Lần đầu tôi đọc văn của Dương Thu Hương là khi đọc cuốn Đỉnh cao chói lọi.
Thành thực mà nói thì cuốn đấy rất chán, hoặc là do bà viết thiên về ám
chỉ chính trị nhiều quá, hoặc là tôi bị ám ảnh bởi những hồi kèn trống
oang oang mở đường cho cuốn sách ấy nhiều quá. Văn chương đọc mà sặc mùi
chính trị lộ thiên thì rất đáng buồn. Rồi hôm nay, trong khi ngồi vơ
vẩn ngước nhìn lên xuống tủ sách gia đình, mắt tôi chạm đến mấy tựa sách
của Dương Thu Hương thời còn chưa bị cấm xuất bản ở Việt Nam và có lẽ
do duyên đến, tôi quyết định đọc Những thiên đường mù.
Những thiên đường mù kể về cô gái tên Hằng xuất khẩu lao động
sang Liên Xô đang trên đường đi thăm ông cậu bị ốm ở Matxcơva. Đường xa,
trời lạnh lại đang ốm, Hằng chìm vào những kí ức xa xưa từ thời bố mẹ
cô bị chia lìa, rồi gia đình ông cậu, cô Tâm chị của bố… Cuốn sách tái
hiện lại cả một thời kì từ làng quê đến thành thị, từ số phận người nông
dân bị đấu tố đến anh tuyên huấn có vợ chỉ học cấp 2 đã thao thao giảng
về triết học duy vật.
Những thiên đường mù thông qua số phận của ba người đàn bà để hàm ẩn thông điệp của mình. Ấy
là cô Tâm, người phụ nữ xinh đẹp có học bị đấu tố là con nhà địa chủ
rồi từ tay trắng gầy dựng cơ nghiệp, quên cả tuổi xuân để trả thù, một
lòng chăm lo cho đứa cháu – hậu duệ duy nhất còn sót lại của nhà họ
Trần; ấy là bà Quế, có chồng bị chính em vợ đấu tố phải bỏ trốn, sinh
con mang tiếng chửa hoang, bỏ làng bỏ quê đi mưu sinh, bị em trai hắt
hủi xong lại hết lòng hi sinh để lo cho hai đứa cháu – hậu duệ còn sót
lại của nhà họ Đỗ; ấy là Hằng, từ bé đến lớn sống trong sự bảo bọc của
cô Tâm và mẹ Quế, bị quá khứ vùi lấp trong muôn vàn kí ức hư ảo và trách
nhiệm nặng nề. Tuy nhiên, cần nói rằng, xã hội mà Dương Thu Hương tái
hiện lại trong tiểu thuyết của mình dù mang nặng vẻ u ám của hiện thực
nhưng đó trước hết là cái hiện thực đã lọc qua lăng kính chủ quan của
bà.
Dương Thu Hương đã nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm của mình hình ảnh
“thiên đường mù”. Thiên đường mù ấy là cái hạnh phúc tạm bợ trong phút
chốc, là thứ ảo vọng bèo bọt ngắn ngủi mà ngỡ sâu xa. Ông cậu Chính xây
dựng thiên đường mù trên cái tài đánh tiết canh cho thủ trưởng để thăng
quan tiến chức, cô Tâm xây dựng thiên đường mù bằng vật chất vòng vàng
quanh đứa cháu để trả thù quá khứ bi phẫn, bà Quế xây dựng thiên đường
mù bằng cách dốc thân còm cõi để nuôi lấy miệng ăn trong gia đình em
trai mặc cho mọi sự khinh khi. Tôi có cảm tưởng, Dương Thu Hương đã rải
đầy những thiên đường mù như thế khắp các trang sách để dựng nên một thứ
không khí bấp bênh, nhờn nhợn và buồn hiu buồn hắt như thương hại lấy
những phận người trong guồng quay sân si thù hận.
Dù vậy, điều đọng lại trong tôi sau khi đọc sách lại không phải hình ảnh
“thiên đường mù” ấy mà là câu bà Quế nói với chị chồng :
“Em xin chị, em lạy chị, oán thù chỉ nên cởi đừng nên buộc…”
.
Kết truyện, Hằng quyết định bán hết gia sản cô Tâm để lại cho mình và
dứt áo ra đi. Cuối cùng là hình ảnh phi trường với những chuyến bay cất
cánh và hạ cánh. Hằng đã từ chối xây tiếp những vách thành của thiên
đường mù nọ, cô đang cố lần cởi từng nút thắt thít chặt số phận đã bủa
vây mình. Nhưng với mật độ dày và nặng sự u ám nhà văn đã lèn trong từng
câu chữ suốt thiên truyện, thực khó để thắp lên cái hi vọng giải thoát
vào giây phút tận cùng. Điều này khiến những hình ảnh cuối, những tư
tưởng cuối trở nên kịch và khó lòng thuyết phục người đọc tin vào tương
lai hứa hẹn của Hằng. Cũng có thể, cô nói vậy mà cuối cùng không làm
được vậy, như mẹ Quế của cô năm xưa nói về sự cởi bỏ oán thù mà rốt cuộc
vẫn bị nó vùi chết, thẫm sâu ở quán nước ven đường và tình cốt nhục đã
hoen mờ trước ánh sáng của mớ tiền xu bạc cắc…
.
chiemphong
Người đàn ông mở sổ ra xem, và nói:
- Còn ba ga nữa thôi. Khoảng một giờ bốn mươi phút nữa ta sẽ tới Mátxcơva.
Tôi đáp,
- Vâng.
Ông ta hỏi,
- Có người chờ cô ở đấy chứ?
Tôi lúng búng đáp,
- Không biết. Có thể có.
Ông khách liếc nhìn tôi, rồi nhún vai:
- Một con chuột nhắt như thế này mà không có ai ra đón ư?
Tôi mỉm cười, thay cho câu trả lời. Còn ông ta rung đùi nhìn tôi, mắt
nheo lại đầy hoài nghi. Lúc ấy, có tiếng mở cửa. Hai gã trai trẻ bước
vào. Một gã cao to, lưng gấu, tóc vàng. Gã kia tóc đen, lông mày đen,
ria mép đen, kiểu như người xứ Grudia. Toa tàu tràn ngập mùi rượu. Người
đàn ông ngồi bên tôi ngả người ra phía sau, duỗi dài đôi cẳng chân. Rồi
ông ta đưa mắt nhìn hai gã trai trẻ. Ngược lại, hai gã không nhìn ông
ta mà nhìn tôi:
- A...
Gã tóc đen cất tiếng reo rồi xô tới:
- Mày có quần bò mốc không? Tao mua.
Tôi lắc đầu,
- Không có.
Dường như gã không nghe tôi trả lời, gã cao giọng nhắc lại lần thứ hai.
- Quần bò mốc, quần bò hoa. Tao mua cho.
Tôi đáp lại, to tiếng hơn.
- Không có.
Gã tóc vàng, lưng gấu cúi đầu xuống:
- Tao trả 130 rúp, bán đi. Ở Mátxcơva chúng nó mua rẻ hơn. Chỉ 115 rúp thôi.
Tôi đáp,
- Tôi đã bảo là tôi không có.
Gã tóc đen cau mày, hàng ria mép đen đụng đậy,
- Mày không muốn bán cho chúng tao, phải không?
Gã móc túi, chìa ra một nắm bạc,
- Chúng tao không ăn cắp, chúng tao trả tiền. Nhìn đây.
Hơi rượu phả vào tận mũi tôi. Tôi thấy óc não bắt đầu quay cuồng, hai thái dương nóng rừng rực.
- Tôi đã bảo là tôi không có. Mấy người điên hay sao?
Mắt gã trai tóc đen long lên, tức giận. Gã nhét tiền vào túi, tiến lên
một bước, đứng chặn ngay trước mặt người đàn ông răng bạc. Rồi gã xỉa
ngón tay vào trán tôi:
- Mày không chịu bán, phải không? Tụi Việt Nam chúng mày không bán, còn
ai bán. Lần trước, một con bé giống mày bán cho tao chiếc áo phông tồi.
Đem về nhà, em gái tao mặc. Một lần, đã rách hết đường chỉ. Ở đường phố
Áccbát ấy, biết không, chỉ có chúng mày và tụi digan bán hàng rong.
Nước mắt và muối cùng lúc tràn lên che kín mắt tôi. Người đàn ông răng
bạc đứng lên, làm gì đó, hình như túm cổ gã trai. Tôi nghe tiếng ông ta
hét:
- Cút ngay, cút ngay, không ta cho chúng mày xuống đường tàu.
Tiếng ông ta bập bùng như gõ trống bên tai. Hình ảnh ông cũng lờ mờ, bị
lủi chìm trong màn nước mắt. Tôi trùm tấm khăn len lên đầu, khóc nức nở,
khóc như bị đòn oan, không còn kiềm chế được. Người khách đồng hành vỗ
vai tôi nhẹ nhẹ, ra chiều an ủi. Rồi sau đó, ông ta khoanh tay, ngồi im
lặng với vẻ mặt của một người từng trải, kiên nhẫn chờ đợi.
Bây giờ, tôi không hiểu vì sao tôi đã khóc như thế. Nhưng lúc ấy, nước
mắt như dòng lũ không ngăn được. Lần đầu tiên, trong đời, tôi khóc trước
một người khách lạ. Ông ta lại rút thuốc ra châm. Còn tôi, khi đã khan
hết giọng, tôi rũ xuống như tàu lá héo, ngã vật vào góc toa tàu. Bên
ngoài, những thị trấn, những phố lẻ lác đác ánh đèn trôi qua. Giống như
những đốm lửa lạnh lẽo, xa cách, chúng nhắc nhở sân ga Mátxcơva năm
trước.
