Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 6 May 2014

HOÀNG MAI ** DÀN KHOA TRUNG CỘNG

Dàn khoan HD-981 và những bước tính của Bắc Kinh

Hoàng Mai 
Nói về tham vọng của Trung Quốc, thì cả thế giới đều biết, Trung Quốc muốn thống trị thế giới. Tuy nhiên, việc muốn là một chuyện, còn khả năng để thực hiện lại là vấn đề khác.
Có lẽ, trong thế kỷ 21 này, để thực tế hơn, Bắc Kinh chỉ mới nghĩ đến một nửa Thái Bình Dương (Thái Bình Dương). Chính vì vậy, trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 6/2013, trong cuộc tiếp kiến với Tổng thống Barak Obama, Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nói: “Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc”. 

1. Trung Hoa, một dân tộc bất hạnh
Nhân dân Trung Quốc đang bắt buộc phải tôn thờ Mao Trạch Đông, một “nhà lãnh đạo đã giết chết số lượng nhân dân lớn nhất trong lịch sử, tổng cộng là 77.000.000 người, vượt xa người đứng thứ hai là Joseph Stalin với 43.000.000 người”. Rõ ràng, một dân tộc đang phải tôn thờ con người như thế là một dân tộc bất hạnh.
Để vớt vát danh dự cho Mao và lý do để việc thờ Mao phần nào được chính danh, Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh giá công trạng của Mao bằng việc thống nhất Trung Hoa và “mở mang bờ cõi” (xâm lược Tây Tạng, Ấn Độ, Ngoại Mông, Hoàng Sa, Trường Sa, lấn biên giới đất liền với các nước xung quanh…). Tuy nhiên, sự bất ổn hiện nay ở Tân Cương, Tây Tạng lại đang là nguy cơ làm tan rã Trung Quốc. Hàng năm, Trung Quốc chi phí để ổn định nội địa còn hơn cả chi phí quốc phòng. Liệu Trung Quốc có thống nhất và ổn định lâu dài? (Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ và các nước dân chủ phương Tây, một mặt về ngoại giao vẫn công nhận “một Trung Quốc”, nhưng vẫn công nhận và tiếp kiến thủ lĩnh Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng?! Rõ ràng, vẫn còn hy vọng độc lập đối với các dân tộc Tân Cương, Tây Tạng).
clip_image001
Đường ra phía Tây Thái Bình Dương của Trung Quốc đã bị Nhật Bản, một cường quốc hàng đầu thế giới chặn lại. Lịch sử như không chiều lòng người Hán. Nguồn: Đời sống và Pháp luật
Mặc dù có tham vọng chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ, nhưng lịch sử nhân loại như có con đường đi riêng của nó. Bản đồ châu Á-Thái Bình Dương cho thấy, toàn bộ cửa ra phía Tây Thái Bình Dương của Trung Quốc, ở ngả Đông Bắc Á, đã bị Nhật Bản một cường quốc hàng đầu thế giới chặn lại. Người Nhật đã xác định rằng nếu để Trung Quốc chiếm được Senkaku, thì rồi sẽ dần mất luôn cả quần đảo Okinawa ở phía Nam. Chính vì vậy, không bao giờ Trung Quốc thực hiện được mưu đồ chiếm Senkaku và do đó, không bao giờ Trung Quốc ra được Tây Thái Bình Dương theo ngả Nhật Bản.
Mặc dù hung hăng thành lập “Đường nhận dạng phòng không-ADIZ” ở Đông Bắc Á (biển Hoa Đông), nhưng Bắc Kinh cũng chỉ dám “ôm” Senkaku mà thôi, còn xa mới với đến quần đảo Okinawa của Nhật. Vậy thì lấy đâu ra con đường ra Tây Thái Bình Dương và muốn đến Hawaii của Mỹ và “chia đôi Thái Bình Dương”!
2. Tại sao Bắc Kinh lại đưa giàn khoan HD-981 ra Biển Đông ở thời điểm này?
Trong bài “Vì sao Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào Biển Đông?”, Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, cho biết:
