấy, nhưng có những tiếng như thế; tôi là người Nghệ An tôi thấy rõ chuyện ấy hơn người khác nhiều. Thế đến gia đình, có những chuyện, có nhẽ trong gia đình họ Nguyễn ở Tiên Điền, họ nói một cách khác ở ngoài, thì ở trong ấy mình thấy, sau này ra ngoài họ chữa thành tiếng thông dụng của mọi nơi.
Thêm một chuyện -có thể nói là can hệ lắm- là hồi ấy (năm 42, 43) tôi nghỉ hè ở quê được 3, 4 tuần, thành ra tôi vào Tiên Điền. Họ cụ Nguyễn Du, lúc ấy chỉ còn một người tai mắt là ông nghè Nguyễn Mai, gọi là ông nghè Mai, trước là bạn học với cha tôi, cho nên cha tôi vào thăm thì nhân dịp ấy tôi vào theo. Tôi nói chuyện lâu lắm, tôi hỏi thì biết rằng từ trước đến giờ, người ta vào đấy tìm ông Nguyễn Mai nhiều, hoặc là tìm bạn cũ, hoặc nói là tìm bản cũ của cụ Nguyễn Du. Cái lối các cụ ngày xưa, người ta hỏi cái gì thì trả lời chóng vánh cho khỏi lôi thôi, thì cụ cứ ừ hết cả. Thành ra cụ có cho người này bản này, người kia bản kia, người nào cũng tưởng là bản của cụ Nguyễn Du cả. Mà sự thực không phải thế. Nhưng mà có một bản tôi gọi là bản Tiên Điền thì đúng hơn.
Trong Tiên Điền, có một bản cũ, không biết là chép lại từ đời nào. Bản ấy, xét ra -tôi không có trong tay hiện giờ, nhưng tôi có một vài mẫu- hơi giống bản của ông Đào Nguyên Phổ đưa về Bắc rồi ông Kiều Oánh Mậu in ra gọi là Đoạn Trường Tân Thanh. Bản Đoạn Trường Tân Thanh ấy là bản gần -nguyên bản- đấy, nhưng cũng không phải là bản gần nhất đâu. Tôi có bản gần hơn.
 

Thụy Khuê: Bác nói lại tên cụ đưa văn bản Đoạn Trường Tân Thanh về Bắc. Hoàng Xuân Hãn: Cụ tên là Đào Nguyên Phổ, người ở Thái Bình, thân sinh ra ông Đào Trinh Nhất. Cụ đậu hoàng giáp cuối đời Thành Thái, khoảng 1899. Những người nghiên cứu về Kiều đều biết cụ. Cụ đưa bản ấy về Bắc cho ông Kiều Oánh Mậu. Không biết ông Kiều Oánh Mậu có thêm thắt gì không. Bây giờ có bản Nôm gọi là bản Kiều Oánh Mậu, đề là Đoạn Trường Tân Thanh, chứ không phải Kim Vân Kiều.
Ngoài ra, trong các bản viết, bản in mà tôi thu thập lại được thì phải nói rằng không có bản in nào xưa hơn cuối đời Tự Đức cả, tức là khoảng 1870. Thế còn bản viết thì cũng có bản chép lại sau, cũng có bản xưa, có thể là xưa hơn bản in, nhưng cũng không lấy gì làm chắc. Nhưng tôi cốt dựa vào sự truyền bá truyện Kiều ở trong nước ta. Xét về cách truyền bá ở Bắc, ở Trung, ở Nam, rồi so sánh ba sự truyền bá ấy với thời gian truyền bá để xét chỗ khác nhau và khám phá ra những cái người ta thêm vào. Trong các bản, có một bản ở trong Nam thấy đương còn những dấu vết hoàn toàn đời Gia Long. Không có đời Minh Mạng. Thì mình chắc chắn bản ấy người ta sao lại một bản từ đời Gia Long.
 

Thụy Khuê: Bản này bác khám phá ra hồi nào ạ? Hoàng Xuân Hãn: Từ hồi đầu trước, khoảng 42-43, tôi đã thấy rồi. Nhưng không ai để ý tới vì bản ấy có nhiều sai lầm, nhưng qua cái sai lầm một cách giản dị mà mình lại chữa được một cách chắc chắn. Còn những bản khác, người ta sửa lại mà sửa một cách khôn ngoan, thì không thể đoán được, hoặc là có thể đoán được nhưng mà khó đoán lắm.
 

Thụy Khuê: Thưa bác, đấy là một bản chép tay? Hoàng Xuân Hãn: Hiện bây giờ có bản in, nhưng in sai rất nhiều, cho nên không mấy người để ý tới. Nhiều khi người ta cho là bản một người dốt chép lại, không ai để ý. Nhưng sự thực bản ấy là bản quý nhất. Tôi chắc chắn với sự suy xét ấy, tôi thấy không những là về mặt niên đại, về chữ húy của mình, chỉ có húy đời Gia Long, không húy đời Minh Mạng, thì biết rằng bản viết người ta theo đó để mà sao lại, chắc chắn đầu đời Gia Long. Nhưng bây giờ lại từ đó muốn suy ra niên đại cụ Nguyễn Du viết Kiều vào khoảng nào? Chỗ này thì không có cách khảo sát dễ dàng đâu. Đến gia phả ở Tiên Điền cũng nói rằng khi cụ Nguyễn Du đi sứ, có mang truyện Kiều về, cho nên cụ viết quyển Kiều tiếng Việt. Cái ấy là lầm. Chắc chắn là lầm. Bởi vì cụ Nguyễn Du đi sứ vào khoảng 1814, 1815, tại sao mà biết là lầm?
Vì tôi thấy rằng bản ở Huế còn lại, rồi sau ông Đào Nguyên Phổ mang về Bắc, ông Kiều Oánh Mậu in ra gọi là Đoạn Trường Tân Thanh, trong bản ấy có những lời phê bình của hai người là ông Vũ Trinh  và ông Nguyễn Thành , hai người bạn của cụ Nguyễn Du. Nhưng hai người bạn ấy, chỉ có thể là bạn trong cái đời trốn tránh Tây Sơn. Sự phê bình có phần chắc là đời Tây Sơn, trước đời Gia Long nữa. Cái thứ hai nữa là ông Vũ Trinh sống lâu, nhưng ông đã bị tội trong đời Gia Long rồi, bị tội vì Nguyễn Văn Thành, ông là thầy dậy học con Nguyễn Văn Thành, rồi người con Nguyễn Văn Thành bị xử tử, ông ấy bị đầy vào Quảng Nam, không được về quê cho đến đời Minh Mạng mới được tha về.
Nhưng ông Nguyễn Thành, trái lại, chết đời Gia Long, trong một trận đánh giặc. Về đời Gia Long, người ta nổi loạn chống lại nhà Nguyễn bởi vì muốn phục hồi con cháu nhà Lê, cho nên rất nhiều loạn. Ông Nguyễn Thành là tri phủ, hình như tri phủ Yên Trường, tức là vùng Ninh Bình bây giờ, bị chết vào độ 1807 thì phải, nếu tôi nhớ không lầm. Vì có sự phê bình của các ông ấy thì biết rằng truyện Kiều được viết đầu đời Gia Long hoặc trước đời Gia Long. Tôi chắc cũng không phải đời Gia Long, bởi vì đời Gia Long, cụ Nguyễn Du đã bị gọi ra làm quan, tri phủ Thường Tín hay tri phủ gì ở ngoài Bắc  về. Lúc đã ra làm quan rồi thì không có thì giờ ngồi viết Kiều.

Còn một chứng nữa, rất lớn, cũng không mấy người để ý tới: Cụ Phạm Quý Thích , người đề thơ đầu tiên về Kiều, còn để lại nhiều tập thơ. Có một tập cụ kể chuyện đi từ Bắc vào Huế, vì vua Gia Long mời cụ ra làm quan. Lần đầu vào Huế, cụ làm thơ vịnh những xứ sở đã đi qua.
Khi cụ tới Quảng Trị, chỗ gọi là Liên Hồ (Hồ Sen), cách độ một ngày thì tới Huế, cụ làm một bài thơ gọi là đề từ quyển Kiều , Đoạn Trường Tân Thanh  đấy. "Giai nhân bất thị náo Tiền Đường!" Do đấy thì biết rằng cụ có bản Nôm Kiều ở trong tay năm ấy, tôi nhớ như đầu đời Gia Long, năm 1805-1806  quãng ấy. Rồi cụ mang đi đường để đọc, từ ngoài Bắc vào Huế, hồi xưa đi đến gần 15 ngày, phần nhiều các cụ đi cáng, đoạn nào có thể đi thuyền được thì đi thuyền, phần lớn đi bộ chóng hơn, cụ đi cáng. Cụ nằm trong cáng đọc quyển Kiều, chắc đến Quảng Trị đọc xong, cụ làm bài thơ đề từ quyển Kiều ấy. Cho nên mình biết rằng quyển Kiều có trước đời ấy khá lâu, trước khi cụ Nguyễn Du đi sứ về. Những cớ ấy là chứng chắc chắn quyển Kiều làm từ trước.
Chuyện thứ hai nữa, theo lời truyền tụng chính ở xứ Nghệ, hồi nhỏ các cụ tôi kể chuyện lại là lúc cụ đương hàn vi, cụ viết truyện Kiều, họ kể rằng cụ chỉ viết một đêm là xong. Viết xong rồi, sáng dậy cụ bạc đầu. Chuyện bạc đầu thì sự thực có nhẽ cụ bạc đầu lúc 30 tuổi. Trong thơ, cụ có chừng 20 bài thơ luôn luôn nói chuyện bạc đầu. Cái ấy thì chắc chắn.
Hơn nữa, trong Kiều có mấy câu đầu, ít người để ý tới:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Hai câu ấy có thể nói gần như là hai câu sáo, không kể; nhưng câu dưới:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy đã đau đớn lòng

