Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 2 February 2014

LÊ VĂN PHUC ** ĐỌC THƠ MAI-TRUNG-TĨNH



ĐỌC THƠ   MAI-TRUNG-TĨNH
 

Mai Trung Tĩnh ít đề cập đến tình yêu và nếu có nhắc đến thì anh cũng có những ngôn ngữ riêng để diễn tả một cách kín đáo nhưng cũng rất gợi tình.
Chúng ta hãy nghe nhà thơ nói về một cuộc tình trong quá khứ với đầy ắp những đam mê ẩn hiện, rung động, có bóng dáng hạnh phúc trong đau khổ, có kỷ niệm chắt chiu trong tơi tả rã rời...
Dĩ vãng của tình yêu
Tấm vải đã nâng niu cất kỹ giờ giởû ra quanh mình mà ngắm
Đây chỗ vẫn thơm hương hạnh ngộ vì khi xưa tôi đổ hết cả nhiệt tình
Đây chỗ bợt phai vì em cầm do dự
Đây chỗ còn in nét hình tôi bởi hồn tôi ghi trọn xuống
Đây chỗ ố tì loang lổ vì em đã điềm nhiên bỏ phơi cho ngày tháng táp tiêu dần
Đây chỗ vẫn mềm mại y nguyên tôi hôn lean độ ấy
Và thôi, đây chỗ rách sờn tơi tả em em vò nát đang tay
Tấm vải gỡ rồi không cuộn lại
Tôi buông xuôi như thể một dòng sông bất hạnh tách nguồn tuôn chảy đi
Như trên địa cầu tôi ló mặt ra ánh sáng
Là một lần tôi phô diễn mãi xác thân tôi
Đến ngày cuối
Như đã bao phen tôi vấp ngã
Những vết thương sau cùng mọc da non
Tôi sẽ bình phục rồi tôi sống
Để giáp mặt người như mặt tôi.

Nói về thơ xuôi Mai Trung Tĩnh, Cao Thế Dung nhận xét như sau:
...Về thơ xuôi, Mai Trung Tĩnh đã đoạt được nghệ thuật khá vững vàng khi đi sâu vào thế giới cùng thẳm của vô thức và tiềm thức. Ông diễn đạt ở thơ xuôi thành công hơn, như “Tôi di động”, “Trong bóng hoàng hôn”, “Ám ảnh”...Vì khi đi vào vô thức hay tiềm thức là phải chấp nhận những hỗn loạn mặc khải (désordre révélateur) dù có lý, vô lý hay phi lý...mà muốn diễn đạt trọn vẹn thì nguồn thi hứng phải đi theo chiều tự động diễn tả (écriture automatique) bởi nó thoát ra khỏi sự kiểm nhận của lý trí và chính vì thế nên Mai Trung Tĩnh có thể tìm ở thơ xuôi những đắc địa...Thơ xuôi là một thể văn sung mãn và thích hợp với bản chất tâm hồn và ý thức của ông.
(Cao Thế Dung – Thi Ca và Thi Nhân, 1969)
Nhà thơ Hoàng Song Liêm khi nói về bạn mình cũng bầy tỏ những cảm nghĩ tương tự. Anh nhận xét là Mai Trung Tĩnh sáng tác không nhiều nhưng tên tuổi vẫn được người yêu thơ cảm mến. Thơ anh thiên về trí tuệ hơn là về cảm xúc:
Mai Trung Tĩnh sáng tác thơ không nhiều, đa số là thơ tự do và thơ xuôi. Tuy nhiên, tên tuổi anh vẫn được người yêu thơ cảm mến. Những cuốn sách biên khảo, nhận định về thơ Việt hậu bán thế kỷ Hai Mươi, người viết thường nhắc đến anh một cách trân trọng. Thơ anh mang tính nhân bản thiên về trí tuệ hơn là cảm xúc...

Bài thơ xuôi sau đây là một bài thơ tiêu biểu cho nếp suy tư của Mai Trung tĩnh.
Bằng ví von đời mình qua hình ảnh những chiếc nan hoa trong bánh xe quay không nghỉ, lăn mãi đời trên những hướng không tên. Và rồi em xuất hiện như một thiên thần cứu rỗi đời anh , cho anh uống mật hoa tình ái ngọt ngào. Anh che dấu mình trong tóc em.
Rồi anh lại như con ngựa trong trường đua nằm kiệt quệ, lê những móng già nua trên lối mòn. Chung quanh bủa vây đầy bóng tối.
Đây cũng là một trong những bài thơ xuôi Mai Trung Tĩnh đắc ý nhất.

Những hồi trong tiền kiếp
1
Trong cơn mê muội đời tôi, tôi xáo trộn hồn mình tìm chút lạ.Nhưng đã bao kỳ biến dạng thay mầu, tôi vẫn nguyên như vòng bánh xe từng ấy chiếc nan hoa.
Vòng bánh xe quay mãi quay nhanh không gì khác đổi, tôi lăn mãi đời tôi trên những hướng không tên.

