TUYẾT XỨ THI CÁC
Tiêu Tương trăng gió mịt mùng
Để cho Thi sĩ đau từng dòng Thơ...*
---------
君 歸 故鄉
過 萬大山
遠隔重洋,
我 在 大洋北
君 在大洋東
我魂芒芒
日日 思 君而 不 見
大洋是 潇湘
潇湘是大洋
大洋兮 大洋
潇湘兮 潇湘
相 思 不 相 見,
是我 苦斷腸
山中
SỞ HỮU TƯ
Quân quy cố hương
Quá vạn đại sơn
Viễn cách trùng dương
Ngã tại đại dương bắc
Quân tại đại dương đông
Ngã hồn mang mang
Nhật nhật tư quân nhi bất kiến .
Đại dương thị Tiêu Tương
Tiêu Tương thị đại dương
Đại dương hề đại dương
Tiêu Tương hề Tiêu Tương
Tương tư bất tương kiến
Thị ngã khổ đoạn trường!
Sơn Trung
CÓ NỖI NHỚ
Em về cố hương
Qua vạn đại sơn
Và bao trùng dương.
Anh ở đại dương bắc
Em về đại dương đông
Lòng anh buồn mênh mang
Ngày ngày nhớ em mà chẳng thấy
Đại dương là Tiêu Tương
Tiêu Tương là đại dương
Đại dương ôi đại dương!
Tiêu Tương ôi Tiêu Tương!
Nhớ nhau mà chẳng thấy
Anh ôm khổ đoạn trường.
Sơn Trung
ĐÔNG ĐÔ PHAM * SINH NHẬT VIỆT CỘNG
Sinh nhật “đảng ta” chỉ duy nhất Lào và Campuchia chúc mừng!?
Đông Đô Phạm (Danlambao)
- 50 ngàn con em phía Nam phơi thây tại Campuchia, 50 ngàn con em phía
Bắc phơi thây tại Lào để ngày hôm nay 3/2/2017 sinh nhật lần thứ 87
“đảng CSVN” cả thế giới 193 quốc gia với mấy ngàn đảng phái nhưng chỉ
duy nhất 2 quốc gia Lào và Campuchia gửi điện “chúc mừng”. Mà công điện
của 2 quốc gia này lại nhân danh là đảng của Nhân Dân chứ không lấy danh
nghĩa là đảng cộng sản. Thật là vinh dự vĩ đại cho “đảng ta”? Không
biết “bạn bè quốc tế” của đảng CSVN chạy đâu mất hết rồi?
“Nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
(3/2/1930 - 3/2/2017), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng
Lào và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia đã gửi Điện mừng
tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”. (VOV Oline)
Nhìn hai nữ phát thanh viên xinh đẹp như hoa hậu ngồi phát ngôn tin tức
này trên màn ảnh VTV tối ngày 3/2 thấy mà tội nghiệp, bởi kiến thức và
sĩ diện của một con người có học ở thời đại này (nếu không vì cơm áo)
chắc không ai đủ can đảm để hãnh diện ngợi ca một sự kiện đáng buồn và
xấu hổ của đất nước như vậy.
Một cái chủ nghĩa cộng sản mà đại bộ phận cư dân thế giới đang phỉ nhổ
tránh xa, vài cái đảng của thế giới CS còn lại đang thoi thóp bên lề
đường văn minh dân chủ không ai đoái hoài nhắc đến, nhưng tại Việt Nam
thì 90 triệu người cứ phải im lặng kéo cái cày CS lầm lũi theo đảng để
lên thiên đàng XHCN.
Ôi dân tộc tôi, biết đến bao giờ mới thoát được cảnh khổ nhục trầm luân này?
04.02.2017
CHIM BIỂN * LỄ HỘI BÁNH CHƯNG
Thấy gì từ lễ hội mùa xuân đến cặp bánh chưng 700kg
Chim Biển (Danlambao) - Hàng
chục lễ hội diễn ra sau tết Nguyên Đán như Lễ hội Gò Đống (Hà Nội), Lệ
hội Khai ấn đền Trần (Nam Định), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Đền
Gióng (Sóc Sơn)… đã và đang thu hút hàng trăm ngàn người tham dự. Đây là
thời gian để người dân cầu an, cầu may mắn cho một năm mới, cũng là dịp
để hậu nhân bày tỏ sự kính trọng và biết ơn thần linh cùng những bậc
tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ quê hương. Tham dự các lễ hội
mùa Xuân đã trở thành một nét văn hóa và là một thú vui thanh nhã của
nhiều người từ xưa đến nay. Tuy nhiên những lễ hội này đã trở nên hỗn
loạn không khác gì một trận chiến trong thời bình bởi sự tranh giành,
cướp bóc dẫm đạp lên nhau để lấy lộc.
Tình trạng chặt chem, gian manh tại các dịch vụ phục vụ lễ hội đã khiến
sự thú vị, nét văn hóa của lễ hội bỗng chốc trở thành nỗi ám ảnh của du
khách. Bên cạch đó còn xảy ra hàng trăm truyện cười ra nước mắt khi du
khách bị móc túi, rạch giỏ, khi cụ già bị đánh ngất xỉu chỉ vì lỡ dẫm
lên chân người khác… Hình ảnh hàng trăm người lao vào ẩu đả, leo cả lên
đầu nhau để cướp lộc đã trở nên phổ biến tại các lễ hội đang diễn ra. Có
thể thấy lễ hội mùa Xuân đang trở nên vô cùng xấu xí từ khâu tổ chức
cho đến việc quản lý và ý thức của người tham dự.
Mới đây, Nghệ An là một địa phương cũng đã tổ chức lễ hội trong dịp xuân
vào ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch, đây là ngày kỷ niệm chiến thắng
Ngọc Hồi – Đống Đa. Liền sau đó 1 ngày, tức ngày mùng 6 âm lịch, Sở Văn
hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nghệ An tổ
chức lễ dâng cặp bánh chưng khủng nặng tới 700kg cho bà mẹ bác Hồ. Được
biết đây là lần thứ 5 địa phương này tổ chức lễ dâng bánh chưng cho bà
Hoàng Thị Loan. Có lẽ khi còn sống, bà Loan có nằm mơ cũng không thể
nghĩ ai đó cho mình cặp bánh chưng to thế, nếu có đi chăng nữa chắc bà
phải nặn óc nghĩ cách làm sao ăn cho hết.
Khi nhắc đến Nghệ An, nhiều người vẫn còn băn khoăn bởi nơi đây là một
địa phương miền Trung thường xuyên gánh chịu hậu quả do thiên tai. Năm
2016 vừa qua, người dân tỉnh thành này đã gặp không ít khốn đốn, ngoài
chuyện thiên tai. Cuộc sống người dân còn phải chịu đựng sự khốn khổ vì
thảm họa môi trường biển do Formosa và những lần xả lũ thủy điện đúng
qui trình của đám quan quyền nhà sản gây ra. Lãnh đạo cộng sản của Nghệ
An đã phải gửi công văn để xin gạo cứu đói. Ấy vậy mà dân đen nào có
biết số gạo cứu đói đó đi đến đâu và vào tay ai. Gạo đâu chẳng thấy, chỉ
thấy cái rét, cái đói của những ngày tết luôn kề cạnh bên mình. Còn nhớ
trước tết ít hôm, người dân một số huyện của Nghệ An đã được nhà cầm
quyền quan tâm sâu sắc khi trao cho hơn 51000 hộ dân những chiếc cờ máu
và lịch để mừng tết. Nay lại được sở Văn Hóa – thể thao tổ chức lễ tri
ân bà mẹ bác Hồ bằng cặp bánh chưng khủng này. Dù là tỉnh thành nghèo
nhưng Nghệ An quả thật là tỉnh thành chịu chơi và thích chơi nổi.
Theo như báo chí nhà sản nói, toàn bộ kinh phí thực hiện hoạt động dâng
bánh chưng tri ân bà mẹ bác Hồ là do sự đóng góp của các công ty lữ hành
trong và ngoài tỉnh. Ấy là nói thôi chứ người dân có biết doanh nghiệp
nào đóng góp, họ góp bao nhiêu và việc chi thu như thế nào. Cũng có thể
Nghệ An đã dùng ngân sách để tổ chức hoạt động này rồi nói rằng công ty
này nọ yêu quí bà mẹ bác Hồ nên muốn tổ lòng tri ân. Một giả thiết khác
là cặp bánh chưng này được nấu bằng gạo cứu đói mới xin từ Bộ LĐTB và XH
trong dịp cuối năm.
Bà Hoàng Thị Loan là người có công dưỡng dục Hồ Chí Minh nên đám con cái
của cha già cũng không để bà thiệt thòi khi “dành trọn” ngọn núi Động
Tranh (Nam Giang, Nam Đàn-Nghệ An) để xây lăng mộ cho bà. Để đưa được
cặp bánh chưng khủng này lên núi dâng cho bà mẹ bác Hồ cần tới 30 tráng
sĩ khệ nệ bưng vác hơn 30 phút. Sau những giây phút mệt nhọc vất vả, con
cháu của bà đã dâng hương, hoa, cúng vái xong thì ban tổ chức đã cắt
nát cặp bánh ra thành hàng trăm mảnh để biến thành trò phát lộc thần
thánh. Buổi dâng bánh chưng cho bà mẹ bác Hồ đã kết thúc như thế. Hoạt
động này được ngành du lịch và quan chức Nghệ An hy vọng sẽ trở thành du
lịch tâm linh. (Cộng sản vô thần mà sao cứ thích tâm linh nhỉ. Hồ Chí
Minh thì bỗng dưng được phong làm Phật Hồ, có lẽ sắp tới chắc bà Hoàng
Thị Loan sẽ được phong là Phật Mẫu Hồ).
Việt Nam quả là một đất nước với những điều lạ lùng trong trí tưởng
tượng của nhiều người. Lễ hội văn hóa mùa Xuân trở thành nơi để phô diễn
bạo lực, nơi để trổ tài cướp bóc, gian manh, chặt chém người tham dự...
Những tỉnh thành nghèo khó đến độ phải đi xin gạo cứu đói thì lại là
những tỉnh thành nổi tiếng với những kỷ lục của tượng đài nghìn tỷ, của
những cặp bánh tét, bánh chưng hàng trăm kg. Sự lãng phí kinh khủng khi
tổ chức những lễ hội văn hóa mà chẳng hề có văn hóa. Chế độ cộng sản một
mặt thì cấm cản, tuyên truyền người dân không được lãng phí, không được
mê tín dị đoan. Nhưng mặt khác thì âm thầm ủng hộ những lễ dâng cúng
tốn kém vô bổ và cố tình “thất thủ” tại các lễ hội để đổ lỗi cho ý thức
của người tham dự nhằm duy trì sự mê muội của dân chúng. Phải nói cộng
sản Việt Nam ngày nay đã phần nào thành công trong việc kiểm soát tâm
linh của người dân.
TRẦN NHẬT PHONG * TRIẾT LÝ SỐNG
Triết lý sống từ... tô hủ tiếu
Trần Nhật Phong (Danlambao)
- Tôi nhớ năm 1990, lúc còn theo học ở New York, thời điểm đó tôi vừa
học vừa làm, ban ngày đi học, ban tối thì làm trong một nhà hàng tàu
(ông chủ là người Hongkong), tôi biết nói tiếng Quảng Đông, nhưng chỉ
biết nói không biết viết, nên không lấy order được, và ông chủ thì không
muốn cho sinh viên như tôi làm busboy, nên đẩy tôi xuống bếp.
