Ngày ấy, Chính phủ cũng bắt đầu vạch tuyến, mở con đường ô tô chạy từ Thượng Đan đi qua Xuyên Nam đến Trại Sắt. Thấm thoắt đã hơn năm năm, con đường ô tô chạy qua Thượng Đan, Xuyên Nam đến Trại Sắt đã thông xe. Không có khách, cứ chạy thì thua lỗ, Công ty vận tải khách đường sông quyết định ngày mười chín tháng chín là ngày con tầu Đan- Nam chạy chuyến cuối cùng, khép lại một trang lịch sử oai hùng, gần nửa thế kỉ.

Đêm trước mười chín, Triệu Tài không ngủ được. Anh khoác lên mình tấm áo may theo kiểu đồng phục, đi ra bến sông, nơi con tầu thân thuộc đang thả mình mặc cho sóng nước du đẩy. Con tầu ấy đã gắn với anh năm năm, đã chở theo trên nó hàng ngàn hành khách cùng những số phận rất, rất khác nhau. Triệu Tài cảm thấy một nỗi buồn thăm thẳm, loang loang trên mặt sông mờ khói sóng.

Triệu Tài học chuyên văn trường Hoàng Văn Thụ, rất thích văn chương, nhưng lại nộp đơn thi vào Đại học Bách khoa. Thiếu nửa điểm nên bị trượt, anh lên vùng Thượng Đan, được Công ty vận tải đường sông nhận vào làm.

Con tầu khách Đan - Nam có lịch chạy bất di bất dịch, thứ hai xuất phát từ Thượng Đan, chiều cập bến Xuyên Nam. Ngủ lại ở Xuyên Nam một đêm, sáng hôm sau thứ ba, lại đón khách từ Xuyên Nam xuôi Thượng Đan. Cứ thế nhẫn nại, kiên trì, ì ạch, không mỏi chạy.

Khi giao việc cho Triệu Tài, trưởng tầu nói, lái tầu và máy trưởng có nhà trong thị trấn, năm tay thủy thủ đều là con em dân chài ven sông, ai cũng có nơi ở, hết giờ làm việc là nhót về nhà, trừ phiên trực mới phải nằm lại ở trạm. Triệu Tài nghe vậy thì biết rằng mình phải lo lấy chỗ ở.

Nằm nhà một tháng sau trượt đại học, đọc đi đọc lại Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Triệu Tài tự nghĩ, hai mươi tuổi ông ta đã in tiểu thuyết, đâu có cần qua đại học. Không vào đại học vẫn có thể lập thân. Cậu hạ quyết tâm, làm bất cứ việc gì, sống và viết.

So với đám thủy thủ vạm vỡ, ăn nói bặm trợn, Triệu Tài có vẻ nho nhã, điềm đạm. Cậu làm việc tận tụy, bốn giờ sáng bán vé cho khách. Năm giờ xuất bến, tầu chạy được chừng ba mươi phút thì đi soát vé. Ở những bến phụ, khách lên tầu mới mua vé, số lượng không quá đông, kiểm soát không khó. Những người trốn vé thì bị phạt gấp năm, gấp bẩy lần giá vé qui định. Đi vài chuyến thì Triệu Tài quen việc.

Triệu Tài thuê một phòng nhỏ ở thị trấn Thượng Đan, cách bến khá xa, đi bộ chừng bốn lăm, năm mươi phút. Nhưng thường Triệu Tài không về mà ở lại trạm, trực thay. Khi lên Xuyên Nam, Triệu Tài ở chung với người trực trạm, không lê la chơi bời rượu chè như mấy anh thủy thủ. Trong ba lô, lúc nào Triệu Tài cũng có một cuốn sổ dầy để ghi chép, cùng một chiếc máy tính xách tay đời cũ. Rảnh rang lúc nào, nếu không thể dùng máy tính thì cậu ghi ghi chép chép gì đó vào sổ. Thi thoảng cậu nhận được giấy báo lĩnh tiền từ bưu điện Thượng Đan, nhưng chỉ là những món tiền hẻo, nhuận bút cho những mẩu văn ngắn. Đám thủy thủ thỉnh thoảng nói đùa, Đan - Nam sắp xuất hiện một nhà văn trẻ.

Khi Triệu Tài được gọi là nhà văn trẻ thì lập tức có người không ưa, bèn tấu với trưởng tầu, nói Triệu Tài hay táy máy ghi chép, có thể đăng lên báo những điều tai tiếng về con tầu. Nhưng trưởng tầu bỏ ngoài tai, vẫn để cho Triệu Tài tùy thích ghi chép và viết lách. Ông nói, cậu ta làm những việc ấy ngoài giờ công tác, không phạm pháp.

Một buổi sáng thứ hai, cận giờ nhổ neo thì có một nữ hành khách tay dắt theo một bé gái khoảng bẩy tám tuổi, lỉnh kỉnh những ba lô túi xách xịch đến, thở hổn hển nói mua vé đi Xuyên Nam. Người phụ nữ chừng hai lăm hai sáu tuổi, tóc bới cao, đôi mắt thâm quầng, luôn nhìn xuống. Vẻ buồn buồn và mệt mỏi của chị làm Triệu Tài chú ý. Bé gái kêu đau chân, nhưng không ngớt hỏi, hôm nay có kịp gặp bố không. Triệu Tài nghe vậy thì đoán ngay, mẹ con chị này đi thăm nuôi chồng. Ở gần Xuyên Nam có một trại tù.

