Matxcơva đẩy Ukraina rơi vào hỗn loạn
Những người thân Nga xung đột với cảnh sát Ukraina tại một tòa nhà chính phủ ở Donetsk ngày 06/04/2014.
REUTERS/Stringer
Theo tờ báo, chưa đầy một tháng sau khi Nga sáp nhập Crimée,
châu Âu không còn có thể biện hộ là bị bất ngờ, trước việc những người
ly khai thân Nga tuyên bố thành lập « nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk »
và loan báo một cuộc « trưng cầu dân ý » vào ngày 11/05/2014 về tương
lai của khu vực.
Trong khi huy động đông đảo quân lính ở biên giới phía đông Ukraina,
Nga biện bạch là không muốn tràn vào các khu vực Donbass, nơi tập trung
thiểu số người nói tiếng Nga ở Ukraina. Có lẽ về điểm này thì Matxcơva
nói thật.
Theo tờ báo, xâm lăng miền đông Ukraina, đối với Matxcơva, là một
hoạt động quân sự và chính trị phức tạp hơn việc chiếm đóng Crimée
nhiều. Dân cư ở đây không thuần nhất, người Nga sẽ gặp phải sự kháng cự
thực sự của người Ukraina, và Nga không có căn cứ quân sự nào tại đây.
Tuy vậy, những dấu hiệu cho thấy các vụ manh động này do Nga xúi giục là
hiển nhiên, như Nhà Trắng cũng đã khẳng định. Vậy ông Vladimir Putin
muốn gì ?
Mục tiêu thực tế của ông ta ngày càng rõ hơn. Điện Kremli không muốn
thấy một nước Ukraina dân chủ và thân châu Âu ngay sát nách của mình.
Không muốn Ukraina thành công, bởi vì như thế sẽ trở thành hình mẫu để
nhìn vào mà áp dụng tại Nga. Để đảm bảo cho sự thất bại của Kiev, thì
phải bắt đầu bằng việc ngăn trở cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25/5
tới.
Đó là vì việc bầu tổng thống bằng phương thức phổ thông đầu phiếu sẽ
là một giai đoạn chủ chốt trong việc hợp pháp hóa cuộc cách mạng ở Kiev,
và sự ổn định tình hình chính trị Ukraina. Còn nếu ngăn không được, thì
ít nhất phải phá rối cho cuộc bầu cử không thể tiến hành suông sẻ, bằng
cách gieo rắc hỗn loạn ở miền đông.
Một mục tiêu khác của Matxcơva, lần này thì được thú nhận, đó là việc
biến Ukraina thành một liên bang. Yêu sách này không thể chấp nhận được
! Hơn nữa, bản thân nước Nga vốn áp dụng một dạng thức liên bang tập
trung hóa quyền lực một cách kỳ lạ, không có tư cách gì để đi dạy một
bài học về quyền Hiến định, sự chọn lựa kiểu Nhà nước nào và quyết định
về chủ quyền, mà chỉ có người Ukraina mới có thể định đoạt được.
Le Monde đặt câu hỏi vậy châu Âu muốn gì ? Và tự trả lời : Muốn xuất
hiện ở phía đông Liên hiệp châu Âu một đất nước 45 triệu dân ổn định và
dân chủ. Đối diện với những con người che mặt của tình báo Nga, châu Âu
phải hành động một cách quang minh chính đại. Cần phải « đi đến » với
Ukraina, có thật nhiều cuộc tiếp xúc, đưa sang những phái đoàn, những
chuyến thăm của các dân biểu 28 nước châu Âu.
Bên cạnh đó là việc gởi hàng ngàn quan sát viên đến Ukraina hôm 25/5
tới, cung cấp các chuyên gia cho chính phủ Kiev về dự án tản quyền, thu
hồi tiền bạc do bọn tham nhũng vơ vét đang gởi trong các ngân hàng, hỗ
trợ công việc của các nhà đấu tranh dân chủ trong xã hội dân sự. Tóm
lại, là gióng lên điệu nhạc mới, thay vì để cho ầm vang tiếng những gót
giày đinh.
NATO sẵn sàng đáp trả Nga
Cũng liên quan đến Ukraina, trên mục diễn đàn của báo Le Figaro, bài
viết của Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh : « NATO sẵn sàng đáp trả Nga ». Ông cũng nhắc đến tầm quan trọng của mối liên hệ giữa các nền dân chủ tự do Bắc Mỹ và châu Âu.
