Nhân
vụ một thiếu niên Mỹ 16 tuổi giận cha mẹ bỏ nhà đi hoang bằng cách leo qua hàng
rào phòng thủ Phi Trường San Jose, chun vào khoang bánh mũi phi cơ Boeing 767
của Hãng Hàng Không Hawaii để "stowaway" đi Maui trong chuyến bay dài
5 tiếng rưỡi mà vẫn an toàn sống sót dù khi phi cơ bay ở cao độ 38.000 bộ, chỗ
trú ẩn thiếu oxy để thở và nhiệt độ xuống dưới 50 độ âm, tôi mời quý Thân Hữu đọc
lại hai cuộc ĐỘT NHẬP PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHẤT vào ngày 1 và 13 tháng 9 năm 1981,
trong đó có dự tính stowaway để trốn đi ngoại quốc không thực hiện được, nên
cuối cùng phải cuốc bộ gần 3.000 cây số từ Việt Nam, qua Cam Bốt, Thái Lan, Mã
Lai tới Singapore, kéo dài suốt gần 2 năm, vượt ngục liên tiếp 4 nhà tù và cuối
cùng bơi qua eo biển Johor Bahru tại địa điểm rộng 5 cây số chia cách Mã Lai và
Singapore đã được Reader's Digest, The Wall Street Journal và nhiều tờ báo khắp
thế giới tường thuật (attached).
LÝ TỐNG
ĐỘT NHẬP PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHẤT
Tôi đột nhập phi trường không phải chỉ vì một mục đích duy nhất: đánh cướp máy bay. Một thứ tình cảm còn hơn cả nỗi nhớ nhà bởi vì từ ngày rời xa thành phố Huế, tôi chẳng còn lại gì ngoài những kỷ niệm êm đềm của tuổi áo trắng học trò, những mộng mơ của thời mới lớn. Một kẻ độc thân, cha mẹ mất sớm, tôi chỉ còn những liên-hệ-nửa-ruột-thịt với những người anh mà thỉnh thoảng vài ba năm, bất ngờ gặp lại nhau trên đường phố, trong quán rượu tại một thị trấn xa xôi nào đó trên đường hành quân.
Hơn mười năm sống trong phi trường, tôi xa lạ với những hối hả vội vàng của những Phi công bạn, khi chiều xuông lúc phi vụ chấm dứt, rời khỏi phi trường trở về mái ấm gia đình riêng. Cư xá Sĩ quan Độc thân, Câu Lạc bộ, Phi trường Phan Rang, Nha Trang, Biên Hòa... bao giấc ngủ chìm đắm trong tiếng động cơ phản lực gào rú nửa đêm. Những tối khật khưởng trở về sau buổi tiệc náo nhiệt, một mình. Những ngày nằm sốt vật vã cô đơn. Những đêm cuồng nhiệt với những cuộc tình mới... Phi trường có một sắc thái riêng, đặc thù của một xã hội, một gia đình, một quê hương.
Cần Thơ, ba năm nhân chứng bao nhiêu phi vụ hiểm nghèo đầy chiến công, thương tích. Thế mà mấy lần đi qua cứ phân vân bỡ ngỡ không biết đâu là cổng phi trường. Bờ bụi, cỏ cây um tùm như một nơi chốn hoang vu chưa từng đã một thời náo nhiệt sôi động, con đường nhựa thênh thang một thuở rộn ràng.
Bình Thủy, giờ bị chiếm ngự bừa bãi bởi những đống rơm rạ, bắp lúa, sắn lát phơi khô, những Doanh trại Quân đội Nhân dân như những nấm nhà mồ tiêu điều lặng lẽ.
Tân Sơn Nhất nhũng buổi trưa nắng sôi nước mắt thèm khát một ngụm nước phông tên, một củ khoai lót bụng trên suốt lộ trình thăm thẳm cặp theo vòng đai phi trường, chu vi rộng hàng chục cây số tiếp cận với trại Hoàng Hoa Thám, Bộ Tư Lệnh của Lực Lượng Nhảy Dù, chiếm toàn bộ một phần tư khu vực tây nam của thành phố lớn nhất và là Thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa: Sàigòn, để điều nghiên tình hình, vị trí đột nhập.
