Nhân vụ Mỹ thôi đóng tiền cho Tổ chức y tế thế giới (WHO)...
Trương Nhân Tuấn (Danlambao) - ...Trừng
phạt WHO như vậy vừa không đúng đối tượng, vừa không đúng thời điểm.
Các quốc gia nghèo trên thế giới, hiện nay chỉ có thể nhờ vả vào WHO để
chống Covid-19... Phương pháp “đơn phương” của ông Trump đối với WHO
chắc chắn không đem lại hiệu quả. Nước Mỹ càng thêm cô lập, xa cách. Các
quốc gia nghèo chắc chắc sẽ ngả vô vòng tay của TQ...
*
Thời "chiến tranh lạnh", 1950-1990, các định chế quốc tế, kiểu Liên hiệp
quốc, (hay các tổ chức thuộc LHQ như WHO, FAO, UNESCO...) là những "đấu
trường" để các các quốc gia thuộc hai khối tư bản-cộng sản đấu đá lẫn
nhau, tranh dành ảnh hưởng.
Diễn đàn LHQ thời đó có thể ví như "cái chợ". Nhiều lúc chợ vắng tanh,
các bên “tranh thủ” mở “loa” hết công suất để tuyên truyền chủ nghĩa.
Lúc khác, chợ đông, các bên lên diễn đàn dành micro “chửi bới”, tố cáo
các hành vi lẫn nhau… Gặp lúc thế giới có “biến cố căng thẳng”, như
“chiến tranh Việt Nam”, vụ “Vịnh Con heo ở Cuba”, vụ “hỏa tiễn mang đầu
đạn nguyên tử của LX đặt ở Cu ba”... thì các bên cãi nhau “như mổ bò”.
Có lần thủ lĩnh Liên xô là Breznev cởi giầy đập bàn um sùm để phản đối
Mỹ...
Các tổ chức như FAO (lương thực và nông nghiệp), WHO (y tế), UNESCO (văn
hóa)... vốn trực thuộc LHQ nên không thể đứng ngoài vòng chiến. Các tổ
chức này trở thành những "dụng cụ chính trị", các bên ra sức “chinh
phục”, giành quyền kiểm soát.
Thông thường phe nào “chi” nhiều tiền, vừa cho tổ chức vừa cho các quốc
gia “đàn em”, phe đó có “tiếng nói” trong tổ chức. Người của “phe” đó
được quốc gia hội viên “bầu” lên làm tổng giám đốc (hay tổng thư ký).
Thí dụ, nếu phe của LX thì thông thường chức tổng giám đốc của tổ chức
được giao cho các "đàn em" (gốc Đông Âu). Còn Mỹ thì giao cho em út
"đồng minh" của mình.
Dầu "bát nháo", chia phe như vậy nhưng hoạt động của các định chế quốc
tế lại có hiệu quả. (Không để chiến tranh thế giới bùng nố là thành công
rồi). Bởi vì hai bên, cộng sản và tư bản, đều muốn chứng minh sự "ưu
việt" của chủ nghĩa phe mình. Ai cũng làm việc, phục vụ "hết lòng",
không có vụ "tư lợi".
Đầu não LHQ thể hiện qua cái ghế Tổng thư ký. Ghế này luôn do người
“trung lập” ngồi. Nếu không thì cái ghế này luôn bỏ trống, do sự phản
đối, “veto” của các thành viên chủ chốt.
Cơ quan “quyền lực” của LHQ, thể hiện qua Hội đồng bảo an gồm 5 thành
viên "đại cường nguyên tử" Mỹ, LX (sau này là Nga), TQ, Anh và Pháp. Nga
và TQ hầu như luôn nói chung một tiếng nói. Kiểu các xứ độc tài thì lúc
nào cũng “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”. Còn ba xứ Mỹ, Anh, Pháp tư bản tự
do, đa phần không ai chịu nhường ai. Pháp thường "lãng mạn" nên hay "xa
rời thực tế" vì vậy hay chống các chủ trương của Anh và Mỹ. Anh và Mỹ,
bên “phớt tỉnh”, bên “thực tế” nên thường chia sẻ lợi ích chung.
