NIXON THĂM MAO
Năm 1972, để đối kháng với Liên Xô, Mỹ bắt tay với Trung Quốc. Hậu quả là Miền Nam Việt Nam bị hy sinh, giao cho Cộng sản; Đài Loan bị loại ra khỏi Liên hiệp quốc. Với sự giúp đỡ của Mỹ, kinh tế Trung quốc phát triển mạnh. Tăng trưởng kinh tế lên đến hai con số (trên 10%) trong một thời gian dài để trở thành nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới. Song song với sự phát triển kinh tế, Trung quốc cũng tăng cường bộ máy quân sự đáng kể và hiện nay trở thành kẻ thù đáng ngại nhất của Mỹ (như Tân Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố). Xin mời đọc bài viết dưới đây về chuyện đằng sau chuyến đi thăm Trung Quốc của TT Mỹ Nixon (Cộng Hòa).
Đằng sau chuyến thăm Trung Quốc của Nixon.
Tác giả: Jung Chang & Jon Halliday | Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
Khi
mới lên cầm quyền, nhằm mục đích để Stalin có thể yên tâm giúp Mao xây
dựng một cường quốc quân sự, Mao không lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Sau khi Stalin qua đời, Mao muốn làm việc đó, nhưng vì đang có Chiến
tranh Triều Tiên nên Mỹ không quan tâm đến Trung Quốc. Tuy hai nước đã
bắt đầu đàm phán cấp đại sứ nhưng toàn bộ mối quan hệ Trung-Mỹ vẫn đóng
băng. Mao chọn tư thế chống Mỹ cực kỳ căng thẳng, coi tư thế đó là tiêu
chí của chủ nghĩa Mao.
Năm
1969, nhằm để đối kháng Liên Xô, tân Tổng thống Mỹ Nixon quyết định
chấm dứt chiến tranh Việt Nam và công khai ngỏ ý muốn cải thiện quan hệ
với Trung Quốc. Mao phớt lờ đề nghị ấy, vì sợ việc hòa giải với Mỹ sẽ
làm tổn hại hình ảnh “Lãnh tụ phản đế” của mình. Sau khi bản tuyên bố
chống Mỹ ngày 20/5/1970 của Mao không gây ra ảnh hưởng gì, Mao mới quyết
định chủ động mời Nixon thăm Trung Quốc. Mao không nhằm mục đích hòa
hảo với Mỹ mà muốn để cho thế giới biết rằng Nixon cần đến Mao, tìm
đường đến Trung Quốc, Mao thay mặt lực lượng chống đế quốc của thế giới
để đàm phán đối đầu với Mỹ.
Tháng
11/1970, Chu Ân Lai tung tin qua Rumania, một nước có quan hệ tốt với
cả Trung Quốc và Mỹ, nói rằng Trung Quốc hoan nghênh Nixon đến thăm Bắc
Kinh. Ngày 11/1/1971, giấy mời đến Nhà Trắng. Nixon bút phê: “Chúng ta
không thể tỏ ra quá vồ vập”. Về sau Kissinger kể: Trong thư trả lời Bắc
Kinh hôm 29/1, phía Mỹ “không nói tới chuyện Tổng thống Nixon thăm Trung
Quốc”, “hiện nay còn chưa nói tới bước ấy, nói ra có thể gây rắc rối”.
Mao tiếp tục chờ dịp may.
Ngày
21/3/1971, đội bóng bàn Trung Quốc đến Nhật dự thi đấu Cúp Bóng bàn thế
giới. Đây là một trong số các đoàn thể thao đầu tiên của Trung Quốc ra
nước ngoài kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa, do đích thân Mao phê chuẩn. Để
tránh mang tiếng ly kỳ, các cầu thủ được đặc biệt cho phép không mang
theo Sách Đỏ [sách Trích lời Mao]. Nhưng họ nhận được quy định nghiêm
khắc: không được bắt tay cầu thủ Mỹ, không được chủ động bắt chuyện với
người Mỹ.
Ngày
4/4 cầu thủ Mỹ Glenn Cowan tình cờ lên chiếc xe ca của đội tuyển bóng
bàn Trung Quốc. Nhà vô địch bóng bàn thế giới Trang Tác Đông thấy các
cầu thủ đội nhà ai nấy đều nhìn người Mỹ kia bằng ánh mắt lo lắng, nghi
ngờ, lạnh nhạt. Không một người Trung Quốc nào trên xe bắt chuyện với
anh ta. Thấy thế Trang Tác Đông bèn bước tới nói chuyện vài câu với
Cowan. Bức ảnh hai cầu thủ Trung Quốc và Mỹ bắt tay nhau sau khi được
đăng báo đã trở thành tin tức trang nhất của các báo Nhật.
Khi
cô hộ lý kiêm giúp việc của Mao Trạch Đông là Ngô Húc Quân đọc cho ông
nghe mẩu tin ấy đăng trên tờ “Tin tham khảo”, Mao sáng mắt lên, mỉm cười
khen: “Cái cậu Trang Tác Đông này chẳng những đánh bóng bàn giỏi mà lại
còn biết làm ngoại giao nữa.”
Đội
bóng bàn Mỹ tỏ ý muốn đến thăm Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc căn
cứ theo chính sách, quyết định không gửi lời mời. Mao duyệt bản báo cáo
ấy của Bộ Ngoại giao.
Nhưng
sau đó ông không bằng lòng với quyết định của mình, suốt ngày băn khoăn
suy nghĩ. Hơn 11 giờ đêm hôm ấy Mao uống thuốc ngủ xong ngồi ăn cơm với
Ngô Húc Quân. Ông có thói quen ăn cùng một hoặc hai nhân viên hầu cận.
Uống thuốc rồi mới ăn, ăn xong đi nằm. Loại thuốc ngủ của Mao rất nặng,
có hôm đang ăn cơm thì thuốc đã tác dụng, khiến ông gục đầu xuống bàn.
Mấy người phục vụ phải móc hết cơm và thức ăn chưa nuốt trong miệng ông
ra. Vì thế các bữa tối của Mao đều không có món cá, sợ xương cá gây hóc.
Ngô
Húc Quân nhớ lại: Bữa tối hôm ấy do tác dụng của thuốc an thần, Chủ
tịch đã buồn ngủ lắm, tay cứ bíu lấy bàn muốn ngủ. Nhưng bỗng nhiên Chủ
tịch nói lắp bắp, tôi nghe mãi mới nghe rõ ông bảo tôi gọi điện cho
Vương Hải Dung[1] ở Bộ Ngoại giao. Giọng Chủ tịch trầm trầm mà lời lẽ không rõ ràng: “Mời đội Mỹ đến thăm Trung Quốc.”….
Tôi
sững sờ và nghĩ: Làm như thế chẳng phải là ngược với bút phê mà Chủ
tịch vừa viết sáng nay đấy sao!….. Bình thường Chủ tịch đã dặn là “Những
lời Chủ tịch nói sau khi uống thuốc an thần thì không coi là thật” Bây
giờ lời Chủ tịch nói có coi là thật hay không đây? Lúc ấy tôi rất khó
xử…….
Lát
sau Chủ tịch ngẩng đầu lên, cố gắng mở mắt và bảo tôi: “Tiểu Ngô, cháu
còn ngồi đấy ăn cơm à, việc bác bảo cháu làm sao cháu không đi làm hả?”.
Bình thường Chủ tịch đều gọi tôi là “Hộ lý trưởng”, chỉ khi nói chuyện công tác hoặc khi rất nghiêm túc mới gọi là “Tiểu Ngô”.
Thế rồi Chủ tịch cứ câu được câu chăng, ngắt quãng, dề dà ấp úng nhắc lại một lượt câu nói lúc nãy….
“Bác đã uống thuốc an thần rồi mà. Lời bác nói bây giờ có coi là thật hay không đấy ạ?” Tôi vội hỏi.
Chủ tịch phẩy tay về phía tôi: “Là thật đấy! Mau đi làm đi, kẻo không kịp đâu.”
Mao cố gượng thức chờ Ngô Húc Quân làm xong việc ấy rồi mới yên tâm đi ngủ.
Quyết
sách này của Mao đã gây ra tác động bùng nổ ở phương Tây. Bao năm qua
Trung Quốc và Mỹ đối địch với nhau, nay bỗng dưng Trung Quốc mời một
đoàn thể của Mỹ sang thăm, hơn nữa đây lại là một đoàn thể thể thao, mọi
người đều quan tâm.
Sau
khi người Mỹ đến Trung Quốc, Chu Ân Lai, con người đầy sức quyến rũ ấy
trổ hết tài năng tổ chức nghênh tiếp, làm cho người Mỹ cảm thấy “sự đón
tiếp lóa mắt” (lời Kissinger). Báo Mỹ hàng ngày tràn đầy những tin tức
phấn khởi kích động. Một nhà bình luận viết: “Nixon ngẩn người nhìn
những tin tức ấy nhảy từ trang thể thao lên trang nhất các báo”. Mao đã
tạo ra một môi trường mê li quyến rũ Nixon thăm Trung Quốc. Đối với
Nixon, đến Trung Quốc trong bầu không khí ấy về chính trị chỉ có trăm
điều lợi mà không một điều bất lợi, nhất là năm sau có bầu cử Tổng
thống.
Không
bỏ lỡ thời cơ, ngày 21/4/1971 Chu Ân Lai lại một lần nữa mời Nixon thăm
Trung Quốc. Ngày 29, Nixon lập tức nhận lời. Kissinger nói: “Nixon quả
thực phấn khởi tới mức không thể kiềm chế, thậm chí còn định không cử
đoàn tiền trạm đi Bắc Kinh trước, e rằng như thế sẽ làm cho chuyến thăm
của mình bớt mất ánh hào quang.”
Mao
không những câu được Nixon đến Trung Quốc mà còn câu được một món quà
gặp mặt vượt quá sức mong đợi. Tháng 7, khi đi tiền trạm đến Trung Quốc,
Kissinger có chủ động đề xuất: Nếu năm 1972 Nixon tái đắc cử Tổng thống
thì trước tháng 1/1975 Mỹ sẽ thừa nhận Trung Quốc, tiếp thu toàn diện
các yêu cầu của Bắc Kinh, hất cẳng Đài Loan. Cho dù Mỹ và Đài Loan có
hiệp định phòng thủ chung, Chu Ân Lai khi nói với Kissinger về vấn đề
Đài Loan dường như đã coi hòn đảo này đang nằm trong túi Bắc Kinh.
Kissinger đành làm một cử chỉ yếu ớt: “Chúng tôi mong vấn đề Đài Loan sẽ
được giải quyết một cách hòa bình.” Ông không yêu cầu Chu bảo đảm không
sử dụng vũ lực.
Hồ
sơ mật về chuyến đi tiền trạm của Kissinger mãi đến năm 2002 mới giải
mật. Trước đó trong hồi ký Kissinger viết về vấn đề này có một dòng “Chỉ
sơ sơ nói tới vấn đề Đài Loan”. Sau khi hồ sơ được giải mật, khi được
hỏi về vấn đề này, ông thừa nhận “Tôi nói như thế là rất không hay, tôi
rất ân hận.”
Nixon
còn nhắc tới vấn đề giúp Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc ngay. Kissinger
nói: “Bây giờ các ngài đã có thể chiếm chiếc ghế Trung Quốc. Tổng thống
yêu cầu tôi trước tiên bàn với các ngài vấn đề này, sau đó chúng tôi sẽ
quyết định chính sách công khai.”
Chiếc
hộp đựng quà gặp mặt của Kissinger không chỉ có những món ấy. Ông nêu
lên vấn đề sẽ báo cho Trung Quốc biết những nội dung Mỹ đã bàn với Liên
Xô. Kissinger nói: “Các ngài muốn biết chúng tôi đã bàn vấn đề nào với
Liên Xô thì chúng tôi sẽ cho các ngài biết, đặc biệt là đàm phán hạn chế
vũ khí chiến lược.” Mấy tháng sau, Kissinger nói với các sứ giả Trung
Quốc: “Chúng tôi cho các ngài biết chúng tôi đã bàn những vấn đề gì với
Liên Xô nhưng chúng tôi không cho Liên Xô biết chúng tôi đã bàn với các
ngài những vấn đề gì.” Khi nghe nói Mỹ đã cho Trung Quốc biết những tình
báo nào, Phó Tổng thống Nelson Rockefeller thực sự “ngạc nhiên đớ người
ra”. Một trong những tình báo đó là tình hình quân đội Liên Xô tập kết ở
biên giới Trung Quốc.