sau này có bản chữa lại là mà đau đớn lòng. Thực ra là đã đau đớn lòng. Hai câu ấy, cụ nói rằng: Trải qua một cuộc bể dâu, một chứ không phải hai hay nhiều cuộc bể dâu đâu nhé! Những điều cụ trông thấy đã đau đớn lòng. Trong truyện Tàu, không có chuyện bể dâu gì cả. Không có sự thay đổi gì cả. Đó là một histoire sociale  bên Trung Quốc, đời nhà Minh. Lúc ấy dân tình khổ vì các quan chia nhau ra Tây xưởng, Đông xưởng, tụi hoạn quan nó... có thể nói là anh nào cũng ăn đút lót, từ trên chí dưới, bịa ra những tội lỗi cho dân để lấy tiền. Hồi ấy là thế cả. Không phải là cuộc bể dâu. Đời nhà Minh vẫn êm thắm, không có gì cả.
Vậy cuộc bể dâu ấy là gì? Tức là Tây Sơn phá Trịnh với Lê và cụ, tức là cái họ của cụ không biết bao nhiêu người làm quan đầu triều hết cả -thượng thư đầu triều hay là đương còn trẻ, văn học rất nổi tiếng, trong họ của cụ có hàng chục người như thế-. Một cuộc bể dâu mà Tây Sơn đánh đổ Lê Trịnh là làm đổ hết cả họ về mọi mặt ở Tiên Điền. Cho nên những điều trông thấy đấy làm cụ đau đớn lòng. Theo đấy, với những lẽ suy khác thì nghĩ rằng cụ viết đời Tây Sơn chứ không phải đời Gia Long. Đấy là về thời gian viết.
 

Thụy Khuê: Thưa bác, Cụ Nguyễn Du đã viết truyện Kiều như thế nào? Cụ viết theo nguyên bản, hay từ nguyên bản cụ phóng tác ra một truyện khác? Hoàng Xuân Hãn: Cụ có một bản chữ Hán, cụ đọc rồi cụ cảm, vì truyện không phải là giống nhưng mà gợi ý suy đồi của họ Nguyễn Tiên Điền sau cuộc bể dâu ấy. Cụ cảm cho nên cụ bắt đầu kể lại chuyện ấy cho cụ, chứ không phải là cho người khác. Cho cụ, bởi vì cụ là nhà thơ, cuối đời Trịnh, đầu Nguyễn là thời kỳ văn quốc ngữ, văn Việt Nam cực kỳ thịnh. Có những người sau này nói rằng vì Tây Sơn, lúc ấy văn Việt Nam mới nổi lên. Không đúng đâu. Tiếng quốc ngữ được nổi lên có nhẽ từ thế kỷ XVII, cho đến đời Minh Mạng. Quãng ấy là quãng thịnh nhất. Sau Minh Mạng cũng đã non đi rồi. Cho nên những bài như Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, với những văn của Nguyễn Huy Lãng, bài Tây Hồ phú... vào cái khoảng đời ấy hết cả. Lúc ấy có thể nói có một trường phái điêu luyện về đường văn thái, văn kêu, văn hay... Cụ Nguyễn Du là vào cái phái ấy. Một bên tâm tình cụ bị cảm xúc, một bên văn tiếng Việt lúc ấy rất nổi, cho nên nhân dịp ấy, cụ viết ra quốc ngữ. Viết cũng không phải như người khác kể chuyện, mà là sự kể chuyện của người văn thơ rất hay. Cho nên người nào đọc cũng thấy một cạnh khía làm cho mình cảm động hết cả, từ đàn bà, trẻ em, đến người học cao sâu.
Thế còn ai mang quyển sách ấy về? Theo tôi, trong ấy có hai người. Một là anh ruột cụ Nguyễn Du là Nguyễn Đề , theo Tây Sơn từ lúc đầu. Ngô Thì Nhậm đưa ra thì cụ nhận liền, giúp các công văn từ lúc đầu giao thiệp với nhà Thanh, rồi cụ được đi sứ sang Thanh. Lúc về, cụ mang theo quyển Kiều vào khoảng đầu đời Quang Trung, 1792-93. Hai là người anh rể của cụ Nguyễn Du, tên là Đoàn Nguyễn Tuấn , con ông Đoàn Nguyễn Thục, người Quỳnh Lôi, hồi ấy ở phủ Thái Bình. Cụ Nguyễn Du là con rể cụ Đoàn Nguyễn Thục. Cụ này cũng đậu tiến sĩ, làm quan đến thượng thư đời Lê Trịnh, có nhiều con, trong những người con ấy, có Đoàn Nguyễn Tuấn hiệu là Hải Ông, cũng theo Tây Sơn từ lúc đầu với Nguyễn Đề và Ngô Thì Nhậm, rồi cũng đi sứ về. Cụ Nguyễn Du, thời kỳ ấy còn ít tuổi nhưng đã hiểu biết rồi, và lúc ở nhà người anh là ông Nguyễn Đề, ở Hà Nội, không làm gì, chính lúc ấy gian díu với Hồ Xuân Hương . Rồi ít lâu, cụ ra mặt không bằng lòng với Tây Sơn thì cụ cũng sợ liên lụy đến người anh, cho nên cụ về quê, ở nhà người anh rể ở Thái Bình khá lâu, cụ làm những bài thơ chữ Hán. Trong Bắc Hành Thi Tập vừa có thơ đi sứ, nhưng có một đoạn, nhiều bài viết ở Bắc Kỳ trong thời gian lưu lạc ở nhà quê. Người anh rể, Đoàn Nguyễn Tuấn, cũng có thể mang quyển Kiều chữ Hán về, rồi cụ thấy quyển Kiều ấy ở nhà người anh rể mà viết ra.
 

Thụy Khuê: Thưa bác, xin bác nói về quyển Kiều chữ Hán. Hoàng Xuân Hãn: Truyện Kiều chữ Hán thì gốc tích bây giờ cũng biết rõ ràng. Trong Minh sử, đời Gia Tĩnh, có Từ Hải thực, một người giặc, và Hồ Tôn Hiến, ông quan dẹp giặc. Ta cũng biết rõ rằng Từ Hải là người bất kham, không chịu lệnh triều đình, muốn chiếm một vùng dọc biển hoặc các hải đảo để tự trị, tự do. Muốn làm thế thì phải gian díu với một tụi giặc thực, giặc bể, người Nhật Bổn, vào cướp đất Trung Quốc. Từ Hải có lúc cũng trốn, vì mang tiếng là giặc, vào đi tu thành thầy tu. Nhưng thầy tu vẫn đi chơi. Đi chơi cô đầu, gặp Kiều ở nhà cô đầu, tên là Mã Kiều vì tưởng là con gái họ Mã. Rồi Từ Hải lấy người ấy. Trong sử chép rõ ràng là Hồ Tôn Hiến được lệnh đi dẹp đám Từ Hải-Vương Trực. Vương Trực làm chủ, còn Từ Hải chỉ là một tay phụ mà thôi. Muốn dẹp bọn này, Hồ Tôn Hiến dùng kế đàn bà tức là dùng Kiều. Nhưng tên Kiều thì trong sử không nói tới. Trong sử chỉ nói là dùng người đàn bà. Đến lúc Từ Hải đã chịu thần phục nhà vua thì quân Hồ Tôn Hiến lại lừa, đánh úp, Từ Hải nhẩy xuống biển tự tử. Nói là tự tử với hai người vợ cùng nhảy xuống biển. Hai người vợ chứ không phải một đâu. Sự thực là thế, cuối cùng Kiều cũng tự tử với Từ Hải chứ không như chuyện trong tiểu thuyết. Rồi cái tiếng Kiều đời ấy chắc là to lắm, cho nên nhiều người đặt ra chuyện. Trước truyện Kiều, có một hai truyện ngắn, có thể nói là đoản thiên tiểu thuyết, về một người con gái Bắc Kinh, bị Tú Bà bắt cóc, nhận làm con gái gọi là Mã Kiều. Rồi Từ Hải lấy Mã Kiều. Cuối cùng thì tự tử với Từ Hải.
Đến Thanh Tâm Tài Nhân, người viết truyện dài quãng cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh, khoảng đầu thế kỷ XVII. Viết xong giao cho Thánh Thán. Thánh Thán là một văn sĩ giỏi mà lại biết phê bình, biết khắc ván để hoàn thành tiểu thuyết mà bán. Cho nên họ gọi là bản Thánh Thán  là vì thế. Về Thanh Tâm Tài Nhân, hình như Thanh Tâm Tài Nhân có đề tựa và viết những chuyện khác nữa.
Đó cũng là những chuyện thực hết cả.
Bản Kiều ấy, tung bán khắp nơi rồi cũng bị sửa chữa. Tầu cũng như ta, có nhiều người đọc rồi sửa chữa lại văn. Hiện giờ có đến ba, bốn bản khắc. Mắt tôi được thấy bản Thánh Thán là một bản. Một bản tôi thấy ở Bristish Museum, văn hơi khác. Cách đây độ mươi năm, có người thấy ở trong thư viện, một thành phố rất nhỏ, thuộc đất nhượng địa cũ cho Đức, tôi không nhớ tên, gần Shantung, trong đó có nhiều tiểu thuyết cuối đời Minh, đầu đời Thanh, họ lấy ra và in ra. Nhà in ở Bắc, tên gọi là Xuân Phong , bản ấy tôi cũng mua được ở Paris đây. Và bên Nga, bên gì họ dùng bản ấy hết cả.
 