Phi trường ơi, ngươi có linh cảm được những bất trắc, ưu tư trong những bước chân độc hành thầm lặng của ta không? Trong bàn tay cưỡng bức của kẻ thù, nhan sắc của một thời lộng lẫy giờ xơ xác điêu tàn. Không có hiểm nguy nào chồn bước chân ta, không có khó khăn nào thui chột những khát vọng trong ta. Vẻ quang đãng mỹ miều ngày xưa giờ sần sùi lô nhô những mụn nấm độc, nhũng ghẻ lở , những trạm gác, cổng trại bảng đỏ chữ vàng.
Nơi chốn an toàn nhất là trung tâm cơn bão.
Nơi chốn an tâm nhất là giữa song sắt gông cùm ngục tù.
Cách đột nhập phi trường nhanh nhất là ngang nhiên qua mặt những lô cốt phòng thủ, những tên Bộ đội canh gác.
Tôi nghĩ tới Hạnh, người con gái trân trọng người yêu mình như một thần tượng: “Anh là người đàn ông thực sự đàn ông... là người đàn ông có khả năng hướng dẫn được định mệnh đời mình. ”
Người con gái thích thú với thú-đau-thương. Vâng. Phải có em và chỉ có em mà Thượng Đế đã dàn xếp cho ta gặp lại sau gần mười năm xa cách để thi hành mệnh lệnh của Người. Một thoáng rực rỡ trong ánh mắt đã nhiều ngày lặng lẽ cay đắng. Sự can đảm và nhiệt tình kỳ lạ của những người tình kỳ ngộ!
Một Thu An trên đường vượt ngục từ trại A-30 trở về Sàigòn. Một Esther, người con gái ngoại quốc, nhũng bước đầu bôn tẩu từ Nong Samet đi Singapore, và Hạnh với cuộc tiễn đưa Tân Kinh Kha (ngôn ngữ của Hạnh) đến tận biên giới cuối cùng của căn cứ địch chiếm. Những người con gái liều lĩnh với nhũng an nguy của bản thân mình để chỉ nhận một hạnh phúc và một phần thưởng giản dị:
Trong trái tim ta em có phần tham dự.
Trong sự nghiệp ta em có góp công.
Tôi chọn ngày 1 tháng 9 là ngày sinh-tử của mình, ngày áp sinh nhật 2 tháng 9 của nhà cầm quyền Hà Nội. Dự định trà trộn vào các sinh hoạt nhộn nhịp của dịp lễ lớn, hy vọng phần chuẩn bị biểu diễn của Không Quân là dịp thuận tiện để đánh cướp phi cơ, tôi cùng Hạnh đi bách bộ như một cặp tình nhân chân chính đến vị trí chọn lựa vào lúc trời nhá nhem tối.
Phi trường Tân Sơn Nhất với tầm vóc quốc tế đã một thời náo nhiệt sôi động bởi nhịp độ phi cơ đông đảo, có những phi vụ trở về, vì phải kẹt và chờ lâu trên không phận Sàigòn, có lúc có kẻ lại phải giả vờ “hư vô tuyến” để được ưu tiên đáp trước, giờ lặng lẽ, im lìm và bí ẩn như một căn cứ chuyên huấn luyện những điệp vụ bí mật nhảy dù hoạt động biệt kích ra Bắc thuở nào.
Chúng tôi đi chậm rãi và làm đủ thủ tục của những kẻ đang thời kỳ yêu đương say đắm, mặc dù những cảnh giác và toan tính đang tràn ngập toàn bộ sự suy nghĩ và cảm xúc. Bỗng một toán bốn tên Bộ đội tuần tiễu xuất hiện với ánh đèn pin lóe sáng. Tiếng cơ bẩm lên đạn:
— Làm gì ở đây?
Tiếng một tên quát lớn. Tôi vờ đẩy Hạnh ra như còn luyến tiếc nụ hôn đắm đuối của nhũng cặp trai gái vụng trộm, thản nhiên bỏ đi trước lời cật vấn của các mũi súng AK. Di chuyển đến một nơi khác, hội nhập vào các cặp tình nhân lẻ tẻ, lợi dụng những ánh đèn xe, chúng tôi quan sát khám phá các qui tắc, thể thức tuần tiễu. Nắm vững các yếu tố, tôi dìu Hạnh đi ngược về lối cũ trong một thời điểm thuận tiện nhất, phóng mình qua hàng rào kẽm gai sau cái xiết tay từ giã.