Nhớ thời chiến tranh VN. Cả hai bên VNCH và VNDCCH đều không bên nào là
"đại diện chính thức" cho "quốc gia Việt Nam" ở LHQ. Tuy nhiên VNCH nhờ
"kế thừa" từ "Quốc gia việt Nam" của Bảo Đại, giữ ghế đại dện "quốc gia
Việt Nam" ở các định chế thuộc LHQ như WHO, FAO, UNESCO v.v...
Phe cộng sản thắng chiến tranh VN bởi vì đã thành công biến diễn đàn LHQ
thành diễn đàn chống Mỹ. Đầu sỏ vụ này là Pháp. Với truyền thống “lãng
mạn” ưa làm “cách mạng” của dân Gô loa. Cùng với tình cảm "lãng mạn", ưa
làm "cách mạng" của các quốc gia nghèo. Tiếng nói của Pháp có "trọng
lượng" ở diễn đàn LHQ. Pháp ủng hộ MTGPMN. Rốt cục VNCH trở thành “nạn
nhân” ra sao, sau 1975 mọi người đều biết.
Ngay cả Đài loan cũng là một “nạn nhân” của Mỹ và LHQ.
Đài loan, vốn có ghế đại diện cho cả nước Trung hoa, từ năm 1949. Đến
năm 1970, khi Mỹ bắt đầu “ngoại giao bóng bàn” với Mao Trạch Đông để làm
“tan băng” quan hệ giữa hai bên Mỹ-Trung. Mục đích của Nixon là chuẩn
bị sách lược “khi đồng minh tháo chạy”, tránh vụ “quân hồi vô phèng”.
Nixon muốn Mao cam kết không đổ quân vô VN để Mỹ “Việt nam hóa chiến
tranh” bình an. Mao “ô kê”, không đổ quân vô tiếp tay CSVN “nhuộm đỏ”
VN. (Nhưng khi TQ đứng ngoài thì LX nhảy vô). Tuyên bố Thượng hải được
hai bên long trọng đọc trước báo chí quốc tế. Món quà của Nixon “tặng”
cho Mao là cái ghế đại diện LHQ.
Vụ “mất ghế” do Mỹ không sử dụng “veto” phản đối khiến Tưởng Giới Thạch tức thiếu điều “hộc máu”.
Chiến tranh lạnh chấm dứt, lịch sử sang trang, "ai thắng ai" đã rõ. Diễn
đàn LHQ không còn là "cái loa" để các bên "truyên truyền". Các định chế
quốc tế cũng không còn là “dụng cụ” chính trị nữa.
Nhưng điều này chỉ kéo dài đúng 10 năm. Từ đầu thập niên 2000, TQ với sứ
mệnh “quang phục” lại đế quốc. Nước này không từ một thủ đoạn nào. Kể
cả việc chiếm lấy các tổ chức, các định chế quốc tế làm dụng cụ nhằm hỗ
trợ cho công cuộc chinh phục lại ảnh hưởng đã mất của TQ.
TQ “chi phối” tất cả các tổ chức, các định chế quốc tế, từ LHQ và các tổ
chức phụ thuộc, cho tới WTO, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á
v.v...
Ta thấy Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trở thành dụng cụ đắc lực để
TQ “trỗi dậy” thành đại cường kinh tế. Trong khủng hoảng Covid-19 ta
thấy tất cả các quốc gia trên thế giới, từ Mỹ cho tới các quốc gia Nhật,
Châu Âu… đều “lệ thuộc” vào TQ ở các dụng cụ y tế cũng như thuốc men.
