Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 17 April 2020

Bản tin COVID-19


Mỹ: Hướng dẫn mới đề nghị các bang mở cửa lại trong 3 giai đoạn
Các chỉ dẫn của Tổng thống Donald Trump về việc tái mở cửa kinh tế Mỹ giữa đại dịch corona cho thấy một kế hoạch gồm 3 giai đoạn cho phép một số tiểu bang bắt đầu sớm nhất là trong tháng này dỡ bỏ bớt các hạn chế phong toả sự lây lan của COVID-19.
Giai đoạn đầu, các cơ sở làm ăn như nhà hàng và rạp chiếu phim có thể hoạt động trở lại với quy định giữ khoảng cách xã hội nghiêm ngặt, theo văn bản Reuters có được. Các chuyến du hành không khẩn thiết có thể được tái tục và trường học có thể mở cửa lại trong giai đoạn hai.
Ở giai đoạn ba, những người dễ bị ảnh hưởng về mặt y tế có thể tái tục các sinh hoạt giao tiếp công cộng.
Tờ New York Times loan tin ông Trump đã nói với thống đốc các bang rằng một số tiểu bang có thể mở cửa lại trước ngày 1/5 hay sớm hơn. Ông dự kiến cũng sớm loan báo kế hoạch thuê mướn lao động giúp theo dõi sự lây lan của dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cùng ngày cho hay sẽ ban hành chỉ dẫn cho các nước vào tuần tới về cách nới lỏng các hạn chế vì dịch bệnh.
Viện dưỡng lão ‘điêu đứng’ vì corona
Số tử vong vì virus corona tại một viện dưỡng lão ở miền Bắc New Jersey tăng vọt, với 18 thi thể đang nằm trong ‘nhà quàn tạm’ trong hai ngày liên tiếp đầu tuần này.
Số thi thể vừa kể nằm trong số 68 ca thiệt mạng liên quan tới viện dưỡng lão này.
Hơn 100 cư dân và nhân viên tại đây xét nghiệm dương tính với virus corona, tờ Times loan tin.
Tại New Jersey, tính tới hết ngày 16/4, có 471 cư dân trong các cơ sở chăm sóc dài hạn tử vong và 358 trên 375 cơ sở của bang báo cáo có người nhiễm COVID-19.
Trong khi đó, một viện dưỡng lão khác ở bang California báo cáo có 154 ca nhiễm virus corona, 8 cư dân tại đây đã thiệt mạng trong đợt bùng phát dịch khiến chính quyền địa phương phải sửa soạn di tản những người sống trong viện dưỡng lão này nếu không duy trì được lượng nhân viên thích hợp.
Trung tâm chăm sóc sức khoẻ Redwood Springs ở Visalia cho biết có 106 cư dân và 48 nhân viên xét nghiệm dương tính COVID-19.
13 người chết trong đợt bùng phát virus corona khiến 70 cư dân và nhân viên Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng Gateway ở Hayward, Vùng Vịnh San Francisco, miền Bắc bang California.
Nhật, Anh gia hạn tình trạng khẩn cấp
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 16/4 mở rộng tình trạng khẩn cấp ra toàn quốc và keo dài tới ngày 6/5 để ngăn sự lây lan virus corona.
Trong tháng rồi, số ca nhiễm tại Nhật tăng mạnh lên hơn 8.600, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Tại Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab, người tạm thay thế cho Thủ tướng Boris Johnson trong lúc ông Johnson đang phục hồi từ COVID-19, ngày 16/4 loan báo tình trạng phong toả toàn quốc được triển hạn thêm ít nhất 3 tuần nữa.
Anh là nước đứng thứ năm thế giới về số tử vong vì virus corona, sau Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Pháp.
Châu Âu