Về
vấn đề Đông Dương, Kissinger có cam kết hai vấn đề lớn. Thứ nhất là
trong vòng 12 tháng rút hết quân đội Mỹ. Thứ hai là từ bỏ chính quyền
miền Nam Việt Nam. Kissinger nói: “Khi hòa bình lập lại, chúng tôi sẽ ở
cách Đông Dương ngoài 10 nghìn dặm. Hà Nội vẫn ở Việt Nam.” Ý nói Việt
Nam sẽ là của Việt Cộng.
Thậm
chí Kissinger còn chủ động cam kết trong nhiệm kỳ tới của Nixon sẽ “rút
phần lớn cho tới toàn bộ quân đội Mỹ” ra khỏi Nam Triều Tiên. Nhưng ông
không nói một chữ nào về vấn đề quân đội các nước cộng sản sẽ tái xâm
lược Nam Triều Tiên hay không.
Những
món quà gặp mặt ấy không đòi hỏi lại quả. Kissinger nhấn mạnh ông không
yêu cầu Trung Quốc ngừng viện trợ Việt Nam, thậm chí chẳng nói gì tới
việc mong muốn chính quyền Mao bớt chửi Mỹ một chút. Từ biên bản hội đàm
có thể thấy, Chu Ân Lai luôn dùng khẩu khí đối địch như “Ngài phải trả
lời vấn đề này”, “Ngài phải giải đáp vấn đề kia”, “Sự áp bức của các
ngài, sự lật đổ của các ngài, sự can thiệp của các ngài”. Kissinger
chẳng những không bào chữa cho Mỹ mà còn tiếp thu cái logic nực cười của
Chu Ân Lai khi ông này nói vì Trung Quốc là nước cộng sản nên sẽ không
xâm lược nước khác.
Trong
đàm phán với cộng sản Việt Nam, mỗi khi đối phương nói chút gì động đến
sự sai trái của chính phủ Mỹ thì Kissinger đốp lại ngay: “Ngài có tư
cách gì nói tôi. Chính quyền mà ngài đại diện là một trong những chính
quyền hung hãn nhất trên hành tinh này.”
Thế
nhưng khi Chu Ân Lai nói Mỹ “tàn bạo” ở Việt Nam thì Kissinger chẳng
hỏi lại: “Thế các ngài đối xử với nhân dân mình ra sao?”. Trước lời lẽ
lên án của Chu Ân Lai, sau đấy Kissinger lại nói những lời ấy “vô cùng
xúc động lòng người”.
Ngày
đàm phán đầu tiên kết thúc, Mao nghe báo cáo, tâm lý tự đại của ông ta
lập tức căng phồng lên. Mao huyên thuyên nói với các cán bộ ngoại giao
rằng Mỹ là “Đồ khỉ biến thành người mà chưa biến được, lại còn giữ cái
đuôi của mình”, “Nó không còn là khỉ nữa, mà là vượn, đuôi không dài”,
“Đó là tiến hóa mà!” Còn Chu Ân Lai thì diễn tả Nixon “trang điểm phấn
son đến nhà người ta”. Mao thấy mình có thể giành được từ Nixon những
thứ mình muốn mà không cần trả giá, vừa chẳng phải giảm mức độ chuyên
chế bạo tàn mà cũng không phải hạ thấp giọng điệu chống Mỹ.
Sau
chuyến Kissinger bí mật đi Bắc Kinh, tin Nixon sẽ thăm Trung Quốc được
công khai trước toàn thế giới. Tháng 10/1971, Kissinger đến Bắc Kinh lần
nữa để thu xếp cho chuyến đi của Tổng thống. Đó chính là lúc Liên Hợp
Quốc mỗi năm một lần thảo luận vấn đề chiếc ghế ở Liên Hợp Quốc của
Trung Quốc. Mỹ là nước chính bảo vệ Đài Loan; bây giờ Cố vấn An ninh
quốc gia Mỹ Kissinger đang ở Bắc Kinh, điều đó chẳng khác gì bật đèn
xanh cho Trung Quốc. Ngày 25/10, Trung Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc, thay
Đài Loan tiếp quản quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.
Lúc đó vụ Lâm Bưu đào thoát vừa xảy ra được một tháng,[2] Mao
Trạch Đông còn đang chìm ngập trong nỗi chán nản thất vọng. Hai sự việc
lớn – Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc và Nixon đến Bắc kinh đã xua tan đám
mây mù, làm cho tâm trạng của Mao phấn khởi hẳn. Ông cười cười nói nói
với các cán bộ ngoại giao xúm xít xung quanh mình, hứng chí nói liền một
mạch gần ba tiếng đồng hồ. Ông cầm lấy bảng kết quả biểu quyết đề án
của Liên Hợp Quốc, vừa chỉ tay vào bảng vừa nói: “Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ,
Canada, Ý, tất cả đều làm Hồng vệ binh….”
Mao
lập tức chỉ thị cho phái đoàn đi Liên Hợp Quốc phải tiếp tục lên án Mỹ,
coi Mỹ là kẻ thù số một: “Phải thể hiện quan điểm lập trường rõ ràng”,
“Phải chỉ tên vạch mặt chúng, không làm thế không được”. Đã đến ngày
[Mao] bước lên diễn đàn thế giới với tư thế lãnh tụ chống Mỹ rồi đây.
Chín
ngày trước hôm Nixon đến, Mao bỗng nhiên bị đột quỵ, suýt nữa thì chết.
Nixon sắp tới rồi, tin này đem lại sự kích động tinh thần giúp Mao phục
hồi nhanh chóng. Hồi ấy ông đang bị phù nề, phải may quần áo mới và sắm
giày mới. Chỗ ngủ của ông có rất nhiều thiết bị y tế phục vụ nhu cầu
chữa bệnh. Mao nằm trong phòng khách lớn của hội trường ở phía trên bể
bơi. Phải tiếp Nixon ở chỗ này. Các thiết bị y tế được dọn vào một góc
đại sảnh, dùng bình phong che khuất cả thiết bị lẫn giường nằm. Bốn phía
đại sảnh được vây bởi các giá sách, trên xếp đầy sách cổ, khiến người
Mỹ không ngớt trầm trồ về học thức của Mao.
Buổi
sáng hôm Nixon đến đây, Mao rất sốt ruột luôn hỏi xem bây giờ Tổng
thống Mỹ đã đi tới chỗ nào rồi. Nghe nói Nixon trọ ở nhà khách Điếu Ngư
Đài, Mao lập tức đòi gặp khách, không muốn chờ đợi. Lúc ấy Nixon đang
chuẩn bị đi tắm. Kissinger kể là Chu Ân Lai “có chút nóng ruột” dục ông
ta đi ngay.
Trong
buổi hội kiến kéo dài 65 phút ấy, Nixon cố bàn bạc với Mao các chuyện
thế giới đại sự nhưng Mao lại lái đề tài nói sang chuyện khác. Ông không
muốn để người Mỹ nắm dao đằng chuôi.
Vì
để kiểm soát chặt chẽ biên bản ghi chép cuộc hội đàm này, phía Trung
Quốc từ chối sự có mặt của phiên dịch viên phía Mỹ. Trước yêu cầu trái
với thông lệ ngoại giao ấy, Nixon đã chấp nhận mà không có ý kiến gì.
Khi Tổng thống Mỹ đề nghị bàn về những chuyện lớn hiện nay như “Đài
Loan, Việt Nam, Triều Tiên”, Mao chẳng thèm quan tâm nói: “Các vấn đề ấy
không phải là vấn đề bàn ở chỗ tôi, mà nên bàn với Thủ tướng Chu Ân
Lai. Tôi không muốn quản những chuyện rắc rối ấy.”
Khi
Nixon tiếp tục bàn bạc theo mạch suy nghĩ của mình “Phải chăng tôi có
thể kiến nghị ngài bớt nghe báo cáo?”, “(Chúng ta) hãy tìm lấy một điểm
chung để xây dựng một cơ cấu thế giới”… Mao chẳng trả lời mà ngoái đầu
hỏi Chu Ân Lai: “Mấy giờ rồi?”, tiếp đó nói: “(Chúng ta) phét lác đến
đây có lẽ cũng tàm tạm đủ rồi đấy nhỉ?”
Mao
đặc biệt chú ý không nói những lời khen ngợi Nixon. Hai vị khách Mỹ thì
hăng hái phỉnh nịnh ông ta, chẳng hạn Nixon nói: “Các trước tác của Chủ
tịch đã thúc đẩy cả một dân tộc, đã làm thay đổi thế giới.” Chỉ có một
lần Mao lấy tư thế kẻ cả nói một câu tốt về Nixon: “Cuốn Sáu cuộc khủng hoảng (Six Crises) của ngài viết khá đấy.”
Nixon
lại nói: “Tôi có đọc thi từ và các bài viết của Chủ tịch, tôi biết Chủ
tịch là một nhà triết học.” Mao phớt lờ, chuyển đề tài sang Kissinger.
Mao: Ông ấy [ý nói Kissinger] chẳng phải là tiến sĩ triết học đấy ư?
Nixon: Ông ấy là tiến sĩ đại não.
Mao: Thế nào? Hôm nay bảo ông ấy làm diễn giả chính có được không?
Khi
Nixon nói, Mao ngắt lời: “Hai chúng ta chẳng thể độc diễn toàn bộ vở
kịch này được đâu, không cho tiến sĩ Kissinger phát biểu thì không ổn.”
Đến
khi Kissinger tham gia bàn bạc thì Mao lại tỏ ra không thực sự muốn
nghe ý kiến của ông ta, mà nói những câu vớ vẩn với Kissinger, đại để
như bảo “dùng các cô gái xinh đẹp để bao che mình”.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch và ghi chú
Nguồn: Chuyện chưa biết về Mao毛澤東:鮮為人知的故事.
—————–
[1] Vương
Hải Dung (Wang Hai-rong), nữ, s. 1938, có họ xa với Mao Trạch Đông. Học
tiếng Nga và Anh. Làm việc ở Bộ Ngoại giao TQ. Vụ phó Lễ tân (1971-72),
Trợ lý Bộ trưởng (1972-74), Thứ trưởng (1974-79). Sau mất chức vì nghi
có liên quan Bè lũ 4 Tên. Từ 1984 là Phó Chủ nhiệm Phòng Tham sự Quốc vụ
viện (một cơ quan tư vấn).
[2] Phó
CT Đảng CSTQ Nguyên soái Lâm Bưu định đảo chính lật Mao nhưng bất
thành, ngày 13/9/1971 cùng vợ con lên máy bay trốn ra nước ngoài, chết
vì máy bay rơi trên đất Mông Cổ.
ÂU DƯƠNG THỆ * NGUYỄN PHÚ TRỌNG THEO TRUNG CỘNG
Trump thắng cử, Nguyễn Phú Trọng ngả mạnh vào Bắc Kinh và ý chí kiên trì đấu tranh thắng lợi của chúng ta
Âu Dương Thệ (Danlambao) - Quỵ
lụy trước bọn bành trướng Bắc Kinh để thực hiện mục tiêu “còn đảng còn
mình” là tính toán cực kỳ thiển cận và ích kỷ. Không những thế, đây là
một chủ trương cực kỳ phản động đi ngược lại quyền lợi của đất nước và
khát vọng chính đáng của nhân dân và cả những đảng viên tiến bộ. Mọi mưu
đồ đen tối và sai lầm này chắc chắn không có tương lai! Nhân dân quyết
đứng lên và đảng viên tiến bộ dứt khoát rời bỏ nhóm cầm đầu độc tài,
tham nhũng và thần phục Bắc Kinh là việc trước sau phải diễn ra. Nguyễn
Phú Trọng và những người cầm đầu toàn trị cần hiểu rõ quy luật, vỏ quýt
dầy có móng tay nhọn; càng ngụp lặn cúi đầu với bọn bành trướng Bắc Kinh
thì đó là cách tự đào huyệt chôn chế độ nô lệ nhanh hơn!...
