Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 19 November 2020

NGUYEN TRONG VAN - PHAM DUY CHET NHU THE NAO

Người từng “khai tử” Phạm Duy

23 Tháng Chín 2013 9:54 SA
Vũ Hạnh

Bookmark and Share

Hình ảnh của Người từng “khai tử” Phạm Duy

Giảng sư đại học Nguyễn Trọng Văn là một trí thức yêu nước lỗi lạc. Ông nổi tiếng với tác phẩm Phạm Duy đã chết như thế nào? (1971), lời chứng cho tình yêu nước, cho khí phách của ông… Biết bao sinh viên, trí thức Việt Nam đã nghe - đọc tác phẩm ấy mà sôi sục thêm chí khí đấu tranh cho hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

Nhà văn Vũ Hạnh là một người đồng thời với sự kiện trên ở Sài Gòn. Nay Nguyễn Trọng Văn đã mất, và trước khi mất đã nhắc tên Vũ Hạnh. Vì tình bạn đó mà nhà văn Vũ Hạnh viết bài này để tưởng nhớ Nguyễn Trọng Văn. Không phải nhằm lên án Phạm Duy. Vì lên án Phạm Duy thì còn nhiều chuyện khác nữa, nhất là khi ông ở Hoa Kỳ. Nhưng ông đã về nước, và thể theo tinh thần hòa hợp dân tộc, chúng ta không muốn nhắc chuyện cũ, chúng ta muốn quên đi. Nhưng đây là một việc bắt buộc, vì nhắc Nguyễn Trọng Văn thì làm sao quên được tác phẩm để đời ấy của ông.

Hồn Việt


Bốn mươi hai năm trước - tức vào năm 1971 - ở giữa lòng Sài Gòn, bấy giờ là thủ đô ngụy quyền, Phạm Duy được xem là nhạc sĩ số một, là thần tượng của một số lớp trẻ thì đã bị “khai tử”, vào buổi sáng ngày mồng 6 tháng 6. Người “khai tử” Phạm Duy là ông Nguyễn Trọng Văn.

Ông Nguyễn Trọng Văn

Chào đời ngày 1-8-1941 ở Hà Nội, năm 1954 Nguyễn Trọng Văn theo gia đình di cư vào Nam sau Hiệp định Genève. Viết văn, dạy học sau khi đỗ thạc sĩ triết học, ông luôn được đánh giá là con người nghiêm túc, chân thực, luôn giữ gìn đức độ và tôn trọng lẽ phải. Ngày 6-6-1971, phong trào Tự trị đại học tổ chức buổi nói chuyện cho sinh viên tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, và diễn giả là ông Nguyễn Trọng Văn, với đề tài “Phạm Duy đã chết như thế nào?”. Cuộc nói chuyện gây cú sốc khá mạnh cho một số đối tượng, sớm lan tỏa rộng rãi và gây được chấn động trong dư luận. Ông Nguyễn Trọng Văn đã khai triển đề tài trên để viết thành tác phẩm Phạm Duy đã chết như thế nào?, dày 140 trang, do cơ sở xuất bản Văn Mới ấn hành vào ngày 9-9-1971. Cơ sở Văn Mới là một sự tập hợp của 20 văn nghệ sĩ, hiện nay một số người còn sống và hoạt động văn hóa khá tích cực ở TP.Hồ Chí Minh, như các ông Sâm Thương, Vũ Đức Sao Biển...

Ngày 23-6-2013, ông Nguyễn Trọng Văn đã qua đời sau thời gian khá dài bị yếu sức vì đột quỵ, ở ngôi nhà T6 đường Hồng Lĩnh, cư xá Bắc Hải, thuộc quận 10, TP.Hồ Chí Minh.

Vậy Phạm Duy đã chết như thế nào? Chúng ta đều biết vào năm 1945 khi cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi thì sau đó Pháp đã được Mỹ hỗ trợ để quay lại mong tái chiếm Việt Nam. Cuộc kháng chiến gian khổ và hào hùng kéo dài suốt 9 năm trời thì chấm dứt bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa đến hội nghị Genève tạm thời chia đôi đất nước trong hai năm rồi sẽ tổng tuyển cử để quyết định chế độ. Nhưng liền sau đó Pháp đã giao miền Nam cho Mỹ để trừ nợ và chúng ta lại phải chiến đấu vô cùng gian khổ suốt hai thập niên mới có được sự thống nhất và nền độc lập.