Năm ngoái, cũng bà Vêra trao cho tôi bức điện:
“Hằng đến ngay Mátxcơva. Khách sạn Ratxia. Phòng 607.”
Tôi biết cậu Chính đã sang Nga, vì từ ba tháng trước, mẹ tôi viết thư
báo. Tôi cũng ngồi trên con tàu này, vượt qua hàng ngàn cây số để tới
Matxcơva vào một sớm lạnh lẽo. Tuyết chưa rơi, nhưng những đám lá vàng
cuồi cùng của mùa thu đã ngả sang nâu sạm. Trên hè, những mảnh lá úa tàn
bị gió lùa theo gót khách vãng lai. Trên không, thỉnh thoảng lại có vài
chiếc lá vàng hiếm hoi bay lượn, như mảnh ước mơ của mùa thu bay lượn
trước cửa ngõ mùa đông. Áo mỏng quá, tôi rét. Tôi phải giở bản đồ thành
phố, nhanh chóng tìm bến xe điện ngầm gần nhất để xuống. Dưới các đường
hầm ấm hơn trên mặt đất nhiều. Tìm được bến, tôi cắm đầu cắm cổ chạy.
Lúc ấy, dân Mátxcơva chưa đi làm. Đường phố vắng, chỉ có những cảnh sát
giao thông đứng trực trên các ngã tư, và trên quảng trường. Vừa chạy,
tôi vừa ước ao một chén chè nóng pha đường. Nhưng lúc ấy, có tài thánh
cũng không kiếm nổi một chén chè. Chưa tới giờ các quán ăn công cộng
cũng như các bútphét mở cửa. Xuống ga, tôi ném đồng năm xu vào cửa tự
động rồi bước qua hàng rào, vào trong. Tuyến đường tôi đi ngay gần đó.
Hai phút sau, tôi đã ngồi trong toa, tở dồn dập vì mệt và lạnh. Da dẻ
tôi dần dãn ra trong bầu kkhông khí ấm. Ngả người ra phía sau, tựa vào
lưng ghế, tôi nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng bánh xe nghiến lúc tới các
bến đỗ, tiếng của các hành khách mới lên. Khách vắng, cả toa chỉ dăm
người. Tuy thế, tôi không thấy côi cút, tôi mong mỏi giờ gặp gỡ. Tôi sẽ
biết tin mẹ tôi, và mọi chuyện bên nước nhà.
Mỗi ga, người phát thanh viên lại xướng lên trong loa phóng thanh. Nhờ đó tôi có thể mở mắt đứng dậy vào đúng ga cần tới.
Tàu dừng hẳng, tôi bước lên bờ kè. Ở đó, phải nhảy một lúc cho ấm người,
tôi mới đủ dũng khí ra đi. Từ ga tàu điện ngầm tới khách sạn rất gần,
chỉ qua vài khúc phố với một vườn cây nhỏ, ngả nghiêng những thân liễu
mềm, thân bạch dương trắng óng. Cỏ đã trụi, đất phơi ra màu đen xỉn như
xỉ than nghiền vụn. Những con chim câu già lông cánh xác xơ kiếm ăn sớm,
kéo lê bộ đuôi bẩn thỉu dọc hè phố. Dưới bờ sông đào, con sông đang
ngủ, làn nước màu chì phẳng lặng, không gợn sóng xao. Có một người đàn
ông cao lớn, thọc hai tay vào túi, đi dọc theo bờ kênh. Vừa đi, ông ta
vừa huýt sáo khe khẽ. Đó là giai điệu một ca khúc đang được ưa chuộng
“Tình Yêu Màu Xanh.” Tôi đi sau người đàn ông, lắng nghe tiếng huýt sáo
vọng trong không gian yên tĩnh như mơ ngủ. Tiếng sáo làm tôi bớt lạnh.
Giờ này, có tới, người gác khách sạn cũng không cho vào. Vì lẽ đó, tôi
đã mê mải đi theo thứ âm nhạc dân dã kia. Tôi đuổi theo nó mãi, tới khi
người đàn ông dừng lại trước một tòa nhà cao tầng, ngẩng lên tìm kiếm
một địa chỉ nào đó, và ông ta thôi không còn huýt sáo nữa. Sang đường,
tới khách sạn, tôi phải đợi hơn nửa giờ sau mới được vào. Cậu tôi đã chờ
tôi ở phòng khách tầng dưới, cùng với một chàng trai. Anh ta là phiên
dịch của đoàn. Nhờ anh ta năn nỉ với người gác phòng, tôi được đưa lên
tầng gác thứ sáu, nơi cậu tôi ở. Hành lang trải dạ thẫm màu, vắng tanh.
Khách còn đang ngủ. Cậu Chính nói oang oang:
- May quá, nhờ cậu chú cháu tôi khỏi phải đứng dưới nhà. Thôi nhé, lúc nào cần tôi sẽ gọi.
Tôi nói.
- Cậu khe khẽ thôi. Có phải ở nhà mình đâu?
Cậu há miệng.
- Ờ ờ...
Rồi đưa tay chào người phiên dịch. Tôi thấy anh liếc tôi, mủm mỉm cười
trước khi mở cửa phòng mình. Chúng tôi còn phải đi xa nữa, người phiên
dịch ở phía đông, cậu Chính ở phía tây. Qua gian sảnh chung, tôi thấy
hai phụ nữ trẻ đang ngồi đan áo. Cậu bảo:
- Giá cháu giỏi tiếng Nga, bán được mấy chiếc áo len cánh dơi cho các cô này thì tốt.
Tôi nhìn cậu, không nói gì. Tới trước cửa phòng, cậu rút chìa khóa, mở cửa.
- Vào đi cháu.
Tôi vào trước, cậu vào sau. Cậu khóa cửa cẩn thận rồi mới đưa tôi vào phòng. Tôi hỏi:
- Cậu ở một mình?
- Ờ, tiêu chuẩn của cậu.
Ngẫm nghĩ tí chút, cậu nói thêm:
- Ở một mình là tiện nhất.
Nói xong, cậu đưa mắt liếc ra ngoài cửa sổ. Nơi đó, những mái nhà thành
phố hiện lên trong làn ánh sáng trắng như sữa của bình minh. Cậu ngó
nghiêng lần nữa, vẻ yên tâm. Lúc đó, cậu nói:
- Cháu đem giải quyết mớ hàng này.
Rồi quì xuống, cậu lôi chiếc túi du lịch nhét trong ngăn dưới cùng của chiếc tủ gỗ ra.
- Hàng mợ chuẩn bị đầu đủ lắm cơ.
Kéo phécmơtuya roạt một tiếng, cậu sắp sửa lôi các thứ hàng xếp bên trong ra. Tôi vội nói:
- Từ từ đã cậu.
Cậu bảo.
- Nhưng lát nữa cậu còn phải họp đoàn, còn làm việc với bạn.
Tôi bảo.
- Chẳng đi đâu mà vội, ở đây, người ta không thức dậy sớm như bên mình.
Cậu băn khoăn.
- Nhưng lỡ tay phiên dịch nó sang.
Tôi nói.
- Chẳng sang người ta cũng thừa biết.
- Hằng..
Cậu quát lên, mặt tái mẹt.
- Mày nói gì thế!
Tôi đáp:
- Cháu nói thật.
Cậu gằn giọng.
- Cháu mấy chắt, đồ mất dạy.
Tôi lặng im. Cậu hùng hổ đi tới trước cửa sổ, vén tấm rèm lên, chẳng
hiểu cậu tìm thấy gì trong khung cảnh của thành phố sớm mai yên tĩnh?
Hai tay chống nạnh, đôi vai nhô lên, chắc cậu đang trút những hơi thở
dài, bực bội. Lát sau, cậu quay vào, giọng hiền từ hơn.
- Thôi... Nhưng lẽ ra, cháu cũng không nên nói thế.
Tôi lặng im, không đáp. Cậu khẽ nói.
- Hằng này, cậu không muốn nhờ người khác, hoặc họ dìm giá, hoặc họ thóc mách, đồn thổi. Cháu giúp cậu.
Tôi bỗng thấy mỏi mệt đến nỗi muốn lăn ra giường ngay. Các đầu khớp
xương nhức buốt. Da nổi gai ốc đầy lưng, và những cơn ớn lạh liên tục
chạy dọc theo xương sống. Cảm giác giá lạnh cộng với cơn đói dày vò,
khiến các cơ bắp như chảy lan ra, không có cơ hồ giữ lại. Tủi cực chăng?
Khóc chăng? Nước mắt đã cạn. Tôi nhìn cậu, nói khe khẽ:
- Đáng lẽ, cậu nên thông báo cho cháu tình hình gia đình, sức khỏe mẹ
cháu ra sao? Đáng lẽ, cậu nên cho cháu một chén nước chè. Cháu từ hàng
nghìn cây số tới đây.
Cậu đứng ngẩn người ra, rồi ờ ờ... những tiếng vô nghĩa, tay cậu trở nên
thừa thãi. Lát sau, cậu đi đến tủ lạnh, mở cánh cửa. Bên trong, lổng
chổng một đống bánh mì tròn, thứ bánh mì bán trong các bútphét, hai xu
một chiếc.
Tôi nói:
- Cám ơn cậu.
Nói đoạn, tôi đứng lên.
- Cậu làm ơn mở khóa cửa cho cháu.
