Chương 1
Tôi đến AtêKa, an toàn khu (ATK) để làm báo Sự Thật đầu 1949.
ATêKa, an toàn khu là gì? Là căn cứ địa đầu não của Đảng cộng sản Đông Dương và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nằm ở chân hai con đèo tên Re và So của dãy Núi Hồng chia đôi hai huyện Định Hoá tỉnh Thái Nguyên và Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Còn Sự Thật?
ATêKa, an toàn khu là gì? Là căn cứ địa đầu não của Đảng cộng sản Đông Dương và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nằm ở chân hai con đèo tên Re và So của dãy Núi Hồng chia đôi hai huyện Định Hoá tỉnh Thái Nguyên và Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Còn Sự Thật?
Tháng 12 năm 1945, Đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán cùng
với tờ báo tiếng nói của nó, Cờ Giải Phóng. Hội nghiên cứu chủ nghĩa
Mác (không cõng kèm chủ nghĩa Lê-nin) bèn ra đời cùng báo Sự Thật. Đây
là một vận động trái khoáy ngược chiều cực kỳ hiếm mà lúc ấy tôi chưa
biết: vừa giành chính quyền để nổi nênh thì Đảng đã lập tức “thoái
trào”, phải rút vào bí mật, giấu tiếng, ẩn danh như chưa từng bao giờ.
Con ruồi đậu xuống má rồi bay đi ta còn hay thế nhưng nghịch lý tày trời
này hầu như ít ai thấy. Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại, Đảng không hề kỷ
niệm cái sự kiện tự nó đánh giá được đủ hết giá trị thật của Đảng ngày
mới ra mắt dân này bao giờ. Trong khi nồng nàn tưởng nhớ những Xô viết
Nghệ Tĩnh (thất bại), Nam Kỳ Khởi nghĩa (thất bại) v. v… Toà soạn báo Sự
Thật lúc ấy vẻn vẹn ba cây bút sắt: (Hà) Xuân Trường, thư ký toà soạn,
Quang Đạm, Thép Mới (cựu binh làm từ báo Cờ Giải Phóng trước 1945). Và
một cây bút lông: Phan Kế An, tức Phan Kích hay Kịch, con cả cụ Phan Kế
Toại, nguyên khâm sai đại thần nay là bộ trưởng nội vụ, người ký tên
đóng dấu nổi vào thẻ nhà báo của tôi. Trong thẻ này, tôi đã chữa 19 tuổi
thành 23. Vì sao? Thép Mới nói cái thẻ này ngang với coupe-fil, “cắt
chỉ”, của Pháp. Được phép vượt qua bất cứ chặn giữ, kiểm soát nào. 19
tuổi thì có lẽ khó, tôi nghĩ. Và ăn gian.
Ai mách Thép Mới cái thẻ báo chí thời Pháp thuộc cắt phăng mọi rào
ngăn: Trường Chinh. Trong mắt chúng tôi, Trường Chinh là cây bút luận
chiến tài ba và nhà báo lỗi lạc. Tự nhiên nghĩ ngay vậy thì anh sẽ cho
chúng tôi cái quyền cắt mạnh hơn cả thời Pháp mọi ràng buộc cảnh sát tại
hiện trường điều tra…
Tôi đến báo đảng ngay sau khi nó vừa mở hai cuộc bút chiến lẫy lừng.
Một giữa Trường Chinh và Tô Ngọc Vân về văn nghệ có phục vụ chính trị và
làm tuyên truyền không. Tô Ngọc Vân phản đối. Một giữa Quang Đạm và Vũ
Trọng Khánh về toà án độc lập hay không độc lập. Vũ Trọng Khánh đòi độc
lập. (Lúc ấy Quốc tế phân công Đảng cộng sản Pháp giúp đỡ Việt Cộng nên
còn đậm ảnh hưởng phong cách cộng sản Pháp, Tổng bí thư hạ cố bút chiến
với luật sư ngoài đảng hay mấy vị cầm đầu đảng chỉ đọc tiếng Pháp, không
đọc được tiếng Nga và tiếng Hoa).
