Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 7 February 2014

HUYÊN CHÂU ** NHẠC SĨ LÊ DINH

Nhạc Sĩ Lê Dinh Và Bốn Mươi Năm
Âm Nhạc Việt Nam

        Nói đến nhạc sĩ Lê Dinh, không mấy ai là không biết tới người nghệ sĩ sáng tác nổi danh từ thập niên 50 cho đến nay qua những ca khúc chứa chan tình cảm làm rung động lòng người. Bắt đầu sáng tác từ năm 1953  nhưng mãi tới năm 1956 nhạc sĩ Lê Dinh mới chính thức ra mắt nhạc phẩm "Làng Anh Làng Em". Và 40 năm nối tiếp sau đó với một số lượng trên 200 nhạc phẩm, tên tuổi của ông đã gắn liền với dòng nhạc quê hương Việt Nam cận đại.Cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Lê Dinh có thể chia
làm 3 giai đoạn:
  • Giai đoạn đầu, từ 1953 đến 1956, ông sáng tác một mình và tên tuổi đã đưọc nhiều người biết đến qua các nhạc phẩm nổi tiếng như bài : Làng Anh Làng Em, Ngày Ấy Quen Nhau, Tấm Ảnh Ngày Xưa, Xác Pháo Nhà Ai, Cánh Thiệp Hồng, Ngang Trái, Thương Ðời Hoa, Tình  Yêu Trả Lại Trăng Sao vv...
  • Giai đoạn hai : từ 1968 đến 1975, Lê Dinh cùng với Minh Kỳ và Anh Bằng thành lập nhóm Lê Minh Bằng, hợp soạn rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như Ðêm Nguyện Cầu,Căn Nhà Ngoại Ô,Chuyện Tình Lan Và Ðiệp I, II, III, Gõ Cửa, Linh Hồn Tượng Ðá,Cho Người Tình Nhỏ...vv
  • Giai đoạn ba : từ năm 1975 và về sau, vì cuộc đời đổi thay, nhóm Lê Minh Bằng đã không còn sáng tác chung nữa. Trong suốt thời gian 3 năm sống dưới ách độc tài cộng sản, ngòi bút của nhạc sĩ Lê Dinh đã ngừng viết và chỉ đến lúc vượt thoát tìm được tự do, nhạc sĩ Lê Dinh mới sáng tác trở lại. Những bài hát trong giai đoạn này mang nặng tâm sự của một người ray rứt đắng cay vì thế sự.
        Giai đoạn đầu là thời kỳ sáng tác quan trọng và  xúc tích nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Lê Dinh, ông đã sáng tác một số nhạc phẩm tình cảm rất được quần chúng mến mộ.Anh Ngọc, nam ca sĩ hàng đầu, thành danh từ  thập niên 50 khi phụ trách chương trình phê bình nhạc của đài phát thanh Sàigòn đã nói về nhạc sĩ Lê Dinh như sau:
" Qua Lê Dinh người ta tiếp nhận những âm điệu uyển  chuyển, dồi dào, không nhàm chán và phần lời ca của Lê Dinh rất chân thật, rất đơn sơ nhưng không kém phần điêu luyện và nhờ đó đi thẳng vào lòng người nghe một cách dễ dàng"
Những tâm tình mộc mạc đơn sơ ấy được thể hiện trong bài "Tấm Ảnh Ngày Xưa" . Tiếng nhạc lời thơ qua bài hát này đã khiến ta nghe mà không tránh khỏi bùi ngùi nhớ nhớ về một dĩ vãng của tuổi niên thiếu mộng mơ, của tuổi học trò lưu bút ngày xanh, của những lưu luyến u hoài,tuy chưa xa cách mà đã thấy ẩn hiện cái buồn ly biệt:

"Ngày nào em đến chơi tặng tôi một tấm hình
ghi nhớ ngày ngày chúng mình quen nhau
năm tháng dài ngày sau ghi nhớ mãi
tặng anh, để mai sau mình nhớ nhau hoài
thương nhớ lâu dài này anh nhớ đừng quên..."