Người Hongkong thường gọi mấy ông Chief cook là sư phụ, đầu bếp chính ở
nhà hàng mà tôi làm cũng là người Hongkong, gia đình của ông từ Phật Sơn
di cư đến Hongkong và cuối cùng di dân qua Mỹ.
Tôi nhớ có một lần, khi ông chủ nhà hàng xuống tận bếp, nói với sư phụ
rằng, có vài người khách Mỹ ngồi bàn VIP, muốn sư phụ đích tay làm vài
món ngon lên cho họ, nhưng lại không nói rõ là họ order những món ăn gì.
Vị đầu bếp gọi tôi tới, ông pha một ấm trà ngon và biểu tôi bưng lên bàn
VIP, rồi căn dặn tôi quan sát thái độ của những người khách nói cho ông
biết.
Tôi ngạc nhiên, nhưng vẫn theo lời dặn của ông, bưng ấm trà và 4 chiếc
tách lên bàn VIP, sau đó xuống kể cho ông nghe về thái độ của từng người
trong bàn.
Vị sư phụ không nói gì cả, ông nấu thật nhanh và để tất cả thức ăn trong
một chiếc mâm, rồi kêu tôi bưng mâm theo ông lên bàn VIP. Tại bàn ông
đưa từng món cho từng người, mà không hề nói một lời nào.
Kết quả 4 người khách ăn rất ngon miệng và thưởng cho tôi và sư phụ $40
tiền tip (số tiền này thời 90 rất lớn), tôi khá thắc mắc là tại sao vị
sư phụ lại biết rõ khẩu vị của 4 người khách kia, vì họ cũng không phải
là khách quen đến ăn mỗi ngày, sau đó tôi hỏi sư phụ làm sao biết người
nào ăn cái gì, và ông trả lời:
Cái người chưa ngồi xuống đã nói liên tục, người này mỗi ngày tiêu hao
năng lượng rất nhiều, nên tao mới làm món thịt bò cho ông ta, vì ông ta
cần ăn nhiều thịt đẩy lấy lại năng lượng, còn cái người chưa ngồi xuống
mà lấy khăn giấy lau ghế, lau mặt bàn rồi xin thêm khăn giấy, người này
vốn kỹ lưỡng về sức khỏe, nên thích ăn rau nhiều hơn, tao làm món chay
cho ông ta, 2 người còn lại trẻ tuổi lại xin mày cây nĩa chứ không dùng
đũa, là những người chưa quen thuộc với đồ ăn Á Đông, nên tao làm món hủ
tiếu xào dễ ăn nhất cho họ.
Giải thích xong ông nói thêm rằng, nghề nấu ăn ngoài trừ tay nghề ra,
phải hiểu rõ tâm lý của khách hàng và phải biết quan sát để đoán biết cá
tánh của con người, thế là tôi học được bài học quí giá từ vị sư phụ
người Hongkong, cách quan sát con người qua sự ăn uống.
Bài học này tôi đã áp dụng trong đời sống hơn 20 năm qua, dù có đôi lúc
hơi bị “trật búa rìu” nhưng tựu trung đa phần lại rất trúng, nhờ đó mà
tôi tránh được nhiều xung khắc trong xã hội.
Hơn 20 năm qua theo nghề truyền thông, từ báo nói (radio), báo hình (TV)
cho đến báo viết, tôi tiếp xúc đủ loại người, từ những thương gia chỉ
biết làm ăn, từ những “ông anh lớn” của nghề truyền thông, cho đến những
người bạn trong giới văn nghệ sĩ, hay thực dụng như những người làm
nghề nail, kể cả những đứa em “giang hồ”, tôi lại học được nhiều bài học
khác về nhân sinh, cách ứng xử, lối ăn nói, tóm lại đều là những bài
học quí để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, sau hơn một tháng theo Phượng Mai, bà xã tôi vào nghề bán Hủ
Tiếu, có lẽ đây là bài học lớn nhất mà tôi học được, đó là cách ứng xử
bằng... Trái tim, bằng cảm xúc của chính bản thân.
Khi mở tiệm Hủ Tiếu, như bao người khác, tôi phải tính toán chi li từng
chi tiết, để cân, đo, đong, đếm làm thế nào để không bị lỗ lã và có chút
tiền lời trang trải mọi thứ.
Ngược lại với tôi, bà xã tôi lại khác, lối hành xử của Phượng Mai luôn
theo cảm tính của một người nghệ sĩ, khi mua vật dụng nấu cho khách, cô
luôn quan niệm chọn cái ngon, tươi trước, trong khi tôi luôn nhìn vào...
giá cả.
Khi nấu cho khách, có những việc vụn vặt không cần thiết, tôi muốn bỏ
qua nhưng Phượng Mai lại để tâm rất kỷ, từ lúc pha chế nước sốt, cách
cắt thịt, “trụng tôm” cho đến việc trụng bánh Hủ Tiếu, tất cả đều phải
đúng ‘qui trình” không được sai sót, rớt một chiếc muỗng trong bếp, cô
bắt nhân viên phải lập tức rửa ngay, dù đang lúc bận rộn nhất. Tôi cằn
nhằn thì Phượng Mai trả lời tỉnh queo “tô hủ tiếu anh cũng có phần ăn,
không thể sai sót”.
Khi tiếp xúc với khách hàng bên ngoài, có những người khách vô cùng khó
tính, trong khi tôi cố gắng nở nụ cười để tiếp đãi thì Phượng Mai tự
nhiên hơn, cô tâm tình với khách, lắng nghe và giải thích, đôi khi có
những điều “không nên nói” trong nghề, cô cũng tự nhiên nói “huỵch tẹt”
ra luôn.
Vậy mà thực khách trở lại nhiều lần, và nói thẳng với tôi “thích con
người của Phượng Mai”, mộc mạc, bình dân, trong khi tôi thì họ cười “còn
láu cá” lắm.
Thì ra triết lý cuộc sống vốn kỳ lạ, khi con người nghĩ rằng, lối hành
xử đúng mực thước, đúng lối chuyên nghiệp mà xã hội Mỹ đòi hỏi, thì chưa
chắc đã chiếm được cảm tình của người khác, còn lối ứng xử tự nhiên,
mộc mạc xuất phát từ trái tim, đôi lúc có vẻ như không “hợp lúc, hợp
thời” thì lại được nhiều người có cảm tình hơn.
Bà xã tôi vốn là con nhà nòi của ngành sân khấu, không ăn học nhiều, tất
cả những cách ứng xử, đều từ sân khấu, từ khán giả của Phượng Mai chứ
không phải từ học đường, và những thói quen đó đã theo bà xã tôi nhiều
năm, nó ăn sâu vào trái tim của bà xã và trở thành tự nhiên.
Trong khi tôi tự cho là mình “thông minh”, hiểu nhiều, thì ít được cảm
tình của mọi người hơn và rất “khó gần gũi”, hay nói một cách khác là
những người tiếp xúc với tôi lần đầu tiên, đều có thành kiến là tôi “láu
cá”.
Có lẽ trong xã hội, khi con người tự cho là mình thông minh quá, tự tin
quá sẽ biến thành một thứ gì đó giả tạo, không thật và luôn làm cho
người đối diện phải đề phòng, không tin tưởng.
Còn cách ứng xử tự nhiên, xuất phát từ trái tim, có một điều gì đó huyền
diệu, luôn chinh phục được cảm tình của nhiều người, học mộc mạc, bình
dân và nói “thẳng như ruột ngựa” thì đều được trân quí.
Nhờ nghề hủ tiếu, tôi lại học được thêm một bài học mới, những ngôn từ
hoa mỹ, đẹp đẽ chỉ có thể chinh phục người khác trong ngắn hạn, đôi khi
lại khiến họ sợ hãi, trong khi những từ ngữ nói ra từ trái tim, không
qua chạy qua khối óc, thì chính là “bề sâu” của triết lý cuộc sống, quả
thật rất “đơn giản”.
Nhưng chữ “đơn giản’ này tôi phải học cả một đời, bước vào tuổi trung
niên mới thẩm thấu được cách ứng xử bằng trái tim, nó lâu bên hơn tất cả
những “bao bì” khác, được bọc bằng ngôn từ hoa mỹ.
Và tự nhiên tôi lại yêu tô hủ tiếu đến như vậy, cả tháng này tôi ăn hủ
tiếu hơn bao giờ hết trong cuộc đời của mình, vì nhờ tô hủ tiếu, tôi lại
được hiểu thêm “công lực” của trái tim con người đến mức độ nào, và như
Duyên Anh đã từng nói trong tác phẩm “Nhà Tôi” của anh “ không cần cao
xa như tôn giáo, không cần hoa mỹ như nhà thơ, nhà văn, mà chỉ cần tình
người”.
Tô hủ tiếu của Phượng Mai có lẽ sẽ còn nhiều bài học cho tôi ở những năm
tháng cuối đời, hãy sống bằng trái tim hơn là khối óc, nó sẽ tạo ra
niềm tin giữa con người và con người.
NGUYỄN VĂN THÂN * NHẬT BẢN TẠI BIỂN ĐÔNG
Vai trò của Nhật tại Biển Đông
LS Nguyễn Văn Thân (Danlambao)
- Bước vào đầu năm 2017, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe đã tiến hành chuyến
công du tại 4 nước Châu Á là Phi Luật Tân, Úc, Nam Dương và Việt Nam. Úc
và Nhật là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ. Nam Dương là quốc gia có tầm
vóc lãnh đạo trong Khối ASEAN. Phi Luật Tân và Việt Nam đều có tranh
chấp với Trung Quốc tại Biển Đông và Việt Nam cũng là nước chủ nhà sẽ tổ
chức Hội Nghị APEC tại Đà Nẵng trong năm 2017 này. Tưởng cũng nên nhắc
lại Abe là nguyên thủ đầu tiên ghé thăm và chúc mừng Donald Trump tại
New York hồi tháng 11 năm ngoái khi ông trên đường tham dự APEC tại
Peru.
Trong tháng 12 thì Abe cũng thi hành hai công tác ngoại giao quan trọng.
Thứ nhất là đón tiếp Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Nga là nước duy
nhất mà Nhật chưa ký Hiệp Ước Hòa Bình sau Đệ Nhị Thế Chiến. Trong những
ngày cuối của cuộc chiến, Liên Bang Xô Viết đưa quân chiếm đóng một vài
hòn đảo ở phía Bắc của Nhật gọi là quần đảo Kuril và tranh chấp chủ
quyền của quần đảo này đã ngăn cản tiềm năng quan hệ giữa hai nước. Abe
và Putin không ra tuyên bố gì đột phá về Kuril nhưng hứa hẹn là sẽ cải
thiện quan hệ kinh tế song phương trong bối cảnh Nga đang bị Hoa Kỳ và
Châu Âu cấm vận vì xâm chiếm Crimea. Còn Nhật thì đang mong vực dậy nền
kinh tế qua nhiều năm suy thoái.