Hệ thông hàng rào kẽm gai kiên cố với nhiều tầng lớp chằng chịt được tăng cường bởi pháo sáng và các loại mìn, lựu đạn gài cũ đã được tháo gỡ hầu hết để tăng thêm khu vực canh tác.
Những bụi sắn cao là những vật che chở và xác định sự an toàn của con đường đột nhập. Băng qua khu vườn rộng, những dẫy nhà có tường cao vây bọc với những trụ ăng-ten cao, tôi bình thản như một kẻ nhàn du trên con đường nhựa. Đây đó rải rác những bộ áo quần treillis, nón cối dép râu.
Con đường chính chạy về hướng Air Viet Nam, khu cư xá Huỳnh Hữu Bạc cũ đắm chìm trong im lặng và tăm tối. Dọc theo những bãi đậu phi cơ, thấp thoáng trong ánh điện nhập nhòa, những chiếc vận tải cơ thân quen đang ngái ngủ. Tôi liên tưởng đến sự tấp nập rộn ràng của đám phi đạo ngày xưa, các công tác thường nhật: tiền phi, hậu phi, xăng nhớt, bom đạn. Một chút nao nao xúc động như khi gặp lại người yêu cũ. Nỗi mừng rỡ khi gặp bạn bè xưa.
Ánh đèn pha chiếu sáng tại trạm gác cổng phụ Air Viet Nam bắt tôi phải dừng lại. Tôi đi ngược trở về phía Bộ Tư Lệnh Không Quân. Mỗi khu vực, phòng sở cũ giờ được ngăn cách riêng với những cổng và trạm gác. Tôi đi ngang huýt sáo những “bản nhạc đỏ” không thể không thuộc qua các nhà tù cải tạo. Là ma cũ đã từng ăn nằm dầm dề các phòng du học, nhân viên, tài chánh, bệnh viện, thế mà phải vận dụng ký ức mãnh liệt, tôi mới nhận ra được cái cổng chính đường bệ uy nghi ngày xưa của Bộ Tư Lệnh Không Quân; cái sân tennis bỏ hoang ẩn hiện sau những nhành lá dây leo um tùm chằng chịt lưới B40.
Tôi đảo mắt tim Mây Bốn Phương Trời, một Hội quán thơ mộng nhất của Phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi chợt liên tưởng đến những bước tango bay bướm, những điệu bebop quay cuồng, đêm Noel giật cúp cha-cha-cha cùng Nguyệt, ca sĩ Bộ Tư lệnh KQ.
Xa lạ quá những nơi chốn thân yêu ngày xưa, những ánh điện nhạt nhòa, những con người mới đông đúc nhộn nhạo như đám dòi cựa quậy. Phòng sở làm việc đã biến thành nơi cư ngụ ăn ngủ bề bộn. Những giọng nói đanh rít, the thé tai. Tôi có cảm tưởng đi lạc vào một Tỉnh phía Bắc bờ Sông Bến Hải, một cảm giác bực bội khó chịu của kẻ bị tước đoạt ngang nhiên. Cặp nhân tình Xã hội Chủ nghĩa lẻ loi cuối cùng rời lề đường tình tự. Tôi quay trở lại chào Đài Kiểm soát phi trường tiếc nuối.
Định đến một bờ bụi bên lề đường ẩn náu qua đêm, tôi may mắn bắt gặp một ô cửa rỉ sắt hỏng, chui vào một căn phòng nhỏ bỏ hoang. Đang say ngủ, tôi giật mình tỉnh thức vì tiếng còi báo động ầm ĩ. Tiếng người tiếng xe tất bật, một cuộc bố ráp bất ngờ? Hay tôi đã bị bại lộ chăng? Cuối cùng tôi hiểu được căn cớ: Khu Lăng Cha Cả bị hỏa hoạn, và tôi nằm gần đội phòng cứu hỏa.
Lại tỉnh giấc thảng thốt. Tiếng lách cách của chìa khóa tra vào ổ cửa sắt. Tôi quơ vội tư trang trườn mình nhanh ra bãi tranh rậm rạp bên ngoài. Lắng tai nhận định tình thế, thì ra chỉ là tiếng chân chim se sẻ trên nóc nhà tôn đang ríu rít nhảy nhót đùa vui buổi sáng.