Thụy Khuê: Thưa bác, về văn học thì cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân có giá trị như thế nào? Hoàng Xuân Hãn: Đối với tôi, đối với người bây giờ thì có giá trị to. Vì người Tầu khi xưa viết tiểu thuyết, họ đi vào sự tỉ mỉ đương thời rất lớn. Cho nên qua một quyển tiểu thuyết là có thể biết rõ phong tục cả một đời. Họ viết kỹ càng cũng như Balzac. Mình thì mình quý. Nhưng với các nhà nho, hay người Tầu hiện giờ, những người có học thì chê viết tỉ mỉ dông dài. Trong ấy cũng có thơ nhiều lắm, thỉnh thoảng xen lẫn vận văn. Thơ không phải là lối thơ cử nghiệp. Nên những người học về lối cử nghiệp cho là thơ trong ấy non. Nhưng phải hiểu rằng người ta cốt viết cho dân gian. Thành ra quyển sách ấy là một roman populaire, nghĩa là viết gần như bạch thoại. Thơ nói. Chứ không phải là văn. Cái giá trị, đối với mình, về nội dung, tôi cho là rất quý.
Còn về đường văn thái thì tùy, đứng về phương diện một người học cử nghiệp hay là phương diện văn học dân gian, người cho là hay, người cho là dở. Người Trung Quốc hiện giờ thì họ cho là tầm thường, vì văn trong ấy tầm thường. Cho nên họ ngạc nhiên tại sao Việt Nam, lại lấy quyển roman Tầu không phải hay nhất, dịch ra để làm một thứ như là quốc tuý. Trong commentaire  của Tầu, nhiều người nói như thế.
 

Thụy Khuê: Thưa bác, cụ Nguyễn Du đã làm việc như thế nào, cụ đã viết theo nguyên văn hay là cụ thêm bớt đi? Hoàng Xuân Hãn: Cụ Nguyễn Du có quyển ấy rồi thì cụ cứ theo trong truyện Tầu như thế nào thì cụ kể như thế. Không thêm tí nào. Nhưng cụ bỏ những cái dông dài. Là một người cử nghiệp chứ không phải là người viết roman, tự nhiên những cái dông dài, có khi thô nữa, như những đoạn chém giết nhau nhiều, hay đoạn Kiều trả thù, cụ bỏ hết chỉ nói lại một hai câu mà thôi. Trong Kiều kể rõ người kia chặt đầu thế nào, chém chân người ta thế nào, róc thịt, đọc ghê tởm lắm.
Nhưng nói thực ra, đọc roman, nó cho mình biết phong tục, cách sống đời ấy thế nào. Chẳng hạn đoạn Tú Bà dạy Kiều tiếp khách, nguyên văn nói tỉ mỉ lắm, thô tục thì không đúng, bởi vì tiếng Tầu cũng như tiếng ta, có thể nói lóng một vài chuyện thô tục... nhưng đọc cũng đủ hiểu là thời ấy, về môn ấy, người ta biết như thế nào. Nhưng những cái ấy cụ không nói, chỉ một hai chữ thôi. Có người Việt Nam sau này phụ họa chú thích Kiều, tự nhiên là phải lấy quyển Tàu ra rồi kể lại những chỗ tỉ mỉ ấy.
Hay là chuyện Thúc Sinh chuộc Kiều về. Người con gái giang hồ ở nhà điếm mà người con giai muốn chuộc ra, khó lắm, gọi là hồi lương, phải làm nhiều démarche  lắm. Tự nhiên là phải mà cả nhiều với chủ nhà điếm, phải xin quan, phải gì gì... trong chuyện chữ Hán họ cho chi tiết rất nhiều. Ví như người nào làm trung gian, người trung gian làm thế nào, đi thế nào, nói thế nào, ba bốn trương . Trong truyện Cụ Nguyễn Du, những cái ấy không còn nữa. Nhưng có vài chi tiết, cụ lấy trong Kiều, viết ra y như thế, rồi những bản Nôm sau này, người ta bỏ đi. Bởi vì lúc đời cụ Nguyễn Du, nói như thế không phạm với tập tục, nhưng từ đời Gia Long trở lại đây, thì có nhiều ý tưởng, tập tục đã đổi đi cho nên họ phải bỏ. Nhờ thế mà mình nhận thấy rằng cái bản còn giữ nguyên vẹn những chi tiết của cụ Nguyễn Du, thì bản ấy là bản đầu tiên, ít ra gần với lời cụ Nguyễn Du hơn cả.
Như trên tôi đã nói, cụ Nguyễn Du dẫu thế nào cũng là người Hà Tĩnh, tuy mẹ là người Bắc Ninh, ở ngoài Bắc nhiều, nói tiếng Bắc, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những tiếng Nghệ, từ xưa đến bây giờ vẫn còn giữ như thế. Những tiếng dùng ở trong Nghệ thì cho là thường, mà ra tỉnh thì cho là sỗ sàng. Thí dụ hiện bây giờ trong tôi nói mặc kệ là rất thường, nhưng ở ngoài Bắc mà nói mặc kệ, thì cho là người không lịch sự. Có nhiều tiếng như thế. Trong cái bản tôi cho là xưa nhất, đương còn giữ được những lời ấy, còn những bản kia người ta đã bỏ đi rồi.
Bây giờ quyển Kiều đến tay cụ Nguyễn Du bằng cách gì? Thì đấy là một vấn đề mình đặt ra. Tôi suy nghĩ không tìm thấy chứng cớ gì, có lẽ cụ Nguyễn Du thảo ra bản Kiều, đầu tiên đưa cho anh em thân thiết lắm mới được đọc, như các ông Vũ Trinh, Lê Quýnh, vào hạng tử đệ những người làm quan đời nhà Lê, với Nguyễn Du là bạn ngang hàng với nhau. Những người bạn chống Tây Sơn, lại gần gụi nhau, trao tay nhau đọc. Rồi thấy hay thì người này chuyền người kia, đến tay cụ Phạm Quý Thích, cụ đọc.
Đời ấy một người như Phạm Quý Thích, văn học rất cao lại trọng về khoa cử, đọc một bản Nôm mà cụ thích như thế, thì lúc ấy có ảnh hưởng rất lớn.
 

Thụy Khuê: Thưa bác, rồi việc in ấn ra sao? Hoàng Xuân Hãn: Tôi chắc cũng chưa in liền đâu, sau rồi đến tay những con buôn sách, những người ở Liễu Tràng, mấy làng khắc ván, họ thấy có văn gì hay thì khắc rồi bán, chắc cũng chẳng hỏi tác giả là ai, hay cũng không có tên tác giả... Lúc ấy có nhiều nhà khắc bán, đầu tiên có nhẽ đương còn bản cũ, nhưng đến người thứ hai, tái khắc lại, thì chỉ lấy bản mới, rồi một trương thế này, họ lật ngửa ra, họ dán vào ván gỗ mít -phần nhiều ngày xưa là gỗ hồng, những gỗ không mục- để họ khắc lại. Chính người in lại, nhiều khi lại chữa một vài chữ. Đối với các cụ, nhất là một áng văn hay như quyển Kiều, nhiều cụ nói là: "Câu này hay thực, nhưng tiếc rằng có chữ này không ổn" thì chữa lại.
Cứ thế rồi dần dần tam sao thất bản đi. Cuối cùng, lúc tôi có dịp xét những bản in ấy, thì có chừng độ năm, sáu bản in đời Tự Đức, có nhiều chữ khác nhau. So sánh thì thấy là tuy khác nhau nhưng cũng có bản a, bản b, bản c..., là cùng một gốc mà ra, vì có sai một chữ mà cùng sai như nhau. Có bản thì chữa nhưng chữa hơi khác, so sánh với những bản Huế -lúc cụ Nguyễn Du vào làm quan đời Gia Long thì tự nhiên cụ mang bản Kiều vào Huế-. Các cụ trong Huế được đọc, thích lắm, nhất là các vua, vua Minh Mạng thấy bảo là mê truyện Kiều lắm. Các con vua Minh Mạng giành nhau, mỗi nhà có một bản Kiều mà nhiều khi các bản khác nhau, là vì ông nào thích thế nào thì chữa như thế. Tôi nhờ người ta chép lại thì chỉ có bản viết tay thôi, chứ không có bản in ở trong Huế. Những bản viết tay ấy, khác nhau và nhiều khi buồn cười lắm: Mình thấy ông hoàng này có độ học cao hơn, những cái chữa cao hơn; có ông muốn bông đùa cho vui thì chữa một cách chợt nhả, không hay ho gì cả. Nhưng có một bản ông Đào Nguyên Phổ thấy được, thì bản ấy rất hay mà lại có những lời phê bình của các ông Vũ Trinh, Nguyễn Thành, lại có một ít chú thích thì không biết là cụ Nguyễn Du viết ra hay là của những người nho học khác, chú thích những điển tích ấy.
Rồi ông Đào Nguyên Phổ mang về Hà Nội, lúc ấy ở Hà Nội, gặp phong trào thờ phụng quyển Kiều một cách đặc biệt lắm. Vào khoảng 1906-1907, ông Lê Hoan, gốc khơi nhà võ, mang tiếng là đánh Đề Thám, cho nên sĩ phu ghét lắm. Ông ấy đưa giám binh đi đánh Đề Thám vùng Bắc Ninh, nhờ thế được làm Tổng Đốc Hà Nội. Ông ấy muốn chuộc tội ấy, ít ra để cho những sĩ phu có thể phục ông ấy một cái gì, nên ông có ý đưa quyển Kiều ra làm một cuộc thi về Kiều.
Ông ấy rao ra những người học giỏi, muốn thi thì cho xuống thuyền, mỗi người một thuyền đi xuống sông Nhuệ thì phải. Ở trong thuyền mấy ngày phải làm 20 bài thơ vịnh Kiều, thơ chữ hoặc thơ Nôm cũng được, với một bài tựa gì đó. Lúc ấy sôi nổi ở Bắc, cuộc thi thơ Kiều của ông Lê Hoan. Chính ông Lê Hoan cũng mời những người văn học giỏi ra chấm thi, trong đó có cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Ông Chu Mạnh Trinh, một người đậu đình nguyên rất trẻ, khoảng 1885-1886, rất giỏi văn, trúng giải, cho nên những bài của ông rất nổi tiếng, ai cũng truyền tụng cả.
Lại nói đến cụ Tam Nguyên Yên Đổ phải mời ra chấm thi, thì cụ tức lắm. Hồi trước ông Hoàng Cao Khải cũng ép cụ Nguyễn Khuyến làm nhiều việc cụ không thích. Đến ông Lê Hoan ép ra, cụ tức hơn nữa, cho nên cụ có bài thơ Vịnh Kiều, chắc cô cũng biết đấy:

Thằng bán tơ kia giở giói ra
Làm cho bận đến cụ Viên già 

cụ nói thằng bán tơ là thằng xỏ lá, là ông Lê Hoan, giở giói cái chuyện thi thơ ra làm bận đến cụ.
Trở về bài thơ ông Chu Mạnh Trinh với các bài thơ khác, được giải, thì lúc ấy có hiệu Quảng Văn Đình, cũng là những người thợ khắc, có hàng sách ở Hàng Gai, lại có những thợ khắc ở Liễu Tràng, khắc những bài ấy với truyện Kiều, cho nên bây giờ đương còn có những édition vào thời ấy (1906-1907), những bản khắc rất tốt, nhất là lại có mấy bài thơ của ông Chu Mạnh Trinh . Nhưng những bản ấy là những bản các cụ đã chữa nhiều rồi, thành ra dùng thế nhưng cũng thất thực. Bản của ông Kiều Oánh Mậu, in lại bản ông Đào Nguyên Phổ đưa từ Huế về, thì hơn hẳn các bản khác và hơn những bản ở ngoài Bắc nhiều. Thấy có chính xác mà giống văn xưa hơn. Nhưng cái tội là ông Kiều Oánh Mậu cũng không nói rõ là bản ông Đào Nguyên Phổ mang về như thế nào, và ông Kiều Oánh Mậu chữa như thế nào; không nói cho nên mình bây giờ hơi lỡ đỡ.
Hiện bấy giờ, người ta xuất bản nhiều quyển Kiều bằng quốc ngữ. Có người đưa những bản, nói rằng lấy ở trong Tiên Điền ra. Mà trong Tiên Điền, con cháu cụ Nguyễn Du thì không có người nào xuất sắc, học hành gì cả. Trên tôi đã nói, trong họ có ông Nguyễn Mai, đậu tiến sĩ vào đời Duy Tân, đầu thế kỷ XX, sau ông ấy không làm quan, thì ở nhà. Ai đến Hà Tĩnh, vào Tiên Điền cũng tìm gặp ông Nghè Mai hỏi tin tức, với sách vở về cụ Nguyễn Du. Ông ấy tiếp mọi người thì ông ấy nói đưa đẩy. Lời các cụ hồi trước, mình chỉ tin được phần nào mà thôi, không có sự thực, vì các cụ không có óc thiết thực, không có óc khoa học, hai nữa cũng không thấy cái mục đích phải nói thực làm gì.
Cho nên có bản gọi là Ông Phán Sàigòn, là một người interprète . Hồi xưa, interprète là người trong Nam ra cả. Bởi vì trong ấy học chữ Tây trước ngoài Bắc. Một ông phán Sài Gòn ra làm tòa sứ Hà Tĩnh, cũng mời ông Nguyễn Mai lên, xin một bản. Ông Nguyễn Mai nói thế nào không biết, chứ sách của ông (phán) này in ra, gọi là Kim Túy Tình Từ (là quyển sách về cái tình giữa Kim là Kim Trọng, với Túy là Thúy Kiều) không phải là Kim Vân Kiều. Ông ấy nói rằng có đến làng Tiên Điền, thì cụ Nguyễn Mai cho ông ấy nguyên bản của cụ Nguyễn Du, viết ra quốc ngữ, lúc ấy nhiều người tin như thế. Nhưng bây giờ tôi xét lại thì không phải đâu. Cũng gần như bản của ông Đào Nguyên Phổ, có khác một đôi tí thôi. Vì thế cho nên tôi không biết rằng bản của Kiều Oánh Mậu có đúng hẳn bản trong Huế không? Bởi vì hơi khác bản quốc ngữ gọi là Kim Túy Tình Từ.
Sau nữa tôi lại nhờ nhiều người chép những bản có trong Huế. Có bản của con Tuy Lý Vương, bản ấy chữa hoàn toàn lại, chữa nhiều câu buồn cười lắm, thêm vào đoạn Thúc Sinh bị Hoạn Thư ghen, các ông hoàng thích chí thành ra các ông bịa đặt ra những lối như thế. Cho nên mình chỉ dùng để so sánh mà suy ra chứ không có thể dùng được bản nào chắc chắn cả.
Riêng tôi, vì tôi nghĩ đến truyện Kiều đã lâu lắm rồi, cho nên tôi đã có ý tìm kiếm hẳn ở trong Tiên Điền, coi thử có dấu tích gì về cụ Nguyễn Du với quyển Kiều không. Chuyện đầu tiên tôi đã nói là cụ bạc tóc rất sớm, mà người ta kể cụ viết truyện Kiều trong một đêm, rồi hôm sau dậy, tóc bạc hết. Chuyện ấy hoang đường.
Nhưng có những chuyện khác, vì tôi đã đọc trong những bản cũ có một vài điều thắc mắc, cho nên tôi hỏi ông Nguyễn Mai, hồi ấy tôi gặp ông Nguyễn Mai nhiều lần.
Trong Kiều, thường thì nói:

Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao

nhưng bản tôi đọc mà tôi cho là xưa nhất thì không đúng như thế, mà viết là trượng nghĩa:

Mà lòng trượng nghĩa khinh tài xiết bao

Tôi mới đặt câu hỏi cho cụ Nguyễn Mai, đặt một cách đột ngột: "Ở trong họ cụ, nói trọng nghĩa khinh tài hay trượng nghĩa khinh tài?" Thì cụ nghĩ một chốc, rồi cụ nói: "Trong họ hồi trước thì nói trượng nghĩa khinh tài". Tại sao? Bởi vì người chú cụ Nguyễn Du tên là Nguyễn Trọng. Cho nên họ kiêng chữ trọng, đọc ra chữ trượng. Mà chữ Hán cũng nói trượng nghĩa, trượng nghĩa cũng như trọng nghĩa.
Bản mà tôi thấy trượng nghĩa khinh tài ấy, thì chắc là nguyên văn ngay từ lúc đầu cụ Nguyễn Du viết ra, rồi sau người ta chữa chữ trượng ra trọng. Một vài điểm nho nhỏ như thế nhưng tôi khám phá ra nhiều cái lắm.
Có lúc tôi hỏi cụ Nguyễn Mai về đoạn Sở Khanh tán Kiều, Kiều mắc lừa đấy, thì cụ có nghe người trong họ nói gì về đoạn này không? Cụ nói có. Trong họ nói: "Trước cụ Nguyễn Du viết khác, rồi các cụ ngoài Bắc chữa lại. Cụ Nguyễn Du viết có bốn câu, các cụ chữa lại sáu câu." Lúc ấy tôi cũng không đếm số câu gì, sau về tôi khảo lại, thấy thực như thế. Đoạn ấy bắt đầu bằng những câu :

Giá đành trong nguyệt trên mây
Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa

đấy là những câu mà các bản quốc ngữ in ra và các bản khắc cũng thế. Nhưng hồi xưa không phải thế, hồi xưa cụ Nguyễn Du viết là:

Quế trong trăng, hạnh trên mây
Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa

-hạnh là cây hạnh, hoa hạnh cũng như hoa quế-, rồi dưới thêm hai câu nữa, tất cả chỉ có bốn câu. Còn những bản sau các cụ développer  thành sáu câu.
Lời cụ Nguyễn Mai nói về đoạn ấy phù hợp với bản tôi cho là xưa nhất. Trong bản xưa nhất ấy, người ta viết bốn câu, nhưng mà người ta bảo: Có bản chữa lại là sáu câu. Thì biết rằng, người đưa ra khắc đấy, hình như là về đời Tự Đức, cũng đã biết những version  khác đi nhiều rồi đấy.
Mà cũng rất có thể là cụ Nguyễn Du đưa vào Huế, trong thời kỳ đầu làm quan ở Quảng Bình, rồi sau được vào Huế làm tham tri bộ Lễ, sau khi đi sứ về, thì trong cả thời gian ấy, chính cụ Nguyễn Du cũng có thể chữa bản mình viết khi đầu. Thành ra có những variante  đối với bản đầu. Những cái khác nhau đấy, có bản hay hơn bản khác, nhưng không biết được thời đại, bởi vì đều chép tay, không đề thời đại gì cả. Cho nên mình cũng có thể nghĩ rằng: Cái bản đầu đương còn thế này, sau cụ Nguyễn Du chữa một vài câu, nên nó ra thế này. Cho đến cái bản cuối cùng người ta còn lại là bản của Kiều Oánh Mậu in ra, gọi là Đoạn Trường Tân Thanh. Mà lúc ấy có nhẽ cụ Nguyễn Du đặt tên truyện là Đoạn Trường Tân Thanh thực đấy chứ không phải là Kim Vân Kiều đâu. Kim Vân Kiều là tên của sách Tầu. Rồi sau những người khắc khác, trở lại cái tên cũ của người Tầu và để là Kim Vân Kiều Truyện. Sau thì gọi là Tân Thanh chứ không nói là Đoạn Trường Tân Thanh nữa. Ông Phạm Quý Thích cũng nói:

