Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 28 February 2017

LÊ TÙNG MINH * ĐÊM GIỮA BAN NGÀY

Giá Trị Thực Trong "Đêm Giữa Ban Ngày" Của Vũ Thư Hiên
Lê Tùng Minh
"Trong sự biến dạng của người Cộng sản, trong sự tha hóa của họ, cái gì là tác nhân - chủ thuyết mà họ theo đã nhào nặn con người họ thành ra như thế hay chính họ tự biến đổi để trở lại nguyên hình, cho đúng với bản thể do Trời đất tạo ra, hay là hai cái đồng thời, tôi không rõ "(1)
Nhưng trong cả cuốn sách dày đến 767 trang, gồm 41 chương, những sự kiện, những nhân vật mà ông Vũ Thư Hiên đưa ra "chỉ có sự thật" (tr 13) và với những đánh giá, phê phán của ông đều hình như đúng trăm phần trăm và rõ ràng đến nỗi không cần phải xác minh nữa ?!


Thế thì lời tự bạch "Tôi không rõ" của Vũ Thư Hiên có nghĩa gì ? Phải chăng, đây chính là tính cách của nhà điện ảnh-nhà văn, luôn dùng cái trừu tượng để phản ảnh cái hiện thực ?
Phải thừa nhận, bút pháp của Vũ Thư Hiên khá điêu luyện, vượt hơn hẳn các cuốn "Mặt Thật" của Bùi Tín, "Tử Tù Tự Xử Lý" của Trần Thư và "Viết Cho Mẹ và Quốc Hội" của Nguyễn Văn Trấn... Tuy nhiên, nếu về mặt nội dung thì cần phải suy xét kỹ càng về giá trị thực của nó. Riêng tôi, nhận ra những điểm chính cần phải xét sau đây : "Đêm Giữa Ban Ngày" không hoàn toàn là cuốn hồi ký, và nó cũng không hoàn toàn là sự thật, đúng như sự nghi vấn của ông Marx Namidi nào đó, rằng : "Bao nhiêu phần trăm điều ông viết ra là chuyện thật ? Tôi nghĩ mình sẽ không thể nào biết được!" Hơn nữa, cách kết cấu không liên tục thời gian, cũng như các chuỗi sự kiện và nhân vật chồng chéo lên nhau, pha trộn vào nhau, vô tình hay cố ý đã tạo ra một bức màn che "cái hư xen lẫn cái thực" làm cho ngườI đọc khó nắm bắt được những điều gì có hệ thống về tư duy của Vũ Thư Hiên, đói với bản thân tác giả, cũng như sự đánh giá của tác giả đối với các sự kiện và nhân vật một cách nhất quán trong suốt cuốn hồi ký.

Vì lẽ ấy, chúng tôi - với cái nhìn của một người đã thực chứng giai đoạn lịch sử mà ông Vũ Thư Hiên đã có mặt trong "Đêm Giữa Ban Ngày" cũng như đã có biết về những nhân vật mà tác giả đã nêu - muốn xem xét giá trị thực trong "Đêm Giữa Ban Ngày" nhằm làm sáng tỏ điều mà ông Vũ Thư Hiên đã nói : "Quá khứ chỉ có ích khi con người lấy nó làm cái để suy ngẫm, rút ra từ trong lòng những sự kiện của nó bài học cho tương lai" (tr 13).


1. Tôi Hiểu Gì Về Vũ Thư Hiên ?
Trước hết, phải nói tôi và Vũ Thư Hiên không quen nhau đúng theo nghĩa quen biết. Tôi chỉ biết Vũ Thư Hiên là dịch giả cuốn "Bông Hồng Vàng", tập truyện ngắn của Paoustovsky (Liên Xô), biết Vũ Thư Hiên là phóng viên "Báo Ảnh Việt Nam" (qua lời kể của Lâm Âm (2), bạn của tôi, cùng làm Báo Ảnh với Vũ Thư Hiên). Và một đôi lần, tôi có gặp mặt Vũ Thư Hiên đến cơ quan tôi làm việc (Viện Sử Học) để trao đổi gì đó với Nguyễn Hồng Phong (vào những năm 60, Nguyễn Hồng Phong là Thư ký Khoa học của Viện, và giữ chức Viện Trưởng Viện Sử Học trong những năm 1990 - 1995) (3).

Cho nên, những gì tôi viết ở mục này, hoàn toàn dựa vào lời kể tản mạn của Vũ Thư Hiên trong hồi ký chính trị của ông, nhưng có phân tích để thấy đâu là đáng tin, đâu là không đáng tin.

Vũ Thư Hiên sinh 18 tháng 10 năm 1933 tại Hà Nội. Hà Nội (phố Hàng Bạc) là quê ngoại của ông. Còn quê nội của tác giả là Nam Định (một làng cách thị trấn Cổ Lễ vài cây số, dọc theo con đê Vòng). Cha của Vũ Thư Hiên là ông Vũ Đình Huỳnh (đã từng làm Bí thư cho Hồ chí Minh, và Vụ trưởng vụ Lễ tân của chính phủ Hồ chí Minh). Mẹ của ông là bà Phạm Thị Tề (nguyên là một nữ sinh hoạt động cách mạng từ năm 1925). Vì thế nên Vũ Thư Hiên đã từng tự hào : "Sống trong một gia đình mà cha mẹ đều hoạt động cách mạng, tôi nhập vào dòng chảy của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, cũng là dòng chảy của thời đại tôi, một cách tự nhiên, như muốn sống thì phải thở khí trời" (tr 31). Đây là một tự hào chính đáng, nhưng nó cũng bộc lộ một sự thật là Vũ Thư Hiên tham gia "Cách mạng Giải phóng Dân tộc" do Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo không phải bắt nguồn từ sự giác ngộ của bản thân, hay nói một cách khác "cha mẹ làm cách mạng thì con cũng làm cách mạng". Sự thật này có ảnh hưởng rất lớn đối với quan điểm chính trị của Vũ Thư Hiên, khi ông đã nhận thức được "cái gì thuộc về cái của ông".

Cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tại Hà Nội, do Mặt Trận Việt Minh lãnh đạo, đã thành công vào ngày 19-8-1945, mà những nhà sử học Cộng sản tôn danh là "Cách Mạng tháng Tám", ông Vũ Thư Hiên mới tròn 12 tuổi. Và Vũ Thư Hiên "đã lăn vào công tác cách mạng đáng lẽ của người lớn, bắt đầu bằng một đội viên tuyên truyền xung phong" (tr 67). Đây là cách nói của một nhà văn Vũ Thư Hiên, chớ không phải là suy nghĩ của Vũ Thư Hiên 12 tuổi (ở lứa tuổi Vũ Thư Hiên trong những ngày mùa thu 1945 ấy, chú thiếu nhi nào cũng có thể làm như Vũ Thư Hiên ! Chính tôi là một bằng chứng. Năm ấy, tôi cũng vừa tròn 12 tuổi, vừa rời ghế nhà trường tiểu học và lao vào đội thiếu nhi Cứu Quốc, đi làm công tác tuyên truyền, nhưng thật ra chỉ ham vui, đâu hiểu gì là cách mạng).

Năm 1949, Vũ Thư Hiên tự nguyện tòng quân "bắt đầu cuộc đời người lính" lúc chưa đầy 16 tuổi (tr 119). Nhưng khi gặp gian khổ trong cuộc hành quân từ Khu 3 lên Việt Bắc, Vũ Thư Hiên lại tố cáo cách mạng, rằng : "Cuộc cách mạng này là cái gì vậy, khi người của nó không còn tình thương ? Chỉ cần thấy một đứa trẻ như tôi trong một đêm hành quân cực khổ vì Cách mạng thôi thì người có lương tri không nỡ đối xử với nó thế này ?" (tr 120). Rõ ràng, đây là một nhận thức không xuất phát từ sự chân thật của Vũ Thư Hiên hồi 16 tuổi. Ông đã lấy sự suy nghĩ của tuổi 60 (hơn 40 năm sau) để nhét vào đầu của tuổi thiếu niên nhiệt tình cách mạng giải phóng. Và ngay ở năm 1997 này, nhận thức có tính cách tố cáo cuộc "chiến tranh cách mạng" như thế cũng chưa hẳn là đúng, nếu sự thật vì tổ quốc, vì dân tộc để hy sinh, thì đâu có phân biệt tuổi trẻ hay già ? Và đã tự nguyện tham gia thì phải chịu đựng gian khổ, không chỉ có chịu đựng mưa gió đói rét, mà còn phải tự nguyện hy sinh xương máu của mình. Chẳng lẽ Vũ Thư Hiên lại tố cáo chính anh ? Sự cường điệu này đã làm cho người đọc thấy hơi kỳ cục.

