Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 12 February 2014

TIN QUỐC TẾ

 

  Mỹ 'giúp Philippines nếu chiến tranh'

Cập nhật: 15:50 GMT - thứ năm, 13 tháng 2, 2014
Trung Quốc đang ngày càng mạnh bạo trong khẳng định chủ quyền
Hoa Kỳ sẽ “giúp” Philippines nếu Trung Quốc chiếm các đảo tranh chấp trên Biển Đông, theo lời chỉ huy trưởng các hoạt động hải quân của Mỹ.
Phát biểu tại Manila hôm 13/2, Đô đốc Jonathan Greenert cũng nói Mỹ sẽ tôn trọng cam kết quốc phòng với Philippines trong bối cảnh căng thẳng trên biển.
“Tất nhiên, chúng tôi sẽ giúp các bạn. Tôi không biết sự giúp đỡ cụ thể sẽ thế nào.”
“Chúng tôi có nghĩa vụ vì chúng ta có hiệp ước với nhau.”
Ông Greenert nói với các sinh viên tại đại học quốc phòng tại Manila.
Hoa Kỳ không bày tỏ lập trường về các đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, có liên quan cả Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam.
Nhưng Đô đốc Greenert nói ông muốn gửi “tín hiệu rõ ràng…rằng hành vi hung hăng nằm ngoài chuẩn mực quốc tế là đi ngược lại trật tự tốt”.
Ông cũng cho biết hải quân Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở vùng Tây Thái Bình Dương từ 50 tàu hiện nay lên 60 tàu vào năm 2020.
Đô đốc Greenert cũng khen ngợi việc Manila đưa vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra tòa trọng tài Quốc tế.
Gọi đây là “ý tưởng tuyệt vời”, ông kêu gọi Philippines “kiên trì”, mặc dù Trung Quốc đã từ chối tham gia quá trình kiện tụng.
Hồi tháng 12, khi thăm Philippines, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Trung Quốc không được đơn phương thành lập một vùng phòng không tại Biển Đông.
Lời nói của ông John Kerry đưa ra sau khi Bắc Kinh lập “vùng nhận dạng phòng không” ở vùng Biển Hoa Đông, tranh chấp với Nhật Bản.

 

 Nam và Bắc Triều Tiên đàm phán cấp cao về hợp tác kinh tế

Trưởng đoàn Bắc Triều Tiên  Won Tong Yon (T), bắt tay trưởng đoàn Hàn Quốc  Kim Kyou Hyun (P) trong cuộc họp ngày 12/02/2014, cuộc họp cấp cao đầu tiên từ 2007.
Trưởng đoàn Bắc Triều Tiên Won Tong Yon (T), bắt tay trưởng đoàn Hàn Quốc Kim Kyou Hyun (P) trong cuộc họp ngày 12/02/2014, cuộc họp cấp cao đầu tiên từ 2007.
REUTERS/Unification Ministry/Yonhap

Đức Tâm
Hôm nay, 12/02/2014, tại Bàn Môn Điếm, thuộc khu vực phi quân sự ngăn cách Nam và Bắc Triều Tiên, đại diện chính quyền Seoul và Bình Nhưỡng đã tiến hành đàm phán ở cấp cao nhất kể từ năm 2007. Dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc là ông Kim Kyou-Hyun, quan chức cao cấp nhất thuộc Hội đồng an ninh quốc gia. Bên Bắc Triều Tiên là ông Wong Ton Yong, Phó Chủ tịch cơ quan phụ trách quan hệ với Hàn Quốc.

Cuộc thảo luận sáng nay diễn ra trong vòng 90 phút và hai bên gặp lại nhau vào chiều nay.
Nội dung cụ thể các cuộc thảo luận không được công bố, nhưng theo thông tín viên RFI Frédéric Ojardias, tại Seoul, thì chắc chắn hai bên đề cập đến hợp tác kinh tế, tổ chức các cuộc gặp cho những gia đình bị ly tán do chiến tranh và dường như Bắc Triều Tiên muốn Hàn Quốc bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế.
« Nếu như các vấn đề được đề cập không được công bố, nhưng hai nước Triều Tiên không thiếu chủ đề để thương lượng. Hàn Quốc đã tuyên bố muốn thảo luận về việc tổ chức các cuộc gặp cho những người thân của các gia đình bị ly tán do chiến tranh. Các cuộc hội ngộ này được dự kiến vào cuối tháng Hai.
Về phần mình, Bắc Triều Tiên dường như đề nghị mở cửa trở lại một khu du lịch chung. Dự án này mang lại nguồn thu nhập nhưng bị đóng cửa từ 6 năm qua. Đặc biệt là Bình Nhưỡng yêu cầu Seoul bãi bỏ cấm vận kinh tế. Hàn Quốc đã áp dụng các biện pháp này sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành hai vụ tấn công trong năm 2010. Không rõ vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân mà Hàn Quốc yêu cầu, có được đề cập đến hay không.
Cuộc gặp này là động thái mới nhất trong số những cử chỉ tỏ thiện chí của chính quyền Kim Jong Un trong thời gian gần đây. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên khẳng định muốn cải thiện quan hệ Bắc Nam. Theo giới phân tích, Bình Nhưỡng tìm cách vận động bãi bỏ các trừng phạt quốc tế và thu hút đầu tư ngoại quốc.
Quyết tâm của Bắc Triều Tiên muốn làm dịu tình hình sắp tới sẽ được thử thách : Vào cuối tháng Hai, Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiến hành tập trận chung. Năm ngoái, cuộc tập trận thường niên này đã làm dấy lên một loạt các đe dọa từ phía Bình Nhưỡng ».