Tôi bò trở lại bên trong, giây nhợ của phòng công tắc điện bị đứt treo lủng lẳng hoặc nằm bừa bãi trên sàn. Tôi sờ soạn trong bóng tối đêm qua, từ sợi dây nầy đến sợi dây kia mà đã không nhận định được mình đang ở đâu. Ôi! nếu hệ thống điện còn hoạt động, giờ nầy chắc tôi đã nằm cong queo cháy đen vì dòng điện cao thế.
Đợi đến lúc đường sá bắt đầu hoạt động, tôi chải lại mái tóc, kiểm soát lại dung nhan, bình thản đi ra lộ chính. Ngày 2 tháng 9 năm 1981, phi trường Tân Sơn Nhất không chuẩn bị phi diễn, không tổ chức các cuộc thi đấu thể thao, chỉ có bộ phận anh nuôi là rộn rịp. Tất cả các phòng sở , khu vực đều trở thành nhà bếp, vì ý nghĩa của những ngày lễ lớn đối với người Xã hội Chủ nghĩa là một dịp duy nhất để có được một bữa ăn ngon, có thịt.
Những ngã tư đèn xanh, đèn đỏ giờ nằm trơ trẽn buồn bã chờ đợi những khách bộ hành hiếm hoi. Không vào được khu vực bãi đậu phi cơ trước Không Đoàn Bảo Trì Tiếp Liệu cũ vì không có người đi lại để trà trộn, tôi quay về phía câu lạc bộ Lê Văn Lộc, và bị chận lại bởi dây kẽm gai kéo ngang đường.
Khu Gia binh náo nhiệt ngày nào giờ chỉ còn là một bãi đất trống hoang vắng. Dãy nhà trực chiến của Phi đội Biệt phái A37 Phan Rang sau trại David không còn nhận rõ hình dáng. Bọc phía sau lưng giang sơn của Đại Tá Vũ Vãn Ước, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Hành Quân Không Trợ, tôi đốỉ diện với những thùng Connex rỉ sét, lăn lóc nắng mưa. Thật hiếm hoi để thấy một phòng sở có bảng hiệu: Phòng Không Ảnh.
Tại ngã ba quẹo về cổng Trại Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám và Nhà xác, tôi dừng lại mua mấy điếu thuốc lẻ, ngắm nhìn con đường dài hun hút như một bãi tha ma. Đi bách bộ lang thang gần ba tiếng đồng hồ, có lúc lấy khăn trùm đầu và mặt theo mô-đen Việt Cộng, nhưng thực ra để che mái tóc hơi dài và bộ râu hơi đậm nét. Bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào tôi cũng cố gắng duy trì bộ râu và mái tóc vì niềm tin dị đoan kỳ lạ có liên quan đến sức mạnh và sự may mắn của Thần Samson. Trong Trại tù, tôi thường đùa bỡn biện hộ: “Để râu dọa Việt Cộng."
Sự quan sát bị hạn chế bởi những dãy nhà cao, bởi những hàng rào kẽm gai
giăng đây đó. Tôi chợt nảy ra một ý định táo bạo. Và thật đáng phàn nàn, như một kẻ thường tự nhận là day dreamer, tôi ít khi ngần ngại lưỡng lự thực hiện sáng kiến bất ngờ nào đó của mình.
Tôi leo thang lên château d’eau trước Bộ Tư Lệnh khi mọi vật đều ngái ngủ trong giấc trưa oi nồng. Tại một cao điểm lý tưởng hai phần ba chiều cao, tôi đứng tựa lưng vào thành cột bê tông như kẻ hóng mát nhàn du quan sát toàn bộ phi trường. Phía Tây Đài Kiểm soát, phía bãi đậu Air Viet Nam, những chiếc Boeing ngạo nghễ giữa đám phi cơ hành khách dân sự của Liên Xô. Dọc theo phi đạo North-South, đủ các loại vận tải cơ cũ vẫn nằm lặng lẽ trong các ụ phi cơ. Không một chiếc F5 hoặc A37 và thật bất ngờ, trên đoạn đường tôi qua lại tối hôm qua, một bãi đậu phi cơ LI9 ngay tại giao điểm đường ra cổng Huỳnh Hữu Bạc và đường nối liền Air Viet Nam. Trên 50 nàng L19 trắng tinh trong lớp sơn còn mới, mời mọc kêu gọi người tình xưa.