Cậu mở cửa. Tôi đi dọc hành lanh, tới gian sảnh. Hai người phụ nữ trẻ
vẫn đang đan. Tôi hỏi họ bútphét ở đâu? Họ chỉ đường cho tôi. Đi tới
cuối mút hành lang, xuống tầng thứ 3. Bútphét đã mở. Khách ăn còn vắng.
Chỉ vài ba người đàn ông to béo ngồi ăn dămbông với phomát. Bàn trong
cùng, một cặp trai gái cao gầy, tóc bạch kim, có lẽ người Bắc Âu đang
uống bia. Tôi mua một phần tư con gà, một đĩa trứng ốplếp với một chiếc
bánh ngọt phết mứt dâu. Chừng ấy, đủ cho tôi chống cơn rét mệt. Ăn sáng
xong, tôi trở về phòng, mang theo túi hoa quả. Trong phòng, chừng non
một chục người ngồi. Đó là đoàn công tác của cậu tôi sang họp. Anh chàng
phiền dịch ngồi sát cửa, ghé mắt nhìn xuống phố xá. Những người khác,
vừa nghe vừa nặn trứng cá hoặc gãi mụn ruồi. Người nào cũng có vẻ bồn
chồn. Chắc chắn họ đang tính cách nào bán hàng hóa nhanh nhất và nhờ ai
mua được nhiều hàng hóa nhất. Cậu Chính đang cao giọng nói:
- Tôi yêu cầu các đồng chí nêu cao tinh thần gương mẫu trên đất nước bạn. Tất cả phải có ý thức tổ chức.
Tôi lặng lẽ quay ra. Tới gian sảnh tôi ngồi vào một góc ghế bành, chờ
đợi. Nhưng trong góc chiếc ghế bành êm ái bọc nhung đỏ, tôi thấy côi
cút. Tôi thấy cực nhục. Cơn đói và rét qua rồi, chỉ còn lại cơn xâm kích
của các làn sóng tê tái. Chúng giống như các làn sóng biển thực sự, cứ
ào tới rồi lại rút ra xa, lặp đi lặp lại triệu triệu lần. Nhưng không
phải nước mặn, mà một thứ muối xót xa, một nỗi đau quằn quại, một mỗi
buồn thê thảm, không thể cắt nghĩa.
- Mẹ ơi i i...
Gương mặt mẹ hiện lên, trong khoảnh khắc ấy. Một gương mặt hiền dịu, tươi cười. Vừa thân yêu, vừa xa cách
ĐÁM CƯỚI (Ch.XVIII)
Cả lớp đội mưa, bì bõm lội qua một khúc đường sống trâu để vào dự đám
cưới. Làng anh ở Vĩnh Phú, vùng đồi xinh tươi nhưng nghèo khó. Đám cưới
có cả kẹo nuga, kẹo Hải Hà, cả kẹo bột và chè lam nhà tự nấu. Hạt bí anh
phải mua từ Hà Nội đem về. Cô dâu ở làng, một thôn nữ khỏe mạnh, lưng
to chân to. Hai má không cần đánh phấn cũng đỏ rực. Đám cưới vui.
Chừng bảy tám giờ tối, lũ chúng tôi mới mò mẫm ra ga, trở về Hà Nội. Cô
dâu chú rể quần xắn ngang bắp chân theo ra ga đưa tiễn. Hai người dúi
cho chúng tôi một gói hạt bí, một bọc chè lam, lại cả một đùm bánh khoai
bánh nếp. Con tàu chạy suốt đêm. Chúng tôi vừa phải chống đỡ đám hành
khách lôi thôi tràn trên các ga lẻ, vừa rôm rả chuyện trò.
Gần sáng, tàu mới tới thành phố. Kéo nhau về khu học xá, cả bọn lăn ra
ngủ. Nhưng khi cơn buồn ngủ đã được thỏa mãn, chúng tôi lại cảm thấy
phấn khích, lại tụ tập nhau cắn hạt bí, tán chuyện. Đối với tuổi thanh
xuân, đám cưới, hôn nhân, tình yêu là đề tài bất tận. Một cô nàng chợt
hô lên.
- Sắp hết hạt bí rồi.
Cả đám nhao nhao nói.
- Đề nghị tiếp tục trợ cấp.
- Tới lượt ai?
CẮT ỐNG QUẦN LOE
- Chính những người như hắn hoặc như ông ra lệnh săn đuổi chúng tôi trên
đường phố, cắt ống quần loe khi các ông không mặc quần loe, cắp ống
quần tuýp khi các ông không mặc quần tuýp. Phẩm cách con người được các
ông định khuôn bằng chiều rộng của ống quần. Nếu các ông mặc quần ống 23
thì 18 triệu thanh niên chúng tôi phải mặc ống quần cỡ 23. Chật hay
rộng hơn đều là phản Đảng, phản quốc. Tôi không bao giờ quên được cảnh
tượng ấy, khi tôi còn nhỏ, tôi đã nhìn thấy anh chị tôi và đám bạn của
họ bị rượt đuổi, bị chặn đứng ở các ngả tư đường phố, bị soát xét hạch
lạc như những kẻ trốn tù. Vẻ mặt nhớn nhác của họ, con mắt bạc nhược hay
hờn căm của họ, những lời họ van xin hoặc gào thét phản ứng. Lúc ấy,
tôi đứng nép vào chân cột điện, tôi nhìn họ và tay chân tôi run bắn.
Dường như chính tôi cũng sắp bị lấy dao xẻ rách ống quần. Tại sao con
người lại bị đọa đầy vô lý thế? Vết thương ấy không thành sẹo trong tim
tôi. Nhát chém nào trong tuổi thơ cũng không thể lành. Tôi lớn lên. Và
dần dần tôi chứng nghiệm rằng những con người từng có sức khống chế lũ
chúng tôi như lão phó giám đốc kia hoàn toàn không giống hình ảnh kinh
sợ và cao cả mà chúng tôi đã hình dung. Họ là những diễn viên đại tài.
Họ định ra bao nhiêu niêm luật khắt khe. Nhưng trong bóng đêm, họ sống
cuộc sống nhầy nhụa không đạo lý và luật tắc. Này ông Chính, ông vẫn cứ
bảo thứ nhảy nhót của chúng tôi là trụy lạc. Đã bao giờ ông chứng kiến
những cuộc nhảy nhót vô hình còn trụy lạc gấp triệu triệu lần thế không?
Cậu Chính đáp, giọng khô khan.
Ở NGA SƯỚNG (Ch.XX)
Ối giời ơi, thế này mà ở bên nhà mọi người cứ nghĩ mình đi học nước
ngoài là sung sướng lắm đấy. Thật là thân trâu cày ngựa cưỡi... Oàm
oàm...
Anh ta lại ngáp thật to, nghe như tiếng gầm của một con hổ bị nhốt trong
cũi sắt. Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy, căn buồng trống vắng. Nhưng
lúc tôi quờ tay, làm rớt vật gì đó xuống sàn, anh chàng da ngăm chợt
xuất hiện ở cửa thông sang khu vực phụ. Anh ta hỏi.
CÔNG TAC TƯ TƯỞNG
CÔNG TAC TƯ TƯỞNG
Lại một khoảng khắc im lặng. Rồi giọng chàng trai cất lên.
- Chính những người như hắn hoặc như ông ra lệnh săn đuổi chúng tôi trên
đường phố, cắt ống quần loe khi các ông không mặc quần loe, cắp ống
quần tuýp khi các ông không mặc quần tuýp. Phẩm cách con người được các
ông định khuôn bằng chiều rộng của ống quần. Nếu các ông mặc quần ống 23
thì 18 triệu thanh niên chúng tôi phải mặc ống quần cỡ 23. Chật hay
rộng hơn đều là phản Đảng, phản quốc. Tôi không bao giờ quên được cảnh
tượng ấy, khi tôi còn nhỏ, tôi đã nhìn thấy anh chị tôi và đám bạn của
họ bị rượt đuổi, bị chặn đứng ở các ngả tư đường phố, bị soát xét hạch
lạc như những kẻ trốn tù. Vẻ mặt nhớn nhác của họ, con mắt bạc nhược hay
hờn căm của họ, những lời họ van xin hoặc gào thét phản ứng. Lúc ấy,
tôi đứng nép vào chân cột điện, tôi nhìn họ và tay chân tôi run bắn.
Dường như chính tôi cũng sắp bị lấy dao xẻ rách ống quần. Tại sao con
người lại bị đọa đầy vô lý thế? Vết thương ấy không thành sẹo trong tim
tôi. Nhát chém nào trong tuổi thơ cũng không thể lành. Tôi lớn lên. Và
dần dần tôi chứng nghiệm rằng những con người từng có sức khống chế lũ
chúng tôi như lão phó giám đốc kia hoàn toàn không giống hình ảnh kinh
sợ và cao cả mà chúng tôi đã hình dung. Họ là những diễn viên đại tài.
Họ định ra bao nhiêu niêm luật khắt khe. Nhưng trong bóng đêm, họ sống
cuộc sống nhầy nhụa không đạo lý và luật tắc. Này ông Chính, ông vẫn cứ
bảo thứ nhảy nhót của chúng tôi là trụy lạc. Đã bao giờ ông chứng kiến
những cuộc nhảy nhót vô hình còn trụy lạc gấp triệu triệu lần thế không?
Cậu Chính đáp, giọng khô khan.
- Anh đừng nói tầm phào. Làm gì có những cuộc nhảy nhót vô hình?
Chàng lãng kử cười khe khẽ nói.