Tân Thanh đáo để vị thủy thương

Cụ Nguyễn Thắng trong Kim Vân Kiều Án, phần nhiều cũng viết chữ Tân Thanh. Về Kim Vân Kiều Án của Nguyễn Thắng, ông ấy cũng đậu tiến sĩ cùng tên với Nguyễn Khuyến (tên xưa của cụ Nguyễn Khuyến là Nguyễn Thắng), ông ấy bị tội rồi bị án tù đời Minh Mạng. Ông ấy viết Kim Vân Kiều Án bây giờ đang còn bản in đầu đời Tự Đức (1840). Có thể nói rằng, về những bản in khắc ván mà có nói đến truyện Kiều, Kim Vân Kiều Án là bản đầu tiên. Ông ấy dùng nhiều câu ở trong Kiều và nhất là trong ấy, ông ấy gọi cụ Nguyễn Du là Hầu Đông Các chứ không nói là Hầu Cần Chánh, cái titre  Cần Chánh là vua Gia Long cho, Cần Chánh Học Sĩ, để mà đi sứ. Lúc đi sứ, người ta thường cho một cái titre cao hơn titre thường, nhưng ra ngoài người ta chỉ biết là Đông Các, gọi là Hầu Đông Các .
 

Thụy Khuê: Thưa bác, công việc của bác là bác sửa cho đúng với bản bác cho là cổ nhất, tức là phần lớn những câu sai mà dở thì bác sửa lại cho đúng, còn những câu ngày trước người ta đã sửa lại cho nó hay hơn, thì bác có sửa lại không? Hoàng Xuân Hãn: Không. Bởi vì mình không chắc chắn nguyên là thế nào cả. Cái mà sau này có sửa hay hơn, hay là đối với mình hiện đại thì cho là hay hơn, thì cũng phải nói rằng: Sau người ta chữa ra thế. Ví dụ như:
Dưới cầu nước chẩy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
bây giờ là bóng chiều thướt tha. Cái cảnh ấy, đối với mình bây giờ thấy hay lắm, vì lá liễu dài như tơ, coi như nó thướt tha như cái áo dài, hay là tóc dài của người đàn bà. Nhưng mà thực không phải là thướt tha đâu. Những bản cũ là tha ra, là tiếng cổ, tra trong tự vị như Genibrel là có cả. Lúc xưa trong văn cổ đời Minh Mạng tôi cũng gặp những chữ như tha ra. Tha ra có ý là không rơi thẳng xuống mà rơi xiên. Rồi sau chắc là các cụ thấy tha ra không quen đọc, không quen nói nữa, rồi đổi ra thướt tha, hay hơn. Những chữ ấy thì mình cũng vẫn để là thướt tha, nhưng đề rằng bản cổ viết là tha ra chứ không phải thướt tha.
Một mặt nữa, bây giờ có một bản Nôm, mình đọc thế nào? Cái đó là cả một vấn đề. Phiên âm rồi in ra quốc ngữ. Làm thế nào in không có faute typographique  tức là người xếp chữ không được nhầm. Nhưng mà mình đọc chữ Nôm có đúng hay không, đấy lại là việc khác.
Về những bản in ra bằng quốc ngữ, đầu tiên, thì đời Trương Vĩnh Ký in đầu tiên, khoảng 1875, vào đời Tự Đức. Hồi ấy Abel des Michels cũng lấy bản Trương Vĩnh Ký rồi khắc ra. Abel des Michels mới lập Ecole des Langues Orientales ở bên này. Nhưng rồi sau bên ta không còn bản in chữ quốc ngữ xưa nào từ đời Trương Vĩnh Ký nữa; hình như khoảng một nghìn tám trăm tám mấy cũng có tái bản lại bản hồi xưa. Rồi từ khi ông Lê Hoan đề xướng ra thi Kiều, thì lúc ấy Kiều dân gian hóa, nhiều người đọc. Lúc ấy người ta cũng bắt đầu biết đọc quốc ngữ rồi. Một bản phiên âm mà mình biết, là một người Tây ở ngoài Bắc, tên là Nordemann. Nordemann có in một loạt sách phiên âm ra chữ quốc ngữ với mục đích để dậy chữ quốc ngữ. Sau rồi những nhà Xuân Lan, nhà... , rất nhiều nhà in ra.
Bấy giờ không biết có đến mấy trăm hay hàng nghìn bản Kiều in ra như thế. Nhưng mà có những chữ đọc sai từ lúc đầu, bây giờ vẫn cứ đọc sai như thế, bởi vì không hiểu mà người sau cũng không biết chữ Nôm hay là cũng không gắng  đọc chữ Nôm. Tôi lấy một vài thí dụ như có bản Nôm xưa viết rằng:

Một đôi nghiêng nước nghiêng thành

rồi cũng:

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai

thành ra mất nghĩa nhiều lắm. Đầu hết không phải là một đôi nghiêng nước nghiêng thành mà là một hai nghiêng nước nghiêng thành. Nhưng với người ít học, thì giữa một hai và một đôi, nghe một đôi hay hơn nhiều, không hiểu là: một hai nghiêng nước nghiêng thành là do đối với người đẹp có câu chữ Hán: nhất tiếu khuynh nhân quốc, tái tiếu khuynh nhân thành . Một nụ cười làm nghiêng nước, một nụ cười nữa làm nghiêng thành. Cho nên họ dùng một hai là thế. Không biết điển ấy thì không thể dùng một hai được, cho nên đổi ra một đôi thì nó hợp lý hơn vì cô Kiều với cô Vân. Đến câu dưới:
Sắc đành đòi một tài đành họa hai
chữ đành thì có thể hiểu được, tuy rằng không mấy người tìm kiếm nghĩa chữ đành đâu. Chữ đành là tiếng cổ, hồi xưa dùng chữ đành nghĩa là ắt là, hẳn là: Sắc thì hẳn là chỉ có một, tài thì họa là có hai người như thế. Chữ đòi một không thấy có nghĩa ở đấy. Đấy là những cái cas  tôi gọi là mình đọc, mình thắc mắc, rồi mình tìm. Thì chỉ tìm trong Kiều, chỗ khác, tôi thấy cái chữ đòi ấy, chữ Nôm viết chữ đội "  thường đọc là đòi.
Trong tiếng đòi, tiếng xưa và tiếng nay cũng có nhiều nghĩa lắm, như đòi phen là nhiều phen, từng phen, sụt sùi đòi cơn là nhiều cơn, từng cơn. Còn tôi đòi là đầy tớ, người đòi đấy là người tớ, đòi đây là theo. Chữ đòi có nhiều nghĩa như thế, thì với những nghĩa ấy, ở đây có nghĩa gì không? Chữ theo cũng không phải, mà chữ nhiều cũng không phải, thì chắc là có nghĩa khác nữa. Nếu đọc kỹ một tí, thì thấy một câu tả Mã Giám Sinh: Mày râu nhẵn, rồi dưới chữ nhẵn là chữ đội " ấy, rồi mới áo quần bảnh bao.
 

Thụy Khuê: Không phải là mày râu nhẵn nhụi ạ? Hoàng Xuân Hãn: Ấy! Khoan đã! chữ Nôm thì cứ viết chữ đội " ấy, thế thì mình interpréter , mình đọc thế nào? Tự nhiên, đấy là nhờ chữ nhẵn cho nên ai cũng chắc là nhẵn nhụi. Nhưng tại sao chữ Nôm lại viết đội " ? Nhụi có thể viết cái chữ có âm đọc gần như nhụi nữa. Lúc ấy, tôi người Nghệ, tôi biết tại sao cụ viết chữ đội " ấy.
Đội ấy là để ghi từ trụi, không phải nhụi đâu. Trụi như trụi lông: không có một tí lông nào hết cả. Mà tại sao đội lại đọc trụi? Bởi vì chữ đội " ấy có hai âm, một âm đọc nó biến ra chữ trụy  # , trụy là rơi xuống: trụy lạc. Trụy lạc viết chữ đội " hết. Thường họ có thêm bộ thổ $  #  ở dưới nữa, để chỉ nó rơi xuống đất, nhưng viết một mình " thế cũng là trụy rồi. Từ chữ trụy ấy, ra chữ trụi, có khi là trọi: Đầu trọc trụi hay là đầu trọc trọi.
à! Lúc ấy mình mới quay lại đây, mới thấy rõ ràng là: Mày râu thì nhẵn nhụi rồi, nói quen là nhẵn nhụi chứ không nói là nhẵn trụi như ở trong Nghệ và sắc đành trọi một, tài đành họa hai. Trọi một là độc nhất, trọi là chữ độc, hồi xưa mình học độc là trọi. Sắc là độc nhất, tài đành họa hai. Thế mới sáng nghĩa chữ ấy.
Phải biết chữ Nôm, phải hiểu tiếng Việt, phải hiểu tiếng cổ, nhiều khi lại tiếng địa phương là chuyện khác nữa, thì lúc ấy mới hiểu thấu được những chữ ấy. Bởi vì một người như cụ Nguyễn Du, không viết những câu mà nói rằng là viết cho qua chuyện đi, ta hiểu thế nào cũng được cả. Không phải thế. Cụ viết một cách chính xác lắm. Chỉ là mình đọc không đúng mà thôi.
Đấy là một cái ví dụ, từ trước đến giờ không ai chữa, và có thể nói là dễ chữa. Có những câu khác, lúc viết rồi người ta chép lại sai, người khác lại sai nữa. Cuối cùng không biết đọc thế nào cả. Thí dụ, bản in bây giờ viết:

Nằm tròn như cuội trong mây

có người viết:

Năm tròn như cuội trong mây

Đấy là lúc Kim Trọng nói chuyện với Kiều, kể công mình ngồi đợi mãi, bữa nay mới được gặp cô, còn tôi thì:

Trần trần một phận ấp cây đã liều.