Cùng một phong trào chính trị rộng khắp đang được phản ánh lên báo:
“cả nước lập công chuẩn bị chúc mừng Đại nguyên soái Stalin – Người Cha
của các dân tộc, thượng thọ bảy chục. Kẻ vừa đến nương bên bóng Tổng bí
thư là tôi ngỡ như mình đang được hưởng ké một vầng hào quang rất đỗi tự
hào.
Năm chục năm sau, một hôm tôi hỏi Quang Đạm ấn tượng của anh về tôi hồi tôi mới đến báo đảng. Anh đấm tôi một cái:
– Nhóc!
Nhóc – chưa 19 mà – đã không chút sợ sệt khi bữa đầu bước vào dẫy lán
vắng tanh và lành lạnh đặt bị cói xuống một sàn nứa lởm xởm mốc trắng
như một cái lưỡi bệnh đầy tưa, những cái tưa sẽ quấn kín lấy người mình
sau một đêm nếu mình không cựa quậy. Lại hơi rờn rợn với rừng kín mít
bao quanh. Với ngọn Núi Hồng mà những đêm đại hàn, sương tràn về như lũ
sền sệt, cuồn cuộn chảy từ một con đập không thấy đỉnh ở tít đen ngòm
trên kia. Tôi thích thấy nó là khói hương từ hậu cung thượng ngàn thả
xuống. Vô thức tôi đã thánh cung hoá an toàn khu.
Thử thách đầu tiên đến vào tối tiếp xúc Trường Chinh, Tổng bí thư và
Chủ nhiệm báo. Tối ấy sương Núi Hồng giấu kín mãi Trường Chinh cho tới
khi anh chợt hiện ra ở trước mặt. Lên sau tôi ít bữa nhưng nhiều tuổi
hơn, một cán bộ Thái Bình được hỏi trước.
– Dạ, em người Thái Bình…, em lên làm văn thư…
Tôi thấp thỏm có được Tổng bí thư hạ cố bắt tay hỏi không. Nhưng
vướng víu nhất lúc ấy lại là tôi sẽ xưng hô bằng gì. Một cảm giác bứt
rứt gần như xui tôi lỉnh.
Trường Chinh tươi cười quay sang tôi:
– Vậy anh tre trẻ này là lính mới báo ta chứ?
– Vâng, tôi lên làm phóng viên báo Sự Thật (đúng như nghị quyết điều
động của Trưởng ban đảng vụ Lê Văn Lương đánh máy trên giấy bản mỏng
tanh nhưng dai.
Năm 1951, “đảng vụ” (gọi theo cộng sản Pháp chưa cướp chính quyền)
mới đổi thành “tổ chức” (gọi theo Liên Xô đã có chính quyền và thành
trung ương của phong trào cộng sản quốc tế).
Một ánh ngạc nhiên và thú vị trong mắt Trường Chinh. Bởi vẻ cưa đứt
đục khoát và cái chữ “tôi” anh ít nghe thấy ở những cái miệng còn hơi
sữa chăng?
Thử thách đầu này vượt tốt. Thử thách thứ hai hơi bị yếu. Sắp kỷ niệm
ngày sinh Hồ Chí Minh, báo có bài xã luận “Nhân ngày sinh nhật của Hồ
Chủ tịch – Phải tăng cường đoàn kết hơn nữa” của Trưởng ban tuyên truyền
trung ương Lê Quang Đạo viết. Tôi mang bài báo sang trường Nguyễn Ái
Quốc cho Trường Chinh đang lên lớp ở đó duyệt. Anh bảo tôi mệt, anh đọc
tôi nghe. Tôi đọc. Được chừng mười dòng, anh bảo tôi đọc lại từ đầu. Từ
surtitre (tựa phụ). Anh có biết là gì không Tôi đáp là biết. Rồi đọc đầu
đề phụ “Nhân ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch…”
Trường Chinh giơ tay bảo ngừng. Rút chiếc Parker 51 ra, anh đưa tôi
bảo chữa đi. “Thấy cần chữa đâu cứ chữa”. Tôi ngồi đực nhìn mãi công
trình nghệ thuật là cái nắp bút mạ vàng 18 ca ra. Quá sức tưởng tượng.