Nếu không có A37 với đầy đủ bom đạn để có thể ném bom gây bạo động và nổi dậy, có lẽ tôi phải chấp nhận một giải pháp yếu: Cướp một chiếc L19 bay ra biển Nam Hải đáp ép buộc trên Mẫu Hạm của Đệ Thất Hạm Đội hoặc đáp xuống biển theo những tính toán kỹ thuật chi tiết. Tôi xuống thang và sau đó leo hàng rào kẽm gai thoát ra phi trường vào lúc sẫm tối, đói khát vì không tìm được một quán ăn trong phi trường đã một thời đầy dẫy những Câu Lạc bộ sang trọng đến những Quán cóc lẹp xẹp dọc theo các Khu Gia binh. Bắt buộc phải trở ra để chuẩn bị cho cuộc đột nhập qui mô hơn với lương thực và nước uống đủ tử thủ nhiều ngày.
Ngày 13 tháng 9 năm 1981 (tôi chọn số 13 cấm kỵ) ghé lại nhà Hạnh. Lần này Hạnh phải bán cái quần jean tốt nhất để bao lại tôi một chầu linh đình. Quen thuộc đường đi, tôi hướng thẳng vào Trạm Máy đèn bỏ hoang, dỗ một giấc ngủ sớm để chuẩn bị hoạt động nửa đêm. Hai giờ sáng, tôi băng qua mấy liếp rau muống, leo lên chateau d'eau với ý định sẽ nằm lại trên bồn chứa nước suốt một ngày để nghiên cứu kỹ toàn bộ vị trí phi cơ cùng các sinh hoạt cần thiết. Hai bậc cầu thang cuối cùng ẻo lả run rẩy dưới những bước chân thận trọng, dò dẫm. Một nhà chòi nhỏ, một ngọn đèn dầu, một cái bàn với bình trà và điếu cày thuốc lào, hai đôi dép râu ở ngưỡng cửa, hai khẩu AK treo vách trong và hai tên Bộ đội nằm ngủ mê mệt dưới sàn. (Tôi đã tính sai một bước đầu của kế hoạch, mặc dù với sự quan sát tỉ mỉ lần đầu, tôi đinh ninh rằng cao điểm lý tưởng nầy không hề có sự canh gác.) Tôi liên tưởng đến một điệp vụ dễ dàng thực hiện: Đánh thuốc mê hai tên đang ngủ và bỏ thuốc độc vào bồn nước. Sinh mạng của toàn bộ Phi trường địch đang đặt dưới giá treo cổ.
Tôi đành trở xuống và tính một kế hoạch mới. Đến giấc trưa tôi lại chuẩn bị lên château d’eau. Tiếng kẻng nghỉ và kẻng cơm trưa hôm nay nghe khó phân biệt, tôi đứng tần ngần dưới chân bậc thang đầu, tính toán giờ giấc. Bầu không khí khô hanh thoi thóp trong giấc ngủ trưa. Riêng bộ phận anh nuôi sát bên là còn hoạt động. Tên gác chateau d’eau ăn cơm về chưa? Lên sớm bị lộ, lên trễ nhiều người qua lại trong giờ làm buổi chiều. Tôi nhắm mắt một giây tĩnh tâm và tự quyết định theo linh cảm riêng: Đợi mười phút nữa. Khoảng tám phút tôi đang trong tư thế chuẩn bị hành động thì có tiếng chân nguời. Tôi vội ẩn mình sau chân cột chateau d'eau bề ngang độ chừng một thước, đám cỏ tranh cằn cỗi không đủ che kín thân người.