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Chính trị - Hàn Quốc
 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140212-nam-va-bac-trieu-tien-dam-phan-cap-cao-ve-hop-tac-kinh-te-song-phuong

Trung Quốc và Đài Loan tiếp tục đối thoại cải thiện quan hệ song phương

Trưởng đoàn Đài Loan Vương Úc Kỳ phát biểu trong cuộc họp lịch sử tại Nam Kinh, ngày 11/02/2014
Trưởng đoàn Đài Loan Vương Úc Kỳ phát biểu trong cuộc họp lịch sử tại Nam Kinh, ngày 11/02/2014
Reuters

Đức Tâm
Hôm nay, 12/02/2014, tại Nam Kinh, quan chức Trung Quốc và Đài Loan tiếp tục các cuộc thảo luận nhằm cải thiện quan hệ song phương. Cuộc đối thoại được tiến hành từ hôm qua và được cả hai bên đánh giá là mang tính lịch sử.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng không nên thổi phồng quá mức ý nghĩa của sự kiện này vì còn rất nhiều chủ đề nhậy cảm trong quan hệ song phương, như tường trình của thông tín viên RFI Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh :
« Không hề có những dòng chữ nào nói đến Trung Hoa Dân Quốc gắn trên vòng hoa được đặt trước ngôi mộ của Tôn Trung Sơn, cha đẻ của nước Trung Hoa hiện đại, tại thành phố Nam Kinh, sáng nay. Ông Vương Úc Kỳ (Wang Yu Chi), Bộ trưởng Đài Loan phụ trách quan hệ với Trung Quốc không muốn làm phật ý chủ nhà.
Cử chỉ này cho thấy mối quan hệ mong manh và nhậy cảm giữa Trung Hoa quốc dân và chế độ cộng sản. Chính quyền Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Hoa lục địa. Do vậy, cả hai bên đều cố gắng giữ thái độ trung dung trong cuộc gặp mang tính lịch sử này : Chú ý không làm mất lòng nhau, và đồng thời vẫn tiến hành đối thoại.
Các vấn đề chính trị nhậy cảm được đặt sang một bên, nhưng lần đầu tiên, hai bên đề cập đến chủ


 đề vượt ra khỏi phạm vi quan hệ kinh tế và thương mại. Quyết định thành lập văn phòng liên lạc, được đưa ra trong ngày hôm qua, được coi là một bước tiến quyết định trong việc gia tăng đối thoại song phương.

Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay, hai bên tránh không đề cập đến một cuộc găp chính thức trong tương lai giữa Tổng thống Đài Loan và Chủ tịch nước Trung Quốc ».
 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140212-trung-quoc-va-dai-loan-tiep-tuc-doi-thoai-cai-thien-quan-he-song-phuong

 

Hàng giả : Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc và Châu Âu

Một cửa hiệu bán hàng nhái tại trung tâm thành phố Quảng Châu -  REUTERS
Một cửa hiệu bán hàng nhái tại trung tâm thành phố Quảng Châu - REUTERS

Mai Vân
Một bản báo cáo của chính phủ Hoa Kỳ công bố hôm qua, 12/02/2014 đã cáo buộc Trung Quốc là một trong những thị trường hàng đầu trên thế giới chuyên cung cấp các sản phẩm giả mạo. Bên cạnh đó, Châu Âu và Canada cũng bị Mỹ tố cáo về tội dung túng các trang web bán hàng trực tuyến và cho tải phim ảnh, âm nhạc thuộc diện "hàng giả".