Tôi cũng đã nghĩ về câu ấy nhiều lắm. Tìm xem viết thế, đọc thế nào cho đúng? Cụ Nguyễn Du nguyên viết thế nào?
Thì phải xét cái tự dạng cách viết chữ Nôm là một, phải biết cách viết chữ Nôm rồi mới đoán tại sao người ta đọc sai, bởi vì viết gần giống một chữ nào đó. Thì tôi mới khám phá ra chữ nằm chính là chữ vuông.

_____________________ Chú thích: Sau đây là lời dẫn giải của bác Hãn. Nguyên lời nói trong băng không có chữ Nôm, chúng tôi tạm thời sao lại những chữ Nôm trong bài Di Sản Hoàng Xuân Hãn của anh Nghiêm Xuân Hải, điền vào chỗ trống để độc giả dễ hiểu lời giải thích, với những dè dặt (có thể sai lầm) thường lệ. Xin xem thêm bài Di Sản Hoàng Xuân Hãn ở phần phụ lục C.
Nằm rồi sau (đọc) thành ra là năm , chữ năm (, có chữ ngũ ,  , bên chữ nam ( , thế chữ ngũ ,  trông giống như chữ phương * là vuông Ầ  thế này. Chữ nam ( nó cũng gần giống như chữ bông ỗ  bên này .
Theo tôi thì nguyên vốn là chữ vuông, vì dưới là chữ tròn, thì đấy là vuông tròn.
 

Chú thích: Vì không có bản Kiều Tầm Nguyên, Tạ Trọng Hiệp đã chữa lại (đăng trên Hợp Lưu số 29) thành:
Nằm đọc sai từ âm gần là năm, chữ năm có chữ ngũ ,  , bên chữ nam ( , thế chữ nam viết tháu ) trông giống như chữ phương *  là vuông . Chữ ngũ ,  nó cũng gần giống như chữ bông +  , bên phải, ghi âm vuông.
Theo tôi thì nguyên vốn là chữ vuông, vì dưới là chữ tròn, thì đấy là vuông tròn.
 

Còn chữ thứ ba là chữ như, thì người ta viết chữ như -  là chữ nữ /  bên chữ khẩu :  , thì đọc là nhờ. Vậy phải đọc là: vuông tròn nhờ, rồi gửi ;  là chữ cậy }  . Viết gần như nhau, có khi họ thêm chữ tâm =  , có khi không cần.
Vuông tròn nhờ cậy khung mây
tôi tái lập lại như thế. Lúc đó Kim trọng nói với Kiều: "Nếu mà cô với tôi thành vợ chồng vuông tròn, cái ấy là nhờ cậy trên trời" (tức là khung mây). Thế còn tôi: Trần trần một phận ấp cây đã liều.
Chuyện bên Trung Quốc, có người một hôm thấy con thỏ đâm đầu vào cái cây rồi nó chết. Ông ấy bắt được, rồi ông ta tưởng con thỏ nào cũng đâm đầu vào cây chết, cho nên ông ấy ôm cây đợi thỏ đâm đầu vào để ông ấy bắt. Ý nói cái anh ngốc mà đợi. Kim Trọng ý muốn nói: "Tôi là thằng ngốc đợi cô."
Đấy là phải đoán cái Nôm cũ thế nào, nó sai thế nào, mà bây giờ nó thành ra thế này, người ta đọc sai thế này. Thì tự nhiên có một phần duy tâm trong ấy nhiều lắm, suy nghĩ và suy đoán nhiều chứ không tránh khỏi duy tâm đâu.
Một thí dụ nữa, thí dụ rất lớn mà người ta rất lầm là chữ treo với chữ gieo. Chữ Nôm hồi xưa khi nào chữ treo thì là tleo thì ta phải viết là (tờ)-lờ , chữ liêu >   thủ xóc là cái tay, bên này là chữ liêu, có âm lờ đấy, cho nên phải đọc là tleo tức là treo.
Thế còn gieo, viết quốc ngữ bây giờ là gi thì nó vào cái họ gi-ch như trời, trăng, viết là gi nhưng có chỗ khác viết là ch, như tôi nói lúc nãy là gieo với gi.
Gieo thì người ta viết bằng chữ chiêu ? , thủ xóc là thủ bên này, rồi bên cạnh là chữ chiêu, chiêu là vời, viết chữ ấy thì nhất định phải đọc là gieo chứ không thể nào đọc treo được. Trong Kiều khi nào cái nghĩa rõ ràng là gieo như

Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân

thì chữ gieo người ta viết đúng là chữ chiêu ? .
Còn lúc mà họ tra tấn bố con họ Vương: treo ngược dây oan  là nó buộc vào chân nó treo lên tường thì thật là chữ treo, họ viết chữ liêu >  .
Với một vài thí dụ lượm trong ấy thì mình thấy rõ rằng chữ Nôm, cụ Nguyễn Du viết rất đúng, mà hết thẩy các sách Nôm khác viết cũng đúng. Rồi thì nhập vào một câu: Lúc Kiều đi tảo mộ về, rồi nằm nghỉ:

Mặt trời gác núi chiêng đà thu không
Mảnh gương chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân

chữ gieo này viết chiêu ?  .

Hải đường rả ngọn đông lân
Giọt sương [......] nặng, cành xuân la đà

thì các bản quốc ngữ viết câu ấy là:

Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà

Mà trong bản Nôm, chữ gieo đây với chữ gieo cách trên hai câu viết khác nhau, chữ trên viết chiêu ?  , chữ này viết liêu >  . Thì phải đọc là treo chứ không thể đọc là gieo được. Đọc cho đúng Nôm ấy là:

Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân
Hải đường rả ngọn đông lân
Giọt sương treo nặng cành xuân la đà

Cành xuân là cái cành non, mới đâm ra, thì những sương ban đêm rơi xuống rồi đọng từng hạt, tùng hạt ở trên cành, như là treo những hạt ngọc ấy trên cây, thì lúc ấy cái cành mới cong xuống thế này, nó la đà xuống. Chứ mà hạt sương gieo nặng, thì chỉ có một hạt sương nó rơi xuống, đúng cái cành ấy, thì cành có nhún xuống rồi nó bật lên chứ không có gì cả. Hình ảnh này không đúng tí nào và nó cũng không đúng ý của cụ. Phải đọc và phải biết đọc Nôm cho thật đúng.
Hồi xưa các cụ đọc thế mà thôi, vui tai thì đọc nhưng không để ý. Rồi sau những người có Tây học, phiên âm ra để in thành sách, thì họ lại không biết đọc Nôm lắm nữa. Cho nên cái phần khảo cứu là cần về chỗ ấy nữa. Thì cái công việc ấy, tôi cốt làm.
 

Thụy Khuê: Thưa bác, bộ sách hiện giờ bác biên khảo có chừng bao nhiêu tập? Hoàng Xuân Hãn: Cái đó là tùy hết cả. Bởi vì công việc của tôi làm, đầu hết là công việc kế toán. Tôi lấy tám bản Kiều đời Tự Đức, là đời xưa, tôi so sánh từng chữ một. Trong một chữ ấy, tám cuốn ấy viết như nhau hay là khác nhau thì khác như thế nào? Nếu in những cuốn ấy ra thì cũng là một cuốn lớn rồi. Tôi nghĩ rằng cũng không cần làm những cuốn như thế nữa. Chỉ làm cái kết quả mà tôi xét đoán ấy. In ra thì cũng thành cái bản Kiều, tôi gọi là bản Kiều Tầm Nguyên, tìm cái gốc. Rồi những chữ mà nó khác bây giờ thì tôi sẽ chú thích rằng tôi lấy ở đâu, hay là vì cái chữ Nôm tôi đọc là thế nào, hoặc chữ Nôm tôi đoán là thế nào. Thì cũng chỉ như những bản Kiều khác, chứ không có gì khác lắm. Nhưng cái bản chất công việc tôi làm, không phải là để chú thích, không cần phải chú thích, ví dụ như: Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu, thì tự nhiên người chú thích phải tìm cái điển tích chàng Tiêu là thế nào để giảng câu ấy. Đấy là chuyện kể lại chuyện đời xưa. Tôi cũng không thấy cần nữa. Nhưng khi gặp một trường hợp như thế, thì cũng phải nói qua một tí: Chữ Tiêu ấy nó lạ lắm, đối với những người đọc, họ nghi ngờ chưa chắc chữ Tiêu ấy đọc đã đúng, thì mình phải nói thực ra là có một điển tích chàng Tiêu, chữ Tiêu ấy là thế. Thành ra là cũng có một phần nào chú thích, nhưng không phải là chú thích một sự thường.
 