- Có đấy. Tôi đã chứng kiến vài lần. Những kẻ cao sang, sau một thời
gian bày mưu tính kế hãm hại các đối thủ, chạy chọt, o bế quan trên, đã
tới được cái đích của họ, một chức tước nào đó đủ cả quyền uy và bổng
lộc. Đêm hôm cuối cùng của cuộc hạ sát ấy, họ ngồi hút thuốc lào sòng
sọc hoặc đốt thuốc lá cho tới buổi sáng mà quyết định bổ nhiệm họ được
đọc lên. Đêm ấy, chắc chắn tim óc họ sẽ nhảy nhót. Chúng tôi nhảy thì ôm
bạn gái. Còn họ ôm cái bóng của chính mình, ôm cái ghế mà họ khao khát.
Ấy là điệu nhảy vô hình mà tôi muốn nói. Theo ông, điệu nhảy ấy có trụy
lạc hơn điệu nhảy của chúng tôi không?
- Tôi không nói chuyện ấy với anh. Các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, cơ quan chúng tôi không có.
- Cứ tin là cơ quan ông không có. Vậy khi cơ quan ông không có, ông cũng
không thèm để tâm tới các hiện tượng xã hội? Thế các ông làm gì?
Cậu Chính gay gắt.
- Anh lạ thật. Chúng tôi làm công tác tư tưởng.
Anh ta lại hỏi.
- Cô lên chơi với ông cậu? Nhưng tôi thấy cô còn đang ốm.
- Tôi vừa ở bệnh viện về được 10 hôm. Cậu ấy điện cho tôi lên.
- Điện thế nào?
- Điện là: “Cậu ốm. Hằng lên ngay.”
Anh nhếch môi cười. Lúc ấy tôi thấy như chàng lãng tử Yến Thanh hiện về,
với tất cả vẻ kiêu mạn trẻ trung đầy quyến rũ. Anh thong thả vắt khăn
mặt lên ghế, kéo ghế tới gần giường, ngồi đối diện với tôi.
- Cô biết ông cậu của cô gọi cô lên Mátxcơva làm gì không?
Tôi không đáp, nhìn anh chờ đợi. Anh nói tiếp:
- Ông ta chuẩn bị đóng hòm gửi biển. Việc ấy, cần phải giỏi tiếng Nga và giỏi chi tiêu. Cả hai thứ ông ta đều kém.
Chàng lãng tử ngừng lại, suy ngẫm hồi lâu rồi tiếp.
- Đám người như thế, tôi soi kính lúp vào tận ruột họ. Nhưng dù sao, tôi
cũng không thể hiểu được, với một cô gái mảnh khảnh yếu ớt như cô.
- Boong...
Chuông ngân nga. Đã chín giờ rưỡi. Chàng lãng tử nói.
- Ông ấy đi ra cửa hàng thực phẩm sắp về.
Rồi móc trong túi một xấp bạc, đưa cho tôi.
- Cô cầm lấy.
Tôi kêu lên.
- Không được. Sao anh kỳ cục thế?
Chàng lãng tử nhếch mép cười.
- Không kỳ cục đâu, cô bạn. Nghe tôi nói đã. Cô không thể ở đây giúp ông
cậu gửi hàng vì việc đó tốn sức và tốn tiền. Mặt cô xanh mét, và tiền
chắc cũng không dư dả. Lát nữa, khi ông ta ngỏ lời nhờ cậy, cô hãy đưa
nắm tiền này ra và nói: Cháu phải về làm việc, không thể ở lâu. Cháu
giúp cậu tiền cước.
Tôi lắc đầu.
- Không phải vậy.
Anh chàng quả quyết.
- Không phải, cho cô chặt đầu tôi. Cứ cầm lấy. Ông ấy về ngay bây giờ.
Dúi nắm tiền vào tay tôi xong, anh ta quay đi luôn. Tôi nhét số tiền ấy
dưới gối. Chàng lãng tử pha một cốc sữa nóng với mấy viên trợ lực đưa
cho tôi.
- Uống đi.
Tôi cầm cốc sữa, không dám nói lời cảm ơn vì thấy rõ sự nhạt nhẽo của
ngôn từ. Uống sữa xong, người tôi nóng dần lên, mồ hôi rịn ra hai bên
thái dương và trên trán. Chừng năm phút sau, lúc tôi nằm trùm chăn,
chàng lãng tử cạo râu trước gương, cậu Chính về. Ném làn thực phẩm xuống
sàn, cậu hỏi.
- Anh thấy con cháu tôi nó tỉnh chưa?
- Quái lạ, đã uống thuốc mà cứ sốt li bì. Lẽ ra, nó phải dậy rồi mới đúng.
- Chỉ có mấy viên cảm làm sao đủ trị sốt. Ông phải cho cô ấy ăn uống gì nữa chứ? Không ăn, mẻ cũng chết.
- Ờ ờ... Tí nữa tôi sẽ nấu mì cho nó ăn.
Tôi nghe chàng lãng tử thu dọn đồ vật gì đó, rồi chừng năm phút sau, anh ta bảo cậu Chính:
- Tôi đi. Một giờ tôi về.
Cánh cửa mở rồi đóng, rung sàn. Tôi ngồi lên. Cậu Chính mừng rỡ bảo.
- Cháu khỏe rồi hả? Có ăn gì không?
- Cháu không muốn ăn gì.
- Ừ, tới bữa ăn cả thể cũng được.
- Bao giờ cậu về trường?
- Ngày mai.
- Cậu gọi cháu lên đây có việc gì?
Cậu gật đầu ờ ờ... Rồi bước tới gần tôi cậu nói:
- Cậu sắp về, chỉ hai tuần nữa thôi. Cháu còn ở lại lâu, cháu có khả năng làm kinh tế. Cậu muốn nhờ cháu giúp cậu...
Tôi lặng im, cậu tiếp.
- Khi đi, mẹ mày dặn: khó khăn gì đã có con Hằng. Cháu giỏi ngữ. Cậu chẳng biết tiếng tăm.
Tôi vẫn ngồi im, cậu hắng giọng, lại tiếp.
- Hàng họ cậu đã chuẩn bị hòm. Nhưng gay go nhất là khoản cước.
Tôi lại muốn nằm, tôi muốn kết thúc nhanh chóng. Tôi rút nắm tiền dưới gối.
- Đây, cậu cầm lấy.
Cậu nhìn, ngần ngừ hỏi:
- Bao nhiêu? Sao nhiều thế?
- Cậu cứ cầm lấy, cháu chưa đếm.
Cậu cầm nắm bạc, bắt đầu đếm. 134 rúp. Cậu xếp nắm tuyền thứ tự: tờ 50
rúp ngoài, tới tờ 25 rúp bên trong, tới tờ 10 rúp, năm rúp, một rúp. Một
công việc cẩn trọng và say mê. Khuôn mặt cậu hiện ra lồ lộ trước mắt
tôi: đường lượn của quai hàm, tràng mày, đường cong đuôi mắt, sống mũi.
Những dáng nét quen thuộc từ phút giây gặp gỡ đầu tiên. Phút giây ấy,
tôi đã yêu cậu với một tình yêu sung sướng.
- A à à...
Cậu bỗng buông tiếng thở dài khoan khoái, đoạn bỏ số tiền đã xếp gọn ghẽ
vào túi áo. Tôi trùm kín chăn để khỏi nhìn thấy cậu. Trong bóng tối,
hình ảnh một ngày quá vãng trở về.
Sớm hôm ấy, tôi thức dậy sớm. Tôi pha sữa cho mẹ uống, giặt giũ mớ áo
quần bẩn, mua hoa quả, bánh trái và đặt sẵn những dụng cụ cần thiết trên
bàn. Xong xuôi tôi gửi mẹ cho mấy người nuôi bệnh nhân cùng phòng để đi
báo tin cho cậu Chính. Mẹ tôi đã yêu cầu khẩn thiết từ buổi tối đầu
tiên tôi vào ngủ trong bệnh viện. Nhưng tôi khất lần cho tới hôm nay. Mẹ
bảo.
- Chủ Nhật, thế nào cô cậu ấy cũng ở nhà.
- Vâng, mẹ cứ yên tâm. Nhưng mới có sáu giờ sáng, chưa thể đi ngay được. Ở những khu tập thể, họ thường ngủ muộn.
Mẹ lặng im, nhưng nét mặt bồn chồn. Sáu giờ 15, tôi xách làn đi. Trước
hết, ra cổng viện, tôi kiếm hàng xôi lúa làm một đĩa đầy rồi mới thủng
thẳng dắt xe đi. Tới Quốc Tử Giám, gặp gánh xiếc miền Nam có biểu diễn
trò xe leo vòng, tôi lại ghé vào xem một lúc. Tôi tới nhà cậu Chính lúc
non 9 giờ. Cậu đang buộc lại cánh cửa chuồng nuôi thỏ. Thấy tôi, cậu
cười.
- A, cái Hằng. Mẹ cháu đâu?
- Mẹ cháu bị xe chẹt.
- Có làm sao không?
- Cụt một chân.
- Thế còn là may. Hôm qua ở đường Triệu Việt Vương có thằng bé 15 tuổi
bị xe chẹt cưa cụt cả hai chân. Không chịu chấp hành nghiêm chỉnh luật
lệ giao thông. Sống mà vô tổ chức vô kỷ luật thì thế nào cũng chết,
chẳng sớm thì muộn. Thôi, vào nhà đi. Cậu rửa cái tay đã.
Tôi vào nhà. Cậu Chính thu dọn kìm búa, mấy đoạn giây thép, vài cái đinh
rồi đi rửa tay. Mợ Chính đang bận gì đó trong buồng. Thấy tôi, mợ ló
đầu ra, đôi mắt sáng rỡ.
- A, Hằng đến chơi hả cháu? Mẹ đâu?
Tôi chưa kịp trả lời, cậu Chính đã nói vọng vào.