Đường mòn tới cầu thang đi thẳng về hướng tôi và chân cầu thang cách tôi hai thước. Tôi ép mình thật sát vào lớp vôi sơn ngã màu, di chuyển khéo léo từ phải sang trái tránh sự phát hiện của tên gác đang tiến tới gần. Bước chân nặng nề bắt đầu dẫm lên những bậc thang sắt, bỗng nhiên tên gác dừng lại tại cầu thang thứ ba. Sự quan sát chăm chú một cách khác lạ càng dán thân mình tôi thật sát vào tường. Một cử động nhỏ cũng có thể lọt vào cặp mắt cú vọ kia. Tôi bất động như pho tượng đá, trừ hai con mắt. Qua tàn lá thưa thớt trên đầu, tôi thấy rõ từng biến đổi nhỏ trên khuôn mặt y. Tôi tính sẵn kế đóng vai một tay Bộ đội đi phóng uế bừa bãi vì bị Tào Tháo đuổi bất ngờ, nếu bị bại lộ vì không thể nào chạy thoát trong phi trường địch vào ban ngày mà không bị bắt hoặc hy sinh. Ba phút đằng đẵng trôi chậm chạp.
Qua những giây phút hiểm nghèo tôi chợt tự khám phá ở mình một đặc tính hiếm có: sự bình tĩnh. Sự bình tĩnh tăng dần theo mức độ nguy hiểm. Khi nòng súng chĩa vào đầu chuẩn bị bóp cò là lúc tôi đạt đến tột đỉnh của sự bình tĩnh. Sự bình tĩnh hài hòa trong sự siêu thoát, nỗi hạnh phúc kỳ lạ chợt tràn ngập như một ân huệ cuối cùng của sự sống.
Mười lăm phút sau khi tên gác có lẽ đã bắt đầu ngủ, tôi nhẹ nhàng leo lên thang. Đang quan sát, chợt một tiếng gọi lớn từ dưới đường vọng lên:
— Anh Trung!
Một chị Bộ đội dừng xe đạp bên đường, ngỡ tôi là người tình của ả. Tôi xua tay, ra dấu chỉ về hướng nhà ăn bên cạnh. “À! Thế ra chàng còn đang ở nhà ăn,” chị ta nghĩ vậy và đạp xe đi tiếp. Tôi vội vã tranh thủ tụt thang trở về chỗ ẩn núp. Hú hồn! Tôi nằm bồi dưỡng nhưng không dám ngủ vì sợ ngủ quên, tiếng ngáy, tiếng thở mạnh có thể vọng vào tai những tên Bộ đội vừa đến, đang lo chăm bón rau muống cách vài thước, và cố kềm chế những tiếng ho, tiếng tằng hắng không cưỡng được.
Trước khi rời nơi ẩn nấp, tôi lấy viết ghi thêm 13-9-1981 vào chỗ lưu bút kỷ niệm lần trước “LýTống, 1-9-1981." (Ôi, một ngày vinh quang trở lại, ta sẽ dẫn bạn bè tới nơi chốn này để chia sẻ những giây phút hồi hộp căng thẳng của ngày hôm nay, tôi nghĩ.)
Đeo một bị xách nhỏ với mì gói và bi đông nước, tôi đảo một vòng qua Cư xá sau lưng Câu Lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc để tìm nguồn tiếp tế nước khi cần. Những thùng phi nằm ngổn ngang trước các hiên nhà. Các cháu-ngoan-của-Bác thiếu ăn lười biếng nô đùa. Tôi leo lên hàng rào B40 thuộc khu vực Hangar. Những cỏ tranh cao che khuất những hào rãnh lởm chởm, nên khi phóng mình nhảy xuống, tôi suýt què chân vì sự bất cẩn, xem thường của mình. Ánh trăng cận rằm mọc sớm, tôi bò đi lại giữa các bãi đậu phi cơ. Sự cẩn thận quá đáng làm chậm quá trình di chuyển và chóng mệt. Tôi vươn vai đứng dậy, đi mò mẫm theo các bức thành ụ đậu phi cơ với những kỹ thuật tiêm nhiễm qua sách truyện, xi-nê.