Viết bằng bút Tổng bí thư! Rồi Tổng bí thư bảo chữa bài Trưởng ban tuyên
truyền trung ương viết! Mặc dù trưởng ban ghé ngủ đêm ở báo thường đòi
nằm chung với tôi rồi sờ sờ, lần lần. Tôi huých gỡ ra thì cười: “Thông
cảm, bọn tớ ở tù nó thành ra mất nết như thế rồi!”
Tất nhiên tôi không chiếu cố tù cách mạng khoản này được.
– Làm báo phải mạnh dạn phát hiện vấn đề, đề xuất ý kiến – Trường Chinh nói. Anh thấy gì ở câu này không?
Tôi vẫn im lặng thì nói:
– Sinh nhật là gì?
– Sinh nhật là ngày sinh.
Và thế là thông nguồn, tôi nói tiếp luôn:
– Chữa lại thành nhân sinh nhật.
– Đúng! Có thể thay vào đó nào nhân dịp mừng ngày sinh, nhân lễ sinh nhật, nhân kỷ niệm sinh nhật…
Trường Chinh cầm bút giập đi chữ “nhật” thừa rồi kéo từ đó ra ngoài
lề một đường thẳng mà anh cho tận cùng bằng một con ốc sên, nói:
– Chữ tắt này là chữ d của chữ deleitur, tiếng La Tinh có nghĩa là xoá.
Cái gì còn lại của bài học Tổng bí thư trực tiếp dạy tôi buổi ngu ngơ
nhập môn cái chiều đầu hạ ngai ngái mùi rừng mới bắt nắng ấy? Tinh thần
không sùng bái, tinh thần được nhìn, phê phán, xây dựng y như Tổng bí
thư. Dưới ánh sáng của dấu hiệu deleitur. Phủ định, xoá bỏ. Mà nay trẻ
con chúng dùng không biết bao nhiêu lần trên máy tính.
Thử thách thứ ba là bài báo đầu tiên. Lúc ấy vừa có cuộc bầu cử hội
đồng nhân dân xã xong. Trường Chinh nói báo phải có bài “tươi mát”, tức
là có chất văn học, thuật lại sự kiện này. Thép Mới, cây bút ký sự văn
học đi Khu 3, tôi bị nhót ra thế mạng.
Không biết bầu cử cụ thể nào, tôi bịa. Nhưng bài báo đặc biệt sinh
động, chân thực. Có cả cô gái Tày reo a lúi! trên đầu đẳng nhà sàn. Với
tôi lúc ấy a lúi (ớ kìa) là thán ngữ đáng yêu nhất. Ai nói a lúi đều là
con gái mặt hoa da ngọc.
Sau đó, Trường Chinh bảo cần một bài về tình quân dân.
Lại tôi. Tôi dựng ra một vùng chiêm trũng giáp vùng địch bị lụt, mùa
màng ngập trắng, lúa sắp mọc mầm. Thì bộ đội về. Kỳ tích xuất hiện.
Trắng đồng, sạch đồn..
Họp điểm báo hàng tuần, Trường Chinh khen tôi viết lôi cuốn. Nhưng tôi dùng sai chữ: phổng phao lại viết thành phổng phang.
Tôi cãi:
– Địa phương ấy nói thế.
– Viện đến tiếng địa phương thì hết bàn rồi… – Trường Chinh nói.
Chắc anh đã thấy cái sừng dê cỏn trên trán tôi.
Tôi liền rất xấu hổ. Nhận ra sai nhưng không có gan nhận.
Từ Khu ba, mẹ tôi gửi một thư lên. Không tem, nằm trong bị cói giao
liên đêm đêm vượt đường 5, đường 6 khát máu. “Mẹ rất yêu cái tên Trần
Đĩnh cộc. Con được vinh dự ở bên các vì sao sáng, con phải chịu khó,
ngoan, vâng lời. Mẹ cấm hút thuốc lá. Buồn mồm vào rừng bứt lá mà nhấm,
nghe không? Kèm một tấm ảnh đề ở lưng: “Xa xôi trăm dặm mẹ gửi lòng yêu
thương của mẹ và các em vào bức ảnh này. Ban tặng Trần Đĩnh”.