Vào cuối tháng 12, Abe cũng đã viếng thăm Trân Châu Cảng nơi mà 75 năm
về trước Nhật đã đánh bom tấn công căn cứ hải quân làm Hoa Kỳ quyết định
nhảy vào vòng chiến. Chỉ ngoài một tiếng đồng hồ, phi hành đoàn với hơn
350 phi cơ của Nhật đã đánh chìm hoặc phả hủy 19 tàu hải quân bao gồm 8
tàu chiến Mỹ, phá hủy 328 máy bay và hạ sát 2403 quân nhân Mỹ. Tới năm
1945, Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki làm
hơn 150,000 thường dân Nhật thiệt mạng. Chuyến đi của Abe là để đáp lễ
chuyến viếng thăm Hiroshima của Obama hồi tháng 5. Cũng như Obama, Abe
không lên tiếng xin lỗi nhưng bày tỏ lời chia buồn chân thành và sâu
sắc. Abe ca ngợi nỗ lực hàn gắn quan hệ hai nước của Mỹ và cam kết là
Nhật sẽ không bao giờ lập lại nỗi kinh hoàng của chiến tranh.
Tại Úc, Abe và Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull thảo luận về vấn đề an ninh
trong khu vực trước viễn ảnh và tương lai bấp bênh của Tổng Thống Hoa
Kỳ Donald Trump cũng như quyết định của Trump rút khỏi TPP. Nhật là quốc
gia đầu tiên và duy nhất trong 12 thành viên đã phê chuẩn TPP vào đầu
tháng 12 năm ngoái. Mục đích là muốn khuyến khích Trump thay đổi ý định
để kết hợp quan hệ đồng minh quân sự và đối tác kinh tế của trục Mỹ -
Nhật - Úc là những quốc gia chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ và pháp
trị trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hầu đối phó với sự trỗi dậy
hung hăng của Trung Quốc. Nhưng quyết định thiển cận của Trump đã làm
đảo lộn hết tất cả. Không có TPP thì trục Tự Do không có cơ hội sử dụng
ván bài kinh tế làm đòn bẩy an ninh và chiến lược.
Tại Nam Dương, Abe hội kiến Tổng Thống Jowoki và thảo luận quan hệ kinh
tế song phương cũng như tình hình an ninh tại Biển Đông. Nhật là đối tác
chiến lược của Nam Dương. Hai lãnh tụ đồng ý tiếp tục 4 dự án chiến
lược mà theo đó Nhật sẽ viện trợ và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng
cung cấp hệ thống giao thông và năng lượng cho Nam Dương. Đây là phiên
họp thứ tư giữa hai lãnh tụ trong vòng 2 năm qua.
Trước đó thì Abe đã ghé tới Phi Luật Tân. Vào tháng 10 năm ngoái, Tổng
Thống Duterete đã đến thăm Nhật sau chuyến công du Trung Quốc. Nhật xâm
chiếm Phi Luật Tân vào ngày 8/12/1941 chỉ 8 tiếng đồng hồ sau cuộc tấn
công Trân Châu Cảng. Tới khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945 thì có
khoảng từ 500,000 tới 1 triệu người Phi thiệt mạng trong thời gian Nhật
chiếm đóng. Nhưng trong thời gian qua, Nhật là quốc gia viện trợ lớn
nhất của Phi Luật Tân. Trong năm 2016, viện trợ của Nhật cho Phi Luật
Tân có giá trị khoảng 19 tỷ Mỹ kim gồm có viện trợ cho các dự án xây
dựng hệ thống xa lộ và phát điện. Trước đó, Nhật cũng đã hứa cung cấp 10
tàu tuần tra để giúp Phi Luật Tân đối phó với Trung Quốc trong việc
tranh chấp trên biển.
Việt Nam là chặng đường cuối trong chuyến công du của Abe. Abe đến Việt
Nam chỉ vài ngày sau khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trở về sau khi
viếng thăm Trung Quốc trong 4 ngày. Abe công bố là sẽ viện trợ tổng cộng
1.5 tỷ Mỹ kim cho Việt Nam gồm cócung cấp 6 chiếc tàu tuần tra mới cho
Việt Nam trị giá 338 triệu Mỹ kim để giúp Việt Namtrong nhiệm vụ bảo vệ
lãnh hải.
Chuyến công du này phản ánh chính sách ngoại giao chủ động, tích cực và
mở rộng ảnh hưởng của Thủ Tướng Abe. Trước đây với mặc cảm quá khứ và
lịch sử chiến tranh nên Nhật hài lòng với vai trò thụ động và tránh xa
ánh đèn sân khấu trên mặt trận ngoại giao. Nhưng sự trỗi dậy hung hăng
của Trung Quốc tạo ra thách thức và đe dọa chủ quyền của Nhật tại Biển
Hoa Đông dẫn đến chính sách ngoại giao mới dựa trên nguyên tắc bình
thường hóa. Có nghĩa là Abe muốn Nhật có thể sử dụng mọi công cụ ngoại
giao, kinh tế, an ninh và chiến lược cho lợi ích quốc gia mà không bị
Hiến Pháp chủ hòa cản trở. Ngay từ nhiệm kỳ đầu tuy ngắn ngủi chỉ trong
vòng một năm từ 2006 tới 2007, Abe đã phác họa chính sách ngoại giao mới
có tên là “Cung Tự Do & Thịnh Vượng” (Arc of Freedom and
Prosperity). Chính sách này dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất là bảo vệ các
giá trị phổ quát là tự do, dân chủ và pháp trị và thứ hai là chủ động
siết chặt quan hệ với các quốc gia trong khu vực chia sẻ các giá trị phổ
quát này chẳng hạn như Mỹ, Úc và Ấn Độ. Từ năm 2007, Nhật đã thúc đẩy
các cuộc đối thoại an ninh bốn bên gồm có Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ
(Quadrilateral Security Dialogue). Sau cuộc đối thoại đầu tiên vào tháng
5 năm 2007, Nhật đã tham gia tập trận Malabar trong vịnh Bengal. Đây là
lần đầu tiên Nhật tham gia tập trận ngoài lãnh hải của họ.
Trong tháng 12 năm 2013, nhân dịp 40 năm quan hệ ASEAN - Nhật, Abe vận
động thành công cho việc thành lập diễn đàn đối thoại cấp bộ trưởng quốc
phòng ASEAN và Nhật. Trong bài diễn văn chính yếu tại Đối Thoại Shangri
- La vào năm 2014, Abe nhấn mạnh ba nguyên tắc chủ đạo về an ninh trên
Biển Đông là các quốc gia “đưa yêu sách chủ quyền dựa trên luật quốc
tế, không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đạt yêu sách và
giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.
Chính sách của Nhật tại Biển Đông có thể được coi là chủ động, tích cực
và nhất quán. Thứ nhất là nâng cao ảnh hưởng của Nhật trong khu vực Châu
Á - Thái Bình Dương. Thứ hai là kiềm chế sự trỗi dậy hung hãn của Trung
Quốc bằng cách phân tán nguồn lực hầu để giảm áp lực tranh chấp tại
Biển Hoa Đông. Thứ ba là lèo lái dư luận trong nước về nhu cầu thay đổi
hoặc diễn giải Hiến Pháp phù hợp với chính sách ngoại giao mới. Trung
Quốc thường chỉ trích Nhật về các chính sách hỗ trợ cho Phi Luật Tân và
Việt Nam có ý chống lại Trung Quốc và cảnh báo Nhật đừng can thiệp vào
tranh chấp tại Biển Đông vì Nhật không phải là một bên trong cuộc tranh
chấp. Nhưng cũng như Hoa Kỳ, Nhật có lợi ích cốt lõi trong việc duy trì
an ninh hòa bình và tự do lưu thông hàng hải và hàng không tại Biển
Đông. Do đó, Nhật không ngần ngại tận dụng mọi cơ hội ví dụ như trong
các cuộc Hội Nghị G7 thúc đẩy các nước phát triển lên tiếng bày tỏ quan
điểm trái ngược với Trung Quốc.
Nỗ lực ngoại giao của Nhật cũng có một số mặt giới hạn. Thứ nhất, nền
kinh tế của Nhật vẫn nằm trong chu kỳ suy thoái. Với dân số lão hóa và
ngày càng tụt giảm thì khó có cơ hội phục hồi nhanh chóng. Thứ hai, đa
số dân chúng vẫn chưa quên vết thương chiến tranh nên không chấp nhận
nguyên tắc bình thường hóa trong chính sách ngoại giao, an ninh và chiến
lược. Mọi ý định tu chính Hiến Pháp chủ hòa đều bị chống đối mạnh mẽ.
Thứ ba là hệ thống chính trị bấp bênh dẫn đến sự thay đổi chính quyền và
thủ tướng thường xuyên. Trong thập niên qua thì Nhật đã có tới 7 vị thủ
tướng là Junichiro Koizumi (2001-2006), Shinzo Abe (2006-2007), Yasuo
Fukuda (2007-2008), Taro Aso (2008-2009), Yukio Haytoama (2009-2010),
Naoto Kan (2010-2011), Yoshihiko Noda (2011-2012) rồi trở lại Shinzo Abe
từ 2012 đến nay. Điều này ảnh hưởng tới kế hoạch và hành động nhất quán
và dài hạn, và khó xây dựng được quan hệ cá nhân chặt chẽ giữa các lãnh
tụ cũng như lòng tin là chính sách sẽ không thay đổi với các quốc gia
đối tác.
Tuy nhiên, Thủ Tướng Abe đã chứng minh trong thời gian qua ông là một
chính khách có bản lãnh và thành công trong việc củng cố quyền lực của
mình. Nhiệm kỳ thủ tướng của ông đúng ra sẽ chấm dứt vào tháng 9 năm
2018 nhưng Đảng Tự Do Dân Chủ đã đồng ý gia hạn nhiệm kỳ lãnh đạo và Abe
có thể tranh cử và làm thủ tướng đến tháng 9 năm 2021. Có nghĩa là Abe
có nhiều cơ hội củng cố chính sách ngoại giao mới của Nhật trong thời
gian sắp tới. Đối phó với Trump cũng sẽ là một thách thức. Hiện nay Nhật
chi khoảng 42 tỷ Mỹ kim một năm cho ngân sách quốc phòng tương đương
với 1% GDP so với tỷ lệ trung bình là 2% đối với các quốc gia khác. Có
thể Trump sẽ đặt áp lực và yêu cầu Nhật gia tăng chi phí quốc phòng.
Trước đây, Phó Tổng Thống Joe Biden đã từng nói với Tập Cận Bình là Nhật
có đủ khả năng phát triển vũ khí nguyên tử "trong 24 tiếng đồng hồ" nếu
Trung Quốc không kiềm chế Bắc Hàn. Vấn đề là người dân Nhật có sẵn sàng
thay đổi tư duy chủ hòa hay chưa?
Đối với Việt Nam, Nhật là quốc gia có tiềm lực kinh tế, khoa học công
nghệ và kỹ thuật cao có thể giúp Việt Nam phát triển nhanh về mặt kinh
tế. Chẳng những thế, Nhật có năng lực và thiết bị biển có thể giúp Việt
Nam đối phó với sức ép của Trung Quốc tại Biển Đông. Xây dựng quan hệ an
ninh quốc phòng với Nhật có thể giúp Việt Nam cân bằng quan hệ và giảm
bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Vấn đề là Đảng Cộng Sản Việt Nam và đặc
biệt là ông Nguyễn Phú Trọng có muốn đặt lợi ích của Việt Nam trên hết
và sẵn sàng làm bạn thân với một quốc gia tự do, dân chủ, pháp trị nơi
mà quyền con người căn bản được tôn trọng như Nhật Bản hay không? Hay là
ông Trọng vẫn còn mơ được nắm tay ông Tập Cận Bình để đưa Việt Nam theo
chân Trung Quốc tiến lên thiên đường xã hội chủ nghĩa.