Trong danh sách hàng năm, ấn bản 2013, do Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman thiết lập, có tên của các doanh nghiệp, cửa hàng và các trang web mua sắm trực tuyến trên thế giới bị cho là đã « gây tổn hại cho các công ty Mỹ và công nhân của họ bằng cách vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. »
Bản danh sách đó bao gồm các thông tin được báo cáo lên cho chính phủ Mỹ chứ không phải là những trường hợp vi phạm và bị trừng phạt, vốn nằm trong một bản báo cáo khác về các hoạt động kinh doanh phi pháp.
Đối với Đại diện Thương mại Mỹ, việc công bố bản danh sách này cho phép thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, các sản phẩm giả mạo có thể rất nguy hiểm cho người tiêu dùng, chẳng hạn như các loại thuốc giả, mỹ phẩm giả, hay phụ tùng ô tô kém chất lượng.
Tại Trung Quốc, rất nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng hoặc khu chợ bị Mỹ đưa vào danh sách đen, như Trung tâm buôn bán quần áo tại Nhà ga Xe lửa Quảng Châu, dây chuyền các cửa hàng điện tử Buynow PC Mall, hoặc Trung tâm Thương mại La Hồ (Luohu) ở Thâm Quyến , giáp giới Hồng Kông.
Bản báo cáo cũng nêu tên khu chợ quần jean Tăng Thành (Zengcheng) ở Quảng Châu, nơi một phần ba quần jean là hàng giả, bắt chước các thương hiệu của Mỹ.
Một số khu chợ ở Thái Lan cũng bị vạch mặt chỉ tên, trong đó có Trung tâm mua sắm MBK ở Bangkok và Talad Nat, chỉ cách Sứ quán Hoa Kỳ vài bước, « một nơi vẫn tiếp tục bán hàng giả và hàng nhái bất chấp các yêu cầu đình chỉ liên tục được gởi đến chính quyền Thái Lan».
Tại Châu Âu, khu chợ A Pedra của thành phố cảng du lịch Vigo ở Tây Ban Nha, cũng bị đưa vào danh sách đen vi « nổi tiếng với các sản phẩm điện tử và quần áo giả mạo », mặc dù thị trường này hoạt động dưới sự kiểm soát của chính quyền thành phố.
Bản danh sách cũng không quên nêu bật các trang web chuyên trao đổi phim ảnh và âm nhạc, phớt lờ vấn đề bản quyền : ThePirateBay.se ở Thụy Điển, Rutracker.org ở Nga, Extratorrent.cc có trụ sở tại Ukraina …
 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140213-my-to-cao-trung-quoc-va-chau-au-ve-toi-pho-bien-hang-gia



Chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung ?

Mỹ - Trung lệ thuộc vào nhau, nhưng quan hệ hai bên lại bất xứng - Reuters
Mỹ - Trung lệ thuộc vào nhau, nhưng quan hệ hai bên lại bất xứng - Reuters

Thụy My
Liệu có thể tránh được cuộc chạy đua làm bá chủ giữa Bắc Kinh và Washington ? Đó là câu hỏi được tác giả Jacques Mistral đặt ra trong tác phẩm « Chiến tranh và hòa bình giữa các đồng tiền », được Le Monde giới thiệu trong mục điểm sách hôm nay. Hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trở nên lệ thuộc vào nhau, nhưng quan hệ đôi bên thì lại mất cân đối.

