Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 28 June 2019

Biểu tình Hong Kong liệu có chết yểu?



Người biểu tình Hong Kong tập hợp trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20


Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của người dân Hong Kong ‘sẽ không hạ nhiệt’ cho dù gặp nhiều bất trắc và chính quyền Hong Kong sẽ tìm mọi cách hóa giải mặc dù sẽ khó khăn hơn thời Phong trào Dù Vàng, theo nhận định của các nhà quan sát.
Cuộc biểu tình rầm rộ nhất ở Hong Kong trong hàng chục năm qua sắp bước vào tuần lễ thứ ba trong lúc có nhiều dấu hiệu cho thấy người biểu tình sẽ có một cuộc biểu dương lực lượng lớn vào thứ Hai 1/7/2019 nhân kỷ niệm 22 năm ngày Hong Kong được Anh trao trả về cho Trung Quốc.
Cuộc xuống đường của hàng triệu người Hong Kong có mục tiêu chính là đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Sau khi dự luật này được tuyên bố đình hoãn, người biểu tình Hong Kong tiếp tục xuống đường yêu cầu phải bãi bỏ hoàn toàn thay vì hoãn lại, và yêu sách thêm một bước nữa là Đặc khu trưởng, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (tức Carrie Lam), phải từ chức.
Phong trào Dù Vàng hồi năm 2014, có mục tiêu là đòi phổ thông đầu phiếu trong bầu Đặc khu trưởng và Hội đồng Lập pháp, mặc dù cũng diễn ra rầm rộ và kéo dài nhiều tháng nhưng cuối cùng không đạt được nhượng bộ từ phía chính quyền trong khi các lãnh đạo của phong trào bị bắt và bị kết án tù.
Trao đổi với VOA Việt ngữ, ông Raymond Yam, phóng viên Ban Tiếng Quảng Đông của VOA vốn theo dõi chặt chẽ cuộc biểu tình ở Hong Kong, cho rằng tình hình hiện nay sẽ không như hồi năm 2014.
Sẽ biểu tình lớn?
Ông cho biết sau khi Hong Kong ‘thay đổi chủ quyền’ vào năm 1997 thì trong những năm gần đây, năm nào người dân cũng xuống đường tuần hành kỷ niệm sự kiện này và đòi chính quyền Bắc Kinh giữ lời hứa là ‘thực thi dân chủ’.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay với sự phẫn nộ đối với dự luật dẫn độ của chính quyền bà Lâm, ông Yam cho rằng người dân Hong Kong sẽ xuống đường rầm rộ vào ngày 1/7 tới để bảo vệ những quyền tự do dân sự của họ để ‘Trung Quốc không đối xử với họ như với bất cứ thành phố nào khác trong đại lục’.
“Tôi đồ rằng sẽ có rất nhiều người tham dự. Nhiều người nói rằng sẽ có khoảng từ 1 đến 2 triệu người,” ông Yam nói.
Khi được hỏi tại sao người biểu tình không thỏa mãn sau khi bà Lâm đã thông báo ‘hoãn vô thời hạn’ dự luật dẫn độ, ông Yam nói rằng ‘đó chỉ là thủ đoạn’ của chính quyền Hong Kong.
“Rất nhiều người ngay cả cựu Chủ tịch của Hội đồng Lập pháp (LegCo) đã chỉ ra rằng không có cái gọi là ‘hoãn lại’ bởi vì hoặc là anh rút lại toàn bộ dự luật hoặc là anh tiếp tục xúc tiến nó bởi vì nó đã được đưa ra xem xét lần hai,” ông nói.
“Rất nhiều người không tin tưởng chính quyền này bởi vì đây không phải là chính quyền do người dân, vì người dân,” ông nói thêm và cho biết nhiều nhà tranh đấu ở Hong Kong trong nhiều năm qua đã thấy ‘rất nhiều sự dối trá’ của chính quyền.
“Không có gì đảm bảo rằng họ không đưa dự luật trở lại trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ của họ khi họ đột nhiên thấy rằng thời cơ đang đứng về phía họ. Hơn nữa, Hội đồng Lập pháp Hong Kong bị chi phối bởi những chính trị gia thân Bắc Kinh chứ không phải những đại biểu đại diện cho ý kiến của số đông cử tri,” ông phân tích.
Sẽ mất thời cơ?
Trả lời câu hỏi nếu như chính quyền bà Lâm không nhượng bộ thêm nữa thì liệu cuộc biểu tình có tiếp tục kéo dài mãi cho đến khi đạt được mục tiêu hay không, ông Yam cho rằng ‘đó là kịch bản không hay’ đối với người biểu tình.