TS. MAI THANH TRUYẾT * LOẠI BỎ CỘNG SẢN
Hãy tìm cách loại bỏ chế độ độc tài CSVN
"Tất cả điều mà tôi khẳng định là: mọi thử nghiệm của tôi đều làm đậm
nét niềm tin của tôi vào bất bạo động như là lực mạnh nhất có sẵn cho
nhân loại" - M.K. Gandhi
Mai Thanh Truyết (Danlambao)
- Đảng CSVN đã thất bại trong việc điều hành đất nước về mọi mặt và còn
đang tiếp tay cho Tàu Cộng thôn tính quê hương Việt Nam. Đây không phải
là một sự kết tội mà là một thực tế đã được mọi người Việt yêu tự do
minh chứng từ bao năm nay qua nhiều tác phẩm, bài viết và chứng cớ. Sự
cầm quyền của ĐCSVN kéo dài một ngày là thêm một ngày đẩy đất nước gần
hơn tới chỗ diệt vong.
Vì thế, vấn đề giải quyết chế độ CSVN cần phải được đưa ra bàn thảo sâu
rộng để đi tới một tiến trình hành động cụ thể và rốt ráo.
1- ĐCSVN chủ trương bạo lực
ĐCSVN đi theo chủ trương bạo lực của Lenin và đã dùng bạo lực để cướp
chính quyền năm 1945 cũng như xâm chiếm miền Nam Việt Nam năm 1975. Đối
với CSVN, bạo lực là phương cách giải quyết mọi vấn đề trong việc cai
trị dân chúng.
Phương pháp cai trị bằng bạo lực đã được hai thể chế chính trị trên thế
giới áp dụng rất rành rẽ là độc tài cộng sản và độc tài phát xít. Độc
tài CSVN ngày nay đã biến thể không còn là loại độc tài của giai cấp
công nhân mà đã vô hình chung giống hệt độc tài phát xít, tức là mọi
quyền lợi quốc gia đều thu tóm về tay đảng cai trị và giới tư bản quy
thuộc. Dưới kiểu độc tài phát xít này, giới được ưu đãi và hưởng mọi
quyền lợi quốc gia là thành phần đảng viên, giới thân cận đảng, tư bản
đỏ và doanh thương nhà nước.
Qua hơn 30 năm mở cửa đưa nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường tự do
dưới “định hướng xã hội chủ nghĩa”, ĐCSVN mất dần hậu thuẫn của giới
nông dân và công nhân vì quyền lợi của đảng không còn gắn liền với đại
đa số đại chúng. Những thành quả do sự phát triển kinh tế mang lại không
chia đều cho khối đại đa số dân chúng mà vào túi thành phần đảng viên
và những phe nhóm thân cận mà họ đặt tên là “nhóm lợi ích”.
“Đi theo đảng thì có quyền và tiền” trở thành nguyên tắc hấp dẫn của
đảng. Sự kiện này không phải là diễn biến thay đổi bất ngờ đối với ĐCS
mà là con đường do họ cố ý chọn vì lý thuyết cộng sản đã lộ mặt một lý
thuyết hoang tưởng. Khi chọn đi theo cách thức của đảng phát xít là họ
biết rõ đã mất chính nghĩa và không còn nguyên tắc hướng dẫn nào khác.
Vì mất chính nghĩa và độc tài nên họ luôn luôn lo sợ bị lật đổ!
Nỗi ám ảnh bị lật đổ đưa tới nhu cầu cần phải thiết lập một hệ thống cai
trị chặt chẽ, để kiểm soát mọi sinh hoạt của xã hội và người dân. ĐCS
cài đặt đảng viên ở mọi cơ phận hành chính tới tận làng xã và ngay cả
các công ty thương mại. Không kể đến quân đội hay truyền thông mà mọi
sinh hoạt của dân chúng cũng không tránh khỏi con mắt xoi mói của đảng.
Điển hình như tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc được dựng nên để thâu tóm và kiểm
soát mọi sinh hoạt dân sự của quần chúng như tôn giáo, nghiệp đoàn, hội
học sinh, giới chức, khoa học... Con mắt của đảng không những coi chừng
những cá nhân có tư tưởng bất đồng mà còn đề phòng, bóp chết mọi hành
vi đối nghịch có cơ hội nảy mầm.
2- Phải có hành động
Một mặt kiểm soát chặt chẽ mọi sinh hoạt của dân chúng và mặt khác thu
tóm hầu hết tài sản quốc gia và độc quyền lãnh đạo, thế lực của ĐCS mang
vẻ một sức mạnh vô địch. Như thế thì làm sao lật đổ được ĐCSVN? Tuy
mang vẻ kiên cố nhưng thực tế cho thấy rằng mọi chế độ độc tài đều ‘vô
địch’ cho tới khi họ đổ như sung rụng một cách không ai ngờ, giống như
trường hợp của Đông Âu và khối Liên Sô ở những năm 1989,1990, 1991…
ĐCSVN chắc chắn cũng sẽ có cùng số phận và sẽ có ngày sụp đổ.
Chắc chắn là thế.
Nhưng việc gì xảy ra cũng phải có nguyên do hay nói cách khác, muốn một
điều gì thay đổi thì phải có tác động. Trên quan điểm của những nhà đấu
tranh hay nói rộng ra là quan điểm tích cực thì không thể ngồi chờ để
“Trời” làm mà chính bản thân những người bị áp bức hay cảm thấy bất mãn
trước bất công phải bắt tay chủ động sự thay đổi.
Sự tìm hiểu về khả năng phòng thủ vững chãi của chế độ độc tài là để
nhìn thẳng vào thực tế rằng công việc lật đổ một nhà cầm quyền độc tài
không phải dễ dàng hay giản dị. Công việc này đòi hỏi phải có những
hoạch định chiến lược, chiến thuật quy mô tương tự như chiến tranh quân
sự mới có thể đưa tới thành công. Sự nghiên cứu phải sâu rộng từ tổng
quát đến chi tiết theo tiến trình làm cho đối phương suy yếu dần đến chỗ
mất hết sức mạnh và đầu hàng.
Đây một cuộc đấu tranh gian khổ và trường kỳ.
Về phía dân chủ, các lực lượng đấu tranh cũng phải đi từ nhỏ tới lớn và
lớn lên theo ảnh hưởng lan rộng dần. Hình ảnh thành bại của cuộc đấu
tranh có thể hình dung qua sự so sánh tương quan lực lượng, phía dân chủ
phải lớn dần đồng thời với sự suy yếu dần của nhà cầm quyền, tới khi họ
mất hết kiểm soát và sụp đổ. Không có cuộc cách mạng nào xảy ra một
cách bỗng dưng hay mau chóng mà tất cả phải do sự hy sinh và công sức
của rất nhiều người với thời gian dài.
3- Đấu tranh bất bạo động
Có hai phương cách đấu tranh là bạo động và bất bạo động. Một định nghĩa
ngắn gọn: bạo động là sử dụng vũ khí và bất bạo động là không sử dụng
vũ khí. Nếu áp dụng đấu tranh bạo động thì phải tạo lập lực lượng kháng
chiến vũ trang. Với tình hình thế giới chống khủng bố ngày nay, khó có
nước nào sẵn sàng đứng ra cung cấp vũ khí cho bất kỳ cuộc tranh đấu bạo
động nào. Vì thế chỉ còn lại một phương cách duy nhất là đấu tranh bất
bạo động.
Đấu tranh bất bạo động không có nghĩa là thụ động như chủ thuyết ‘hòa
bình’ hay lý thuyết ‘đưa má kia cho tát’ của tôn giáo mà là một lực chủ
động dùng các phương tiện ôn hòa để chống lại bạo động. Lý thuyết dùng
tĩnh chế động, dùng nhu thắng cương không mới mẻ gì trong võ thuật hay
học thuyết Đông phương, nhưng khi dùng nguyên tắc này để chống chỏi lại
một chế độ độc tài có đầy đủ mọi phương tiện đàn áp và kiểm soát quần
chúng chặt chẽ thì hơi khó hiểu. Tuy vậy các cuộc cách mạng thành công
sử dụng phương pháp bất bạo động để lật đổ chế độ độc tài vững mạnh trên
thế giới như cộng sản Liên Xô, khối Đông Âu…, đã chứng tỏ phương pháp
bất bạo động là một hướng đi khả thi.
Lý thuyết về đấu tranh bất bạo động đã được Gandhi hệ thống hóa thành
một phương pháp đấu tranh hiệu quả và ông đã áp dụng để giải thoát dân
tộc Ấn Độ khỏi ách đô hộ của người Anh năm 1947. Sau đó phương pháp này
được nhiều nhà hoạt động học hỏi và áp dụng như Martin Luther King (Hoa
Kỳ), Nelson Mandela (Nam Phi), Lech Walesa (Ba Lan) và thủ lãnh các
phong trào dân chủ lật đổ chế độ cộng sản Liên Xô, Đông Âu hay Tunisia
và Ai cập mới đây. Hiện nay ở Hoa Kỳ, ông Gene Sharp (sinh năm 1928) là
một nhà nghiên cứu tích cực về lý thuyết bất bạo động để đem phương pháp
đấu tranh này lên hàng kinh điển như chiến tranh quân sự.
4- 198 Phương pháp đấu tranh bất bạo động của Gene Sharp
Từ năm 1993, TS Sharp đã cho ấn hành quyển “Từ Độc tài đến Dân chủ” (From Dictatorship to Democracy). Và vào năm 2005, Ông đã xuất bàn tiếp cuốn sách “Tiến
hành Tranh đấu Bất bạo động: Thực hành trong thế kỷ 20 và Tiềm năng
trong Thế kỷ 21 (Waging Nonviolent Struggle: 20th Century Practice and
21st Century Potential).
Chủ đề chính của Sharp là quyền lực không phải là nguyên khối
(monolithic); nghĩa là, nó không bắt nguồn từ một số phẩm chất nội tại
(intrinsic quality) của những người đang cầm quyền. Đối với Sharp, quyền
lực chính trị, quyền lực của bất cứ nhà nước nào đều bắt nguồn từ các
đối tượng của nhà nước, chính là người dân. Đối với ông, niềm tin căn
bản là bất kỳ cơ cấu quyền lực nào đều dựa vào sự tuân phục của người
dân, nếu không, mọi sự sẽ diễn biến ngược lại. Ông đề ra 198 phướng cách
đấu tranh bất bạo động. Điển hình vài phương pháp áp dụng thông thường
như:
- Phương pháp bất bạo động căn bản: nói chuyện trước công chúng, thành
lập các tổ chức đối lập, làm tờ rơi, sách động trên radio, tv v.v...
- Thành lập các nhóm đại diện khắp nơi;
- Bất hợp tác kinh tế, chính trị;
- Phủ nhận hiến pháp;
- Tuyệt thực v.v...