Tác giả Jacques Mistral đã bày tỏ nỗi lo sợ. Sợ cuộc khủng hoảng sẽ thô bạo quay lại từ năm 2014, do Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ chấm dứt chính sách tiền tệ hiện nay, gây ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi. Sợ một tình trạng bất ổn kéo dài giữa nước xuất siêu và nhập siêu, mặc cho sự tự do lưu chuyển vốn chưa từng thấy từ một thế kỷ qua.
Tác giả còn sợ căng thẳng tăng lên trong quan hệ quốc tế : từ nay đến năm 2030 có thể xấu đi khi Trung Quốc từ chối mua trái phiếu ngân khố Mỹ. Để phản ứng lại, Hoa Kỳ có thể tuyên bố vỡ nợ, mở ra một cuộc đối đầu về địa chính trị…Qua những kịch bản viễn tưởng trên, cuốn sách nêu ra những nguy hiểm của một cuộc chiến tranh tiền tệ, mà việc hợp tác quốc tế không đầy đủ có thể gây ra.
Khi Đệ nhất Thế chiến nổ ra, ưu thế của Anh về hàng hải và thuộc địa cùng với thị trường tài chính đã yếu đi, bị cạnh tranh bởi một nước Đức đang vươn lên và sự cất cánh kinh tế của Hoa Kỳ. Tuy vậy đồng đô la Mỹ chỉ trở thành cột trụ của hệ thống tài chính thế giới thông qua hiệp định Bretton Woods từ năm 1944.
Jacques Mistral nhấn mạnh, cho dù thoát ra khỏi khủng hoảng năm 2008 với cái giá phải trả là hàng loạt biện pháp tiền tệ và ngân sách, quyền lực của Hoa Kỳ đang đi xuống. Trước hết là sự ra đời của đồng euro giúp có thêm một lựa chọn thay thế đồng đô la, cho dù liên minh tiền tệ này còn lỏng lẻo.
Nhưng nhất là trong những năm tới, Trung Quốc sẽ chính thức vượt qua Hoa Kỳ về tổng sản phẩm nội địa. Tuy nhiên với dân số đông gấp năm lần, và khoảng cách về công nghệ cũng như chiến lược không thể ngày một ngày hai được lấp đầy ! Và Bắc Kinh không muốn thả nổi đồng nhân dân tệ lâu dài.
Hai cường quốc này trở nên lệ thuộc vào nhau, nhưng quan hệ đôi bên lại bất xứng. Theo phân tích của tác giả, người ta không thể điều chỉnh chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, vì trên thực tế có sự hiện diện của nhiều chủ nghĩa tư bản. Chẳng hạn tại Trung Quốc, dưới dạng một « nền kinh tế cộng sản theo xu hướng thị trường ». Các quốc gia mới nổi, không thuần nhất về chính trị, kinh tế hay xã hội, không chỉ bước vào cạnh tranh về kinh tế giữa họ với nhau hay với các nước phát triển, mà là các hệ thống giá trị bước vào cạnh tranh.
Một khi vẫn thống trị trật tự quốc tế cho dù tương đối, và giữ quyền phát hành đồng tiền dự trữ thế giới, Hoa Kỳ tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng theo một số tác giả như Antoine Brunet, người viết cuốn « Đích nhắm bá chủ của Trung Quốc – đế quốc kinh tế » và François Langlet, tác giả cuốn « Cuộc chiến giữa các đế quốc – Trung Quốc đối đầu với Hoa Kỳ », thì sự đối kháng giữa Bắc Kinh và Washington đã bắt đầu từ lâu.
Các nhà phân tích có óc thực tế khuyến cáo Ngân hàng Trung ương châu Âu không nên để đồng euro trở thành kẻ bại trận trong cuộc chiến tiền tệ này, mà nên tiến hành một chính sách linh hoạt cho đồng tiền chung trên thị trường.
Cuốn sách của tác giả Jacques Mistral còn đặt vấn đề một hiệp ước hòa bình để chấm dứt leo thang chiến tranh tiền tệ. Nhiều nhà kinh tế đưa ra các đề nghị cơ cấu lại hệ thống tài chính quốc tế như quản lý luồng vốn hay đánh thuế các giao dịch tài chính. Năm 2010, giải Nobel kinh tế 2001 Joseph Eugene Stiglitz đã gởi báo cáo lên Liên Hiệp Quốc đề nghị cải cách tài chính.
Nhưng chính những người lãnh đạo mới là người quyết định. Jacques Mistral có vẻ đòi hỏi khá nhiều : ông hy vọng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có đầy đủ quyền lực như cái tên của tổ chức này đã gợi lên. IMF có thể phát hành một đồng tiền quốc tế được tính toán dựa theo một rổ tiền tệ, và hội đồng quản trị của định chế này bao gồm bộ trưởng Tài chính các nước G20.
Các cường quốc kình địch như Trung Quốc và Hoa Kỳ với các hệ thống chính trị và kinh tế quá khác nhau, liệu có thể thỏa thuận được để cùng hợp tác chia sẻ một ưu tiên mà lâu nay chỉ dành cho đồng đô la ? Tác giả cho rằng người ta có thể ngẫm nghĩ…và nghi ngờ khả năng này.
Flappy Bird làm nóng thị trường smartphone chợ đen
Liên quan đến Việt Nam, trang mạng của Le Figaro viết về trò chơi « Flappy Bird làm nung nóng thị trường chợ đen điện thoại thông minh ». Bài viết cho biết, chỉ vài ngày sau khi tác giả Nguyễn Hà Đông rút trò chơi đang ăn khách này xuống, thị trường chợ đen trên mạng đã trở nên hết sức sôi nổi.
Trên trang eBay, hàng chục loại điện thoại thông minh và máy tính bảng đã cài đặt trò chơi Flappy Bird được rao bán, với cái giá cao ngất ngưởng. Một số được bán với giá trên trời, như chiếc iPhone 4S bán giá 4.550 đô la, hay một chiếc iPad mini giá 3.000 đô la. Trên trang leboncoin.fr, một cư dân mạng bán chiếc Samsung Galaxy Note 3 có cài trò chơi này với giá 2.500 euro, một người khác bán chiếc iPhone 5S giá 2.000 euro. Có nghĩa là từ 150% đến 1.500% giá trị lúc mua mới.
Các trang mạng bán hàng cố gắng tránh những vụ lừa đảo : một mẩu rao vặt bán chiếc iPad mini giá 35.000 đô la đã bị eBay rút xuống. Tuy vậy số rao vặt liên tục tăng lên, cho đến chiều qua chỉ riêng Paris và vùng phụ cận đã có trên 230 sản phẩm được rao bán. Dù giá bán đôi khi quá sức tưởng tượng, cũng có những fan của chú chim vỗ cánh này sẵn sàng mở rộng hầu bao. Trên eBay, một chiếc iPhone 5 có cài Flappy Bird đã được bán đi với giá trên 5.000 đô la.

