Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 2 April 2020

ĐH Washington: Covid-19 ở Mỹ đạt đỉnh giữa tháng 4, hết dịch đầu tháng 7


Quân đội Mỹ vào cuộc, cùng chống Covid-19 ở Mỹ
Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới, còn gọi là Covid-19, xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc hồi tháng 12/2019. Bốn tháng sau, theo thống kê của Viện Johns Hopkins, Mỹ trở thành nước có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất, lên đến hơn 215.000 ca tính đến thứ Năm 2/4. Số người tử vong ở Mỹ vì dịch hiện là hơn 5.100.
Trên toàn thế giới, số người nhiễm đã vượt qua mức 940.000 và số người thiệt mạng là hơn 47.500, vẫn theo Johns Hopkins.
Trước tình hình dịch bệnh mỗi lúc một xấu đi, khoảng 30 bang, tương đương với hơn 2/3 nước Mỹ, đã ra lệnh cho người dân “ở trong nhà”, trừ những nhân viên “thiết yếu”.
Biện pháp bắt buộc về giãn cách xã hội tỏ ra có hiệu quả và càng được áp dụng sớm càng tốt, theo các dữ liệu ban đầu sau 2 tuần áp dụng lệnh “ở trong nhà” tại hai bang California và Washington.
Đây là hai bang đầu tiên ghi nhận có các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và cũng là hai bang đầu tiên yêu cầu cư dân ở trong nhà và giữ khoảng cách với nhau trên thực tế.
Các phân tích của giới học thuật và của các quan chức địa phương lẫn liên bang cho thấy các động thái đó mang lại thời gian quý báu cho cộng đồng và có thể đã giúp làm cho đường cong đồ thị lây nhiễm đi ngang về lâu dài.
Các nỗ lực về giãn cách xã hội cần tiếp tục thêm vài tuần nữa để thực sự có hiệu quả cao, theo lời các chuyên gia.
Nghiêm nghặt thực hiện giãn cách xã hội chưa chặn đứng virus, các chuyên gia y tế công nói, nhưng mục đích ở đây là làm giảm tốc độ lây lan, giúp cho các nguồn lực về chăm sóc y tế không bị quá tải, nhờ đó, giảm số người nhập viện và cần đến máy thở cùng một lúc.
Sau vài tuần các bang áp dụng giãn cách xã hội, một mô hình dự báo của Đại học Washington ước tính hôm thứ Năm 2/4 rằng virus corona chủng mới, còn gọi là Covid-19, sẽ gây thiệt hại nhân mạng nhiều nhất ở Mỹ vào những ngày giữa tháng 4, làm khoảng 2.500 người chết mỗi ngày.
Mô hình này do Viện Số liệu và Đánh giá Y tế (IHME) thuộc Đại học Washington thiết kế, dựa vào thông tin từ chính quyền các bang và liên bang ở Mỹ, ngoài ra, họ cũng dùng dữ liệu từ chính phủ các nước, các bệnh viện và Tổ chức Y tế Thế giới.
Được cập nhật thường xuyên, hôm 2/4, mô hình dự báo rằng nguồn lực y tế của Mỹ bị căng thẳng nhất vào ngày 15/4 khi các bệnh nhân cần 262.000 giường bệnh, nhiều hơn khả năng đáp ứng của các bệnh viện trong cả nước tới 88.000 giường.
Đặt giả thiết rằng biện pháp giãn cách xã hội còn kéo dài đến hết tháng 5, mô hình của IHME cho rằng số ca nhiễm giảm xuống mức không đáng kể, hay có thể hiểu là hầu như hết dịch, vào đầu tháng 7.
Tuy nhiên, vẫn có các bệnh nhân thiệt mạng cho đến tháng 8, với tổng số người chết vì Covid-19 lên đến 93.500 người ở Mỹ.
Hôm 29/3, tiến sĩ Anthony Fauci, nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng “khi người ta tạo ra một mô hình dự báo, người ta đưa vào nhiều gia thiết, và mô hình chính xác ra sao còn tùy thuộc vào các giả thiết”.
Theo ông Fauci, các mô hình dự báo đưa ra “kịch bản xấu nhất và kịch bản tốt nhất. Còn nói chung, trên thực tế, tình hình sẽ ở giữa những mức đó”.
(IHME, NBC News, New York Times, Washington Post, CNN)

Diễn đàn Facebook

No comments:

Post a Comment