Thụy Khuê: Thưa bác, thế thì công trình của bác làm sắp xong chưa? Hoàng Xuân Hãn: Phần chú thích như thế thì tôi làm rồi. Bây giờ phải viết ra, tôi dùng ordinateur rồi tôi sẽ đánh thôi. Nhưng mà vì nhiều công việc quá, bữa nay cô tới mà chốc nữa lại có người gọi, nhờ cái chuyện gì. Nhiều khi tôi không biết nên làm cái nào trước, cái nào sau. Như quyển Kiều của tôi, nó 50 năm rồi, nó cứ nằm thế, không có khi nào có một thời gian khá dài dể viết ra thành quyển sách cả. Cho nên tôi có đâu hai cái hòm lớn thế này, những cái tôi đã viết về Kiều, về chuyện ấy. Mà viết bây giờ tôi đọc cũng không được nữa. Mực nó đã nhờn đi, nhiều khi đã 40, 50 năm rồi, mờ đi cả rồi, mắt lại kém nữa. Vì thế tôi cũng muốn làm sao, ít nữa in ra cái cơ bản để cho những người khác tiếp tục.
 

Thụy Khuê: Thưa bác, tất cả công trình bác làm, bác tính bao giờ cho in? Và sau này, tủ sách của bác hay những công trình của bác, bác dự liệu sẽ để lại cho ai? Hoàng Xuân Hãn: Cái sự nghiệp của tôi, tự nhiên vì tôi không có cương vị gì, sự in ấy cũng khó lắm đấy. Công việc tôi, từ 54, ít ra cũng từ 45, hồi tôi đương còn in được, đương còn ở nhà, anh em giúp đỡ nhau. Đến năm 51, tôi sang bên Pháp thì tự nhiên đối với nhà thì mình đứt chân, mà đối với bên với này tôi không muốn tìm cách vào trong các cơ quan Pháp để có phương tiện in. Cho nên sách tôi soạn, chỉ có Sài Gòn in một ít trong báo Sử Địa, rồi sau bên này báo Tập San Khoa Học Xã Hội in ra. Còn báo Minh Tân thì chính tôi với Bích  bỏ tiền ra in lấy, mới in được; hồi sau không có nữa vì không phương tiện.
Như truyện Kiều này thì thế nào tôi cũng phải đánh máy cho xong, để mà nếu không in được lúc tôi còn sống, thì lúc tôi mất rồi cũng có những cái để người ta in.
Còn về chuyện những bản in mới, hiện giờ trong ba bốn năm nay, bên nhà họ cũng để ý đến những cái tôi viết hồi trước. Vả lại không có trong tư tưởng chung thì có nhẽ không trách những người chạy ra ngoài. Nói đúng thì như thế. Người ở trong nước, tự nhiên là ấn loát dễ dàng hơn chứ. Người đã chạy ra ngoài rồi mà bây giờ lại muốn in sách để về trong nước, thì cũng có sự không tốt cho một số người ở bên nhà. Cho nên cũng không ai nghĩ đến tôi, nghĩ đến chuyện tôi làm.
Nhưng mấy năm nay, chắc in ra bán được, thành ra họ giành nhau in, chẳng hỏi ý kiến tôi gì hết. Sách cũ của tôi bây giờ bên nhà họ cho in nhiều lắm. Nhiều khi những bài tôi viết trong báo cũng in lại. Tôi mới nhận được một vài số báo đây. Bài họ bịa ra hết cả, nghĩa là chuyện họ nói là tôi hợp tác, cái đó không đúng đâu. Nhưng thôi, cái đó tôi cũng cho là tốt, in ra cho người khác đọc là hay.
Tương lai, hiện giờ có một nhóm muốn in tuyển tập những bài tôi viết hồi trước. Họ hỏi ý kiến tôi. Sự ấn loát cũng không khó lắm đâu, nhất là bây giờ làm composition électronique, in sách đẹp lắm. Nhận được sách bên nhà thì tôi cũng không phản đối chuyện in bừa như thế. Tiếc là nếu họ cho tôi biết, tôi chữa lại vài chỗ tôi biết là có lầm.
 

Thụy Khuê: Thưa bác, thế còn tủ sách của bác? Hoàng Xuân Hãn: Tủ sách tôi cũng còn phức tạp lắm. Cái gọi là quý thì tôi đã gửi về bên nhà một ít rồi. Còn những sách người Pháp viết, hay gì đấy, hồi trước tôi cũng định làm một thư viện và lúc mà bên nhà có thư viện như Bibliothèque Nationale, hay thư viện bên Nhật, bên Mỹ... thì bên mình cũng có như thế. Nhưng nói thực ra thì Pháp hồi trước, về ngành thư viện, có Ecole Française d'Extrême Orient đấy, họ cũng trữ nhiều sách lắm và sau này họ cũng chuyển lại giả cho mình. Phần quý thì họ làm microfilm đưa về đây. Một vài cái về Chàm, về Thượng thì họ cũng có ý khác, nhiều khi họ không để lại cho mình, họ mang về đây, nhất là những Chàm, Miên, họ đưa về đây cả. Phần ấy, tôi không có. Nhưng sau này, họ giúp cho bên nhà bằng microfilm.
Chuyện tôi sang bên này tìm được những sách cũ, thật quý, thì tôi cũng mách cho, làm thư mục cho các thư viện về sách Việt Nam. Sau này tôi thấy có kết quả tốt là bên nhà xin microfilm của thư viện Bibliothèque Nationale, của Bibliothèque Vatican, của British Museum. Còn một ít sách của tôi, tự nhiên tôi muốn cho bên nhà hết cả đấy, nhưng phương tiện đưa về bên nhà khó lắm. Bên nhà, ai cũng muốn xin cả. Nhưng không ai nghĩ đến làm thế nào đưa về đâu. Nhiều khi tôi cho rồi cũng mất, không biết vào tay ai. Thành ra bây giờ cũng đương còn lộn xộn lắm.
Nếu mà có gì thì tự nhiên là sách tôi đóng hòm lại, rồi tôi dặn người nhà cho bên ấy, nhưng có phương tiện mới đưa được chứ không cũng mất hết.

Chú thích
 Tự nhiên, thuộc về bản năng.
Những sách khác đều ghi Kiều Oánh Mậu, bác Hãn nói là Kiều Ánh Mậu.
Cụ Nguyễn Du đi sứ sang Tàu 1813 - 1814.
Vũ Trinh (1759-1828), vợ là con gái Nguyễn Khản (Nguyễn Khản là anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du). Ông làm quan dưới thời nhà Lê. Khi Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, Vũ Trinh theo không kịp, liền về ẩn náu ở Hồ Sơn (thuộc Nam Hà Ngày nay) dạy học. Năm Gia Long thứ nhất ông được triệu ra làm quan, 1809 được cử đi sứ triều Thanh. Năm 1816, vì bênh vực học trò là Nguyễn Văn Thuyên, con Nguyễn Văn Thành, Thuyên bị tố cáo làm thơ phản nghịch, Vũ Trinh bị đày vào Quảng Nam. 12 năm sau được ân xá, trở về nhà vài ngày thì mất. (theo Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường, Từ Điển Văn Học Việt Nam, Nxb Giáo Dục, Hà Nội 1995)
bác nói là Nguyễn Thành, các nơi khác chép là Nguyễn Lượng
Cụ Nguyễn Du sinh ngày 3/1/1766 (?), mất ngày 16/9/1820. Mùa thu 1802, cụ được bổ tri huyện Phù Dung, tháng 11 đổi làm tri phủ Thường Tín, năm sau lại được cử lên cửa Nam Quan tiếp sứ thần Trung Quốc. 1805 được thăng hàm Đông Các Điện Học Sĩ. 1807 được cử làm giám khảo trường thi hương Hải Dương. 1809 được bổ cai bạ Hòa Bình. 1813 thăng Cần Chánh Điện Học Sĩ và được cử làm Chánh Sứ đi Trung Quốc.
(theo Nguyễn Lộc, Từ Điển Văn Học, tập 2, trang 56
NXB Khoa Học Xã Hội, 1984)
Phạm Quý Thích (25/12/1760 - 16/5/1825)
Nhà thơ, nhà giáo, làm quan. Sinh quán tại Hải Dương. Trú quán tại Thăng Long (Hà Nội). Đậu Tam giáp Đồng Tiến Sĩ khoa Kỷ Hợi, Cảnh Hưng thứ 40 (1779), được bổ chức Đông các Hiệu Thư. Khi quân Tây Sơn ra Bắc, ông bỏ trốn không cộng tác. Năm đầu triều Nguyễn Gia Long (1802) ông được vời ra giữ chức Thị Trung Học sĩ tước Thích An Hầu. Năm 1811 bi triệu vào Kinh (Huế) giữ việc chép sử. 1813 được bổ làm giám thị trường thi Sơn Nam, sau ông cáo bệnh xin về. Năm Minh Mệnh thứ hai (1821) có triệu chỉ ra làm quan nhưng ông viện đau yếu từ chối. (Từ Điển Văn Học Việt Nam, Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường, nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1999).
Bài Vịnh Truyện Kiều ở trong tập Hoa Đường Nam Thành Thi Tập (bản viết tay, 182 trang, khổ 25x15, có chữ Nôm, ký hiệu A.3146) gồm 307 bài thơ làm khi vào kinh đô Huế; thơ vịnh cảnh trên đường: Dương Giang, Linh Giang, trạm Thường An đế An Dương... và thơ tiễn tặng bạn bè, người nhà (tiễn Ngô tiên sinh, khóc Nhuận Phủ, nhớ nhà gửi thư về...) thơ thuật hoài, mừng viếng.
Riêng thơ về Huế, ngoài tập này, Phạm Quý Thích còn có: Hồi Kinh Nhật Trình Thi (bản viết, 46 trang) gồm 96 bài thơ, tức cảnh, tức sự, cảm hứng hoài cổ, trên đường về lại kinh đô Huế. Và tập Nam Hành Tập (bản viết, 112 hàng) gồm tác phẩm của Phạm Quý Thích và một số người khác, vịnh phong cảnh, vịnh núi sông.
(Di Sản Hán Nôm Thư Mục Đề Yếu, (do Trần Nghĩa và François Gros chủ biên, với sự cộng tác của một nhóm chuyên gia Pháp Việt trong đó có Tạ Trọng Hiệp và Trương Đình Hòe) tập I, trang 786, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993).
Trong Hợp Lưu số 29, vì không biết nên chúng tôi tự ý viết hoa bốn chữ Đề Từ Truyện Kiều, cho nên ông Nguyễn Quảng Tuân đã chỉ trích là: Không có tài liệu nào nói Phạm Quý Thích đã làm bài thơ Đề từ quyển Kim Vân Kiều tân truyện lúc trên đường vào Kinh" và vẫn ông Nguyễn Quảng Tuân cho biết: "Phạm Quý Thích không vào Kinh năm 1805, 1806 mà đã vào Kinh năm 1811." (Nguyễn Quảng Tuân trong bài Vài nhận xét về việc nghiên cứu truyện Kiều của cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Tạp chí Văn Học, Hà Nội, 6/1997).
Vậy xin đính chính lại: Bốn chữ Đề Từ Truyện Kiều viết hoa là do lỗi chúng tôi, vì dốt Hán Nôm nên mới viết như thế. trong lời nói của Hoàng Xuân Hãn, bác "không viết hoa" những chữ này.
Trong Di Sản Hán Nôm Thư Mục Đề Yếu, bài thơ này được ghi là Thơ Vịnh Kiều, trong tập Hoa Đường Nam Hành Thi Tập của Phạm Quý Thích, gồm 307 bài thơ làm khi vào kinh đô Huế. Rồi sau đó Phạm Quý Thích lại có tập Hồi Kinh Nhật Trình Thi.
Như vậy là Hoàng Xuân Hãn rất chính xác. Tập Hoa Đường Nam Hành Thi Tập gồm những bài thơ sáng tác trên đường vào Huế lần đầu (năm 1802), khi Phạm Quý Thích được vua Gia Long vời ra giữ chức Thị Trung Học Sĩ. Lần sau, hồi kinh, năm 1811, để giữ việc chép sử, ông viết tập Hồi Kinh Nhật Trình Thi không có bài vịnh Kiều.