Tôi nặng lời dặn đầu. Nhẹ lời sau. Thuốc lá mán dầy cộp và nhơm nhớp
nhựa tôi quấn hai ba lá thành một điếu xì gà gộc dài hai chục phân tây
còn nguyên các cánh hoa cỏ, những cánh hoa li ti trắng như những mã số
khói loằng ngoằng một loài chim mật ghi tri thức tông truyền mà tôi nuốt
trộm. Còn những “vì sao sáng” thành hết Nam Tào, Bắc Đẩu và tôi thì sẵn
sàng hy sinh mình cho các ánh sáng thiêng liêng đó. Đôi khi dựng ra
những kịch bản ảo rất hiểm nghèo để tập xả thân.
Một nếp quen gần thành kỷ luật của thời hoạt động chui lủi là mỗi
người một bí danh. Cái bí danh hết sức hấp dẫn, ai cũng loay hoay cả
tháng kén tìm cho mình một cái: nó cho anh một vận hội mới, nó cho ta
sang trang, đổi đời thay phận cơ mà.
Chả hiểu sao tôi dứt khoát không bí bầu gì cho mình cái danh nào cả. Tuy đôi khi cảm thấy bên sườn trống chếnh thật!
Dạo đó ở Ateka, an toàn khu không nói tới giai cấp với chủ nghĩa xã
hội. “Giấc ngủ mười năm” của Cụ Hồ mượn tên Trần Lực chỉ viết đến kháng
chiến thắng lợi và đất nước hạnh phúc chung chung. Ai rồ mà lại nói chủ
nghĩa xã hội, cải cách ruộng đất, thủ tiêu giai cấp? Để cho dân bỏ vào
tề hết à? Về danh nghĩa Đảng đã giải tán, hoạt động trong bóng tối che
chắn của chính quyền do đảng nắm chặt. Nội san của đảng cũng chỉ nói đến
“tổ chức” hay “đoàn thể” và người ta đã đăng lên đó một chuyện vui: khi
tuyên thệ trước ảnh Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Xít, “hội viên” bần cố nông
vừa thôi chui “cổng mù” và mới được “đoàn thể” kết nạp đã “bẩm thưa mấy
ông Tây rậm râu!”
Có thể nói lúc đó, Atêka chưa gò ép dữ. Mà còn cho tôi hưởng một
không khí dân chủ, thoải mái nhất định. Dạy triết cho anh em quanh văn
phòng trung ương, gồm cả báo đảng, đến quy luật lượng đổi chất đổi,
Trường Chinh giải thích bằng cái thực tiễn dễ bập nhất vào đầu, cái thực
tiễn đang quá ư khan hiếm và là mơ ước rộn rạo của hầu hết. Tức là giao
hợp. Những cái nhún nhảy vào ra (nhiều anh em ở đây chưa có vợ nhưng có
thể tưởng tượng ra, cái này không phải học mà). Trường Chinh rào trước,
ấy là số lượng, số lượng nhiều đến mức nào thì người khoái rủn tỉ lên
và lúc ấy là chất đổi. Mọi người cười rầm. Ngỡ chữ “rủn tỉ” chỉ kẻ phàm
mới nói. Riêng cái cười Trường Chinh lúc ấy còn ngụ thêm ý: này, đừng
tưởng tôi kém cạnh đâu đấy nhé. Chả lẽ tôi lại kê khai ra?
Đám cưới Võ, người cần vụ Trường Chinh, tôi dự đến trót cho tới khi
Trường Chinh bảo hai vợ chồng mới cưới về. “Này, tôi bảo về nhưng mà giữ
sức khỏe đấy nhá!”. Cười thú vị xong quay lại bảo tôi, khách còn lại
cuối cùng ở “phòng khách” nhà anh: Thì cũng dặn sách vở giáo điều thế
thôi chứ tôi ấy à, mai bà Minh đây (chỉ vào vợ) đẻ tối nay tôi vẫn jusqu’ au bout
– đến cùng” (giơ ngón tay trỏ lên bấm vào gốc làm chừng). Trường Chinh
kể một chuyện khiến tôi cảm thêm anh. Pháp đánh vào căn cứ địa chân Núi
Hồng, giữa lúc Trường Chinh ở Bắc Cạn bị Pháp nhảy dù và anh đã bị kẹt
trong một hầm “tăng sê” có mái ở giữa thị xã đầy lính Pháp. Lính đã đứng
ở miệng hầm gọi xuống: “Ra đi, các quan trông thấy cả rồi…”. Trường
Chinh bảo hai mẹ con một bà cùng nấp ở dưới hầm: “Bà ra là chúng hiếp cả
hai mẹ con rồi giết…”. Anh đã cho hết giấy tờ trong người nhai nát rồi
nuốt, chuẩn bị hô hai khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng cộng
sản Đông Dương muôn năm. (Lúc ấy chưa phú quý nên chưa có lệ lễ nghĩa hô
Hồ Chủ tịch muôn năm!) Đợi đêm tối Trường Chinh xuyên rừng mò về chân
Núi Hồng thì Trung ương đã dạt cả sang Bắc Sơn – Đình Cả. Pháp theo sát
nút. Linh hồn của kháng chiến thoát trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng con chó
béc-giê thuộc Tiểu đoàn 51 tiền thân Trung đoàn Thủ đô, con nuôi báo Sự
Thật tặng Cụ Hồ đã bị hổ vồ.