*
- Trump chống lại những giá trị căn bản của xã hội Hoa Kỳ và lẫn lộn giữa bạn và thù.
*
- Trump chống lại những giá trị căn bản của xã hội Hoa Kỳ và lẫn lộn giữa bạn và thù.
- Trump có thể thực hiện các ý định điên rồ được không?
- Trump phải vật lộn giữa tham vọng quá lớn, nhưng tư duy lạc hậu và uy tín quá tồi!
- Chế độ bội ước dân, Nguyễn Phú Trọng chỉ lo củng cố quyền lực và đàn áp nhân dân!
- Chế độ toàn trị do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu đang trong hoàn cảnh nào?
- Từ Tổng bí thư tới Thủ tướng chỉ cho dân ăn bánh vẽ!
- Những vấn nạn cho CSVN từ chính sách của Trump và cách giải quyết mù quáng cúi đầu trước Bắc Kinh của Nguyễn Phú Trọng.
*
Trump chống lại những giá trị căn bản của xã hội Hoa Kỳ và lẫn lộn giữa bạn và thù
Mặc dầu thua đối thủ là cựu Ngoại trưởng bà Clinton gần 3.000.000 phiếu
trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2016, nhưng ngày 19.12 đa số Cử tri đoàn vẫn
bầu nhà tỉ phú địa ốc Donald Trump làm Tổng thống (TT) thứ 45 của Hoa
Kỳ (1). Chiến thắng không danh dự qua các thủ đoạn tồi tệ nhất và những
lời hứa mị dân của ông Trump đang nổ ra những cuộc tranh luận rất gay
gắt và tạo ra những lo ngại sâu sắc không chỉ đối với nhân dân Mỹ mà
ngay cả với các đồng minh và đối thủ của Hoa Kỳ trên thế giới.
Nếu tân TT thực hiện toàn bộ những gì ông nói và hứa trong cuộc tranh cử
vừa qua thì đây sẽ là một cuộc cách mạng, nhưng là một cuộc cách mạng
rất tồi và cực kỳ nguy hiểm cho không chỉ nước Mỹ mà toàn thế giới (2).
Tại sao? Cố tình khai thác các mánh lới mị dân ông Trump đã không ngần
ngại chống lại những giá trị căn bản của xã hội Mỹ. Hoa Kỳ được thành
lập trước đây hơn hai thế kỷ trong những điều kiện đặc biệt. Những thế
hệ đầu tiên di cư sang Mỹ là người Âu châu, trong đó phần lớn là những
nạn nhân của chiến tranh tôn giáo (Thiên Chúa giáo và Tin Lành), và
những nạn nhân chính trị cùng đói nghèo do các cuộc chiến tranh tàn ác,
tranh chấp quyền bính giữa các vua chúa. Vì thế những người Mỹ đầu tiên
quyết xây dựng một tân quốc gia lấy tự do tôn giáo và tôn trọng dân
quyền là giá trị chung của xã hội. Tiếp theo đó làn sóng mua bán nô lệ
từ châu Phi sang Hoa Kỳ đã dẫn tới chiến tranh Nam-Bắc, nhưng cuối cùng
chủ nghĩa cấm kỳ thị chủng tộc được nhìn nhận. Các giá trị quan trọng
khác của xã hội Mỹ là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, bình đẳng
nam nữ đã được ghi nhận trong Hiến pháp và là nền tảng trong sinh hoạt
chính trị giữa chính quyền và các công dân xuyên qua các đoàn thể dân sự
được thành lập độc lập trong mọi lãnh vực đời sống ở Hoa Kỳ. Những cuộc
tranh đấu cho những giá trị này ở Mỹ cũng đã diễn ra cùng thời ở Âu
châu và sau đó ở trên toàn thế giới với kết quả là Bản Tuyên ngôn Quốc
tế Nhân quyền của Liên hiệp quốc 1948. Từ đó Hoa Kỳ trở thành một biểu
tượng tốt cho nhân loại!
Những giá trị xã hội mang tính nhân bản và thời đại này đã được thử
thách và đã chứng tỏ tính đúng đắn mang lại những lợi ích thiết thực
trong việc xây dựng đất nước Hoa Kỳ. Từ phân hóa, đa chủng tộc, đa tôn
giáo và khác biệt ngôn ngữ, kỳ thị chủng tộc, chiến tranh Nam-Bắc, Mỹ
tiến lên thành một liên bang, một chế độ dân chủ đa nguyên dựa trên
những nền tảng nhân bản vững chắc, nhưng vẫn sẵn sàng cho những thay đổi
để cải thiện nền tảng chính trị, kinh tế, văn hóa như các tu chính Hiến
pháp hoặc các đạo luật bổ xung cho tự do báo chí, chống kỳ thị chủng
tộc, chống tham nhũng. Ngọn cờ đòi các nước thực dân cũ phải chấm dứt
chính sách thuộc địa và trao trả độc lập cho các nước ở Á, Phi và Nam Mỹ
đã tạo uy tín lớn cho Mỹ trên thế giới. Giữ gìn các cam kết quốc tế,
như trực tiếp cùng đồng minh tham gia đánh tan phát xít Hitler Đức, quân
phiệt Nhật và ngăn chặn thành công làn sóng CS dẫn tới tan rã Liên xô
và thế giới CS đã đưa Mỹ trở thành siêu cường và được sự tin cậy của các
nước dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Nhưng trong cuộc tranh cử vừa qua, để giành ghế TT nên Trump đã cố tình
dùng chủ thuyết mị dân công khai chống lại những giá trị căn bản nói
trên của xã hội Mỹ. Ông đã kỳ thị tôn giáo đòi không cho người Hồi giáo
vào Hoa Kỳ; ông đã mạt sát phụ nữ, kết án tự do báo chí, ủng hộ việc tra
tấn tù nhân kiểu cựu TT Bush con, kỳ thị chủng tộc đòi dựng bức tường
suốt mấy ngàn cây số dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mễ tây cơ! Không những
thế Trump còn đe dọa hủy bỏ các hiệp ước quốc tế mà Hoa Kỳ đã ký và
những cam kết của Mỹ với các đồng minh; đồng thời lại ca tụng TT Nga
Putin, một chính trị gia độc tài suốt 16 năm qua chuyên quyền, tham
nhũng và nuôi những tham vọng cực kỳ nguy hiểm và điên rồ. Một cá nhân
hành động phản lại những giá trị con người, đó là một cá nhân xấu; một
chính trị gia có những hành động chống lại những giá trị chung của xã
hội và nhân loại là một chính trị gia cực kỳ nguy hiểm!
Trump có thể thực hiện các ý định điên rồ được không?
Các câu hỏi trung tâm cho các chính trị gia trên thế giới và các nhà
quan sát chính trị quốc tế là, liệu tân TT Mỹ có thể thực hiện những
tuyên bố và lời hứa trong tranh cử vừa qua hay không? Đâu là trọng tâm
trong chính sách đối nội và đội ngoại của Trump? Vì Hoa Kỳ vẫn còn là
siêu cường cả về quân sự lẫn kinh tế, nên những câu hỏi quan trọng này
đang là chủ đề tranh luận ở Mỹ và thế giới. Đặc biệt đối với VN, một
nước có nền kinh tế đặt trọng tâm vào xuất khẩu, đang có số xuất siêu
cao nhất với Hoa Kỳ nhưng đồng thời lại phải chịu số nhập siêu cao nhất
với Trung quốc; nên các quyết định kinh tế, ngoại giao và quốc phòng của
Trunp chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng mạnh và trực tiếp tới số phận của
chế độ toàn trị CSVN.
Theo Hiến pháp Mỹ, TT đứng đầu hành pháp và có quyền hành lớn, nhưng từ
thời TT Nixon các quyền của TT đã bị cắt bớt cho lưỡng viện (3). Là một
xã hội dân chủ đa nguyên lâu đời nên quyền lực trong xã hội Hoa Kỳ được
phân chia vào các cột trụ chính là hành pháp (TT), lập pháp (Thượng viện
và Hạ viện) và tư pháp (tòa án). Quốc hội Mỹ có thể gây khó khăn hoặc
làm tê liệt các hoạt động của TT, như mở các cuộc điều trần và điều tra
từ TT tới các bộ trưởng, hoặc không thông qua ngân sách của hành pháp
(4). Ngoài ra hệ thống báo chí độc lập ở Hoa Kỳ luôn luôn là những tiếng
nói, bộ phận theo dõi và kiểm soát các cơ quan quyền lực khác; trong
những giai đoạn khủng hoảng về chính trị, báo chí Mỹ đã từng chứng tỏ là
tiếng nói có ảnh hưởng quyết định tới những cơ quan cao nhất của Mỹ,
như dưới thời các TT Nixon, Clinton và Bush (con). Là một nước tư bản
hàng đầu nên nhiều công ty lớn, đặc biệt là các công ty liên quốc, có
ảnh hưởng lớn tới các chính sách và quyết định của hành pháp và lập
pháp. Hệ thống đa diện và đa năng của các tổ chức dân sự ở Mỹ vừa là
những đoàn thể áp lực, vừa là tai mắt và tiếng nói của nhiều thành phần
trong xã hội Hoa Kỳ. Trong các cuộc xung đột quốc tế, tranh chấp về môi
trường và vi phạm nhân quyền trên thế giới các tổ chức xã hội dân sự ở
Hoa Kỳ đã có những tiếng nói rất mạnh ảnh hưởng tới hành pháp, lập pháp
và tư pháp. Ngoài ra trong hệ thống bầu cử ở Mỹ, các dân biểu quốc hội
chịu áp lực lớn của cử tri địa phương, nên nhiều khi họ không chịu những
ràng buộc của đảng mình trong các cuộc bỏ phiếu tại lưỡng viện như ở
nhiều nước dân chủ Âu châu.
Như vậy nói tóm lại, trong cơ chế chính trị và cách tổ chức vận hành xã
hội của Hoa Kỳ, ông Trump không có toàn quyền như trong một chế độ độc
tài. Mặt khác, lý lịch mấy chục năm trong kinh doanh địa ốc đầy tai
tiếng để trở thành tỉ phú, khiến Trump bị coi như một trọc phú không có
uy tín. Tư cách tồi và tính tình bất nhất, lại không có kinh nghiệm
chính trị, cho nên đối với nhiều giới ở Hoa Kỳ và trên thế giới ông
Trump không có uy tín để trở thành một nhà lãnh đạo đáng tin cậy. Một
người tôn thờ dối trá, cực đoan bỗng chốc đứng đầu một xã hội đã từng có
nền tảng giá trị dân quyền và nhân quyền cao như Mỹ thì chắc chắn ông
Trump phải đương đầu với các thành phần chính yếu nhiều quyền lực và uy
tín trong xã hội Hoa Kỳ. Xã hội Mỹ có thể ví như một ngôi nhà chung của
một số chủ nhân có quyền hành ngang nhau. Nay một chủ nhân mới ngang
bướng và không có tư cách muốn chỉ huy thì điều gì sẽ diễn ra, mọi người
có thể tiên liệu được!