Ông Rasmussen nhắc lại thời điểm 65 năm về trước cũng vào tháng Tư,
Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ra đời trong một thế giới
dày đặc hiểm nguy. Chiếc bóng của Liên Xô trải dài lên châu Âu, và 12
quốc gia bên này và bên kia Đại Tây Dương đã quyết định cùng hợp tác để
bảo vệ nền an ninh chung. Theo với thời gian, bây giờ NATO bao gồm 28
quốc gia, bảo vệ 1 tỉ người và đóng góp vào sự ổn định của thế giới.
Nhưng theo ông, chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới nguy hiểm,
với những rủi ro còn phức tạp và bất ngờ hơn 65 năm về trước. Một số
nguy cơ là mới mẻ như hỏa tiễn và tấn công tin học, số khác xưa như Trái
đất, chẳng hạn mưu toan dùng vũ lực vẽ lại đường biên giới. Điều không
hề thay đổi là những cam kết của NATO về các giá trị và lý do tồn tại
của mình – đoàn kết làm nên sức mạnh.
Sự đoàn kết này, theo ông Rasmussen, rất rõ ràng trong câu trả lời
trước vụ Nga tấn công bất hợp pháp vào Ukraina, vi phạm luật pháp quốc
tế. NATO đã tăng gấp đôi số phi cơ tiêm kích giám sát không phận các
nước vùng Ban-tích, tuần tiễu trên bầu trời Ba Lan và Rumani với các máy
bay radar Awacs, và các đồng minh cũng tăng cường sự hiện diện tại Hắc
hải.
Tổng thư ký NATO cho biết sẵn sàng sử dụng những biện pháp bổ sung,
kể cả cập nhật kế hoạch quốc phòng, tăng thêm nhiều cuộc tập trận và
huấn luyện. NATO đã tăng thêm hỗ trợ cho Ukraina và các đối tác khác
trong khu vực, ngưng mọi hợp tác với Nga. Không có thành viên NATO nào
muốn quay lại với thời kỳ chiến tranh lạnh, nhưng khi thấy Nga muốn chia
cắt châu Âu thành nhiều vùng ảnh hưởng thì không làm ngơ như không có
chuyện gì xảy ra cả.
Ông Anders Fogh Rasmussen cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay cho
thấy vấn đề quốc phòng là quan trọng hơn bao giờ hết, và mỗi quốc gia
thành viên cần phải đầu tư vào một cách thích ứng : thiết bị hiện đại,
tăng cường huấn luyện và hợp tác. Theo ông, tuy đây là một thử thách
trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhưng nếu không đầu tư ngay từ bây giờ
thì về lâu về dài, sẽ phải trả giá đắt hơn cho sự mất an ninh.
Tòa án Philippines công nhận luật ngừa thai
Nhìn sang châu Á, nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến việc Tòa
án tối cao Philippines công nhận đạo luật về việc miễn phí các biện pháp
ngừa thai là hợp hiến. Giáo hội Công giáo Philippines vốn chống lại đạo
luật này, cam đoan sẽ tôn trọng quyết định của tòa án, mà theo tờ báo,
đây cũng là một thắng lợi chính trị của Tổng thống Aquino.
Đạo luật này quy định miễn phí các phương tiện ngừa thai (báo cao su,
thuốc ngừa…) và giáo dục giới tính trong nhà trường. Luật buộc phải đào
tạo các nhân viên xã hội về kế hoạch hóa gia đình, hợp pháp hóa chăm
sóc y tế sau khi phá thai, trong lúc phá thai và ly dị vẫn đang bị cấm
đoán tại Philippines.
Dân biểu Edcel Lagman, người chủ trương dự luật trên tỏ ý hoan nghênh : «
Quyết định của tòa án khẳng định việc tách biệt Giáo hội với Nhà nước
trong các vấn đề như y tế và phát triển kinh tế đi kèm với tiến bộ xã
hội ». Phía giáo hội kêu gọi giáo dân tôn trọng quyết định trên, tuy vẫn nhấn mạnh « tiếp tục coi trọng tính chất thiêng liêng của sinh mạng con người ». Giáo hội Philippines vẫn «
hướng về các khế ước xã hội, chống nghèo đói và tham nhũng, tiếp tục hỗ
trợ cho tiến trình hòa bình với phe nổi dậy Hồi giáo ở Mindanao ». Đối với giáo sư Melvin Castro, phụ trách Ủy ban gia đình Công giáo Philippines, « cuộc chiến thật sự vượt lên trên đạo luật này, đó là làm thế nào chinh phục hoặc tái chinh phục trái tim của giới trẻ ».