- Mẹ nó bị xe chẹt, cụt chân rồi.
Mặt người đàn bà đần ra, đôi mắt tắt ngấm. Mợ ta lắp bắp.
- Thế hả?... Thế hả?
Sau đó, mợ bảo.
- Ngồi chơi với cậu nhé, mợ đang tìm cho em Tú chiếc áo len cũ.
Rồi mợ thụt đầu vào trong buồng. Cậu Chính lau khô tay, tới ngồi trước mặt tôi.
- Mẹ mày nằm viện nào?
- Mẹ cháu nằm trong viện Bạch Mai. Mẹ cháu có ý nhắn cậu từ thứ tư tuần trước, nhưng cháu bận.
Tới đó cậu lặng ngắt. Tôi cũng lặng ngắt. Để ý nhìn, gian phòng của cậu
đã khang trang hơn xưa. Nơi đặt chiến trạn gỗ đã thay bằng chiếc tủ lạnh
hiệu Xatatốp mới tinh. Trên nóc tủ đứng, đặt một chiếc máy truyền hình
Nhật 19 inh. Máy phủ tấm lụa in hoa sặc sỡ. Sau một lát im lặng, Cậu
Chính cất tiếng gọi.
- Thành ơi.
Từ trong buồng có tiếng đáp.
- Có chuyện gì, anh Chính?
- Ra đây tôi bàn tí việc.
Trong buồng có tiếng đáp.
- Thì cứ nói, đang dở tay tìm cái áo cũ cho thằng bé.
- Cần một ít tiền gửi vào cho chị Quế. Nhà mình có không?
Mợ Thành đáp vọng ra:
- Có hay không anh còn phải hỏi hay sao? Lương kỳ một trả hết tiền
căngtin rồi, vừa xà phòng, mì chính vừa xăm lốp xe đạp và hai cái xoong
nhôm.
- Rút tiết kiệm.
- Anh thật quan liêu. Sổ tiết kiệm nhà mình là loại có định kỳ, năm năm
nữa mới rút ra được. Còn hàng tháng lấy lãi phải tới mồng 7 tháng sau.
- Có vay tạm ai được không
- Đoạn ấy thì chịu. Xưa nay mình chẳng vay ai một xu.
Cậu Chính thở dài. Đoạn, cậu làu bàu.
- Có cái gì đem bán đi nhỉ?
Cậu nói nhỏ, như hụt hơi. Nhưng mợ Thành nghe thấy. Mợ lao từ trong
buồng ra, tay cầm một chiếc áo len trẻ con màu đỏ, có lẽ là hàng viện
trợ chiến tranh. Mợ thảng thốt nhìn chồng.
- Bán cái gì?
Cậu Chính lằm bằm.
- Ấy là tôi nói thế.
- Chiếc Xalatốp kia là tiền của tôi, tôi mua, trong đợt tham quan Liên
Xô đấy nhé. Nhà này, anh chỉ mua được cái TV thôi. Anh có bán thì bán.
Nhưng bán thì con anh mất xem.
Tôi lẳng lặng bỏ ra về. Cả hai vợ chồng đang cúi gằm mặt suy tính. Có
lẽ, họ không nhìn thấy tôi. Hoặc nhìn thấy nhưng họ cố tình giả tảng?
Tôi trở lại phòng bệnh của mẹ tôi lúc gần ngọ. Mẹ đang nằm, mặt quay ra cửa. Thấy tôi, mẹ cười tươi.
- Hằng về hả con?
Nụ cười tươi tắn trên vành môi nhợt và gương mặt trắng như giấy ngâm.
Hai mắt mẹ hau háu nhìn tôi, có ý chời đợi, phấp phỏng. Ánh mắt ấy là
ánh mắt của con chó trung thành chờ âm huệ ban thưởng. Tôi nhói lòng.
Tôi quay đi. Mẹ có ý nhắc.
- Thế nào còn?
- Cậu Chính đi công tác mẹ ạ.
Mẹ hỏi, mụ cười vẫn ngời sáng trên môi.
- Cậu đi công tác xa hay gần hở con?
- Xa.
- Thảo nào, hôm qua mẹ nghe đài nói có đoàn đại biểu Liên Xô vừa sang
trao đổi với Đảng mình về công tác tư tưởng. Chắc cậu con đưa đoàn ấy đi
tham quan các tỉnh miền Nam.
- Vâng.
Có một bàn tay đập rất mạnh vào vai tôi.
- Dậy, dậy đi Hằng. Cậu nấu trước bát mì, ăn đi cho mau khỏe.
Tôi co mép chăn, để cậu khỏi giật ra được, và tôi đáp.
- Không, cháu không muốn ăn, cậu để cho cháu nằm.
Trong bóng tối ấm áp của tấm chăn, tôi được tĩnh lặng Tôi quên mọi gương
mặt, tôi xóa mọi âm thanh. Trí nhớ như căn phòng hoang vắng. Và tôi
chìm vào giấc ngủ.
Hôm sau, chàng lãng tử ngỏ ý đưa tôi ra ga thay cậu Chính. Không một
phút đắn đo, tôi gật đầu ưng thuận, dù trong thâm tâm tôi biết rắng
người con gái cư xử như thế thật chẳng hay ho gì. Tôi không muốn trước
khi bước lên tàu, chịu đựng một cuộc hành trình buồn tẻ lại phải nhìn
thấy ông cậu ruột. Chàng lãng tử đã mua sắm đồ ăn đường và mua vé cho
tôi. Anh cũng mua cho anh tấm vé vào ga để đưa tôi ra tận kè đá chờ tàu.
Tôi thấy anh ta nói tiếng Nga giỏi chẳng kém gì người đàn ông tóc muối
tiêu đã đưa tôi tới căn buồng của ông nghiên cứu sinh Sinh Hóa. Với ngữ
điệu đặc sệt Nga, nước da rám đen và gương mặt thanh tú anh chàng khiến
cho nhiều cô gái Nga chú ý. Họ ném theo những ánh mắt hoặc vội vã thầm
lén, hoặc công nhiên và dai dẳng. Chàng lãng tử giữ vẻ mặt phớt tỉnh
Ănglê. Tôi thầm cười anh ta vì dẫu sao, anh cũng chỉ hơn tôi vài tuổi.
Chúng tôi đứng bên nhau chờ tàu, nói đủ thứ chuyện, trừ chuyện về bản
thân. Giờ từ biệt, cuối cùng cũng tới. Tôi xiết chặt tay anh.
- Cảm ơn anh. Cảm ơn anh rất nhiều.
Chàng lãng tử cười.
- Đừng, cảm ít thôi còn để dành cho lần sau.
Mắt anh lóe lên tia lửa tinh nghịch, ranh mãnh. Tôi bật cười theo. Anh hỏi.
- Có gửi gắm gì cho cậu không?
- Không.
Rồi sau chút đắn đo, tôi hỏi.
- Cậu ấy làm thuê cho các anh từ bao giờ?
- Mấy tháng nay. Trước, chúng tôi thuê một ông khác. Ông ấy về nước và
giới thiệu ông Chính. Hai người này có quen biết nhau. Ở đây chúng tôi
coi là việc hợp lý hóa lao động.
Tôi lắc đầu.
- Dù sau, tôi cũng không thể hiểu. Ngày hôm qua, sự việc diễn ra đúng như anh dự đoán.
Chàng lãng tử đưa tay kéo món tóc xòa xuống mắt tôi lên, rồi nói.
- Người ta nên hiểu biết hết mọi sự trên đời cô bé ạ, dù cho là sự thực
đau buồn. Ông cậu của cô giống như một loạt người tôi từng gặp. Họ là
những kẻ đã phung phí gần hết đời sống của mình vào việc vẽ nên một
thiên đường dưới trần ai, nhưng trí khôn ngắn ngủi của họ lại không đủ
để hiểu thiên đường ấy ra sao và con đường nào đưa tới nó. Vì thế khi
biết công việc ấy hão huyền thì họ hối hả tìm kiếm những miếng ăn thực,
nhặt nhạnh những hạt ngũ cốc thực trên mảnh đất bùn lầy, Họ làm việc ấy,
bất kể bằng cách nào. Họ là tấn thảm kịch cho chính họ, tấn thảm kịch
cho thế hệ chúng ta.
Tàu đến, anh xiết chặt tay tôi lần nữa, rồi xách túi đưa tôi lên toa.
Khi tôi ngồi vào chỗ, anh trở lại bờ kè. Ở đó, anh đứng chờ cho con tàu
tư từ lướt qua và hình bóng anh nhòa dần sau ô cửa kính.
(Ch.XX)
ĐI NGA KHỔ THÂN
ĐI NGA KHỔ THÂN
Cô lặng im, mắt vẫn mở thao láo. Rồi từ hai hố mắt đen mênh mông, những dòng lệ nối nhau tuôn:
- Hằng...
Cô thì thầm:... Mày ra thế đấy hở con?... Người ngợm lép như con mắm, vú vế chẳng có, còn đâu là da thịt con gái?...
Khổ thân cháu tôi, đem thân làm cu ly tận nước người...