“Không ai biết được phong trào kéo dài bao lâu nhưng nó sẽ mất thời cơ nếu như kéo dài quá lâu,” ông giải thích.
“Thật ra, rất nhiều nhà bình luận cho rằng chính quyền Bắc Kinh lẫn Hong Kong đều muốn phong trào kéo dài càng lâu càng tốt bởi vì họ biết rằng thời gian đang đứng về phía họ.”
“Nhiều người sẽ trở nên nản lòng nếu mọi việc kéo dài quá lâu và có khả năng sẽ có sai lầm xảy ra. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh và Hong Kong đều đang chờ đợi cơ hội người biểu tình sẽ phạm sai lầm. Khi đó họ sẽ có cái cớ để đàn áp,” ông nói
Về sự ủng hộ của công chúng đối với phong trào liệu có duy trì được lâu hay sẽ có sự mỏi mệt và mong muốn trở lại cuộc sống bình thường, ông Yam nói nhiệt huyết của mọi người ‘sẽ cạn đi’ nếu biểu tình kéo dài nhưng nó ‘cũng tùy vào chính quyền có làm gì đó mang tính khiêu khích hay không’ vì khi đó thì cuộc biểu tình ‘sẽ có thời cơ mới’.
Ông cũng cho rằng rất khó có khả năng Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực để đàn áp ở Hong Kong.
“Hong Kong không phải là Bắc Kinh,” ông nói với ý nhắc đến Thảm sát Thiên An Môn cách nay 30 năm. “Hong Kong là một thành phố quốc tế. Thông tin cần phải được lưu chuyển vào và ra không có giới hạn. Nếu chính quyền đột nhiên thông báo họ sẽ chặn truyền thông thì Hong Kong sẽ chết ngay lập tức vì Hong Kong là một trung tâm tài chính dựa rất nhiều vào dòng chảy thông tin.”
‘Trí tuệ nhân tạo’
Nhà báo Yam cũng so sánh cuộc biểu tình hiện nay với Phong trào Dù Vàng mà ông cho rằng Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn hơn nếu muốn đàn áp.
Phong trào Dù vàng có người lãnh đạo, có người đứng ra tổ chức, kêu gọi, vận động mọi người tham gia còn cuộc biểu tình hiện nay thì không, ông phân tích.
“Nếu anh bắt giữ người lãnh đạo thì toàn bộ phong trào sẽ chấm dứt,” ông nói về Phong trào Dù Vàng. “Nhưng lần này anh không biết ai là người lãnh đạo cả.”
“Mọi người trao đổi thông tin và đưa ra quyết định thông qua mạng xã hội, tất cả đều là nhắn tin trên mạng,” ông nói thêm.
“Tất cả những người biểu tình đều là lãnh đạo và họ có thể hiệu triệu 1 triệu hay 2 triệu người xuống đường rồi còn hơn 1.500 người đi đến lãnh sự quán các nước phương Tây để nộp thỉnh nguyện thư và còn quyên góp được rất nhiều tiền để đăng quảng cáo trên các tờ báo quốc tế.”
“Có người thậm chí còn mô tả phong trào như ‘trí tuệ nhân tạo’ bởi vì người biểu tình tự học từ những sai lầm trong quá khứ và tiếp tục điều chỉnh, tiếp tục thay đổi,” ông giải thích. “Phong trào không có hình dạng, không có xu hướng. Không ai có thể dự đoán được nó sẽ đi theo hướng nào.”
Kêu gọi nước ngoài
Khi được hỏi việc người biểu tình tìm đến lãnh sự quán 19 nước để nhờ sự can thiệp từ nước ngoài có phải là hành động khôn ngoan và được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Hong Kong hay không, ông Yam cho rằng ‘hành động này đã đem lại những kết quả tích cực’.
Ông cho rằng 5 năm trước trong Phong trào Dù Vàng nếu ai đó đề xuất kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài thì nhiều người sẽ phản ứng rất tiêu cực hoặc sẽ suy nghĩ lại hoặc lo lắng đó sẽ là một sai lầm.
Tuy nhiên, ông nói rằng nếu các nước phương Tây, nhất là Mỹ, đưa ra các biện pháp chế tài về kinh tế đối với chính quyền và cá nhân dính vào đàn áp thì ‘điều đó sẽ có tác dụng’ và nhắc đến một dự luật được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Mỹ với tên gọi ‘Dự luật về Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong’.