Airbus : Thị trường hàng không Việt Nam thuộc loại năng động nhất châu Á
Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos đầy phấn khởi trước việc « Airbus thắng lợi ở hội chợ hàng không Singapore ». Bài báo nhấn mạnh, tập đoàn châu Âu đã giành được hai hợp đồng lớn : 20 chiếc A380 do công ty cho thuê máy bay Doric của Mỹ đặt mua, và đơn đặt hàng gần 100 chiếc A320 từ công ty VietJetAir còn non trẻ của Việt Nam (63 chiếc mua hẳn, 30 chiếc để ngỏ khả năng và 7 chiếc thuê).
Tại châu Á, năm 2013 Airbus đã giành được đến 82% số hợp đồng tính theo số máy bay (379 chiếc) và 68% nếu tính về giá trị (51,8 tỉ đô la). Nếu những chiếc phi cơ Airbus chỉ mới chiếm một phần tư trong số máy bay của các hãng hàng không châu Á, thì số đơn đặt hàng từ châu Á cho Airbus nay đã chiếm một phần ba với trên 1.700 chiếc máy bay phải sản xuất.
Tổng giám đốc Airbus, ông Fabrice Brégier nhận xét về tiềm năng của châu Á hiện tại và trong những thập kỷ tới : « Nếu giao thông hàng không thế giới tiếp tục tăng trung bình 4% một năm trong vòng 20 năm tới, thì tăng trưởng hàng không châu Á sẽ đạt đến 6% thậm chí 10% một năm tại các khu vực năng động nhất như Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng giao thông hàng không châu Á còn sẽ lớn mạnh hơn nữa ».
Trong số các động cơ tăng trưởng có thể kể hàng không nội địa Trung Quốc, mà trong những năm tới có thể vượt qua Mỹ. Kế đến là việc các công ty hàng không giá rẻ mọc lên như nấm tại Đông Nam Á như VietJetAir. Những công ty được biết đến nhiều nhất là Air Asia của Malaysia và Lion Air của Indonesia.
Chìa khóa cho sự thành công của Airbus là gì ? Theo Les Echos, đó là do biết đặt trọng tâm vào những khuôn mặt hầu như chưa được ai biết đến như Tony Fernandes, người sáng lập Air Asia hay Rusdi Kirana của Lion Air. Và bây giờ là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người đồng sáng lập đầy bí hiểm của VietJetAir, không nói được một từ tiếng Anh nào. Công ty hàng không tư nhân Việt Nam chỉ sau hai năm hoạt động đã đặt hàng mua máy bay Airbus với giá trị lên đến 7,9 tỉ đô la.
Xã hội dân sự làm thay đổi bộ mặt thế giới
Trên lãnh vực xã hội, nhật báo công giáo La Croix trong bài « Xã hội dân sự làm thay đổi bộ mặt thế giới » đề cập đến một công trình nghiên cứu về sự năng động của xã hội dân sự tại hơn 40 quốc gia. Được quá trình toàn cầu hóa đẩy lên hàng đầu, xã hội dân sự đã xoay chuyển được nhiều điều, từ đấu tranh chống bất bình đẳng ở châu Mỹ la tinh cho đến Mùa xuân Ả Rập.
Ông Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (Iris) tham gia công trình nghiên cứu này nhận xét : « Xã hội dân sự dần có thực lực, biểu lộ ý chí và và không còn để bị chính phủ áp đặt. Đó là một cuộc cách mạng chiến lược chủ chốt…Sức mạnh của xã hội dân sự hiện nay rất lớn so với hai mươi hay ba mươi năm trước. Ấn tượng nhất là xã hội dân sự đã phá vỡ sự độc quyền thông tin của chính phủ tại tất cả các nước, ngoại trừ Bắc Triều Tiên ».
Theo công trình nghiên cứu trên, sự huy động của xã hội dân sự không liên quan đến mức độ tương đối cao về chỉ số phát triển con người. Rất năng động tại các quốc gia mà cộng đồng gắn kết với nhau, xã hội dân sự trỗi dậy khó khăn hơn tại những nước thiếu vắng các quyền tự do dân sự và chính trị : Trung Quốc và Algérie, hai nước đàn áp tự do công dân đứng cuối bảng.
La Croix cho rằng, thử thách hiện nay là trường cửu hóa các dạng huy động mới đột xuẩt và không chính thống, như các cuộc biểu tình ở Brasil năm 2013, Mùa xuân Ả Rập hay phong trào phản kháng tại Ukraina. Và chứng minh rằng xã hội dân sự có thể thực sự làm thay đổi khuôn mặt thế giới.
 http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140213-chien-tranh-tien-te-my-trung