Bài thơ của cụ Phạm Quý Thích (1760-1825):
Giai nhân bất thị náo Tiền Đường
Bán thế yên hoa trái vị thường
Ngọc diện khỉ ưng mai thủy quốc
Băng tâm tự khả đối Kim lang
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tâm thanh đáo để vị thùy thương.

chính cụ Phạm Quý Thích dịch ra quốc âm:

Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan
Phong ba chua trắng nợ hồng nhan
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng
Gót ngọc khôn đành giấc thủy quan
Nửa gối đoạn trường tan giấc điệp
Một dây bạc mệnh dứt cầm loan
Cho hay những kẻ tài tình lắm
Trời bắt làm gương để thế gian
(theo Truyện Thúy Kiều,
Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu đính, Tân Việt).

Cụ Phạm Quý Thích vào Huế lần đầu năm 1802.
truyện xã hội.
Nguyễn Đề còn có tên là Nguyễn Nễ, trước làm quan với nhà Lê, sau giúp Tây Sơn, ở Bắc Thành từ năm 1790 đến khoảng năm 1794 thì được lệnh vào Phú Xuân. Lúc này, Nguyễn Du ở Thái Bình, quê vợ.
(trích Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, Lê Thước
và Trương Chính biên soạn, NXB Văn Học, Hà Nội, 1965)
1790, Đoàn Nguyễn Tuấn được cử sang sứ bộ của vua Quang Trung giả, sang triều kiến Càn Long, cùng với Phan Huy Ích và Vũ Huy Tấn (Từ Điển Văn Học, Phạm Tú Châu).
1792-1795, trai 27-30 tuổi và gái chừng 19-20 tuổi (Hồ Xuân Hương Với Vịnh Hạ Long, Hoàng Xuân Hãn, Tập san Khoa Học Xã Hội, số 10-11, trang 120).
Bản Thánh Thán này, nhà xuất bản có đề trên bìa "Kim Vân Kiều truyện, Thánh Thán ngoại thư", khiến ta có thể hiểu lầm là sách này có qua tay Thánh Thán giới thiệu (chú thích của giáo sư Tạ Trọng Hiệp).
Nhà Xuất bản Xuân Phong Văn Nghệ ở Thẩm Dương (phiá bắc Đại Liên), mấy năm gần đây có xuất bản những cuốn sách cuối đời Minh, đầu đời Thanh, còn lưu trữ ở thành phố Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh. Vùng này thuộc ụảnh hưởng của Nhật từ đầu thế kỷ XX. Thư viện này rất phong phú, do công ty xe lửa Nam Mãn Châu thiết lập. Một công ty hoạt động kinh tế, nhưng đồng thời có những hoạt động văn hoá (chú thích: giáo sư Tạ Trọng Hiệp).
tiểu thuyết bình dân.
phê bình.
vận động, chạy chọt.
trương: trang (sách).
Nguyễn Khuyến (1835-1909)
Kiều bán mình
Thằng bán tơ kia giở giói ra
Làm cho bận đến cụ Viên già
Muốn êm phải biện ba trăm lạng
Khéo xếp nên liều một chiếc thoa
Nổi tiếng mượn mầu son phấn mẹ
Đem thân chuộc lấy tội tình cha.
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?
(trích Thơ Văn Nguyễn Khuyến, Văn Học 1979)
bản
Chu Mạnh Trinh (1862-1905)
Tổng vịnh truyện Kiều
Cuốn ngỏ rèm xuân trải mấy sương
Sắc tài chi lắm để làm gương
Công cha bao quản liều thân thiếp
Sự nước xui nên phụ với chàng
Cung oán nỉ non đàn bạc mệnh
Duyên may run rủi lưới Tiền Đường
Hai bên vẹn cả tình cùng hiếu
Đem bắc đồng cân đáng mấy vàng.
(Thanh Tâm Tài Nhân thi tập,
theo Dương Quảng Hàm, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển)
thông ngôn
Giá đành trong nguyệt trên mây
Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa
Nổi gan riêng giận trời già
Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng?
Thuyền quyên ví biết anh hùng
Ra tay tháo cũi, sổ lồng như chơi!
(bản Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim)
mở ra, thêm vào
bản
dị bản
chức
Trong Hợp Lưu số 29, chúng tôi rút gọn câu nói của Hoàng Xuân Hãn thành "nhưng ra ngoài người ta chỉ biết chức Hầu Đông Các" để ông Nguyễn Quảng Tuân hiểu lầm.
(chú thích của Nghiêm Xuân Hải): Trong băng ghi âm, Hoàng Xuân Hãn nói "chỉ biết là Đông Các, gọi là Hầu Đông Các"; chị Thụy Khuê ghi "chỉ biết chức Hầu Đông Các" và thay đoạn chữ in thẳng "là Đông Các, gọi là" bằng chữ chức cho xuôi văn. Tôi đi soát lại băng ghi âm vì Ông Nguyễn Quảng Tuân viết báo nói rằng bác đã nhầm: "Đi sứ Trung Quốc về rồi cụ Nguyễn Du mới được phong tước Hầu (Du Đức)". Sau đó lới có sự bàn cãi về năm phong tước Hầu. Đây là một thí dụ ( rất hay là văn bản in vẫn có thể không chính xác. Theo băng thì bác không nói đến tước Hầu. Hai lần bác đã dùng chữ titre để dịch chữ chức, viết gọn lại độc giả vẫn hiểu là bác nói về năm phong chức Đông Các và Cần Chánh, mà không nói về phong tước Hầu. Phê bình bác nhầm về năm phong tước Hầu là phê bình chị Thụy Khuê đã viết lại để ông Nguyễn Quảng Tuân bị hiểu nhầm!
in lỗi, in sai
Trên Hợp Lưu số 29, chúng tôi ghi nhầm là "không dám".
(chú thích của Nghiêm Xuân Hải): Ông Nguyễn Quảng Tuân phê bình nhận xét này là quá đáng. Nhưng băng ghi "không gắng" thay vì "không dám", nên ông lới phê bình hụt vì bác đâu có nói như vậy.
Nguyên văn câu thơ chữ Hán của Lý Diên Niên:
Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc.
nghĩa là: ngoảnh lại nhìn một cái nghiêng thành, ngoảnh lại nhìn cái nữa nghìêng nước .
trường hợp
đoán.
(Chú thích của Nghiêm Xuân Hải): anh Tạ Trọng Hiệp đã phải chữa lại tất cả đoạn này vì không có tài liệu viết tay của bác với các chữ Nôm. Ông Nguyễn Quảng Tuân lại phê bình hụt bác Hãn vì phê bình một tài liệu không chính xác. Sự nhầm lẳn này chứng minh rằng nghiên cứu và nhất là nghiên cứu chữ Nôm mà thiếu thận trọng là hỏng ngay.
Ông Nguyễn Ngọc Bích, bạn bác Hãn.

No comments:

Post a Comment