Cô nức lên từng cơn, đôi vai lép và bộ ngực lép run rẩy. Hai gồ xương
mắt nhô cao trên bộ ngực gầy. Nước mắt, dòng nọ nối dòng kia, tuôn chảy
mãi từ tấm thân khô kiệt. Tay cô đặt trên lưng tôi rơi thịch xuống
giường. Cô yếu lắm, nhưng mắt cô như hai hòn than, không chịu tàn. Cô
nói, thì thầm nhưng rành mạch từng tiếng:
- Tao ghét mẹ mày... Nó không thương đứa con rứt ruột đẻ ra. Nó đầy đọa tấm thân mày...(Ch.XXIII)
CÔ TÂM HẤP HỐI
Tôi quỳ xuống bên giường, cúi sát mặt cô. Cô đưa bàn tay gầy héo rờ vai
tôi. Khi chạm chiếc xương quai xanh trỗi trên bộ ngực khốn khổ của tôi,
cô lại bật tiếng nấc to hơn, nước mắt trào ra đầm đìa:
- Khốn nạn thân con, Hằng ơi...
Lúc ây, mắt cô chìm trong bóng tối. Tia nhìn trở nên đứt đoạn run rẩy.
Trong đáy hồ thăm thẳm, lướt qua chút ánh sáng yếu ớt khiến tôi se
lòng... Cô ăn năn chăng?... Cuối cùng, cuộc chiến tranh giữa cô với mẹ
tôi chỉ mình tôi gánh chịu. Trận đọ sức bất phân thắng bại chỉ đem lại
nỗi bất hạnh cho số phận của riêng tôi...
Cô gọi:
- Hằng.
- Dạ.
- Cô thương con.
- Vâng ạ.
Cô giơ tay, cố xoa đầu tôi:
- Cô thương con... con biết không?...
Tôi nắm giữ bàn tay khô nhẹ như chiếc lá cuối đông lìa cành, nói:
- Con biết cô ạ... Cô an tâm.
Giọng cô bắt đầu chơi vơi, nhưng ánh mắt tỉnh táo:
- Cô đã cố chờ con... Cô phải nhìn thấy mặt con.
Tôi đáp:
- Con về, con sẽ chăm sóc cô... Cô sẽ khỏe mạnh như bình thường...
Mắt cô nhìn đâu đó, chứng tỏ cô không thèm nghe lời tôi nói, như đó chỉ
là những điều nhảm nhí. Cô tiếp tục những ý nghĩ của mình:
- Cô chỉ có con, một mình con... trên đời.... Cô muốn con được sung
sướng.. Hồi xưa, cô yêu bố con... như con bây giờ. Cô cõng nó trên lưng,
bón cháo, ôm nó ngủ lúc bà đi cấy... Bố con không còn... Nó ở dưới cõi
âm, lạnh lẽo...
Tới đó, cô rùng mình, nhắm mắt lại. Tôi xiết chặt tay cô, ghì riết tấm
thân xương xẩu, teo tóp của cô vào mình. Tình yêu, sự đồng cảm, mối liên
kết mơ hồ trong bóng tối âm u của máu huyết, niềm xót xa thâm hậu...
tất thảy cùng một lúc vặn thắt con tim.
- Bố con ở dưới kia...
Cô lại tiếp tục thì thầm, mắt vẫn nhắm nghiền, chỉ hai lằn mi tím thẫm khẽ rung rẩy:
- Cõi âm lạnh lắm... nó không được như ở trên đời...Cô muốn ủ ấp con,
che chở con... Vậy mà chính cô lại đày đọa con, cô hại con... Hằng, con
có oán cô không?
Tấm thân nhỏ bé, khô kiệt run lên, theo từng hồi nấc nghẹn. Nước mắt cô
lại tràn trên gò má, chảy xuống hai bên thái dương sâu hõm. Tôi ôm cô,
nói:
- Cô ơi, đừng nói nữa, cô ngủ đi một lúc...
Cô không nghe tôi. Cô cất tiếng gọi:
- Hằng.
- Dạ.
Cô nói:
- Con ra xem bà Đũa đâu? Bảo bà ấy nấu cho cô nồi nước tắm.
Tôi chạy ra sân. Bà Đũa đang ngồi nhặt kê lép và cỏ hạt lẫn trong kê ra
vừa đãi. Ở vùng này, người ta hay ăn kê nấu với đường cát và bánh đa. Có
lẽ, thấy tôi về, bà Đũa chuẩn bị quà đãi khách.
Tôi nói:
- Bà nấu cho cô tôi nồi nước tắm.
Bà Đũa ngẩng lên:
- Quái lạ, tôi vừa tắm cho bà ấy hôm qua.
Đoạn bà bỏ rá kê, xăm xăm chạy vào buồng:
- Thưa bà, bà mau quên, tôi vừa đun nước tắm cho bà chiều qua.
Cô Tâm mở mắt, nói rành rọt:
- Tôi không quên... Bảo bà nấu nước thì bà cứ nấu, không cần hỏi lại... Nhớ bỏ cho tôi thật nhiều hương nhu.
Bà Đũa đáp:
- Vâng.
Rồi bà đi ra.
Cô tôi bảo:
- Con đóng kín cửa lại.
Tôi đóng kín các cánh cửa rồi tới ngồi bên giường. Cô tôi rút dưới gối
vật gì đó, đặt vào lòng tay tôi. Vì tối, lát sau tôi mới nhìn ra hai
chiếc chìa khóa được nối bằng một đoạn dây sa tanh chắc cắt ra từ chiếc
quai nón.
Cô nói:
- Chiếc chìa khóa đồng là khóa tủ đứng. Trong đó cô cất tiền mặt để con
lo lễ tang, cúng cữ ba ngày và bốn mươi chín ngày. Còn chiếc chìa khóa
bằng kền của Mỹ là khóa chiếc hòm gian gỗ lim cô cất phía sau lưng tủ.
Trong hòm, cô để ít đồ tư trang đã đánh sẵn cho con và giấy vẽ sơ đồ nơi
chôn của. Rồi con sẽ rõ...
Nói xong, cô nhắm mắt. Tôi vuốt nhẹ tóc cô:
- Cô ngủ một lát cho dễ chịu... Cô ngủ đi...
Những nếp nhăn trên mặt cô giãn ra. Gương mặt cô trở nên thơ thái. Cô
thở đều đều, hơi rất khẽ. Và cô thiếp đi thật... Tôi xuống bếp, ngồi bên
bà Đũa:
- Cô tôi ốm lâu chưa?
- Bốn tháng hơn rồi.
- Ai đánh điện cho tôi?
- Ông Tám, người đi xe máy lần trước đón cô về.
- Cô tôi mắc bệnh gì thế?
- Tôi không rõ. Cả lang Tây lẫn lang ta tới nhà như chuột vọc mà chẳng biết bệnh gì. Bà ấy cứ héo dần đi...
- Cô tôi ăn gì thế?
- Bây giờ thì chẳng ăn gì cả. Hồi mới ngã bệnh, bà vẫn ăn cơm. Qua tháng
thứ hai chỉ ăn cháo. Tháng thứ ba uống sữa bò với thỉnh thoảng đòi ăn
chè đỗ xanh nghiền. Mấy tuần lễ nay, bà chỉ uống sâm... Ăn gì cũng nôn
hết...
- Cô tôi trông vẫn tỉnh táo.
- Phải, bà ấy tỉnh lắm. Mà sạch sẽ đến kinh người. Cứ hai ngày bắt tôi
đun nước tắm một lần. Có vài con ruồi bay vào phòng là bà ấy bắt tôi
đuổi cho kỳ được.
- Cảm ơn bà nhé. Chắc bà vất vả nhiều vì cô tôi.
- Không. Việc gì cũng quen. Mà chẳng có bà ấy hồi trước tôi cũng đến bị gậy đi xin xứ người... Này, nước sôi ùng ục rồi đấy...
- Vâng. Bà để tôi tắm cho cô tôi...
Tôi sắp sửa để tắm gội cho cô. Tôi không tin lắm vào linh cảm, nhưng ý
muốn của người ốm nặng cần phải tôn trọng. Cô Tâm, sau giấc ngủ đã thức
dậy. Cô ngoan ngoãn để cho tôi tắm gội, thay quần áo. Sức yếu, nhưng tôi
vẫn bê được cô một cách dễ dàng. Cô nhẹ bỗng như đứa bé. Mùi nước lá
thơm tỏa khắp mấy gian nhà, thật dễ chịu. Tuy ốm, nhưng giường chiếu cô
được thay giặt luôn nên không có mùi hôi lưu cữu như giường của những
người bệnh khác. Tôi mặc cho cô một bộ đồ lụa trắng. Tôi lục thấy nó
trong tủ. Cô đã may mà chưa bao giờ mặc. Bộ đồ ấy nằm giữa các xấp vải
và các bộ quần áo khác, cũng nguyên nếp gấp. Tôi nói:
- Cô buồn cười thật, cất mãi làm gì?... Mùa này mặc quần áo nhạt màu cho đỡ nóng.
Cô im lặng, mỉm cười. Khoảnh khắc ấy, nỗi buồn sâu thẳm lướt qua đáy mắt
cô. Nỗi thương tiếc mùa hè... Tôi cắt lát sâm chưng cách thủy với mật
ong cho cô uống. (Ch.XXIII)
BÁO THÙ
Bà Hài lừng lững vào sân. Vô phúc, mọi ngày nhà ông ta cửa đóng then
cài. Hôm ấy, thằng con trai đi đá bóng quên không gọi người ra khóa. Cứ
thế, như bóng ma, bà Hài đến sau lưng ông phó chủ tịch. Rút búa giấu
trong bụng, bà đập một nhát trúng đỉnh đầu ông ta. Ông Đường ngã vật ra
tức khắc. Búa thợ rèn, ngựa bị đánh trúng huyệt còn ngã quỵ. Bà Hài về
nhà, đổ thùng dầu hỏa xung quang rồi kiếm sợi dây thừng treo cổ ngay xà
giữa. Lửa cháy từ ngoài vào. Xóm giềng chạy tới vây xung quanh mà bó
tay. Bà ta cứ đu đưa, lơ lửng như thế, cho tới khi lửa đốt cháy dây
thừng mới rơi xuống...(Ch.XXIV)
HẬU SỰ
Ông ta giải thích:
- Đứa con trai tôi, nó chạy thuyền máy ngoài bến sông... Lúc cô quá
giang, nó biết... Thằng ấy mới mười lăm tuổi, nhưng làm ăn giỏi, tính
tình cẩn thận, có chí lắm... trước sau tôi cũng phải lo gầy dựng cho nó.