 
Bảo đảm ổn định tài chính và tiền tệ cho nước Mỹ
Tân Thống đốc Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, Janet Yellen - REUTERS /Robert Galbraith
Tân Thống đốc Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, Janet Yellen - REUTERS /Robert Galbraith
Thanh Hà
Giới hạn chính sách tiền tệ mà không làm phương hại đến tăng trưởng, tiêu thụ và đầu tư. Đó là trọng trách lớn nhất của tân Thống đốc ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, Janet Yellen. Ngày 02/02/2014 bà tuyên thệ nhậm chức, trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Cục dự trữ liên bang của nền kinh tế số 1 thế giới. Cùng lúc thị trường chứng khoán Mỹ tuột giá rất mạnh. Các thị trường Á Châu rồi Âu Châu cũng theo nhau sụt giá.
Sau gần bốn năm làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Dự Trữ Liên Bang, tức là hệ thống Ngân hàng Trung ương của Mỹ, kinh tế gia Janet Yellen lên thay thế thống đốc Ben Bernanke. Đâu là những thách thức đang chờ đợi Thống đốc Janet Yellen trước vấn đề kinh tế của nước Mỹ và của toàn cầu vì ảnh hưởng rất lớn của Hoa Kỳ đối với các nền kinh tế khác trên thế giới ?
Liên tục điều hành Ngân hàng trung ương Mỹ trong hai nhiệm kỳ từ năm 2006 đến cuối 2013, khi khủng hoảng tài chính bùng nổ vào mùa thu năm 2008, ông Bernanke đã bằng mọi giá tránh để Hoa Kỳ không rơi vào kịch bản của cuộc Đại khủng hoảng 1929. Chính sách tiền tệ Fed trong hơn 5 năm qua tập trung vào việc tung tiền ra mua vào công khố phiếu để các ngân hàng có thanh khoản dễ cấp tín dụng cho tư nhân với lãi suất rẻ.
Giờ đây, khi kinh tế của Hoa Kỳ có dấu hiệu phục hồi Cục dự trữ liên bang ‘siết lại’ chính sách tiền tệ tránh để xảy ra lạm phát. Bà Yellen, lên lãnh đạo Ngân hàng trung ương Mỹ ở giai đoạn này và nhiệm vụ của bà sẽ phúc tạp hơn bởi nhiều lý do :
Thứ nhất ngay trên chính trường Mỹ quan hệ giữa Cục dự trữ liên bang với bên Hạ viện tương đối khá phức tạp và có những bất đồng về tác động của việc ‘siết chặt’ chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng của Hoa Kỳ vào thời điểm nước Mỹ chuẩn bị bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2014.
Khó khăn thứ nhì đặt ra đối với bà Yellen, là liệu kinh tế và thị trường lao động ở Mỹ đã thực sự được cải thiện một cách vững vàng hay chưa để Hoa Kỳ có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ như mong muốn. Bên cạnh đó, thách thức thứ ba đặt ra cho tân lãnh đạo Ngân hàng trung ương Mỹ là làm thế nào để tìm được một thế cân bằng, giữa hai mục tiêu : một là phải tăng lãi suất để đề phòng nguy cơ lạm phát và đe dọa bong bóng tài chính tiềm tàng. Thế nhưng mục tiêu nhứ nhì là việc tăng lãi suất đó không được gây trở ngại cho đầu tư và tiêu thụ.
Sau cùng về mặt đối ngoại, tân thống đốc của Fed sẽ phải thận trọng trước những tác động dây chuyền từ chính sách tiền tệ của Mỹ đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là với các nền kinh tế đang trỗi dậy. Về điểm này RFI Việt ngữ mời chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California, Hoa Kỳ giải thích thêm.
Nguyễn Xuân Nghĩa : Nền kinh tế Hoa Kỳ gặp những bài toán bất thường, có lẽ từ 30 năm hay thậm chí 80 năm mới thấy một lần, nên bị suy trầm nặng và thất nghiệp cao. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương Mỹ phải có những giải pháp bất thường sau khi các biện pháp tăng chi để kích thích sản xuất đều thất bại. Giải pháp ta gọi là bất thường này gồm có hạ lãi suất tới gần số không và vì chưa công hiệu nên ba lần bơm tiền vào kinh tế qua thủ thuật gọi là "quantitative easing" hay tăng mức lưu hoạt có định lượng.
Lần thứ nhất là vào Tháng 10 năm 2008, lần thứ hai là Tháng 10 năm 2010 và lần thứ ba là vào Tháng Chín năm 2012. Nói dễ hiểu, biện pháp gọi là in bạc bơm tiền có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Mỹ mua vào công khố phiếu và chứng phiếu có bảo đảm và trả bằng tiền được bút ghi trong sổ để các ngân hàng có thanh khoản dễ cho vay với lãi suất rẻ.