***
Không những thế, ông Trump cầm quyền trong giai đoạn thế giới đang
chuyển vào một thời đại mới chưa từng có. Tiếp nối những tiến bộ và phát
minh mới trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật, gần 30 năm qua nhân
loại vừa là chứng nhân vừa là tác nhân cho những thay đổi sâu sắc và đạt
nhiều thành tựu mới vĩ đại. Đó là sự tan rã của Liên xô và các nước CS
Đông Âu đã từng tôn thờ chủ nghĩa bạo lực và thủ tiêu nhân quyền, tự do
dân chủ. Đồng thời nhân loại còn bước vào hai cuộc cách mạng mới, đó là
toàn cầu hóa về tài chính-kinh tế và kỷ nguyên internet điện tử. Nhờ
những tiến bộ khoa học-kỹ thuật và những cuộc tranh đấu kiên trì của
nhân dân nhiều nước nên chiến tranh lạnh chấm dứt, nhờ thế hai cuộc cách
mạng mới này đã song hành bùng nổ rất nhanh và mãnh liệt, nay đang bao
trùm toàn thế giới. Mỗi ngày hàng tỉ người trên thế giới với điện thoại
cầm tay, máy điện tử và các mạng Internet dân sự có thể liên lạc nhanh
chóng và trực tiếp với nhau trong mọi lãnh vực không cần phải xin phép,
không còn bị gò bó trong các kênh tuyên truyền một chiều; qua đó tạo nên
những quan hệ mới, tin cậy mới giữa cá nhân với cá nhân từ những nước
khác nhau, từ đó mở ra những vận hội mới cho từng dân tộc và toàn thế
giới. Các dân tộc xích lại với nhau hơn, các nền văn minh-văn hóa lớn
trao đổi trực diện thường xuyên hàng ngày với nhau. Hai cuộc cách mạng
này đang thay đổi bộ mặt thế giới và tâm lý, tình cảm của con người và
làm thay đổi tương quan lực lượng trên thế giới, hình thành các trung
tâm quyền lực mới, như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật, Nga, Ấn…; trong đó
vai trò của Hoa Kỳ đang bị thử thách lớn. Do những sai lầm tai hại trong
chiến lược suốt 8 năm thời TT Bush (con) đã khiến Mỹ đang mất thế
thượng phong kinh tế.
Có những người đưa ra nhận định, Trump gian dối làm TT Mỹ, TT Putin ma
đầu và Tổng bí thư Tập Cận Bình tôn thờ chủ nghĩa dân tộc cực đoan thì
các cuộc cách mạng này sẽ bị chững lại hoặc bị thủ tiêu. Nói như thế có
khác nào tin rằng, điện thoại cầm tay, điện thư và các phương tiện
truyền thông xã hội tân kỳ gắn kết thông tin và liên lạc giữa nhiều tỉ
người trên trái đất sẽ bị vô hiệu hóa, thành đống sắt vụn? Và các giao
thương, quan hệ kinh tế trên bình diện toàn cầu hiện nay phải nhường chỗ
cho giao dịch chỉ giới hạn trong khuôn khổ quốc gia và khu vực như các
thế kỷ trước? Ai tin như thế là nghĩ rằng, độc tài, bạo lực, dối trá và
mị dân đang thắng thế và thay cho ôn hòa, trung thực và nhân bản. Ai tin
như thế là vô tình hay cố ý cho rằng, những giá trị về nhân quyền, công
bằng, bác ái và tự do dân chủ mà nhân loại từ Tây sang Đông đã đổ bao
nhiêu xương máu trong nhiều thế kỷ qua đã mất hết giá trị! Những ai tin
như vậy có khác gì nghĩ rằng, có thể bắt thời gian ngưng lại, hay quay
ngược được thời gian! Các nhà độc tài Hitler, Stalin, Mao... có thể
khuấy động một nước hay một khu vực trong một thời gian; nhưng nhân loại
vẫn từng bước vững vàng tiến về phía trước, loại bỏ các chế độ độc tài
và xây dựng một thế giới nhân đạo hơn, với tự do dân chủ và cuộc sống ấm
no hơn. Đây là một sự thực lịch sử không ai có thể chối cãi được!
Hai cuộc cách mạng kinh tế-tài chính và kỹ thuật điện tử hiện nay đang
làm thay đổi cuộc sống của nhiều tỉ người, dẫn tới thay đổi nhiều tương
quan lực lượng quốc tế, thay đổi tư duy và tâm lý của nhân loại. Những
sai lầm trầm trọng về chiến lược 8 năm thời TT Bush con đã làm Hoa Kỳ
suy yếu cả về quân sự, kinh tế, chính trị lẫn ngoại giao và vô tình giúp
cho các thế lực độc tài ở Trung quốc, Nga và VN vực đầu lên (5). Một số
chế độ độc tài vô trách nhiệm đã lợi dụng tình hình để thủ lợi riêng,
phát triển kinh tế bằng mọi giá kể cả phá hủy môi trường, cấu kết với tư
bản bên ngoài bóc lột nhân dân và củng cố chế độ độc tài tham nhũng như
Tập Cận Bình ở Trung quốc và Nguyễn Phú Trọng ở VN. Như chính Nguyễn
Phú Trọng phải nhìn nhận sau thảm họa môi trường Formosa (6). Hoặc lợi
dụng tiến bộ kỹ thuật điện tử để can thiệp trực tiếp vào tình hình chính
trị, kinh tế của nước ngoài mong thoát khỏi sự phong tỏa của quốc tế,
như trường hợp Putin đã cho cấp dưới tổ chức Hacker đánh cắp các email
của bà Clinton rồi cho WikiLeaks tung ra để giúp Trump thắng cử (7).
Trong khi đó theo đuổi danh vọng cao bất chấp trách nhiệm, Trump đã lợi
dụng sự lo ngại của một số thành phần trong xã hội Mỹ đã đưa ra những
đòi hỏi mị dân trong cuộc tranh cử.
***
Hai cuộc cách mạng mới đang thay đổi bộ mặt thế giới và ảnh hưởng tới tư
duy cũng như tập quán của các dân tộc và các nền văn minh. Nhưng cuộc
cách mạng nào cũng có bề trái của nó. Bên cạnh những tiến bộ và thành
quả không thể chối cãi được, nó đang chứa đựng một số những sơ hở cần
phải nghiêm túc sớm sửa chữa, cải thiện.
Đối với các cuộc cách mạng toàn cầu hóa kinh tế-tài chính và ứng dụng
điện tử với hàng tỉ người trên thế giới cần phải giữ tinh thần khoa học
khách quan, lòng can đảm và đầu óc sáng suốt biết sử dụng những lợi ích
thiết thực và to lớn mới cho quốc gia, cho con người; đồng thời biết cải
thiện và ngăn ngừa những bất cập! Các cuộc cách mạng mới hiện nay đang
mở ra cho nhân loại những vận hội mới; như xóa nghèo đói, chậm tiến, đẩy
lùi các thế lực độc tài. Những giá trị nhân quyền và tự do dân chủ đang
được phổ cập tới từng cá nhân và ngõ ngách mà trước đây hai ba thập kỷ
vẫn bị coi là ảo tưởng. Sức mạnh của Internet và báo chí điện tử đã được
chính Nguyễn Phú Trọng lo ngại khi nhắc tới một số nhận định của phương
Tây trong bài "Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay" trên tờ CS điện tử ngày 9.11.05:
"Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể hoàn thành"; "một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước''; ngày nay ''làn
sóng điện đang thay thế thanh gươm; cây bút là phương tiện đi vào trái
tim khối óc con người''; ''một đô-la chi cho tuyên truyền có tác dụng
ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng''
Nó đang tạo thành những sức mạnh vũ bão mới, khiến cho những chính trị
gia độc tài, những chủ nghĩa dân tộc cực đoan và quá khích tôn giáo lo
lắng và hoảng sợ. Họ đang lao đầu phản công bằng những chủ nghĩa mị dân,
phao tin thất thiệt để gây hận thù, chia rẽ theo cách cò, hến tranh
nhau ngư ông biển lợi! Ở một số nơi các nhà cầm quyền độc tài còn lợi
dụng hai cuộc cách mạng mới này để củng cố chế độ!
Chiến thắng của Trump không làm sang trang thế giới, mà cùng lắm chỉ có
thể làm trì hoãn một thời gian. Tại sao? Trào lưu toàn cầu hóa kinh
tế-tài chính mở ra cùng lúc thế giới CS tan rã và sự bùng nổ của
internet đang tạo ra những điều kiện và cơ hội giúp phát triển các quyền
tự do và dân chủ từ khu vực trở thành toàn cầu. Các trào lưu và phát
minh công nghệ và kỹ thuật này có tầm vóc rộng lớn hơn cuộc Cách mạng
Công nghiệp hai thế kỷ trước.
Tuy nhiên, một cuộc cách mạng thường mở ra các khả năng, đó là các lực
lượng cách mạng muốn tạo ra một xã hội mới tiến bộ và nhân bản, nhưng
các lực lượng phản cách mạng muốn duy trì chế độ cũ. Ngoài ra còn phải
lưu ý, có những lực lượng lợi dụng cách mạng để thủ lợi riêng. Trong
lịch sử nhân loại đã thường xảy ra những tình trạng như vậy trong giai
đoạn giao thời. Khi các cơ chế cũ không còn thích hợp và những cơ chế
mới chưa được thành lập hoặc chưa hoạt động kiến hiệu. Trong đó các thế
lực cực tả hoặc cực hữu lợi dụng để thiết lập và củng cố các chế độ
không tưởng như Cách mạng tháng 10 của Lenin ở Nga, hoặc dân tộc cực
đoan như Quốc xã Đức thời Hitler không bao lâu sau Thế chiến thứ nhất.
Cuộc cách mạng mới đang diễn ra trong khi đó nhiều cơ chế cũ không còn
thích hợp, như chiếc áo chật. Nhiều giới có ý thức trách nhiệm trên bình
diện quốc gia lẫn quốc tế đã nhận ra được một số khuyết điểm của hai
cuộc cách mạng mới và đòi hỏi phải nghiêm túc thay đổi nhanh chóng. Đó
là:
- Cần phải chấm dứt tình trạng nhiều công ty liên quốc và đại công ty
đạt lợi nhuận hàng năm cả chục tỉ, thậm chí cả trăm tỉ Mỹ kim, nhưng lại
chỉ phải đóng thuế rất thấp 1-2%. Cần thiết lập chế độ thuế khóa quốc
gia và quốc tế để chấm dứt bất công này, trích các lợi nhuận của các
công ti này cho các quốc gia liên hệ và các tổ chức quốc tế để giải
quyết công ăn việc làm, chống bất công và bóc lột, tạo lợi ích cho đa
số.
- Cũng cần chấm dứt sớm tình trạng lợi dụng thời cơ đục nước béo cò ở
nhiều nước độc tài đảng trị và độc tài cá nhân. Ở một số nước toàn trị,
như Trung quốc và VN, những người cầm đầu đang lợi dụng sự viện trợ và
đầu tư của các công ty nước ngoài lên tới hàng trăm tỉ Mỹ kim để đổ vào
các doanh nghiệp nhà nước nhằm củng cố bộ máy độc tài và tạo ra nạn tham
nhũng bất trị trong hàng ngũ bọn quan đỏ từ trung ương tới địa phương.
Các chế độ độc tài đảng trị và độc tài cá nhân đang toa rập với nhiều
công ty nước ngoài cùng nhau bóc lột công nhân qua các mánh lới thỏa
hiệp và tham nhũng. Các thủ đoạn tồi tệ này giống hệt như thời kỳ đầu
của Cách mạng Công nghiệp, bọn tư bản và vua chúa đã cấu kết với nhau
dựng lên chế độ tư bản rừng rú!
- Cần có những định chế quốc tế qui định pháp lý công khai, minh bạch và
nghiêm khắc để ràng buộc và ngăn cấm những hoạt động Hacker (phá hoại,
ăn cắp thông tin điện tử cho các mục đích đen tối). Các công ty làm dịch
vụ điện tử xã hội phải chịu trách nhiệm về những tin cố tình bịa đặt
(Fake news), cố súy cho kì thị tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Đồng thời phải nghiêm khắc ngăn cấm mọi biện pháp độc tài xâm phạm tự do
báo chí, thông tin và tự do tư tưởng của nhân dân.
