ĐH 13: Việt Nam định vị thế nào trước 'Giấc mộng Trung Hoa'?
Đại hội Đảng Cộng
sản lần 13 dự kiến tổ chức vào đầu năm sau, 2021, theo tôi, vẫn đặt
trọng tâm vào những vấn đề nội bộ như củng cố chế độ và phát triển kinh
tế.
Sự kiện mới xảy ra ngày 2/4/2020 tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn
cản và sau đó đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS và tám ngư dân Việt Nam đang
hoạt động bình thường tại vùng biển Việt Nam.
Đây là một trong những động thái liên tục gây căng thẳng ở biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam trong nhiệm kỳ ĐH 12.
Tôi
ủng hộ việc Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm phản đối và yêu cầu
Trung Quốc bồi thường. Ngoài ra, Việt Nam cần thúc đẩy biện pháp pháp lý
cao hơn là kiện Trung Quốc lên Toà án Quốc tế, mà tiền lệ tích cực là
Philipines.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách đối ngoại nói
chung và trong quan hệ với Trung Quốc nói riêng cần đặt trong tình hình
và bối cảnh rộng hơn, trong đó biển Đông là vấn đề an ninh khu vực, một
thành tố trong 'giấc mộng Trung Hoa'.
Vậy, Việt Nam liệu sẽ tái định vị thế nào?
Giấc mộng Trung Hoa
Tại
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc 12, năm 2013, Tổng Bí thư Tập Cận
Bình được bầu làm Chủ tịch nước, đã phát biểu về cụm từ "giấc mộng Trung
Quốc".
Ông cho rằng "Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa
là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc"và rằng những người trẻ tuổi nên "dám
ước mơ, làm việc cần mẫn để thực hiện những ước mơ và đóng góp vào sự
phục hồi của quốc gia".
Các nhà lý luận của đảng khái quát rằng,
giấc mộng Trung Hoa là sự thịnh vượng của Trung Quốc với nỗ lực tập thể,
chủ nghĩa xã hội và vinh quang quốc gia.
Đặc
trưng cốt lõi của giấc mộng Trung Hoa là đảng Cộng sản nắm quyền cai
trị đất nước, xuất phát từ quá trình trỗi dậy kinh tế và gắn liền với
quyền lực cá nhân Tập Cận Bình.
Trung Quốc với chính sách cải
cách và mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài đã tăng trưởng nhanh chóng
trong suốt 30 năm, tỷ lệ tăng GDP trung bình năm trên 10% và đến năm
2010 bắt kịp và sau đó vượt Nhật Bản.
Giấc mộng Trung Hoa được mô tả gồm hai giai đoạn 100 năm.
Giai đoạn I kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng CS TQ vào năm 2020 với mục tiêu xây dựng xã hội khá giả, 'tiểu khang'.
Giai
đoạn II kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân vào năm 2049.
Đây là một kế hoạch đầy tham vọng và được thiết kế để đảm bảo rằng người
dân ủng hộ Đảng CS duy trì sự lãnh đạo.
Giấc mộng Trung Hoa hình thành gắn với các nhiệm kỳ quyền lực của Tập Cận Bình, coi mình là người thực hiện 'sứ mệnh thiên tử'.
Ông nắm quyền tối cao tại Đại hội 18 năm 2013 và năm
2018 sửa Hiến pháp, kéo dài nhiệm kỳ chủ tịch nước, để có thể nắm quyền
lực trọn đời.
Sáng kiến 'Một vành đai Một con đường', ý tưởng từ
'Con đường tơ lụa', của ông, gắn với kiểu 'suy nghĩ 100 năm', không
giấu giếm tham vọng bá quyền của Trung Quốc, đã bắt đầu bằng việc thay
đổi bản đồ thế giới, kiểu như tự vẽ danh giới 'đường lưỡi bò' trên biển
Đông.
'Trăm năm quốc sỉ'
Nhiều
nhà bình luận phương Tây cho rằng Đảng CS TQ tạo ra giấc mộng Trung Hoa
dựa trên 'trăm năm quốc sỉ', nỗi hận bị đế quốc thực dân cai trị trăm
năm, và chủ nghĩa chủ quyền quốc gia.
Lịch sử ghi lại rằng dưới
triều Nguyên, một người Ý nổi tiếng là Marco Polo (1254-1324) đã lưu lạc
đến Trung Quốc và làm quan ở đây 20 năm, sau đó ông trở về nước bằng
Con đường tơ lụa. Cuốn sách của ông, 'Marco Polo du ký', đề cập đến
những chuyến hàng đầy ắp sản vật trên 'Con đường tơ lụa', khởi đầu cho
giấc mơ của phương Tây về Trung Quốc.
Từ thế kỷ 7, Quảng Châu đã
được xem là nơi khởi đầu của 'Con đường tơ lụa trên biển'. Các nước đế
quốc châu Âu như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… lần lượt kéo đến buôn
bán. Giao thương phát triển cho đến thế kỷ 19, khi nổ ra 'chiến tranh
nha phiến' với đế quốc Anh.
Trung Quốc hoàn toàn thất bại trong
cuộc chiến này và triều đình Mãn Thanh buộc phải ký các hiệp ước bất
bình đẳng, chịu mở nhiều cảng cho các nước ngoài.