(Tấm Ảnh Ngày Xưa)
Tình yêu trong các bài nhạc Lê Dinh mang những nét buồn của cuộc tình lứa đôi dang dở
" Ngày mai viết trao anh thiệp hồng
rồi em bước sang sông lạnh lùng
cuộc tình xưa đã hết
đời mình riêng một bóng
anh có buồn không anh ?"

(Cánh Thiệp Hồng)
Hoặc đau thương , chia cách trong "Ngang Trái":
"Tình yêu mang đến niềm đau
người tôi yêu mến giờ đâu
chuyện ngày xưa là nước mắt
mà giờ đây thành tiến khóc
yêu nhau không được gần nhau"
(Ngang Trái)
Những lời u uất về loài hoa bạc mệnh được dùng một cách tài tình để nói lên thân phận người khách má đào:
" Buồn viết nên bài ca
vì nhớ thương đời hoa
mặn mà thay lúc đầu
dịu dàng khoe sắc màu
nhìn dòng đời vui biết bao
ngày ấy nay còn đâu
vì sắc hoa tàn mau
ngại ngùng hoa biếng cười
vì đời hoa úa rồi
mà thời gian lạnh lùng trôi

(Thương Ðời Hoa)
Tình yêu quê hương của nhạc sĩ Lê Dinh mang nhiều nét đặc thù với hình ảnh đồng ruộng miền Nam xanh ngát mênh mông,những con lạch nhỏ len lách qua những hàng dừa ngả mình soi bóng, có những cầu tre lắt lẻo gập ghềnh thấp thoáng bóng dáng các cô gái đang độ xuân thì trong chiếc áo bá ba gợi cảm:
" Ôi thương quá là thương ruộng lúa quê hương
những chiều xưa nhìn em cuối con đê
vành nón nghiêng nghiêng em bước qua chân cầu
cầu tre lắt lẻo đưa em đi về nhà
dáng em sao hiền hoà'"

(Người tình Cửu Long)
Sau 20 năm cách biệt nhạc sĩ Lê Dinh đã để lại tâm sự tràn dâng qua sáng tác mới nhất về vùng đất Gò Công, nơi quê quán của ông:
" Em là cô gái xứ Gò
quanh năm sông vắng đưa đò nuôi mẹ
nhà em ở xóm Giòng Tre
anh về nhớ ghé thăm mẹ thăm em "