Theo sự tự thuật của Vũ Thư Hiên, năm 1950 ông đang học khóa 6 trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn ở Việt Bắc (?). Nhưng, trước đó, ông đã cho biết, vào năm 1952, ông đang ở Thanh Hóa (?) Ông tốt nghiệp "sĩ quan lục quân" vào năm nào ? Sao trở lại Thanh Hóa, vùng căn cứ kháng chiến ? Ông trở lại đời học trò phổ thông hay còn ở quân đội ? Đây là khoảng trống khó hiểu, cộng thêm khoảng trống 1952-1954 trong tiểu sử của ông (?) đã làm cho người đọc thấy hụt hẫng, vì sự thật về cuộc đời của tác giả có quan hệ đến tính chân thật của cuốn hồi ký "Đêm Giữa Ban Ngày".

Hòa Bình lập lại (7-1954) Vũ Thư Hiên là một trong những thanh niên được ưu tiên đưa đi du học ở Liên xô (trường Điện Ảnh). Vậy tại sao ông lại viết : "Kháng chiến chống Pháp kết thúc thì cuộc cách mạng của chúng tôi bỗng dưng trở thành không phải của chúng tôi" (tr 63). Nếu câu nói này để lùi lại sau năm 1960 thì hợp lý hơn đối với cuộc đời "học điện ảnh mà không được hành nghiệp điện ảnh" của ông.

Năm 1958, Vũ Thư Hiên cho biết : "Tôi từ Liên xô về nước để lấy tài liệu cho đề tài thi tốt nghiệp khoa Kịch bản" (tr 74). Nhưng theo sự kể lại của Lâm Âm (đảng viên Cộng sản, biên tập viên tiếng Trung Quốc của "Báo Ảnh Việt Nam", sinh hoạt cùng chi bộ với Vũ Thư Hiên) thì Vũ Thư Hiên bị rút về nước về tộI "hưởng ứng quan điểm xét lại hiện đại của Reizman" (nhà quay phim nổi tiếng của Liên xô). Không hiểu Lâm Âm nói có đúng hay không. Nhưng theo tôi biết (lúc đó tôi đang là sinh viên năm thứ hai khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội) vào năm 1958, theo sự thông báo của Đảng đoàn Bộ Giáo Dục thì có một số nghiên cứu sinh đang học ở Liên Xô bị rút về nước vì "bị ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại hiện đại (révisionisme) của Liên xô".


Sau khi ở Liên xô về, Vũ Thư Hiên trở lại Xưởng phim Việt Nam. Và sang năm 1959, Vũ Thư Hiên chuyển sang làm báo ảnh. Theo lời kể của ông (tr 74) người ta có cảm tưởng ông "rất tự do chọn lựa chỗ làm". Điều này không đúng với thực tế về "công tác tổ chức cán bộ của nền chuyên chính vô sản ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa". "Tổ chức đặt đâu ngồi đó. Phân công làm việc ở đâu thì phải làm ở đó. Không được trái lệnh tổ chức !" Cho nên, có lần giáo sư Trần Văn Giàu (lúc này đương giữ chức Tổng thư ký của Ủy Ban Khoa Học Nhà nước, do kỹ sư Tạ Quang Bửu làm chủ nhiệm) đã nói một cách mỉa mai với tôi rằng : "Dù chú là tiến sĩ, nhưng tổ chức muốn chú chăn heo thì chú phải là anh chăn heo ! Nếu chú là thằng chăn heo, nhưng tổ chức muốn chú là ông tiến sĩ thì chú sẽ là ông tiến sĩ" (!) Do đó, khi ông Vũ Thư Hiên nói "bỏ nghề điện ảnh" vì "chịu không nổi tên trưởng phòng tổ chức", và đi làm báo ảnh vì ông thấy "Báo Ảnh Việt Nam" là hợp với ông hơn cả (tr 74). Điều đó có nghĩa là nhờ uy tín của cha ông - Bí thư của Hồ Chí Minh, nên Ban Tổ chức Trung Ương mới dễ dàng cho lựa chọn nghề báo ảnh của Vũ Thư Hiên mà thôi (?).


Cũng theo Vũ Thư Hiên, đến năm 1961, "mọi người trong tòa soạn đã được nhận thẻ nhà báo rồi mà mãi tôi chưa được nhận" "bởi vì tên tôi nằm trong một danh sách nào đó đòi những người trực tiếp quản lý các nhà báo phải suy nghĩ" (tr 75).
Vũ Thư Hiên đã thực sự bị ngành an ninh chính trị của Đảng theo dõi, nên Vũ Thư Hiên nhận thấy "người ta tránh không phân công tôi làm những đề tài có dính tới bí mật quân sự hoặc những bí mật khác" (tr 75).

Chính vì Đảng nghi ngờ như thế, nên Vũ Thư Hiên cứ mãi lận đận trong hàng ngũ cán bộ sơ cấp, hưởng lương cán sự, không tài nào leo lên hàng ngũ trung cấp, ăn lương chuyên viên như nhiều bạn bè thuộc loại "con ông cháu cha". Thật ra, Vũ Thư Hiên là một người tương đối có tài trên lĩnh vực biên kịch, sáng tác và dịch thuật (tiếng Nga) so với một số nhà báo, nhà văn cùng lứa tuổi của ông trong thập niên 60 ở miền Bắc. Vũ Thư Hiên đã sáng tác từ năm 1953 (20 tuổi) với tác phẩm đầu đời là vở kịch "Lối Thoát".

Từ năm 1961 - 1962 trở đi, Vũ Thư Hiên chỉ được độc giả miền Bắc chú ý với cuốn "Bông Hồng Vàng" (dịch của nhà văn Liên xô Paoustovsky, 1962). Nhưng Vũ Thư Hiên được "nổi tiếng" là nhờ bị Tố Hữu (Ủy viên Bộ Chính Trị đặc trách văn nghệ) đã kết tội cho ông là "lộ rõ tâm trạng bất mãn với chế độ hiện hành", qua truyện ngắn "Đêm Mất ngủ" của ông (đăng báo Văn Nghệ, 1961). Kịch bản phim "Đêm Cuối Cùng, Ngày Đầu Tiên" của Vũ Thư Hiên chưa ra đời, đã bị "đại tướng lúa gạo" Nguyễn Chí Thanh bóp chết ngay, vì tội "không phân biệt bạn thù", "mất lập trường giai cấp" (1963). Cuối cùng, tập truyện ngắn "Đêm Mùa Xuân" (nhà xb Lao Động 1963) cũng bị thu hồi.

Từ đó, Vũ Thư Hiên đã bị giới phê bình văn nghệ ở miền Bắc (trung thành vớI Đảng, theo đỡ lưng Tố Hữu) coi là kẻ "đã phất cao ngọn cờ ấn tượng chủ nghĩa nhằm chống lại đường lối văn nghệ xã hội chủ nghĩa của Đảng" (4).

Vũ Thư Hiên cho biết : Từ sau những sự kiện đó, những sáng tác của ông "không được in nữa" (tr 188). Mãi đến sau năm 1984 sách của Vũ Thư Hiên mới được in, nhưng phải ký tên khác (?!).

Cuộc đời của Vũ Thư Hiên, sau khi ra tù là một chuỗi ngày lận đận khác, được đề cập trong "Đêm Giữa Ban Ngày" như là phụ họa mà thôi.

Những trang viết "Tôi hiểu gì về Vũ Thư Hiên" chỉ nhằm mục đích cho độc giả biết khái quát về cuộc đời của tác giả trước khi bị bắt (1967) để có sự bình phẩm chính xác hơn về cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày", cũng như để nhận ra giá trị thực của tác phẩm.