Đây chỉ là một bãi phi cơ phế thải và hư hỏng nặng. Tôi lựa chọn một chỗ tạm nghỉ chờ đợi. Nửa đêm, tôi bò chậm rãi về phía bãi đậu L19. Không hề có tuần tiễu hay những chòi gác dọc theo các ụ, nhà vòm như ngày trước. Chỉ có một dãy nhà của nhóm chuyên viên phi đạo là dám phung phí xài một ngọn đèn néon suốt đêm. Tôi tiếp cận chiếc L19 đầu tiên, hai bánh trước dán cái ruột xẹp lép xuống nền xi-măng. Kính windshield bể từng mảng lớn. Nhẹ mở cửa, quan sát bên trong, bình điện, các phi cụ, phi kế đều bị gỡ cả! Lan 19 đứng xa trông mỹ miều như một mẫu hình toàn hảo của thẩm mỹ viện, càng đến gần càng thây sự tàn phá của giai đoạn tiền giải phẫu: Những vết cắt, vết mổ, vết đục đẽo bởi những bàn tay vụng về. Sự thất vọng tăng dần, không một chiếc phi cơ nào còn toàn vẹn. Sự tháo gỡ một phần theo kế hoạch chung, một phần theo kế hoạch riêng của một số "sưu tầm viên.” Tôi trở về ụ đậu chiếc phi cơ C119 số đuôi 077 để ẩn náu nghỉ ngơi.
Bầy muỗi đói quần thảo suốt đêm lúc tôi đang trong cơn ngủ chập chờn đầy cảnh giác. Sáng hôm sau tôi leo lên phòng lái, ngồi vào ghế Trưởng Phi cơ với một chút ngụy trang che đậy để quan sát hoạt động rộn ràng trên phi đạo. Cảm giác náo nức, rạo rực theo từng tiếng gào rú của phi cơ chuẩn bị cất cánh ngày hôm trước nguội lạnh dần. Sự nhộn nhịp huyên náo tập trung vào những phi vụ huấn luyện touch and go của một loại phi cơ dân sự Liên Xô và hoạt động của các chiếc Boeing nước ngoài. Cách 150 thước, một chiếc L19 đang bị xả thịt trong Hangar. Tôi nhẩn nha nhai nhũng sợi mì gói và uống nước lấy từ các vũng nước đọng trong các bãi chứa các bộ phận máy bay hư lộ thiên.
Khoảng một giờ trưa bỗng nhiên có hai tay thợ máy xăm xăm xách túi đồ nghề đi về phía tôi. Không có chỗ ẩn nấp kịp thời, tôi đành ngồi ì tại chỗ chuẩn bị làm vẻ như một tay Bộ đội Không Quân đang cải thiện vài đồ sưu tầm vụn vặt. May thay, khi một tên chuẩn bị leo lên phi cơ, tên kia góp ý:
— Chiếc này hôm qua gỡ hết rồi, qua chiếc kia đi.
Để tránh sự nguy hiểm bất ngờ tương tự, tôi leo xuống theo lối bánh mũi phi cơ, co ro trong một khoang phòng chật hẹp ngột ngạt chứa giây điện và giây cáp bánh lái phía bên phải. Gần ba tiếng đồng hồ không trăn trở cựa quậy, tôi bò trở lên phòng khách phi cơ, làm vài động tác thể dục. Khi tiếng đục gõ chát chúa ngưng hẳn và hai tên thợ máy dọn đồ đi về, tôi chuẩn bị xách túi đồ di chuyển qua dãy thùng Connex sát hàng rào cạnh cổng phụ Air Viet Nam. Lại thêm một lần may mắn. Một chiếc xe đạp xuất hiện trên đường, xe ngừng tại cổng và những mẩu đối thoại vọng lại. Không ngờ cái chòi yên lặng vắng vẻ kia lại có lính gác. Tôi đã đánh trần, chỉ mặc quần dài, đi lại thong dong trước mắt họ nhiều lần mà chẳng ai thèm để ý!
Đêm thứ ba tôi đi thám sát các khu vực bãi đậu phi cơ lân cận. Phi cơ A37 để ném bom không có. Phi cơ L19, Cessna hoàn toàn hư hỏng. Tất cả các loại vận tải cơ C119, C47, C123, Caribou... đều bị tháo gỡ phi cụ. Họ muốn phá hỏng để một ngày quân ta trở về không còn phi cơ để sử dụng, hay di chuyển những phi cụ quí giá ra miền Bắc để chuẩn bị ngày rút lui? Một ý nghĩ chủ quan xuyên qua tình hình thực tiễn vừa khám phá được.