Nó còn lấy vợ, sinh con, phải có dinh cơ riêng. Nhà này, đằng nào cũng
vào tay cô. Khi bà Tâm đi rồi, cô không ở xin cô chiếu cố đến tôi...
Ngừng một lát, ông ta nói tiếp:
- Dẫu sao, đối với bà Tâm, tôi cũng là chỗ gần gụi, thân tình... Vả lại,
về vấn đề tiền nong, tôi là người biết điều, xin cô yên trí...
Tôi nói:
- Vâng, vâng... nhưng hiện giờ tôi chưa hề nghĩ tới điều ấy. Xin ông để cho tôi yên...
Ông ta cúi đầu ngập ngừng:
- Cô còn ít tuổi, ít biết việc đời. Nhưng mệnh trời, không ai tránh khỏi...
Tôi im lặng. Ông ta lẩm bẩm điều gì đó rồi bước đi. Tôi mệt rũ, hai chân
bải hoải. Tới lúc người đàn ông đi khuất, tôi gục đầu vào tường. Bà
Đũa, vẫn đứng âm thầm cách đó vài bước chân, chạy tới:
- Thôi chết khéo không cô lại đổ bệnh theo bà... Để cửa cho tôi đóng... Cô vào nghỉ đi...
Tôi vào nhà, không kịp thay quần áo, lăn xuống giường như cây gỗ... Lúc
ấy, tôi lịm đi như chết. Nhưng một đêm ngủ no giấc đã trả lại cho tôi
sức khỏe và sự tỉnh táo. Hôm sau, tôi tỉnh dậy lúc trời vừa rạng, tôi
vào buồng cô Tâm. Cô đã thức dậy từ lâu, đưa mắt nhìn chăm chăm ra cửa,
có ý chờ đợi. Tôi nói:
- Cháu mệt quá không biết gì, sao cô không sai bà Đũa gọi.
Cô lắc đầu, ngửa một bàn tay ra. Tôi nắm bàn tay ấy, nó nhẹ bỗng, khô xác và lạnh. Đường mạch chạy li ti như thực như ảo.
Cô nói:
- Con chải đầu cho cô.
- Vâng. –Tôi lấy lược, nương nhẹ từng nhát chải. Những sợi tóc đã hết
màu mỡ, giống một bó đay tước nhỏ. Lớp da đầu, mỏng dính vào xương sọ,
khiến đầu cô tóp lại như đầu một con rối. Không có một con chấy, dù
trứng lép. Không có một mảnh gầu. Tôi ít thấy người đàn bà nào sạch sẽ
như cô, dù cô sống ở làng quê. Sau khi chải mượt mớ tóc, tôi tết lại
thành con sam. Cô lắc đầu:
- Đừng. Búi cho cô... Tết tóc giống người Tầu.
Tôi búi cái búi tóc cỏn con, nhỉnh hơn củ tỏi một chút. Cô có vẻ hài lòng. Cô bảo:
- Xong việc rồi... Giờ, ngồi xuống với cô...
Tôi bỏ chiếc ghế tựa, ngồi lên giường. Tấm thân khô héo của cô chạm vào
tôi. Trong cái đụng chạm ấy, tôi bỗng rùng mình, một dòng điện lan
truyền qua lớp vải mỏng. Ngọn sóng thâm sâu của máu huyết dâng cuồn
cuộn, xóa nhòa mọi ngăn cách, mọi ranh giới. Tôi bỗng muốn nguồn sinh
lực của tôi, tuổi trẻ của tôi là thứ vật hữu hình, tôi có thể chia sẻ
cho cô.
- Bao giờ...
Cô cất tiếng, thì thào:
- Bao giờ cô chết... Con ở đây trông nhà... Bàn thờ tổ phụ...
Vườn cam sắp sửa thay giống... còn...
Trong đôi mắt sâu hoắm của cô, lờ đờ một làn nước trôi qua. Như dòng
sông nhỏ, làn nước ấy in bóng những vòm cây, khóm lá, hàng cau ngất ngây
lay động, mái nhà râm mát, làn mây trắng lãng đãng qua... Hình ảnh thu
nhỏ của một thế giới thần tiền suốt đời cô tạo dựng. Một gia tài được
đắp đổi bằng tuổi xuân không tình ái. Một chiến thắng được ký bằng cả
cuộc đời không có sự tồn sinh...
- Con hãy ở đây... mái nhà của tổ tiên...
Tôi cúi xuống van vỉ:
- Cô đừng nói nữa... Cô chịu khó uống sâm, cô sẽ khá lên dần... Con chăm sóc cô...
Ánh mắt xa vắng của cô chứng tỏ cô hoàn toàn không nghe lời tôi nói. Cô
tiếp tục dòng suy nghĩ. Chắc nó cũng đứt đoạn những những câu nói run
rẩy, đoản hơi, cất lên từ khuôn miệng trắng nhạt. Tôi thấy cô thở dốc
lên, nhắm mắt một chặp rồi lại mở đôi mắt đã nhạt ánh tinh quang. Cô níu
tay tôi. Cô níu tay tôi, nói lên một hơi:
- Cô không nợ ai trong làng. Còn những người nợ cô, sau đám tang con xóa cho người ta... Nhớ chưa?
- Con nhớ.
Cô lại nhắm mắt, thở khó nhọc. Tôi đẩy nốt hai cánh cửa sổ cho thoáng
khí. Mảnh trời xanh lơ với ngọn cau hiện ra. Mùi thơm êm nhẹ của hương
cau tỏa. Cánh mũi cô bớt phập phồng:
- Hằng ơi.
- Dạ.
- Cô thương con.
- Dạ.
- Cô thương con... côi cút...
Nói xong nước mắt cô từ đôi mắt nhắm nghiền chảy ra giàn giụa.
Tôi òa khóc:
- Cô đừng nói, cô ơi, con sợ...
Không gian bao quanh tôi hóa dài rộng và lạnh lẽo. Như không phải ngôi
nhà này, với vườn cây, xóm mạc quen thuộc mà là một miền hoang đảo cô
liêu, trập trùng. Và nơi trú náu duy nhất của tôi là người cô ruột, tấm
thân bé nhỏ, tiều tụy kia. Nếu người đó không còn nữa, không còn gì che
chắn cho tôi trong đời...
Cô nấc lên, rồi nói đứt quãng:
- Tội nghiệp... cho con... Cô... không làm sao... được...
Tôi ôm chặt hai vai cô:
- Cô ơi, đừng thế.
Cô từ từ mở mắt ra. Nước mắt hoen đầm đìa trên mi, trên hai gò má nhăn
nheo. Cô nhìn tôi, rồi rất khó nhọc, cô đưa mắt về phía cửa sổ:
- Trời màu gì?
Cô hỏi. Tôi không hiểu cô định nói gì. Tôi cúi xuống:
- Cô bảo gì con?
Cô thì thầm:
- Ngoài kia, trời màu gì?
Tôi đáp:
- Trời đẹp lắm cô ạ. Trời xanh. Hôm nay nắng.
Cô mỉm cười:
- Cô nhìn thấy trời đỏ như lửa cháy. Cô đang thoát dương.
Tôi kêu:
- Cô nói gì thế?
Vẫn thoáng một nụ cười trên lằn môi nhợt, cô bảo:
- Cô đã nhìn thấy cõi âm...
Rồi cô khép mắt lại, không nói thêm lời nào. Tôi chờ lúc lâu, nhè nhẹ bỏ
ra sân. Cô đã thiếp ngủ. Chiều đó, hai giờ, tôi vào đổ sâm cho cô. Có
mùi rất khẳn bốc lên. Cô đi đồng, vài cục phân màu đen, mùi khẳn lạ
lùng. Ba giờ rưỡi, cô hoàn toàn tắt thở...
Tôi không nhớ cụ thể tôi đã lo đám tang ra sao. Khi nghe tin cô chết, họ
hàng xóm giềng đổ tới. Cả người đàn ông đeo kính màu xanh chai. Ông ta
rất tháo vát. Mỗi người một chân một tay giúp tôi lo tang lễ chu tất. Họ
giúp tôi mua được một cỗ áo quan bằng gỗ quý, dày tám phân, với thời
buổi này thật là một cỗ áo quan lý tưởng. Tôi mặc cho cô tôi bộ quân áo
bằng tơ màu mỡ gà. Trong chiếc túi đi đường tôi có một hộp màu hóa
trang. Mặc quần áo cho cô xong, tôi đánh phấn, bôi son cho cô. Đám phụ
nữ trong làng xúm đến xem, trầm trồ:
- Bà Tâm đẹp quá... Chưa bao giờ tôi thấy bà ấy đẹp như bây giờ.
Cô Tâm vốn là người đẹp. những đường nét trên gương mặt cô ít người đàn
bà nào đạt được. Khi phấn son phủ đi làn da bị hủy hoại, cặp môi bị tử
thần nhiễm tím, gương mặt cô phô bầy những dáng nét thanh tú, dưới màu
sắc tươi thắm... Tóc cô búi sau gáy, độn thêm chiếc khăn nhung đen. Chân
cô đi tất trắng. Tôi lại đặt mua một bó hông trắng đặt trên ngực cô.