Cũng qua cơn đại dịch này ta cũng biết các tổ chức thuộc LHQ, điển hình
là WHO (Tổ chức y tế thế giới) đã hoạt động “lệch lạc”, thiên vị cho TQ
như thế nào. Tổ chức Lương Nông thuộc LHQ (FAO) hiện có Tổng giám đốc là
người TQ. Cơ quan pháp lý của LHQ, Tòa công lý quốc tế, vị phó cơ quan
này là người TQ.
Nguyên tắc “nước nào đóng tiền nhiều nước đó có tiếng nói” đã không còn hiệu lực.
Mỹ, Nhật và các nước Châu Âu là các quốc gia “hào phóng”, có đóng góp
nhiều cho LHQ và các tổ chức thuộc LHQ. Riêng Mỹ, quốc gia này luôn “bao
thầu” khoản chi phí từ 15% đến 25% chi phí cho LHQ.
Dĩ nhiên, là công dân Mỹ, ai lại không tức giận khi đồng tiền của mình
đóng góp lại phục vụ cho “địch thủ” của mình chống lại mình.
Tất cả các định chế quốc tế, từ LHQ và các tổ chức, định chế trực thuộc,
cho tới WTO… đều do Mỹ thiết lập, hay Mỹ có vai trò “xương sống”.
TQ đã sử dụng các phương thức (mà chỉ có “mafia” mới sử dụng) để chi
phối các tổ chức này. Một mặt để “bành trướng thế lực”, mặt khác để làm
suy yếu nước Mỹ và các quốc gia khác. Điều lo ngại, đến một lúc nào đó
TQ thao túng các định chế pháp lý thuộc LHQ, như Tòa Công lý quốc tế.
Công lý trở thành “cong lý”. Ta cung không lọai trừ khả năng, đến một
lúc nào đó, TQ có thể can thiệp vào các công ước nền tảng, như UNCLOS,
thay đổi luật chơi để làm lợi cho TQ.
Ông Trump vừa tuyên bố thôi đóng tiền cho WHO nữa. Vì lý do tổ chức này:
Thứ nhứt, đã thiên vị TQ trong vụ TQ không kiểm soát Covid-19 khiến đại dịch tràn lan khắp địa cầu.
Thứ hai là không có hành vi, hay quyết định phù hợp và đúng lúc để ngăn chặn Covid-19.
Thứ ba, (ý kiến của cá nhân tôi) loại trừ Đài loan ra khỏi WHO là “hành
vi chính trị”. Việc không nghe các ý kiến về y tế của Đài loan (liên
quan đến Covid-19) làm dịch tràn lan là lỗi nặng của viên tổng giám đốc.
Dĩ nhiên phản ứng cấp thời “không đóng tiền” cho WHO của Trump có thể
hiểu. Nhưng nếu xét nguyên nhân, ta thấy nguồn gốc không phải đến từ
“bản chất” của WHO mà do người lãnh đạo WHO và TQ.
Trừng phạt WHO như vậy vừa không đúng đối tượng, vừa không đúng thời
điểm. Các quốc gia nghèo trên thế giới, hiện nay chỉ có thể nhờ vả vào
WHO để chống Covid-19 mà thôi. Trong khi việc giúp các quốc gia nghèo
chống dịch cũng là phương cách “tự bảo vệ”, phòng ngừa đại dịch.
Theo tôi, sau này các quốc gia có thể ủng hộ ông Trump để làm “sạch” lại
các tổ chức, các định chế quốc tế đã bị TQ chi phối, như LHQ (và các tổ
chức trực thuộc), WTO v.v...
LHQ và các định chế, tổ chức trực thuộc LHQ, WTO... cần phải được tổ chức lại, phối trí lại.
Nhưng phương pháp “đơn phương” của ông Trump đối với WHO chắc chắn không
đem lại hiệu quả. Nước Mỹ càng thêm cô lập, xa cách. Các quốc gia nghèo
chắc chắc sẽ ngả vô vòng tay của TQ.
16.04.2020
No comments:
Post a Comment