Chưa nản chí tôi dự trù một kế hoạch khác. Tôi sẽ nằm phục kích vài ngày, nếu có cơ may, một trong ba loại phi cơ tôi lái được, ở một nơi khác ghé phi trường trong một phi vụ bất thường, tôi sẽ chộp lấy cơ hội. Hoặc tôi liều bò qua khoảng đất trống rộng từ khu quân sự sang khu Air Viet Nam, dưới ánh sáng chói lọi của bốn ngọn đèn pha cực mạnh, đột nhập vào phòng bánh mũi của chiếc Boeing đường quốc ngoại để stowaway. (Ý nghĩ sau đành hủy bỏ khi tôi đi kiểm soát đối chiếu các kiểu bánh mũi của các vận tải cơ, và nhận thấy nhỉều loại đóng cửa phòng bánh mũi sau khi geardown nên không thể chui vào được và phi cơ Boeing thì tôi hoàn toàn mù tịt.)
Tôi nằm lại thêm hai ngày, có lúc trốn trong phi cơ, lúc nằm dưới mương cỏ tranh rậm rạp. “Một phi trường chết,” tôi tự kết luận. Trước khi quyết định từ giã Phi trường, tôi trở lại chiếc phi cơ 077 khắc tên “Lý Tống 13-9-1981” ở nose gear để kỷ niệm lần đột nhập phi trường thứ nhì, và gỡ một đồng hồ Air speed, một Cockpit light, hai oil pressures (cái món compass béo bở bán được giá lại không còn) về tặng Hạnh, Nguyễn Quang Trường (hiện ở Đan Mạch) và Lê Văn Dương (Úc Châu) cùng Phi Đoàn Ó Den 548 cũ, và Quí bầm (Cali), người bạn tù Trại A.30, những chiến hữu đã bất ngờ gặp lại trong thời vượt ngục Trại A.30 và trốn tại Sài Gòn, có đóng góp lớn về vật chất và tinh thần trong mission impossible của tôi.
Tôi xách túi đồ nặng gồm bốn đồng hồ phi kế và gần một ký mì sợi chưa ăn hết. Hàng rào B40 phía trong, bên trên giăng ngang một lớp kẽm gai quấn theo hình ống tròn, khi vào chỉ cần leo lên nhảy qua, khi ra lại phải bẻ một khoảng trống mới leo lên được. Không có tiền để sắm một loại kềm cắt kẽm gai thích hợp, tôi phải đánh vật với dụng cụ tồi tệ bẻ qua lại nhiều lần đến khi giây kẽm gãy.
Trên đường trở ra, tôi gặp lại bảy tên Bộ đội hồi sáng, cái số 7 có hình lưỡi hái tử thần đã từng làm tôi ái ngại. Tôi dấu vội túi xách cồng kềnh vào đám cỏ cao ở bùng binh nhỏ nằm giữa ngã tư đường có đèn điện sáng. Tôi vờ châm thuốc như chờ đợi một người bạn gái trễ hẹn, tiếp tục trở ra khi họ không ngờ vực bỏ đi. Đường tối không kịp nhận ra hai tên Bộ đội đang ngồi bên lề đường vắng khi đi rẽ vào đám đất bỏ hoang, tôi ngồi xuống bên cạnh một bụi cây thấp giả vờ đại tiện.
Đây củng là chỗ tạm phóng uế bừa bãi mà tôi suýt bị một tên đi cầu bắt gặp trong khi đột nhập vào phi trường lần đầu. Sau đó tôi chậm rãi bò rút lui ra đường. Đoạn hàng rào tôi leo ra vào hình như đã được sử dụng bởi những tay Bộ đội trốn trại đi chơi hoặc chuyển đồ ăn cắp, nên có mấy ngày đã được sửa sang lại thay vì ngã sập nửa vời như trước. Một con đường xâm nhập rất dễ, nhưng cũng rất nguy hiểm, bởi vì những tên an ninh thợ săn trong khi rình rập những con chồn, con cáo lại có thể bất ngờ bắt gặp một con cọp lớn là tôi.
Mặc dù cuộc đột nhập phi trường không đạt được thành quả dự định, kinh nghiệm đã giúp tôi tự khám phá những khả năng tiềm tàng của mình và sự nhận định chính xác về khả năng của kẻ địch.
LÝ TỐNG
No comments:
Post a Comment