2. Hồi Ký hay là Tùy Bút ?

"Tự bạch" về cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" Vũ Thư Hiên có viết như sau : "Hình thức văn học mà tác giả sử dụng trong cuốn sách chỉ vừa đủ cho bức tranh sự kiện không thành quá tẻ nhạt. Văn học đích thực không có ở nơi đây" (tr 13). Nhưng khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Thụy Khuê thì Vũ Thư Hiên đã nói rõ hơn rằng : "Tôi chọn một cách giống như tùy bút của Nguyễn Tuân".

Hồi ký là hồi ký. Tùy bút là tùy bút. Không thể gộp hai thể loại (văn) này vào làm một. Càng không thể pha trộn nó một cách tùy tiện để đạt mục đích "làm thành một cái gì đó rất sống trước mắt mọi người" (như Vũ Thư Hiên đã nói vớI Thụy Khuê). Có thể ông Vũ Thư Hiên coi đây là một "sự sáng tạo", không gò bó trong cách viết, miễn sao hấp dẫn được người đọc (?).

Quá khứ có giá trị lịch sử của quá khứ, còn hiện tại có giá trị tức thời. Quá khứ có thể làm bài học cho hiện tại, nhưng không thể thay thế cho hiện tại. Ngược lại, hiện tại có thể lập lại phần nào giống quá khứ nhưng tuyệt đối không phải là quá khứ ! Do đó, viết theo cách của Vũ Thư Hiên chỉ làm cho người đọc không hiểu rõ nhận thức nào của tác giả trong thời quá khứ, và suy nghĩ nào của tác giả trong thời hiện tại. Cho nên, trong cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" có nhiều cốt chuyện thiếu tính chân thật, đôi khi tiểu thuyết hóa, có nhiều luận giải mang tính lý thuyết không phù hợp với thế hồi ký.

Cốt chuyện đầy kịch tính nhất trong "Đêm Giữa Ban Ngày" là sự "đối đầu" giữa tên Huỳnh Ngự (Cục phó Cục Chấp Pháp) với Vũ Thư Hiên. Cốt chuyện này xen kẽ, xuyên suốt trong hầu hết các chương của "Đêm Giữa Ban Ngày". Nếu ai chưa từng ở tù Cộng sản thì dễ dàng chấp nhận các tình tiết gây cấn hấp dẫn của cốt chuyện "đối đầu" giữa người tù "xét lại chống Đảng" với tên Cục phó chấp pháp đầy thủ đoạn (?) Nhưng, nếu ai đã từng là tù nhân chính trị dưới chế độ Cộng sản Việt Nam thì sẽ thấy ngay một số chi tiết có vẻ tiểu thuyết hóa để tô vẽ cái "khí tiết bất khuất của một người tù kiên cường" Vũ Thư Hiên (?)

Sau đây là một vài dẫn chứng điển hình.

- Trong Chương 2, trang 49, khi Huỳnh Ngự nói cho Vũ Thư Hiên biết là "đích thân anh Sáu (tức Lê Đức Thọ) ra lệnh bắt anh đó!", thì ông Hiên "bật cười" và nói : "Anh thật sự nghĩ rằng nếu tôi được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đích thân hạ lệnh bắt thì hân hạnh nhiều hơn hay sao ? Ai hạ lệnh bắt thì cũng thế thôi, anh hay anh Sáu, anh Ba, anh Năm, hay anh nào khác. Chưa tới lúc các anh phải đổ lỗi cho nhau".

- Trong Chương 4, trang 81, trong khi Huỳnh Ngự đang nói về quyền lực của Đảng, thì Vũ Thư Hiên nghĩ về hắn như sau : "Một con cừu trong đàn cừu Panurge ... Kết quả sự hoài thai kỳ cục giữa các thứ chủ nghĩa : Chủ nghĩa Mác bị chặt đầu, chủ nghĩa Mao động dục, chủ nghĩa phong kiến hiện đại".

- Trong chương 7, trang 135, khi nghe Cục trưởng Chấp pháp cho biết Đảng sẽ "xử lý nội bộ" đối với vụ "xét lại chống Đảng" thì Vũ Thư Hiên nghĩ : "Xử lý nội bộ có nghĩa là chúng tôi sẽ được tha, sẽ được trở về nhà mình, sau khi phải viết những bản xưng tội, phải đấm ngực mà kêu rên thống thiết mea culpa, mea maxima culpa (5). Một thứ xà lách chỉnh huấn trộn xà lim ?"

- Đặc biệt Chương 8, trong 13 trang, cuộc đối thoại giữa Vũ Thư Hiên và Huỳnh Ngự đã chiếm hết 11 trang (từ trang 141 đến 151). Cãi qua, cãi lại, thấy chán, Vũ Thư Hiên cho độc giả biết : "Tôi không cãi. Tôi còn nghịch ngợm đeo lên cho tôi cái mặt nạ xúc động nữa kia. Thử nghĩ mà xem, có thể nào không xúc động cho được khi Đảng dành cho mình vinh dự lớn đến thế ! Nếu mang cái cuộc đối thoại kỳ cục đó nhào nặn thành một truyện ngắn kiểu Azis Nexin (nhà văn châm biếm của Thổ Nhĩ Kỳ) thì chắc hẳn phải đặt cho nó cái tên : Tôi Được Coi Như Đảng Viên của Đảng Vĩ Đại Như Thế Nào ?"

- Ở Chương 11, trang 200, người đọc cảm thấy có hơi hướng của một cốt chuyện tù nào, của nước nào, mà mình đã đọc qua, như đoạn Vũ Thư Hiên miêu tả : Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau ... Chúng tôi nhìn nhau trừng trừng, không "ai chịu ai" và "Huỳnh Ngự bỏ cuộc". Y quay đi, không chịu nổi cái nhìn lạnh giá của tôi"(?)

- Ở Chương 12, trang 213-214, có phải Vũ Thư Hiên nảy ngay ý nghĩ "anh hùng hơn cha" như ông đã diễn tả sau đây : "Trời hỡi, cha tôi, mà tôi quen nhìn như một anh hùng, lại hèn nhát đến thế ư ?" (tr 213)

"Trong phút ấy, lạy Trời, tôi là đứa con bất hiếu ! Tôi muốn cha tôi chết đi, nhưng hãy chết như một anh hùng ! Tôi không muốn ông sống hèn hạ như thế này !" "Chết đứng còn hơn sống quì, chẳng phải chính ông đã dạy tôi như vậy sao ?" (tr 214). Sự kích động tư tưởng của Vũ Thư Hiên mang tính chất "kịch" hơn là sự thật, vì câu nói của ông Vũ Đình Huỳnh không có yếu tố hèn hạ, sống quì, để cho đứa con Vũ Thư Hiên phải kích động như vậy (!?) - Mời bạn đọc xem đoạn thơ của ông Vũ Đình Huỳnh ở trang 213. (Đọc đoạn thơ diễn tả này tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết "Không chịu Sống Quì" của họa sĩ, nhà văn Nguyễn Hải Trừng đã một thờI được "ca ngợi" ở miền Bắc).

- "Cao trào" nhất trong cuộc "đối đầu" của Vũ Thư Hiên với bọn chấp pháp là ở cuối Chương 22, trang 432-433. Người đọc, khi lướt qua, có thể rất thích về thái độ dũng cảm của Vũ Thư Hiên, vì ông dám đập bàn trước mặt tên cán bộ Hoàng làm "bộ đồ trà nhảy lên, mấy cái chén rơi loảng xoảng xuống nền gạch, vỡ tan" (tr 432). Và nhất là câu "chửi" của Vũ thư Hiên : "Này, báo trước cho mày biết, nếu mày tiến thêm một bước (6) thì hối không kịp đấy!... Nếu mày chết ở đây, người bị thiệt sẽ không phải là Đảng của mày đâu mà là vợ con mày đấy !" (tr 432). Có người đọc đến đoạn này, hỏi tôi : "Theo ông, đã từng ở tù Cộng sản, mà ở xà lim nữa, ông nghĩ chuyện này có đúng thật hay không ?"