Trong khi trên đường sang Bắc Sơn, nơi đã được Văn Cao cho sắc chàm
pha màu gió, buồn tình, bọn Phan Kế An bắn súng cao su phá tổ ong rừng
và cả đoàn của Thường vụ Trung ương chạy Tây liền bị ong rừng đuổi đánh.
Lê Văn Lương – trưởng ban đảng vụ kiêm công việc như thường trực Ban bí
thư bây giờ – chui đầu vào một bao tải thoát nạn phần nào. Hoàng Quốc
Việt bị nặng nhất. Ông cứ vừa thúc ngựa tế vừa tế đứa nào mất dạy, vô kỷ
luật… và ong theo luồng gió hút cứ nhè ông. (Sử sách xưa chép chuyện
quân khởi nghĩa Lam Sơn chạy trốn phải rúc vào bụi rậm, quân Minh lao
giáo theo chứ nay sử cách mạng cấm ghi mặt trái của chiến thắng…) Qua
trận ong, Thường vụ Trung ương đảng vừa sang tới Bắc Sơn thì Pháp nhảy
dù tại trận và đổ quân từ Lạng Sơn xuống. Thường vụ lại vội lui giật trở
về chân Núi Hồng. Thời gian này, Cụ Hồ gọn nhẹ ra đi cấp tốc, bỏ rơi
đại tá hàng binh Đức, Nguyễn Dân được lệnh hộ tống Cụ. Tiểu đoàn trưởng
Vũ Lăng ở dưới quyền chỉ huy của viên đại tá nước ngoài này. Thời ấy ý
thức “vô sản một nhà” còn mạnh nên hàng binh được phong đại tá và giao
trọng trách phò Chủ tịch nước chạy giặc.
Thoát hiểm ở Bắc Cạn về, vừa hay gặp lại Trung ương dạt sang Bắc Sơn
quay lui, Trường Chinh ngồi ngay ở bên đường (đầy vết giày đinh Pháp)
suy nghĩ. Địch vây lùng như nhìn thấy mọi ngả tung toé chạy giặc của đầu
não kháng chiến. Tình hình quá nước sôi lửa bỏng. Nhưng đám Thép Mới,
Phạm Văn Khoa, Triện Triệu… vẫn cứ đùa tán ầm ầm. Trường Chinh nghiêm
giọng gọi Thép Mới đến:
– Anh Hồng, thích vui vẻ trẻ trung thì anh có thể về Hà Nội!
Thép Mới nghiêm mặt đáp:
– Thưa anh, tôi nghĩ làm cách mạng thì dù tình huống nào ta cũng phải lạc quan vui vẻ chứ anh?
Trường Chinh lặng một lát rồi nói:
– Anh nói đúng nhưng tôi đang cần yên tĩnh, các anh giúp tôi ra xa ngoài kia tán có được không?
Tổng bí thư bớt không gian tư duy chính trị để chia cho cấp dưới
không gian du hí. Lúc ấy chế độ trứng nước, người hiếm của kiệm, ngày
mai vẫn là ẩn số lớn, lợi ích vật chất không hơn thua nhau mấy, lương
lậu chưa có, cơm ăn áo mặc cơ bản bình đẳng, đảng chưa thể ngoài điều lệ
lại giấm ớt phụ gia 19 điều cấm với đảng viên. (Và qua việc đảng viên
vui nhận 19 khoản cấm đoán vô lý, đủ thấy lợi đã đến với đảng viên lớn
tới mức nào).