2
Tiếng nói cất hóa thành câu xúc phạm nên nhịp cười cũng ra giọng thề hoen khả ố. Tôi kinh hoàng lẩn vè khu tĩnh lặng, dõi nhìn tôi thăm thẳm bốc cô đơn.

3
Em xuất hiện như vùng sáng lạ. Từ nơi mờ tối cảnh trần gian ở đó anh du luu gần tuyệt vọng, anh nhìn em như một cứu tinh. Anh quăng bỏ những phụ tùng lượm lặt trong quãng ngày vong lạc, chạy xô về dang tay ngã vào không tiếc. Ở môi em anh uống mật hoa thần xoa dịu chútt cằn khô. Anh trốn trên ngực em đôi trái buồn đại lục khi đất đai lở lói, trời kia từng lúc nứt nẻ căng.
Chỗ dung thân trên ngọn đồi em anh thu mình trườn ghé. Bằng tóc em anh che dấu anh trong thời gian.

4
Buỗi chiều Phú Thọ buồn như một ngả nghĩa trang. Hôm nay cảnh trường đua nằm kiệt quệ. Bãi cỏ ngửa phơi mặc gió chiều quạt thổi, tơi bời điêu đứng như sau cuộc tranh tài nơi đấu trường cổ La Hy.
Tôi, vó câu hai tuổi giờ nghe gân móng sắp hư hao vì những kỳ đua nước đại. Tôi đi từng bước chậm lắng dò dư vang của bao ngày nô nức, nhưng tiếng hò la cổ võ và giọng hí thỏa thuê chìm đâu tìm đâu mất để mình tôi nâng chiếc móng già nua gõ nặng nề trên lối cũ cho thanh âm rời rạc gợi nhớ cảnh xưa kia.
Tôi hốt hoảng, xôn xao rồi thấm mệt. Quay lại nhìn, bóng tối đã dâng cao.

Qua mấy bài thơ tự do và thơ xuôi vừa dẫn, hẳn bạn cũng đã có nhận xét như Cao Thế Dung:
Thơ Mai Trung Tĩnh đã có những ý tứ mới lạ và một thi điệu đầy nhạc tính...không những nắm được kỹ thuật mà từ điệu cũng vững chắc, cách diễn đạt tuy có vẻ “pha” mà vẫn thơ vẫn lạ..
...Mai Trung Tĩnh còn có một đặc điểm đáng kể nhất, ông làm thơ mà như người kể chuyện. Thơ của ông hầu hết là những bài tán thán cái Tôi của mình. Cái Tôi thoát ra khỏi cuộc đời nhìn vào sự sống rồi tách ra sự sống để nhìn vào châu thân. Cái Tôi ấy nhuốm mầu bi ai tuy không ruồng rẫy thực tại nhưng vẫn khắc khoải vì bị thực tại xâu xé. Cái Tôi tù nhân của cuộc đời vẫn cố vươn lên cho thật cao để tự giải phóng nhưng rồi thực tế cái Tôi vẫn là một chìm đắm trong mênh mông của ảo tưởng, ý thức, đam mê và chán nản.
(Thi Ca và Thi Nhân, 1969)

Trong tạp chí Văn số 52, tháng 4/2001, Nguyễn Xuân Hoàng gợi cho chúng ta một khía cạnh khác của nhà thơ. Đây là một con người “bằng xương bằng thịt”, đeo lon Chuẩn Úy, bụng bự, kính cận dầy cộm, nụ cười hiền, tiềm ẩn thông minh:
...Nhưng nhắc đến Mai Trung Tĩnh đâu phải chỉ chỉ là nhắc đến sự lãng mạn...Trong trí nhớ của Nguyên Vũ, Mai Trung Tĩnh...chuẩn úy Nguyễn Thiệu Hùng...vào mùa xuân năm 1965, là một người cao lớn, “giây nịt bụng quá khổ, và cặp kính cận dầy”, “nụ cười hiền ấm áp nhưng vẫn tiềm ẩn sự thông minh, bén nhậy mà ông thường muốn che dấu”. Nguyên Vũ viết: “Lệnh động viên đã mang vào quân đội những phần tử không nên có mặt trong chiến cuộc”. Và anh ví von Mai Trung Tĩnh, qua thơ ông, “là hình dáng một anh chàng khổng lồ đứng dưới chân núi, lăn những tảng đá xanh ra vần lên những triền núi dốc ngược của sự ngu dốt rực rỡ và những điêu ngoa hào nhoáng”.
Thêm một bài thơ xuôi nữa Mai Trung Tĩnh thường đọc cho bạn nghe khi ở quân trường Thủ Đức.
Có khi anh ví mình như chiếc bánh xe nhiều nan hoa quay cuồng trong một trục, khi như lão ăn mày lê gót giữa công viên, khi như kẻ mất hồn phiêu bạt bơ vơ một phương trời vô định...
Lại có khi anh nghĩ mình là con ngựa ở trường đua, khi ngỡ mình là chiếc lá vàng khô héo rụng, khi tưởng mình là con thuyền không bánh lái, khi coi mình như con mồi hay như con muỗi trong nghiên son cuộc đời...
Và đây, Mai Trung Tĩnh trong hình ảnh của một con cuốc:
"Tôi, con cuốc mùa hạ đứng kêu gào tiếng khản, lưỡi cũng giộp khô cong và mắt đỏ trông tìm. Bấy nhiêu lần tôi thảm thiết than van tưởng kiếm được giang sơn tôi đã mất, nhưng hạ lại sắp tàn – ôi nhanh chóng! – cho thu đông lùa giá rét ở trong không. Tôi rời rã ngày đêm tưởng tiếc cảnh nước xưa huy hoàng tráng lệ. Đôi cánh tôi đã nhiễm mỏi gió thời gian, vầng trán phẳng phiu giờ khắc nhận vệt già nua đe dọa. Trời xanh mây trắng vẫn trời xanh. Chán nản bao vây, tôi hờ hững ngó quanh nghe rền vang tiếng bọn ve sầu la thỏa thích. Tôi chợt buồn nghĩ rồi ra có giữ mãi được hè chăng. Chiều đốt lửa ở chân trời như khởi sự cuộc hỏa thiêu thành quách. Đứng im nhìn thêm nặng nỗi phiền đau tủi hận, tôi điềm nhiên nâng mình bay nốt quãng đời tôi.
Trong buổi ra mắt tập thơ Mai Trung Tĩnh ở vùng DC, Phạm Trần có một nhận xét khá độc đáo khi nói về Mai Trung Tĩnh.
Phạm Trần nhận thấy trong thơ, Mai Trung Tĩnh ít khi nào nhắc đến đời sống, sinh hoạt, kỷ niệm trong quân ngũ, mặc dầu anh là một quân nhân.
Thì đây, hình bóng hiếm hoi về bạn bè cùng chung chiến tuyến được nhà thơ gợi lại, bắt gặp trong bài :