Trump phải vật lộn giữa tham vọng quá lớn, nhưng tư duy lạc hậu và uy tín quá tồi
Tân TT đang dự tính gì? Chỉ ít ngày sau khi thắng cử chức TT, đạt danh
vọng cao nhất trong đời, Trump đã bội ước ngay hàng chục triệu cử tri đã
tin ông. Nay Trump đã hủy bỏ hoặc làm nhẹ nhiều hứa hẹn trong lúc tranh
cử trong một số lãnh vực. Như thay vì hứa tống xuất tất cả 11 triệu
người nhập cư trái phép vào Mĩ, mức này đã hạ xuống chỉ 2-3 triệu (8).
Thay vì hủy bỏ chế độ bảo hiểm sức khỏe Obamacare liên quan tới cả 20
triệu người, nay Trump nói, vẫn giữ lại những nguyên tắc chính của đạo
luật này. Khẩu hiệu tranh cử hàng đầu để kiếm phiếu là quyết xây bức
tường “Vạn lý trường thành” giữa Mỹ-Mễ và Mễ phải trả kinh phí cho việc
xây này, nay Trump bảo có thể chỉ dựng hàng rào thôi. Trong khi tranh cử
Trump còn mạt sát thậm tệ các cơ quan báo chí, truyền hình và truyền
thanh ở Hoa Kỳ, trong đó có tờ New York Times (NYT) là báo có uy tín lớn
đã đưa các tin về khai thuế gian lận của ông Trump. Nhưng ngày 22.11
Trump đã thân hành tới NYT và khen tờ báo này như là một “viên ngọc” của
Hoa Kỳ (9)!
Trong thành phần nội các và cố vấn quan trọng tương lai của chính phủ
Trump hầu hết là những nhà tỉ phủ hoặc ít nhất là các triệu phú Dollar,
không có ai xuất xứ từ thành phần trung lưu thấp hoặc nghèo khó, là hai
thành phần cử tri quan trọng nhất đã bầu cho Trump. Như vậy Trump cũng
như các bộ trưởng và giám đốc trong chính phủ tương lai sẽ đại diện cho
thành phần nào, hay chỉ đại diện quyền lợi cho chính họ, những tỉ phủ và
triệu phú?(10)
Căn cứ vào thành phần nội các và các cố vấn mới trong lãnh vực thương
mại và an ninh, cũng như một số hoạt động và chương trình hành động 100
ngày đầu của tân TT cho thấy một số trọng tâm. Với khẩu hiệu “Mỹ trước
tiên” (America First), ông Trump trong đối nội đang tìm cách lôi kéo các
đại công ty Mỹ rút vốn ở các nước ngoài, như từ Trung quốc, VN..., trở
về Hoa Kỳ hoạt động. Với bên ngoài, Trump đặt trọng tâm ngăn chặn Trung
quốc trong kinh tế-thương mại. Ông sử dụng chiến lược chọn lãnh vực nhạy
cảm nhất của Bắc kinh để đánh là tìm cách làm sống dậy chủ thuyết hai
Trung quốc, lục địa và Đài loan; dùng Đài loan như là đòn áp lực để hy
vọng Bắc kinh phải nhượng bộ. Đây là sách lược mượn sức của người khác
để cứu mình, một cách làm ăn mà ông Trump đã từng sử dụng trong kinh
doanh địa ốc. Trump bổ nhiệm GS kinh tế P. Navarro, người chủ trương
chống Trung quốc triệt để, làm cố vấn cao cấp trong lãnh vực thương mại,
và đề cao cuộc điện thoại giữa Trump và TT Đài Loan, bà Thái Anh Văn
đầu tháng 12(11). Là những tín hiệu cho hướng hành động này. Nếu thực
hiện các chủ trương cứng rắn này thì sẽ có thể có đối đầu lớn giữa hai
cường quốc kinh tế số 1 và số 2. Kết quả như thế nào còn tùy thuộc vào
nội lực của chính Hoa Kỳ và Trung quốc, cũng như sự hậu thuẫn của các
đồng minh mỗi bên. Trong khi Trump phải tranh thủ sự ủng hộ ở ngay trong
nước thì Tập Cận Bình phải đấu tranh để giữ ghế Tổng bí thư tiếp tục
tại Đại hội 19 ĐCS Trung quốc vào cuối 2017.
Mặt khác Trump đã tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước thương mại xuyên Thái bình
dương (TPP) giữa Hoa Kỳ và 11 nước, trong đó có VN. Đây không chỉ thuần
là hiệp định thương mại-kinh tế, nhưng là một hiệp ước có mục tiêu chiến
lược an ninh-quốc phòng của Hoa Kỳ trong khu vực này, trong đó có nhiều
đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở Đông Á và Đông nam Á đang quan ngại
sự bành trướng của Bắc Kinh. Trong chiến lược xoay trục sang Thái Bình
Dương thời TT Obama để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung quốc thì TPP là cái
hồn. Hồn mất thì việc quay trục chỉ là cái xác bất động, mặc dù tới nay
ông Trump chưa cho biết chiến lược này có được dùng tiếp không.
Đối với các đồng minh chính của Hoa Kỳ trong NATO và EU và chính sách
với Nga, đối thủ nguy hiểm của Mỹ và đồng minh ở Âu châu, ông Trump đã
có những tuyên bố và đòi hỏi rất mâu thuẫn. Trong khi Putin đã xâm chiếm
bán đảo Krim của Ukraine, xóa bỏ nguyên tắc tôn trọng biên giới lãnh
thổ giữa các nước Âu châu sau Thế chiến 2, tức là vi phạm Hiệp ước an
ninh và hợp tác Âu châu. Hành động này của Putin đe dọa trực tiếp các
đồng minh chính của Mỹ và thách thức NATO. Không những thế, Putin còn
trực tiếp tham chiến ở Syrien giúp nhà độc tài Asad củng cố quyền lực và
tạo ra làn sóng di cư của nhiều triệu người, đe dọa trực tiếp tới an
ninh của EU. Nhưng Trump đã nhiều lần ca ngợi Putin và đe dọa các đồng
minh chính của Mỹ là, có thể Hoa kì sẽ xét lại sự tham dự trong NATO. Rõ
ràng một chủ trương như thế là ông Trump đã vướng vào sai lầm nguy
hiểm, là lẫn lộn giữa thù và bạn; không những thế còn tìm cách hợp tác
với độc tài và chống các đồng minh dân chủ chính của Hoa Kỳ.
Việc Trump cử Steve Bannon, một người cực hữu, làm cố vấn an ninh (12)
và cử giám đốc công ty dầu khí Exxon, Rex Tillerson làm ngoại trưởng Mỹ
tương lai - một người bạn của Putin (13) - và việc TT Obama yêu cầu công
bố việc điều tra về tin, chính Putin đã can thiệp vào cuộc bầu cử TT
vừa qua với việc để cho thực hiện Hacker tung các email bất lợi cho ứng
cử viên đảng Dân chủ bà Clinton sẽ trở thành chủ đề tranh cãi rất gay go
trong lưỡng viện, báo chí và chính giới Mỹ trong thời gian tới. Quyết
định trừng phạt Nga của Obama bằng cách tống suất 35 nhà ngoại giao Nga
khỏi Hoa Kỳ ngày 29.12(14) là một thách thức lớn cho cả Putin lẫn Trump.
Uy tín và uy quyền tương lai của ông Trump sẽ tùy thuộc rất nhiều vào
kết quả cuộc điều trần và tranh luận rất gay go này. Một chính trị gia
khó thành công nếu không được hậu thuẫn của nhân dân trong nước và sự
đồng tâm giúp đỡ của đồng minh.
Chế độ bội ước dân, Nguyễn Phú Trọng chỉ lo củng cố quyền lực và đàn áp nhân dân!
30 năm trước, cũng đúng vào dịp này cuối 1986, tại Đai hội 6 những người
cầm đầu chế độ khi ấy từ Trường Chinh tới Nguyễn Văn Linh đã thề thốt “lấy dân làm gốc”, “đổi mới hay là chết”, “đổi mới toàn diện cả kinh tế lẫn chính trị”.
Nhưng nay 30 năm sau chính họ và những người cầm đầu tiếp theo đã bội
ước toàn bộ. Nguyễn Phú Trọng, người đang cầm đầu chế độ toàn trị, trước
sau vẫn ra lệnh quân đội, công an phải trung thành tuyệt đối với đảng,
mạt sát Dân chủ đa nguyên, theo dõi nhân dân và giam cầm hàng trăm người
dân chủ. Cả Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 do ông nặn ra vẫn giữ chủ
nghĩa Marx-Lenin là kim chỉ nam tư tưởng và chế độ độc đảng là nền tảng
của xã hội.
Sự bội ước của họ không chỉ đa số nhân dân đã thấy rõ mà ngày càng nhiều
đảng viên cũng nhận thức ra, bừng tỉnh lại. Cho nên ngày càng nhiều
đảng viên tiến bộ muốn rũ bõ chế độ tham nhũng thối nát. Bên cạnh sự
chống đối của nhiều thành phần nhân dân, các đảng viên tiến bộ cũng đang
dứt khoát cùng với nhân nhân chống lại chế độ toàn trị và bất lực. Từ
những cuộc phản đối lẻ tẻ vài năm trước, mới đây đã có những cuộc biểu
tình tập hợp cả ngàn người, thậm chí cả chục ngàn ngưới, như ở Hà Tĩnh
chống công ti Formosa và nhà cầm quyền đã cấu kết gây ra thảm họa môi
trường ở miền Trung. Đây là nguy cơ đe dọa trực tiếp sự tồn tại của chế
độ toàn trị.
Vì thế hiện nay ngoài việc gia tăng đàn áp các người dân chủ, đi đầu là
trí thức và thanh niên, Nguyễn Phú Trọng còn phát động phong trào đàn áp
và thanh toán các đảng viên tiến bộ không còn tin vào chủ nghĩa
Marx-Lenin phá sản và bất tin các nhóm cầm quyền vừa tham quyền vừa tham
tiền. Tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc vừa qua để học tập Nghị quyết Hội
nghị trung ương 4 ngày 9.12.16, Nguyễn Phú Trọng đã kết án những đảng
viên tiến bộ này là “tự diễn biến”, “tự chuyển biến”. Suốt 30 năm
qua họ vẫn chỉ lo củng cố chế độ toàn trị bằng mọi biện pháp dã mãn tàn
bạo chống nhân dân và đảng viên tiến bộ. Rõ ràng thay vì “lấy dân làm gốc”,
họ đã lợi dụng và sử dụng nhân dân như những cái rễ để nuôi bọn độc tài
tham nhũng tiếp tục cưỡi trên đầu nhân dân và đảng viên!
Sau chiến thắng bất chính tại Đại hội 12 vào đầu năm 2016, Nguyễn Phú
Trọng đang ra tay thâu tóm thêm quyền lực. Ngoài chức Tổng bí thư, ông
còn nắm đầu quân đội và mới đây còn nắm quyền chỉ huy cả công an nữa.
Ngoài ra từ hơn 4 năm qua ông còn đứng đầu công tác chống tham nhũng.
Như vậy Nguyễn Phú Trọng cũng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên về
toàn bộ các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao, quốc
phòng... Nguyễn Phú Trọng không tham nhũng tiền bạc, nhưng lại là người
cực kỳ tham nhũng quyền lực. Cao điểm nhất của hành động tham nhũng
quyền lực rất trắng trợn của ông là Đại hội 12 đầu năm 2016. Trong đó
ông Trọng dù đã gần 72 tuổi quá hạn tuổi theo qui định của Điều lệ đảng
từ lâu, nhưng vẫn cố tình lợi dụng quyền lực bắt các đồng liêu trong Bộ
chính trị và trong Trung ương đảng phải xếp mình vào “trường hợp đặc biệt”
để tái cử Tổng bí thư!(15) Tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn tham
nhũng tiền bạc, ở chỗ họ muốn giữ quyền lực và còn tìm mọi cách mở rộng
thêm quyền lực, nên sẵn sàng thỏa hiệp lười biếng và đi đêm với những
phần tử tham nhũng tiền bạc! Nguyễn Phú Trọng đã cầm đầu chế độ toàn trị
gần 6 năm và đụng đâu hỏng đấy, nhưng vẫn tham quyền cố vị!