Tấm áo sang nhất lúc đó ở căn cứ địa là hai chiếc blu-dông Mỹ bằng
gabácđin, chiến lợi phẩm Trung đoàn Thủ đô biếu Cụ Hồ và Trường Chinh.
Cụ còn có khoản rượu thuốc do Lang Bách, cũng lão thành cách mạng, bạn
thân của Kỳ Vân, dưới trướng Nguyễn Lương Bằng pha chế. Lang Bách mang
rượu đến tiến Cụ thường hay qua toà soạn báo Sự Thật tán gẫu. Có khi còn
hỏi: “Có cậu nào muốn thử không, tớ sớt cho một tí? Một chén thôi là có
thể bỏ cơm cả ngày!” Không anh nào dám sớt lấy một ít rượu thiêng.
Cho đến đầu năm 1949 Atêka vẫn chưa có bệnh viện. Trường Chinh đi công việc qua Đại Từ thường mua thuốc chống sốt rét quinacrin dân tản cư bán lẻ trên mẹt ở bên đường rồi về trao cho văn phòng trung ương phát cho người ốm.
Phải nói đến một thiết chế rất đặc biệt: “Nhà hạnh phúc”, một hai
gian nhà dành riêng cho người ở cơ quan tiếp vợ hay chồng ở nơi khác
đến.
Nhà hạnh phúc ra đời có lẽ là nhờ Trường Chinh. Một hôm anh lắc đầu
nói với chúng tôi: “Ai lại anh Dương Đức Hiền, Tổng thư ký đảng Dân Chủ
đến thăm vợ ở Phụ Vận (đảng đoàn Hội phụ nữ) mà phải đưa nhau ra rừng,
một cụ phụ lão bắt gặp cứ kêu khắp bản lên là ôi thương tụi cán bộ quá,
đè nhau ở lưng đồi thế kia. Nghe đâu anh Hiền lại còn ngóc đầu “chào
cụ!” nữa chứ, cho đúng kỷ luật dân vận đi thưa gặp chào! Vì thế “Nhà
hạnh phúc” bèn xuất hiện.
Một dạo chúng tôi ở Đồi A1, chung với ban kiểm tra của Trần Đăng Ninh
và ban kinh tài của Nguyễn Lương Bằng. Tắm giếng, giỡn nhau cách tôi
năm mét, Ninh hay bóp vú Sao Đỏ rồi kêu: “Béo nhỉ! Lấy vợ không? Thôi,
lấy đi, nằm với vợ mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát”.
Một sáng mưa, trên đỉnh đồi nhìn xuống bếp dưới chân đồi, chúng tôi
thấy Dương Đức Hiền đang ngồi xổm sưởi bèn vội xuống mời lên nhưng Hiền
từ chối. Hôm ấy có việc thỉnh thị Trường Chinh, anh ghé bếp báo đảng
lánh mưa. Tổng bí thư Đảng cộng sản trao việc cho Tổng thư ký Đảng Dân
Chủ, còn lương thì tài vụ của Nguyễn Lương Bằng cấp. Cấp cả văn phòng
phẩm – bao nhiêu giấy, mấy ngòi bút sắt, bút chì… Chả ai thấy Đảng Dân
Chủ là chuyện cây kiểng sất cả.
Thép Mới nổi tiếng ở Atêka về phương châm anh tự đặt ra để răn mình:
“mù, què, câm, điếc”. Cưỡng lại kỷ luật đang bắt đầu đi vào nề nếp sau
khi cuốn “Bàn về tu dưỡng của người cộng sản” của Lưu Thiếu Kỳ được dịch
và học tập rộng rãi. Quyển tu dưỡng đảng viên này dạy đảng viên tuyệt
đối trung thành với đảng cùng gìn giữ kỷ luật, tóm lại hãy quên cá nhân
đi. Tôi nhớ nhất chuyện một số người hỏi Lê-nin vào Đảng Xã Hội Dân Chủ
Nga của Plékhanov rồi phá nó để lập Đảng Cộng sản Bolsevich thì có là
chống đảng không, Lưu Thiếu Kỳ giải thích: không, bởi đó là Lê-nin còn
anh thì chống đảng vì không là Lê-nin!