Đan Mạch, Ý, Đức và Tây Ban Nha nằm trong số các nước tỏ dấu muốn bắt đầu dỡ bỏ hạn chế để cho phép người dân trở lại cuộc sống thường lệ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tính cho phép một số trường học mở cửa lại bắt đầu từ ngày 4/5, sau các kế hoạch tương tự tại các nước khác ở châu Âu.
Châu Âu nằm trong số các nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19. Số ca nhiễm tăng gần gấp đôi trong mười ngày qua, lên gần 1 triệu. Số tử vong lên thành 80.000.
G-7
Toà Bạch Ốc cho hay lãnh đạo G7 trong cuộc họp trực tuyến ngày 16/4 nhất trí tiếp tục ‘thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để đảm bảo một sự đáp ứng toàn cầu vững mạnh và phối hợp” với COVID-19.
Mexico
Mexico ngày 16/4 loan báo một số khu vực trong nước có thể tái tục sinh hoạt thông thường sớm nhất vào ngày 17/5. Đây là một trong những nước châu Mỹ Latin đầu tiên tiết lộ kết hoạch tái mở cửa.
Canada
Ở Canada, Thủ tướng Justin Trudeau nói nước ông chưa sẵn sàng nới lỏng các hạn chế và kêu gọi dân chúng kiên nhẫn.
WHO
Cựu Tổng thống Jimmy Carter và tỷ phú Mỹ Bill Gates chỉ trích Tổng thống Trump về quyết định ngưng tài trợ Tổ chức Y tế Thế giới.
Vài giờ sau khi phê phán hành động của ông Trump, tỷ phú Gates, một nhà cấp quỹ chính cho WHO, loan báo đóng góp thêm 150 triệu đô la cho cuộc chiến chống COVID-19, theo tờ Politico.
Mỹ đóng góp nhiều nhất cho WHO, với hơn 400 triệu đô la trong năm 2019, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.
Ông Trump tố cáo WHO không thu thập báo cáo độc lập về virus xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, mà chỉ dựa vào phúc trình của Bắc Kinh vốn bị xem là không trung thực.
Hoa Kỳ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch corona, chiếm hơn 640.000 ca nhiễm trong số hơn 2 triệu ca trên toàn cầu, tính tới ngày 16/4, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Virus trên tàu sân bay Mỹ Roosevelt từ đâu?
Giới chức quân sự Mỹ ngày càng chắc chắn rằng đợt bùng phát virus corona tháng trước trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt có liên quan tới các máy bay ra vô tàu này hơn là liên hệ tới chuyến thăm của tàu tới Việt Nam, theo Wall Street Journal (WSJ) ngày 16/4.
Hơn 600 thành viên thuỷ thủ đoàn bị nhiễm COVID-19, một người tử vong. Năm người đang nằm bệnh viện và một người bị đưa vào phòng cấp cứu hồi sức tại Bệnh viện Hải quân Mỹ ở Guam hôm 14/4.
Tàu Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng từ hôm 4-9/3. Sau khi rời Việt Nam, các thuỷ thủ bắt đầu có triệu chứng và xét nghiệm dương tính với virus corona.
WSJ dẫn nguồn tin các giới chức quân sự Mỹ cho biết không thành viên nào trong thuỷ thủ đoàn gần 5.000 người có biểu hiện bị nhiễm virus cho tới ngày 24 hay 25/3, hơn hai tuần sau chuyến thăm Đà Nẵng. Thời điểm phát bệnh cho thấy nguồn lây có thể từ một loạt các chuyến bay từ Việt Nam, Nhật và Philippines ra vào tàu.
Các tàu sân bay Mỹ thường có hàng chục máy bay trên tàu cùng với đội bay và phi công tham gia các sứ mạng trên không.
Các ca nhiễm đầu tiên trên tàu xuất hiện giữa những thành viên của đội bay, các giới chức được WSJ dẫn lời cho hay.
Hải quân Mỹ vẫn đang điều tra nguyên nhân gây bùng phát dịch trên tàu sân bay này.

No comments:

Post a Comment