Chế độ toàn trị do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu đang trong hoàn cảnh nào?
* Nợ công gia tăng tới mức nguy hiểm: Ngân Hàng Phát Triển Á Châu
vừa qua cho biết, nợ nước ngoài của VN gia tăng nhanh mỗi năm. Năm 1985
trước khi “đổi mới,” nợ nước ngoài của VN chỉ hơn 10 tỷ USD. Nhưng nay
Ngân hàng Thế giới nói, nợ công của VN sẽ vượt xa con số 117 tỷ USD của
năm 2015(16). Trong khi ấy đầu tư nước ngoài đang rời khỏi VN vì tham
nhũng và môi trường dơ bẩn. Theo các chuyên viên quốc tế và VN, hai
nguyên nhân chính đưa đến tình trạng kinh tế tụt hậu so với nhiều nước
trong khu vực là do Kinh tế thị trường định hướng XHCN và chính sách
công hữu đất đai. Nhưng cả hai nguyên nhân này đều bắt nguồn từ chế độ
độc đảng và chủ nghĩa Marx-Lenin phản khoa học đã phá sản (17). Ngay cả
Thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phải nhìn nhận: “Tôi
cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách
nào, bao giờ đến... thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững
được”. (18)
* Tái cơ cấu kinh tế vẫn dẫm chân tại chỗ: Các kế hoạch tái cơ
cấu kinh tế cổ phần hóa các DNNN đã được nhiều Hội nghị trung ương quyết
định xuyên qua nhiều Đại hội đảng; các Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ
tướng... từng hô hoán quyết làm đến nơi đến chốn. Nhưng sau cả hơn chục
năm, mới đây cho biết mới chỉ có 2% vốn được cố phần hóa. Các đại gia đỏ
trước sau vẫn ngăn chặn chủ trương này để có thể tiếp tục moi tiền từ
ngân sách nhà nước, giữ đất đai để làm lợi riêng, đồng thời đưa con cháu
và vây cánh vào làm thịt các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước!(19)
* Bọn quan đỏ tham nhũng cấu kết với các công ty nước ngoài hủy hoại môi trường sống:
Tham nhũng bành trướng của bọn quan đỏ từ trung ương tới địa phương
càng trở nên bất trị. Ôm ấp, ưu đãi tư bản nước ngoài bất kể những phá
hủy về môi trường; cao điểm là thảm họa môi trường của công ty Đài Loan
Formosa tàn phá 300 km môi trường biển và cuộc sống của hàng chục triệu
dân nhiều tỉnh miền Trung từ đầu tháng 4. Nhưng từ Nguyễn Phú Trọng,
Đinh Thế Huynh, Nguyễn Xuân Phúc đều tìm cách bưng bít và che chở cho
Formosa. Mới đây chính ông Trọng phải nhìn nhận trách nhiệm, “trước
kia chúng ta kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường,
không nghĩ đến đổ rác đi đâu, nên bây giờ chúng ta phải trả giá.” (20) Tuy thế Nguyễn Phú Trọng không chịu từ chức vẫn bám vào ghế Tổng bí thư!
Luật sư Trần Quốc Thuận, có 44 năm tuổi đảng và từng 14 năm làm Phó chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã nhận xét về sự bất lực hoàn toàn trong việc
chống tham nhũng của chế độ toàn trị: “Chống tham nhũng, chống suy
thoái bắt đầu đặt ra từ Đại hội lần thứ 8, bây giờ đã chuyển sang năm
thứ 26 rồi. Nhưng câu chuyện nó không giảm mà ngày càng phát triển và đi
vào chiều sâu.” (21)
Từ Tổng bí thư tới Thủ tướng chỉ cho dân ăn bánh vẽ!
Nguyễn Phú Trọng từng thề thốt, “nhốt quyền lực vào trong cơ chế, thể chế”.(22) Nhưng cơ chế, thể chế nào? Từ khi lên làm Tổng bí thư ông Trọng cho ra đời "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội". Tiếp theo đó ông đẻ ra chuyện “sửa đổi Hiến pháp”,
đó là Hiến pháp 2013 vẫn bổn cũ sao lại để đảng độc quyền tiếp tục. Cơ
chế độc đảng theo XHCN đẻ ra tham nhũng quyền lực và tham nhũng tiền
bạc, đẻ ra “tòa án nhân dân xử thế nào cũng được”. Nay ông lại hô
hoán dùng các cơ chế đẻ ra tham nhũng quyền lực và tham nhũng tiền bạc
này để nhốt hai cái tham nhũng động trời này! Ông Trọng ngủ mơ hay chỉ
trước sau vẫn dối trá, đảo điên?
Nay ông Thủ cũng đang đi vào bước chân dơ dáy của ông Tổng. Hầu như mỗi
tuần Nguyễn Xuân Phúc lại hô lớn lên một khẩu hiệu. Như “Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả”, “tuyển người tài chứ không người nhà”, “Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ”… Các Phó Thủ tướng cùng đóng tuồng hề như thế, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mở miệng, “phấn đấu người dân nào cũng có bác sĩ riêng”
(23). Mặc dầu bao nhiêu năm qua vẫn tiếp tục tình trạng 3-4 bệnh nhân
phải chia nhau một phòng chật hẹp và thiếu vệ sinh, lại còn phải dúi dấm
“phong bì” cho bác sĩ nếu muốn được chữa trị khá hơn! Hoặc chỉ vài
ngày sau NXP gặp đại diện các tôn giáo ra lệnh “ngăn chặn lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước”(24) thì Chủ tịch MTTrung quốc NT Nhân lại vênh váo: "Hạnh phúc của đồng bào Công giáo là mục tiêu của Đảng, Nhà nước Việt Nam"(25) Đúng là trước sau vẫn dở thủ đoạn bất nhân "trên trải thảm, dưới rải đinh!"
Sau gần một năm nhận những chức vụ cao mới, nhưng từ Nguyễn Phú Trọng,
Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân và Đinh Thế Huynh
tới các cấp thấp hơn lại còn bắn chỉ thiên hơn cả thời “Đồng chí X”
Nguyễn Tấn Dũng! Nhiều ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương đảng,
Bộ trưởng đương thời hay đã về hưu như Trần Đại Quang, Nông Đức Mạnh, Lê
Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn Chì, Phùng Quang
Thanh, Phan Quang Nghị, Lê Thanh Hải, Vũ Huy Hoàng… đều đã hoặc đang sắp
đặt con cháu vào các chức vụ quan trọng trong bộ máy đảng, chính quyền
và các tập đoàn cùng tổng công ty nhà nước. Thậm chí có nơi như ở Hà
Giang Bí thư tỉnh ủy mới biến thành vương triều họ Triệu, ở Hải Dương 44
xếp chỉ có 2 nhân viên... Nghĩa là tiêu chí cực kì phong kiến và phản
động trong qui trình chọn người vẫn là “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn đồ đệ, năm trí tuệ”.
Họ tưởng rằng, cứ có quyền trong tay thì nói gì cũng được ai cũng phải
nghe! Nhưng nhân dân đều biết rõ, những lời hô hoán của họ chỉ như lớp
sơn loang lổ bề ngoài của một bức tranh đã mục nát. Ai cũng thấy, hệ
thống toàn trị độc tài đang nuôi bọn quan đỏ tham nhũng và đẻ ra lợi ích
nhóm làm suy thoái đạo đức cán bộ từ trung ương tới cơ sở. Nghĩa là cái
nhà đã mục rữa, chỉ lo sơn quét bề ngoài, rồi hô hoán là đã có thay
đổi. Đấy là thái độ giả đối, trí trá của những người cầm đầu chế độ toàn
trị, vẫn chỉ muốn cho dân ăn bánh vẽ! Tâm địa của những kẻ “trên trải thảm, dưới rải đinh!”
Những vấn nạn cho CSVN từ chính sách của Trump và cách giải quyết mù quáng cúi đầu trước Bắc Kinh của Nguyễn Phú Trọng
Nhập siêu và lệ thuộc kinh tế Trung quốc tăng tiếp tục cao từ năm này
sang năm khác. Đến nỗi Tạp chí CS, cơ quan tư tưởng trung ương của chế
độ toàn trị, phải nhìn nhận đang tới mức nguy hiểm: “Nền kinh tế Việt
Nam phụ thuộc tới hơn 80% vào nền kinh tế Trung Quốc, trong khi lý
thuyết kinh tế thế giới cho rằng, để giữ nền kinh tế độc lập, tỷ lệ này
không nên vượt quá 30%.”. “2015, nhập siêu của Việt Nam từ Trung
Quốc ước tính đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014(1).” (26) Chỉ mới 8 tháng đầu 2016 mức nhập siêu từ Trung quốc đã lên tới 19 tỉ USD.(27)
Nền kinh tế VN đặt trọng tâm vào xuất khẩu, nhất là các thị trường Hoa
Kỳ, EU và Trung quốc. Trong đó ngoại thương với Hoa Kỳ giúp suất siêu
cao nhất cho VN. Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam luôn có thặng dư
thương mại với Mỹ với giá trị ngày càng tăng. Năm 2015 Việt Nam xuất
siêu 25 tỷ USD sang Mỹ (28). Nhờ đó VN có thể trang trải một phần quan
trọng để trả nợ nhập siêu từ Trung quốc. Nhưng nay chế độ toàn trị CSVN
phải đứng trước chủ trương “Mỹ trước tiên” của Trump, với trọng tâm lôi
kéo các doanh nghiệp Mỹ lớn rút về hoạt động ở Hoa Kỳ, hủy bỏ Hiệp định
TPP, trong đó có VN - Như vậy dưới thời Trump thị trường xuất khẩu hàng
hóa của VN đang đứng trước thử thách rất lớn. Trump hủy bỏ TPP và đòi
thiết lập các hiệp ước song phương giữa Hoa Kỳ với từng nước. Cho tới
gần đây Hà Nội đã kỳ vọng rất nhiều vào TPP có thể cứu vãn nền kinh tế
đang suy đồi. Nhưng dưới thời Trump chế độ toàn trị ở VN sẽ phải chịu
những những yêu sách bất lợi không chỉ trong kinh tế, thương mại, mà cà
trong ngoại giao, quốc phòng…
Chính vì vậy trong thời gian gần đây đang có những tín hiệu cho thấy, để
giải quyết trường hợp bất thường có thể xẩy ra nên Nguyễn Phú Trọng và
những người cầm đầu chế độ toàn trị đã sẵn sàng chọn giải pháp cúi đầu
và quỳ gối với Bắc Kinh hơn nữa. Trong các tháng gần đây Nguyễn Phú
Trọng đã cử nhiều phái đoàn cao cấp sang Bắc Kinh để chuẩn bị cho giải
pháp này. Cuối tháng 8 ông Trọng đã cử phái đoàn quân sự cao cấp nhất do
bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sang Bắc Kinh để tạo dư luận tâm lý
là đang có hòa bình với phương Bắc (29). Chỉ gần hai tuần sau Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc được phái sang với một phái đoàn đông nhất để đàm phán
về kinh tế, thương mại với Bắc Kinh. Ông Phúc đã được Thủ tướng Lý Khắc
Cường hứa, Trung quốc sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa của VN hơn để cải
thiện việc nhập siêu cao rất bất lợi cho VN. Nhưng đây không phải là lời
hứa mới, Bắc Kinh đã hứa tương tự từ cả hơn chục năm qua; nhưng thực tế
đều diễn ra ngược lại, nhập siêu của VN với Trung quốc tăng cao liên
tục từ năm này sang năm khác. Đã vậy, ngày 13.9 khi tiếp Nguyễn Xuân
Phúc Tập Cận Bình lại dùng tình “đồng chí” ra dụ: "Hai nước Trung
Quốc-Việt Nam đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và
Chủ nghĩa xã hội, đây là lợi ích chiến lược chung lớn nhất
giữa hai nước" và còn nhấn mạnh, không được quốc tế hóa tranh chấp
biển Đông, phải giữ đàm phán song phương tiếp tục. Từ đó họ Tập đưa ra
yêu sách phải nhường biển Đông hơn nữa cho Bắc Kinh khai thác: "Tích
cực thúc đẩy các công việc tiếp theo của hoạt động khảo sát
chung trên vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy cùng khai
thác, phát triển trên vùng biển rộng lớn hơn trên Nam Hải sớm
thu được tiến triển thực chất, biến thách thức của vấn đề
trên biển thành cơ hội hợp tác."(30) Trong Thông cáo chung 15 điểm ngày 14.9.16 hai bên đã đề cao "gia tăng tin cậy chính trị",
đồng thời phải để Trung quốc mở rộng đầu tư và buôn bán hơn nữa với VN
(từ Điểm 6 tới 10)(31). Nghĩa là hàng Trung quốc sẽ tràn ngập thêm, các
công ty và nhà thầu Trung quốc sẽ mở rộng độc quyền và đòi yêu sách
nhiều hơn nữa.