Và, điều cần phải được hiểu rõ ràng là hiệu quả cuốc đấu tranh bất bạo
động chỉ có thể đạt tối đa khi các phương pháp đã được lựa chọn để thực
hiện các chiến lược trên nằm trong điều kiện hiện có của xã hội chúng ta
đang tranh đấu.
5- Cần phải khởi sự nghiên cứu và hành động đấu tranh bất bạo động cho Việt Nam ngay từ bây giờ...
Cách tiến hành đấu tranh bất bạo động ở mỗi quốc gia mỗi khác nhau vì vũ
khí của loại đấu tranh này dựa vào các đặc điểm mang tính xã hội, tâm
lý của quốc gia đó. Vì thế, phương cách tiến hành đấu tranh cho Việt Nam
cần phải được nghiên cứu đầy đủ để tạo dựng căn bản lý thuyết cho các
tổ chức đối kháng hoạt động. Bắt tay vào công cuộc bàn thảo hay nghiên
cứu về đấu tranh bất bạo động là bắt đầu cất bước trên con đường xóa bỏ
chế độ CS cho quê hương Việt Nam.
Tất cả đều sẽ giống như sự khẳng quyết của Gandhi, một khi cuộc đấu
tranh bất bạo động bắt đầu lăn bánh, không trở lực nào có thể cản nổi.
Đó là một chân lý bất di bất dịch, một niềm tin vững chắc của tất cả những người con Việt ở trong và ngoài nước.
Xin mượn lời của Đức Lê Minh, một đảng viên của ĐCSVN để kết thúc bài viết hôm nay:
“Ta tuyệt đối không nhắc lại chuyện đó. Ta tuyệt đối tìm cách quên
rằng thằng đàn anh TC đã giết đồng bào ta còn tệ hơn giết chó, máu chảy
thành sông ở biên giới phía Bắc. Và ta vẫn tiếp tục thờ lạy nó.
Ta là ai?
Ta là đảng cộng sản Việt Nam. Ta là thứ cặn bã của dân tộc này. Ta là
thứ mọi rợ đạo đức giả. Ta là loài khỉ đột đã xua đuổi được mọi nền văn
minh để tiếp tục tự sướng với nhau trong bóng tối của thời trung cổ.
Và còn nữa?
Hãy chờ xem ta sẽ nghiến nát kẻ thù (nhân dân) như đàn anh TC của
chúng ta dùng xe tăng xay thịt nhân dân chúng nó thành thức ăn cho súc
vật trên quảng trường Thiên An Môn.
Ta là quái thai thời đại.
Ta không xứng đáng đứng ngang hàng với loài người văn minh trên trái đất này.
Thảm họa diệt chủng đã hiện ra trước mắt, không ai có thể cứu được
dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa này, ngoài 90 triệu người Việt.
Mỗi người cần nhìn thấy cái chết đang đến với chính mình và con cháu
mình, hãy chuyển tải thông tin này tới tất cả mọi người, tới mọi tờ báo,
mọi phương tiện thông tin để mọi người cùng biết, cùng nhau đứng lên
chống thảm họa diệt chủng đã đến trước mắt, để cả thế giới cùng biết và
lên tiếng bảo vệ chúng ta”.
04.02.2017
VIETTUSAIGON * ĐẤT NƯỚC
Đất nước nhìn từ tháng Giêng
Thứ Tư, 02/01/2017 - 08:56 — VietTuSaiGon
Từ tháng Giêng, nhìn tới một năm phía trước, một chút vui mùa xuân chẳng
thể đắp đổi trống rỗng trong lòng người, khi mà sau lưng, một năm cũ đi
qua với quá nhiều nỗi buồn, tuyệt vọng. Có thể nói rằng đây là tuyệt
vọng chứ không phải thất vọng, bởi đối với nhân dân, không có tuyệt vọng
nào lớn hơn nỗi tuyệt vọng bị bỏ rơi, lúc đó nhân dân chỉ còn là một
tập hợp bất an và vô định, vẫn sống, vẫn tồn tại, vẫn làm việc nhưng là
sự sinh hoạt của một sinh thể nhân dân trống rỗng, vô hồn, hay nói cách
khác là sinh thể cận diệt vong đang hiện hữu.
Tại sao tôi phải dùng chữ nghe có vẻ đao to búa lớn như vậy? Vì lẽ, tôi
đã chọn lựa rất kĩ khi dùng đến chữ “cận diệt vong” khi nói về dân tộc
mình, về đất nước mình và về tương lai của mình cũng như tương lai đồng
bào tôi. Vì lẽ, hiện tại, điều đáng sợ nhất đang xảy ra trên đất nước
này, đó là nhân dân như hàng triệu tế bào kết tạo thành cơ thể quốc gia,
song hành đó là những tế bào ung thư bên cạnh, có thể làm chết đi tế
bào sạch của cơ thể quốc gia bất kỳ lúc nào.
Và vấn đề diệt vong ở thế kỉ 21 này cũng không giống sự diệt vong của
những quốc gia từng tồn tại trên mặt đất một cách cường thịnh để rồi mất
dấu như Phù Nam, Chăm Pa… Sự diệt vong ở đây không mang ý nghĩa đó, bởi
thời đại của dân chủ và thế giới phẵng, mọi sự có mặt và biến mất của
một cộng đồng không chỉ đơn thuần là quan hệ song phương giữa quốc gia
xâm chiếm với quốc gia bị xâm chiếm như đã từng xảy ra trong lịch sử. Mà
sự diệt vong ở đây được hiểu theo nghĩa cái chết từ từ, chết dần chết
mòn trong sự phong tỏa của đối phương một cách có bài bản xét theo chiều
kích đa phương.
Một Tây Tạng bị diệt vong, hiện tại, xét về nhân chủng học, dân tộc Tây Tạng vẫn còn tồn tại, nhưng xét về mặt xã hội học và chính trị học, rõ ràng dân tộc Tây Tạng đã chính thức bị diệt vong dưới bàn tay Trung Cộng. Bởi mọi giá trị văn hóa, giá trị tự do và giá trị tối thiểu của nhân phẩm đều bị chà đạp bởi Trung Quốc, sự tồn tại của Tây Tạng là sự tồn tại dưới một bàn tay áp đặt, khống chế, không thể nào bứt thoát ra được.
Và, với một dân tộc nói chung, một con người nói riêng đã được thụ đắc những tiến bộ của văn minh nhân loại, đã thấu hiểu giá trị con người trong nền văn hóa cởi mở của nhân loại, không có gì đáng sợ hơn đối với họ là mất quyền tự do, mất quyền làm người và bất lực đứng nhìn văn minh, văn hóa của mình bị ngoại bang đốt cháy, đập bỏ từng ngày, từng giờ. Đó là chưa muốn nói đến hằng ngày, người ta phải chứng kiến đồng tộc, đồng bào của mình phải đổ máu, đau đớn…
Một dân tộc như vậy, trong góc nhìn của thế giới tự do và văn minh,
đương nhiênn đã bị mất dấu về mặt xã hội, chính trị và thậm chí cả về
mặt dân tộc học. Bởi một dân tộc bị xóa bỏ căn cước văn hóa và bị ruồng
bố chính trị, ruồng bố văn hóa bởi dân tộc khác từng ngày, từng giờ,
từng phút, tiếng nói của dân tộc bị lấy mất, bản sắc của dân tộc bị cắt
bỏ và quyền giữ căn cước dân tộc cũng bị tước đoạt, xem như dân tộc đó
đã chính thức diệt vong!
Điều này khác hẳn với thời trung cổ, thời mà khái niệm văn hóa, chính
trị hay dân tộc học còn mờ nhạt. Và nếu mang Tây Tạng ra để so sánh với
Việt Nam, có những dấu hiệu mà Việt Nam hiện tại rất giống với Tây Tạng
khi đất nước này bị Trung Quốc manh nha xâm lược. Tiến trình xâm lược
cũng bắt đầu từ việc thâm nhập kinh tế, lấn chiếm về địa lý và di dân
sang Tây Tạng một cách có chủ ý. Kết quả cuối cùng mà nhà nước Cộng sản
Trung Quốc đạt được là dân tộc Tây Tạng bị diệt vong vì mất căn cước văn
hóa dưới bàn tay của họ.
Việt Nam hiện tại thì sao? Người Trung Quốc xuất hiện khắp đất nước, họ
thả sức đi tìm đất để mua trên lãnh thổ Việt Nam giống như ra chợ mua
con gà, con ngỗng. Biển Việt Nam chết dần chết mòn dưới bàn tay Trung
Quốc; Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, hai vựa lúa lớn
nhất Việt Nam chết cạn và nhiễm mặn cũng bởi bàn tay Trung Quốc; Phần
lớn tuổi trẻ Việt Nam chết trong đồng nhân dân tệ dễ dãi do các đầu sỏ
người Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, những nơi nào có người Trungg
Quốc ở, chắc chắn nơi đó có sự phát triển khá mạnh mẽ v
Và đáng sợ nhất, đó là kẻ nắm quyền tối cao của hệ thống chính trị Việt
Nam hiện tại đã chính thức ký 15 văn kiện, mà trong đó có đến 14 văn
kiện vượt ngoài quyền hạn của ông ta bởi nó liên quan đến sinh mệnh và
tương lai quốc gia, dân tộc. Lẽ ra, trước khi ký các văn kiện này, phải
có một cuộc trưng cầu dân ý để lấy kết quả từ nhân dân và đi đến quyết
định, nhưng không, Nguyễn Phú Trọng đã tự đi, tự ký, tự động cho mình
cái quyền quyết định sự sống còn của dân tộc.
Đương nhiên, nếu nhìn từ góc độ truyền thông nhà nước và hệ thống tuyên
truyền của đảng Cộng sản Việt Nam, có vẻ như sự ký đấm của Nguyễn Phú
Trọng chẳng can hệ gì cho mấy tới tương lai dân tộc, thậm chí còn mang
lại lợi ích cho dân tộc về kinh tế, chính trị… Nhưng bản chất sâu xa của
việc ký 15 văn kiện này lại hoàn toàn trái ngược với những gì các
phương tiện truyền thông đã nói. Nó cho thấy một lần nữa, nhà nước Cộng
sản Trung Quốc đã thành công trong kế hoạch xóa bỏ căn cước văn hóa của
dân tộc Việt Nam.
Từ việc thao túng kinh tế, phổ biến văn hóa Trung Hoa như một thứ “văn
hóa mẹ”, “văn hóa gốc” cho đến xoa đầu chính trị cấp trung ương, vỗ béo
hệ thống thuộc quyền từ trung ương tới địa phương và đảm bảo hệ thống
thuộc quyền này làm việc một cách nhịp nhàng nhất để hợp thức hóa ông
chủ Trung Quốc trên đất Việt, tẩy não và nhuộm đen màu sắc tâm lý chuộng
Trung Quốc, coi trọng, tôn sùng Trung Quốc thông qua các hoạt động mê
tín dị đoan, các loại hàng hóa phổ dụng, các gói đầu tư và mọi thứ hoạt
động mua bán, kể cả mua bán đất đai và con người với Trung Quốc…
Cuối cùng, người Việt Nam vốn dĩ đã thiếu màu sắc trên căn cước văn hóa
sẽ nhanh chóng bị mờ nhạt và mất dấu căn cước. Một khi mất dấu căn cước
văn hóa, điều đó cũng đồng nghĩa với diệt vong!