Gió Đêm
Đèn chợt sáng gió vừa chợt lạnh. Một ngày nữa đời anh nghiêng cánh vỗ đi xong. Sao anh vẫn kiên gan xuôi ngược trên đường như đón đợi ai bên lùm cây ngoài góc phố. Không, anh chẳng chờ ai, anh chẳng rước đưa ai. Anh chỉ kéo hồn anh lang thang cho đậm đà thêm số kiếp. Giữa khoảng xanh đỏ sáng lay chớp chới, gió bụi loãng từng không, anh phô diễn một linh hồn phiêu du buồn vơ vẩn. Đêm nay anh sẽ gặp em ở đâu? Có phải ở vũ trường nơi thanh âm cuồng loạn cùng chất rượu đam mê nhiệm mầu sẽ bừng tê giác quan anh. Trong phút miên man biếng nhác, trên môi anh em chuốc chút đe dọa ngọt ngào, trên tay em anh dốc từng trận sầu đổ xuống. Hay anh sẽ phải gặp em nơi quãng vắng âm thầm ở đó anh sợ hồn anh bỗng nhiên thức dậy, nghe bốn bề vang dội tiếng hư vô. Anh thảng thốt từ bỏ em anh lẩn trốn, mặc em não nùng bé nhỏ, đứng nhìn anh biến dạng mất như bay.
Không, không, anh biết mình anh rước lấy anh thôi. Bạn bè xa vắng cả. Tiếng súng đêm làm anh nhớ vô cùng. Khải đã đi không một lời từ biệt. Tạo ngã ở Đồng Xoài thân nát nhàu trong hố, Vũ bay hoài như cánh chim yêu trời yêu mây hơn đất liền. Ôi chiến cuộc vọng trong anh từng giờ từng phút như anh vẫn hỏi thăm anh mỗi sáng trưa chiều tối khuya sang hoặc mỗi độ ưu phiền gieo ủ dột: Mày phải làm chi để lấp được vũng sâu kia nó đào sâu xoáy mãi trong hồn như vực thẳm trùng dương đời đời hiểm trở. Và anh, chiếc bách trôi dòng định mệnh nên ẩn chìm điêu đứng biết bao phen.
Cuộc dạ hành giờ đã mỏi. Anh muốn sống nhiều thêm, sống nữa, sống nhanh hết một đời chẳng kịp khi nào còn tưởng tiếc than van.
Nhưng sương thấm đậu trên vai mềm lá cỏ. Đêm trần gian dường sắp vãn, anh lạnh thu mình rảo gót trong những căn nhà ngủ lặng im lìm như những nấm mồ hoang.
Đôi lúc tôi tự hỏi: Không biết có phải vì Mai Trung Tĩnh hấp thụ một nền triết học tây phương nên nếp suy tư của anh cũng ngả theo chiều hướng ấy. Những ưu tư về con người được trải rộng suốt chiều dài thân phận. Những khắc khoải, muộn phiền về cuộc đời được ghi rõ nét trong những vần thơ. Không thấy bài thơ nào mang âm hưởng của hạnh phúc, của niềm tin, của niềm vui cho dù chỉ là vui trong giây lát.
Có phải vì nhà thơ sinh ra và lớn lên trong khi đất nước chiến tranh, đạn bom vây bủa? Có phải vì anh nhìn theo khía cạnh triết lý tây phương, thấy nhiều nghịch cảnh nghiệt ngã của đời sống hơn là theo lối nhìn đông phương bình thản, dửng dưng trước thế sự thăng trầm ?
Bài sau chót trong “Ngoài Vườn Địa Đàng & Những Bài thơ Xuôi” tôi chọn sau đây, coi như một thông điệp của nhà thơ gửi cho tình yêu, cho quê hương và cho chính mình.