“Việc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông tại thời điểm này cho thấy Trung Quốc đã có một sự tính toán rất kỹ. Đây là thời điểm cả Mỹ và Nga đang tập trung vào Ukraine.
Ngoài ra, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông còn có tác động lớn từ Hoa Kỳ. Cụ thể, trong các chuyến đi thăm Trung Quốc vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Nhật Bản theo Hiệp định an ninh Mỹ-Nhật ký năm 1960. Đặc biệt là chuyến công du 4 nước châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ, ông Obama đã tuyên bố Mỹ sẵn sàng bảo vệ đồng minh Nhật Bản về an toàn lãnh thổ trong đó có cả quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư). Khi đã lật bài ngửa như vậy, Trung Quốc sẽ chưa dám làm gì ở Senkaku trong khi trước đó, Mỹ không có thái độ rõ ràng về vấn đề này.
Trung Quốc chỉ nắn gân từng nước nhưng trước thái độ rõ ràng như vậy của Mỹ, Trung Quốc sợ và không dám động đến Nhật Bản và Mỹ. Và khi không dám động đến Mỹ và Nhật Bản thì Trung Quốc quay ra Biển Đông.
Bản chất của Trung Quốc không thay đổi, luôn muốn làm bá chủ Biển Đông”.
Theo người viết bài này, nhận xét trên đây của Thiếu tướng Lê Văn Cương là đúng, tuy nhiên mới chỉ là “yếu tố bên ngoài”; ngược lại, quan hệ hai nước Việt-Trung, mới là nguyên nhân chính. Lý do quan trọng nhất để Bắc Kinh hành động ở thời điểm này là Việt Nam đã phụ thuộc sâu vào Trung Quốc ở hầu hết các lĩnh vực then chốt, gồm: kinh tế, chính trị, ngoại giao. Từ sau hội nghị Thành Đô (1990), Bắc Kinh đã khéo léo buộc Việt Nam phải phụ thuộc gần như hoàn toàn. Biết rằng, bán tài nguyên thô là tàn phá đất nước, trước sau rồi cũng sụp đổ, nhưng tại thời điểm này, nếu không khai thác bán cho Trung Quốc, thì kinh tế Việt Nam sẽ hết sức khó khăn. Hiện tại, Việt Nam không có bất cứ một cơ hội để đáp trả hoặc làm trái ý Bắc Kinh, ngoài việc chiếu lệ phản đối qua phát ngôn trên truyền hình, báo chí.
3. Bước ngoặt và sai lầm lịch sử
Ngay sau khi báo petrotimes.vn, vào tối ngày 04.5.2014 đưa tin: “Trung Quốc ngang ngược kéo giàn khoan khổng lồ vào vùng biển Việt Nam”, thì cộng đồng mạng Internet Việt Nam đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ. Sự kiện này nhìn từ phía Trung Quốc, có thể xem là bước ngoặt lịch sử trong việc “hiện thực hóa” cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã trình Liên Hợp Quốc cách đây đúng 5 năm (07.5.2009-07.5.2014), có thể được ví như sự kiện Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma vào ngày 14.3.1988. 
Ngày 04.5.2014, báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi: “Trung Quốc định xây dựng sân bay trái phép trên đảo Gạc Ma?”. Thật dễ hiểu, Trung Quốc đã và đang hút cát, xây tường bao và biến Gạc Ma thành một tàu sân bay thực thụ, làm tiền đề khống chế và xâm lược Trường Sa trong tương lai. (Tại cảng Vũng Áng, dân Hà Tĩnh cho biết, Trung Quốc dùng tàu hút cát đắp lấn biển rộng thêm 300 ha (theo quy hoạch), chỗ đắp sâu nhất là 15 m; tạo luồng cho tàu ngầm có thể vào khu vực này được, những đường hầm mà ô tô tải hai chiều chạy băng băng như báo chí đưa tin, cho ta khẳng định hệ thống ngầm ở khu vực Vũng Áng ở trong đất liền và ngoài biển là rất khó tưởng tượng). Như vậy, tại Trường Sa, việc hút cát là vừa đắp làm sân bay, vừa tạo luồng cho tàu cỡ lớn, kể cả tàu ngầm vào được. Nếu nhớ rằng Trung Quốc dự tính đầu tư 5 tỷ USD để xây căn cứ quân sự ở Trường Sa thì không có gì là khó hiểu cả.