Tháng Giêng, đầu năm, tự dưng thấy chạnh buồn vì thêm một năm mới mà mọi
tháng kế tiếp sẽ là những ẩn số chứa đầy mối họa. Bởi Tết năm ngoái,
tôi nhìn thấy người Trung Quốc ăn Tết ở Việt Nam nhiều hơn năm kia, tôi
đã sợ. Và Tết năm nay, đi đâu cũng gặp người Trung Quốc, nhiều hơn năm
ngoái. Một dự cảm chẳng yên lành cho đất nước, chẳng biết rồi một năm
nữa sẽ ra sao, khi Nguyễn Phú Trọng đã đạt được thỏa thuận với Trung
Quốc và cái bắt tay của ông ta đạp lên mọi quyền lợi, mọi nỗi đau của
nhân dân.
TRƯƠNG DUY NHẤT * NHỮNG LOẠI RÁC
Những loại rác khác
Thứ Sáu, 02/03/2017 - 11:22 — truongduynhat
Có một thứ rác khác, nghị định 155 chưa sờ tới. Đấy là những loại rác trong các hình ảnh này:
(Ảnh trên mạng, không rõ tác giả)
(Ảnh: Mai Kỳ)
(Ảnh: Dân Việt)
(Ảnh: Trương Duy Nhất)
(Ảnh: Trương Duy Nhất)
(Ảnh: Trương Duy Nhất)
(Ảnh: Trương Duy Nhất)
(Ảnh: Trương Duy Nhất)
(Ảnh: Trương Duy Nhất)
(Ảnh trên mạng, không rõ tác giả).
_______________
- Nghị định 155: Là nghị định của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực môi trường, vừa có hiệu lực từ ngày 1/2/2017.
Theo đó, các hành vi như vứt rác, tiểu tiện bừa bãi sẽ bị phạt nặng, tới
hàng triệu đồng.
NS. TUẤN KHANH * KÝ ỨC
Những ký ức không bao giờ cũ
Đó là một ngày mùa xuân lạnh lẽo bất thường ở Huế. Mùa xuân 1968. Một
người cảnh sát tên Dũng bất ngờ khi thấy những người lính đối phương cầm
AK tràn khắp thành phố Huế. Cuộc tiến chiếm và bắt giữ rất nhiều thường
dân và viên chức chính quyền thành phố đã người diễn ra nhanh chóng
trong vài ngày Tết, mà nhiều tài liệu sau này ghi lại, cho biết các
thành phần Việt Cộng nằm vùng đã âm thầm lên danh sách theo từng tổ,
từng tuyến và từng khu vực. Tính bất ngờ khiến cho những người lính phía
Bắc Việt nắm ưu thế ngay lập tức. Nhưng Dũng là một người khá may mắn
trong phút đầu, vì ông được người nhà nhanh chóng đưa ra sau vườn, đào
một cái hố nhỏ và núp ở dưới trong nhiều ngày.
Vào đêm 30 Tết, tức ngày 29/1/1968, khi mọi người dân tin vào lệnh hưu
chiến được quân đội Bắc Việt ký kết với phía miền Nam Việt Nam và bắt
đầu nghỉ ngơi, đốt pháo ăn Tết, thì rạng sáng mùng 1 tết, những tiếng
súng đầu tiên hòa lẫn với tiếng pháo đã khởi đầu cho một sự kiện đẫm máu
trong lịch sử chiến tranh Việt Nam: thảm sát Mậu Thân tại Huế.
Mỗi bên đều có ngôn ngữ riêng để nhắc lại giờ phút quan trọng này. Chính
quyền Sài Gòn thì diễn đạt rằng Việt Cộng đã “phản bội lại hiệp ước
đình chiến” 3 ngày Tết đã ký. Còn phía Hà Nội thì diễn giải rằng hành
động đó, là “cướp thời cơ”.
Không chỉ có Huế. Tết Mậu Thân 1968 ghi dấu một cuộc tấn công bất ngờ và
đồng loạt của quân đội Bắc Việt vào 25/44 tỉnh lỵ và thị trấn của phía
miền Nam Việt Nam lúc đó. Vào sáng ngày mùng 1 Tết (30/1/1968),trên đài
phát thanh quốc gia Saigon, cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố
phía miền Bắc đã vi phạm việc ký kết hưu chiến trong dịp Tết, và ngay
sau đó tuyên bố hủy bỏ lệnh ngưng bắn của phía Việt Nam Cộng Hòa để
chính thức mở các cuộc phản công.
Cuộc chiến này, do sự hỗn loạn về truyền thông mà nhiều năm sau, người ta mới có được
những số liệu tương đối chính xác. Vào khoảng 3 giờ 40 sáng ngày 30/1,
những tiếng súng pháo cối từ phía núi nã vào thành phố Huế, chính là
hiệu lệnh cho khoảng 80.000 binh lính chính quy Bắc Việt và quân nằm
vùng đã tràn vào kinh đô cổ kính của Việt Nam, nơi có khoảng 140.000 dân
sinh sống ở đó.
Lực lượng tương quan được xem là bất cân xứng, vì thuận theo hiệp ước
đình chiến ngày Tết, Huế lúc đó - được sách The Tet Offensive: A Concise
History and Abandoning Vietnam ghi lại – chỉ có khoảng 200 lính Mỹ và
các nhân viên người Úc thuộc sư đoàn 1 đồn trú ở đó, cùng một số cảnh
sát và binh lính địa phương không đáng kể.
Suốt trong nhiều ngày, người nhà của ông Dũng đã kinh hoàng chứng kiến
các vụ xử bắn ngay trước hiên nhà mình, được gọi là “trừng trị bọn phản
cách mạng”, mà trong đó có cả những thường dân không hề biết sử dụng vũ
khí. Hàng loạt các vụ bắt và đem đi mà người ta không biết là về đâu.
Mùng 7, là ngày diễn ra rất nhiều các vụ bắt bớ mang đi mất tích. Khiến
rất nhiều gia đình ở Huế, cho đến tận hôm nay vẫn chọn ngày mùng 7 Tết
để làm giỗ chung cho người thân cho mình.
Phía trước nhà ông Dũng là một khoảng ruộng. Tiếng súng nổ giật bắn
thỉnh thoảng từ đó vang lên, như báo hiệu cho những người sống quanh đó
rằng đã có ai đó bị hành hình, chôn vội… mà không có tòa án hay một tội
danh đúng.
Khắp nơi trong thành phố như vậy. Sau 25 ngày Huế bị tạm chiếm bởi quân
đội Bắc Việt, người ta tìm thấy nhiều hố chôn người tập thể, nhiều nơi
xác người chôn sống. Các con số tổng kết tại Huế cho thấy các nạn nhân
bị thảm sát được tìm thấy tại trường tiểu học Gia Hội, chùa Therevada,
Bãi dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng Viện, khu vực phía Tây Huế gần lăng Tự Ðức
và lăng Ðồng Khánh, cầu An Ninh Thượng, cửa Ðông Ba, trường An Ninh Hạ,
trường Văn Chí, Chợ Thông, Lang Xá Cồn, gần lăng Gia Long, gần chùa
Tường Vân, Ðông Gi (Di), Vinh Thái, Thuỷ Thanh, Lương Viện, Phù Lương,
Phú Xuân (Phú Thứ), Thương Hòa, Vinh Hưng, Khe Ðá Mài... tất cả 22 địa
điểm, tìm thấy được tổng cộng 2326 sọ người trong số 6.000 nạn nhân
thuộc tỉnh Thừa Thiên và Huế đã được thân nhân xác nhận là chết hoặc bị
bắt đi thủ tiêu, mất tích...
Không chỉ có người Việt Nam giết người Việt Nam. Trong quyển Tet, của
nhà báo Don Oberdorfer, xuất bản năm 1971, cho biết có những người như
Stephen Miller (28 tuổi) nhân viên Sở ngoại vụ và thông tin Hoa Kỳ bị
trói mang ra sau một chủng viện Công giáo để hành hình. Các bác sĩ người
Đức Raimund Discher, Alois Alteköster, và Horst-Günther Krainick cùng
vợ của ông với công việc là giảng dạy về y tế cũng bị dẫn đi. Sau khi
quân đội miền Nam Việt Nam tái chiếm Huế, người ta tìm thấy xác những
người này bị chôn ở một khu ruộng gần đó. Một tài liệu tiết lộ vào năm
2011, còn cho biết rằng người ta tìm thấy các móng tay của người vợ ông
Krainick bị gãy và đầy đất cát, có nghĩa bà đã bị chôn sống và tuyệt
vọng tìm cách thoát ra. Hai linh mục người Pháp là Urban và Guy cũng
không tránh khỏi thảm nạn: ông Urban thì bị trói và chôn sống. Còn ông
Guy thì may mắn hơn với một viên đạn vào sau gáy.
Mùng 13, khi có ai đó nói rằng ông Dũng đã bị bắn, xác chôn ở một khu ruộng gần nhà, mẹ ông Dũng cùng gia đình chạy đến để đào, tìm xác. Nhưng đó là một khu ruộng lớn, chỉ nhìn thôi cũng có cảm giác kiệt sức. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi mọi người đã hoàn toàn tuyệt vọng. Mẹ của ông Dũng đã tung đồng xu lên, cầu nguyện rằng nếu ông chết và bị vùi thây nơi đây, hãy để đồng xu rơi xuống nơi đó. Khi mọi người đến nơi đồng xu rơi, đào lên, thì thấy ông nằm dưới xác một người đồng sự của ông. Cả hai đã chết, không biết là bị bắn hay bị chôn sống. Và cũng vì vậy, đám giỗ của ông Dũng hàng năm được tổ chức vào mùng 13 Tết, một ngày vu vơ tạm bợ nào đó, nhưng hàng ngàn gia đình ở Huế đã cắn răng chọn cho người thân của mình, sau vụ thảm sát.
Tôi ngồi nghe câu chuyện của ông Dũng, từ một người thân của ông. Đó là
một người đàn ông năm nay đã gần 70 tuổi. Giọng kể chậm rãi, trầm trầm,
giống như câu chuyện đọc trước giờ đi ngủ cho trẻ con. Chỉ khác rằng nó
sẽ khiến bạn đi vào những cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt, vì đó là
sự man rợ mà những người Việt đã hành động trên quê hương mình, nhân
danh những nấc thang lên thiên đường từ Nga Sô hay Trung Cộng.
Mỗi năm, Tết về, tôi vẫn có thói quen hay tìm hỏi những người đã sống,
đã biết, đã chứng kiến thảm sát Mậu Thân, như một cách mặc niệm cho số
phận người Việt Nam bị chà đạp bởi hận thù và những lý tưởng xa vời với
tình yêu quê hương và dân tộc. Tôi để avatar của mình trên Facebook
không màu, như một cách để tang cho những con người đã vô vọng trước
họng súng và sự điên cuồng của đồng loại cùng màu da, tiếng nói. Đơn
giản vì tôi thương dân tộc mình, và tôi yêu sự thật.