Tổng cộng thì khoảng ba ngàn tỷ Mỹ kim được bơm ra như vậy từ cuối năm 2008. Và lần thứ ba vào năm 2012 Ngân hàng Trung ương Mỹ còn nói trước là mỗi tháng bơm ra 85 tỷ đô la để kích thích kinh tế cho tới khi thất nghiệp giảm đến mức 6,5%.... Nói vắn tắt lại, Ngân hàng Trung ương Mỹ áp dụng chính sách in tiền cho nhiều và cho rẻ để kích thích kinh tế.
Khi kinh tế Mỹ đã phục hoạt khá hơn thì từ Tháng Năm năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo là sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ cho tinh tế hơn. Ta hiểu là tùy tình hình khả quan của kinh tế thì việc điều chỉnh này để trở về trạng thái bình thường gồm có ba việc, thứ nhất là giảm đà bơm tiền, thứ hai là nâng lãi suất lên khỏi số không hiện nay và thứ ba là thu lại lượng tiền đã bơm ra.
Tôi nghĩ rằng sau năm năm bơm tiền thì khi thu hồi lại một lượng tiền lên tới ba ngàn tỷ đô la, nước Mỹ sẽ phải mất chục năm. Sau những biện pháp bất thường, việc bình thường hóa này là trách nhiệm khá nặng nề của Thống đốc Janet Yellen trong những năm tới.
RFI : Vì sao khi Mỹ thông báo chuyện điều chỉnh đó từ năm ngoái thì các thị trường tài chính trên thế giới lại bị chấn động nặng ? Việc nước Mỹ thu hồi lại biện pháp bơm tiền căn cứ trên tình hình kinh tế Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng ra sao đến thế giới ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Trong câu chuyện rắc rối này, chúng ta có ba vấn đề khác nhau mà lại chòng chéo với nhau nên hơi khó hiểu và tôi sẽ cố trình bày lại cho đơn giản. Thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ chỉ giảm dần lượng tiền bơm ra và nâng lãi suất khi kinh tế tăng trưởng mạnh và thất nghiệp trở lại mức 6,5%. Nhưng con số 6,5% này là thiếu chính xác và thật ra có thể đạt được qua thống kê Bộ Lao Động công bố hôm Thứ Sáu đầu tháng. Nó thiếu chính xác vì có cả chục triệu người đã nản chí chẳng muốn kiếm việc nữa nên không được kể là thất nghiệp, chứ số thất nghiệp thật, gồm những ai muốn tìm việc toàn thời mà không ra, có thể vẫn ở mức 13%.
Vì vậy, Ngân hàng Trung ương khó quyết định là có nên giảm mức can thiệp hay chăng. Tuần qua, khi có chỉ dấu cho thấy kinh tế chưa khả quan thì thị trường Mỹ đã sụt giá mạnh đúng lúc bà Yellen đang tuyên thệ nhậm chức Thống đốc. Nói cho nôm na thì Thống đốc Mỹ vừa phải chuẩn bị đạp thắng tức là giảm mức bơm tiền, nhưng có khi lại phải tống ga, tức là vẫn bơm tiền thay vì đã giảm hai lần mỗi lần 10 tỷ đô la vào đầu Tháng 12 và cuối Tháng Giêng vừa qua.
Thứ hai, khi tiền tại Mỹ bơm ra quá nhiều và quá rẻ như vậy, một hậu quả trực tiếp là Mỹ kim mất giá, hàng Mỹ dễ xuất cảng và đồng bạc của các xứ khác lên giá so với Mỹ kim nên khó bán hơn. Khi ấy, nhiều nước đã than là Mỹ mặc nhiên phá giá đồng bạc để thoát hiểm, tức là gây ra một trận chiến hối đoái. Nhưng, tiền Mỹ nhiều và rẻ như vậy cũng lại chẩy qua xứ khác, là lượng tư bản nóng tràn vào các thị trường tài chánh bên ngoài.
Tùy hoàn cảnh từng nơi, các nền kinh tế gọi là mới nổi hay đang lên, đều gặp ảnh hưởng của biện pháp Hoa Kỳ. Nếu lệ thuộc vào xuất cảng thì khó cạnh tranh hơn vì đồng bạc lên giá, mà nhập cảng lại rẻ hơn và dễ bị thiếu hụt ngoại tệ. Nếu có thị trường tài chánh đủ sâu rộng thì vay được tiền Mỹ với giá hời để làm ăn có lời bằng nội tệ của mình trong thị trường của mình.
Thứ ba là ngày nay, khi Hoa Kỳ thu hồi dần biện pháp bơm tiền và còn có thể tăng lãi suất thì mọi chuyện đều đảo lộn và sẽ gây chấn động cho các nước đang lên. Đầu tiên, tư bản nóng từ Mỹ tràn vào các thị trường đầu tư tài chính để kiếm lời cho nhiều cho nhanh nay sẽ rút khỏi các thị trường đó. Chúng ta đã thấy chuyện này trong vụ khủng hoảng tại Mexico năm 1994 hay tại Đông Á và Liên bang Nga năm 1997.
