Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 28 June 2019

Dân Hong Kong lại xuống đường chống dự luật dẫn độ


Hai người qua đường trước các rào cản và dù vàng, biểu tượng của cuộc phản kháng, gắn trên cổng của tổng hành dinh cảnh sát Hong Kong, sáng sớm ngày 27/6/2019. (Photo by Anthony WALLACE / AFP)
Hơn 1.000 người, đa số là sinh viên mặc trang phục màu đen, lại tập hợp bên ngoài các văn phòng chính phủ Hồng Kông hôm thứ Sáu 28/6, giữa lúc các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ chưa có dấu hiệu gì là sẽ chấm dứt.
Sau các cuộc biểu tình đông đảo và bạo lực nhất trong nhiều thập kỷ, Trường đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đã tạm đình chỉ dự luật gây nhiều tranh cãi, mà nếu được thi hành, sẽ cho phép dẫn độ một số nghi phạm sang Hoa lục để xét xử. Mặc dù vậy, bà Carrie Lam không đáp ứng yêu sách của những người biểu tình, đòi hủy bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ.
Tận dụng hội nghị thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo G20 diễn ra ở Nhật Bản trong tuần này, giới hoạt động ở Hong Kong đã vận động để số phận của cựu thuộc địa Anh được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị, một động thái chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh giận dữ. Trước đó, lãnh đạo ở Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ không “dung thứ” việc mang vấn đề Hong Kong ra thảo luận.
Hàng triệu dân Hong Kong biểu tình rầm rộ chống dự luật dẫn độ
Hàng triệu dân Hong Kong biểu tình rầm rộ chống dự luật dẫn độ
Cuộc biểu tình mới nhất diễn ra sau nhiều tuần bất ổn khi hàng triệu người thuộc mọi tầng lớp kéo nhau xuống đường, làm tắc nghẽn giao thông ở Hong Kong, trung tâm tài chính của châu Á, trong hành động thách thức lớn nhất của dân chúng đối với lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình, kể từ khi ông này lên nắm quyền vào năm 2012.
Hồng Kông được trao lại Trung Quốc cai trị vào năm 1997 theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép dân Hong Kong được hưởng các quyền tự do như tự do biểu tình, và một nền tư pháp độc lập mà người Hong Kong cho là quý giá và quyết bảo vệ, những quyền tự do mà người dân ở đại lục không được hưởng.
Những người phản đối dự luật dẫn độ coi dự luật này là mối đe dọa đối với nhà nước pháp trị và sợ luật dẫn độ sẽ đẩy họ vào thế phải đối phó với hệ thống tư pháp Trung Quốc, nơi mà các quyền con người không được đảm bảo.
Vào đêm thứ Sáu giờ địa phương, hàng ngũ người biểu tình liên tục tăng dần giữa lúc những người biểu tình tham gia xuống đường sau giờ làm việc, ba ngày trước kỷ niệm 22 năm ngày bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc, mà theo dự kiến là ngày diễn ra một cuộc biểu tình quy mô khác.
Tại Trung Quốc, các nhà kiểm duyệt đã xóa hoặc chặn hầu hết những tin tức có liên quan tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong giữa lúc có nhiều lo ngại ở Bắc Kinh, rằng bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào của công chúng cũng có thể truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình trên lãnh thổ Hoa lục.
Sinh viên Joey Siu thuộc hội sinh viên Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết một số đại diện sinh viên đã tới Nhật Bản để thu hút sự chú ý của thế giới về Hồng Kông, giữa lúc các nhà lãnh đạo thế giới triệu tập tại Osaka để dự thượng đỉnh G20.
Nữ sinh viên Joey Siu nói:
“Chúng tôi muốn đưa Hong Kong vào hàng ưu tiên trong chương trình nghị sự. Chúng tôi sẽ không ngừng nói, chỉ vì ông Tập Cận Bình không cho phép cộng đồng quốc tế nói tới Hong Kong ở hội nghị G20”.
Chúng tôi tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lên tiếng về tình hình ở Hồng Kông.
Ông Tập sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày mai, thứ Bảy 29/6.
Trong nỗ lực tạo chú ý mới nhất, các nhà hoạt động Hong Kong đã đăng quảng cáo toàn trang trên một số báo quốc tế để thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo G20. Chiến dịch quảng cáo này được tài trợ bởi một chiến dịch gây quỹ trên mạng, đã gầy được khoảng 5,5 triệu đô la Hồng Kông, tương đương với 704,560 USD.
Hôm thứ Tư, hàng ngàn người đã tuần hành tới lãnh sự quán các cường quốc ở Hong Kong, kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 hãy hậu thuẫn yêu cầu của họ, đòi hủy dự luật dẫn độ và hãy “giải phóng” Hồng Kông.

Diễn đàn Facebook

 

https://www.voatiengviet.com/a/dan-hong-kong-lai-xuong-duong-chong-du-luat-dan-do/4977832.html

No comments:

Post a Comment