Bài thơ viết những ngày cuối năm
Cho tình yêu
Buổi chiều anh đi trên những con đường rộng rãi ngày xưa tuổi trẻ cùng bóng đêm và hương tóc em bay ngọt ngào. Chưa bao giờ anh yêu em như những ngày chán chường hiện tại. Vốn biết tình yêu độc dược, anh vẫn cắn vào cho hoa lá nở xum xuê trên thân anh loài cây có dư ba mươi năm mọc ở trần gian. Anh tự nhủ thôi hãy quên hết, quên cả những mỏi mệt đang lặng lờ trong huyết quản để yêu em như tuổi mười lăm, mười bảy. Giữa những xôn xao náo động của thế kỷ đang hóa thân bằng sức đẩy, anh bước ngập ngừng với đôi chân biết đi lần thứ nhất, đến bên em nghe hồn cỏ cây thức dậy và hơi thởû em run như nắng mỏng tơ trời. Anh ngả xuống vai em bậc thềm của phế tích Cận Đông chỉ còn bụi phủ thời gian yên nghỉ. Anh bảo em hãy ngủ như loài thảo mộc kia trong cơn địa chấn bàng hoàng. Trên con đường hành hương vô vọng của hồn anh, em bỗng nhiên rực rỡ như mặc khải dịu huyền, réo gọi anh trong ơn thánh sủng.
Anh nằm im nghe chân lý hiện đằng xa.

Cho quê hương
Có phải mảnh đất ấy đã thừa phân bón dù chẳng người cấy cầy sớm tối. Và vườn tược ruộng đồng quê hương một sớm nào thành hí trường rộn rã kẻ vào ra. Anh, gã mục đồng từ thuở nằm nôi đã nghe hoài tiếng nghé, lớn lên chẳng còn trâu để cưỡi, nghêu ngao đợi gió trăng lên. Anh sầu đau hỏi mình là nông dân hay người thành thị, bởi tự bao giờ anh chẳng sống được nơi nao. Khoảng trời xanh của diều bay hy vọng nuôi lớn đời anh, giờ cũng lung lay trong tiếng gào nổ của phi tuần phản lực. Anh hỏi mẹ cha người đã ngã gục trong đêm, những người anh người em đi mãi chẳng về. Trên dấu tích thuở thiếu thời mộng mị, anh hãi hùng cuồng chạy mất như điên. Anh thét vang lời tra hỏi nghẹn ngào, chỉ tiếng đạn bom rơi chập chùng vọng lại. Thôi, ta hãy ngồi xuống góc đình kia, trôn ra mảnh ao ấy ngày xưa.
Nhưng sao mặt nước im lìm như vải liệm và buổi chiều cũng lạnh lẽo hơi tử khí chiến trường. Anh đợi tiếng chuông ngân để biết ngày đã hết, chuông đã bặt từ lâu, chỉ còn đám lửa bốc ở chân mây vừa nhắc anh giờ khởi sự thanh toán bạo tàn. Anh biết về đâu về đâu đêm nay trên quê hương?

Cho mình
Bao kiêu hãnh phù du một đời mang ảo vọng, tôi đã nhìn tôi qua bóng lớn của hang sâu. Những khát khao mê đắm vỡ bờ, những tri thức từ giảng đường đại học, tôi muốn bỏ lại bên đường để lòng tôi nhẹ nhõm thênh thang. Đừng ràng buộc đừng tiếp thu để hồn mình như phiến thạch cổ sơ không tì vết. Những mảnh vụn tri thức của ta ơi, các ngươi có hội tụ cho thành đá tảng để ta vần xoay mở lối cho nhân loại lên đường, ta chỉ xin cho được một nẻo về thong thả. Ta vừa nghe tiếng hót một loài chim, tiếng hót đơn sơ như chân lý mở phơi tràn đầy dản dị. Chiều nay, trong cơn gió bụi mịt mờ, tôi muốn làm người khách đăng trình không lý lịch, chỉ mang thuần trái tim mình như giấy thông hành đi suốt chặng trần gian. Nào những mảnh vụn tri thức đang rơi rụng, sao các ngươi chẳng bao giờ tụ thành đá tảng để ta đừng chông chênh trên hố thẳm mênh mông. Kìa chim hót rồi chim bay, ta vẫn chỉ là ta còn lại như ánh nắng tàn một ngày hiu quạnh.