Trong khi ấy, dù tiền Mỹ có lên giá thì kinh tế Mỹ ngày nay lại ít lệ thuộc hơn vào nhập cảng nên các nước sống nhờ xuất cảng hàng hóa vào Mỹ vẫn chẳng có lợi như trước dù đồng bạc và hàng hóa của họ có trở thành rẻ hơn. Sau cùng, nhóm các nước gọi là đang lên hiện có quá nhiều vấn đề nội tại và có thể bị suy trầm kinh tế. Đúng lúc đó thì lại bị những chấn động về tài chánh và ngoại hối từ Hoa Kỳ nên rất dễ bị khủng hoảng. Đây là ta chưa nói đến hoàn cảnh cũng đầy bất trắc của kinh tế Âu Châu, Nhật và nhất là Trung Quốc.
RFI: Sau khi đã bơm ra đến 3000 tỷ trong 5 năm, Hoa Kỳ mới chỉ bắt đầu giảm lượng tiền bơm ra là 10 tỷ đô la một tháng, nghĩa là vẫn là một số tiền rất nhỏ. Thế thì vì sao lại gây chấn động lớn như vậy ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ tháng 9/ 2012, mỗi tháng Mỹ bơm ra 85 tỷ đô la, có thể là 60% lượng tiền này đã chảy qua làm giàu cho xứ khác. Từ đầu 12/2013, Mỹ chỉ bơm ra 75 tỷ, là giảm 10 tỷ, và đến ngày 29/01/2014 thì quyết định giảm thêm 10 tỷ cho đến kỳ họp tới của Ủy ban Chính sách Tiền tệ FOMC do bà Yellen lần đầu tiên chủ tọa vào ngày 12/03/2014.
Số tiền một tháng 10 tỷ đó quả là không nhiều, nhưng mà lại hơn tổng số tư bản hàng tháng vẫn trút vào hai nước láng giềng là Canada và Mêhicô, hay vào bảy nước đang lên như Ấn Độ, Brazil, Chilê, Indonesia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina. Điều ấy mới cho thấy ảnh hưởng rất lớn của Hoa Kỳ.
Trở về chuyện Mỹ, Ngân hàng Trung ương có hai nhiệm vụ kinh tế chính là bảo đảm ổn định tiền tệ, là ngăn ngừa lạm phát, và yểm trợ khả năng nhân dụng tức là giảm trừ thất nghiệp. Thống đốc Janet Yellen phải thi hành hai nhiệm vụ này cho quyền lợi của dân Mỹ. Sáu tháng một lần, bà chủ tọa Ủy ban FOMC để duyệt xét tình hình kinh tế tài chính và cùng quyết định về mức lãi suất căn bản lẫn lượng tiền bơm ra hay sẽ thu vào.
Lượng tiền đó thật ra rất lớn và trong nền kinh tế toàn cầu hóa thì nó chảy vào những nơi có lời nhất khi lãi suất tại Mỹ được duy trì quá thấp. Nếu kinh tế hồi phục, thất nghiệp giảm và lạm phát sẽ là vấn đề thì lãi suất tại Mỹ sẽ tăng, cho vay tại Mỹ có lời hơn và tiền sẽ chảy về Hoa Kỳ, với số lượng có thể làm nhiều nước khốn đốn.
Luân lý trong câu chuyện kinh tế có ba góc này này là khi mượn đòn bảy của Hoa Kỳ để giải quyết nhu cầu của mình thì từng nước cũng phải liệu sức vì đòn bẩy đó không bền. Khi muốn đầu cơ tài chính để kiếm lời cho nhanh hoặc vay ngắn hạn để tài trợ dài dạn, các nước đang lên sẽ mắc họa trong mấy năm tới, mỗi nước theo một cách. Và trách nhiệm không tùy thuộc vào một bà Mỹ mà vào giới lãnh đạo và nhà đầu tư của các nước này.
RFI : Câu hỏi cuối : hai nhiệm kỳ của Chủ tịch Ben Bernanke có gì là nổi bật ? Ta sẽ đánh giá thế nào về thành tích của một kinh tế gia từng là chuyên gia về vụ tổng khủng hoảng thời 1929-1933 tại Hoa Kỳ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có nhiều nguồn dư luận phê phán trái ngược về thành quả tám năm của ông Bernanke, nói chung thì không mấy hài lòng. Tôi thiển nghĩ rằng ông ta lãnh một hậu quả tích lũy từ ba chục năm. Khi khủng hoảng bùng nổ thì nước Mỹ bị phá sản về chính trị vì bầu lên một chính quyền chỉ chú trọng đến cải tạo xã hội hơn là cải tiến kinh tế nên thất bại với giải pháp tăng chi và gây bội chi kỷ lục. Khi ấy chỉ còn Ngân hàng Trung ương là định chế cứu vãn cuối cùng với giải pháp quá bất thường là in bạc quá nhiều và giữ lãi suất thấp quá lâu.
Hậu quả chung là giới có tiền đầu tư thì làm giàu gấp bội trên thị trường tài chính mà người sống nhờ đồng lương đi làm lại chẳng khá hơn vì cơ chế kinh tế không cải cách sau những thay đổi quá lớn. Bà Janet Yellen có ông chồng là Giáo sư đã đoạt giải Nobel Kinh tế từ năm 2001, nếu giải quyết thành công việc bình thường hóa kinh tế với bài toán xã hội quá nghiêm trọng của Hoa Kỳ thì bà Yellen cũng xứng đáng được Nobel! Trong khi chờ đợi, thế giới nên tự chuẩn bị cho rất nhiều sóng gió khi kinh tế Mỹ đã vữngmạnh hơn và thủy triều rut về Hoa Kỳ.


 http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140213-chien-tranh-tien-te-my-trung

No comments:

Post a Comment