Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 6 April 2020

Các thứ đám ở Bắc Kỳ

Suốt cả một cái đời con người của người An Nam, tôi muốn nói là không có việc gì hết, chỉ những đám là đám, thì cũng chẳng ngoa nào.

Thường thường bắt đầu là đám cưới. Ít lâu chi đó rồi đến đám đầy tháng, rồi đến đám tuổi tôi. Đầy tháng, tuổi tôi… đầy tháng, tuổi tôi… thứ đám ấy cứ mỗi vài năm lại có. Rồi đến đám khao lên lão, rồi đến đám hạ thọ, rồi đến đám ma…

Chết là hết, tưởng là đến đám ma là hết, không dè còn nữa. Sau đám ma có những đám tuần sơ thất cho đến chung thất, rồi đến đám giỗ, rồi đến đám đốt mã biếu, rồi đến đám ma khô.

Ấy là chưa kể những đám bất thường, tùy người mà có, chứ không phải người nào cũng có: như đám lễ bằng lễ sắc, đám tạ thần, đám phần hoàng, đám cất nhà, đám về nhà mới, đám làm chay, đám tiếu tạ…

Nếu lôi ra những đám có tính chất đoàn thể thì lại còn nữa: đám tế xuân tế thu, đám kỳ yên, đám bát thu thần, đám rước, đám cầu mát… Kể hằng tràng cũng không hết được.

Người ta hay than van: “Tôi không có thì giờ…” Thật đấy! Cả đời bị những đám ấy làm cho chật vật mãi, còn thì giờ đâu nữa? Người ta lại hay nói: “Tôi suốt đời lao lực…” Phải! cứ hết đám nọ tới đám khác, nó nhiễu hại luôn cả tâm tư và lao lực của ông thì ông lao lực cho đến ngày chui xuống mồ mới hết cũng phải!...

Ôi! Một đời người có là bao, mà từ hai mươi tuổi giở lên là cứ bị những chuyện bá láp vô vị ấy làm rầy mãi thì còn công phu tài lực đâu để làm những việc đáng làm? Người Việt Nam ít có những công nghiệp to, ít có những việc làm có thể gọi là vĩ đại, tuy bởi chí khí tầm thường, học thức kém cỏi, nhưng, nói của đáng tội, những sự bận rộn phải gió ấy, thổ tả ấy, không phải là không có ảnh hưởng xấu đến cả tinh thần và nhục thể họ đâu.

Tôi thấy một người thanh niên con một, cha mẹ qua đời rồi, mới trên 20 tuổi đầu mà anh ta đã nghiễm nhiên làm chức gia trưởng. Lương tháng non trăm bạc mà trong nhà vừa lớn vừa nhỏ mỗi năm đã hơn ba chục cái giỗ rồi. Lại thêm chị vợ lành nghề đẻ, cứ năm một, không thì ba năm đôi, lâu lâu lại đầy tháng, lâu lâu lại tuổi tôi, lâu lâu lại cúng sài, cúng quan sát, nhương sao nhương hạn cho lũ trẻ ấy mà đủ mệt. Còn chưa kể việc họ việc hàng, xuân kỳ thu báo, đóng góp lúc năm đồng, lúc mười đồng là khác. Không ăn chơi gì đấy, “gia phạn thê luân” đấy, mà chớ trách trăm bạc tháng nào cũng hết nhẵn!

Chàng thanh niên học hành khá lắm, những người quen biết với anh ta cũng đều mong về sau anh ta có thể đại thành, nghĩa là trở nên một nhà hoặc văn học, hoặc triết học, hoặc cách tân tư tưởng. Nhưng mà tôi thấy thì tôi ngại lắm: nội những đám ấy nó cũng đủ làm cho anh ta chết non mà chớ, chứ đừng nói chi chi lớn lối nữa mà chi!...

Cả nước Việt Nam, người ta đều bị như thế cả, nhưng riêng có Bắc Kỳ bị nặng hơn.

***

Coi ý vào Đàng Trong chừng nào thì phong tục càng đan giản chừng nấy. Hết thảy những đám đã kể ra trên kia, có nhiều đám duy Bắc Kỳ có mà Trung Nam Kỳ không có, hoặc có ít thôi. Như những đám khao lên lão, đám ma khô, đám cầu mát, tuyệt nhiên không thấy từ Quảng Trị giở vào. Hoặc giả có chăng nữa thì cũng là rất ít.