Một sáng sớm, Thép Mới và tôi, đứa chai rượu, đứa chai tương (tuột
mất nút lá chuối, tôi phải bịt bằng ngón tay cái) đi đến một quán thịt
chó trên đường sang Bộ tổng tư lệnh. Chợt có tiếng vó ngựa trước mặt.
Thép Mới đánh nhoáng đã rúc vào bụi mua ven đường đầy sương long lanh.
Một người cưỡi ngựa đi tới, mắt đen quăng quắc nhìn tôi đứng đực ngó lại
ông vì tôi mải để ý đến bộ ria mép chải chuốt đen ánh, hệt một vật
trang sức trên mặt. Ngựa khuất, Thép Mới ở trong bụi mua chui ra:
– Xừ Hoàng Quốc Việt… Tổ sư chụp mũ. Hắc lắm. Tao gọi cái điếu cày là
ba-dô-ca mà xừ đến đâu cũng đem ra nhiếc: “Giai cấp công nhân đổ máu
với nước mắt ra mới chế được thứ vũ khí lợi hại thế mà có người ví là
cái điếu cày!”.
Lúc ấy tôi mới thấy ở đầu bản phía trước trắng muốt nguy nga một cây
mai đang rộ hoa. Màu mai trắng ngỡ như đang bọc kín lấy cái bản này vào
trong một vùng khí riêng thuần khiết. Chợt nghĩ dân bản này chắc phải là
nghệ sĩ hết. Mới biết dựng lên bản kỳ, cây cờ của bản, quá đẹp này.
***
Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An
nói: “À, cái Z tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được
xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không
thấy Z. đến nữa. “Chắc máy Cụ yếu!”, giải đáp thuần túy sinh học. Không
tính đến sở thích, gu của cụ.
Hồi đó, nhiều cộng tác viên tên tuổi như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn
Giàu, Xuân Thuỷ, chủ nhiệm báo Cứu Quốc. v.… hay lui tới Sự Thật. Cái
tiền sảnh kề bên Tổng bí thư này là nơi các vị được nói năng thoải mái
nhất, không sợ lộ bí mật, bô báo. Có mấy vị thường kể chuyện học ở Liên
Xô.
Một hôm đi tắt về báo, qua sau dẫy chuồng xí của Văn phòng Tổng bí
thư, tôi nghe thấy tiếng Lê Đạt, thư ký văn hoá văn nghệ của Trường
Chinh láu táu nói rất to ở trong đó. Lát sau, tôi hỏi Đạt: “Cao đàm
khoát luận gì trong chuồng xí thế mày?”. Đạt cười: “À, ngồi cạnh ông
Thận, ông ấy hỏi ý kiến về bài Trần Văn Giàu viết về nhất nguyên, nhị
nguyên trong triết học ở trên báo chúng mày…”
Nên chú thích: chuồng xí là một dẫy ba ngăn có liếp nứa che chắn từ
vai xuống cho nên nếu ai đó cần “lên gân” thì thường phải quay mặt đi
cho người ngồi bên không thấy mình đang quá vất vả vận dụng nội lực. Ít
nhất đó cũng là chỗ không dung túng cho người ta che giấu hẳn thái độ.
Đầu 1949, Trường Chinh tuyển thư ký phụ trách văn hoá văn nghệ. Lê
Đạt học ở trường luật được đưa về. Vừa tới trướng phủ, vừa nhất kiến
Tổng bí thư, Đạt đã liền trái ý. Để thử sức thư ký mới, Trường Chinh đưa
cho Lê Đạt quyển Le culte de l’ homme của Jacques Ducour, cộng sản Pháp:
– Ông này bàn về thờ phụng con người, anh đọc xong nói lại nhận xét của anh với tôi.
Hai hôm sau Đạt nói:
– Thưa anh, tôi thấy không nên dùng chữ thờ phụng con người.
– Vì sao?
– Tôi cũng chưa nói được rõ nhưng có lẽ nên nói tu dưỡng, vun xới, vun trồng gì đó.