- "Chuyện này có thể là thật, mà cũng có thể là không thật", tôi trả lời.
Ngoài ra, trong "Đêm Giữa Ban Ngày" Vũ thư Hiên còn sử dụng quá nhiều chuyện nghe người khác nói, mà ông không thực chứng, nên làm cho hồi ký mất tính chân thật.

Sau đây là vài thí dụ điển hình :

- Khi nói về tài năng và uy tín của Lê Duẩn trong thời gian làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ hồi kháng chiến chống Pháp, Vũ thư Hiên viết : "Cần phải thừa nhận rằng Lê Duẩn là người lãnh đạo giỏi. Những người bạn miền Nam tập kết của tôi nói về "anh Lê Duẩn" với giọng kính trọng và tự hào" (trang 324) và "người ta sùng bái ông gọi ông là cụ Hồ miền Nam" (tr 325). Ông Vũ Thư Hiên tiếp nhận sự thông tin này không chính xác, không phải là ý kiến của đa số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Nam bộ ! Là một cán bộ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ trong thời Lê Duẩn lãnh đạo, lại là một cán bộ Quân Báo, tôi đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều giới, từ chiến khu ra đến vùng tạm chiếm của quân Pháp, chưa hề nghe ai tôn Lê Duẩn là "cụ Hồ miền Nam" cả (?). Nếu có chỉ là những lời nịnh bợ của những tên cơ hội ở Sở Thông Tin Nam Bộ (do Lưu Quý Kỳ (7) phụ trách) để cầu xin "Ba cá gỗ" (tục danh của Lê Duẩn do mấy bà má Nam bộ đặt) cho một chút quyền vị. Nhưng đây là sự thật, trong hàng ngũ cán bộ Nam bộ, khi trà dư tửu hậu hay đem chuyện "Đồng chí Lê Duẩn đòi ăn cơm nho" để làm trò cười (8).

- Khi nói về Lưu Quý Kỳ (từ trang 282 đến 285) liên hệ đến việc nghiêm cấm hát cải lương trong các chiến khu ở Nam bộ thời kháng Pháp (vì Lê Duẩn lên án cải lương là ủy mị), thì Vũ thư Hiên liền cung cấp một thông tin "Nhiều người bỏ kháng chiến trở về thành chỉ vì vùng kháng chiến không có cải lương" (tr 285).

Đây là một thông tin hoàn toàn sai lệch, đáng trách. Những người bỏ kháng chiến trở về thành sống trong vùng địch, có nhiều lý do khác nhau, nhưng một trong những lý do chính là nhìn thấy rõ thủ đoạn của Đảng Lao động Việt Nam đã lường gạt lòng yêu nước của mọi người. Và thực tế, việc cấm hát cải lương của Lê Duẩn, mà người trực tiếp thừa hành là Lưu Quý Kỳ, đâu có người dân Nam bộ nào chịu chấp hành, cuối cùng lệnh cấm phải "tự hủy bỏ không một lời tuyên bố". Rõ ràng, một câu chuyện không thật, lại không liên hệ gì đến hồi ký của ông Vũ Thư Hiên, nhưng ông lại sử dụng như một chất liệu để kích thích tính tò mò của độc giả (!?) Vũ Thư Hiên còn sử dụng một thể loại khác khá xa lạ vớI hồi ký, là sự khảo cứu lý luận. Hầu như trong chương nào của cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" Vũ Thư Hiên cũng chêm thể loại này cho nội dung của cốt chuyện có "tính bác học" hơn chăng (?) Nhưng sự "trưng bày kiến thức" kiểu ấy trong hồi ký chính trị, xem ra không thích hợp, mà có thể làm nặng đầu độc giả, và càng làm mất đi tính chân thật của hồi ký.

Tôi xin lấy thí dụ : Ở Chương 18, trang 321 và 322, Vũ Thư Hiên đã đưa ra nhận xét luận lý (chớ không phải lý luận) của ông về những "nhà cách mạng Việt Nam" trước khi trở thành đảng viên Cộng sản như sau : "Kiến thức học đường của họ gồm một chút chữ Hán, một chút quốc ngữ, cả hai loại này không đủ dùng cho sự tiếp cận triết học phương Tây, mà chủ nghĩa Mác lại bắt nguồn từ đó, vớI phép biện chứng Hégel làm cơ sở" (tr 321). Và "chủ nghĩa Mác thường được nói tới ở Việt Nam thực chất là chủ nghĩa Lênin" (tr 321) mà "chủ nghĩa Lênin là do Staline đặt ra" (tr 322). Nhưng "cả hai cái đó - chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin - hiểu đúng và hiểu không đúng, đều không phải là chủ nghĩa cộng sản ở

Việt Nam. Ở Việt Nam có một chủ nghĩa Cộng sản không dính dáng gì tới Mác hoặc Lê nin hết. Nó là chủ nghĩa cộng sản bình dân" (tr 322).

Chưa bàn tới cách luận lý của Vũ Thư Hiên đúng hay sai (?) Nhưng chỉ cần thấy rằng nó hoàn toàn xa lạ với cốt chuyện của hồi ký là người đọc bị khựng lại và lướt qua bỏ những trang đó một cách không thương tiếc công suy tư của tác giả, là đáng buồn lắm rồi!

Phần luận lý trên đây của Vũ Thư Hiên, có thể viết thành một cuốn khảo cứu dày không thua gì cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" (còn có thể là một đề tài dùng cho luận án tiến sĩ chớ phải thường đâu ?). Rất tiếc, đưa vào không đúng chỗ, và quá thiếu sự chứng minh nên nó trở thành một thứ luận lý khập khiễng, không gây ấn tượng tốt cho người đọc. (Xin lỗi tác giả, tôi không có cách nào nói khác hơn. Nói thật mếch lòng là vậy!).

Còn có thể dẫn chứng, nhưng thôi, vì như thế cũng đủ quá dài, tôi xin kết luận phần này : Cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" không hoàn toàn đúng thể loại hồi ký, và có thể nói là hồi ký pha lẫn tùy bút, pha cả truyện ký nữa (!?) Thật ra, cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" nếu được Vũ Thư Hiên viết theo thể loại tùy bút hay truyện ký thì không chê vào đâu (chưa nói là tuyệt hảo).

3. Giá Trị Thực trong "Đêm Giữa Ban Ngày".
Trong khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Thụy Khuê, Vũ Thư Hiên có cho biết : "Viết để nghiên cứu mô hình xã hội trong đó tôi sống, mà tôi kết luận là nó không tốt. Tôi muốn viết cuốn này để đánh lên một tiếng chuông cảnh báo, nói rằng nó không tốt đây, và mong rằng nó đừng xảy ra những việc tương tự trong tương lai". Một cuốn hồi ký dù có dài như "Đêm Giữa Ban Ngày" (hay dài hơn nữa) cũng không thể thay thế cho một công trình "nghiên cứu một mô hình xã hội" (như ông Vũ Thư Hiên đã nói). Bởi vì, hồi ký nhằm cung cấp những sự thật, những ý nghĩ thật trong khi sự việc đang xảy ra, đúng trăm phần trăm. Một công trình nghiên cứu đòi hỏi công phu hơn, tư duy cao hơn, với sự so sánh, phân tích trên cơ sở của một phương pháp luận lịch sử, đảm bảo tính khoa học để đạt đến một hiệu quả cao nhất về giá trị của nó cho bài học tương lai. Cho nên, mục đích mà ông Vũ Thư Hiên đã nói với nhà báo Thụy Khuê, chỉ có thể thực hiện đối với một công trình nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục của "mô hình xã hội Việt Nam" từ 1955 đến nay, mới có thể nhìn thấy toàn bộ sai lầm của nó, để có đầy đủ cơ sở khoa học xã hội cho việc định hướng một mô hình xã hội dân chủ thật sự thích hợp với tính đặc thù của Việt Nam trong tương lai. Hồi ký chính trị của ông Vũ thư Hiên (cũng như hồi ký của những người viết trước ông về chế độ CSVN) chỉ để làm tài liệu tham khảo cho một công trình nghiên cứu mô hình xã hội Việt Nam trong hơn 40 năm qua mà thôi. Một tài liệu tham khảo có giá trị đến tầm mức nào còn tùy thuộc vào giá trị của tác phẩm !