Mai Trung Tĩnh làm thơ từ thuở thiếu thời, năm 1953 (16 tuổi) đã gửi những bài thơ đầu tay với bút hiệu Hương Giang cho tuần báo Quê Hương tại Hà-Nội, do nhà thơ Hà Bỉnh Trung làm chủ nhiệm.
Nhà thơ Hà Bỉnh Trung không cho biết thêm chi tiết, là Hương Giang gửi đến tòa soạn những bài thơ làm theo thể điệu nào?
Theo thiển ý thì lúc đầu nhà thơ trẻ làm những bài thơ theo đường lối cổ điển như lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, thơ 8 chữ...
Khi đã nắm vững được niêm luật rồi, nhà thơ –nếu muốn – mới dám chuyển sang thơ tự do, là một thể thơ rất khó. Nó đòi hỏi người thơ không những phải thành thạo, tinh thông về niêm luật mà còn phải có nhiều chất xám, tức là phải có óc sáng tạo manh mẽ, ghi được những hình ảnh nổi bật hay tương phản, tạo được những âm điệu nhịp nhàng hoặc du dương, quyện vào lời thơ, quấn lấy nhau trong dòng suy tưởng.
Sang đến thơ xuôi thì lại càng khó hơn, nó đòi hỏi những điều kiện như trên mà lại còn kén khách thưởng ngoạn nữa. Vừa là thể thơ mới mẻ, vừa là thể thơ còn xa lạ với quần chúng nên người nghiên cứu thơ xuôi và hiểu thơ xuôi chẳng có được bao nhiêu. Nhờ báo chí, đặc san văn học nghệ thuật mà dần dà chúng ta làm quen với thơ tự do, thơ xuôi, dù rất chậm chạp.
Và người làm thơ, không phải ai cũng có cái khả năng và sở thích như thế để tạo được những vần thơ tự do hay thơ xuôi đầy cảm xúc.
Lại nữa, làm thơ theo lối cổ điển thì nếu viết thiếu chữ, viết lạc vần là bạn đọc nhận ra ngay. Nhưng nói đến thơ xuôi thì lại khác. Thơ xuôi sáng tác theo từng đoạn, từng nhóm chữ. Người đọc phải đọc hết đoạn, hết nhóm đó mới nắm được cái ý chính của nhà thơ muốn nói gì.
Thơ xuôi cũng không câu nệ vào số câu, không phải tuân theo niêm luật, muốn diễn tả ra sao thì viết, miễn sao truyền đạt được những gì muốn nói với người đọc.
Tùy trình độ thưởng thức mà người đọc có nhận định thấp cao, tùy tâm trạng mà người đọc thấm thía, cảm thông cùng tác giả.
Do đó, trong một bài thơ xuôi, nhà in sắp thiếu một hai câu hoặc lầm một hai chữ cũng ít ai nhận ra hoặc bắt bẻ phải như thế này thế nọ!!!
Đọc đến đây, chắc cũng có một số độc giả thốt lên:
À! Thế này thì mình cũng sắp trở thành một nhàø thơ tự do và thơ xuôi rồi đây!
Đúng vậy đó, bạn ơi! Ở xứ này, giấy bút rẻ rề, ấn loát cũng dễ ợt. Có chút tiền là có tác phẩm liền à! Còn hay dở ra sao hậu xét.
Tôi nhớ đến Mai Thảo.
Hồi còn sống, trong một buổi ngồi uống rượu với bạn bè, khi bàn đến thế nào là nhà văn, nhà thơ, Mai Thảo đã nói đại ý rằng:
Muốn được gọi là nhà văn, nhà thơ, phải hội đủ 3 điều kiện:
Trước tiên phải được độc giả công nhận. Thứ đến, phải được giới văn nghệ sĩ công nhận. Ba nữa là, phải được văn học sử công nhận.
Nhiều người làm văn, làm thơ in cả chục cuốn nhưng độc giả không gọi họ là nhà văn, nhà thơ. Vì văn mà viết chưa thành câu, chưa biết chấm câu, ý tưởng tối mò; còn thơ thì chưa học qua niêm luật, rỗng tuếch, khả năng chưa vượt khỏi “Vè”...
Thế mà vẫn có nhiều người vỗ ngực tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ có tác phẩm trình làng.
Phải nói là họ đã uống cả chục thang thuốc liều mới đúng!
Nói về cuộc sống riêng tư của anh, bạn bè đều nhận thấy là Mai Trung Tĩnh ít giao du nếu không muốn nói là kén bạn.
Người bạn chí thiết, cùng đoạt giải thơ với anh cho biết thêm về con người Mai Trung Tĩnh.
Vương Đức Lệ viết:

Có người cho anh là quả giao nhưng Mai Trung Tĩnh là một trong những bạn văn nghệ thân nhất của tôi từ gần 50 năm nay. Chúng tôi cùng tuổi, cùng học một lớp chuyên khoa (ban C) Trung Học Chu Văn An rồi Đại Học Văn Khoa Saigon. Tôi với anh in chung thơ, viết chung sách, diễn thuyết chung, viết báo chung, làm việc cùng ngành truyền thông và giáo dục, cùng trình diện nhập ngũ sĩ quan trừ bị Thủ Đức khóa 16, và cùng đi tù rồi sang Mỹ định cư ở Maryland, Virginia. Bạn bè thường gọi chúng tôi là cặp bài trùng. Tôi với anh đầy ắp những kỷ niệm. Tĩnh là người bạn đáng mến. Anh rất nể bạn. Đôi khi anh cũng thích tranh luận nhưng thường không cố gắng bảo lưu ý kiến của mình. Tranh luận đến hồi gay cấn, e bạn phiền lòng hay mất lòng, Tĩnh thường buông một câu quen thuộc có tính cam chịu ”thì đã đành” để chấm dứt câu chuyện.
Đối với tôi, Mai Trung Tĩnh là một người hiền, không muốn làm phiền ai và ngược lại.
Kể cũng sòng phẳng và đáng quý.

Qua mấy hàng tâm sự của Vương Đức Lệ, bạn đọc cũng cảm nhận được cái tình tri ngộ của hai người bạn cùng chung chí hướng.
Nhưng có điều hơi khác, là bây giờ Vương Đức Lệ vẫn còn miệt mài với nghiệp thơ văn, sinh hoạt với bằng hữu, sáng tác mạnh mẽ thì Mai Trung Tĩnh không còn được “Yên tĩnh trong rừng mai” để viết thơ tự do, thơ xuôi nũa mà đang cô đơn trên giường bệnh tại một “Nursing home” vùng Maryland...
Nói về tình bạn trong giới thơ, đã có vài cặp được mệnh danh là cặp bài trùng, như: Huy Cận – Xuân Diệu hay Đinh Hùng – Vũ Hoàng Chương.
Tôi nhìn hai bạn tôi hơi khác. Tôi thấy họ cùng lứa tuổi, chơi với nhau thân thiết từ thuở học trò, viết văn viết báo dạy học làm thơ rất gần gũi. Họ chia sẻ với nhau những kinh nghiệm buồn vui, những âu lo khắc khoải, những ưu tư về cuộc đời. Họ cùng chung chí hướng, đồng hành, và quý mến nhau.
Tôi muốn gọi họ là cặp tri kỷ. Nhưng không biết khi một kẻ khuất nẻo đường trần rồi thì người tri kỷ kia có bẻ bút đốt thơ, ngủ vùi tìm trong quên lãng?

***
Phần thứ ba của tập thơ, gồm 9 bài làm từ năm 1975 đến năm 1995, mỗi bài đều ghi thời gian sáng tác. Gồm: 1 bài tự do, 3 bài lục bát và 5 bài thơ 7 chữ.
Khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản, nhà thơ nhìn thế sự, ngậm ngùi đau xót. Bởi vì thắng hay bại nào cũng đau thương trong vòng lịch sử cuồng xoay. Và cuộc tương tranh nào cũng làm nát lòng nhân thế.
Đây là cái nhìn đất nước thăng trầm dưới mắt một nhà thơ:

Dưới mắt nhìn thi sĩ
Lịch sử xoay quanh một trận cuồng
Kẻ thua người được cũng tang thương
Riêng ta, dưới mắt nhìn thi sĩ
Giữa cuộc tương tranh nát cả lòng!
Sài-Gòn 1/5/1975

Không bao lâu sau, Mai Trung Tĩnh bị đi cải tạo, hết trong Nam lại ra ngoài Bắc.
Ở trong Nam, bỗng dưng một hôm anh nghe vẳng tiếng còi tàu, gợi trong anh nỗi xôn xao đón gọi, niềm mơ ước được trở về mái nhà xưa...Nhưng tất cả chỉ là ảo vọng, chỉ là một giấc mơ không đến bao giờ. Anh viết:

Trong trại cải tạo nghe tiếng còi tàu hỏa
Bỗng dưng vẳng tiếng não lòng
Tai nghe tàu gọi mà không thấy tàu
Đến đây ngay tự buổi đầu
Chỉ mong một chuyến lên tàu về thôi
Ta về như trở lại đời
Ta về tìm lại tiếng hơi gia đình
Ta về tìm lại chính mình
Ở đây chỉ gặp bóng hình của ai
Đêm là đêm của thở dài
Ngày là ngày của kẽm gai thân tù
Tàu đi rồi, bỏ ta ư?
Đời ta chắc sẽ như “Giờ Hăm Lăm”
Thân tàn qua các trại giam
Thương chàng Mo-Rít lầm than tháng ngày (1)
Hôm nay còn ở nơi này
Ngày mai biết sẽ lưu đày nơi đâu!
Trại cải tạo ở Long Khánh 1976
Moritz là tên nhân vật trong tiểu thuyết “Giờ thứ 25”

Khi anh bị đưa ra miền Bắc, một ngày vào rừng đỗn cây giang, nhớ nhà, nhìn lại xác thân mặt mày ghê gớm. Chỉ nghe xác lá rơi và bóng tối bủa vây giữa đồi núi hoang tàn.
Nhà thơ tự ví mình như:

Người rừng
Chúng đưa ta khỏi ruộng đồng
Lên non tìm mãi vào từng bụi sâu
Em xa rồi, chẳng thấy đâu
Có gần, chẳng nhận ra nhau lúc này
Nhìn anh ghê gớm mặt mày
Tay cầm dao, cúi, luồn cây: Người rừng
Ở đây không vợ không chồng
Không hơi thở ấm tình thương con người
Chỉ còn xao xác lá rơi
Và âm u bóng núi đồi bủa vây
Chợt nghe chim lạ bên tai
Hoang vu tiền sử là đây khác nào!
Yên Báy 1977

Sau 7 năm làm “Người rừng”, anh được trở về thành phố ngày xưa. Thành phố đã đổi thay từ tên đường con phố đến bạn bè ngày cũ, các em gái ngày xưa. Anh cũng chẳng hơn gì vì là kẻ thất thế. Anh như kẻ mất quê hương, đi quanh trong thành phố mà nước mắt đầm đìa...

Sau 7 năm đi cải tạo về lại Sài Gòn
Đã bảy năm trời ta trở lại
Nhìn xem thành phố ấy ngày xưa
Đã bảy năm trời ta sống lại
Ngẩn ngơ nghe quá khứ mơ hồ

Trông lên bảng lạ tên đường lạ
Ta biết thôi xong hết mất rồi!
Thôi thế là xong rồi, tất cả
Lòng ta sầu ngự mãi không thôi.

Những thằng bạn cũ thuở nào đâu?
Biết có còn ai để gặp nhau?
Kẻ dưới đại dương, người viễn xứ
Đứa thân tù tội chết thương đau!

Các em ngày trước cũng về đâu?
Chắc đã tơi bời cuộc bể dâu
Ta cũng chẳng hơn: người thất thế!
Còn chăng mây nước mênh mông sầu.

Giờ ta như kẻ mất quê hương
Dù vẫn còn đang giữa phố phường
Nhưng đớn đau thay: người lạ mặt!
Tủi thân như một gã tha phương!

Ta đi quanh quẩn trong thành phố
Nước mắt bao lần muốn đổ mưa
Một nỗi nghẹn ngào dâng choáng váng
Hết rồi, tất cả đã xa xưa!

Trở về thành phố cũ, vẫn thành phố ấy, vẫn nhịp đời náo động, vẫn kẻ đi người lại, xe cộ tấp nập theo dòng, mà sao anh thấy trống vắng cô đơn.
Linh hồn thành phố cũ đã phiêu bạt nơi nào?
Anh ngẩn ngơ tự hỏi.

Hồn Sài Gòn ở đâu?
Thành phố như là vẫn náo động
Xe qua, người lại vẫn theo dòng
Sao ta đứng ngẩn người ra mãi?
Ừ phải, hồn xưa đã biệt vong
Sài Gòn 1986

Mai Trung Tĩnh đã bị đi cải tạo và đi tù tổng cộng 11 năm.
Tháng 6- 1995, anh cùng gia đình sang Mỹ định cư theo diện H.O.
Anh thiếu quê hương, ngồi nhìn qua khung cửa sổ lá rụng cành khô, nhớ bạn, nghĩ bạn chắc cũng tơi tả phong trần. Thân phận bạn với ta nào có chi khác lạ!
Đây là một cảnh cô đơn trên xứù tuyết, khi nhà thơ..

Nhìn ra cửa sổ
Gửi N.V.
Cửa sổ nhìn ra cây rụng lá
Còn trơ những nhánh khẳng khiu vươn
Bạn ta cũng tả tơi vươn mãi
Lòng nát vì mang những vết thương

Cửa sổ nhìn ra chim lượn quẩn
Chờn vờn con trắng lẫn con đen
Bạn ta vẫn cố vươn mình trắng
tủi xen cùng lũ lọ lem

Cửa sổ nhìn ra vườn tuyết phủ
Tuyết chùm ướp chết cả mầm non
Bạn ta từ biết phô mầm sống
Từng bị bao lần ngựa đá bon

Bạn, ta: nào có hơn nhau lắm
Chỉ khác: ta, người biết phận thôi
Bữa tiệc trần gian dù thịnh soạn
Có xôn xao lắm, cũng con người!
Annapolis 1995

Buổi chiều cuối năm, anh ghi lại vài cảm nghĩ trên đất khách khi gặp người xưa, nhìn nhau chợt ngỡ ngàng, một thoáng nghẹn ngào rồi tâm tư nhầu nát cuộc đời dâu bể:

Vài câu cho người gặp lại trên đất khách
Nhìn nhau chợt ngỡ ngàng nhau
Tưởng như trái đất địa cầu trong tay
Ai ngờ lại có hơm nay
Bể dâu tàn nhẫn, thế này được sao?
Nhìn nhau chỉ thoáng nghẹn ngào
Rồi thôi, chỉ biết cúi đầu, rồi thôi
Trong ta đã nặng rã rời
Trong em hẳn cũng:”Hết đời, còn đâu!”
Với ta, bao chuyện sở cầu
Cũng như thế sự, nát nhàu tâm tư
Trùng trùng những thực và hư
Tạm vui, chỉ những tình cờ, thế thôi!
Cuối năm 1995

