Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 11 May 2014

TRẦN VINH DỰ ** BIỂN ĐÔNG

Blog / Trần Vinh Dự

Chuyện Biển Đông: Muốn thắng Goliath thì cần David

CỠ CHỮ
Vụ việc liên quan đến giàn khoan HD981 mấy ngày gần đây đã trở thành điểm nóng ở Việt Nam, kể cả trên báo chí chính thức lẫn trên các diễn đàn và mạng xã hội. Theo nhiều nguồn tin từ phía báo chí trong nước và phía Trung Quốc, có thể tổng hợp lại đại khái như sau:

Ngày 01/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam (VN) phát hiện giàn khoan dầu khí Hải dương 981 (HD981) và 03 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc (TQ) di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN) xuống phía Nam.Đến 16 giờ ngày 02/5/2014, giàn khoan HD981 neo đậu tại phía Nam đảo Tri Tôn cùng khoảng 27 tàu bảo vệ, và trong các ngày tiếp theo TQ tiếp tục huy động thêm tàu bảo vệ đến khu vực này.

Ngày 03/5/2014, trang mạng của Cục Hải sự TQ đăng thông tin cảnh báo hàng hải số 14033, thông báo: Từ ngày 02/5 - 15/8/2014, giàn khoan HD981 sẽ tiến hành khoan thăm dò trong vùng biển có bán kính 01 hải lý tính từ khu vực trung tâm có tọa độ 15029’58” vĩ Bắc - 111012’06” kinh Đông, cấm mọi phương tiện đi vào khu vực này.

Ngày 05/5/2014, Cục Hải sự TQ tiếp tục đăng thông tin cảnh báo hàng hải số 14034, trong đó thông báo mở rộng phạm vi khoan thăm dò lên 03 hải lý tính từ khu vực trung tâm có tọa độ 15029’58” vĩ Bắc - 111012’06” kinh Đông, cấm mọi phương tiện đi vào khu vực này, đồng thời hủy bỏ cảnh báo số 14033 ngày 03/5/2014.

Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự TQ nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) của VN khoảng 120 hải lý.

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối chính thức vào ngày 4 tháng 5. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì vào ngày 6 tháng 5, tuyên bố “Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ lợi ích quốc gia (1)

Cần nhớ rằng sự kiện HD981 không phải là một sự kiện đơn lẻ. Các hành vi khiêu khích và lấn át của Trung Quốc ở Biển Đông là thường xuyên, và kéo dài trong suốt nhiều thập kỷ nay. Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây cũng có thể thấy hàng loạt các sự kiện tương tự (thống kê không đầy đủ):

Chính thức nêu yêu sách “đường lưỡi bò” (5/2009);

Cắt cáp tàu Bình Minh 02 và Viking 2 của VN (tháng 5, 6/2011);

Thành lập “thành phố Tam Sa” (6/2012);

Đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông hàng năm; đưa ra “Biện pháp thực thi Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam” (có hiệu lực từ ngày 01/01/2014);

Tuyên bố “hoàn toàn có quyền” thành lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông, viết dự thảo kế hoạch về việc này (tháng 1/2014).

Ngoài ra, Trung Quốc còn tổ chức nhiều đợt tuần tra, diễn tập quân sự tại Biển Đông nhằm phô trương sức mạnh và răn đe các bên tranh chấp khác; tăng cường các hoạt động thăm dò dầu khí, khảo cổ, phát triển du lịch và củng cố các cơ sở chiếm đóng, tấn công xua đuổi tàu cá của VN.

Thế nên dù muốn tin hay không thì cũng phải nhìn thẳng vào một sự thật là Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng chiếm lấy vùng biển và đảo này. Trung Quốc sẽ liên tục leo thang các hành động khiêu khích và thực thi chủ quyền trên thực tế tại Biển Đông. Có thể Trung Quốc không sớm thực hiện một hành động quân sự để chiếm các đảo, nhưng Trung Quốc đang tăng cường hải quân và đương nhiên không ngại tham chiến ở Biển Đông. Thậm chí, sẽ là cơ hội bằng vàng cho Trung Quốc nếu một nước khác châm ngòi một cuộc xung đột vũ trang trên Biển Đông để Trung Quốc có lí do lấn tới về mặt quân sự. Tất cả những điểm này đều là sự thực.

Chỉ có hai vấn đề mà những nước như Việt Nam phải dự tính. Thứ nhất là về mặt thời điểm, khi nào sẽ là bước đi kế tiếp, và bước đi ấy là gì. Thứ hai, chúng ta sẽ phải phản ứng lại như thế nào.

Cả hai vấn đề này xem ra đều khó. Nhà nước Việt Nam dĩ nhiên không công bố công khai những tính toán của họ vì lý do rõ ràng là không ai đi vạch áo cho người xem lưng. Vì thế, công chúng không thể biết hai vấn đề này được Nhà nước Việt Nam tính tới hay không, tính tới mức độ nào, và nội dung cụ thể ra sao.

Về phía giới nghiên cứu, truyền thông, và dư luận xã hội, cho đến thời điểm này nói chung đều chưa có bất cứ một sự đồng thuận đáng kể nào để trả lời hai vấn đề nêu trên. Nói thế không có nghĩa là không có những đề xuất, thậm chí nhiều đề xuất là khác, và có nhiều đề xuất đặc biệt xuất sắc. Tuy nhiên phần nhiều các đề xuất này thường liên quan đến việc xử lý chuyện đã xảy ra chứ không phải là dự tính những việc có thể sẽ xảy ra để tìm đối sách.
Nên chăng có một cuộc tranh luận / thảo luận rộng rãi về các nước đi có thể có của Trung Quốc trong tương lai (gần) và các đối sách thích hợp nhất mà Việt Nam có thể (và nên) làm. Muốn thắng Goliath thì cần có David. Có vẻ như Việt Nam vẫn chưa tìm ra được một David cho mình.
 

 
(1) Có một chi tiết nhỏ liên quan đến sự kiện này là nhiều trang mạng xã hội đồn đoán hình ảnh ông Phạm Bình Minh gọi điện thoại chỉ là diễn kịch vì điện thoại không cắm dây. Vụ này sau đó đã được phóng viên Mặc Lâm (RFA) lên tiếng đính chính và xin lỗi trên Facebook của mình. Mặc Lâm viết: Tôi hôm qua (6-05-2014) tôi có comment trên một status của anh Nguyễn Lân Thắng về cái điện thoại của ông không nối dây. Lúc ấy tôi nhìn cái điện thoại trên bàn của tôi rất giống cái mà ông đang sử dụng và cho rằng hai lỗ cắm dây nằm phía sau và phía hông chứ không nằm bên dưới. Sáng nay tôi kiểm tra một lần nữa và thấy rằng ý kiến của tôi hoàn toàn sai lệch vì “dây nối nằm ở bên dưới, do đó cái cửa nối phía sau bị bỏ trống”. Tôi đã xem kỹ cửa này và thấy rằng đây là nơi dùng điều chỉnh volume của tiếng phone reo.Tôi đã vào Cổng thông tin chính phủ xem lại tấm ảnh thì thấy rằng sợi dây điện thoại mà Phó Thủ tướng dùng được cắm từ bên dưới. Tôi thành thật xin lỗi ông vì với tư cách một nhà báo tôi không được phép viết khi chưa kiểm chứng.”
 * Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Trần Vinh Dự

Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

No comments:

Post a Comment