Vậy giá trị thực của cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" đã đạt đến mức độ nào ?

Giá trị tổng quát của cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" là tố cáo sự sai lầm (Vũ thư Hiên tránh né chữ "tội ác") của Đảng Cộng sản Việt Nam về mặt đường lối, chính sách trên nhiều mặt, nhưng chủ yếu là chung quanh vụ án ngụy tạo "Tổ chức chống Đảng, chống Nhà Nước, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài" (?) Bởi vì chính Vũ Thư Hiên và cha của ông là Vũ Đình Huỳnh là nạn nhân của vụ án ngụy tạo này. Vũ Thư Hiên kết luận về nguyên nhân đưa đến vụ án ngụy tạo như sau : "Kể từ năm 1964, khi cuộc đối đầu Trung Xô trở thành căng thẳng, thì bầu không khí chính trị ở Việt Nam cũng nóng lên theo. Khắp nơi người ta la lối về nguy cơ của chủ nghĩa xét lại hiện đại và cần thiết phải chống lại nó. Những cán bộ bướng bỉnh dám phát biểu những lời nói không vừa tai nhà cầm quyền về bất cứ vấn đề gì, không cứ về đường lối đối nộI hay đối ngoại của Đảng, đều bị lập tức coi là phần tử xét lại, chứ ít cũng là phần tử hữu khuynh không đáng tin cậy" (tr 18)


Đánh giá trên đây của Vũ Thư Hiên có thể làm cho độc giả ngộ nhận rằng : Sở dĩ có vụ án ngụy tạo (xét lại chống Đảng) là vì do tác động của cuộc "đối đầu Trung Xô" (?) chớ không phải do liên minh Duẩn Thọ muốn triệt hạ những đảng viên Cộng sản có tài hơn họ, để họ củng cố quyền vị thống trị lâu bền trong Đảng và Nhà nước (?) Thế thì tại sao ở Chương 12, các trang nói về Lê Đức Thọ,

Vũ Thư Hiên cho độc giả biết rằng : Cha ông (Cụ Vũ Đình Huỳnh) đã hiểu "trong vụ án dựng nên này, Lê Đức Thọ nắm vai trò chính" vì "Thọ đã nhiều lần mưu mô hạ uy tín các đồng chí lão thành cách mạng để tôn mình lên" (tr 231), vì Thọ muốn cho những người ở tù Sơn La chung với Thọ "phải chết để bịt miệng" [vì họ đã biết hành vi làm chỉ điểm cho tên Cousso (9) của Thọ, hại nhiều đồng chí
phải chết oan (10)].


Thật ra, nguyên nhân "đối đầu Trung Xô chỉ là cái cớ để cho liên minh độc tài Duẩn Thọ tiến hành cuộc thanh trừng chưa từng có trong nội bộ Đảng CSVN. Chính ông Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết Học, là nạn nhân chính của vụ án ngụy tạo "xét lại chống Đảng", đã nói lên sự thật rằng : "Lê Duẩn là nhân vật số hai (sau Hồ chí Minh), nhưng trong thực tế thì nắm toàn bộ quyền lực. Tất cả các đối thủ của ông ta đều bị loại trừ, nhiều người bị tù, thậm chí bị giết" (11).

Cũng là một nạn nhân của vụ án ngụy tạo "xét lại chống Đảng", nhưng cách lập luận có tính hai mặt của Vũ Thư Hiên không khỏi làm cho độc giả không hoàn toàn tin tưởng rằng những gì ông viết ra trong "Đêm Giữa Ban Ngày" đều là sự thật, lúc thì ông viết : "Không lưỡng lự chúng tôi bỏ phiếu cho mô hình Liên Xô" Ố mô hình của Khrushov, Bí thư thứ nhất Đảng CS Liên Xô (1953-1964) vạch ra (tr 108). Nhưng có lúc ông lại viết : "Tôi chẳng thích chủ nghĩa xét lại nào hết" (tr 186). Nếu không xét đến ý nghĩa khác nhau giữa các từ ngữ - "mô hình Liên xô (của Khrushov) - thì việc ông Vũ Thư Hiên "bỏ phiếu cho mô hình Liên xô" cũng đồng nghĩa với việc "tán thành chủ nghĩa xét lại hiện đại Liên Xô" rồi. Do đó, ông Vũ Thư Hiên đã tránh né sự thật, khi ông than : "Tôi sa vào một vụ trấn phản này một cách thậm vô duyên, chẳng ra làm sao cả" (tr 42). Đó chính là một nét điển hình về sự mâu thuẫn nội tâm của tác giả cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày", và chính điều đó đã làm bật lên những nét hư trong các câu chuyện mà Vũ Thư Hiên đã quả quyết "chỉ là sự thật".

Những tình tiết hấp dẫn độc giả nhất trong "Đêm Giữa Ban Ngày", không phải là cuộc đối thoại" dài dòng và ngắt quãng giữa tù nhân Vũ Thư Hiên với tên cục phó chấp pháp Huỳnh Ngự, không phải những chuyện về thân thế và sự nghiệp cách mạng của gia đình Vũ Thư Hiên, không phải về những suy tư triết lý kèm theo sự viện dẫn Mác Lê nin của nhà báo Vũ Thư Hiên, cũng không phải về sự phân tích khái quát của nhà viết hồi ký chính trị Vũ Thư Hiên đối với "cuộc đấu tranh giữa hai đường lối trong phong trào Cộng sản quốc tế"...

Trong "Đêm Giữa Ban Ngày", những tình tiết không đầu không đuôi về các nhân vật lãnh đạo tối cao của Đảng CSVN, được Vũ Thư Hiên "bố trí" lồng vào trong các chương, đã tăng thêm sức hấp dẫn độc giả. Nhưng, những tình tiết này thực hay hư là một vấn đề khác. Hư hay thực cũng là điều tất nhiên, không tránh khỏi trong cuốn tùy bút được khoác chiếc áo hồi ký của Vũ Thư Hiên. Hơn nữa, phần nhiều những tình tiết đó, ông Vũ Thư Hiên chỉ nghe qua một người khác kèm theo sự đánh giá chủ quan của tác giả.

Thí dụ, về trách nhiệm của Hồ chí Minh trong vụ án ngụy tạo "xét lại chống Đảng", Vũ Thư Hiên nêu hai ý kiến khác nhau như sau : "Mọi người tin chắc ông không biết việc xảy ra. Nếu ông biết, ông không bao giờ để xảy ra chuyện nồi da nấu thịt thế này. Vài năm nay, do sức khỏe kém, ông Hồ không còn trực tiếp điều khiển công việc đất nước". Nhưng "Mẹ tôi không tin ... Vụ bắt đó chỉ được tiến hành một khi có sự đồng ý của chủ tịch nước" (tr 24). Có lẽ độc giả cũng hiểu là tác giả đã tán thành sự nhận xét của mẹ ông. Nhưng, đến một chương khác, Vũ Thư Hiên lại nêu ra ý kiến của cha ông nhận xét về bản tính của Hồ chí Minh, rằng : "Ông cụ lừng khừng vì ông lúng túng trong những vấn đề phức tạp của cuộc đấu tranh lý thuyết" (tr 106). Vũ Thư Hiên kết luận : "Chính thái độ lừng khừng trong giai đoạn này của Hồ chí Minh làm cho lớp đàn em hăng máu chống Liên Xô coi thường ông" (tr 107). Thế nhưng, ở một đoạn khác nữa, Vũ Thư Hiên lại tin vào lời kể của ông Hoàng Quốc Thịnh (Bộ trưởng Bộ Nội Thương) rằng : "Ông hỏi ông Hồ chuyện cha tôi vì sao bị bắt thì ông Hồ ngơ ngác : "Tại sao lại bắt chú Huỳnh ? Chú ấy làm chi mà bị bắt ?" 
 