(Thương Về Gò Công)
        Những bài tình ca nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Dinh đã được thính giả mến chuộng từ bốn thập niên qua và các nhạc phẩm này hiện nay vẫn còn được các ca sĩ hàng đầu trình bày và thu băng. Giá trị đích thực của các nhạc phẩm này không nằm trong những lời lẽ cầu kỳ, văn hoa bóng bẩy ,mà chính là ở những lời thơ mộc mạc chân thành như tâm tình của người miền Nam, được tác giả lồng
vào trong các nhịp điệu nhịp nhàng tha thiết của điệu Boléro hay nhẹ nhàng lả lướt của các điệu Habanera và Tango.
        Giai đoạn hai trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Lê Dinh rất phong phú với sự hợp soạn của hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng Bộ ba Lê Minh Bằng đã viết chung rất nhiều ca khúc được thính giả
ưa chuộng với tác phẩm đầu tiên của nhóm được ra mắt năm 1968 là "Ðêm Nguyện Cầu" Sau đó các tác phẩm như " Linh hồn Tượng Ðá","Chuyện Tình Lan Và Ðiệp","Mưa Trên Phố Huế", "Nếu Hai Ðứa Mình"Giấc Ngủ Cô Ðơn"... đã được thính giả khắp nơi đón nhận và tên tuổi của nhóm Lê Minh Bằng trở thành một bút hiệu nổi tiếng ăn khách nhất của những năm cuối thập niên 60 va đầu thập niên 70.  Với số lượng bài hát được viết ra quả dồi dào của nhóm Lê Minh Bằng nên ngoài những bản nhạc mang bút hiệu quen thuộc, còn rất nhiều bài được viết dưới nhiều bút hiệu khác như Dạ Cầm, Vũ Chương, Hoa Linh Bảo. Mạnh Quỳnh, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Tôn Nữ Thuỵ  Khương, Trúc Ly, Dạ Ly Vũ...vv...Cho dù các ca khúc này được ký dưới bút hiệu nào khác đi nữa, giới thưởng ngoạn vẫn nồng nhiệt tiếp nhận, đã nói lên thực tế tài năng của nhóm Lê Minh Bằng. Gần như tất cả các nhạc phẩm , hơn 200 bài, viết trong giai đoạn trước 1975 đã được các  hãng Tân Thanh, Continental, Asia, Sóng Nhạc, Việt Nam thu diã hay thu băng.
        Biến cố lịch sử tháng 4 năm 1975 đã chia lìa bộ ba Lê Minh Bằng Minh Kỳ đã vĩnh viễn ra đi vào tháng 9 năm 1975 trong vụ nổ ở trại cải tạo Long Khánh. Anh Bằng đến Mỹ sinh sống tại California và đã rất thành công với trung tâm Asia sản xuất băng nhạc và video . Lê Dinh hiện nay cư ngụ tại Montréal, như kiếp tằm phải nhả tơ, ông đã để hết  thời giờ rảnh để hoạt động văn nghệ với nguyệt san Nghệ Thuật xuất bản đều đặn hàng tháng, và cùng với Lê Thái thành lập đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam đã hoạt động từ hơn 5 tháng qua tại Montréal và được phát thanh hàng tuần vào mỗi chiều chủ nhật. Nhịp sáng tác của ông cũng đã lơi nhiều so với thời kỳ trước 1975, tuy vậy chúng ta vẫn còn được nghe những sáng tác mới rất giá trị như 10 bài Hận Ca, Bài Hát của Người Ðiên. Dòng Kỹ Niệm, Cho Người Lính Cũ, Người Tình Cửu Long, Nắng Bên Này Sông và mới nhất đây bài Thương Về Gò Công.
        Con người của nhạc sĩ Lê Dinh rất nhiệt thành và mộc  mạc như lời nhạc của ông, ông sống hết mình cho nghệ thuật, vì nghệ thuật, không khoa trương ồn ào. Ðối với các nhạc sĩ khác ông một lòng qúi mến, không tỵ hiềm, không quản ngại khó khăn ông đã sốt sắng tỏ chức những đêm nhạc để vinh danh các nhạc  sĩ sáng tác như chúng ta đã biết, qua đêm nhạc Phạm Duy, đêm nhạc Lam Phương đã rất thành công tại Montréal. Có được quen biết với nhạc sĩ Lê Dinh, chúng ta mới biết rõ ông là người rất  thẳng thắn, không ngần ngại nói lên những điều ông tin tưởng Bất bình trước sự lợi dụng công trình tim óc nghệ sĩ sáng tác của các nhà sản xuất băng nhạc và vidéo ở hải ngoại, ông đã đứng lên tranh đấu chỉ thẳng tên tuổi một lái buôn nghệ thuật, tự tiện ấn hành các nhạc phẩm của nhiều nhạc sĩ, và một nhà sản xuất băng vidéo nổi tiếng chỉ "ăn trái mà không nhớ kẻ trồng cây" Việc làm thẳng thắn của ông đã đem lại lòng tin tưởng và kính nể trong giới nghệ sĩ.
        Ðêm nhạc Lê Dinh do nhóm Thân Hữu Nghệ Sĩ Montréal tổ chức để đánh dấu 40 năm nhạc Lê Dinh (1956-1996), một công trình lớn lao của một nghệ sĩ tài danh mà tài nghệ đã được chứng tỏ qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian. Chúng tôi kính mời quí vị thưởng thức một chương trình văn nghệ chọn lọc với những tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Dinh qua những giọng ca chan chứa tình người của các nghệ sĩ Montréal, để nêu cao tinh thần tương thân tương trợ và tinh thần "ăn trái nhớ kẻ
trồng cây" giữa nghệ sĩ trình diễn và nghệ sĩ sáng tác, như một bày tỏ lòng qúy mến đặc biệt dành cho nghệ sĩ Lê Dinh.

Huyền Châu
(trích tạp chí Nghệ Thuật số 29/tháng 8-1996)


No comments:

Post a Comment