Đàng Trong, hiện những tục lệ vẫn có cũng đã cải lương hoặc cánh trừ hẳn đi được nhiều rồi. Thứ nhất là đám ma và đám cưới, càng ngày càng hướng chiều về sự giản tiện.

Sở dĩ được như thế, có nhờ ở một cái nguyên nhân mà phàm người biết, ai ai cũng nhìn nhận, tôi xin kể ra đây. Vào khoảng năm 1906-1907, trong nước có một thứ phong trào mới. Sĩ phu Đàng Trong hấp thụ cái phong trào ấy thì dấy lên một cái sức vận động mà bấy giờ gọi là “duy tân”. Công việc của cuộc duy tân cốt ở mấy điều này: mở đường buôn bán, lập trường học, cải cách những hủ tục. Riêng về các hủ tục, đối với sĩ phu bấy giờ, họ coi như là cừu địch. Từng có một bọn rủ nhau thay phiên đứng gác ở cửa một phủ nha, ai mang lễ vào quan thì họ đón lại mà diễn thuyết, bắt phải bưng giở về cho kỳ được, ai không nghe thì họ cũng dám đến dụng võ… Lại  một bọn khác chuyên việc bài trừ cái tục cúng phù thuỷ, đã có lần họ đánh nhau với thầy pháp trong một đám tiếu tạ và việc vỡ đến quan.

Cuộc vận động ấy tuy không thành công cho lắm, hết một mớ sĩ phu kế đó bị tù bị tội, nhưng không thể gọi được rằng không có ảnh hưởng. Thật, từ đó về sau, như ở Quảng Nam bây giờ, hầu hết đám ma nào cũng không còn linh đình như trước nữa, cái thói “nghiêm chiêng trống ma ăn thịt” như đã cùng thời gian qua đi mất rồi.

Đám ma ở đó bây giờ, cứ hễ nghe nhà có người chết là những người trong làng trong họ xúm lại, trước thăm, sau giúp việc. Bắt đầu từ việc liệm, sau cùng đến việc chôn. Ai giúp được việc gì cứ giúp, rồi đến bữa, ai về nhà nấy ăn, sự chủ khỏi phải đãi đằng gì cả. Mà không phải trước kia vẫn thế đâu, hăm lăm năm về trước, người ta cũng vẫn làm thịt mỗi đám đến mười con trâu, vài chục con lợn như ở Bắc Kỳ vậy.

Ở Bắc Kỳ trong lúc có cái phong trào ấy, và về sau nữa, sĩ phu tuy cũng còn cuộc vận động, nhưng cái mục đích lại khác. Vả cuộc vận động nào cũng ở tại thành phố mà thôi, không hề rải rắc cái tư tưởng mới ở chốn thôn quê, thành thử nhà quê Bắc Kỳ vẫn còn mang theo mình những cái hư cái dở hồi đời mười tám đức Hùng Vương, chưa có một chút nào thay đổi gọi là có.

Cũng vì Bắc Kỳ còn nhiều những cái hủ tục hơn Đàng Trong nên mấy năm trước mới có cái phong trào “cải lương hương tục”. Tuy vậy, không ăn thua gì đâu, đừng nghe nói cải lương mà tưởng rằng đã cải lương được thật. Mà sở dĩ không thành hiệu như thế là tại việc cái lương do quan làm ra. Đời nào và xứ nào cũng vậy, phàm những tục xấu muốn đổi, thì phải là dân tự biết mà tự đổi đi, như cuộc duy tân của sũ phu Đàng Trong mới nói trên nọ, mới được; chứ còn đợi đến quan bắt mới làm thì chẳng bao giờ nên. Không thấy tám chín mươi năm về trước, vua Minh Mệnh sức cho đàn bà Bắc Kỳ mặc quần, cấm mặc váy, đến ba lần cưa sừng xẻ tai, hành tai hành bệnh, mà nào có được đâu, cho đến ngày nay, cũng vẫn còn đến độ 80% đàn bà Bắc mặc váy?

 

***

Tôi thấy những đám ở Bắc Kỳ mà phát sợ, có lúc cũng lại tức cười. Không biết người ta điên hay sao mà làm những việc dại dột rất là vô lý!...

Sài Gòn tiếng rằng xa hoa mà so với Hà Nội cũng còn là chất phác. Tôi nói câu ấy mới nghe như là nói trái đi mà chơi, nhưng kỳ thực là đúng lắm.