Đang cần thờ phụng con người, Trường Chinh nạp ngay kẻ lần đầu ngỏ
lời đã nói trái. Qua mười năm, có kim chỉ nam, ông đánh tơi tả kẻ muốn
vun trồng con người, dám nói đến nhân văn.
Lâu về sau, một lần nhắc lại chuyện này, Đạt nói:
– Lúc mình chả có gì giúp nước mấy thì các ông ấy dùng. Lúc mình có nhiều cái để giúp thì các ông ấy nện.
Trở lại chuyện mấy vị lý luận sừng sỏ Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh
Toàn… của đảng hay tạt Sự Thật tán. Cán bộ nói chung thường độc thân,
vấn đề sinh lý nổi lên ám ảnh.
Một bữa, một vị (cho miễn nói tên) nói chuyện khi học ở Liên Xô cua
gái Liên Xô thế nào. Này, tóc màu gì thì lông ở chỗ ấy cũng mầu ấy, thế
chứ, có đứa như nghịch đem cả một cái mai cua bể luộc đỏ au úp vào… Rồi
lại nói Ông Bác chỉ tìm nạ dòng. “Sao lại thế?” Thấy bác dại, chúng tôi
kêu lên. Thì được giải thích: “Thế là Bác khôn, nạ dòng thì đỡ rày rà
hậu sự …”
Nhiều vị thèm lấy vợ bé. Nêu cả danh tính các đối tượng trong mơ ra.
Rồi kể tiếu lâm. Những chuyện làm giậm giật hết chân tay đã thành một
mục giải trí công cộng. Hội nghị hễ nghỉ giải lao lại tán chuyện tiếu
lâm. Ngay tại hội trường.
Họp Quốc hội, đại biểu mắc màn ngủ liền nhau trên sạp nứa dài chừng
mươi mười lăm mét, khuya Nguyễn Hữu Đang vào lầm màn linh mục T., thân
sĩ kháng chiến nổi tiếng. Nguyễn Hữu Đang kêu lên: “Ối giời, thảo nào
mời ra làm cố vấn tối cao. Cao quá kìa!” Linh mục cười: “Mấy hôm họp
Quốc hội được ‘văn hoá cao’ có cá thịt vào bụng nó mới vô kỷ luật thế”.
“Văn hoá cao” nghĩa là ăn có thịt cá. Đến mức khốn nạn nào đó, cờ soái văn hoá nhảy sang cắm vào miếng thịt.
Tố Hữu một trưa dậy ra suối giặt quần đùi. Ca cẩm với Kim Lân:
– Xuân Diệu nó mó máy mà tuột bu nó mất xích, mệt quá! Mà hai hôm nay lại cơm ăn toàn với măng.
Hai chuyện trên đây nằm trong danh mục tiếu lâm có thật.
Còn một chuyện không rõ thực hư.
Năm 1950, quân chí nguyện Trung Quốc kháng Mỹ viện Triều (Triều Tiên)
với tổng tư lệnh là Nguyên soái Bành Đức Hoài, tên tuổi mấy vị nguyên
soái Bát Nhất bỗng nổi như cồn trong an toàn khu. Ca ngợi nức lòng, nhắc
đến còn nhiều hơn Mao và Lưu Thiếu Kỳ. Chúng tôi nghe được một chuyện
về Chu Đức: cái của ông dài quá xá, trên đường vạn lý trường chinh khi
đại tiện, ngài cứ phải lấy tay bưng lên không thì dính bê dính bết các
thứ bẩn thỉu. Đúng không? Ai biết! Mà ai ở ta có thể biết? Loại suy dần
thì còn hai vị có hoạt động lâu và sâu sát với bạn là Nguyễn Sơn và Bác.
Chả hiểu sao đều thiên về khả năng Bác là người phổ biến sự tích kia và
thế rồi tin xái cổ…
Đến đây đã có thể rút ra kết luận rằng càng gần sự thật thì càng
nhiều dân chủ và ngược lại – càng nhiều dân chủ càng gần sự thật – được
chưa? Chưa đánh thông biên giới phía bắc, các cố vấn Trung Cộng chưa
sang, còn phong cách dân chủ của cộng sản Pháp…
Share...
Thư viện Vinadia. Copyright 2018.
No comments:
Post a Comment