Ngay từ ngày đầu Phạm Duy đã tham gia chống Pháp - vào năm 1945 - nhưng đến năm 1951 thì chạy về Hà Nội, rồi sang Pháp. Thời còn chiến đấu ông đã sáng tác những bài nhạc có giá trị, như Quê nghèo, Tiếng hát sông Lô, Bà mẹ Gio Linh, nhưng khi vào Nam, ở thời Mỹ-Diệm, thì như ông Nguyễn Trọng Văn nhận xét: “Các sáng tác trong thời kháng chiến đều được Phạm Duy sửa lại lời mới, mất hết lịch sử tính và chiến đấu tính, chỉ còn là những bản nhạc của những tên lại cái, đồng cô, bóng cậu”(1). Và cũng theo ông Văn thì sau khi Mỹ giết Diệm-Nhu, đổ quân ồ ạt vào miền Nam, cho không lực dội bom miền Bắc, nhúng tay vào những vụ đảo chính… thì “nhân dân và trí thức miền Nam bừng tỉnh, vùng dậy đặt vấn đề chủ quyền quốc gia, tranh đấu cho hòa bình (…) Trước người ta còn ngây thơ tin rằng Mỹ là đồng minh tốt, nhưng từ 65-66 mọi người đã thấy rõ mặt thực của Mỹ, coi Mỹ là đại bịp” (tr.38). Vào thời điểm ấy, Bộ Ngoại giao Mỹ mời Phạm Duy sang Mỹ chơi, với tư cách là “một khách du lịch” và sau khi trở về, “ông đã thay hình đổi dạng quá nhiều, đã xóa bỏ quá khứ của mình, đã chuyển hướng theo một góc 180 độ. Ông có tài nhưng thân phận ông như một cô điếm, đúng ra là một cô điếm rành nghề, lão luyện, có tài làm vừa lòng bất cứ ai chịu chi tiền” (tr.42). Tóm lại, “nhạc sĩ Phạm Duy kháng chiến ca của dân tộc đã chết” (tr.45).

Còn về dân ca của Phạm Duy, thì tác giả đã trích dẫn những câu nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba trả lời phỏng vấn của nhà văn Vũ Bằng, rằng “trong một số bài nhạc của Phạm Duy, có người nhận thấy anh đã ghi lại những đoạn nhạc sẵn có trong dân ca cổ truyền, hoặc giữ nguyên, hoặc thay đổi đôi chút rồi nhận là của mình sáng tác, tỉ dụ như bản Con đường cái quan, bản Trèo lên quán dốc do Hội Việt Mỹ xuất bản và bản Tình tự tin, chép lại gần hết bài Tình bằng có cái trống cơm, hoặc bản Ru con trong đó Phạm Duy chỉ đổi lời…” (tr.67).

Theo tác giả, các bản nhạc như Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam… chỉ nói những điều xa lạ đối với thực tiễn đất nước, con người Việt Nam. Không ai muốn hát những bài như thế. Tóm lại, “dân ca kháng chiến là dân ca thực, còn dân ca hiện nay của Phạm Duy chỉ là dân ca trá hình. Quần chúng tiến bộ không hát những dân ca đó, hiện nay chúng bị lợi dụng như một lợi khí chính trị phục vụ những quyền lợi phi dân tộc” (tr.72).

Còn về các loại tình ca, tâm ca, tục ca, đạo ca của Phạm Duy thì sao? “Từ 66-67 trở đi, ông lao mình vào tình ca, vỉa hè ca, tục ca… nghĩa là đi vào những thứ văn nghệ thoát ly, mơ mộng, sau khi đã mất hướng đi, lạc lõng trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Tình trạng bế tắc, mê ngủ, tính cách quyến rũ của tình ca, sự mời gọi thoát ly trong thế giới thần tiên của tình ái… tất cả chỉ là lối thoát tất nhiên của Phạm Duy cũng như của những người thành thị không còn quê hương thân yêu nào ngoài những phòng trà, quán rượu, ngoài không khí mờ ảo khói thuốc, tiếng hát ảo não quyện với ánh đèn màu” (tr.96).

Tóm lại, tất cả những thứ bày đặt ấy của Phạm Duy “vẫn chỉ là những hình thức bù trừ cho việc ông đã rời bỏ quần chúng, quê hương, cảnh đói khổ, chiến tranh. Bù trừ bằng tình ca cũng như bù trừ bằng mông, vú, chân dài, vai lẳn… Thiên đàng tình yêu trở thành linh hồn của những người mộng du, cũng như thân xác đàn bà trở thành niềm cảm hứng cao độ nhất đối với con người bị giản lược thành bản năng sinh lý, thành những con heo nọc” (tr.105).

Với 140 trang sách, ông Nguyễn Trọng Văn đã phân tích khá cụ thể các bản nhạc của Phạm Duy để đi đến kết luận là nhạc sĩ này không còn chỗ đứng trong lòng quần chúng, trong lòng dân tộc, và ông đã tự giết chết mình bằng chính cái chủ nghĩa cá nhân tồi tệ của mình.

 

_______

(1) Trang 34, sách Phạm Duy đã chết như thế nào?

Tất cả những đoạn in nghiêng trong bài đều trích dẫn ở sách này.

 

 

No comments:

Post a Comment