Không thấy Mai Trung Tĩnh viết bài thơ xuôi nào nữa từ khi định cư ở Mỹ. Còn về thơ tự do, có lẽ sau đây là bài thơ tự do cuối cùng gửi lại cho đời, trước khi não bộ hư hao.
Anh suy nghĩ miên man về quê hương đổ vỡ, về cuộc đời trầm luân, về nhân tình thế thái, về thân phận trên xứ lạ quê người và những đổi thay dồn dập.
Có những điều “vẫn như thế”, có những điều “không như thế” quay cuồng hỗn loạn. Duy chỉ có nơi sâu kín nhất trong lòng - trong trái tim hay trong khối óc ? - là “vẫn còn nguyên như thế”, mãi mãi “còn nguyên như thế”!
Người đọc sẽ hiểu những điệp ngữ “như thế” xuất hiện mỗi hàng chữ, mỗi câu là dụng ý của nhà thơ muốn nói những gì...

Như thế

Vẫn mây trời như thế
Nắng vẫn như thế
Gió và mưa như thế

Nhưng ta không còn phải sống những giây phút như thế
Thành phố ta ở không như thế
Những bộ mặt quanh ta không như thế
Ngôn ngữ ta nghe và báo ta đọc không như thế
Âm nhạc ta nghe cũng không bị nghe như thế
Và những giấc ngủ của ta
Những giấc mơ của ta
Không còn bị như thế

Duy có một điều
Trong chỗ sâu kín nhất của lòng ta
Ta cảm thấy vẫn còn như thế
Có lẽ mãi còn nguyên như thế
Annapolis 1995

***
Bạn đọc thân mến,
Chúng ta vừa điểm qua một số thơ trong tập “Thơ Mai Trung Tĩnh” để tìm hiểu thêm về tâm tình một người bạn thơ nổi tiếng.

Trong giới văn nghệ sĩ, bạn bè yêu mến anh không phải chỉ vì thi tài mà vì anh còn là một người đàng hoàng đứng đắn, biết nhường nhịn, cởi mở.
Nên khi cần in tập thơ này, đã có thêm nhiều bằng hữu góp tay.
Trong nguyệt san Kỷ Nguyên Mới, số 10, tháng 7- 2001, Phạm trần viết bài “Giấc mơ Mai Trung Tĩnh đã thành sự thật”, nhắc đến những sự đóng góp của bạn bè ở Việt-Nam và ở Mỹ để hoàn thành tập thơ này.
Văn Quang sưu tập và đánh máy thơ, Uyên Thao đánh máy, trình bày; Vương Đức Lệ cùng ban biên tập Kỷ Nguyên Mới chạy nước rút; các họa sĩ góp nét vẽ, người chụp chân dung; Hội Văn Học nghệ Thuật Hoa Thịnh Đốn bảo trợ; bạn học Chu Văn An yểm trợ tài chánh in thơ; bằng hữu trong giới văn nghệ khắp nơi , bạn bè cũ góp công góp sức... Không kể hết được...

Một người nữa không ai biết đến nhưng không thể quên tên: Đó là chị Vũ Thị Thảo, hiền thê của anh Mai Trung Tĩnh.
Chị đã chăm lo săn sóc gia đình, thăm nuôi anh khi đi cải tạo, đi tù. Chị đã âm thầm tận tụy lo lắng cho anh trong suốt thời gian ở Mỹ, khi anh nằm trong “Nursing home”, hàng ngày sáng chiều vào thăm, lo ăn uống thuốc men, dọn dẹp vệ sinh xong lại lầm lũi đi làm...
Hai vợ chồng, hai thế giới đơn côi, hai phương trời cách biệt ... Vẫn gần mà như thấy vẫn xa xôi...
Không thấy bóng hạnh phúc!
Và vẫn như xa cách muôn trùng!
Hình ảnh nghiệt ngã ấy cứ còn vương vấn mãi trong tôi!
Với Mai Trung Tĩnh, tôi không có gì để dám so sánh với anh. Nhưng chúng tôi giống nhau một điểm:
Chúng tôi thiếu tình thương gia đình nên tìm hơi ấm trong vòng tay bè bạn.
Bạn bè là lẽ sống, bạn bè là nơi nương tựa trong những ngày đất khách tha hương.
Cho dù quê hương ta vẫn còn đó một hình cong chữ S, cùng máu đỏ da vàng, cùng chung lịch sử hùng anh, nhưng chế độ Cộng sản bạo tàn đã hủy diệt biết bao nhiêu sinh mạng, làm thui chột biết bao nhiêu nhân tài của đất nước Việt-Nam...
Trong số những nạn nhân phải gánh chịu nhục hình và thảm khốc đau thương ấy, có người bạn yêu mến của chúng ta: Nhà thơ Mai Trung Tĩnh!

Lê-văn-Phúc
(Virginia, tháng 7/ 2001)

No comments:

Post a Comment