Chỉ 5 tuần sau Nguyễn Phú Trọng còn cử Ủy viên Bộ chính trị Đinh Thế
Huynh, Thường trực Ban Bí thư, đại diện Bộ chính trị và cũng là người
được coi là kế vị, sang gặp Tập Cận Bình để tỏ lòng trung thành (32).
Chính vào thời điểm này Hà Nội đã lần đầu tiên cho các tầu hải quân
Trung quốc ghé thăm quân cảng Cam Ranh. Ông Huynh đã được Tập Cận Bình
tiếp. Đinh Thế Huynh đã thề với họ Tập: "Tăng cường quan hệ hữu nghị
và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia chính là chiến lược nhất quán,
là lựa chọn chính trị của Việt Nam và của Đảng Cộng sản Việt Nam."(33) Tập Cận Bình lại lên tiếng phủ dụ với hàm ý là, “ĐCS Trung quốc trụ được thì ĐCSVN cũng trụ được”, Trung quốc và VN đều do hai ĐCS lãnh đạo "là cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược", nên phải biết gìn giữ đại cục thì sẽ "cùng có lợi, cùng thắng". (34)
Vì vậy trong ba chuyến đi từ Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Xuân Phúc tới Đinh
Thế Huynh đều không dám đưa ra yêu cầu rất chính đáng là, Bắc Kinh phải
tôn trọng và thực thi Phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế ngày
12.7.16 phủ nhận chủ quyền của Trung quốc ở biển Đông và coi bản đồ 9
đoạn (đường lưỡi bò) của Trung quốc là vô giá trị. Đây là một thắng lợi
cực kỳ quan trọng cho VN, các nước trong khu vực và quốc tế. Mặc dầu sau
Phán quyết 12.7 những người cầm đầu toàn trị VN đã hứa với nhân dân là,
sẽ có thái độ công khai và rõ ràng về việc này! Cả trong trả lời báo
chí tổng kết các hoạt động quan trọng của Nhà nước năm 2016 Trần Đại
Quang cũng sợ Tập Cận Bình nổi nóng nên không dám động tới Phán quyết
12.7.(35)
Việc Trump tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước TPP và kêu gọi các công ty Mỹ đang
làm ăn ở VN nên rút về Mỹ đã gây sốc mạnh cho Bộ chính trị CSVN. Cuộc
điện đàm của ông Trump với TT Đài loan đang gây cay cú cho Tập Cận Bình.
Nhóm cầm đầu CSVN đã hốt hoảng hơn nữa, nên đã quyết định mở rộng và
sâu liên minh với Bắc Kinh hơn nữa để mong được phương Bắc che chở. Vì
vậy Nguyễn Phú Trọng đã để Đại sứ VN tại Trung quốc Đặng Minh Khôi mở
cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 19.12 công khai bày tỏ lòng trung thành
với Bắc kKinh:
"Bởi vì tình hình quốc tế và khu vực hiện nay hết sức
phức tạp, diễn biến rất nhanh và có ảnh hưởng rất sâu sắc.
Trong tình hình này, Trung Quốc và Việt Nam càng cần phải đoàn
kết chặt chẽ, tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa hai
nước chúng ta hơn bất cứ lúc nào và thời kỳ nào".(36)
Đáng chú ý là, các báo chí lề đảng hầu như được lệnh không đưa tin việc
trên. Việc cố tình bưng bít thông tin về thái độ cúi đầu hơn nữa trước
Bắc Kinh của những người cầm đầu toàn trị CSVN cho thấy, họ cực kỳ e
ngại sự chống đối của nhân dân VN, đi đầu là trí thức, chuyên viên,
thanh niên và đảng viên tiến bộ. Để chuẩn bị cho những mưu đồ đen tối
này, nên trong thời gian qua họ đã thực hiện song hành hai thủ đoạn là,
gia tăng đàn áp các cuộc tranh đấu của nhân dân, bắt giam nhiều người
dân chủ, kể cả phụ nữ; đồng thời mở phong trào đàn áp và chụp mũ các
đảng viên tiến bộ.
Nguyễn Phú Trọng tiên liệu là, chủ trương quỳ gối hơn trước Bắc Kinh sẽ
tạo ra chống đối mãnh liệt không chỉ trong nhân dân mà còn ngay trong
nội bộ đảng và cả các phe nhóm cầm quyền. Chính vì thế, trong tháng 12
song song với việc phát động phong trào chỉnh đảng, Nguyễn Phú Trọng còn
hoảng hốt tới các hội nghị của quân đội và công an gào thét bắt quân
đội và công an phải trung thành tuyệt đối với đảng. Trong khi ấy Nguyễn
Xuân Phúc nhận lệnh phải thẳng tay ngăn cản các cuộc đấu tranh của các
tôn giáo và nhân dân. như đã trình bày ở phần trên! Nhưng chính những
hành động gia tăng đàn áp nhân dân và đảng viên, cũng như những tuyên bố
hoảng hốt của Nguyễn Phú Trọng đã tự chứng minh là, cuộc tranh đấu của
nhiều thành phần nhân dân, đi đầu là trí thức, chuyên viên, thanh niên
và cả đảng viên tiến bộ trong các năm qua đang có hậu thuẫn lớn ở trong
nước và quốc tế. Vì vậy, ngày càng làm cho bọn quan đỏ tham quyền và
tham tiền hết sức lo âu!
***
Hiện nay không chỉ VN mà cả thế giới bị đẩy vào một hoàn cảnh rất khó
khăn và nguy hiểm, vì hai cường quốc kinh tế số một và số hai đang bị
những chính trị gia chủ trương dân tộc cực đoan thao túng. Trong khi Tập
Cận Bình đòi quyết “thực hiện giấc mơ vĩ đại của Trung quốc!” và
tân TT Trump chủ trương “Mỹ trước tiên!” Nhưng cần thông minh và tỉnh
táo hiểu rằng, trong chế độ Dân chủ đa nguyên lâu đời của Hoa Kỳ, Trump
không thể ba đầu sáu tay tung hoành như chỗ không người. Tập Cận Bình
cũng không thể dễ dàng thực hiện giấc mơ đế quốc mới rất lỗi thời trong
thời đại toàn cầu hóa và sức mạnh của thông tin điện tử.
Lịch sử VN và nhiều nước đã từng chứng minh, trong các giai đoạn đất
nước gặp nguy nan thì các chính trị gia khôn ngoan và có ý thức trách
nhiệm phải biết lấy nội lực làm chính, thực hiện chính sách toàn dân
đoàn kết chân thành, chứ không phải “trên trải thảm, dưới rải đinh!”
Đồng thời cần biết lên kết với các lực lượng tiến bộ, các nước dân chủ
thực sự trên thế giới, chứ không mù quáng gửi trọn niềm tin cho ác quỷ,
như thế có khác nào trao trứng cho ác!
Những việc làm và tính toán hiện nay của Nguyễn Phú Trọng và những người
cầm đầu toàn trị, như đã phân tích rất rõ ràng ở trên, cho thấy, họ
đang mù quáng cúi đầu hơn nữa để xin Bắc Kinh che chở; mặc dầu họ thừa
biết, càng nhờ vả thì Bắc kinh càng gia tăng mưu đồ được đằng chân lân
đằng đầu. Các chủ trương chiếm đất trên đất liền, chiếm các đảo trên
biển Đông rồi biến các đảo thành các pháo đài quân sự đe dọa trực tiếp
an ninh VN, bắt VN phải nhường tài nguyên biển, đồng thời ngăn cấm và
giết hại, làm bị thương hàng ngư dân cùng các tầu đánh cá của VN.
Quỵ lụy trước bọn bành trướng Bắc Kinh để thực hiện mục tiêu “còn đảng
còn mình” là tính toán cực kỳ thiển cận và ích kỷ. Không những thế, đây
là một chủ trương cực kỳ phản động đi ngược lại quyền lợi của đất nước
và khát vọng chính đáng của nhân dân và cả những đảng viên tiến bộ. Mọi
mưu đồ đen tối và sai lầm này chắc chắn không có tương lai! Nhân dân
quyết đứng lên và đảng viên tiến bộ dứt khoát rời bỏ nhóm cầm đầu độc
tài, tham nhũng và thần phục Bắc Kinh là việc trước sau phải diễn ra.
Nguyễn Phú Trọng và những người cầm đầu toàn trị cần hiểu rõ quy luật,
vỏ quýt dầy có móng tay nhọn; càng ngụp lặn cúi đầu với bọn bành trướng
Bắc Kinh thì đó là cách tự đào huyệt chôn chế độ nô lệ nhanh hơn!
2.1.2017
_____________________________________
Ghi chú:
[1]. Bầu cử dân chủ thực sự phải hội đủ 2 điều kiện cần và đủ là công
bằng và bình đẳng. Một xã hội Dân chủ đa nguyên đôi khi cũng bị những
chính trị gia vô trách nhiệm làm hoen ố, biến trình độ dân chủ ở bậc cao
như đại học tụt xuống bậc thấp hơn như trung học hoặc tiểu học. Đây là
trường hợp ở Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử TT vừa qua. Mỹ cần phải tu chỉnh
Hiến pháp thay qui định để 538 Cử tri đoàn thay cho mấy trăm triệu cử
tri công dân. Nếu không thì sẽ tái diễn. Ở Anh, quốc gia Dân chủ đa
nguyên lâu đời nhất, trong năm nay cũng đã rơi vào tụt hậu do một số
chính trị gia hàng đầu cả trong chính phủ lẫn đối lập đã thiếu trách
nhiệm để tiến hành Brexit tách khỏi EU vào giữa năm. Nhưng đây là những
xã hội Dân chủ đa nguyên có căn bản vững chắc, nên các trường hợp này
chỉ coi là bệnh trái gió trở trời, cảm cúm, chứ không phải là các bệnh
kinh niên hay ung thư như trong các chế độ độc tài.
[2]. Điện thư của người viết trao đổi với bình luận gia Ngô Nhân Dụng, nhật báo Người Việt California, ngày 10.11.16
[3]. Au Duong The, die Vietnampolitik der USA - von der Johnson- zur
Nixon-Kissinger Doktrin. Oder: die Neuorientierung der amerikanischen
Außenpolitik, Peter Lang Verlag, Frankfurt 1979, từ trang 221
[4]. Từ thời TT Nixon tới Obama đã diễn ra một số lần
[5]. Các bài của Bùi Diễm, Đinh Xuân quân và Âu Dương Thệ về chủ đề “Bài
học của siêu cường Hoa kì qua hai nhiệm kì của TT Bush“, trong tạp chí
Dân chủ & Phát triển số 36, 7.2008
[6]. Lao động (LĐ)17.10.16
[7]. White House 29.12.16
[8]. Süddeutsche Zeitung (SZ) 24.11.16
[9]. NYT 22.11.16
[10]. SZ 29.11.16
[11]. NYT 3.12.16
[12]. SZ 1.12.16
[13]. NYT 12.12
[14]. White House 29.12.16
[15]. Cùng tác giả, Đại hội 12 đi về đâu? Nguyễn Phú Trọng quyết dùng cả giải pháp bạo lực để thanh toán đối thủ trong đảng, http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2016/adt901.htm
[16]. Người Việt14.10.16
[17]. VNExpress 18.5.16: Cựu bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ trích Kinh tế
thị trường định hướng XHCN và chính sách công hữu đất đai. Đây là 2
nguyên nhân chính làm kinh tế VN không ngóc đầu lên được, nhất là kinh
tế tư nhân
[18]. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội thảo khoa
học “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh
nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới, và Viện
Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 22/12., Sài
gòn báo Times 22.12.16
[19]. BBC 23.12.16; RFA 12.10.16:TS Trần Đình Thiên được báo mạng
Vietnam Economy dẫn lời bày tỏ nghi ngờ về quyết tâm tái cơ cấu nền kinh
tế, ông đặt dấu hỏi là làm thật hay chỉ hô hào tuyên truyền.