Tại đất nước 100 triệu dân trong đó trên 80% theo đạo Công giáo, Giáo
hội đã chấp nhận rủi ro khi phản đối một dự luật được 72% người dân ủng
hộ. Theo Régis Anouil, tổng biên tập tờ Giáo hội châu Á, thì Giáo hội
Philippines muốn nói với Tổng thống Aquino là « không việc gì phải
tuân phục chính sách gia đình mà các chủ nợ như Ngân hàng Phát triển Á
châu và Ngân hàng Thế giới áp đặt. Tại Philippines, có 50 gia tộc nắm
trong tay đến 80% của cải toàn xã hội (…). Giáo hội cho rằng sở dĩ đất
nước nghèo khó, không phải do tình trạng gia đình đông con, mà do nguồn
lực bị tập trung vào một thiểu số ».
Tân Thủ tướng Pháp Manuel Valls trên con đường chinh phục niềm tin
Còn tại Pháp, tất cả các báo xuất bản tại Paris ngày hôm nay đều chú ý
đến bài diễn văn quan trọng của tân Thủ tướng Manuel Valls đọc trước
Quốc hội chiều qua. Tờ La Croix chạy tựa trang nhất : « Manuel Valls hứa hẹn hiệu quả ». Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến một « Valls không cấm kỵ » - hàng tựa trang nhất, với tựa đề trang trong là « Manuel Valls chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp ».
Tờ báo cánh hữu Le Figaro nhận xét đó là dấu ấn của « Ông Hollande, nhưng theo cung cách của Valls ». Nhật báo cộng sản L’Humanité chạy tít trang nhất : « Nội các Valls : Các đại biểu đã bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng sự ngờ vực vẫn tồn tại ». Tờ báo thiên tả Libération nhận định ở trang trong : « Manuel Valls : Nói thẳng nói thật nhưng có chọn lọc ».
Trong bài xã luận mang tựa đề « Tìm lại lòng tin », La Croix
nhìn nhận thử thách này là khó khăn : làm thế nào khắc ghi dấu ấn khác
biệt của mình nhưng tránh nói xấu ê-kíp tiền nhiệm cũng cùng cánh tả.
Nói lên « sự thật » mà không có vẻ lên án ngôn ngữ sáo rỗng của người
khác ; đào sâu những hướng đã được vạch ra đồng thời đưa ra những ý
kiến độc đáo ; nêu lên tình trạng thất nghiệp, bất bình đẳng và cả mất
an ninh. Và thuyết phục được chính phe của mình, rằng tân Thủ tướng cũng
là một chính khách phe tả ; thuyểt phục châu Âu là nước Pháp đang đi
trên một con đường đúng đắn.
Theo tờ báo, về hình thức thì ông Manuel Valls đã thành công trong
bài diễn văn đầu tiên trước Quốc hội : súc tích và năng động. Ông không
tránh né « hiệp ước trách nhiệm » vốn bị nhiều người đả kích, nhưng nhấn
mạnh sự cần thiết giảm giá thành sản xuất. Valls loan báo việc cải cách
tổ chức hành chính địa phương, và đã gặt hái được những tràng pháo tay.
Có điều, tuy nói cụ thể về việc giảm nhẹ các khoản đóng góp của doanh
nghiệp, nhưng Manuel Valls chưa vạch rõ được làm thế nào tiết kiệm được
50 tỉ euro như ông Hollande đã đề ra.
Trong màn xiếc thăng bằng này, Manuel Valls nhìn nhận những vết rạn
nứt trong xã hội Pháp hiện nay như về hôn nhân đồng giới, nhưng ông nhấn
mạnh đây là lúc để đoàn kết lại. Ông nói về tình yêu nước Pháp của một
người gốc Tây Ban Nha như ông, đến tuổi hai mươi mới nhập tịch và nay
được quốc gia này giao phó cho trọng trách cao nhất trong chính phủ. Tóm
lại : sự thực, hiệu quả và hòa giải là những từ khóa trong bài diễn văn
của Thủ tướng mới nhậm chức, và La Croix cho rằng người dân đang chờ
đợi được biến thành hiện thực.
No comments:
Post a Comment