Một lần nữa, cùng với việc để mất Gạc Ma hơn 25 năm trước, và để Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đến gần 150 km, đây là một thất bại mang tính lịch sử của Việt Nam. 
clip_image003
Theo thông tin của Hải quân Việt Nam, Trung Quốc đang huy động nhiều phương tiện, thiết bị để mở rộng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma, thuộc cụm đảo Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Họ đang nạo xúc đá san hô, mở một luồng lớn cho tàu vào đảo, đồng thời đổ cát tạo thành một bãi nổi dài 500m, rộng 200, cao 4-5m. Nguồn: FB Nguyễn 
Văn Đài
clip_image004
Để Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đến gần 150 km, là một thất bại mang tính lịch sử của Việt Nam. Nguồn: petrotimes.vn
Có thể nói, sự kiện ngày 04.5.2014, Trung Quốc cho đặt giàn khoan HD-981 vào sâu đến 89 hải lý (148 km), phía trong đường đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, họ đã thực hiện được các mục tiêu:
1. Họ xâm lược Việt Nam không cần súng đạn; tạo tiền lệ để từng bước thực hiện ở các nơi khác, tiến đến thực hiện đầy đủ theo “đường lưỡi bò”.
2. Họ nắm chắc được rằng Việt Nam chỉ phản đối chiếu lệ mà không kiện ra tòa án quốc tế, hoặc không tuyên bố dùng giải pháp quân sự để buộc Trung Quốc rút lui, có nghĩa là Việt Nam đã chấp nhận đầu hàng để mất vùng biển tại khu vực giàn khoan HD-981 hạ thủy (tọa độ 15 độ 29’58” vĩ Bắc-111độ 12’06” kinh Đông) trở ra đường 200 hải lý.
3. Bắc Kinh sẵn sàng và đã xé bỏ các công ước quốc tế về biển (ngược lại, đây là điểm yếu mà Bắc Kinh không biện minh được, và các nước có cơ sơ để kiện và người Mỹ có lý do để can thiệp).
4. Đâu là hy vọng cho người Việt
Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam lại trớ trêu và đen tối như hiện nay. Mặc dù vậy, không bao lâu nữa, giai đoạn này sẽ qua đi, và cơ hội để giành lại những gì đã mất ngoài Biển Đông vẫn chưa phải là hết đối với người Việt. Bởi vì hành động của Trung Quốc là hành động xâm lược, chà đạp lên luật pháp và công ước quốc tế.
Nếu như Trung Quốc không có đường ra Tây Thái Bình Dương ở ngả Nhật Bản, thì Trung Quốc cũng không có đường ra ở ngả Đông Nam Á, bởi vì, vì sự sống còn của mình, người Việt được sự trợ giúp quốc tế sẽ lại vùng lên. Và như vậy, Việt Nam và Nhật Bản, là hai quốc gia sẽ chặn đường ra biển của Trung Quốc, trong mưu đồ bá chủ đại dương của họ. 
Không chỉ bị thế giới đề phòng, sự bất ổn hiện nay ở Tân Cương, Tây Tạng trong nội địa Trung Quốc, lại đang là nguy cơ làm tan rã Trung Quốc. Một thể chế chính trị mà các quan tham nhũng bằng nhiều cách để vơ vét, để rồi sau đó thi nhau chạy trốn ra nước ngoài sinh sống, thì thể chế đó chắc chắn sẽ sụp đổ. Biết được nguy cơ ngày, Tập Cận Bình đã rất mạnh tay trong việc chống tham nhũng (gọi là “đập ruồi, đả hổ”), nhưng còn duy trì chế độ cộng sản thì ông ta nhất định sẽ thất bại.
Hơn lúc nào hết, người Việt hãy tìm cho mình một hướng đi trước Bắc Kinh, để tránh một sự sụp đổ như đã được báo trước.
05.5.2014
H. M.

No comments:

Post a Comment