Trịnh Công Sơn đã viết trong tạp Ca khúc Da vàng “Xác người nằm trôi
sông, phơi trên ruộng đồng Trên nóc nhà thành phố, trên những đường
quanh co”. Không có gì mô tả chân thực như bài hát đó. Lịch sử Việt
Nam hôm nay cũng bị bẻ quanh co, quanh những xác người vô tội như vậy,
bởi những người cầm quyền. Suốt nhiều năm, những người cộng sản miền Bắc
vẫn vỗ tay và gọi đó là một chiến thắng oanh liệt, còn một trong những
trí thức nổi tiếng đi trong vũng máu thảm sát 1968 đó, thì nói một cách
kiêu hãnh trên loạt phim tài liệu Vietnam: A History của Stanley
Karnow rằng “cần thì cũng phải giết, vì đó là những con rắn độc”. Nhưng
không có đạo lý nào công nhận loại chiến thắng chấp nhận dẫm đạp lên
sinh mạng của nhân dân mình. Đó chỉ là một tên gọi khác của thứ tội ác
ghê tởm.
Những mùa xuân thật buồn từ đó. Khi tôi đến Huế. Tôi lần bước đến sân
vận động, ra trường Gia Hội cũ… và nghĩ về những ngày không bao giờ cũ.
Mãi mãi không bao giờ cũ. Nếu người cầm quyền có lòng tự trọng và nhân
cách, họ sẽ ghi chép sự thật và được mai sau nhìn nhận. Còn nếu không,
chính nhân dân sẽ chép lại, lưu truyền ngàn đời bằng tất cả lòng khinh
khi và oán hận.
SƠN TRUNG * SUY NGHĨ VỀ LỆNH NHẬP CƯ CỦA TỔNG THỐNG TRUMP
SUY NGHĨ VỀ LỆNH NHẬP CƯ CỦA TỔNG THỐNG TRUMP
SƠN TRUNG
Tổng Thống Trump trong khi vận động tranh cử đã nói ông sẽ thắt chặt việc nhập cư vào Mỹ nay ông được chính thức làm Tổng Thống, ông đã thực thi lời hứa của ông. Trong chủ trương này, ông có hai chính sách: Một là cấm nhập cư và một là hạn chế nhập cư.
Chủ trương này có hai mục đích:
-Chống khủng bố, chống gián điệp
-Giành công việc cho dân Mỹ
Nước Mỹ và nhiều quốc gia khác bị khủng bố hoành hành, và kinh tế đình trệ vì dân Trung Quốc và các nước xâm nhập chiếm công ăn việclàm của dân Mỹ. Tại Việt Nam, Trung cộng mở xí nghiệp, lập các phố thị Trung Quốc, đấu thầu đắc lợi và họ đem người Trung Quốc nhập cư tự do trong khi dân Việt bị thất nghiệp. Bọn Cộng sản ăn tiền Trung Quốc và cam tâm làm tay sai Trung Cộng nên không hạn chế công nhân Trung Quốc xâm nhập, chiếm công việc của người Việt.
Các chính phù kể cả Mỹ vẫn không dám ngăn chận việc nhập cư trái phép. Mỹ, Nga, Anh có những đợt kiểm soát dân nhập cư trái phép, nhưng cũng chỉ làm chiếu lệ. Vì họ còn thả sợi câu dài, chưa đến lúc giật cá lên bỏ vào giỏ. Cũng có thể họ sĩ diện, và sợ thiên hạ phản đối.Biết đầu Obama và bà Clinton đã nâng đỡ đám Hồi giáo cực đoan và cũng sợ Trung Cộng như bọn Việt Cộng tay sai Trung Cộng!
Nay tổng thống Trump lên, thẳng tay giải quyết nạn di dân lâu. Ông Trump là nguyện vọng của nhân dân Mỹ. Ông Trump đã hiểu rõ tâm trạng nhân dân bất mãn vì chính quyền đem hãng xưởng, tiền bạc làm lợi cho Trung Cộng trong khi đó họ bỏ mặc kinh tế quốc gia suy thoái, nhân dân thất nghiệp. Chính phủ Obama che giấu nhưng nhờ tố giác của Trump, ta biết :
-Đến 2027, kinh tế Trung Quốc sẽ lớn nhất thế giới: Từ G. Bush cho đến Obama, nước Mỹ có khoảng 20 triệu-30 triệu người thất nghiệp.Mỹ đã không bảo vệ công ăn việc làm cho dân Mỹ.
-Kinh tế Trung Cộng tăng 90% , nhất là 2011 lên đến 97% trong khi Mỹ chỉ tăng 1.9%
-Mỗi năm Trung Cộng thặng dư 300 tỷ đô la, nghĩa là Mỹ mất 300 tỷ đô.
-Trung Cộng hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ, gần 50% đề nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ.
-Trung Cộng dùng tiền mua các công ty Mỹ, lũng đoạn kinh tế Mỹ. Hàng năm họ bỏ ra hàng nghìn tỷ đô la mua các công ty Mỹkinh doanh mà vẫn còn hàng tỷ do la trong ngân hàng.
Do đó, cấm hay hạn chế nhập cư đồng hành với việc cấm Trung Cộng lấn lướt và tiêu diệt kinh tế Mỹ.
Ông Trump cũng là đại diện cho xu thế toàn cầu chống Trung Cộng xâm
lược, chống Toàn cầu hóa sai lệch, một toàn cầu hóa có lợi cho Trung
Cộng gian xảo. Chính phủ Obama cũng phản đối Trung Cộng hạ giá đồng quan
kim, bảo hộ mậu dịch nhưng chỉ là gải lung cho Trung Cộng. Và cũng chỉ
là làm chiếu lệ. Vì chỉ có nước Mỹ và dân Mỹ khổ còn đám Obama,Clinton
có mất đồng xu nào đậu mà bắt họ phải tranh đấu!
Muốn chống
Trung quốc thao túng tiền tệ, hạ giá hàng bằng cách hạ giá đồng nhân
dân tệ thì phải áp dụng bảo hộ mâu dịch, đánh thuế cao hàng Trung Cộng.
Đó là đường lối chung của Âu Mỹ ngày nay không riêng gì nước Mỹ của
Trump.
Theo
nhận định hôm 12/11 của tờ Thời báo Tài chính (Anh), Liên minh châu Âu
(EU) đã sẵn sàng tăng cường thuế chống bán phá giá như một biện pháp
trừng phạt thương mại nhằm vào hàng hóa nhập khẩu tại thị trường nội địa.[...].Thép Trung Quốc
tràn ngập thị trường châu Âu, khiến sức ép đối với các nhà sản xuất nội
địa gia tăng, và việc làm giảm mạnh. Vì vậy, các sản phẩm thép nhập
khẩu từ Trung Quốc có thể tiếp tục là mục tiêu hàng đầu của các quy định
áp thuế chống bán phá giá.
Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Peter Ziga cho rằng "châu Âu không thể cứ mãi khờ khạo và cần phải bảo vệ lợi ích của mình."
Theo ông Ziga, EU cần điều chỉnh các biện
pháp bảo hộ mậu dịch được áp dụng suốt 15 năm qua, bởi thị trường thế
giới giờ đây đã thay đổi sâu sắc, toàn diện. Ủy ban châu Âu (EC) cùng
với Pháp và Đức đang thúc đẩy việc tăng thuế chống bán phá giá để bảo
vệ ngành thép châu Âu.
Những ai nghĩ rẳng Mỹ, Anh, Pháp nổi lên tinh thần dân túy là sai lầm.
Tất nhiên người làm chính trị chân chính đều phải phù tá quốc gia, dân
tộc, nhưng ta phải phân biệt dân tộc giả mạo như cộng sản hay dộc tộc
cực đoan như Hitler và Trung Cộng ngày nay. Nếu các ông đứng về phe
chống Trung Cộng xâm lược, các ông sẽ nghĩ khác. Người Quốc gia chống
Trung Cộng xậm lược là có chánh nghĩa, không phải cực đoan. Nếu bảo
người quốc gia theo chủ nghĩa dân túy hóa ra theo 16 chữ vàng là tốt đẹp
ư?Làm nô lệ cho Trung Cộng là quang vinh ư?
Thời Trần và hiện nay, dân ta bị Trung Cộng xâm lược. Trong Hịch tướng sĩ, Hưng Đạo vương viết:"
... ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu-nhương, gặp phải buổi gian-nan này, trông thấy những ngụy-sứ đi lại rầm-rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ-mắng triều-đình, đem thân dê chó mà bắt-nạt tổ-phụ, lại cậy thế Hốt tất Liệt (忽 必 烈) mà đòi ngọc-lụa, ỷ thế Vân-nam-vương để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai-vạ về sau![...]..Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm.
Nay Trung Cộng ở khắp nơi trên đất Việt, họ chiếm biên cương, hải đảo, chiếm công ăn việc làm của người Việt, họ còn xả độc hại biển cả Việt Nam khiến cho toàn dân căm giận trong khi bọn Việt Cộng đầu hàng ra tay giết hại , bỏ tù và đánh đập người yêu nước, vậy đó là tinh thần quốc gia hay quốc túy? Các ông Việt Nam mà phản đối Trump không hiểu họ là cái giống gì?
Thời Trần và hiện nay, dân ta bị Trung Cộng xâm lược. Trong Hịch tướng sĩ, Hưng Đạo vương viết:"
... ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu-nhương, gặp phải buổi gian-nan này, trông thấy những ngụy-sứ đi lại rầm-rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ-mắng triều-đình, đem thân dê chó mà bắt-nạt tổ-phụ, lại cậy thế Hốt tất Liệt (忽 必 烈) mà đòi ngọc-lụa, ỷ thế Vân-nam-vương để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai-vạ về sau![...]..Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm.
Nay Trung Cộng ở khắp nơi trên đất Việt, họ chiếm biên cương, hải đảo, chiếm công ăn việc làm của người Việt, họ còn xả độc hại biển cả Việt Nam khiến cho toàn dân căm giận trong khi bọn Việt Cộng đầu hàng ra tay giết hại , bỏ tù và đánh đập người yêu nước, vậy đó là tinh thần quốc gia hay quốc túy? Các ông Việt Nam mà phản đối Trump không hiểu họ là cái giống gì?
Việc cấm nhập cư hay hạn chế, đình hoãn nhập cư là quyền của nước Mỹ và
Tổng Thống Mỹ. Không có luật pháp nào bắt buộc phải rước di dân lậu và
mở toang cánh cửa cho mọi người- kể cà kẻ gian vào ra- Nước độc lập có
chủ quyền. Chọn bạn mà chơi. Với sói beo, cọp thì phải đóng cửa. Không
thể chỉ trich việc "bế môn tỏa cảng".Người ta mạnh phá cửa xông vào, ta
bại trận phải chịu mà thôi.
Cũng như ngày xuân, ta hết tiền phải bế môn tạ khách. Ai cười, ai chửi
cũng đành. Người ta thông cảm hay quở trách cũng được, nhưng không luật
pháp nào bắt ta ngày giỗ, ngày tết phải mời khách.
Thế thì tại sao các ông tai to mặt lớn và tiểu nhân đếu nhao nhao phản đối?
-Họ bảo việc cấm 7 quốc gia Hồi giáo là sai lầm vì chỉ một số người Hồi
giáo cực đoan chứ không phải toàn thể quốc gia là khủng bố. Các ông nói
đúng nhưng làm sao tìm ra những kẻ khủng bố? Thôi đành cấm chung cho đỡ
lo sợ!