Khách lên tầu đều tự tìm cho mình một chỗ ngồi. Người vợ đưa con đi thăm chồng ngồi vào một góc khuất. Đến giờ soát vé, Triệu Tài đi dọc theo khoang tầu nói, mọi người cầm sẵn vé ra tay để kiểm tra. Khi Triệu Tài đi đến bên để soát vé, thì hai mẹ con người vợ tù cũng vừa mở nắm cơm, chưa kịp cắt. Triệu Tài ái ngại, nói mẹ con chị cứ tự nhiên. Tiện thể hỏi, cháu mấy tuổi rồi, tuổi ấy chỉ cần mua nửa vé thôi.

Chuyến tầu ngược hôm ấy cập bến Xuyên Nam lúc hai giờ chiều. Triệu Tài giúp đỡ người vợ tù đưa con và đồ đạc xuống bến, kêu xe ôm chở đi ngay vào trại. Khi mọi người đã rời tầu lên bến đi đến nhà họ hàng, người quen hoặc đi đánh chén, chơi bời ở đâu đó, thì Triệu Tài giúp người trực trạm, nấu cơm và kho cá. Người trực trạm bảo, có món cá diếc tươi lắm, kho với trám rất ngon, chú em khỏi phải đi đâu, ăn với anh cho vui. Buổi tối, Triệu Tài mở máy tính, gõ mấy dòng về người vợ tù, không hiểu anh chồng phạm tội gì, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con gái xinh đẹp như thế liệu có xót xa ân hận không?

Sớm hôm sau, Triệu Tài nhận ra ngay người vợ tù và đứa con gái mua vé xuôi Thượng Đan. Khi con tầu đã ra đến giữa sông, thuận dòng xuôi phía hạ lưu, Triệu Tài đến bên hai mẹ con, ngồi xuống rồi hỏi, hình như chị đi thăm nuôi lần đầu đúng không? Người đàn bà dè dặt, sao anh lại nghĩ vậy? Triệu Tài bảo, là tôi đoán thôi. Người đàn bà khẽ ngúc ngắc đầu, hình như mái tóc thả xuống vai làm cho khó chịu, nói vâng. Đứa bé gái có vẻ buồn, nói hình như bố không nhớ con. Người mẹ đưa tay vuốt khẽ mái tóc con, nói bố nhớ con, nhớ nhiều mà.

Ba tháng sau, con tầu Đan - Nam lại đón một hành khách quen, người phụ nữ ở Thượng Đan đi thăm nuôi chồng trên Xuyên Nam. Triệu Tài bán cho chị một tấm vé chuẩn, tiện thể hỏi, sao chị không cho cháu đi cùng. Người đàn bà đã coi Triệu Tài như người quen, ngước lên nhìn, đôi mắt loáng một ánh cười, kín đáo gật đầu chào, đáp cháu bị ốm không đi được. Đêm ấy ở nhà trạm, Triệu Tài mở máy vi tính, gõ những dòng như sau: Chị ta lại đi thăm người chồng đang thụ án tù ở trại Xuyên Nam.

Sáng hôm sau, Triệu Tài có ý ngóng chị, nhưng đến khi tầu nhổ neo vẫn bặt tăm hơi. Triệu Tài ra ngồi ở phía đuôi tầu, nhìn vô định về miền rừng núi nhấp nhô xanh biếc. Chẳng biết chuyện gì đã xẩy ra ở nơi ấy.

Một tuần sau, trên chuyến tầu xuôi về Thượng Đan, khi Triệu Tài đi đến góc xa soát vé, thì phát hiện một hành khách đi lậu. Hành khách không có vé là một phụ nữ, khoác một tấm ni lông cũ, đầu trùm chiếc khăn len cũ, miệng đeo khẩu trang. Người này bị ốm hay mắc bệnh truyền nhiễm? Triệu Tài nghiêm khắc nói, chị đi lậu vé, phạt gấp bẩy lần. Người phụ nữ rùng mình, nén một tiếng kêu, phạt thế thì em chết. Em không đi lậu vé. Thế vé của chị đâu, Triệu Tài nghiêm khắc truy tiếp. Người đàn bà luống cuống, kéo chiếc khẩu trang xuống để lộ ra nửa khuôn mặt xanh xao, nhưng ưa nhìn. Triệu Tài giật mình kêu lên, là chị à? Người đàn bà năn nỉ, anh làm phúc cho em đi nhờ. Giờ em không còn một xu dính túi. Triệu Tài mở sắc cốt, lấy một tấm vé Xuyên Nam - Thượng Đan, dùng bút gạch chéo, đưa cho người đàn bà, nói nhỏ, chị cầm lấy kẻo bất ngờ có thanh tra, rồi quay đi.

Có một người đã theo dõi những việc làm của Triệu Tài, tố cáo với trưởng tầu, yêu cầu thi hành kỉ luật, buộc phải xuống làm thủy thủ. Trưởng tầu nói, kiểm đếm vé và tiền đều khớp, không thiếu hụt, lấy lí do gì để kỉ luật cậu ta? Người tố cáo vẫn cương quyết, dù cậu ta có bỏ tiền túi mua vé cho người đàn bà đó thì vẫn làm thâm hụt công quĩ, công quĩ mất hẳn khoản tiền phạt lớn. Vậy là Triệu Tài phải xuống làm  thủy thủ, chuyên môn ném dây thừng lên bến để người ta buộc tầu neo lại.