Vì vậy, ông Vũ Thư Hiên phân vân đôi ngả : "Vậy là trước dó ông Hồ không biết cha tôi bị bắt ? Hay ông biết mà giả vờ không biết ?" (tr 456-457). Cuối cùng, Vũ Thư Hiên cũng nhận ra một sự thật cay đắng rằng : "Ông Hồ "không nhớ" gì về công lao của cha mẹ ông đã tận tụy chăm sóc sức khỏe của ông Hồ trong những ngày mới từ chiến khu về Hà Nội" (tr 458). Và Vũ Thư Hiên đã trách Hồ chí Minh : "Ai cũng biết nếu ông nói "không được" thì chắc chắn bọn Duẩn Thọ sẽ phải chùn bước trước việc bắt bớ hàng loạt người Cộng sản vô tội. Nhưng ông im lặng." Rồi Vũ Thư Hiên kết luận : "Thì ra con người đối với ông Hồ chí Minh chẳng là cái gì". (tr 458).


Đối với Hồ chí Minh, Vũ Thư Hiên có phê phán, nhưng phê phán trên tinh thần oán trách "chẳng lẽ ông (Hồ) không nhớ ?" sự chăm sóc sức khỏe của ông (Hồ)... (tr 458). Không chỉ thế, Vũ Thư Hiên phần nào còn chưa xem ông Hồ chí Minh là "người chịu trách nhiệm tối cao trước toàn bộ tội ác của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc". Cụ thể, khi nói về trách nhiệm của Hồ chí Minh đối với chủ trương "Cải cách ruộng đất", Vũ Thư Hiên đã đưa ra lời của cha ông để bào chữa cho ông Hồ, rằng : "Công bằng mà nói, ông Hồ không có ý định làm cải cách ruộng đất... Ông đã buộc phải làm cải cách ruộng đất khi bị Mao nhắc nhở" (tr 221).


Hay như trong vụ hãm hiếp và bí mật thủ tiêu cô Xuân (tình nhân của Hồ chí Minh và đã sinh cho ông Hồ một thằng con tên là Nguyễn Tất Trung), Vũ Thư Hiên chỉ ghi lại lời kể của ông Nguyễn Tạo (Thứ trưởng Bộ Lâm Nghiệp) và không có sự phê phán đối với Hồ chí Minh ngoài câu hỏi : "Nhưng sự im lặng trước cái chết của họ ? Ông Hồ cũng không có lỗi ?" (tr 608).

Nhìn chung, đối với các nhân vật trong tập đoàn lãnh đạo tối cao của Đảng CSVN như Hồ chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... thì Vũ Thư Hiên còn có cảm tình với họ, nên chỉ phê phán vừa phải, có khi còn bào chữa cho họ một cách khéo léo. Còn đối với các nhân vật như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn... tập đoàn gây tội ác trong vụ án ngụy tạo mà Vũ Thư Hiên là một nạn nhân, thì Vũ Thư Hiên đã phê phán một cách gay gắt với tính chất lên án rất hằn học.

Thái độ phân biệt đối xử trong sự phê phán ai, là quyền tự do của tác giả. Nhưng, mấu chốt của vấn đề là Vũ Thư Hiên phê phán (hay bào chữa) có đúng vớI sự thật về những nhân vật đó hay không ? (điển hình như việc đánh giá Hồ chí Minh đã nêu trên).

Một thí dụ khác, khi viết về Nghị Quyết 9 (Nghị quyết do cuộc hội nghị lần thứ 9 ngày 11/12/1963 của Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (12), Vũ Thư Hiên khẳng định rằng : "Nghị quyết 9 là cái Lê Đức Thọ và đàn anh Lê Duẩn cần có để trấn áp trào lưu dân chủ nọ (13). Nó phải được ra đời bằng bất cứ giá nào" (tr 274). Nếu từ sau năm 1966 trở đi thì câu kết luận về "bọn Duẩn Thọ" như trên của Vũ Thư Hiên là hợp lý. Tội ác của "bọn Duẩn Thọ" đã quá rõ ràng, không cần bàn luận, chỉ cần chứng minh. Nhưng, chứng minh phải đúng sự thật thì mới có sức thuyết phục người đọc, và do đó mới có tác dụng nhận rõ bản chất tộI ác của "bọn Duẩn Thọ". Nếu không, sẽ có tác dụng ngược lại. Một điều thiếu chính xác thì mười chuyện khác cũng khó tin.


Thực tế, từ Đại Hội Đảng lần thứ III (từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960) cho đến năm 1965 - năm Hồ chí Minh bắt đầu đau nặng - Hồ chí Minh vẫn còn quyền lực của một lãnh tụ tối cao, chủ tịch Đảng. Lê Duẩn tuy đang giữ chức Tổng Bí Thư (do Hồ chí Minh nâng đỡ từ Đại hội III) nhưng thế chưa đủ mạnh để lấn lướt Hồ chí Minh (như Vũ Thư Hiên viết). Vả lại, trong Bộ Chính trị (11 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết) phe cánh của Lê Duẩn chỉ có Lê Đức Thọ (đứng hàng thứ 7 trong Bộ Chính Trị) và Trần Quốc Hoàn (ủy viên dự khuyết) không đủ lực để khống chế toàn bộ Bộ Chính trị phải gật đầu nghe theo Nghị Quyết 9 nếu không có sự đồng ý của Hồ chí Minh, chắc chắn không được thông qua, vì đa số nghe theo Hồ chí Minh. Nhìn thấy rõ thực tế này, chúng ta mới có sự đánh giá đúng về sách lược "bắt cá hai tay : của Hồ chí Minh, như chính Hồ chí Minh đã thường nói với đàn em trong tập đoàn lãnh đạo Trung Ương Đảng, rằng : "Liên xô muốn chúng ta hòa đàm thì chúng ta hòa đàm. Trung Quốc muốn chúng ta đánh thì chúng ta đánh".

o lời phổ biến của Nguyễn Khánh Toàn, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Xã hội, tại buổi truyền đạt Nghị quyết 9 cho đội ngũ cán bộ trung cao cấp của Ủy ban, vào đầu năm 1964). Với sách lược nước đôi này, Hồ chí Minh và cả tập đoàn Bộ chính trị đều muốn "tranh thủ sự giúp đỡ to lớn" của Liên xô, Trung Quốc và các nước Cộng sản Đông Âu, để tiến hành cuộc chiến tranh cưỡng chiếm miền Nam cho đến ngày thắng lợi.


Vũ Thư Hiên có phần nào cường điệu khi ông kết luận rằng : "Với Nghị quyết 9, Đảng Cộng sản Việt Nam phân hóa thành hai cực - một bên là những người chủ trương chủ nghĩa xã hội dân chủ pháp trị, đòi kiến tạo một xã hội công dân có nhân quyền, bên kia là Đảng cầm quyền kiên trì một chủ nghĩa xã hội chuyên chế" (tr 275).


Sở dĩ chúng tôi dám khẳng định rằng, ông Vũ Thư Hiên đã cường điệu là vì xét về thực tế cái gọi là "sự phân hóa" trong nội bộ Đảng CSVN trong những năm 1960-1965, chưa đạt đến mức độ chia thành "hai cực". Làm thế nào có sự phân hóa thành hai cực được ? Khái niệm "hai cực" là phải có sự "cân bằng" nhau trong mức độ tương đối nào đó trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Thế nhưng nhóm "xét lại hiện đại Việt Nam" theo cách tuyên bố tổng quát của ông Hoàng Minh Chính thì "họ gồm nhiều chục, nếu không nói là cả trăm người trong và ngoài Đảng" (14). Đó là : 4 ủy viên Trung ương Đảng (1 chính thức, 3 dự khuyết), 1 Phó Chủ Tịch Quốc Hội, 1 thiếu tướng, vài ba đại tá, trung tá, thiếu tá, 1 Phó Bí thư Thành ủy, 2 Phó Tổng Biên tập và một số nhà văn, nhà báo (15),vv... Nói chung, họ là một thiểu số tán thành đường lối "xét lại hiện đại" của Liên Xô. Và họ không hình thành một tổ chức như "cực đối nghịch" với phe chuyên chế. Hành động của họ chỉ là "tự do phát biểu" theo Điều lệ Đảng cho phép, chỉ là "tự do ngôn luận" như Hiến pháp mới công bố (1-1-1960). Họ chẳng hề có dự định làm một chính biến nào (làm gì có đủ thế lực) để như Vũ Thư Hiên nói là "kiến tạo một xã hội công dân có nhân quyền" theo kiểu các chế độ dân chủ pháp trị ở Âu Mỹ. Cái gọi là "chủ nghĩa xã hội dân chủ pháp trị" chỉ là tư duy của Vũ Thư Hiên khi lưu vong ở nước ngoài trong thập niên 90 này, và đem gán nó cho nhận thức của những con người Cộng sản "cấp tiến" ở Việt Nam trong thập niên 60.