[20]. LĐ 17.10.16
[21]. VOA 2.11.16
[22]. Quân đội nhân dân (QĐND) 15.4.16
[23]. Dân trí 10.12.16
[24]. VN net 19.12.16
[25]. Chính phủ (CP) 23.1.216
[26]. Tạp chí CS 6.11.16; http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2016/41641/Tac-dong-cua-quan-he-kinh-te-Viet-Nam-Trung-Quoc.aspx
[27]. Tuổi trẻ 17.10 +Tạp chí CS 26.12.16
[28]. Trí thức trẻ 12.11
[29]. QĐND, Đài Bắc kinh, BBC 28-30.8.16
[30]. Đài Bắc kinh 14.9.16
[31]. CP 14.9.16.
[32]. CS 20.10.16
[33]. BBC 21.10.16
[34]. Đài Bắc kinh, VOV 20.10.16
[35]. VOV 29.12.16
[36]. Đài Bắc kinh 20.12.16
VIETTUSAIGON * NƯỚC MẮT
2017, nước mắt và nụ cười
Mon, 01/02/2017 - 10:36 — VietTuSaiGon
Tết dương lịch 2017 vừa trôi qua, vẫn còn phảng phất không khí, Tết âm
lịch, tức Tết Nguyên Đán cũng đang cận kề, khi đã bước qua tháng Chạp,
nghĩa là thời gian để đón năm mới chỉ còn đếm ngược, đây cũng là khoảng
thời gian mà theo thói quen, tập tục của người Việt là một cuộc đại đoàn
tụ gia đình, ở đó, mọi lời điều tốt đẹp, mọi ước mơ được gửi gắm, ký
thác qua lời chúc đầu năm và sự nồng ấm người ta dành tặng cho nhau để
cùng đón một vận hội mới. Nhưng với tình hình Việt Nam hiện tại, liệu có
được một cái Tết cho ra Tết?
Vì chưa năm nào mà cho đến những ngày thượng nguyên của tháng Chạp,
ruộng đồng, bờ bãi của người nông dân vẫn trơ nước với sình như năm nay.
Thường niên, cứ đến cuối tháng 11 thì lúa đã bắt đầu lên xanh, đến giữa
tháng Chạp thì người nông dân làm cỏ đợt thứ nhất và yên tâm đón Tết.
Thế nhưng năm nay mọi chuyện lại khác.
Những trận lũ do thủy điện xả đập liên tục đã lấy đi mùa màng, niềm hi
vọng của người nông dân, thậm chí có gia đình cho đến thời điểm này,
không khí tang tóc, đau khổ, tiếc thương vẫn còn hiện hữu mọi nơi chỉ vì
xả đập. Để đảm bảo những con đập được hoạt động ổn định, không bị rạn
nứt, hàng triệu người dân, hàng triệu số phận bỗng chốc trở nên lạnh
lẽo, hiu quạnh và mất mát, tang thương. Thay vì được đón một cái Tết sum
vầy thì Tết trở thành quãng thời gian để người ta phải ngồi âm trầm nhớ
người thân, im lặng mà hoàn hồn sau một mùa mưa lũ!
Và đâu riêng gì mưa lũ, rừng chết, biển chết, hàng triệu số phận khác
của các gia đình ngư dân phải trả giá cho một lần xả độc của Formosa Hà
Tĩnh. Rồi Sài Gòn, Tây Ninh, Tây Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên… Dường như
tỉnh nào, nơi nào cũng có sự cố, toàn những sự cố nổi cộm, gây ảnh hưởng
đến cả một cộng đồng người và làm hư hại cả một vùng thiên nhiên. Có
thể nói chưa bao giờ đất nước lại dập nát và khủng hoảng như hiện tại.
Nói như vậy nghe có hơi quá không? Thì người ta vẫn sống đó thôi, người
ta vẫn cứ phải đi làm, ăn uống, sinh con đẻ cái và lại lòng vòng trong
cái quĩ đạo ấy cả ngàn năm nay, hà cớ gì chuyện bây giờ?
Thì nếu hỏi vậy thì nó ra vậy, có gì đâu để bàn! Vấn đề là sau mọi nỗ
lực, sau mọi gìn giữ và xây đắp, mọi thứ bỗng dưng đổ ầm, mọi thứ tiêu
tan và biết kẻ gây ra tội lỗi, những kẻ ấy vẫn cứ sờ sờ ra đó, thậm chí
phè phỡn, hưởng lạc ngay trong lúc đồng loại của bọn họ phải gồng lưng
chịu trận nhưng rồi đâu lại vào đó, người dân khổ vẫn cứ khổ, kẻ phạm
tội vẫn cứ nhởn nhơ…
Người ta nói rằng cha nó lú có chú nó khôn. Trong lúc nhân dân cả nước
phải oằn vai chịu đau do những nhóm lợi ích, những nhóm tư bản đỏ gây ra
và do cả những kẻ ngoại bang mang tới. Trong trạng huống này, nhà nước
phải đứng vai trò cha mẹ, đứng ra bảo vệ con dân, bảo vệ những “ông chủ,
bà chủ” đã đóng góp từng đồng thuế để nuôi lấy nhà nước.
Và người đứng đầu nhà nước, đại diện tối cao của nhà nước (mặc dù chức
vụ ông ta không phải là đứng đầu nhà nước nhưng thực quyền thì không ai
mạnh hơn ông ta) Nguyễn Phú Trọng lẽ ra phải đứng ra để đấu tranh, tìm
mọi cách, bằng mọi giá bảo vệ nhân dân, giữ sự bình an cho dân tộc, quốc
gia… Thì đằng này, ông Trọng ngang nhiên đi bắt tay với giặc. Cái tên
Trọng Lú mà người dân dành cho Nguyễn Phú Trọng thực ra cũng là chút tôn
trọng cuối cùng mà nhân dân dành cho ông ta, nhân dân vẫn xem ông ta là
cha là mẹ, là người đứng mũi chịu sào khi hữu sự. Nhưng vì cách hành xử
của ông ta rõ ràng là cách hành xử của một ông “cha nó lú”. Trọng Lú là
do vậy mà có.
Nhưng ở đây, khi Trọng bị lú thì có thằng “chú khôn” nào không? Xin thưa
là cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thấy ông “chú khôn” nào xuất
hiện, chỉ thấy toàn những ông chú nói lời có cánh, nói tít tận trên mây
theo kiểu “phải biến Sài Gòn thành một hòn ngọc chiếu sáng viễn đông”
hay “phải biến Đà Nẵng thành một thành phố vùa là Singapore vừa là
Dubai”, hay “nếu thép Cà Ná gây ô nhiễm thì tôi xin từ chức”… Đủ các
kiểu nói lời có cánh! Chưa dừng ở đó, cha lú Nguyễn Phú Trọng lại nện
thêm một câu “Nhìn tổng quát, có bao giờ đất nước được như hôm nay?”.
Đến nước này thì miễn bàn!
Một cái Tết đang đền gần, rất gần với bộn bề lo toan của người dân, mùa
màng vẫn còn dang dở, trời miền Bắc giá rét, trâu bò, heo gà sống không
qua mùa Đông, người già lạnh không có chăn, miền Nam thì Sài Gòn lụt
lội, Tây Nam Bộ khô hạn, nhiễm mặn, miền Trung co cụm trong nạn biển,
nạn rừng, nạn thủy điện… Chẳng nơi nào bình yên. Một cái Tết ảm đạm, cho
dù người ta có gượng cười, có cố gắng nhoẻn môi thì cũng chẳng thể nào
vui!
Một cái Tết mà người nông dân chỉ biết trông đợi vào con cái đang làm
công nhân ở xa mang một chút hơi ấm về để cho không khí vui lên, đỡ ảm
đạm. Nhưng đời sống của công nhân hiện nay ra sao? Liệu họ cói đủ tiền
để cuối năm về quê ăn Tết cùng gia đình? Lại là một câu chuyện đau lòng
xâu chuỗi, có tính liên tục dưới sự quản lý, lãnh đạo “thiên tài” của
đảng Cộng sản Việt Nam.
Tết đến mà sao chỉ toàn thấy chuyện buồn, lẽ nào không có chuyện vui để
mà nói? Xin thưa là có đấy, bởi trong đau khổ đã chứa mầm hạnh phúc,
trong sự ảm đạm đã mang ánh sáng của sự sống và trong cơn đại họa từ Bắc
chí Nam, trong cảnh nhân dân bị nhà nước chơi trò đem con bỏ chợ, trong
bối cảnh mà thông tin thế giới phẵng đã phơi bày mọi thứ, khoảng cách
không còn là trở ngại… Người dân, đại bộ phận nhân dân, kể cả các đảng
viên Cộng sản cao cấp, các trí thức Cộng sản đã nhận chân được vấn đề,
đã nhìn thấy sự khốn cùng của chế độ cũng như đã nhìn thấy sự thối nát
không thể bao che của chế độ, chắc chắn rằng người ta hiểu mình nên làm
gì và nên chọn thái độ như thế nào cho phù hợp với tương lai, với sự tồn
vong dân tộc.
Cũng may mắn rằng mọi thứ cặn bã của lịch sử Việt Nam đã thực sự phơi
bày, lột trần một cách rốt ráo trong nhiều nằm và đỉnh điểm vào năm
2016. Điều này giống như một trận lũ, nó làm tan nát mùa màng quen thuộc
nhưng nó lại mang những hạt mầm dân chủ vốn co cụm, ẩn mình ở đâu đó để
lan tỏa khắp mọi nơi. Vấn đề ý thức về thân phận cá nhân cũng như thân
phận dân tộc được nhiều người quan tâm hơn bao giờ hết mặc dù chỉ mới
dừng ở quan tâm trong đại bộ phận nhân dân.
Và câu chuyện lịch sử dân tộc có thể được thay đổi nếu như hạt mầm dân
chủ tiếp tục cựa mình và phát triển, ý thức dân chủ được chuyển hóa
thành những hành động cụ thể cho mục tiêu con người, mục tiêu dân tộc.
Vấn đề này không dễ mà không khó đối với Việt Nam.
Không dễ bởi dân tộc Việt Nam đã ngủ quên đến vài thế hệ trong nền độc
tài Cộng sản và đánh thức dân tộc là một câu chuyện nan giải. Nhưng dễ
bởi khi người ta ngủ quên trong một cái chăn có quá nhiều rệp, tự những
con rệp gây ngứa sẽ buộc người ta phải thức dậy và giũ cái chăn cho sạch
sẽ, tự làm vệ sinh cho bản thân.
Năm 2017, Việt Nam trở nên lớn mạnh hay yếu hèn, chết vùi trong cơn mê
ngủ, trở nên mạnh mẽ, tràn trề sinh khí mùa xuân hay ủ rũ mùa Đông? Câu
trả lời này thuộc về ý thức tự làm chủ của mỗi người dân. Dù sao, tôi
cũng xin chúc một năm mới an lành và thành công! Bởi tôi tin mùa xuân
dân tộc đang đến rất gần!
VietTuSaiGon's bloghttp://www.rfavietnam.com/node/3635
No comments:
Post a Comment