Đám cưới ở Sài Gòn vẫn đi ô-tô, nhưng có xa đường kia, thì họ mới đi như thế. Tôi từng thấy một đám cưới ở giữa thành phố ấy mà đi đất, hai họ đều là sang trọng, nhiều người có xe hơi nhà mà không thể đi được, vì họ nói từ nhà trai đến nhà gái chỉ cách nhau 500 thước thì đi xe làm gì.

Nhưng ở Hà Nội mới rồi, con trai ông bà mỗ ở đường Hội Vũ (sau lưng Hàng Bông) lấy con gái ông bà mỗ ở Hàng Bông, người ta thuê mười hai cỗ ô-tô hòm, rồi các ông các bà đi họ diện áo gấm vào, ngồi lên, bắt tài xế cho xe lượn từ ngõ Hội Vũ xuống Phủ Doãn, đi qua Hàng Trống, rẽ sang Hàng Đào, tuốt lên Quán Thánh, thẳng lên Ngọc Hà rồi mới do con đường Cột Cờ mà đi đến cửa nhà gái, vừa một giờ đồng hồ trọn. Tôi nghe nói mà cười không được, tôi cho họ thật trẻ con đáo để!...

Làm gì vậy? Tôi không trách sự họ xài tiền vô ích. Tôi chỉ tức cho việc họ làm sao mà nó giống như trẻ con! ...

Làm thế để tỏ ra ta sang trọng đây. Nhưng phơi cái ngu ra mà không tự biết! Chỉ có một lũ mướn cả đời không mặc được áo gấm bao giờ, không ngồi được ô-tô bao giờ thì mới phơi cái mặt mo ra mà lượn cùng các phố cho thiên hạ họ xỉ vào họ chửi là dở hơi, là dỏm, như thế mà thôi!

***

Đến đám ma. Đám ma, người ta cho giết nhiều trâu nhiều bò nhiều lợn chừng nào là sang trọng chừng nấy. Cái thói này, gần tiệt đi ở thành phố, nhưng ở nhà quê vẫn còn hăng.

Mới rồi trên Phú Thọ, một cái đám ma cũng vì làm thịt trâu mà xẩy ra nhân mạng.

Cái tin ấy, thấy trên một tờ báo hằng ngày như vầy:

Phú Thọ. ‒ Nhà Năm vì mẹ chết vả là nhà tai mặt giàu có trong làng, đám tang cần phải làm thật to, kinh tế khủng hoảng mặc kệ, cho được tiếng khen của người ngoài. Ngót hai mươi con trâu trong chuồng, ba con đã phải thiệt mạng để lấy tiếng tăm cho chủ nhà.

Còn mổ nữa… thì sáng hôm sau, mấy anh đồ tể lại dắt hai con thật béo mang ra làm thịt. Họ buộc trâu thật chặt vào cái cọc, ghì đầu xuống, chỉ một nhát búa và giữa óc, kết liễu đời trâu. Lại Tiến được đập trâu, cũng tưởng như những con khác, chết ngay, con này đã hai nhát rồi vẫn đứng trơ trơ chưa thấy khụy. Nhát thứ ba vừa trúng đầu, trâu đã chẳng chết, lại hăng máu dứt chạc, dứt cả mũi, lồng chạy tứ tung, cứ nhè anh cầm búa mà húc.

Rủi một con bé xé lá mía ở vườn bên cạnh độ 12-13 tuổi trong lúc bất ngờ bị trâu đến đuổi. Con bé vừa chạy vừa kêu, qua luống này luống khác nhưng tịnh không thấy ai ra cứu, chạy đã mệt, con Tý vấp phải luống cày ngã nằm soài xuống rãnh, kịp trâu đến. Ôi! Con Tý bị trâu đâm và húc lòi cả ruột, thân thể nát bét.

Húc xong, con trâu chạy mất; mang con bé vào, người ta không thể nhận được là người nữa, tưởng như con cá đã mổ bỏ ruột gan và chặt đầu đi rồi.

Cha mẹ con Tý đến sinh sự, sau họ điều đình, nhà Năm bằng lòng chôn cất cho đứa khốn nạn và xin đền mạng Tý 3 chục bạc.”

 

Đó, thấy không? Đám ma làm linh đình, chẳng những tốn của tốn công, tệ hại một trăm thứ, mà rủi ra lại còn giết đến người ta như thế nữa. Thật là đáng ghê gớm! Thế mà còn không lo dẹp cho gọn bớt đi sao?

Về vấn đề này, sau đây chúng tôi còn nói nữa, nay xin tạm ngừng ở đây kẻo dài quá.

HỒNG NGÂM

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 22 (11. 2. 1934), tr. 10-12.

No comments:

Post a Comment