Điều đó không thể xem là sự thật được (16) !

Một thí dụ nữa, khi viết về một số nhân vật trí thức theo Đảng (Chương 14), Vũ Thư Hiên từ cái nhóm nhỏ đó đã khái quát về bản chất của giới trí thức Việt Nam như sau :

"Trí thức Việt Nam thời ấy ngoan ngoãn lắm. Quằn quại trong thân phận nô lệ, khi đất nước giành được độc lập, họ tự nguyện đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong niềm tin đã được khẳng định qua Cách Mạng Tháng Tám và qua Kháng chiến chống Pháp, trí thức sẵn sàng làm bất cứ việc gì Đảng cần đến" (tr 266).

Sự đánh giá hời hợt này của Vũ Thư Hiên, vô tình đã bôi xấu giá trị dấn than đấu tranh giải phóng dân tộc của giới trí thức Việt Nam trong thời kỳ 1945-1954. Vũ Thư Hiên vì không hiểu, hay cố tình không hiểu, nhằm hạ ai và nâng ai trong cách viết của ông.

Trước hết với trình độ Việt văn của một cây bút khá điêu luyện như ông Vũ thư Hiên, ông không nên dùng cụm từ "trí thức Việt Nam" chung chung, mà ông nên dùng cụm từ "trí thức Việt Nam theo Cộng sản" hoặc "trí thức Việt Nam ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa", thì sự đánh giá của ông khả dĩ có thể chấp nhận trên một phương diện nào đó. Trong thực tế, lịch sử đã chứng minh những "trí thức Việt Nam theo Đảng" không phải ngoan ngoãn, cúi đầu, mù quáng vâng lệnh của Đảng như ông Vũ Thư Hiên kết luận. Nếu nói như Vũ Thư Hiên thì không thể có sự phản kháng Đảng nổi tiếng trên đất Bắc, như vụ "Nhân Văn Giai Phẩm", vụ "Đất Mới", vụ "Xét lại chống Đảng"... Ông Vũ Thư Hiên đã tự mình phủ nhận chính mình vậy !

Còn việc "niềm tin" của trí thức Việt Nam đối với Đảng CSVN đã được "khẳng định qua Cách Mạng Tháng Tám và qua Kháng chiến chống Pháp", như ông Vũ Thư Hiên nói, đó là vì ông chỉ nhìn hiện tượng bề ngoài qua một số thân phận trí thức cầu an theo Đảng với quan niệm cổ hủ "đã lỡ theo thì phải theo luôn" bởi vì nếu "bỏ đi thì bị coi là phản bội"! Tệ hại thay ! Với cái nhân sinh quan phong kiến, lỗi thời đến chết người đó, cho nên ông Vũ Thư Hiên đâu có thể hiểu cách suy nghĩ của những trí thức Việt Nam đã từ bỏ cuộc Kháng chiến chống Pháp do Đảng CSVN lãnh đạo khi họ nhận ra mặt thật của tập đoàn Cộng sản Hồ chí Minh, Trường Chinh, Phạm văn Đồng, Lê Duẩn ... với mặt thật của những cái gọi là "cách mạng" do Đảng CSVN lãnh đạo. Vì thế, ông Vũ Thư Hiên càng không thể hiểu đúng phong trào chống chủ nghĩa xã hội, chống nền độc tài phi dân chủ, phản nhân quyền của Đảng CSVN hiện nay của tầng lớp trí thức Việt Nam ở hải ngoại.

Cho nên ông Vũ thư Hiên mới dám tuyên bố với Bùi Tín là "Theo tôi, Việt Nam chỉ có một lá cờ là cờ đỏ sao vàng", và ông đã chê trách Bùi Tín "tại sao anh lại hạ mình chào lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ tay sai của đế quốc thực dân" (17).


Kết luận

Nếu loại bỏ những mẩu chuyện, những suy luận có tính cách cường điệu, tô vẽ thêm quá sự thật của thể văn tùy bút để hấp dẫn tính tò mò, hiếu kỳ của độc giả, thì cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên sẽ có giá trị cao trong kho tàng tư liệu tố cáo tội ác của Đảng CSVN. Vì vậy, nếu đem so sánh "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên với các tác phẩm cùng dòng hồi ký của những "người Cộng sản thức tỉnh" (18) thì cuốn hồi ký chính trị của Vũ thư Hiên hấp dẫn độc giả hơn. Nó hấp dẫn hơn là ở điểm bút pháp nhẹ nhàng, sinh động, văn chương khá lưu loát cùng với sự kết cấu linh hoạt giữa những câu chuyện không theo thời gian mà theo từng chủ đề trong thể hồi tưởng. Vì thế, cuốn sách dày đến 767 trang mà người đọc vẫn kiên nhẫn đọc cho đến hết. (tuy nhiên, phải nói thật, ở hải ngoại, cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên không có độc giả bình dân). Nhưng nó hấp dẫn hơn những cuốn hồi ký cùng loại không có nghĩa là nó có giá trị cao hơn về nội dung (nhất là so với cuốn "Viết Cho Mẹ và Quốc Hội" của Nguyễn văn Trấn), thậm chí tính chất tố cáo tội ác của Đảng CSVN đói với dân tộc suốt hơn nửa thế kỷ qua vẫn chưa đạt bằng cuốn "Mặt Thật" của Bùi Tín, và không đầy đủ bằng cuốn "Viết Cho Mẹ và Quốc Hội" của Nguyễn Văn Trấn.


Thành công nhất của Vũ Thư Hiên là cho "Đêm Giữa Ban Ngày" ra đời đúng thờI điểm lịch sử của phong trào đấu tranh cho "dân chủ hóa Việt Nam" đang lên cao, cả ở trong nước lẫn hải ngoại ; và nhu cầu tìm hiểu đến tận cùng bản chất của Đảng CSVN đang trở nên rất cần thiết đối với các cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

"Đêm Giữa Ban Ngày" có thể xem là một "thông điệp tâm huyết" của Vũ Thư Hiên. Dường như tác giả đã dồn tất cả những hiểu biết, những nhận thức về "mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam" để cung cấp bài học lịch sử cho người đọc, đặc biệt là các "thế hệ sau" (như Vũ Thư Hiên đã viết ở trang đầu tiên, trước phần Tự Bạch) những bài học kinh nghiệm về chế độ chuyên chế đã tống tác giả vào ngục tối một cách "vô duyên" (!)


Thông qua toàn bộ thông điệp "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự bảo lưu ý thức hệ không hề giấu diếm của tác giả. Khác hơn nhà trí thức sinh học Hà Sĩ Phu, Vũ Thư Hiên không tuyên bố "chia tay ý thức hệ", không mạt sát Marx Lênine. Ngược lại, Vũ Thư Hiên đã bày tỏ sự trân trọng đối với Marx, ông viết : "Mác không tưởng trong hình dung xã hội tương lai, nhưng mục đích của ông đầy tính nhân đạo" (tr 269). Còn đối với Lénine, Vũ Thư Hiên trân trọng tán thưởng luận lý về "sự tha hóa", rằng : "Có thể tìm thấy cách suy nghĩ rất thú vị của Lénine về tha hóa trong bút ký triết học của ông" (tr 545). Từ sự nhập tâm đó, Vũ Thư Hiên áp dụng vào việc nghiên cứu nguyên nhân tan rã của "hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới". Ông khẳng định rằng : "Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã chính là do sự tha hóa trong long nó, sự mục rã chất người, hay nói theo cách của Lénine, do sự mất nhân tính đi đến chỗ cùng cực. Hệ thống này tan rã không phải trong thời điểm kinh tế suy thoái nhất (của Liên Xô cũng như các nước Đông Âu), mà tan rã vào thời điểm dân chúng ở các quốc gia này không còn chịu đựng nổi sự mất nhân tính đi đến chỗ cùng cực ấy, do ý thức được sự mất nhân tính ấy họ không còn có thể điều hòa được với nó" (tr 545).