Tôi cũng mua một yến chè Thái Nguyên đổ quanh xác cô theo kiểu mai táng
của dân miền Nam. Trong đám tang, tôi mặc áo xô, mặc áo rơm, chống gậy
đi trước. Tôi không tin vào sự linh thiêng của các thủ tục nghi lễ,
nhưng tin vào sự linh thiêng của tình cảm giữa con người. Nấm mộ cô phủ
đầy hoa trắng. Ở vùng này không có người bán hoa. Họ mạc phải cử hàng
chục người tầm khắp nơi để mua hoa dại, hòa nhài, mẫu đơn trắng, hải
đường trắng, cúc trắng và những đóa sen trắng muộn màng... Buổi chiều,
mọi người trở về vào nhà ăn cỗ. Cỗ đám mà cũng do người đàn bà nấu bếp
bữa trước đảm nhận. Người có vết bớt trên mặt gầy bằng nửa hồi tôi về
lần trước, khuôn mặt bà quắt lại nên vết bớt như loang ra và trở nên khó
nhìn. Các bà chủ động mua sắm, bàn tính món ăn. Tôi bảo bà Đũa:
- Mọi việc đã có người đảm nhận chu tất. Bà về trước đi.
Bà Đũa ngần ngừ:
- Cô cũng nên về đi, đồng không mông quạnh thế này...
Tôi lắc đầu:
- Đừng ngại...
Bà ta chần chứ vài giây rồi cắp nón về theo đám dân làng. Giờ này chắc
những người giúp việc đang rầm rập bưng cỗ lên dẫy bàn nhà đám. Mình tôi
ngồi lại nghĩa trang. Nói đúng hơn là ngồi lại bãi tha ma, một khoảng
đất hoang lô nhô những nấm mộ. Con đường lượn ngoằn ngoèo giữa các hàng
mộ chí, cái cũ, cái mới, cái bia gỗ, cái bia đá lộn xộn nghiêng ngả.
Xung quanh bãi tha ma, hàng cây dứa dại và dãy song bao quanh. Các góc,
cỏ mọc um tùm. Người ta kiêng không chôn người chết vào sát gốc dứa dại
hoặc dây mây, dây song, vì e rằng linh hồn họ dưới cõi âm không thể đi
lại một cách dễ dàng. Trẻ con chăn trâu làng không bén bảng tới đây.
Trong bãi tha ma, nấm mồ cô Tâm mới nhất. Ở các nấm đất khác, chỉ còn
vài nắm chân hương. Gió thổi chúng xiên lệch. Rải rác, giữa các rạch cỏ,
thoi vàng giấy bị giẫm bẹp, sắp mục ải. Trong đám tang cô tôi, người ta
cũng đốt nhiều vàng thoi và tiền âm phủ. Họ bảo:
- Bà ấy sống sang cả, chết cũng phải được tiêu pha cho đàng hoàng.
Họ khen tôi hiếu thảo. Khen đám tang linh đình, trọng thể. Lúc ấy, tôi
mãn nguyện. Nhưng khi mọi người ra về, chỉ mình tôi người trước nấm mộ
đầy hoa trắng, trong buổi chiều ấm nắng, hoang vu và trong suốt, tôi
thấy sự an tâm đó giả dối và ngắn ngủi. Cô tôi đã ra đi, vĩnh viễn lìa
xa, không thể vãn hồi... Người đàn bà ấy đã đem theo cái chết, cả niềm
trìu mến, cả tình yêu khắc khoải với người cha xa cách của tôi. Cả nỗi
thắc mắc khôn nguôi về bí ẩn của kiếp người...
Theo tục lệ, tôi phải làm ba lượt giỗ: giỗ ba ngày, giỗ bốn mươi chín
ngày, giỗ một trăm ngày. Tôi quyết định ở lại làng cho tới lúc xong mọi
việc. Tôi nhờ người làng nhắn với mẹ. Mẹ tôi giận, trả lời: “Chị ấy muốn
ở ba năm cũng được...” Tôi đã đủ khôn để im lặng, không đối đáp. Tôi
lặng lẽ tính toán những gì cần làm: mỗi lượt giỗ ít nhất cũng ba mươi
mâm. Tính xô bồ, cả phần gói cho người giúp việc là một trăm mâm. Tiền
cô tôi để lại không đủ. Khi mất đi, cô không ngờ rằng đồng tiền trượt
giá nhanh như thế. Có lẽ tôi phải bán bớt một ít tư trang hoặc vài thứ
đồ đạc trong nhà để lấy tiền lo liệu. Từ ngày đưa cô tôi ra đồng, hôm
nào cũng đầy nhà khách. Đám người giàu có mới nổi lên: ông thuế vụ trên
phố huyện, bà trưởng cửa hàng hợp tác xã, ông phó bí thư, ông chủ nhiệm
khóa trước, ông chủ nhiệm đương kim, vài tay lái buôn lợn, vài tay chủ
xe bò, hai gia đình có con ở nước ngoài viện trợ... Họ hỏi mua nhà, mua
sập gụ khảm trai, mua tủ đứng ba buồng bằng gỗ lát, gỗ cẩm lai, mua tủ
chè gỗ chạm đàn dơi vảy chùm nho... Đụng tới của cái một cách cụ thể,
tôi mới hiểu nổi công sức cô tôi đã bỏ ra để kiến tạo cơ ngơi này. Cái
cơ ngơi mà từ bể chứa nước mưa tới dãy tường hoa, từ chiếc lư đồng tới
bộ chân nến... nhất nhất vật gì cũng là tột đỉnh cái lý tưởng thẩm mỹ và
sang giàu của dân quê... (Ch.XXIV)
DI VẬT CỦA BÀ TÂM (Ch.XXV)
au giỗ bốn mươi chín ngày, tôi mở chiếc hòm gian gỗ lim sau lưng tủ. Hòm
nặng khủng khiếp. Bốn góc được bịt đồng lá, tán đinh. Nắp hòm dày ước
tới bảy ly. Bên trong, có lượt nhung kẻ Trung Quốc lót. Lật lớp nhung kẻ
đã lấm chấm vết nhạy, lại tới lần vải láng hoa đỏ. Bỏ lớp vai láng đi,
tôi sững sờ: Cả một bộ đồ cô dâu trong đó. Một chiếc váy đầm liền thân
hàng voan trẳng mỏng, chiếc mũ đội đầu gắn ngọc giả. Đôi găng trắng đeo
tay. Bông hồng trắng cài tóc. Dây vạn thọ xâu chuỗi để gài vào bó hoa
chú rể tặng cô dâu... Xếp bộ đồ cưới tân kỳ ấy sang một bên, tôi thấy
một bộ đồ cưới của những năm về trước: Áo dài trắng thêu kim tuyến, quần
sa tanh ống rộng, trâm nạm ngọc giả cài đầu. Dưới nữa, là một sấp áo
dài. Thứ hàng gấm, thứ hàng sa tanh, thứ hàng lụa. Đủ màu, đủ hình thêu:
thêu hoa, thêu công phượng, thêu chữ Thọ, thêu đục mặt vải... vài hộp
son đã khô két, hai lọ nước hoa, một hộp phấn con Én Thái Lan, một hộp
phấn Coly đã mục, thứ hàng từ trên ba mươi năm trước...
Cuối cùng, là chiếc hộp gỗ bề ngang chừng gang rưỡi bề dọc hơn hai gang.
Tôi mở hộp: Một gói lụa đỏ. Mở gói, lại gói nữa bên trong. Hết ba lượt
lụa bọc, có một nắm bông, lấp lánh ánh kim loại: một chiếc dây chuyền
mặt trái tim đúc. Một cặp hoa tai, chính cặp hoa tai cô đã đòi lại mẹ
tôi. Dưới món đồ tư trang, có tờ giấy gấp tư. Thứ giấy kẻ dòng của học
trò. Trong đó, cô tôi viết nắn nót:
Của cô để cho Hằng: cách tường bếp bên trái ba bước chân, cách cây
cau đầu tiên (kể từ bể nước) hai bước chân rưỡi. Đào sâu một mét tây sẽ
thấy. Nhớ đào đêm sáng trăng, sẽ có bóng che của cây cam.
Dưới những dòng chữ, là sơ đồ vẽ nguệch ngoạc. Một ngôi sao vẹo vọ, với
các khoảng cách được ước định tới vật chuẩn: nào bể nước, nào tường bếp,
nào cây cau... Nét bút vụng dại, nhưng quyết liệt... Có lẽ, khi cô đào
hố chôn của trong một đêm mù mịt, hay khi viết những dòng chữ này, cũng
giống hệt như mấy chục năm trước – đặt con dao dưới đầu, hai tay chắp
trước bụng ngủ giấc ngủ giữa màn sương để nuôi chí phục thù... Cô tôi,
người đàn bà xinh đẹp có đôi mắt nhung huyền, lẽ ra...
Tôi nhìn ngắm, lần nữa rồi lần nữa, những bộ đồ cưới, những tấm áo dài
rực rỡ, những phấn son đã được sắm sanh thầm lén và thầm lén nhốt trong
bóng tối của chiếc hòm. Và tôi hiểu, khi tôi đưa chiếc quan tài chở xác
cô ra bãi tha ma, thì tôi lại bật mở một chiếc quan tài khác, chiếc quan
tài quấn xác chết của tuổi xuân, xác chết của những giấc mơ son trẻ,
của cô...
Tôi sập nắp hòm, chạy khỏi căn phòng. Tôi khóc. Khóc đớn đau....(Ch.XXV)
No comments:
Post a Comment