Hong Kong trở thành nhượng địa cho đế quốc Anh.
Nhiều nước đế quốc phương Tây khác, theo chân nước Anh, đã buộc Trung
Quốc phải chấp nhận nhiều điều kiện bất bình đẳng ngay trên đất chủ
quyền.
Nỗi nhục này của triều đình Mãn Thanh trước các cường quốc
phương Tây ghi dấu ấn lịch sử 100 năm 'quốc sỉ' trong giấc mộng Trung
Hoa.
'Định vị địa chính trị'
Một
quốc sách dựa trên sự thù hận, một bản năng sâu thẳm của con người, có
thể sẽ tạo nên những biện pháp trả thù mang đặc tính 'cách mạng' của chế
độ độc tài, toàn trị.
Mặc dù được che đậy bằng cách tuyên truyền hay mị dân, thì đôi khi các hành vi bạo ngược, hung hăng vẫn không tránh khỏi.
Người
Trung Hoa đã 'giấu mình chờ thời' trong việc xây dựng giấc mơ cho riêng
mình và biết cách làm cho giấc mộng Trung Hoa đang chuyển động với
những bước đi cụ thể trong chiến lược tổng thể.
Từ bài học lịch
sử và sức mạnh kinh tế hiện có, một chiến lược là hướng ra Thái Bình
Dương, trong đó biển Đông là một khu vực, được xác định là thành tố
trong 'giấc mộng Trung Hoa'.
Sau Chiến tranh Lạnh, các nhà tư bản
tham lam, vốn là đặc tính, đã nỗ lực tìm lao động giá rẻ, nguyên vật
liệu và thị trường tiêu thụ hàng hoá, liên tục làm phẳng thế giới. Đó là
một nội dung cơ bản của toàn cầu hoá.
Các nước tư bản hưởng lợi
và Trung Quốc trỗi dậy. Chuỗi sản xuất toàn cầu ngày càng gắn kết, mở
rộng cho đến khi nhiều quốc gia, trước hết và hầu hết là các quốc gia
châu Á, châu Đại dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Úc… và Việt
Nam, xem Trung Quốc là 'ông lớn' kinh tế mới, và nhận ra rằng họ đã trở
nên phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc.
Khi các nước trên thế
giới nhận ra thì, dường như tất cả sự ứng phó đều đang bị động. Một
chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ, được khởi động từ thời nguyên
Tổng thống B. Obama và được tăng cường bằng quan hệ song phương trong
chính sách 'Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại' của Tổng thống D. Trump, chưa
định hình rõ nét để đối phó với 'giấc mộng Trung Hoa'.
Cùng với việc 'vẽ đường chín đoạn' vi phạm hải quyền
các quốc gia ở biển Đông và tăng cường tiềm lực quân sự, xây các đảo
nhân tạo và quân sự hoá chúng, Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng sức mạnh để
bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Việt
Nam có vị trí địa chính trị quan trọng đối với 'giấc mộng Trung Hoa'.
Nhưng các nỗ lực 'trung lập hoá' bằng chính sách đa phương hoá quan hệ
với các nước Việt Nam đang thiếu một chiến lược rõ ràng và bị động trong
ứng xử trước các hành động hung hăng của Trung Quốc.
Nguyên nhân
chủ yếu do hai yếu tố. Một là, chế độ chính trị với ý thức hệ cộng sản
tương đồng, sự lệ thuộc sâu vào kinh tế. Tuy nhiên cải cách thể chế
chính trị đang là ưu tiên của cả hai nước, chẳng hạn quản lý đất nước
theo đảng luật hay pháp luật, hiện tại là tranh luận, như xu hướng đồng
thuận là đảng phải tuân theo pháp luật.
Hai là, sự bất ổn luôn
hiện hữu với nguy cơ gây chiến của Trung Quốc, nhưng gây chiến không
phải là sự cam kết trỗi dậy hoà bình trong 'giấc mộng Trung Hoa'.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang phải đối phó với nhiều thách thức nội bộ và đặt ưu tiên cho vấn đề 'chuyển đổi nội bộ'.
Từ
góc nhìn như vậy về 'giấc mộng Trung Hoa' hy vọng có một chính sách đối
ngoại tự chủ, đấu tranh hoà bình, nhưng với các lựa chọn quyết đoán hơn
trong quan hệ quốc tê về biển Đông, đặc biệt là chiến lược 'Thái Bình
Dương - Ấn Độ Dương' đang hình thành và củng cố do Mỹ đề xướng, là một
chuyên đề thảo luận tại đại hội đảng các cấp và trong Đại hội Toàn quốc
lần thứ 13.
Giấc mơ của của mỗi quốc gia trong quá trình phát
triển gắn liền với thể chế, và càng ngày càng được nhìn nhận như một yếu
tố trong sự phát triển bao trùm. Sự thay đổi thể chế có thể định hình
cho giấc mơ dân tộc trong những giai đoạn, bối cảnh lịch sử.
Toàn
cầu hóa đã có hiệu ứng kỳ lạ nhất. Giấc mộng Trung Hoa đang bước vào
giai đoạn kế tiếp, họ đã chọn và đang đi con đường của họ. Liệu Việt Nam
có xây dựng được giấc mơ riêng cho mình.
Bài viết thể hiện
quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học
viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam.
No comments:
Post a Comment