Chúng tôi trân trọng thái độ chân thật và thẳng thắn này của Vũ Thư Hiên. Ông không chạy theo "xu trào chối bỏ Marx Lénine theo con đường cơ hội chủ nghĩa" của một số người trong hàng ngũ Cộng sản Việt Nam, để tự đánh mất sự suy nghĩ độc lập của một con người tự do ý thức dẫn đến sự lừa dối chính lương tâm của họ, và cũng là lừa dối độc giả. Nhưng, về nguyên nhân tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới mà ông Vũ Thư Hiên đã nêu ra, là một công trình nghiên cứu đòi hỏi có nhiều sử liệu xác thật về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa.. và xã hội, thì mới có thể xem kết luận trên đây của tác giả "Đêm Giữa Ban Ngày" là đúng hay không (?). Tuy nhiên, Vũ Thư Hiên cũng đưa ra một đề tài khá thú vị và có ý nghĩa trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử hiện đại là : Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới là gì ?


Một ấn tượng không thể bỏ qua, sau khi đọc xong cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày", là cái tôi của Vũ Thư Hiên khá lộ liễu trong khi ông nói về công lao của cha mẹ ông đối với Hồ chí Minh, đối với Đảng CSVN ; và trong khi nói về sự "đi làm cách mạng" hơn tất cả những thiếu niên đã cầm súng và hy sinh trong thời kháng chiến chống Pháp, khi đọc "Đêm Giữa Ban Ngày" thì nhận thấy ngay : Vũ Thư Hiên là một "chiến sĩ cậu ấm". Sự chịu đựng gian khổ của Vũ Thư Hiên có thấm gì so với những chiến sĩ cùng lứa tuổi với ông. Có ai được như Vũ Thư Hiên, vừa vào làm lính đã được đưa đi học khóa đào tạo sĩ quan (Lục quân Trần Quốc Tuấn).


Trong những năm gian khổ nhất, quyết liệt nhất Vũ Thư Hiên lại được ở căn cứ địa để "dồi mài kinh sử" và sau khi hòa bình mới được tái lập (sau tháng 7/1954) Vũ Thư Hiên được đưa đi du học tại Liên Xô ... Ngay trong thời kỳ Vũ Thư Hiên bị tổ chức Đảng coi là phạm sai lầm, vẫn ung dung tự tại chọn lấy cái nghề làm báo ảnh thích hợp với ông (Vũ Thư Hiên có biết đâu, trong lúc ông được hưởng ân huệ của Đảng, có biết bao thanh niên đã từng đổ máu trên chiến trường vẫn phải chịu đựng gian khổ, hy sinh cho cái gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hộI sai lầm của Đảng CSVN). Nói cho chính xác, nếu Vũ Thư Hiên không tham gia nhóm "xét lại hiện đại" (mà ông luôn luôn phủ nhận và cải chính là "không làm chính trị") thì không bị bắt vào tù, chắc Vũ Thư Hiên không có lý do gì để viết cuốn hồi ký "Đêm Giữa Ban Ngày". Chính cái tôi của Vũ Thư Hiên đã làm giảm giá trị cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" rất nhiều.

Nhận xét sau cùng của chúng tôi là : Qua một mớ lý luận Marx Lénine của Vũ Thư Hiên đưa ra trong một số chương của cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày", cho thấy rằng Ông Vũ Thư Hiên vẫn coi trọng và đánh giá cao một số mặt nào đó của chủ nghĩa Marx Lénine. Chúng tôi đề nghị độc giả, đặc biệt là những nhà nghiên cứu lý luận, nên đọc kỹ những phần lập luận Marx Lénine của Vũ Thư Hiên trong "Đêm Giữa Ban Ngày", chắc chắn sẽ phát hiện một điều khá thú vị, nhưng đầy mâu thuẫn trong cách tư duy của Vũ Thư Hiên. Và kết quả đó, sẽ giúp cho độc giả nhận ra giá trị thực, rất thực của cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày".

Chúng ta cần khen những gì và cần triệt để phê phán những gì của Vũ Thư Hiên viết, để tránh rơi từ ngộ nhận này đến ngộ nhận khác. Và bài viết này chỉ là một đóng góp nhỏ trong sự khen hay phê phán đó.

New England, Thu 1997
Lê Tùng Minh

Ghi chú
(1) Vũ Thư Hiên, "Đêm Giữa Ban Ngày", hồi ký chính trị của một người không làm chính trị. nxb Văn Nghệ, California, 1997, tr 13.
(2) Vũ Thư Hiên có nói về Lâm Âm, sách đã dẫn, trang 272.
(3) Hiện nay, Viện trưởng Viện Sử Học là Cao Văn Lượng.
(4) Lời kết tội của Giáo sư thạc sĩ Hoàng Xuân Nhị, em ruột Hoàng Xuân Hãn; lúc đó ông đương kim chủ nhiệm Khoa Văn Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Xem "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên, tr 187.
(5) Vũ Thư Hiên giải thích : Tiếng La tinh, lời cầu nguyện hàng ngày của tín đồ Thiên Chúa Giáo, nghĩa là " Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng !
(6) Vì lúc đó tên Hoàng nóng giận chồm tới có ý muốn đánh Vũ Thư Hiên.
(7) Lưu Quý Kỳ là đệ tử ruột của Lê Duẩn
(8) Nguyên là ở trường Đại học Đông Phương (Liên xô) trong những năm 30 có một quy định về chế độ "ăn cơm nho" cho những sinh viên khủng hoảng về sinh lý (vì xa vợ, xa người yêu). Lê Duẩn là một sinh viên đòi ăn cơm nho nhiều nhất (Theo tiết lộ của anh Ba Khiêm tức Ung Văn Khiêm, lúc đó là Phó Bí thư Xứ Ủy Nam bộ). Câu chuyện này được lan truyền nhanh chóng trong chiến khu.
(9) Viên Công sứ Pháp ở Sơn La vào cuối thập niên 30 và đầu thập niên 40.
(10) Ông Vũ Đình Huỳnh và tướng Đặng Kim Giang đều biết hành vi chỉ điểm của Thọ.
(11) Hoàng minh Chính trả lời phỏng vấn của nhà báo Jacek Hugo Bader (Ba Lan). Xem báo Magazyn Gazeta Wyboreza ngày 21-4-1995.
(12) Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa III có 11 ủy viên chính thức là : Hồ chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị (Xếp theo thứ tự cao thấp) và 2 ủy viên dự khuyết là Văn Tiến Dũng và Trần quốc Hoàn.
(13) Theo Vũ Thư Hiên, trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng LĐVN lúc này đã "xuất hiện làn sóng ngầm của xu hướng dân chủ" (tr 274). Nhưng cụ thể là những ai (?) thì không thấy Vũ Thư Hiên đề cập.
(14) Hoàng minh Chính : "Thư Ngỏ của công dân" gửi cho : Ông Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân Dân tối cao, cùng Quốc hộI khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vv... ngày 27-8-1993.
(15) Xem thư Hoàng Minh Chính, đã dẫn.
(16) Ở miền Bắc vào thời 50-60 chỉ có Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (trí thức ngoài Đảng là người duy nhất dám công khai đề nghị xây dựng "một chế độ pháp trị chân chính" và thực hiên "một nền dân chủ thật sự".
(17) Theo lời kể của một trí thức Việt Nam ở Paris (Pháp) không tiện nêu tên.
(18) Như các cuốn "Mặt Thật" của Bùi Tín, "Viết Cho Mẹ và Quốc Hội" của Nguyễn Văn Trấn, "Tử tù tự xử lý" của Trần Thư, "Tôi Bỏ Đảng" của Hoàng Hữu Quýnh, vv...

No comments:

Post a Comment