“Nếu như Mỹ nói sẽ hủy visa hay đóng băng tài sản ở Mỹ thì điều này sẽ khiến nhiều nhà lập pháp thân Bắc Kinh ở Hong Kong sợ hãi,” ông phân tích. “Đó là lý do tại sao chúng ta nghe thấy trong những tuần qua những lời kêu gọi cảnh sát giữ bình tĩnh từ những nhà lập pháp thân Bắc Kinh.”
Có cực đoan hóa?
Trả lời câu hỏi người biểu tình Hong Kong, chủ yếu là giới trẻ, liệu có đi theo con đường cực đoan và bạo lực hóa nếu họ trở nên mất kiên nhẫn hay không, ông Yam nói rằng ông ‘không tin’ điều này sẽ xảy ra.
“Ở bất kỳ xã hội nào cũng có nhóm nhỏ những người muốn hành xử bạo lực… nhưng nhìn chung trong cuộc biểu tình ở Hong Kong mọi người không muốn có hành động bạo lực bởi vì họ biết rằng điều đó sẽ cho chính quyền cái cớ để đàn áp,” ông nói và nhắc đến hành động ‘rẽ sóng’ của đám đông biểu tình một cách tự giác nhường đường cho xe cứu thương là bằng chứng người biểu tình ‘hành động có lý trí’.
“Cho đến giờ anh không thấy có bất cứ vụ đốt xe nào hay có ai làm hư hại nghiêm trọng tài sản cá nhân hay có người nào bị thương. Những người bị thương đều là do hành động của cảnh sát,” ông nói và cho biết số lựu đạn cay mà cảnh sát ném ra ‘gần gấp đôi so với hồi phong trào Dù Vàng’.
Ông Yam cũng nói rằng những nhóm bạo lực là ‘những người muốn phá hoại toàn bộ phong trào để cho tất cả những người biểu tình bị quy kết là bạo lực’.
Số phận bà Lâm
Về số phận của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, ông Yam đồng ý rằng bà Lâm đang chơi chiến thuật ‘ẩn mình’ để chờ đợi sóng gió qua đi.
Ông nói rằng bà Lâm còn có thể tại vị hay không phụ thuộc vào Bắc Kinh. Ngay cả việc bà chủ trương Luật dẫn độ ‘cũng không phải hoàn toàn là chủ ý của Bắc Kinh’ mà nhiều người tin rằng đó là ‘chủ ý của bà Lâm’ để lấy điểm trước Bắc Kinh với hy vọng được tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới, ông cho biết.
“Chính quyền Bắc Kinh để cho bà ấy làm và chờ xem bà ấy có làm được không. Nếu được thì ghi điểm cho bà ấy còn nếu không bà ấy sẽ trở thành vật tế thần. Nhiều người nói rằng giờ đây bà ấy đã trở thành vật tế thần,” ông phân tích. “Dĩ nhiên bà ấy chọn thời điểm sai lầm (trong bối cảnh chiến tranh thương mại và Thượng đỉnh G20).”
Tuy nhiên, theo lời ông thì Bắc Kinh không thể để bà Lâm ra đi ngay lúc này vì ‘để giữ thể diện’.
“Chủ tịch Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Ông ấy không thích thất bại. Ông ấy muốn giữ thể diện,” ông Yam giải thích và nhắc đến việc Thủ tướng Shinzo Abe tại hội nghị G20 đã công khai nói trước mặt ông Tập về vấn đề Hong Kong khiến ông Tập mất mặt mặc dù trước đó Trung Quốc đã cảnh báo là ‘họ không cho phép bất kỳ nước nào đưa ra vấn đề Hong Kong tại hội nghị G20’.
“Sẽ bẽ bàng đến mức nào đối với một người có cái tôi lớn như vậy? Ông Tập sẽ ghi nhớ chuyện này. Ông ấy sẽ thay bà Lâm. Đó chỉ là vấn đề thời gian,” ông nói.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc không thể để bà Lâm ra đi ngay vì không muốn bị nhìn nhận là ‘yếu ớt’
“Hãy để cho bà ấy làm cho hết nhiệm kỳ rồi ra đi,” ông phân tích về lập trường của Bắc Kinh. “Hoặc sẽ có một cuộc cải tổ nội các để cho Thư ký Trưởng (Chief Secretary – Chánh vụ Ty trưởng) sẽ nắm nhiều quyền hành gần như là một Đặc khu trưởng.”
“Nhưng có lẽ vẫn còn quá sớm để nói nhất là mọi người vẫn chờ xem số lượng người xuống đường vào ngày 1/7. Nếu như đó là con số khổng lồ, như trên hai triệu người, thì chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh có lẽ sẽ hoảng sợ và suy nghĩ lại,” ông nói.

Diễn đàn Facebook

 https://www.voatiengviet.com/a/bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-hong-kong-li%E1%BB%87u-c%C3%B3-ch%E1%BA%BFt-y%E1%BB%83u-/4978639.html

 

No comments:

Post a Comment