Tại sao Trump không cấm tất cả các quốc gia Hồi giáo mà chỉ cấm bảy nước? Các nước này nên trách mình trước khi trách người. Tục ngữ Việt Nam có câu:
Một người làm quan cả họ được cậy
Một người làm bậy cả họ mất nhờ
Tổng Thống Trump là người cơ trí. Nếu ông ù lì như Obama, Clinton mặc cho Hồi giáo cực đoan và Trung Cộng thao túng thì cứ ngủ yên theo kiểu " sống chết mặc bay" chỉ có dân Mỹ là thiệt hại. Mỹ mà thiệt hại, thế giới có an toàn không? Nay tổng thống Trump lên tiếng đòi Trung Công buôn bán ngay thẳng, và từ bỏ mộng chiếm Biển Đông ắt là Trung Cộng liên thủ với Hồi giáo cực đoan để đánh phá Mỹ và thế giới. Ông lo sợ chiến tranh và đưa ra biện pháp đề phòng chiến tranh xảy ra,Thà ngăn chận còn hơn để xảy ra chiến tranh phải giết hại, cô lập hay trả họ về nước...
Những biện pháp đó càng gây khó khăn. Nhiều bậc thánh cho đó là không nhân đạo nhưng sao bằng Cộng sản giết hàng loạt không cần phải tuyên án. Mao Trạch Đông chủ trương giết 5% dân số cho an toàn. Việt Cộng giết gần triệu người trong CCRĐ và Chỉnh Đốn đảng và Mậu thân thì sao? Ai đã lên tiếng phản đối? Những người phản đối Trump nếu không là tay sai Trung Cộng và Hồi giáo cực đoan thì cũng là những kẻ thiếu lý trí trong giai đoạn nguy hiểm hiện nay. Dẫu sao, nước Mỹ nhân từ, sau khi dẹp xong Trung Cộng và ISIS, tình hình bình thường sẽ trở lại.Có cuộc giải phẩu nào mà không gây đau?
Tại sao Trump không cấm tất cả các quốc gia Hồi giáo mà chỉ cấm bảy nước? Các nước này nên trách mình trước khi trách người. Tục ngữ Việt Nam có câu:
Một người làm quan cả họ được cậy
Một người làm bậy cả họ mất nhờ
Tổng Thống Trump là người cơ trí. Nếu ông ù lì như Obama, Clinton mặc cho Hồi giáo cực đoan và Trung Cộng thao túng thì cứ ngủ yên theo kiểu " sống chết mặc bay" chỉ có dân Mỹ là thiệt hại. Mỹ mà thiệt hại, thế giới có an toàn không? Nay tổng thống Trump lên tiếng đòi Trung Công buôn bán ngay thẳng, và từ bỏ mộng chiếm Biển Đông ắt là Trung Cộng liên thủ với Hồi giáo cực đoan để đánh phá Mỹ và thế giới. Ông lo sợ chiến tranh và đưa ra biện pháp đề phòng chiến tranh xảy ra,Thà ngăn chận còn hơn để xảy ra chiến tranh phải giết hại, cô lập hay trả họ về nước...
Những biện pháp đó càng gây khó khăn. Nhiều bậc thánh cho đó là không nhân đạo nhưng sao bằng Cộng sản giết hàng loạt không cần phải tuyên án. Mao Trạch Đông chủ trương giết 5% dân số cho an toàn. Việt Cộng giết gần triệu người trong CCRĐ và Chỉnh Đốn đảng và Mậu thân thì sao? Ai đã lên tiếng phản đối? Những người phản đối Trump nếu không là tay sai Trung Cộng và Hồi giáo cực đoan thì cũng là những kẻ thiếu lý trí trong giai đoạn nguy hiểm hiện nay. Dẫu sao, nước Mỹ nhân từ, sau khi dẹp xong Trung Cộng và ISIS, tình hình bình thường sẽ trở lại.Có cuộc giải phẩu nào mà không gây đau?
-Còn việc hoãn, hay hạn chế nhập cư thì cũng đành, trong khi gia chủ bận
rộn, thì việc đóng cửa tạ khách cũng là thường, sao lại phản đối! Phài
từ từ cho chủ nhà giải quyết.Singapore không nhận dân nhập cư thì có ai
phản đối?
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan hôm qua tỏ ý ủng hộ quyết định của tân tổng thống.
“Nhiệm vụ số 1 của chúng tôi (Mỹ) là bảo
vệ quốc gia. Mỹ là một đất nước nhân ái và tôi ủng hộ lệnh tái định cư
cho người tị nạn, nhưng bây giờ là thời điểm để đánh giá lại và củng cố
quá trình rà soát thị thực. Tổng thống Trump đã đúng khi thực hiện điều
đó, để đảm bảo chúng ta nắm được ai đang vào Mỹ”, ông nói.
Anh, Đức đều phản đối chính sách nhập cư của Trump.
Nhiều chính trị gia Đức cũng lên tiếng chỉ trích sắc lệnh mới của Tổng thống Trump. Lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội Thomas Oppermann khẳng định đây là một quyết định "vô nhân đạo và dại dột", có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới kinh tế Mỹ.[...].Thủ tướng Anh Theresa May trong khi đó cho rằng chính sách nhập cư vào Mỹ là vấn đề của chính phủ nước này. Tuy nhiên, bà cho biết Anh không chấp nhận cách tiếp cận của Tổng thống Trump và sẽ không đi theo con đường này
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/duc-anh-chi-trich-sac-lenh-cam-nguoi-hoi-giao-cua-trump-3534518.html
Nếu tại LHQ, có cuộc bàn luận về chánh sách nhập cư của Tổng Thống Mỹ, quý vị đại biểu nên im lặng cho các phái đoàn Trung Đông lên tiếng . Quý vị im lặng là vàng, không nên bênh vực kẻ ác.
Việt Nam ta bị cộng sản xâm chiếm, bỏ tù, tịch thu tài sản nên phải bỏ nước ra đi, mong các nước Âu Mỹ ra tay tế độ. Hành động này thuận lý. Nước nào cho ta định cư, ta cám ơn, họ không cho là quyền của họ, ta không tức giận, chống đối! Dân miền Bắc XHCN con ông cháu cha, đi lao động quốc tế, nhân hàng rào Berin sập đổ mà chạy qua Tây phương. Khi Đức đòi trả họ về Việt Nam, Việt Cộng đòi tiền thật cao, để khỏi rươc nợ về , còn đám Việt Cộng nhí này ban đầu tự hào bách chiến bách thắng, bị đuổi về bèn sợ hãi, liền giả dạng đấu tranh chống Cộng. Họ cũng không lên tiếng phản đối Đức! Nói chung dân Việt Nam biết điều!
Người ta đóng cửa mà mình chửi rũa người ta thì chẳng khác gì mấy ông ăn mày ở Việt Nam người ta không cho tiền thì mắng nhiếc và bôi bẩn vào người ta!(Tệ trạng này xảy ra sau 1975 nhập cảng từ Bắc XHCN)
Một số người chỉ trich Tổng Thống Trump kỳ thị chủng tộc. Điều này là quá đáng và sai lầm Trong bữa tiệc, chủ nhân có quyền mời người này mà không mời kẻ khác. Đó là quyền của chủ nhà, ta không thể bảo chủ nhà trọng phú khinh bần hay kỳ thị này nọ. Hơn nữa điều rõ ràng là đám Trung Đông quá khích thù hận Thiên chúa giáo, Phật giáo khủng bố khắp nơi, cho nên Trump cấm cửa một số quốc gia là họp lý.
Nước Mỹ ngày nay đã đưa một số người da đen và Trung Đông vào chính phủ cho nên không thể bảo Mỹ kỳ thị. Trump ngăn chân nhận cư chỉ là trường hợp đặc biệt trong tình thế đặc biệt. Từ Mao cho đến Tập Cận Bình, Trung Cộng luôn thù hận Mỹ mặc dầu quá khứ và hiện tại, Mỹ đã giúp đỡ Trung Cộng, vậy có ai lên tiếng tố cáo Trung Cộng kỳ thị và gây chiến tranh?
Còn các nước Phi châu và Trung Đông một số từ trước luôn chửi Mỹ, ninh hót Liên Xô và Trung Cộng. Gần đây họ thác lời bà Vaga để nguyển rũa Âu, Mỹ, nào là tổng thống Mỹ da đen là tổng thống cuối cùng của nước Mỹ, nào là châu Âu bị tận diệt, giáo hoàng hiện này là giáo hoàng chót, Mỹ sẽ thảm bại trong năm 2016, Nga và Trung Cộng làm bá chủ. Họ nói thế mà các vị không hiểu ư? Họ ác thế mà quý vị còn bênh vực ư? Kẻ bạo tàn trong đó có cộng sản thường nói:"Theo ta thì sống, chống ta thì chết". Họ chống ta, ta không giết họ là nhân từ lắm rồi! Họ ghét Âu Mỹ, yêu quý Nga và Trung Cộng, sao không di dân sang Nga và Trung cộng cho hợp tình hợp lý?
Một số người Phi châu và Trung Đông tốt, hòa hợp với Âu, Mỹ. Một số kiêu căng, xấc xược, đòi hỏi đủ thứ. Họ là dân ngụ cư mà làm như chủ nhà! Thủ tướng Úc đã bảo thẳng đám này:"Nhập gia phải tùy tục. Nếu các ông thich này thích kia thì về nước mà ở "! Câu nói chí lý thay!
Trước đây, Mỹ rộng mở cửa đón di dân nhập cư, nay tình thế khó khăn về an ninh và kinh tế, Mỹ phải khép cửa lại. Cá nước khác có lòng tốt cứ việc đón nhiều vào dân tị nạn. Đó là một việc chứng tỏ các ông có lòng tốt hơn Trump!Họ nhân đạo sao không bỏ tiền, dành đất cho dân tị nạn nhiếu nhièu mà phải lấy tiền Mỹ và đất Mỹ để thực hiện cái nhân nghĩa đầu môi chót lữi của họ.
Trong các nước, có lẽ Pháp là có kinh nghiệm nhiều về đám di dân, nhất là di dân bất hợp pháp. Họ từ châu Phi và Trung Đông tràn vào, Pháp dễ dãi cho nên đã bị khủng bố tung hoành. Nước Đúc hào phóng đón người nhập cư cũng bị nhiều vố thảm thương. Trông gương đó, nước Mỹ phải đề phòng chuyện tất nhiên. Chúng tôi những người Việt Nam gần thế kỷ trong chiến tranh, trong tù đày, giết hậi, khủng bố và phá hoại của Trung Cộbng và Việt Cộng cho nên chúng tôi hoan nghênh việc tạm thời phải kiểm soát nghiêm ngặt nhập cư, vừa bảo đảm an ninh cho Mỹ, cho thế giới, vừa trừ nạn buôn người, đã gây ra tai họa cho kinh tế, và xã hội.
Nay các nước đua nhau chống lệnh nhập cư của Tổng thống Trump chứng tỏ Mỹ là mồi ngon chứ không phải là quốc gia tồi tệ không ai muốn bước vào. Tại sao họ không đi Nga, đi Trung Quốc nhĩ? Đường rộng không đi sao lại đua nhau chen ngõ hẹp?
No comments:
Post a Comment